Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Kiến nghị gửi Quốc hội

Chúng tôi, những cử tri quan tâm đến hiện tình đất nước, qua đài truyền hình, biết được chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, kiến nghị với Quốc hội mấy vấn đề sau đây:

1. Trước phiên họp này, báo và đài đã đưa tin dồn dập vể ba cuộc họp do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chủ trì. Tại đó ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nên lên những câu hỏi lớn liên quan đến vận mệnh đất nước và đời sống của toàn dân như:

- Có nên ‘xóa bỏ’ thành phần kinh tế nhà nước hay không?

- Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?

- Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 ông dẫn dụ nhiều điều, song chủ yếu vẫn là những câu hỏi:

- Chiến lược là thế nào? Chúng ta định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc, năm 2030 là mốc rất quan trọng (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

- Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào?

- Đến năm 2045 nước ta sẽ hình dung như thế nào?

- Thời kỳ quá độ là thế nào?

- Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào...

Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu “Khó lắm các đồng chí ạ, cả lý luận và thực tiễn, phải hiểu biết rất sâu sắc thực tế, cả trong nước và quốc tế”, ông đưa ra một ví dụ “chỉ riêng về tên của văn kiện cho Hội nghị 10 lần này khi đưa ra Trung ương thảo luận còn dự kiến 112 tên gọi khác nhau” và ông cho biết “riêng cái đó đã cãi nhau rồi”.

Chúng tôi hiểu rằng, những vấn đề ông Trọng nêu lên tuy không mới, nhưng đã chạm đến những vấn đề có ý nghĩa lớn về lý luận cũng như về thực tiễn đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước ta từng được đặt ra nhiều năm qua. Nếu chỉ tính từ khi ông Nguyễn Phú Trọng giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho đến khi đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư năm 2014, vấn đề đó đã được nhiều lần đặt ra nhưng chưa hề được thảo luận một cách nghiêm túc, thậm chí những người dám thẳng thắn nêu lên trên các diễn đàn chính thức đều bị gạt bỏ, bị phê phán.

Nay, dưới sức ép của cuộc sống, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức đặt lại những vấn đề ấy trong những cuộc họp quan trọng nhằm định hướng cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới của những biến động dữ dội trên thế giới và trong khu vực. Ấy thế mà, trong chương trình nghị sự của phiên họp Quốc hội khai mạc ngày 20.5.2019 chúng tôi không thấy có nội dung hết sức quan trọng nói trên. Vì thế chúng tôi thấy cần lên tiếng.

2. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cần bổ sung vào Chương trình nghị sự của Kỳ họp này một mục quan trọng hàng đầu là thảo luận về những vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài đến quốc kế dân sinh, không những thế có ý nghĩa trực tiếp và sâu xa đến vận mệnh đất nước nhằm bước đầu nêu lên những kiến giải cho các câu hỏi đang còn bị bỏ lửng mà ông Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch Nước vừa nêu lên, nhưng ông lại vắng mặt trong mấy ngày vừa qua. Nếu vì chương trình nghị sự đã quá tải thì nên tạm lùi lại một vài vấn đề ít quan trọng hơn so với những vấn đề vừa đặt ra. Nhược bằng không thể đẩy lùi nội dung đã dự định thì cần kéo thêm thời gian của phiên họp này để Quốc hội thảo luận và đề xuất những gợi ý bước đầu cho những vấn đề lớn vừa được đặt ra.

3. Cùng với kiến nghị trên, để làm điểm tựa vững chắc cho những kiến giải của Quốc hội sau này về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước và cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, chúng tôi kiến nghị cần có trưng cầu dân ý về một vài vấn đề thiết yếu nhất trong số những vấn đề vừa nêu trên ví dụ: “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”, hoặc Có nên ‘xóa bỏ’ thành phần kinh tế nhà nước hay không?”.

Đây là điều mà chúng ta chưa hề thực hiện, mặc dầu Luật trưng cầu ý dân đã được Quốc hội biểu quyết ngày 25.11.2015 và đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Cùng với việc trưng cầu ý dân, cần có những cuộc lấy ý kiến những người giàu tâm huyết, quan tâm đến vận nước, có tri thức khoa học chuyên sâu trên những lĩnh vực lý luận và thực tiễn, theo dạng những “hội nghị Diên Hồng” nhỏ, nhằm khởi động ý chí tự lực tự cường, tạo nên một sức lan toả mạnh mẽ và rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước cùng với lớp tuổi trẻ năng động, sáng tạo đang cần được tự thể hiện sức mạnh và ý chí, tạo ra nội lực để bứt lên.

4. Cùng với những điều trên, chúng tôi kiến nghị cần thay đổi cách tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp và sau kỳ họp mà lâu nay vẫn tiến hành:

Để nghe cho được tiếng nói thật của dân, những tiếng nói trung thực, thẳng thắn chứ không phải là những lời tụng ca hay phê bình được gợi ý theo cách “mớm cung” cho một số cư dân đã được công an, chi bộ, chính quyền cơ sở chọn trước, rồi cơ quan Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở làm nhiệm vụ giới thiệu và chủ trì.

Dân có quyền đến dự cuộc gặp mặt cử tri ở bất cứ nơi nào mà họ muốn. Và dân cũng đủ tỉnh táo và sâu sát để loại bỏ những kẻ quấy rối. Chỉ cần nhà cầm quyền thật bụng tin dân. Đó là cách tốt nhất để đại biểu Quốc hội tiếp xúc được với người dân và lắng nghe tiếng nói thật của họ.

Chúng tôi kiến nghị những vấn đề trên nhằm góp phần giải toả những lúng túng của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Khó lắm, cả lý luận và thực tiễn, phải hiểu biết rất sâu sắc thực tế, cả trong nước và quốc tế”. Vì “khó lắm” nên phải tìm hiểu lời giải từ dân, lắng nghe dân, thật bụng tin dân.

Kính gửi Quốc hội lời chào trân trọng.

Tp Hồ Chí Minh,

Ngày 23.5.2019

-Lê Công Giàu, nguyên Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sài Gòn 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Pacific Airlines, nguyên Giám đốc Công ty SAVIMEC, FTDC, ITPC

-Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc hội Khóa VI, nguyên Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên

-Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Tp Hồ Chí Minh

-Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt