Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Nhà văn Việt Nam ở đâu? – Nói chuyện & thảo luận (ghi nhanh)

Inrasara

Cà-phê Văn học, 8-6-2019
MỞ. Chúng ta hay nói nghệ thuật liên quan đến hiện thực. Riêng hiện thực xã hội, đâu là hiện thực nóng nhất của đất nước mươi năm qua? Và đâu là bài thơ gây chú ý nhất? Thử điểm mặt 2 bài thơ nổi bật được chọn từ 2 phía: Chính thống & phi chính thống.


Trần Thị Lam
ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Nguyễn Việt Chiến
TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không…
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
Ta thấy gì? Tạm cho vào ngoặt “tâm tốt” của tác giả, dễ thấy nghệ thuật ý định phục vụ cái gì đó đều xác nhận thông báo: Nhân dân nào nghệ thuật nấy!
Điểm qua các thời kì nhận thức "sứ mệnh" của văn học Việt Nam…
TRANH LUẬN HỌC THUẬT
Cuộc tranh luận học thuật thập niên 1930 về Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh bị thô sơ hóa thành nghệ thuật thuần túy và nghệ thuật phục vụ quần chúng lao động, phục vụ giai cấp công nông. Cuối rốt, tranh luận bị đẩy sang lãnh địa chính trị mang tính quy chụp.
Hoài Thanh, “Văn chương là Văn chương” trên báo Tràng An, trả lời Hải Triều: “Các ông cứ nói rằng các ông về phe với người lao khổ, còn tôi về phe những người giàu, những người đi bóc lột anh em lao khổ.”
Nghĩa là kẻ chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật là bọn xấu, vô tâm với nỗi thống khổ của nhân quần, rất đáng bị loại bỏ.
VỊ NHÂN SINH “TOÀN THẮNG” ở miền Bắc
Trích kết luận tổng thuật của web Đại học KHXH&NV:
“Chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh của phái Hải Triều là đúng đắn, tiến bộ, mở đầu cho sự chiến thắng của quan điểm nghệ thuật Mác-xít về sau. Phái Hoài Thanh chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật là sai lầm, vừa có hại cho sự nghiệp cách mạng, vừa có hại cho sự phát triển văn chương.”
Thắng thế, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa dựng lên loại văn học phải đạo, tại đó tiểu thuyết minh họa, văn xuôi ca tụng và tố cáo, thơ vần vè dễ hiểu phục vụ công nông lên ngôi.
Thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi bị mang ra đấu tố, còn ý hướng đổi mới thơ của Nhân văn - Giai phẩm bị đàn áp, giập tắt, những người chủ trương bị cô lập, đày đọa.
PHẢN TỈNH, sau khi văn nghệ sĩ được “cởi trói”
Vương Trí Nhàn cho rằng Nguyễn Khải viết Đi tìm cái tôi đã mất chỉ “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” cốt để xếp hàng ở hai cửa.
Chế Lan Viên không khác, dù qua Di cảo thơ vẫn nhận rõ cái “bánh vẽ” ấy, nhưng ông chưa thái độ quyết liệt chối bỏ phần thưởng có được từ miếng bánh vẽ kia. Nghĩa là “tận trong thâm tâm” ông vẫn tiếp tục nhai “ngồm ngoàm” nó.
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...”
Nguyễn Minh Châu: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”: “… văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn…”
PHẢN KHÁNG, tạm nêu 3 ca tiêu biểu.
Nguyễn Quốc Chánh: Của căn cước ẩn dụ (tự xuất bản, 2001):
"Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vậy. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép (...)
Viết, in và phát hành trong sự cho phép, là một cách tiếp tay với sự phản động theo nghĩa là kéo dài những biến tướng. Bởi nó ít có tác dụng thúc đẩy. Mà chỉ thêm những kẻ đồng lõa với âm mưu bóp chết tự do cá nhân.
Tôi có mấy chục người quen, một ít người bạn, và chỉ với cái văn minh vi tính, thơ tôi có thể được đọc một cách sạch sẽ mà không phải khom xuống để chui qua sự khám xét nào."
Nhóm Mở Miệng gồm Ly Doi, Bui Chát và 4 khuôn mặt trẻ, họ không còn “ngu” như Chánh nữa, mà ý thức và hành động ngay khi xuất hiện. Họ lập Nhà xuất bản Giấy Vụn in sáng tác của mình, của người viết cùng chí hướng… kéo theo phong trào in ngoài luồng nở rộ và phát triển đến hôm nay.
Văn học mạng ra đời, bật lên các tên tuổi "phản kháng" sáng giá: Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Lê Vĩnh Tài
Cuối cùng từ giữa lòng văn học chính thống, một tổ chức văn học tự do là Ban Vận động Văn đoàn Độc lập cùng web Văn Việt ra đời thu hút nhiều nhà văn nhập cuộc.
Nhà văn Việt Nam NHẬP THẾ
Thế giới mở, nhân loại sống trong làng toàn cầu, ngoài những cây bút vẫn cam tâm làm nô bộc, còn thì văn nghệ sĩ Việt Nam đã thức tỉnh và nhập cuộc, hoặc “bị đẩy xuống con tàu” thời cuộc.
Trở lại với câu hỏi ban đầu: Đâu là sự kiện nóng nhất của đất nước mươi năm qua? – Hoàng Sa - Trường Sa.
Trích đoạn, Inrasara, “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011:
[Ngay khi sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa kì nhất], “Tiền Vệ đã mở ngay chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa” thu hút cả trăm tác giả hậu hiện đại [và không hậu hiện đại] vào cuộc. Sang kì hai, nhiều tên tuổi không hành động theo kiểu cũ nữa, mà dịch chuyển qua không gian "Đối thoại" với chuyên đề "Chủ quyền lãnh thổ". Thế chỗ thơ văn là các tùy bút, bài báo, hay thậm chí chỉ là mấy đoạn văn ngắn đốp chát kẻ thù, hoặc phản biện lại bàng quan cùng bao biện các loại. Những đối đáp không úp mở hay núp bóng "ẩn dụ" mà thẳng thừng và trực diện.”
Cạnh đó là kháng thư các loại được nhà văn thảo và phát đi, về Bauxite Tây Nguyên, Tu viện Bát Nhã, Formosa, Vĩnh Tân…
Chưa kể các cuộc xuống đường với không ít văn nghệ sĩ tham gia và bị bắt. Nhà văn Việt Nam đã nhập thế theo nghĩa rộng nhất của từ này.
KẾT. Tại sao gọi là “NHÂN SINH VỊ NGHỆ THUẬT”?
Nguyễn Nhật Ánh vị nhân sinh theo cách của mình: viết phục vụ lứa tuổi thiếu niên. Là tốt! Dẫu sao nỗi “vị nhân sinh” dễ chuyển hướng sang cực đoan thô thiển như thượng dẫn, qua đó bóp chết nghệ thuật.
Còn “vị nghệ thuật” như là một phiêu lưu vào vùng khuất chưa được khai phá của tâm hồn con người, và tìm những biểu đạt mới lạ. Rất đáng xiển dương. Tuy nhiên, nỗi "duy" cũng nguy cơ đẩy nghệ sĩ chìm tháp ngà, khiến nghệ thuật tách rời hẳn khỏi đời sống.
Ở chiều kích Tư tưởng, nghệ thuật và cuộc đời làm một. Van Gogh làm nghệ thuật không vị gì, không vì đâu, không tại sao, mà BỞI VÌ: ông biến nghệ thuật thành ĐẠO.
Nguyễn Việt Chiến có tâm tốt. Trần Thị Lam còn hơn thế. Nhưng nghệ thuật ấy cứ ở lại thuở tiền-Tiền chiến! Nhân dân nào nghệ thuật nấy. Văn học Việt Nam mãi làm trì trệ, và lạc hậu. Làm gì?
Ba đỉnh của tam giác: Người viết – Tác phẩm – Người đọc, trong khung tam giác là Cơ chế. Một Cơ chế đóng, mãi tìm mọi cách “trói” kẻ sáng tạo thì làm sao nhà văn Việt Nam có thể đẻ ra tác phẩm hay, độc đáo? Người đọc chưa nhận được nền giáo dục mở, thì làm gì có khả năng chọn tác phẩm hay, có tầm để thưởng thức?
Một nền văn học tự do không chỉ viết tự do, mà còn in tự do, đọc tự do, học tự do, bình luận tự do… Mọi mọi tự do ấy vô ngại trong một xã hội tự do.
Đó là chưa kể văn học tiếng Việt không chỉ giới hạn ở phạm vi đất nước hình chữ S.
Nghệ thuật là tự do. Con người là một “văn bản” – hậu hiện đại nói thế. Nghệ sĩ cũng là một văn bản. Một nghệ sĩ đích thực thức nhận sâu thẳm văn bản, nhìn nó như là thế, để làm cái nhảy quyết định vào vực thẳm tự do, và từ trung tâm ấy, hắn hành động. Ở đó nghệ thuật không vị gì, không vì đâu, không tại sao, mà BỞI VÌ. Như hoa hồng nở BỞI VÌ hoa hồng nở.
*
3 ví dụ minh họa:
Thơ phản tỉnh: “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên và “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát.
Nghệ thuật trình diễn mang tính thời cuộc: “Cắt” củaLê Anh Hoài so với nghệ thuật trình diễn “hiện đại” của Dương Tường;
Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của Trần Thị Lam và bài thơ hậu hiện đại đầy sáng tạo: “Biển kể về nhiều chuyện khác” của Lê Vĩnh Tài.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi, hoa, thực vật và trong nhà

Nguồn: FB Inrasara