Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Lan man với trang phây của Lý Thủ tướng...

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 31/5/2019, trên trang Facebook của mình, trong một status về thủ tướng Thái Lan, ông Prem Tinsulanonda, thủ tướng Lý Hiển Long viết: “Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ" (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48555379). Ông Lý viết tiếng Anh, “xâm lược” được dịch từ chữ “invasion”.

Tiếp theo bài viết về đề tài này ngày 06/6/2019 (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/nhn-mot-kien-cua-thu-tuong-l-hien-long/), bài viết này xin nêu ý kến từ một khía cạnh khác. Cũng xin nói rõ, bài viết chỉ quan tâm tới các vấn đề của Việt Nam, vì mục đích góp ý và thảo luận với bà con, anh em người Việt.

A. CHẶT ĐẦU GIẤC MƠ CHÂN CHẤT

Gốc gác gia đình tôi ở biên giới Việt – Kampuchia, tỉnh An Giang. Vài năm, mùa nước nổi, tôi về quê chơi, xế xế cùng anh em bà con ra giồng đào củ khoai, củ sắn, đậu phọng... đem xuống ghe ra chỗ đặt lọp bắt cá nướng lên, nhắp vài chung rượu, gõ sàn ghe nghe đàn ca tài tử. Chiều rực rỡ ráng, người ngà ngà rượu rồi thì thôn nữ nông dân tay chưn đóng bùn thấy cũng giống Thanh Nga, Thành Được... Mấy thằng em họ nghe tui kể bắt tay Thanh Kim Huệ thì hít hà. Tay cổ trắng không anh, tay cổ mềm không anh? Em mà bắt được tay cổ rồi dìa cho cổ hết mùa lúa em cũng ưng... Tụi bây, uống một cái mừng anh Út tao bắt tay Thanh Kim Huệ!

Năm 1977 nghe tin báo từ quê lên Sài Gòn rằng lính Pôn Pốt qua biên giới giết dân mình. Mấy năm trước thỉnh thoảng tụi nó lén lén qua, giết vài mạng. Giờ ngang nhiên tràn tới giết người, đốt nhà, bỏ đi.

Giữa năm 1977, ra giồng nghe dì kể chuyện hai vợ chồng em họ bị chặt đầu, xả xác. Là cái thằng có mong ước chân chất được bắt tay Thanh Kim Huệ! Đem tụi nó về chôn đây nè, thấy xác tan nát thảm lắm con ơi. Chỉ hai đứa nhỏ chơi lăn lóc trên sàn, dì nói cháu nội dì dì nuôi chứ gởi ai, không biết sống tới lúc tụi nó lớn không. Dì dắt ra ngoài chỉ xuống sông, ghe nằm lớp lớp cặp bờ. Đó, con coi, nhà nào cũng để sẵn thùng gạo, lu nước, hũ muối dưới ghe. Nghe tiếng thau, tiếng mâm đập chuyền từ xa là ôm xách con nhảy xuống chèo xuôi dòng sâu vô trong đất.

Từ đó trở đi tới cuối năm 1977 và sang năm 1978 sự việc càng táo tợn và dã man hơn. Các địa danh Vĩnh Xương, Vĩnh Gia, Vĩnh Tường, Ba Chúc..., một đêm giặc tràn qua để lại hàng trăm, hàng ngàn xác người không nguyên vẹn!

Trai tráng sục sôi đòi đánh giặc. Xã đội, huyện đội căm phẫn chĩa súng lên trời!

Bà con chạy giặc lên Sài Gòn tị nạn tại nhà tôi, ban đêm nằm ngủ sắp lớp dưới đất, tức tưởi than khóc người thân. Sáng sáng vào cơ quan thì nghe loa vang vang “Việt Nam, Kampuchia là hai quốc gia cách mạng đồng chí với nhau. Đừng nghe lời xuyên tạc của bọn phản động tung tin nhằm chia rẻ hai đảng và hai nhà nước Việt Nam - Kampuchia...”.

