Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (556): Nguyễn Mạnh Côn (kỳ 7)

Đem tâm tình viết lịch sử

Phần 6 (tiếp theo)

Hải Phòng ngày 19 tháng 7 năm 1954
Thân ái Trung,
Thấm thoát đã qua ngót hai năm, kể từ ngày tôi gửi những bức thư trước cho Trung. Thư gửi ở Hà Nội, tôi ở Hà Nội, ở Vĩnh Yên, rồi xuống Hải Phòng. Tôi có nhận được thư Trung, nhiều lần an ủi, nâng đỡ và thử tìm một giải pháp cho vấn đề đặt ra bởi những người bôn-sơ-vích.


Hai năm, hơn mười lá thư của Trung. Tôi không lần nào trả lời, không phải vì “phù hoa đã đổi lòng người chiến đấu”, cũng không phải vì đã bắt chước một Trang tử khinh chuyện đời giả dối. Hơn hai năm, tôi dùng trước hết để kiếm sống một cách vất vả, còn những phút họa hoằn nhàn rỗi lại đọc lại thư Trung, hoặc tự mình tìm lấy ý nghĩa cho cuộc đời mình sống.
Sự đào xới, càng sâu mãi vào trong lòng, càng chứng tỏ rõ rệt tâm hồn tôi, nếu đứng một mình, không thể nào làm ra một thứ gương soi cho thấy được bản thể. Tâm hồn tôi đã dành là một cái gì trọn vẹn tự nó có khả năng độc lập sinh hoạt. Nhưng gần đây, kể từ ngày cuộc sống chung của dân tộc dâng lên, bừng bừng một sự tranh đấu mãnh liệt, thì tâm hồn tôi đã chìm lẩn với biết bao nhiêu tâm hồn khác, phối hợp với nhau, hòa vào nhau, mà tạo nên một thứ tâm hồn to lớn, cho cả một xã hội, cả một con số mấy chục triệu người. Từ lúc ấy, tôi linh cảm rằng không bao giờ tôi còn tìm thấy tâm hồn tôi riêng rẽ trên con đường lịch sử.
Tôi không thể cứ đào sâu vào lòng mình mà biết được mình. Sự sống riêng rẽ vốn, tự bao giờ, không thể có về vật chất. Bây giờ đến sự sống rung cảm, có những sự phân chia từng nắm, từng mớ, từng giai cấp. Rung cảm bị sắp xếp vào hàng ngũ. Tôi nghĩ rằng mình muốn hiểu mình, có lẽ cần phải tìm hiểu trong một thứ linh hồn giai cấp.
Nhưng tôi phải trả lời Trung trước đã. Về những điều tôi viết cho Trung còn dang dở về hai chữ giai cấp.
Giai cấp-lẽ dĩ nhiên vô sản- sẽ là cơ sở, là tiền phong cho cách mạng bôn-sơ-vích. Vô sản, như đã trình bày, về cả vật chất lẫn tinh thần. Trung lấy chữ “vô sản tinh thần” làm lạ, đã hỏi tôi: “Làm thế nào có vô sản tinh thần cho loại người mới sẽ thay thế tiểu tư sản làm cơ sở cho Cách mạng, loại người ấy là những ai, và có vô sản tinh thần rồi thì lợi ích gì đặc biệt cho Cách mạng?”
Nếu tôi nhớ không lầm, đây chính là một điểm thiếu sót trong bức thư tôi gửi Trung kỳ trước. Sự thiếu sót cố ý, vì tôi đã kịp thấy lý luận nhiều quá, không những mệt cho Trung, mà còn làm cho bức thư trở nên thiếu chân thực, vì có một vẻ tuyên truyền không nên có giữa bạn bè, dù chỉ là vô tình. Tôi không muốn Trung hiểu nhầm tôi, cho rằng vì cá nhân bị hắt hủi, nên oán thù và thiên vị, tôi đã vu cho Việt Minh những ý định họ không có.
Tôi chờ đợi cho qua hẳn một thời kỳ chiến lược. Lúc đó bằng chứng cụ thể không thiếu, sẽ cho phép tôi viết một bức thư dài khác, nói với Trung rất nhiều về kỹ thuật “Cưỡng hiếp tâm lý”, đem áp dụng vào công cuộc giáo dục một cơ sở vô sản tuyệt đối cho cách mạng bôn-sơ-vích. Trung chắc chắn đã đọc quyển: “LE VIOL DE LA FOULE PAR LA PROPAGANDE POLITIQUE” của Tchakhotine, đã biết rõ phương pháp dùng lời nói và hình ảnh dưới mọi hình thức và nhắc đi nhắc lại mỗi giờ, mỗi phút để tràn ngập tâm hồn con người, đuổi hết mọi ý nghĩ ra khỏi nơi đó, để thay thế bằng những ý nghĩ đã định sẵn từ trước. Trung ở bên ấy, hẳn còn biết hơn tôi về khẩu hiệu: “DEUTCHLAND UBER ALLES!”, dán trên mọi góc tường, chiếu trên tất cả các màn ảnh, hô luôn miệng ngoài đường lộ và trên luồng sóng phát thanh Đức, thậm chí len lỏi dần dần theo con đường trực giác, cái tư tưởng “Nước Đức trên Đồng minh” này có thể trở nên một thứ nguồn sống cho những người Đức hoài nghi nhất. Trung đã biết thế, vậy chỉ cần biết thêm rằng ở đây người ta cũng nhắc đi nhắc lại, từ trong phút tâm tình, giờ kiếm tháo, đến buổi hội họp hàng ngàn người ngoài trời, những khẩu hiệu nhằm đóng danh vào tâm khảm đối tượng một lòng Tin vào sự sáng suốt và tình thương yêu của Đảng.
Đảng được lòng tin, tin u mê và say sưa, cũng vẫn chỉ giáo dục đối tượng với những lời đã ca: của cải riêng tư là hệ lụy của đời người, biên giới quốc gia là biên giới của những dư đồ thống trị, tình chồng vợ hay cha con nhằm áp bức và bóc lột sức lao động của người yếu thế, cho đến luân lý hay tôn giáo cũng chỉ cốt giữ vững một trật tự xã hội có lợi cho phong kiến… Lời đã cũ, nhưng lần này giáo dục không còn là dạy cho biết, mà dạy cho thành tâm tính con người. Vì thế có chữ mới: “vô sản tính”. Vô sản tính cộng thêm tính tự vệ và căm thù tư bản, quyết tâm đấu tranh tiêu diệt tư bản, sẽ có một tên mới nữa: “giai cấp tính”.
