Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Đẻ sách (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương 2

Theo chân những người tỵ nạn

2.1

Từ đây nhà văn ăn tim - ông David O'Donovan - hầu như trở thành người quan sát, không là người viết sách nữa. Ở chương này, ông hành nghề của mình, một nhà báo chuyên làm phỏng vấn.

Với số phát hành không cao so với báo chí ở tiểu bang Victoria, tuần san văn nghệ - giải trí The Kangaroo chọn độc giả là tầng lớp phụ nữ trung lưu, coi gia đình là trọng.

Chiều muộn giữa thu, tại một góc phòng Biên tập. Các biên tập viên khác như đã ra khỏi tòa nhà. Nếu không về hẳn thì họ đang bịn rịn ở hai café song sinh với tờ báo, một cái cùng bên này đường cách trăm mét, một cái bên kia. Cả hai đều cạnh bến xe buýt. Rời quán ra xe, về nhà hoặc đến một nơi hẹn, đối với họ luôn là quyết định quan trọng và khó khăn nhất trong một ngày làm việc.

Chủ bút The Kangaroo nhiều lần đứng đằng sau David O'Donovan, lần này bà lên tiếng:

- Bà ta đã nhận lời?

- Chưa chắc lắm...

- Có thể hy vọng?

- Có thể… Trang mạng The Kangaroo đang gây tiếng vang bên đó. Vả lại, người tiến cử có uy với bà ấy.

- OK! Nếu được lượng bài vở như dự tính thì sẽ đi liên tục bốn kỳ, khởi đăng từ tháng Tám. Còn nếu không, buộc phải thay bằng một tác giả nào đó ăn tay. Như đã hứa với bạn đọc.

Vẫn với từ “bạn đọc” ở vị trí cuối cùng của câu cuối cùng trước khi quay lưng lại người đối mặt, bà Chủ bút rời phòng Biên tập về phòng Chủ bút. Cũng lúc con quạ đen tinh nghịch cứ đến đó đậu trên cột điện, chổng đuôi vào cửa sổ phòng Biên tập, kêu quang quác tới cả vài phút. O'Donovan không còn tay để bịt tai. Ông đang vò đầu. Những trái nho bị bỏ quên trong ngăn tủ giật mình thức dậy, và giương mắt nhìn gọi chủ nhân của mình.

2.2

Ngay sau đó, cuộc phỏng vấn của David O'Donovan với Tabitha McAmmond qua điện thư kể như được thực hiện. Mỗi ngày hai, ba lần. Đôi khi bốn lần. Chênh lệch đêm ngày Nam và Bắc bán cầu cản trở họ không nhiều bằng công việc luật sư chuyên về tỵ nạn của bà McAmmond. Nghề nghiệp hai người có phần giống nhau, tạm gọi là nghề con mọn hay nghề cứu hỏa.

Đây là hai lá thư phi lộ.

“Thưa bà McAmmond,

Chúng ta - những người cầm bút, tôi có thể mở đầu bằng cách nói về thói quen khi viết. Không có nó, không có chúng ta. Tôi nhấn mạnh: Không có thói quen, không có văn chương. Bà thì hút thuốc, như ông thầy Nam Phi của tôi cho biết. Tôi ăn nho, bà ạ. Câu đầu của một lần khởi trang văn luôn là cái khốn khổ khốn nạn nhất với chúng ta. Tôi đã phải mọi tìm cách ăn một trái nho ra sao để có thể vượt qua dãy núi quán tính. Nếu được bà tâm sự mình có các thủ tục nào cho điếu thuốc lá để vào dòng chữ đầu tiên, tôi sẽ rất thích thú. Một nhà phê bình thơ Đường luật ở Toronto, là người Hoa, mỗi lần bật điện mở máy là phải thắp một nén hương; thẻ hương tàn cũng là lúc màn hình hiện ra một dòng mới. Một người viết khác - xin lỗi, tôi tạm giấu các thông tin cá nhân – thì phải mở một trang mạng khỏa thân, ngó nghiêng nghiêng ngó cho tới khi miệng chóp chép nước miếng trong lúc đám chữ bắt đầu uể oải chui ra khỏi đầu ngón tay.

Bà McAmmond,

Vị Chủ bút The Kangaroo có gợi ý tôi rằng, nên tạo hứng cho chuỗi phỏng vấn giữa hai chúng ta - chứ không phải cho độc giả - bằng đôi ba kỷ niệm của tờ báo mà bà ấy từng khai, sinh qua các chi tiết thú vị về loài kangaroo ở Úc. Bà có thích? Tôi thì không thích lắm, vì đã “tạo hứng” này với một số cộng tác viên khác rồi. Với bà, tôi muốn nói về tôi. Tất nhiên, có thể về cuốn sách ăn tim nào đó. Nhưng cách ấy cũng không phải đạo cho lắm. Sân chơi hôm nay đang là của bà cơ mà. Tôi sẽ làm cây vĩ cầm tận tụy phụ họa bà.

Tôi thích nói về nghề phỏng vấn của mình. Rất tự nhiên mà cũng lần đầu tiên, lần này khi làm bài vở với bà. Hứng chí đó đang lên cao cực độ. Bà có thể cảm thông…

Mong hồi âm sớm từ nơi bà. Dù thế nào, chúng tôi cũng chiều ý muốn của bà sao cho loạt bài phỏng vấn có được. Về thủ tục và nhuận bút, người Giám đốc điều hành The Kangaroo sẽ làm việc với bà, ngay sau khi hai chúng ta cam kết nội dung và trình tự tiến hành (mà hình như ông thầy Nam Phi đã có lời trước cùng bà?)

Cảm ơn bà và chúc sức khỏe cho đôi tay viết của bà. (Ồ xin lỗi, bà thuận xài tay Này hay tay Kia? Ý là về sự trái-phải của bàn tay.)

Trân trọng

David O'Donovan”

Và thư hồi âm:

“David thân mến,

Tôi trả lời ông ngay đây. Đang rất vội. Hai thân chủ của tôi vừa bị dẫn độ ra phi trường để trục xuất về nước họ. Thiệt tình, tôi thất vọng vì hình thức ở lá thư xuất hiện của ông. Chúng ta có một ông thầy chung rồi, vậy là đồng môn. Thầy giỏi đâu sinh trò hèn (như vậy)! Ồ, nói với một đàn anh thế hơi quá lố. Lại là một người nữ, nhưng sau ông sẽ hiểu. Làm nhà văn, tôi như được thoát khỏi cái nghề khô khan và lụy vì tiền này. Nên tôi tận dụng cơ hội “làm” nhà văn, vì tôi nghĩ mình không “là” nhà văn, như ông thầy chúng ta, hoặc như ông. Để ít nhất cũng trẻ lại, trong hồn.

Bù lại, nội dung lá thư thu tôi vào, hút tôi sâu hơn. Tôi, nhận lời nhập cuộc! Hẹn thư sau. Chào chung cả “đàn” The Kangaroo giùm tôi được chứ?

Tabitha

PS: Khi hút điếu đầu tiên để viết, tôi hay quay đầu lọc lại nhìn một lần trước khi cho vào miệng, không, cho lên môi trước đã. Đừng nhắc lại vị Chủ bút đáng kính (nhi viễn chi) đó thêm một lần nữa, được không, SVP? Tôi không muốn có một người - lại là nữ - đứng sau David sau khi giao việc cho David. Tôi hơi tham. Đàn bà mà. Ừ, chỉ ra cho tôi một điểm độc sáng của giống kangaroo ở Úc, rồi quay ra nói về nghề phỏng vấn của ông cũng không muộn. Nếu nói không hay, “hợp đồng” có thể bị bỏ đó à nha. Cảm ơn!”

Luật sư Tabitha McAmmond gửi điện thư đi, vừa lúc người thư ký mang thư từ, tài liệu vào. Cô này thường để báo chí của người Việt lên trên cùng - bữa nay là hai tờ Cánh Diều và Cái Kiến - dù chúng to đùng, in ấn không được đẹp, che lấp cả đống thư báo bên dưới. Không bị bà luật sư phàn nàn, cô cứ thế mà làm. Thực ra đây là cách cô trả thù chủ cũ, cũng luật sư, đã sa thải cô chỉ vì hai lần sơ ý mà các tờ báo bị xếp lên trên trong mớ thư từ bưu điện.

Tờ Cánh Diều, cần câu cơm của luật sư McAmmond. Cho nó ngồi trên cùng là trúng ý sếp rồi! Khi người tỵ nạn từ Đông Âu tới Đức chưa thành cao trào như thế, bà luật sư thường phải làm cho Hội Hồng thập tự và Caritas. Chồng bà lại thích vậy. Ích kỷ. Sợ nhà băng của vợ khinh thường nhà băng của chồng. Người ngoài có thể nghĩ thế. Sai. Hai vợ chồng ông bà dùng chung nhà băng. Đi ăn nhà hàng, Âu cũng như Á, một người trả tiền. Thường là chồng.

Cái Kiến phát hành bên Canada. Của một nhóm văn nghệ sĩ dấn thân, tất nhiên là trẻ. Trẻ mới ham và có sức dấn chứ! Vả, thân họ đã phải mang vác gì đâu mà phải sợ dấn. Chủ bút là nữ, một tiểu thuyết gia. Bà McAmmond thích nó, mua dài hạn mỗi hai năm, dù bà không đọc được tiếng Việt. Có gì hay ho chồng bà đều dịch lại cho. Lý do khởi thủy khiến bà chịu cộng tác với The Kangaroo thì bà lại không nói cho ông O'Donovan: Tờ này có nhiều điểm giống Cái Kiến, dù ít dấn thân hơn, ít nữ quyền hơn. Tính văn học cũng ít hơn luôn. Lại thêm lần này nữa là tất nhiên - với bà - đã văn học phải dấn thân rồi, đã dấn thân thì nữ quyền luôn thể. Bà thích tờ báo và không thích những bà chủ báo của các tờ báo bà thích. Bà cũng thừa hiểu nếu chẳng có những bà đó, bà đâu có báo để thích. Báo đàn ông làm, tờ thích tờ không, đó lại là một lẽ.

- Bà có hẹn ở Tòa Ansbach lúc hai giờ chiều, thưa luật sư. - Người thư ký nói, vẻ nghiêm trang, kỳ thực cô đang nhảy trong lòng. Thứ Sáu mà…

- Cảm ơn… À, nhờ cô một việc riêng. Tôi đang vội. Cô làm được? Làm ơn phone hay email giùm tôi cho lão ấy, rằng tôi không về Frankfurt tuần này được. Cảm ơn trước. - Đoạn bà lên giọng, nhanh - Cánh Diều sao tháng này dày vậy? Lại số Phụ trương về tuyệt thực? Hừm...

Rồi bà liến láu khen bìa Cái Kiến lọt mắt. (Chẳng khác khen kiểu Trung Hoa đông dân! Bỡn à, họa sĩ số Một của nền Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa đấy!). Thâm tâm, bà đang nghĩ về cái email vừa gửi cho ông O'Donovan. “Nó đến đâu rồi? Chắc đang bay qua Thái Bình Dương? Chưa biết chừng kẹt ở hố đen nào trên trời xanh? Bên đó mấy giờ? Tay này văn cũng tạm tạm. Nhưng tính ngông ngông. Văn hắn phải cao thêm một mét nữa mới ngông xứng! Ăn tim, viết như thế phí cả tim!”

Cô thư ký đáp - đúng ra chỉ hé miệng cho hơi trào ra - “Vâng!”, rồi ra ngoài ngay lập tức. Qua phòng vệ sinh, ai vô tình mở cửa, khiến tấm gương lớn chạy ra bên ngoài đứng đón. Tấm gương lớn mạnh bạo, nó biết trước cái công việc của mình. Cô thư ký toan dừng, ngắm lại “em be bé” của cô, mới được tỉa hồi sáng sớm. “Bãi tắm khỏa thân Windsbach chưa một lần được biết “em”. Ngày mai sẽ biết. Ngày mai có muộn? Mình còn khổ vì “em”, huống chi bọn họ. Vớ vẩn! Quên đi cho rồi! Chủ nó lại đuổi lần nữa chỉ còn ra “đứng đường”!”. Cô ngoái lại chào thua cái gương đang vẫy mời. Cười tình một mình, không gương. Rồi bước nhanh vào bàn, viết email gửi đi giùm bà luật sư. Lại cười. Cô không cười về cái gương nữa, mà cười lén bà chủ. “Mỗi cái vụ ‘ông ấy’ mà sao lùng bà lùng bùng! Lão điển trai, thông minh, cao to, nhưng gàn thế! Cung cách ấy, chắc ‘chú nhỏ’ của lão cũng gàn!”. Cô bật cười to, rồi vội giả vờ ho. Vâng, lần này cô thư ký đã đúng. Không bằng kinh nghiệm tướng số mà bằng bản năng đàn bà, ít tuổi đã từng trải: Chồng bà luật sư không thể làm tình với bà nếu như bà còn lấy tiền của người tỵ nạn! Gửi thư xong, cô liếc qua phòng bà sếp, rồi lẹ tay chuyển tiếp cho cô người yêu của mình mẩu tin nhận được từ người bạn gái mới quen trên mạng:

Ghen, bèn cạo lông vùng kín của vợ

Tsang Lee phải đứng trước vành móng ngựa bởi trận đòn ghen kỳ quái với vợ. Nghi ngờ vợ có bồ, Lee dùng dây trói hai tay vợ mình ra sau lưng, dùng dao cạo hết lông ở vùng kín của chị này. Y mở tivi thật to để hàng xóm không nghe thấy tiếng kêu cứu. Y bị Tòa thành phố Tche Sha xét xử và tuyên phạt 24 tháng tù.” [1]

2.3

“Chào Tabitha,

Trong đời làm báo lần này tôi kiếm được bạn văn, nhanh và đúng. Tôi không có bạn báo. Và tôi cho là không có hai chữ “bạn báo”. Việc báo chí không thể có bạn bè, không hẳn vì tính thương mại của nó, mà trên hết vì tính khách quan và độ nhanh lẹ. Người ta nói tình bạn là cây mọc chậm kia mà. Nếu báo chí có tình bạn, đó là tình lá cải. Người ta cũng nói về sự cứu bồ. Đã cứu nhau thì chủ quan rồi.

