Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Chữ “bậu” trong hò, lục bát ca dao

Nguyên Lạc

Bài viết này là bài thứ hai trong loạt bài giới thiệu quê hương Nam bộ bình dị và thân thương của chúng tôi. Đây là bài 1: Nguyên Lạc: VỀ CHỮ “BẬU”
http://vanviet.info/van/ve-chu-bau/?fbclid=IwAR20VHaLhk22LteMzc609xyn-nja-3FslNQSgH-m01B-NY1lj28hvDCqrVU




Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, nhất là những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những di dân này có cả những câu ca dao để làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được họ – các tiền nhân – cách tân, sáng tác thêm cho phù hợp với hoàn cảnh mới của mình, rồi phổ biến rộng rãi. Chữ "bậu" đặc biệt của Nam bộ xuẩt hiện trong ca dao. Những câu hò, điệu lý… từ những ca dao này được hình thành. Tôi xin được tiếp tục giới thiệu đến các bạn sơ lược về hò và một số bài lục bát ca dao có chữ "bậu" thân thương này.

.
SƠ LƯỢC VỀ HÒ
.
Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền Nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực Nam của đất nước ta.
Hò rất được ưa chuộng ở miền Nam vì có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.
Về hò trên sông nước, "hò chèo ghe Bạc Liêu" (có thể xem như đại diện cả vùng đồng bằng sông Cửu Long) là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước; có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên.
Vùng đất Bạc Liêu đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long; nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Sẵn nói luôn: Tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ Cổ Hoài Lang đặt nền móng cho nền cổ nhạc Nam bộ cũng gắn liền với vùng đất này.
.
"...Ðường dù xa ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/Đêm luống trông tin bạn/Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/Vọng phu vọng luống trông tin chàng/Sao nỡ phũ phàng..." (Dạ Cổ Hoài Lang Cao Văn Lầu)
.
Hò chèo ghe Bạc Liêu có hai loại là hò đơn và hò đôi:
– Hò đơn: Có hai giọng là hò chậm và hò nhanh.
– Hò đôi: Giọng hò lúc này không còn mang tính tự sự đơn giản nữa, mà mang đậm nét trữ tình, giao lưu, trao đổi tình cảm. Hình thức hò này nhanh chóng trở thành sinh hoạt tập thể như đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ của cộng đồng. Cũng giống trên, nó có hai loại: Hò đối đáp chậm và hò đối đáp nhanh.
.
Xin được ghi ra đây vài hàng đóng góp của bạn Đỗ Phú:
.
“... Cư dân miền Tây vốn "có của để dành" sẵn từ thiên nhiên; chiều nay ăn hết, sang mai lại có. Từ thời mở đất đã không e ngại cảnh đói no. Mưa nắng điều hòa, nhịp sống yên bình, không mấy khi gấp gáp. Từ nơi này qua nơi khác, xóm này qua xóm khác chỉ có chèo xuồng, bơi ghe... là thuận tiện.

– Giả dụ như có hai ghe, chiếc trước chiếc sau, chàng trai thường nhún nhường hò gọi:

"Theo em đứt bộ quai chèo
Em thương bớt lái, khoan chèo đợi anh"

– Gió sông thổi nhẹ, sóng nước lăn tăn. Chàng trai ngồi trên xuồng ở vàm kinh câu cá, thả lưới; cô gái trên biền (bờ) hái rau choại, nhổ hẹ nước. Chợt nhìn thấy nhau cũng hò, nàng hò đố bâng quơ mời gọi:

"Đố ai quét sạch lá rừng
Để em khuyên gió, gió đừng rung cây"

mat nhin2
Bất kể là chàng trai nào, có vợ hay chưa, ở trong khung cảnh đó mà không hò đáp lại nàng thì không phải dân miền Tây sông nước.
Ghe thương hồ thường đậu trạm ở mấy giáp nước (chỗ tiếp giáp hai dòng nước – NL) chờ nước giựt ròng để xuôi ra sông lớn cho nhẹ ghe. Như sông Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu, hay giáp nước Thủ Thừa nối hai sông Vàm Cỏ ở Long An. Trường hợp này là hò rộn ràng nhất, chẳng cần có trọng tài, nhưng cuộc hò tự động chia thành hai phe, phe trai và phe gái đấu nhau. Chọc ghẹo đùa giỡn nhau qua câu hò, lúc thanh, khi tục, có hồi suôn, có hồi bí, có gỡ quê, có gỡ bí.
Hễ cặp nào thích nhau thì nhổ sào, chống ghe xáp lại gần tâm sự. Có không ít tình bạn chí thiết phát sinh từ đây. Cũng nhiều đôi khác xứ, gặp gỡ, nên duyên chồng vợ ở tại chỗ này...” (Đỗ Phú)
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bậu có thương thì thương cho chắc
Chi bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm như con thỏ nọ đứng ở đầu truông (ơ ờ)...
Hò ơ ớ ơ ơ …
thỏ nọ đứng ở đầu truông...
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng (ơ ơ)

.
.

VÀI CÂU HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM
.
Xin được ghi ra đây vài câu hò đối đáp giữa nam và nữ.
.
1.
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gãy
Người lạc tâm hồn bậu hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao (ơ ờ)...
Hò ơ ớ ơ ơ…
những vì sao...
Cái lu cái tỏ... cái nao riêng mình? (ơ ơ)
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng (ơ ờ)...
Hò ơ ớ ơ ơ …
theo nước lớn ròng...
Dò tìm bóng bậu cõi lòng nát tan (ơ ơ)
.
- Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bậu ơi (ơ ờ)...
Hò ơ ớ ơ ơ …
tìm đâu hỡi bậu ơi...
Bóng chiều dần xuống mưa rơi mịt mùng (ơ ơ)...
.
Hò ơ …
"Tìm bậu như thể tìm chim

Chim bay biển Bắc (ơ ơ ơ) tôi tìm biển Nam" (ơ ơ)
.

2.
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái (ớ ờ)
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô" (ơ ơ)
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chèo vô chẳng thấy bậu đâu!
Nước ròng sông cạn (ớ ờ)
Nước ròng sông cạn lòng đau thấu trời (ơ ơ)
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ước gì như áng mây trôi
Anh bay đi kiếm (ớ ờ)
Anh bay đi kiếm tìm người anh thương! (ơ ơ)
.
3.
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Trượt chân em té xuống bùn
Mình em lấm hết (ớ ờ)
Mình em lấm hết anh hun chỗ nào?" (ơ ơ)
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chỗ nào qua cũng muốn hun
Bậu mà trượt té (ớ ờ)
Bậu mà trượt té qua nhảy xuống bùn bồng lên! (ơ ơ)
.
- Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám dở mùng chun vô" (ơ ơ)
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chun vô lẹ lẹ chun vô
Nhẹ nhàng anh nhé (ớ ờ)
Nhẹ nhàng anh nhé mẹ ho kia kìa! (ơ ơ)

CA DAO VỀ CHỮ BẬU
.
Ca dao về chữ "bậu" trong dân gian rất nhiều, đủ thể loại. Tôi xin ghi ra đây vài câu tiêu biểu:
.
Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn
Núi lở non mòn, ngỡi* bạn không quên.
Đường còn đi xuống đi lên
Tình qua nghĩa bậu quyết nên vợ chồng
.
Anh thấy em chắc chắn
Cặp chân mày ngay ngắn, anh cũng vừa lòng,
Cậy cùng cô bác mai dong,
Vái cho em bậu xiêu lòng ưng anh.

.
Bấy lâu bậu cần mẫn cái vườn đào
Tình xưa ngỡi* cựu, bậu có nhớ chút nào hay không?
Bậu buồn qua dễ chẳng buồn
Cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay
.
Bậu có chồng như cá vô lờ
Tương tư nhớ bậu, dật dờ năm canh ...
.....
* Ngỡi là "nghĩa" nói trớ.



VÀI CÂU LỤC BÁT CA DAO VỀ CHỮ BẬU
Như đã nói trên, ca dao có nhiều thể loại: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn hay... tự do. Nguyên Lạc tôi từ nhỏ đã được bà ngoại ru bằng lục bát ca dao, nó thẩm vào máu. Nhớ quê hương thân thương, tôi xin mời các bạn tiếp tục đọc thêm vài bài lục bát ca dao – tự tôi làm – liên quan đến chữ "bậu" quê Nam bộ chúng tôi:

.

LỜI TÌNH TRÊN SÔNG
.
Sóng xô gió lộng sông Tiền
Kiếp sau hãy gặp... có phiền bậu không?
.
- "Kiếp sau gặp mặt... hỏng quen
Kiếp này nhất quyết... đỏ đèn cũng theo!"
.
Bậu theo thì hãy cứ theo!
Chim trời, cá nước, kiếp nghèo chịu hong?
.
- "Sá gì ba chuyện cỏn con
Giàu nghèo cam chịu miễn không phụ tình"
.

TRÁCH BẬU I
.
"Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi"
Cớ sao bậu lại phụ tôi?
Bỏ tôi cơ khổ bậu quên lời thề xưa!
.
Rạch sông tứ phía mù mưa
Dò tìm bóng bậu ruột như tơ vò
Sầu như con nước vượt bờ
Vỡ con đê chặn ngập bờ ruộng khoai
.
Trách bậu lòng dạ đổi thay
Trách tôi sao vẫn mãi hoài nhớ thương
Nhớ câu: "Gả thiếp về vườn
Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh"
.
Giờ sao bậu lại nỡ đành
Chạy theo phù phiếm sầu dành riêng tôi?
Dẫm chân than tiếng trời ơi
Người ăn ở vậy ông trời chứng sao?
"Thương tầm cởi áo bọc dâu
Tưởng người có nghĩa hay đâu bạc tình"

TRÁCH BẬU II
.
Cá lia thia lâu rồi quen chậu?
Vợ chồng rồi thì cũng quen hơi?
Tủi thân tôi lắm bậu ơi!
Hơi đâu không thấy... bậu rồi xa tôi!
.
Chiều chiều ra ngõ trông vời
Chim kêu vượn hú thấy đời quạnh hiu!
Đêm về một bóng cô liêu
Gió lùa khe cửa mối khêu nỗi buồn!
.
Huơ tay lạnh một chỗ nằm
Sáng ra bến nước mắt đăm ngóng nhìn
Bậu đâu? Chỉ tím lục bình
Lặng lờ con nước buồn tình hoa trôi!
.
Tôi giờ nhớ lắm bậu ơi!
Bậu giờ có nhớ những lời thề xưa?
.
"Trách ai rọc giấy bỏ bìa
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa"
.

TRÔNG NGÓNG
.
"Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi"
.
Bậu đi thì kệ bậu thôi!
Ngu chi tơ tưởng để rồi nhớ thương?
.
Cố quên, sao vẫn tỏ tường
Mắt huyền bậu liếc, hàm răng bậu cười
Tức mình đấm ngực kêu trời
Nhớ chi dữ vậy để rồi hận nhau?
.
"Con mèo trèo lên cây cau"
Trêu đùa chú chuột tôi sao hở người?
Kêu chiều chim vịt bồi hồi
"Bâng khuâng nhớ bậu đứng ngồi hỏng an"
.
Lệ sao cứ chảy hai hàng!
Đêm nghe tiếng chuột rõ ràng bên khe
Lời xưa mai chắc bậu về
(*)
Sáng ra sông đợi chỉ dề hoa trôi!
.
Lục bình tím ngắt bậu ơi!
Xuôi dòng nước biếc bỏ tôi hàng bần
Sầu ai bần rụng trái xanh?
Chua lòng tôi lắm, ngó quanh vắng người!
.
Khi nao gặp lại bậu ơi?
Chắc gì bậu nhớ những lời thề xưa?!
Gió đưa gió đẩy hàng dừa
"Thổi bay cây cải, chỉ chừa rau răm"
(**)
.
Một ngày ba bận ngóng trông
Thấy người thiên hạ, mà không thấy nàng!
"Canh chầy thơ thẩn, mơ màng
Đêm mơ thấy bậu, dậy còn chiếu không"!
.
Bậu ơi có biết hay không?!
Lòng anh vẫn mãi chờ mong dáng nàng!
.............
(*) Trong dân gian, người xưa tin (cho) rằng: Đêm chuột kêu thì sáng sẽ có người đến nhà, thân sơ tùy tiếng chuột kêu.
(**) Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời (đời) đắng cay...(Ca dao)
.

MUỐI XÁT GỪNG
.
"Xốn xang như muối xát gừng
Phải chi hồi trước ai đừng biết ai!"
(Ca dao)
.
Sông sâu tím một dòng sầu
Gây chi bao cảnh bể dâu đổi dời?
Bậu rồi mù dấu phương người
Vời xa nơi ấy cuộc đời khá không?
.
Huơ tay chỉ lạnh chỗ nằm!
Khuya nghe tiếng mối cõi lòng chẳng an!
Sáng ra níu áng mây ngàn
Nhắn giùm tôi những lời thương đến người!
.
Quê hương vắng bóng bậu rồi!
Khi nao gặp lại một thời trăng thanh?
Tiếng chày giã gạo đón xuân
Lời ca hòa nhịp nỗi mừng tình đôi!
.
Bậu giờ mù dấu phương người
Xốn xang. thương nhớ bậu ơi "muối gừng"!
Nhớ thương chỉ biết nhớ thương!
Gây chi bao cảnh đoạn trường quê tôi?
.

CÁCH CHIA
.
"Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm bậu ơi!
Chẳng thà không gặp thì thôi"
(*)
Gặp nhau quấn quýt trao lời nhớ thương
.
Khổ đời bậu phải mù sương
Để tôi ở lại nỗi lòng nát tan
Chiều nay níu áng mây ngàn
Hỏi thăm tình vẫn chứa chan nhớ về?
.
Lạnh đồng gió chướng buồn thê
Sáo diều đâu nữa?
Đừng về bậu ơi!
Còn đâu!
Quê đã đổi dời
Lối nao còn đợi
mưa đời sầu giăng!
.
Bậu xa có nhớ hay không?
Câu ca "Dạ Cổ Hoài Lang" đêm nào?
(**)
Thuyền xuôi nhẹ bến Gành Hào
Tiếng đàn quyện lấy lụa đào trăng thanh
.
Nhớ thôi tôi bậu phải đành!
.......
(*) Ý ca dao.
(**) Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng/Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông/Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm... (Dạ Cổ Hoài Lang, Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang - Cao Văn Lầu, Vũ Đức Sao Biển)

Các bài lục bát trên chắc có lẻ làm các bạn buồn? Thôi để "thay đổi không khí" cùng sẵn dịp giới thiệu bài kế tiếp, nói về Đại Ngãi quê chúng tôi, tôi xin tặng các bạn vài câu luc bát vui. Các câu thơ này viết ra theo ký ức thuở quê tôi an bình, cách đây khoảng 60 - 70 năm, lúc dân quê tôi chỉ làm lúa một mùa; sau khi cấy lúa xong là rãnh rỗi vui chơi, chờ ngày lúa chin thu hoạch. Từ tháng 6 tháng 7 âm lịch cho đến Tết, trẻ thì đá ca lia thia, đá gà... lớn thì "nhậu nhẹt", đờn ca...

Đây là bài thơ vui, theo phong cách cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu:
.
Khoan khoan ngồi đó chớ đi
Bạn bè tri kỷ mấy khi sum vầy
Bậu đâu ta bảo bậu này
Chạy ra bờ ruộng lùa bầy vịt non
Cà-ri vịt, tiết canh ngon
Vài chai rượu nếp cho tròn đệ huynh

.
Và rồi "ông thần" này "xỉn"
.
Trong mơ ôm ấp bóng hình
Giật mình tỉnh giấc chình ình bậu yêu!


.

Nguyên Lạc