Giai cấp tính, lẽ cố nhiên, có thể được đem giáo dục cho cán bộ tiểu tư sản đã đầu hàng. Nhưng không dễ, vì sao Trung đã biết. Thành thử chỉ còn có những đồng bào công nhân, công nhân thành thị, công nhân thôn quê. Nhất là đồng bào nông dân, bao nhiêu chất phác là bấy nhiêu dễ dàng cho giáo dục. Giáo dục ngày nào hoàn thành, ngày ấy Cách mạng có một cơ sở chiến đấu, gồm những thể xác vô tri của những người, người mà là đồ vật.
Tôi nhớ đây chính là ý nghĩ làm sao cho tôi kinh hoảng, trong khi tôi viết thư cho Trung, lần trước. Lúc đó tôi còn ở Vũ lao, ngày nằm trong buồng chị Nhiễu, nín thở. Đêm đến, chừng nào trăng đã lặn, con đường đồi quanh co lên Quảng Nạp đã vắng hẳn bóng người, thì chị Nhiễu với tôi lại ra ngồi ngoài hiên. Tôi kể chuyện Quảng. Chị nhắc lại những ngày trước khi bị đấu, người chồng yêu kính của chị, biết mình đã bị bao vây và tất phải chết, nên ngày lại ngày mong mỏi hay người bạn thân về qua, để trối lại một lời phó thác ba đứa con còn dại. Hai người bạn thân ấy, một là tôi, hai là Quảng.
Quảng đã mất, Nhiễu đã mất, cùng đau đớn như nhau, cùng vì một lẽ không muốn cho những giọt máu của họ phải ở lại với Việt Minh, chịu cho Việt Minh nuôi dưỡng và giáo dục. Hai người xa nhau từ lâu nhưng chắc hẳn đã chung nhau một ý nghĩ. Duy Nhiễu còn dặn được vợ, có gặp bạn hay không, trong thời hạn qua giỗ đầu mình một tháng, tất phải đưa con về Hà Nội.
Chị Nhiễu với tôi, Trung thừa biết, dù cho chẳng có lời ủy thác, cũng nhất định phải đưa lũ trẻ về Thành. Chính cũng vì thế mà tôi nán lại bên phần mộ Nhiễu, để nhờ người vợ góa của anh thuê một bạn điền cũ ở Khải Xuân bắt liên lạc với gia đình Quảng. Người bạn điền ra đi, tôi nhìn theo bước chân hắn, mười phần chắc chín hắn phóng thẳng đến ủy ban báo cáo. Tôi đã mất hết lòng tin ở người nông dân, giữa khi công việc Tố, Đấu của Chính sách Cải cách ruộng đất được phát huy cực độ.
Nhưng thật may cho chúng tôi là ở đời vẫn còn có những người chung thủy. Anh Chắt Hoe, đêm đi ngày ở, vừa làm thuê lấy ăn, vừa lân la hơn một tháng giời trong vùng Phố Én, Phi Đinh, rồi Ẩm Thượng, Ẩm Hạ, mãi đến Đan Thượng thuộc Yên Bái, mới biết đích xác tin tức. Gia đình Quảng được một cán bộ đại đội đào ngũ đến báo tin, đã cùng với anh đó men bờ sông Thao xuôi Hà Nội cuối tháng trước. Anh Chắt Hoe về đến nhà, bộ quần áo mang trên lưng rách như xơ mướp. Anh đương lên cơn sốt rét, bàn tay run lẩy bẩy cố lần cổ áo, móc ra trả chị Nhiễu một mẩu trong chiếc khánh vàng chị còn dấu được cho lũ trẻ.
Tôi đứng trông cái cảnh người bạn điền nghèo khổ, suốt đời không có đến hy vọng sắm vàng, mà đưa trả lại cho chủ cũ mảnh kim khí kia-chính là tiền ăn đường và tiền thuê anh đi khó nhọc-, tự nhiên tôi thấy mình có tội với anh, với tất cả những đồng bào thành tín nơi thôn dã. Tôi lại trở lại tin tưởng lòng tin mong manh này là nguồn an ủi cuối cùng của chúng tôi, trên khu vực trước kia chúng tôi đã gửi vào một lòng tin biết bao nhiêu sắt đá. Khu vực kháng chiến. Chúng tôi không ở lại được, bởi một quá khứ sầu thảm, bởi một tương lai gian nguy không tha thứ.
Chúng tôi qua sông ngay đêm anh Choắt Hoe về đến nhà. Sự đứng lên thật gọn ghẽ, ngoài hai nấm mồ để lại, chúng tôi ra đi mỗi người có hành lý là một cái túi nhỏ đựng hai bát gạo rang, so với ngày tản cư có phần còn nghèo hơn nữa. Anh Choắt Hoe thấy tình cảnh chúng tôi cơ cực quá, cầm lòng không đậu, bỏ chạy vội về nhà lấy dúi vào tay chị Nhiễu mấy tờ giấy bạc còn nguyên nếp. Anh lại đưa cho tôi mươi quả quít hôi, một vốc muối. Tự nguyện đưa chúng tôi lần đường mòn ra một xóm vắng bên sông, anh để chúng tôi ở xa, một mình lội xuống nước, men đến bến trộm thuyền chở cả bọn trót lọt sang Cẩm Khê.
Rồi anh trở lại. Chúng tôi chào và cám ơn anh. Anh đứng lặng một chốc, đoạn ôm chầm lấy thằng cháu Chân Phương òa lên khóc. Anh đã nhiều tuổi, tiếng anh khóc là một cái gì rạn vỡ, là một cái gì cực kỳ thê thảm. Nhưng lạ thay, cũng là một cái gì cởi mở, một cái gì hàn gắn tương lai vào quá khứ, trong những cuộc đời đã bị vò xé tan tành.
Sau cùng anh Chắt Hoe nuốt nước mắt, chắp tay vái chị Nhiễu:
- Mợ cho các anh bé, chị bé xuôi bình yên. Phần mộ cậu đã có con…
Nói dứt lời, anh quay mình chạy xuống thuyền, đẩy một sào thật mạnh. Thuyền đã ra đến giữa sông, chúng tôi cũng đã vào đến ven rừng, duy tôi nghe tiếng lá cây xào xạc vẫn tưởng như còn nghe thấy, lẫn với tiếng gió heo may vi vút, tiếng khóc kỳ lạ, đột ngột của người bạn điền đã quá bốn mươi tuổi.
Tôi cho là không cần phải hỏi cũng biết chắc anh Nhiễu, hay chị Nhiễu, thế nào cũng có lần, đối với anh Chắt Hoe, có một thứ ân cứu tử. Nhưng không phải. Anh Nhiễu mới lên ở trên đồn điền có dăm năm nay, còn trước kia vẫn giao công việc thu, phát cho quản lý. Anh Chắt Hoe chỉ thương chúng tôi là những con người cơ khổ, oan ức, những đứa con côi, người đàn bà góa trẻ, anh “bộ đội” yếu đuối, bệnh nạn, trốn tránh.