Sau những tin đồn râm ran, cuối năm 1978, quân Pôn Pốt tấn công Việt Nam, từ Tây Ninh tới Kiên Giang. Việt Nam đánh trả, tiến quân vào lãnh thổ Kampuchia và sau hai tuần đẩy chế độ Pôn Pốt ra khỏi Nam Vang (Phnompênh), hỗ trợ sự thành lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch. Kể từ đó chấm dứt các cuộc tàn sát người Việt! Cũng chấm dứt cuộc diệt chủng do Khmer Đỏ tiến hành trong 5 năm họ nắm quyền cai trị Kampuchia với khoảng 2 triệu người chết, một phần năm dân số!

Trong suốt 10 năm, khoảng 50 ngàn bộ đội tình nguyện Việt Nam chết trên chiến trường Kampuchia. Nhiều người sống trong không khí khủng hoảng thường trực lo sợ vướng mìn bị cắt cụt chân.

Tôi có người bạn nhỏ hơn năm bảy tuổi, gốc An Giang là bạn thân của thằng em bà con bị Pôn Pốt giết, đi bộ đội đánh với Khmer đỏ. Năm 1982 cùng một nhóm đồng đội bỏ ngũ băng sông bơi về Việt Nam. Sống không nổi tại địa phương, rủ nhau theo ghe vượt biên, trót lọt, được Canada cho định cư.

Tha hương ngộ cố tri! Thuê cái nhà tại Vancouver, tôi tầng trệt, nó tầng trên. Một tối về trễ, rủ nhau đi bộ ra ngoài ăn khuya, hai lon bia, hai tô cháo trắng cá cơm kho quẹt, một tô giá 12 đô la Canada. Năm 1992 giá đó mắc, nhớ nhà mà ăn!

- Thằng Sáu em của anh chết thảm lắm. Đem nó về em chắp xác nó mà. Đứt lìa cổ, ruột lòi lòng thòng, mà sao không sợ nghe anh! Hai đứa lội sông đi học suốt thời nhỏ...

- Tới giờ có đêm em còn mơ thấy bị mìn phạt cụt chưn. Bộ đội mình hiền lắm anh. Tụi em đứa làm ruộng, đứa vá xe, bị hốt qua Kampuchia đánh. Lúc đánh thì gan, lúc hết đánh thằng nào cũng sợ. Chết hổng sợ, sợ cụt chưn về nhà ba má phải nuôi. Ổng bả già hết rồi!

- Tụi em băng rừng, bụi. Tới sông ngó bên kia là Việt Nam, đứa nào cũng khóc. Tối đó tụi em tháo súng thẩy xuống giữa sông, không cho ai lấy đi ăn cướp. Bơi qua sông, chia tay nhau thằng nào về nhà đó.

- Đi lén lút chớ đâu dám ra lộ chánh! Tới Tri Tôn nhờ chú ruột báo cho ông già ở Thường Phước. Ổng lên thăm biểu ở nhờ nhà chú, đừng về nhà mình bị tụi nó bắt lại. Em luân lạc qua Bạc Liêu làm nghề sửa xe Honda. Biết sửa máy ghe nên năm sau người ta cho một chỗ vượt biên. Tới giờ cũng chưa về quê. Ông già mất rối. Chưa nuôi được ổng ngày nào!

B. KẺ THÙ VÀ KẺ PHẢN BỘI

Với một quá khứ đau thương, chết chóc như vậy, nhiều người Việt tức giận với ý kiến của ông Lý là điều dễ hiểu. Trong mối tương tác Phây của tui, khoảng 80% stt hay comments nghiêng về phản đối. Không ít trong số đó thóa mạ.

Một lập luận được không ít người theo là:

“Việt Nam đưa quân vào Kampuchia là để cứu dân mình và cứu dân Kampuchia ra khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt”.

Từ đó mà kết luận:

“Người nào không thấy điều đó là không thấy được chính nghĩa của Việt Nam, là không đau xót cho hàng vạn người Việt và hàng triệu người Khmer chết vì chế độ Pôn Pốt, hay thậm chí là phản bội máu xương người đã khuất!”

Thôi thì tạm đồng ý với vế trên. Nhưng từ vế trên mà hạ xuống vế dưới tôi e không chuẩn. Làm sao dám chắc người có quan điểm khác là “không đau xót cho hàng vạn người Việt và hàng triệu người Khmer chết”? Xác quyết như vậy có nghĩa là chụp mũ người khác và chặn mọi đường thảo luận.