Tôi phải cảm ơn ông thầy của chúng ta? Hay cảm ơn năng khiếu văn chương thịt đồng loại của chúng ta? Hay cảm ơn chính tôi - kẻ có cái gì đó khiến cô thư giao và cộng tác? Tôi không cảm ơn Tabitha đâu! Rồi sẽ hiểu…

Cầu phúc cho các thân chủ của cô! Mô Phật! Trục xuất người tỵ nạn này. Tiếp nhận người tỵ nạn khác. Tôi rành chính sách của các nước dân chủ và giàu có lắm. Đó cũng là lý do tôi muốn phỏng vấn cô làm bài cho báo chúng tôi.

Chắc chắn thư giao với tôi, cô sẽ trẻ ra. Còn tôi, già đi. “Tốt mái hại trống”, như độc giả Việt của chúng tôi hay nói. Cô tham thật: Vừa không muốn con đầu đàn tái hiện, vừa muốn cả đàn The Kangaroo. Tôi đang nghĩ cách để chiều được cái biển tham trong người nữ ở cô mà tôi vững tin vô cùng hấp dẫn nếu tiếp xúc từ xa. (Nhờ mới nhập môn một số thuật bói toán của dân Tàu và Việt.) Tabitha, chi tiết xoay ngược điếu thuốc lá cứ để đó. Chúng ta còn nhiều cơ hội.

Tôi tham lam hộ cô khi nêu ra hai - chứ không thể một - điểm sáng độc đáo của con vật kangaroo mang bảng hiệu Úc châu:

Một, đó là những kẻ lãng đãng lang thang trên sa mạc Úc. Sa mạc của chúng tôi sẽ làm kiệt sức một con báo hay sơn dương chỉ sau một giờ chạy, còn đại thử vẫn nhảy một cách tỉnh táo ở vận tốc cao hàng giờ. Nó chỉ có kẻ thù duy nhất: Con người!

Hai, cách sinh sản của chuột túi thuộc loại ly kỳ trong thế giới động vật. Thời gian mang bầu chỉ từ 4-5 tuần, đại thử cái đẻ trong có vài giây; mẹ nặng 60 kg, vậy mà con ra đời chưa nặng đến 1 kg. Tí hon. Đỏ hỏn. Sau đó, đại thử mẹ phải nằm nghiêng giúp con bắt đầu bò chậm chạp tìm túi trên bụng mẹ chui vào. Có ba cách để đại thử con tìm được túi mẹ. Đầu tiên, hai chi trước của nó có móng để bám vào cây lá và vạch lối mà leo. Thứ hai, đại thử mẹ đã dùng lưỡi liếm đường đi, đứa con sẽ lần theo "con đường nước bọt" để bò đúng. Và thứ ba, đại thử con được phú cho khả năng phân biệt cao thấp để bò ngược lên trên và rơi vào túi. Khi vào được túi, nó sẽ tìm ra núm vú mẹ và hàng tháng không rời núm vú. Miệng của đại thử con được cấu tạo đặc biệt: vừa bú, vừa thở để khỏi chết ngạt. Đến tháng thứ năm, nó mới chịu thò mũi ra thế giới bên ngoài. Cuộc thăm dò đầu tiên không bao giờ kéo dài quá vài phút và nó vội vã chui lại vào chiếc túi ấm êm ái. Nhưng thỉnh thoảng, đại thử mẹ cũng tống cục cưng của mình ra ngoài để dọn dẹp, tẩy rửa túi vì cục cưng này vẫn tè vẫn ị ngay trong túi sau khi bú no. Không ít chuột túi thiếu niên ghiền túi mẹ đến nỗi hai năm sau vẫn có thói quen nhảy vào túi khi bị đe dọa! Chính tôi David O'Donovan, khi còn sống trong trang trại của cha mẹ, đã thấy cảnh một kangaroo má cương quyết không cho một kangaroo con đã lớn xác mà còn ham chui trở lại vào túi. Kangaroo má đó đẩy con mình lảo đảo, suýt té xuống một bờ đá cao 15 mét! [2]

Các bước khai mở giữa chúng ta, xong! Tôi một mình bên bàn viết. Nào có ai sau lưng đâu. Tức là tôi đang ở quán café. Rất hưng phấn. Run lên. Sắp gửi cho một người khác coi, lần đầu tiên, quan niệm của mình về phỏng vấn - nghề kiếm ăn của tôi, nghề nuôi sống các trang văn. Không nó, tim ngon đến đâu tôi cũng không thể có nội lực mà tiêu hóa nổi.

Cô chờ thư sau, một tiếng đồng hồ thôi. Chừng 10 giờ sáng bên đó. Vì tôi không muốn về nhà hoặc vào Tòa soạn. Mà giờ này café quá ồn!

Chào thân

David”

“Hallo David,

Ông, người thật hấp dẫn! Tôi hy vọng ở xa hay gần cũng vầy vậy. (Đúng là thầy giỏi sinh trò… hấp dẫn.) Cảm ơn thầy chúng ta. Ông còn nhiều thầy khác. Chứ tôi chỉ có một. Chân thành mà nói, dân văn chương như thầy, như ông bao giờ cũng nắm đầu bút của thiên hạ cầm bút. Chúng tôi mượn chữ nghĩa để tải nghề nghiệp vào. Thành ra sách hay của giới phi văn chương chúng tôi chỉ là xác không hồn hoặc hồn không xác. Sách dở của chúng tôi, tất nhiên, nhiều lắm; cái loại không là xác cũng chẳng nên hồn, biết bao nhiêu tên gọi cho đủ!

Ông đã làm nổi lên tính Do Thái trong tôi. Nam giới có gia đình thì không muốn mở cánh cửa gia đình (nơi có đàn bà), cũng như không chịu hé cánh cửa xe hơi (trong đó có người đàn bà khác) của mình trước một người đàn bà thứ hai, thứ ba… Tôi là thứ mấy? Tôi đang hỏi tôi. Thôi cho qua. Phụ nữ chúng tôi thì khác. Ưa lật bài trước. Ngửa. Vì họ cần giấu nhiều cái khác. Chồng tôi người Việt lai Pháp đấy. Nói vậy, ông không băn khoăn về bài nhập môn. Chúng tôi đang ly thân. Nguyên nhân, sẽ nằm trong phỏng vấn sắp tới.

Tôi thực sự muốn coi gương mặt, giọng lưỡi của ông trong đề tài phỏng vấn. Các lý do: Để coi người tôi đang chia sẻ và ngưỡng mộ ra sao; Nghề luật tôi chỉ có hỏi-đáp, là thứ ăn bã mía theo con voi phỏng vấn; Đây là lần đầu tôi được phỏng vấn từ một người đồng nghiệp viết lách, và tôi cũng muốn chia sẻ chuyện ăn thịt người của mình.

Thế đã nha?