Lòng thương người hồn nhiên, sự hy sinh giản dị của anh Chắt Hoe đã thổi cho lại cháy trong tim, trong óc tôi ngọn lửa của hy vọng. Ngọn lửa nó giúp cho tôi sức chịu đựng gian khổ và tinh thần lo toan sáng suốt trên con đường đưa vợ, con Nhiễu về Nghĩa Lộ.
Nghĩa Lộ tuy là cả một vùng rộng lớn do quân đội Pháp chiếm đóng, nhưng bên ngoài Nghĩa Lộ vẫn có cả một hàng rào quân kháng chiến. Tôi nói: một hàng rào quân kháng chiến, vì tôi không thể đành lòng gọi những người bạn đồng ngũ của tôi mấy bữa trước là Cộng Sản, là Bôn-sơ-vích. Mặc dầu, vào lúc đó, họ chắc chắn đã nhận được lệnh truy nã một tên cán bộ đào ngũ, phản động. Mặc dầu họ gặp tôi nhất định sẽ bắt, hoặc nếu chạy thì bắn. Họ không thể biết. Họ có lẽ cũng đã có một vài cấp chỉ huy đã bị đấu, một vài cấp chỉ huy đã đào ngũ trong trường hợp của tôi. Nhưng họ ở đơn vị khác, họ bị bưng bít về tin tức ở những đơn vị bạn. Họ lại ở mặt trận. Đối với họ, tôi chỉ là một cấp bộ hèn mạt đã đào ngũ, bây giờ lại định len lỏi về theo Pháp. Đối với chị Nhiễu, với lũ nhỏ, họ cũng không thương tiếc gì hơn, bởi về với Pháp bao giờ cũng là phản bội
Con đường đi Nghĩa Lộ, tôi tuy đã thuộc gần hết các lối mòn mà vẫn không ngớt phập phồng lo sợ. Nông nỗi hiểm nghèo là quân kháng chiến hàng ngày di động, chúng tôi có thể bị họ bắt gặp ngay giữa đường. Sau đến vị trí của Pháp không biết đích, cùng sự vơ vẩn vào các bản tìm tiếp tế, có thể gặp ban Tề, nhưng cũng có thể gặp ủy ban cứu quốc.
Đau khổ hơn nữa là sự có mặt của ba đứa trẻ. Đứa lớn, con Dao Chi, lên 7 tuổi tuy chưa đủ 6 năm, ngày hôm đầu còn đi được một mình, nhưng từ hôm sau vừa mỏi vừa bị vắt cắn, gai đâm và vấp ngã sái chân, cả ngày chỉ đi được chừng năm cậy số. Đứa thứ hai lên 5, thằng Chân Phương, phải dắt tay mới được quãng đi, quãng nghĩ. Còn chị Nhiễu với tôi chuyền tay nhau bế em Thục Nguyên của chúng, 3 tuổi. Chị Nhiễu tuy mấy năm nay đã quen lam lũ, nhưng vốn mảnh người, yếu sức, nên sang ngày thứ ba, những lúc phải bế con nặng, chị không kêu mỏi mà giữa mùa rét, lại đi trong khe rừng gió hút, tôi thấy chị đổ mồ hôi có giọt, trong khi da mặt chị biến sang màu xanh nhợt nhạt.
Tôi biết sự cố gắng của chị Nhiễu. Chị có thể gục ngã trong xó rừng âm u này, nhưng con chị… Chị phải cố. Nhưng tôi biết sức người có hạn. Đành hôm sau phải bỏ nửa ngày cắt dây nâu tết quang gánh, gánh hai đứa nhỏ đi lên trước một đỗi đường rồi tìm chỗ kín đáo treo cả quang lẫn cháu lên cành cây, còn mình trở lại cõng con cháu Dao Chi và dắt, và đỡ chị Nhiễu bước lên.
Chúng tôi lần bước như thế tám ngày, ngày đi liều, đêm ngủ trên võng bằng những dây leo buộc túm lại. Tám ngày không gặp một đội viên kháng chiến nào. Tám đêm không bị rắn, rết, chỉ bị muỗi đốt mấy đứa nhỏ sưng húp cả mặt. Buổi chiều ngày thứ tám tôi buộc cái yếm lụa của chị Nhiễu vào đầu gậy đến xin hàng ở đồn Nậm Vải 1.
Chỉ huy Đồn Nậm Vải là trung úy De Lavernett, cháu bảy đời của danh tướng De la Tour d’Auvergne thời Cách mạng Pháp. Ông tiếp đón chúng tôi với tất cả từ tâm, tất cả lịch sự của một người Pháp quý phái. Rồi sau khi để chúng tôi nghỉ yên một tuần lễ, sau khi chữa cho lũ trẻ khỏi những vết thương băng rừng, trung úy De Lavernett đánh điện về Nghĩa Lộ xin máy trực thăng đến đón chị Nhiễu với ba đứa trẻ. Còn tôi ở lại làm một thứ tù binh thượng khách của ông được chưa đầy hai tháng, thì ông trúng mìn, tử trận. Tôi bị đưa về Hà Nội, giam trong “Trại Mười Ba”2 mười bảy ngày, tới ngày thứ mười tám có một bức điện tử Pháp đánh về Bộ tư lệnh Khu vực Hành quân Bắc Việt, xin trả tôi về tự do.
Bức điện ấy của ai, tôi không biết. Vì người biết là Trung, thì Trung giả vờ quên không nói đến. Tôi đã nhiều lần cám ơn Trung nhưng vẫn chưa đủ. Bởi vậy, một lần này nữa, tôi nhắc lại Trung hãy tin vào tình bằng hữa thủy chung tận tụy của tôi. Vĩnh viễn.
Trung hãy tin rằng những việc làm và tiếng khóc hồn nhiên của anh Chắt Hoe, sự hiểu biết và tính cương trực của quá cố trung úy De Lavernett, và sau hết, tình tương trợ tức khắc của Trung đã vượt qua bao nhiêu cửa ải để cho tôi có được bức điện quý giá kia, chính bấy nhiêu sự việc, bấy nhiêu hy sinh, đã cứu tôi thoát hẳn được cơn ám ảnh kinh khủng về một cuộc chiến đấu giữa người với người mà là đồ vật…
Cuộc chiến đấu thương tâm, nhất là vì trong số đồ-vật người kia có thể có những người bạn thân khác của tôi, những anh em con cháu, họ hàng tôi. Có những cánh tay sẽ cầm dao đâm vào ngực tôi, những cánh tay trong đó chảy cùng với cánh tay tôi một giòng máu! Thật là một cơn ác mộng. Nếu không có Trung, nếu tôi còn bị giam giữ lâu ngày, tôi e rằng khó mà khỏi lên cơn điên, cấu, xé…
(1) : Nậm Vài : tiếng thiểu số Thái: con trâu, con bò
(2) : thường gọi là Trại “Nhà Tiền”.