Người Việt tỉnh táo một chút đều biết cuộc chiến Việt Nam – Kampuchia rất tai hại cho tổ quốc. Số thương vong lớn, đã đành. Còn hậu quả trên sự chậm phát triển dân tộc thì thực là khủng khiếp. Mười năm trong thời gian nền kinh tế thế giới bùng nổ, Việt Nam với năng lượng của sự thống nhất và thế mạnh phát triển rõ rệt của mình lại sa lầy trên đất Kampuchia và chịu cấm vận nghiệt ngã. Bừng con mắt dậy thấy mình tay không! Khi bắt đầu gia nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, các quốc gia cạnh tranh vượt xa, còn Trung Quốc đã vươn vai 10 năm trước đó. Việt Nam ở vị thế bất lợi trong tương quan lực lượng, so sánh cạnh tranh.

Nếu Việt Nam không bị trói tay tại Kampuchia, nền chính trị và kinh tế được mở cửa trước 10 năm, dân trí phát triển hơn, thì khi thời cuộc xảy ra biến cố Đông Âu, Việt Nam có phải “lụy” với Trung Quốc như lời cảm thán của cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không? Hay Việt Nam đã rẽ sang một đường phát triển khác đầy triển vọng?

Thực ra, dù Việt Nam nghĩ rằng chính nghĩa, trên thực tế không ít các nước cho cuộc chiến Việt Nam – Kampuchia là “xâm lược”! Ý kiến của thủ tướng Lý Hiển Long phản ánh thực tế này. Nếu Việt Nam theo các chuẩn mực của đa số các nước, kiên trì hơn trong các hoạt động ngoại giao thuyết phục quốc tế, tỏ lòng thành, thì cho dù có xuất quân tấn công Kampuchia và lật đổ chế độ Pôn Pốt, phải chăng Việt Nam có thể có một lối thoát được quốc tế thông cảm hơn, ít tổn thất lâu dài hơn, tránh một cuộc cấm vận nghiệt ngã?

Nhưng, vấn đề không chỉ khu biệt trong mối quan hệ Việt Nam – Kampuchia. Sau cuộc thống nhất năm 1975, nếu Việt Nam thực tế hơn, khiêm tốn hơn, tập trung lo đoàn kết dân tộc để phát triển kinh tế, không thách thức Trung Quốc bằng cách ngả hẳn về Liên Xô, tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, thì có tránh được cuộc chiến hao tổn Việt Nam – Kampuchia không? Tránh cuộc chiến Trung Quốc – Việt Nam tiếp theo không? Những cuộc chiến đó có phải là con đường duy nhất mà tuổi trẻ Việt Nam phải nghiến răng xông vào cho dù bị đốt rụi trong lò lửa chiến tranh?

Những điều nhiều người Việt không mong muốn đã xảy ra. Lịch sử không có chữ nếu nhưng cho ta những bài học quí giá cho tương lai. Cần phải học nếu muốn tránh những tổn thất quá lớn như trong quá khứ: tổn thất sinh mạng, tổn thất cơ hội, tổn thất lòng tin. Cả tổn thất những giá trị đạo đức cốt lõi từng gắn kết người Việt qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước!

Trong khi không cho rằng bất kỳ người Việt Nam nào kẻ địch, tôi lại nghĩ phải chăng tính cố chấp, bị mắt, bịt tai với các ý kiến trái chiều chính là Kẻ Địch rất lớn trên con đường phát triển quốc gia giàu mạnh và văn minh?

Những dòng này nêu lên một cách nhìn, mong được thảo luận với các anh chị có cùng mối quan tâm. Tác giả tin rằng những thảo luận đa chiều giúp xã hội bớt phiến diện, kiến thức chung của xã hội tăng lên, các thành viên của nó lắng nghe nhau, thông cảm và hợp tác, chia rẽ xã hội giảm dần...

Có thể chăng đó là một giải pháp giúp người Việt bớt lay hoay trong vòng xoáy xung đột tư tưởng cực đoan giữa những thành phần dân tộc cứ mãi xem nhau thù địch? Thoát khỏi vòng xoáy đó, chúng ta đầy hi vọng sẽ thoát khỏi cái bẫy kềm hãm sự phát triển đất nước.

Ngày 08 tháng 6 năm 2019