Tschuess

Tabitha

PS: Bất chấp lời chúc lành xen mô Phật từ ông, hai thân chủ của tôi đã phải trên đường bay về cố quốc. Ông chồng tôi đang hành hạ tôi về vụ này! Ông ấy hỏi “Cô phải làm gì đi chứ? Lấy tiền của họ rồi mà!”. Không lẽ tôi trả lời “Tôi phải làm văn. Làm văn chương…”? Cảm ơn The Kangaroo sắp cho tôi dịp nói lên máu thịt của vấn đề mà cuốn sách bình luận về luật pháp Đức tôi vừa hoàn thành đã không hiển hiện nổi. Có thể tôi sẽ không nhận phần thù lao do bài phỏng vấn đưa lại. Tôi chưa thể không lấy tiền thân chủ, vì đang là một luật sư chưa lành nghề. Khi nào tôi thật giàu, mới cao cơ đến vậy.

Tất nhiên, tin thầy, tôi cũng tin bạn. Nhưng phụ nữ thì nhát. Tin và run. Tôi xin nhắc luôn về cái gọi là bảo mật thư tín giữa hai chúng ta mà tôi tuyệt đối trông cậy nơi ông. Chỉ khi vào cuộc con người luật sư trong tôi mới hành nghề. Còn ở các vòng ngoài, dù là đàn bà Đức, tôi vẫn yếu đuối như mọi giống cái, chắc trừ “người đứng sau” ông? Mà sự yếu đi của một trí tuệ nó thê thảm lắm. Phụ nữ có học đôi chút khi đã đổ là gục, là sụp, sát mặt đất, tới sợi lông tơ cuối cùng, tới phân ly da thịt chút chót. Ông chồng gàn dở luôn chạy đến đỡ tôi những lúc đó. Cho da thịt tôi tái nở nang, cho lông lá tôi trổ hoa trở lại. Rồi lại lìa ra xa. Chúng tôi không thể đứng thẳng cạnh nhau.

A, cái túi của con đại thử mẹ là biểu tượng cần nhìn ngắm nhiều lần, David! Sau mô tả của ông, kangaroo đã có một hình dung mới trong tôi. Cảm ơn ông thêm cái nữa.

À, không cứ lúc cho thuốc lá vào miệng mỗi khi viết câu văn đầu tiên, với “vụ kia” tôi cũng có tật gần gần vậy: Cứ phải nhìn - không hẳn là “kiểm tra” - “cái ấy” của người ta một cái thì mới để cho nó chạy vào mình. Thế nên những khi dùng “áo mưa”, thật tiện lợi cho cái nhìn cuối cùng của tôi.”

2.4

Trại tỵ nạn Windsbach. Tòa soạn báo Cánh Diều, nguyệt san thông tin dành cho người Việt tỵ nạn tại Đức sau ngày bức tường Berlin sụp đổ. Nóng. Như cơn gió vòng vo bên ngoài, không sao vào nổi những căn phòng. Như đám gà trống thiến bị sót vậy, chạy quanh quanh mãi một ả gà tơ phủ phục đợi. Ông Đồ Râu mà đã giương mục kỉnh lên thì càng ra dáng vị chủ bút bất đắc dĩ. Nóng, thế mà chiếc cà vạt quai dây thun (tụi trẻ trêu là “cà vạt mì ăn liền”) cũng chịu leo lên cổ ông. Leo thì leo, chiếc vòng dây thun khi yên vị kín đáo vòng vòng sau cổ áo nó đã cười tủm đến mấy cái, thương hại cho ông chủ mình. Còn dải cà vạt vẫn dài thẳng niềm tự hào trước ngực, như cả triệu cái dải cà vạt trên đời. Riêng nó tự hào vì: một, không thuộc đẳng cấp dây thun; hai, làm bộ mặt của ông Đồ Râu, tức của cả tờ Cánh Diều, có nghĩa của hàng chục ngàn tường nhân tỵ nạn Việt - được hơn và cũng đực hơn.

“Cánh Diều - Vâng, tự nó đã cất lên khao khát tự do. Chúng tôi muốn bay cao, bay xa nhưng không thể thoát được quê hương của mình. Sợi dây giữ vững cánh diều no gió trên tầng không trung cao xanh chính là Việt tính.”

- Đ.M. Anh Minh Rô-lăng dịch có trúng ý thầy Đồ chúng tôi không thì bảo? “Cất lên“, anh dùng động từ nào trong tiếng Đức? Tiếng Đức ăn người ở khoản động từ, anh hay nói thế mà! “No gió” là loại từ gì nhỉ? Ối lại còn “Tầng không trung cao xanh” nữa? Đ.M. thầy Đồ nhà mình chơi khó thế! “Cô em Hồng Thập Tự” ửng mặt ra mà nghe. Đ.M…

- Em đừng nói thế! Đ.M. nhiều là không tốt. Tôi rất không thích nghe nó. Em hát cải lương hay, nhưng em nói không hay. Tuần sau, đón đọc báo Deutschland Fuer Allen, tập thể anh chị em Ban biên soạn sẽ nghiệm thu bản thông ngôn này. Đã hơn một lần, tôi nói phải chờ anh phó tiến sĩ Hữu đến làm thông ngôn viên. Anh Đồ Râu cứ cưỡng hiếp tôi, ô la là xin lỗi, cưỡng bức tôi làm thông dịch viên. Anh ấy không muốn người Đức chê cười người Việt Nam hoạt động theo giờ dây thun. Lại là một phó tiến sĩ Đức ngữ từ trường MGU cao sang. Qua anh Hải Dớ, tôi muốn làm người bạn tốt của Cánh Diều. Tôi xin lỗi. Lần này nếu tôi đã thông dịch xấu, lần sau tôi sẽ thông dịch không xấu, lần sau sau tôi sẽ thông dịch tốt, rồi sau sau nữa sẽ là rất tốt.

- Thầy Râu giả nhời phỏng vấn hay như... rửa đít! Bờ ra vô!

- Láo vừa vừa chứ! Bác ấy lại đưa lên số báo tháng sau bây giờ! Thôi, vào toa lét mang bia rượu ra đi, “thầy nó”. Khổ, chạy Hồng Thập Tự như chạy giặc!

- Anh phó Hữu qua Trại em thấy thèm không? Cặp giò cô Hồng Thập Tự sao mà thon mà thẳng. Khi nãy ngoài này nghe lỏm, em tính nói leo câu của bác Đồ Râu: “Trông thế thôi chứ cánh diều của tôi chẳng thể bay theo hết cặp chân bất tận của cô…”

- Hí hí hí! Ví von hay! Hay đến thế là cùng! Chúng mày được ở gần đèn, cũng rạng lây. Ừ, chân dài và đẹp thật, nhưng đàn bà Đức “lợn” khô như ngói, làm sao mềm bằng gái Nga “ngố” của chúng mình, anh phó Hữu nhỉ?

- Này! Minh Rô-lăng nó hiểu được đấy, các ông nội! Hình như cô ấy quen con nhỏ thư ký văn phòng của vợ Minh Rô-lăng…

- Thôi thôi, giải tán! Ra sân bóng, tất cả! Chị em ta cũng ra làm hậu phương lớn! Chiều nay đội mình phải thắng liên quân Ru-Thổ. Bác Cả Râu ở nhà giữ gôn phỏng? Chào bác, đá xong vợ chồng phó tôi xin phép cả nhà về luôn theo xe thằng Thổ cùng Trại. Hải Dớ về cùng tụi này cũng được, khỏi cần quá giang Minh Rô-lăng.

2.5

“Hi Tabitha,

Tin hay không, tùy Ta. (Cho tôi được tự tạo nickname của cô là vậy. Còn của tôi Ta có thể chọn giùm? Cảm ơn trước.) Nhưng được bạn cùng thầy tin gởi, được đồng nghiệp cầm bút đánh giá, được phái nữ chia sẻ - Đó là ba bảo vật cho bàn tay cùng trái tim tôi.

Trước, tôi không biết Ta gốc Do Thái. Cũng không thấy vấn đề gì ở đây. À không, nói đúng ra, sẽ tăng trọng cho nội dung phỏng vấn.

Tôi còn nợ Ta nhiều ở lá thư mới rồi. Nhưng đang bối rối nhìn về Ta - người trước mặt tôi trong tháng ngày đang đến. May thay! Lúc này, để thoát bối rối tôi sẽ gửi cái nhìn của mình về phỏng vấn cho Ta coi, như hứa.

Giống lời bạt, bản thảo dưới đây sẽ tham gia vào nội dung cuốn sách Đến Rừng Từ Cây sắp xuất bản. Đó là tuyển tập các bài phỏng vấn “ruột” tôi thực hiện như một nhà báo bao năm qua. Và, câu trên cũng làm lời đề nghị Ta cho phép đưa bài chúng ta sắp làm vào cuốn sách. Bây giờ, xin gửi tới “cây” Tabitha McAmmond quan niệm của David O'Donovan về việc “đến rừng từ cây”:

Phỏng Vấn Dùng Cho Sách, Báo: Lời Phi Lộ

Dường như ít thấy nghiên cứu riêng biệt nào về lịch sử, quá trình phát triển thể loại phỏng vấn nói chung, hay phỏng vấn dùng cho sách, báo nói riêng? Nữ sĩ người Việt gốc Nhật, Túi Hồng có cụm từ khiến nhiều người làm phỏng vấn tâm đắc - Phút nói thật. Điều đó phần nào cho thấy điểm lợi hại của phỏng vấn: khi mặt đối mặt, mắt rọi mắt, con người ta khó có thể chuẩn bị, dàn dựng kỹ càng để "giấu lòng" như khi viết văn, đối diện với trang giấy. Lâu nay, ta thường coi phỏng vấn là "Hỏi ý kiến một nhân vật nào về một vấn đề được nhiều người quan tâm để công bố lên đài, báo". Trong nhiều tự điển tiếng Anh (mà tiện tay tôi chọn The Concise Oxford Dictionary, Oxford University Press, 1976) khái niệm Interview cũng vầy vậy: "Meeting between journalt and person whose views are sought for publication; similar meeting as part of radio or television programme". Có thể thấy từ căn "inter" và "view" thể hiện ý nghĩa "trao đổi", "tương hỗ" giữa người phỏng vấn và đối tượng phỏng vấn. Trong khi đó, ở từ "phỏng vấn" của tiếng Việt - chữ "phỏng" với nghĩa là đoán, điều tra, còn "vấn" là hỏi - chỉ mang được ý nghĩa một chiều, thụ động.

Phỏng vấn là loại bài có tính tự do, dân chủ cao nhất trong một tờ báo; hình thức và nội dung phỏng vấn phản ảnh khá chính xác mức độ văn hóa, chính trị, xã hội. Trong báo giới quốc tế, phỏng vấn dường như được xem như một thể loại chính thức của báo chí. Từ lâu Der Spiegel là tờ tạp chí hàng tuần xuất sắc nhất Đức quốc và là một trong vài tờ tạp chí xuất sắc của thế giới, phần lớn nhờ các bài phỏng vấn xuất sắc của nó. Xuất sắc ở từng bài phỏng vấn qua việc chọn chủ đề phỏng vấn, chọn người phỏng vấn đã đành; còn xuất sắc ở từng câu hỏi, lời đáp. Điểm mạnh, theo chúng tôi, ở các phỏng vấn Der Spiegel là thái độ tự tin của người hỏi, ở trình độ hiểu biết hết sức chu đáo về đề tài cần hỏi. Phỏng vấn ở Der Spiegel có hai đặc thù dễ nhận ra. Một, không hề, hay rất ít, có đối thoại người hỏi-người được hỏi, mà là đối thoại giữa người được hỏi với chủ đề của cuộc phỏng vấn thông qua sự dẫn dắt khéo léo của người hỏi - các phóng viên Der Spiegel; Hai, mang tải nhiều thông tin quí về chủ đề, vì Der Spiegel chỉ muốn cung cấp thông tin, kể cả từ nhận định của những chuyên gia hàng đầu về đề tài nhất định, chứ họ không muốn các phỏng vấn đi nhung nhăng. Der Spiegel xứng đáng là “tấm gương” về phỏng vấn!

Nhưng - lại cái chữ Nhưng nóng như mặt trời! - làng báo chí thế giới dường như chưa có những nhà-phỏng-vấn chuyên nghiệp. Các ký giả, các nhà báo, nhà văn, nhà thơ trong khi làm báo thường coi phỏng vấn như biện pháp "cờ bí dí tốt biên" (nói như dân Trung Hoa, Việt Nam). Họ đè nhau ra mà phỏng vấn cho kịp bài nộp chủ bút. Phỏng vấn thường bị coi như một bộ phận của thể loại phóng sự, hỏi người thật để được việc thực, vì yêu cầu thông tin cấp thời. Trong các phỏng vấn như thế khó có được vấn đề dài lâu. Người ta coi giá trị của cuộc phỏng vấn ở sự chộp được, bật mí một bí mật, hay là một sự kiện sắp xảy ra mà nhờ ký giả nhanh miệng đã rút được lưỡi VIP mang giữ tin đó. Trong báo chí dân chủ, sự lỡ lời thường xảy ra với các chính trị gia mà phe đối lập rình rập. Phỏng vấn của báo chí các nước chậm dân chủ sao mà cứng nhắc, trả bài!

Phỏng vấn, lại là phỏng vấn mặt đối mặt, ít nhất có hai đặc trưng. Một, tính dân chủ sát sàn sạt. Cũng như chơi cờ tướng vậy. Chỉ là ông bố dại ông tướng khờ mới đi chơi cờ với con trẻ lính quèn. Tôi đâu dại khờ đến mức cứ khăng khăng buộc dân chủ tính vào miệng lưỡi, vào ngôn ngữ của các nhà thơ, nhà văn. (Họ làm thơ, làm văn chớ đâu có làm… dân chủ!). Chỉ nhắc các nhà phỏng vấn: Chọn nơi (dân chủ) mà gửi phỏng vấn. Hai, cách trình bày sự thật. Khi làm thơ văn, văn thi sĩ ứng xử với sự thật. Nghệ thuật ứng xử và nghệ thuật trình bày không phải là một, dù có ít nhiều giao lưu. Các nhà phỏng vấn chúng ta càng phải chọn nơi biết trình bày sự thật để gửi phỏng vấn. Bằng không, sẽ nhận về các câu chữ gỗ từ những chiếc lưỡi bằng máu bằng thịt. (Với các lưỡi gỗ: đó lại là cuộc chơi khác).