Thân ái Trung,
Thế mà ngót hai năm cũng qua rồi. Tôi ra khỏi trại giam, bị kích thích nặng quá trong thần kinh hệ nên phải nghỉ yên đến hơn một tháng, suốt ngày không ra đường, không rời quyển sách hay tờ báo. Tôi đọc ngấu nghiến những tài liệu về khoa học, về cuộc chiến tranh thế giới vừa qua, về trận Mao Trạch Đông chiếm đại lục, về vụ xung đột Nam, Bắc Hàn. Một số báo Pháp của người anh rể, trình bày hoặc khách quan, hoặc chủ quan, đủ mọi lập trường của mọi nhóm người Pháp về cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Tôi nhận thấy mới hai năm nay, ở trong này người ta mới tỉnh ngộ mà hiểu rằng, chiến trận từ Lạng Sơn xuống Cà Mau, thật ra chỉ là một bộ phận “nóng” của cuộc tương tranh “lạnh” giữa hai khối Dân chủ và Bôn-sơ-vích. Cũng như ở Nam, Bắc Hàn, mặc dầu con số người chết và bị thương phần nhiều là người Hàn, mặc dầu nhà đổ, làng cháy, cầu gãy, đê vỡ, chỉ là những tai nạn riêng cho người Hàn.

Người Bô-sơ-vích thật sự, nghĩa là người Liên Xô, nếu có cũng chỉ có mấy tay cố vấn kếch xù náu kín trong trung tâm khu chiến. Thế mà hàng chục người Việt, hay người Hàn, đã chết chính bởi họ, vì họ. Tôi thấp thoáng có ý nghĩ: Không cứ đội viên chiến đấu mới là đồ vật, bởi Hồ Chí Minh hay Kim Nhật Thành nào có hơn gì!

Tôi nghĩ thế, và thấy lòng se lại. Cả cái khối Bôn-sơ-vích khổng lồ cũng chỉ là một thứ đồ vật trong bàn tay sử dụng của điện Kremlin, mặc dầu Staline đã chết, Staline hay Malenkov, thật chẳng khác gì Bác Sĩ Moreau. Trung có nhớ phim “Hòn Đảo Của Bác Sĩ Moreau” không? Phim tả nhà bác học có tham vọng hoán cải cho giống vật thành giống người, nhưng thất bại, vì giống vật có hình người mà không có lòng người. Cuối phim, hình ảnh đàn vật-người tiến lên đập phá, giết bác sĩ Moreau, và gầm thét: “Chúng ta không là người, chúng ta không là vật, chúng ta bây giờ là đồ vật!”. Bác Sĩ Moreau, nét mặt thường ngày nham hiểm của kẻ mưu toan gây dựng một sức mạnh kinh khủng bằng loại vật-người-đồ-vật, đến cuối phim, trước cơn giông tố của sức mạnh mù lòa, Bác Sĩ Moreau đã khiếp sợ thế nào!

Tôi không sao quên được nét mặt của Bác Sĩ Moreau. Tôi nghĩ đến Staline hay Malenkov. Họ đang thí nghiệm ngược lại với Bác Sĩ Moreau, giống người sắp thành đồ vật sẽ đối xử với họ ra sao? Sẽ tuân lệnh hay lại nhảy lên bíu vào cổ, cắn ngập răng vào mạch jugulaire? 1

Thật khó mà biết trước được. Duy hiện nay thực tại bắt buộc chúng ta công nhận họ, cũng như Bác Sĩ Moreau, vẫn còn ở trong thời kỳ thử thách. Trước khi thành công hay thất bại hẳn hoi, họ hiện có, ở một vài nơi, những sức mạnh đáng ghê sợ. Một trong những nơi ấy là đất Việt Nam này.

Thế mà, để chống sức mạnh ghê sợ ấy, người ta lại chỉ có một lực lượng phức tạp, hỗn hoạn, mâu thuẫn trong nội bộ phát hiện hằng ngày, và ở tất cả mọi cấp bực. Một lực lượng quốc gia, nói là để chống Cộng Sản từ hai năm nay. Nhưng trước khi nghĩ đến chống Cộng Sản hãy chống nhau ngay trong hàng ngũ. Người Pháp chống người Pháp, người Pháp chống người Việt, người Việt chống người Việt.

Mà tôi có nói ngoa không Trung? - Không chứ! Bởi có thiếu gì Cộng Sản Pháp trong hàng ngũ đoàn quân viễn chinh? Có thiếu gì Cộng Sản Pháp ngay trong một chính phủ chủ trương xâm lược? Thành thử đánh vẫn đánh, vẫn lại có kẻ đem cả toàn bộ kế hoạch của bộ Tổng Tư Lệnh giao cho Cộng Sản, vẫn lại có kẻ hàng ngày viết báo đòi phải trả ngay đất nước cho Hồ Chí Minh! Ấy là chưa kể, trong mặt trận chủ hòa, còn có những phần tử xã hội, muốn hòa nhưng lại muốn điều đình giữ lại một phần nào quyền lợi của thống trị.

Ngược với chủ hòa là chủ chiến: Những tay chống Cộng Sản vì có những tài sản kếch xù, những phần tử thực dân lạc hậu nhưng cực đoan với một số ít người chống Cộng Sản vì chủ nghĩa cùng tất cả những thành phần tôn giáo chân thực. Thành ra khối chủ chiến lại còn phức tạp hơn nữa: Phe thực dân muốn dùng Nguyễn Vĩnh Thụy cùng những đảng vô hại, với những lãnh tụ vô hại (vô hại cho họ, vì lúc nào cũng sẵn sàng ký vào mộ hiệp ước Patenotre thứ hai!), trong khi ấy những nhà lý thuyết sáng suốt đề nghị trả cho Việt Nam nền độc lập thực sự, và các bậc lãnh đạo tôn giáo đi tìm một người đạo đức.

Sự lủng củng trong nội bộ người Pháp đã như thế, sự lủng củng trong nội bộ một số đảng phái Việt Nam cũng chẳng kém gì. Ở cương vị có đôi chút lực lượng, đáng lẽ phải hiệp tác để chống lại kẻ thù chung, và bằng thái độ ấy, bắt người Pháp phải kiêng nể, thì trước hết các đảng phái hãy chống nhau cái đã. Họ viện lẽ có đảng đi với Pháp, có đảng chống Pháp, có đảng chống cả hai bên, nói là để dồn cho họ đánh nhau cho chán, khi nào cả hai bên cùng quỵ, lúc đó sẽ an nhiên hưởng thụ. Nghĩa là mỗi đảng một chủ trương, một chính sách, đảng nào có vẻ “hiền lành” nhất, một vài lần được Pháp cho “thử” giữ một chút quyền bính, thì việc đầu tiên lên cầm quyền là đi lùng bắt cán bộ đảng đối lập – chưa phải là cán bộ Cộng Sản-để bỏ tù. Việc thứ hai là mỗi lãnh tụ chuyển ngay sang Ba-Lê một vài triệu, một vài chục triệu, tùy theo khả năng. Thảng hoặc cố gắng gượng tổ chức lấy một cơ sở tương đối có uy tín thì bị ngay Cộng Sản dùng kế ly gián: Một trái lựu đạn nổ, vài ông “quan to’” về trời, và tổ chức bị giải tán, cấp bộ chỉ huy lại cũng vào tù!

Đảng phái đến như vậy thật là nát bét. Một vài đảng rút vào bí mật, cố giữ lấy một chút tín nhiệm đã gây dựng được trong giới trí thức. Nhưng giới trí thức lại yếu đuối, mệt mỏi, hoài nghi hơn bao giờ hết. Họ, một số biết người, biết mình-biết mình không có sức mạnh-nên phó mặc việc đời, cứ chùm chăn cho kỹ. Một số khác không đành lòng chờ đợi bị tiêu diệt, nhưng khôn ngoan không làm chính trị, chỉ gia nhập đề phục vụ những tổ chức xã hội, nhằm mục đích làm nhẹ bớt một phần những vết thương do chiến tranh. Một số thứ ba, may là rất nhỏ, theo “mặt trận Bảo Đại” đi làm giàu, sa đọa.

Trong khi ấy, dân chúng, dân chúng anh dũng, bị bỏ rơi hoàn toàn về tinh thần. Ngoại trừ một số loa phóng thanh hàng ngày đi hô những khẩu hiệu này lừa bằng giọng nói nhạt nhẽo, thì sách báo của tư nhân không làm nên được một chút công trạng nào trong nhiệm vụ giáo dục quần chúng. Quần chúng không hề biết những sự thay đổi đã đến trong hàng ngũ Cộng Sản, nên vẫn hồn nhiên coi rằng danh từ “Cộng Sản” chỉ là một sự vu vạ khổng lồ cho kháng chiến, và càng ngày càng cảm mến kháng chiến hơn lên. Thậm chí, trong năm 1953, tôi có thể nói không sợ mang tiếng ngoa ngoắt với Trung rằng dân chúng-lẽ cố nhiên, trừ những người đã có dịp mắt thấy tai nghe-, dân chúng ngả về kháng chiến, ủng hộ kháng chiến, đến nỗi cán bộ kháng chiến ra vào Hà Nội như vào một thị trấn không người. Một chứng cớ bằng suy luận: mấy năm nay, ở Hà Nội không có một vụ ám sát hay bắt cóc nào, và đó là triệu chứng rằng kháng chiến đã rất mạnh.

Sức mạnh của Cộng Sản, tôi đã nói nhiều lần, chỉ là sức mạnh mượn được của kháng chiến. Lợi dụng được hoàn cảnh nghìn năm có một, là cuộc Tổng Khởi Nghĩa đưa đến kháng chiến, họ vẫn tiếp tục tuyên truyền rất dân tộc trong dân chúng, nhất là trong dân chúng vùng Pháp chiếm đóng. Mặc dầu, từ năm 1950, và đầu năm, ở Liên khu Việt Bắc đã có mở nhiều lớp học tập quốc- tế-tính.