Đời sống phỏng vấn rất khắc nghiệt. Đó là sa mạc cho các cơn lốc sự thật. Không có lâu đài, chẳng có bờ bụi để thân thế chúng ta ẩn náu. Tôi gọi đó sa mạc tâm lý cá tính, sa mạc ứng xử. Cho nên phỏng vấn chưa, và không bao giờ, là tất cả. Nó luôn có các khoảng trống cho người đọc. Còn nữa… Bất kỳ ai cũng có quyền từ chối phỏng vấn mà không cần nêu lý do. Đó là nền tảng của văn hóa phỏng vấn. Nài nỉ, ép buộc, dụ dỗ, kích động, mơi mớm phỏng vấn - tất cả đều là tội lỗi, cũng như vậy với chuyện tình dục. Trong vành đai văn hữu, việc phỏng vấn dễ đưa đến kết quả tốt - nhưng khó xuất sắc - cũng như việc vợ chồng làm tình vậy. Nhưng vì thế, sự lạm dụng phỏng vấn - giống sự ép buộc tình dục trong đời sống hôn nhân - không dễ nhận ra. Nghệ thuật phỏng vấn đòi hỏi nhiều bí quyết. Và đây là một. Cũng như trong tình ái, đừng có hỏi nếu không muốn nghe nói dối. Chữ nghĩa trong phỏng vấn, về hình thức, mang cuộc sống tầm gửi, trên sự tái trình bày của người khác. Nó dễ mang tính lá mặt lá trái. Các hiệu ứng âm thường xảy ra sau phỏng vấn, đó là: Hận hờn; Đính chính; Rút lưỡi; Chạy làng; Phủ nhận; Phản phỏng vấn. Tất cả đều không đáng phải ngạc nhiên dưới ánh mặt trời chân lý. Giống không ít thứ nghề giao tiếp người-người khác, phỏng vấn có phận bạc của nó. Bị xem là thấy người sang bắt quàng làm phỏng vấn. Bị khinh là nổi tiếng bằng cách sờ mó vào người nổi danh, sự kiện nổi tiếng. Bị chê là nhớ sai hiểu lầm viết lộn. Phỏng vấn hay: người ta khen người trả lời. Dở: chê người hỏi.

Điều bạn quan tâm nhất là phương cách phỏng vấn? Đúng! Phương pháp làm việc của đa số các nhà phỏng vấn là dùng cách hỏi-đáp để có tư liệu dựng ra các bài cho báo, rồi lâu lâu hứng chí gom lại thành sách chân dung nhân vật chính trị, xã hội, văn nghệ sĩ. Ở đó các chi tiết đời sống, chính sử, văn học sử đã có thể soi sáng hoạt động chính trị, văn nghệ và tác phẩm của khổ chủ.

Trong bạn bè viết lách của tôi, mỗi người một vẻ, số lượng khác nhau, mỗi người có điểm riêng biệt về đối tượng, mục đích và phương cách phỏng vấn đủ để khẳng định có một “làng nhỏ” các nhà báo, nhà phê bình, nhà thơ, họa sĩ chuyên phỏng vấn ở làng báo chí thế giới và Úc châu. Đó là vợ chồng Vu Thy Hai - Ngan Tuyet Enzo cùng cháu gái Mimmi Enzo thường phỏng vấn với dung lượng rất dài hơi và vài đặc trưng sáng chói. Là Amy Thuy Khue và Darlene Le Quynh Mai xông xáo ở tư cách người làm radio theo chuyên đề văn hóa, văn nghệ cho hãng tin Time của Úc. Là Ly Doi - lò tra tấn các văn nghệ sĩ dính xì căng đan. Là Bui Vinh Phuc, một núi bài cho các tạp chí văn học với nội dung bao quát con người, tác phẩm. Trong khi đó Ben William Mollard - ẵm giải thưởng Man Booker 2004 - chỉ dựa tác phẩm để phát triển nội dung phỏng vấn. Ai cũng mong đọc Nguyen LaJoconde Dieu Huong, chuyên gia lục vấn giới ca-thi sĩ bằng trăm thi điệu của mình. Còn cặp ba Darlene Mollard, Ho Truong An và Dieu Van Luu Dayton là ba lưỡi văn Canada & Hoa Kỳ không ngưng nghỉ với tuyển tập Chộp Miệng Văn Sĩ có lẽ bao trọn văn giới trong thể loại phỏng vấn chớp qua 299 đối tượng. Độc đáo về chân dung văn nghệ sĩ của vùng miệt dưới Úc châu là cuốn Chúng Tui Vẽ Nghệ Sĩ của nhà báo Kóc Kần và biếm họa gia Đỗ Rớt gồm các bức họa kèm đối thoại với những cây đa cây đề của rừng văn nghệ Việt. Bộ hai tập Chân Dung Nhà Văn Ôm Giải Thưởng của Anne Phuong Hai Truong và Aaron Mollard: một tuyển tập tầm cỡ, gồm hầu hết các nhà văn được giải thưởng lớn, từ Nobel đổ xuống, với tự bạch quan niệm sáng tác. Có hai tay chơi phỏng vấn trên hai khu vực khó nhai nhất: một là Osin Hui Duc với cuốn Bên Thắng Cờ được coi như một diễn ngôn vấn đáp lịch sử Chiến tranh lạnh; hai là Phan Hoang với Bách Tướng Bách Ngôn – một bộ sưu tập đủ 100 vị tướng. Vị trí cuối cùng danh sách này vinh danh Tung Duc Nguyen bởi công nghiệp chưa từng có: thiên phỏng vấn 29 các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, độc giả quanh chủ điểm Thơ Tới Từ Đâu, và sau đó là cuốn sách Đối Thoại Văn Vẻ cả ngàn trang chỉ bằng phỏng vấn độc nhất thi sĩ Tran Nhuan Minh.

Thế nhưng - lần này xin làm to chữ Nhưng - có lẽ chưa mấy ai thực hiện phỏng vấn để làm sách chỉ gồm những bài có chủ đề nhất định và mang tính tư tưởng như chúng tôi ở tuyển tập Đến Rừng Từ Cây. Chúng tôi đề nghị coi đây như một phương pháp luận để nghiên cứu diện mạo và vị trí của con người hậu hiện đại.

Tôi có một số tiêu chuẩn riêng cho các phỏng vấn của mình. Không nhất thiết phải chọn các VIP trong các lãnh vực để phỏng vấn? Làm sao để phỏng vấn không bị thành một diễn đàn cho cá nhân, tổ chức, tôn giáo nào đó? Các phỏng vấn không có tính hỏi-đáp. Thủ thuật dùng danh sách câu hỏi có sẵn không được sử dụng. Bản thân chúng tôi tự đặt thách đố: không làm sẵn các câu hỏi. Các câu hỏi sẽ được nảy ra từ câu trả lời như hiện tượng tuyết lở, như một phản ứng dây chuyền. Trong mỗi bài phỏng vấn việc phác họa chân dung nhân vật không thể là mục tiêu Số 1. Mục tiêu số 1: qua nhân vật đó ("cây rừng" đó), người đọc biết được một phần nào bản sắc của "khu rừng". Đây là điểm khác xa, giữa Phương pháp Phỏng vấn của chúng tôi với các phỏng vấn có tính phác họa chân dung hoặc có tính thời sự thường có xưa nay dưới hệ mặt trời này. [3]

Ta, còn ở đó chứ? Tất nhiên rồi, Ta mà! Được tra tấn cô như vậy, tôi thích. Người Trước Mặt của tôi ạ!