Trung đừng nhầm quốc- tế-tính là một thứ tư tưởng quốc tế, có mục đích làm cho con người mở rộng lòng thương yêu nhân loại cũng như thương yêu đồng bào mình, Trung hãy chú ý đến chữ tính, tính nết, đã dùng trong chữ vô sản tính, giai cấp tính. Quốc tế tính là một thứ thói quen tinh thần, một thứ ý nghĩ bẩm sinh đã có, rằng con người sinh ra không có quốc gia, quốc gia là bịa đặt, ái quốc là bịp bợm, bởi vì con người là con người của hoàn vũ, của nhân loại.

Quốc tế tính, thật ra, là một cái mồi và cũng là một cái bẫy cho đồng bào ta… Là cái mồi, vì nước Việt Nam nhỏ, đất Việt Nam nghèo, nếu thực hiện quốc tế tính, người Việt Nam có thể sang làm ăn bên Mỹ, bên Pháp, mà vẫn như ở trong nước nhà. Giấc mộng giàu sang dễ dàng thành sự thật. Lại cũng chính vì thế mà là cái bẫy, vì dân tộc nhỏ, bên cạnh dân tộc Trung Hoa khổng lồ, nếu càng có quốc tế tính thì trong bao lâu sẽ mất gốc?

Tưởng chẳng nói Trung cũng biết người Tàu từ ngàn xưa vẫn nuôi cái mộng đồng hóa những nước “man di” nhỏ bé. Nay có cơ thực hiện, ắt là có bàn tay Trung Cộng dính vào. Còn Việt Cộng chưa chắc đã muốn thế, vì ai chẳng muốn một tình làm chúa tể một sơn hà, dù nhỏ bé. Nhưng tình trạng kiệt quệ về thực lực đã bắt buộc họ.

Cho nên tôi chắc rằng họ đã bắt đầu run sợ, ngay từ khi Hồng Quân tiến đến giáp giới biên thùy. Tôi nghĩ rằng họ sợ, vì trong hành động của họ, trong những năm gần đây, đã có nhiều trạng thái của mất sự vững vàng về tinh thần. Tôi nhớ khi trước, bị bắt ở Lạng Sơn, nhiều lần bị họ đem ra toan giết, mà không thấy một lần nào thấy họ lộ vẻ căm thù hay tức giận. Tôi nhớ tên cai ngục vào với cuộc giây thừng, đến trước mặt tôi nghiêm chào, xin lỗi như người ta xin lỗi nhau trong một buổi dạ hội ở Nhà Hát Lớn, rồi xin phép trói, trói thật chặt. Đến khi giải ra pháp trường, tên chỉ huy còn tươi cười nói “đồng chí đi trước”. Lại đến khi có lệnh hoãn, vẫn tươi cười, không bực dọc, cũng không ngượng ngập, vừa cởi trói vừa nguyền rủa “cái đồng chí nó chưa được giác ngộ, nó trói đồng chí chặt quá thôi!”.

Như thế, thật trái hẳn với thái độ của họ trong khi đấu, tố. Đã đành chính họ chủ trương giáo dục căm thù cho quần chúng. Nhưng vì sao phải giáo dục căm thù, nếu dám quyết địch vẫn yếu, mình vẫn mạnh, và dân vẫn theo mình tuyệt đối? - Tôi cho rằng việc ấy, căm thù ấy, chính là sự hiển hiện của tự ti mặc cảm, của sự run sợ ngay chính các đồng chí vĩ đại.

Tôi có nhầm không, khi dám nói rằng trong lòng người Cộng Sản đã có tự ti mặc cảm, ngay khi họ đương thắng lợi trên khắp các mặt trận?

- Có thể lắm. Vì tôi dù sao cũng chỉ là khách quan quan sát đối với chủ quan thực lực của họ. Tôi có thể nhầm trong đoạn vừa mới phân tách về các thành phần mặt trận quốc gia. Tôi có thể không biết nhiều việc, nhất là những việc trong bí mật, ví dụ như những hoạt động ngấm ngầm để xây dựng cơ sở của những tập thể chính trị. Hoặc những hành động bán nước của những tập thể khác.

Nhưng có một nơi tôi nhất định không nhầm, là sự nhận định của tôi về giới trí thức. Trí thức chống Cộng, tư sản, tình nhân của tự do, cơ sở của tất cả mọi nền dân chủ. Đó là trí thức ở ngoài toàn cảnh, ở trong một không gian vĩnh viễn. Còn trí thức của ta… Tôi sợ rằng người trí thức của ta, trong lúc này, chỉ còn là cái bóng của người trí thức năm xưa, khi, 1945, họ không ngần ngại phất lá cờ máu- lúc ấy còn là cờ của Tổng Khởi Nghĩa thuần túy-trên khắp các ngã đường đất nước.

Vì sao? Tôi không muốn nói vì sao trước khi thuật lại cho Trung tất cả những hoàn cảnh, những phản ứng nó đã đến trong tôi, từ ngày tôi đặt quản bút xuống bàn, sau khi viết cho Trung: Về đâu, tiểu tư sản?

Về Hà Nội!

Trung đã mày mò xin được Letourneau, tổng trưởng trú xứ, đánh điện xin, không, đòi cho tôi trở về tự do. Thì việc đầu tiên tôi phải làm là gì? Là tìm cách gián tiếp trả ơn viên Tổng trưởng trú xứ, bằng cách trực tiếp đánh đòn trả thù đầu tiên vào những người Bôn-sơ-vích.