Cảm ơn vì tất cả.

Da của Ta

“Chào ông,

Ông đã bồi tiếp cú đấm cuối cùng vào ‘chàng thi sĩ’ trong tôi, sau khi đọc tiểu luận lời bạt của ông giữa ba phiên tòa. (Đau thay, không một thân chủ nào của tôi được ân huệ nhỏ nhất, giấy phép Duldung, được tạm ở lại Đức mà không bị trục xuất! Ông chồng ly thân của tôi có mặt suốt ba buổi, sau Tòa ra về chào tôi với câu “Người Việt chúng tôi hay nói ‘Đỏ bạc đen tình’, kết quả ở Tòa có nghĩa hình như cô đang ‘đỏ tình’ và thân chủ thì ‘đen’ cả bạc lẫn số phận!”)

Tôi chính thức chấp nhận cuộc phỏng vấn của The Kangaroo do ông đại diện thực hiện, và quan trọng hơn, rất hân khoái được là ‘cây rừng’ của ông trong tuyển tập độc sáng.

Nói riêng, tôi chưa hiểu trong các thứ nhà văn, nhà báo, nhà tạp luận thì David O'Donovan là nhà nào hơn cả. (Đương nhiên, ông ta là một nhà phỏng vấn xuất chúng! Tôi nghĩ, lịch sử Phỏng vấn học - sẽ tới ngày có bộ môn này - phải ghi công David O'Donovan.)

Nhưng công việc không bao giờ là cha của công việc. Công việc cũng chẳng làm con cho nó. Công việc là công việc. Chàng thi sĩ trong tôi chưa thắng nổi bà luật sư. Tôi chưa bao giờ là phụ nữ dễ dàng chuyển gam tình cảm một cách cải lương (kiểu Ta-Da) và vội vã (vài cú i meo y mèo) như vậy. Xin lỗi, với sự chân tình và cả tính khô khan mà đàn bà Đức chúng tôi được và bị mang tên mình. Giá như có được tính và tình như cái cô nàng thư ký (đang thủ dâm) kia, thì cả hai chúng tôi mới chiều lòng ông được: nhí nhảnh đàn bà trong xã giao, chu toàn đàn ông trong công việc.

Ông có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn và, xen kẽ, cũng có thể ‘trả các món nợ vặt’ nếu muốn.

Chúc Đến Rừng Từ Cây sớm ra.

Chào thân ái và quyết (làm cuộc phỏng vấn) thắng (lợi)!

Tabitha

PS: Từ khi có tính ăn thịt đồng loại để viết sách, tôi mang thói (chắc là xấu) ưa viết tái bút. Khó hiểu vì sao ông à. Ông nghe nói ai trong đám người viết quái dị chúng mình cũng có thói tương tự?

1- Nếu như không mang hậu ý gì về tình cảm, ông có nhận ra mình vừa vượt quá tốc độ cho phép trên xa lộ xã giao? Hãy trả lời tôi thẳng thắn! Mong.

2- Thư trên (tính cả bài luận) tạo cảm giác như ông viết cho tôi và ông chồng ly thân tôi cùng đọc. “Việt tính trong đó cao quá ngọn tre” - như ông Chủ bút Cánh Diều của người Việt ở đây hay nói - và cả Đức tính cũng cao! Tôi muốn ký tên chung cùng ông ở nhận định về Der Spiegel mà văn phòng luật sư chúng tôi là độc giả dài hạn. Tức cười, cô thư ký của tôi, chắc sợ bị xem là kỳ thị, luôn đặt Der Spiegel xuống dưới Cánh Diều khi mang đống thư báo vào phòng tôi.

3- Quan trọng: Chúng ta buộc lòng phải làm phỏng vấn qua email, như ông đã từng với một số người khác. Tôi đoán ông sẽ có mục riêng về việc phỏng vấn qua email trong bài phương pháp luận của mình. Nói thêm: Tôi thực sự muốn được phỏng vấn trực tiếp. Với khẩu khí trạng sư, chắc chắn cùng nội dung bài sẽ hay hơn.

4- Ông có thể nói hoặc không (mà chắc là không, nếu với những người đàn ông khác) về người vợ của mình? Tôi muốn nghe, như sự tò mò bình thường (người đàn bà Đức vẫn là đàn bà ở vụ này!)

5- Đọc thư ông càng thấy đàn ông da trắng không khiêm tốn kiểu quân tử Tàu. Giá ông chồng ly thân tôi được “trắng hóa” cái tính đàn bà này!”

2.6

“Hi Ta,

[A. Tôi trả nợ trước:

1- Về tái bút: Ai nghiên cứu lý thuyết viết thư, hẳn phải dành cho tái bút một sinh mệnh riêng. Từ dưới lên, nó như ánh chớp xoẹt lóe ngang dọc bức thư. Mà cũng có khi là cả một trận bão độc lập hoặc liên hệ với cơn nắng chang chang ở thân lá thư. Nếu quả thực Ta xơi thịt đồng loại rồi đẻ sách lại kèm thói viết tái bút, tôi nghĩ đó là một ghi nhớ có ích cho ngành tâm lý học sáng tạo của nền văn học ăn thịt người. À, thầy chúng ta biết điều này chưa?

2- Không dạn dày lắm với phụ nữ, song tôi vẫn ưa dành quyền giữ thái độ “vượt quá tốc độ cho phép”.

3- Cảm ơn nhắc nhở về phương tiện phỏng vấn. Tôi cũng đang tìm hiểu đề tài riêng, mang tên Văn Chương Internet mà phỏng vấn qua email là một mục. Xin nói trước ba đặc trưng của văn chương internet: Hào sảng hơn, trực diện hơn (trừ phỏng vấn), và mau lẹ hơn (tất nhiên!)

4- Ở nhà, tôi viết văn, và bà xã thường đứng lén sau lưng. Ở Tòa soạn: tôi nhuận sắc các bài phỏng vấn, và bà sếp đứng sau lưng tôi thường không biết.

5- Về chuyện xác và hồn trong chữ và nghề: Thú vị. Một đề nghị: Xong đợt phỏng vấn để làm báo, hai ta làm cuộc trao đổi, phỏng vấn nhau - như một bài riêng, không liên quan The Kangaroo. OK?

6- Đề nghị nữa: Nên cho vấn đề “luật sư và việc lấy tiền thân chủ” vào phỏng vấn. Sẽ nhiều Đức tính hiển lộ nơi đó. Tôi đúng?

7- Về một hình dung mới cho con kangaroo: Bất ngờ! Sẽ bàn sau…

8- Nếu giây phút cuối cùng của tôi ở một bầu trời khác thì ý nghĩa cuối cùng của tôi dành cho việc giữ kín những gì cần giữ kín trong nội dung hai ta trao đổi. (Che Guevara ơi, tôi đã nhái lời anh! Alexis de Tocqueville ạ, ông từng cảnh giác cho độc giả khi đọc các trích dẫn rằng, nếu chỉ chiểu theo các câu, lời, thậm chí cả đoạn, của trích dẫn thì bất cứ tác giả nào cũng đáng chém đầu. Thời hậu hiện đại chúng ta ưa lấy trích choác nhái nhại văn chữ làm bút pháp, nên mỗi trang văn càng dễ trở thành đoạn đầu đài. Dù thiệt thòi cho văn mạng và sinh mạng bản thân, tôi vẫn đề nghị thêm: Trước khi chém đầu tác giả của câu văn trích dẫn, độc giả hậu hiện đại hãy chém đầu chính cái tác giả của trang văn mang tải trích dẫn đó!)

B. Quy ước:

1- Trong các trả lời, với những vấn đề ngoài lề hay bàn loạn, không đưa vào bài phỏng vấn, Ta chỉ cần viết trong dấu [...], nếu không ghi chú gì khác.

2- Tôi sẽ nêu một hay nhiều câu hỏi trong một email, tùy nghi. Khi cần Ta có thể bổ sung vào các câu đã trả lời.

3- Bản thảo sau khi tôi nhuận sắc sẽ được gửi cho Ta đọc lại và hiệu đính nếu cần. (Mô Phật! Đừng lạm dụng việc hiệu đính, SVP!). Bản cuối cùng khi cả hai ta cùng OK và cùng lưu giữ sẽ được gửi cho Chủ bút The Kangaroo. Tôi không bảo đảm bản đi trên báo sẽ chính xác là bản cuối cùng đó; Và tôi bảo đảm sẽ tranh đấu đến cùng cho sự chính xác của bản cuối cùng. Nếu có sự sai khác - thường là lược bỏ - sẽ chỉ thông báo, chứ không trao đổi: Ta có thể nêu ý kiến của mình, và chúng ta sẽ trao đổi về chính các ý kiến đó (chứ không về sự cuối cùng của bản thảo cuối cùng).

4- Nếu Ta có điều gì về Quy ước, hãy cho biết?]

C. Phần Phỏng vấn:

Câu hỏi 1:

Thân ái chào bà McAmmond, trước khi vào cuộc phỏng vấn mang chủ đề “Bình luận về luật pháp Đức: Một cái nhìn xiên từ sự Ăn Chân những người tỵ nạn, di dân, ngụ cư, v.v…”, xin bà cho độc giả The Kangaroo biết đôi hàng về bản thân?

“[David,

Được lắm! (Ước chi cô thư ký của tôi ngăn nắp và đơn tính trong công việc như ông.) Tôi chịu. Lá thư mới rồi khiến tôi vui trở lại. Thông tin ở phần A.4 không dài nhưng cao, và chứng tỏ người viết không khư khư đóng cửa sổ nhà và cửa sổ ôtô. Tạm nợ ông vài điều lý thú mà tôi nghĩ có thể bỏ công việc để chat cùng ông (như cô thư ký kia đang vậy với cô bồ của mình). ‘Trả bài’ cho The Kangaroo xong đã. À này, công việc có thể còn là vợ hoặc chồng của công việc đấy.]

Trả lời 1:

Chào quý vị và các bạn The Kangaroo!

Tôi muốn chúng ta cùng theo dõi cuộc phỏng vấn trước, rồi nói về tôi cũng chưa muộn. Vì, tin là chỉ sau vài ba câu hỏi đáp chí chát, mọi người sẽ biết hết về cá nhân tôi.

Đầu tiên, tôi muốn sửa tên chủ đề. Thực ra, ngay khi trao đổi cùng ông David O'Donovan của bổn báo, tôi đã thấy tựa đề không ổn rồi. Ông O'Donovan đáng kính của chúng ta muốn giăng lên mắt độc giả tính độc đáo của vấn đề: ăn thịt ăn chân người không phải là bản xứ chính gốc để bình bàn luật pháp Đức. Mới đầu cũng bị lừa như các vị, sau tôi tỉnh ra. Việc ăn thịt đồng loại rồi viết ra tác phẩm ở tôi – cũng như ở ông O'Donovan bên đó và ở không ít người viết khác trên khắp hành tinh – xét cho cùng, chỉ là vẻ độc đáo phương pháp cầm bút. Thế thôi. Đó cũng là một trong biết bao nhiêu cách tiếp cận khác của nghệ thuật ngôn từ. Một trong nhiều phương tiện. Thế nhưng dòng văn chương thịt người đã và đang gây mùi bốc hương ngào ngạt hoặc gây gây, tùy mũi chữ nghĩa, chẳng qua vì, cho đến thế kỷ này, loài người, con người vẫn còn kỳ thị các loài, các con khác-người mà chứng cớ tột cùng của sự kỳ thị đó là nại cớ sự tự-ăn-mình, cũng tức là sự ăn-đồng-loại. Từ nước Đức này với quá khứ Holocaust không xa, và chính ngay từ thành phố Nuernberg đây từng có Tòa án xét xử lò thiêu người, tôi lại lồng lộng bàn đến chuyện tự-ăn-mình, ăn-đồng-loại. Quá đáng chăng? Xin sẽ nói thêm ở các lời hầu chuyện quý vị cùng các bạn về sau, thông qua ông bạn đồng sàng thân kính của tôi.

Để sửa tên chủ đề phỏng vấn, dễ thôi, chỉ cần bỏ đi các chữ “sự ăn”, chúng ta có hình ảnh thực chất: “Bình luận về luật pháp Đức: Một cái nhìn xiên từ chân những người tỵ nạn, di dân, ngụ cư, v.v…” Sao ạ? Nó còn thêm tính tượng hình nữa đấy! Người khác nhìn (tức là ăn) từ tim ai đó để viết cái gì đó. Người khác nữa nhìn/ăn từ tay ai đó để viết cái khác nữa. Thì McAmmond của quý vị nhìn/ăn từ chân - chân của những người di dạt, vì các lý do khác nhau, từ gần khắp phần còn lại của trái đất ngoài nước Đức đến nước Đức - để viết lời bình phẩm pháp luật hiện hành trên quốc gia này, quốc gia của luật pháp từ con tim đến khối óc, tức là từ đầu đến chân!

Đức quốc không phải cái nôi của văn học. Không. (Một chữ Không mà không cần dấu chấm than đi sau như cái đuôi ve vẩy nịnh mới là chữ Không chân chính.) Nhất là của tiểu thuyết. Thành ra tôi chẳng được người ta dạy cách dẫn chuyện sao cho hay cho khéo để lôi cuốn, mân mê mắt người đọc, như ở bên Tàu, Ấn, hay Ả Rập, Pháp…

Tôi đã sinh chuyện. Tôi đã đòi tu chỉnh. Tôi đã toan phủ nhận ngay cả với người đối diện ở câu đầu tiên.”


[1] Theo vnexpress.net

[2] Phỏng theo nguoidulich.net 10/4/2008

[3] Phỏng lược từ Đỗ Quyên; “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài qua phương pháp phỏng vấn”, Chương trình Diaspora, Rockefeller 2001-2002, WJC, Ðại học Massachusetts - Boston