Tôi nghĩ thế, viết ngay hai bức thư dài cho hai viên đại tướng Tổng tư lệnh Salan, và Tư lệnh khu Hành quân Bắc-Việt De Linares. Trung hẳn đoán được trong thư tôi viết những gì: chính sách ruộng đất Cộng Sản, giáo dục giai cấp tính Cộng Sản, tự ti mặc cảm Cộng Sản. Và sự chia rẽ trong nội bộ ta, sự cần thiết có một ý chí chỉ đạo, sự cần thiết động viên trí thức, không phải bằng tuyên truyền, mà bằng lời nói tâm thành giữa bạn với bạn. Điều kỳ dị nhất trong thư là tôi công nhận công lao của người Pháp, công nhận người Pháp có quyền ở lại, để hưởng thụ bình đẳng với người Việt trên đất Việt.
Viết thư xong, đánh máy xong, tôi vừa ký tên vừa cười một mình. Bởi cho rằng mình xử sự trúng tâm lý, đối với hai viên tướng, một nghe đâu có duyên nợ với Phù dung tiên nữ, một có nhiều bằng cử nhân hay tiến sĩ gì đó. Tôi tưởng họ sẽ hả dạ lắm, vì được công nhận có quyền làm thực dân, vì họ cố nhiên, là tri thức, phải tự hiểu mình quả thật là thực dân. Tâm lý hơn nữa nơi cuối thư, tôi không quên ghi rõ rằng tôi không đòi hỏi điều kiện vật chất, không xin mề đay cũng không xin đi làm, và cao quý hơn hết, xin sẵn sàng cộng tác hoàn toàn trong lãnh vực tinh thần.
Thư gửi đi, tôi vui liền đến mươi hôm. Đến hôm thứ mười, tiếp được giấy đòi của Sở mật thám Liên Bang. Tôi ngạc nhiên, nhưng vẫn đến. Rồi ngã ngửa người: một suýt nữa lại tù!
Thì ra tôi tâm lý trên mây rồi. Hai ông tướng xét bức thư của tôi, thấy cho phép họ làm thực dân, liền cho ngay là tôi có ý ngạo mạn. Tôi viết thư bằng chữ Pháp, chắc ít lỗi văn phạm, chứng tỏ có học khá. Mà không cần tiền, không cần mề đay, không xin đi làm! Viên Phó giám đốc đầu bạc, hình như tên là Cardin, hỏi đi hỏi lại, hỏi lại hỏi đi: “Ông ở đảng nào? Ai ra lệnh cho ông viết bức thư này?... Anh ở đảng nào?... Mày ở đảng nào?...” Tôi được dịp thề chối chết. Rằng tôi ở Phục Quốc đảng, nhưng đã hết hoạt động, và bức thư ấy chỉ do tôi thực lòng ngưỡng mộ ông Tổng trưởng trú xứ…
Ông Tổng trưởng Letourmeau cứu tôi lần thứ hai. Không có ông, sự dại dột lần này phải đưa tôi gần lắm là đến Côn Đảo!
Tôi ra khỏi Sở mật thám Liên Bang mồ hôi lấm tấm trên trán và ướt lạnh trong áo sơ mi, giữa cơn rét Nàng Bân năm Quý Tỵ. Con đường Gia Long đón gió hồ Gươm ào ào trên hè vắng, và hú từng hơi dài trong cành cây mới lưa thưa ít ngọn xanh. Tôi đi quanh hồ nhiều vòng, nhận thấy sự thất bại đầu tiên gieo vào tâm tư mình rất nhiều phiền muộn. Bởi tôi chờ đợi sự hiểu biết ở những người Pháp cao cấp. Tôi bắt đầu lo sợ: đến họ còn không hiểu, ai sẽ hiểu?
Và quả thế. Tôi còn thử thách nhiều lần. Lần thứ nhất, sau đó, đến thăm vị thủ lĩnh đoàn thể cũ. Ven bờ hồ Thiền-Cuông, dưới một tòa lầu ba tầng, vị thủ lĩnh của tôi ở trong căn phòng để xe hơi. Lụp xụp, chật chội. Tôi linh cảm ngay được sự trong sạch, mừng thầm. Nhưng mừng trong giây phút, rồi thôi. Bởi đến phút thứ hai đã biết ông bị thời thế vượt xa nhiều quá. Là người thiểu số, đời đời tù trưởng, ông trung thành với Nhà vua, gián tiếp là Bảo Đại. Mặc dầu ông trong sạch, không nhận tiền của Phòng Nhì, không đề cử cán bộ vào chính quyền, ông cam phận đói rách trong căn phòng tối hẹp. Để chờ cơ hội, nhưng cơ hội gì, thế nào, ông không biết.
Hoàn toàn thất vọng. May lúc sắp đứng lên lại được gặp một lão đồng chí, một nhà trí thức danh tiếng. Tôi ngõ ý hỏi anh về thủ lĩnh, anh mỉm cười khẽ lắc đầu hai ba lần, chán ngán. Câu chuyện trở về quá khứ. Anh khen tôi viết tờ Phục Quốc hay. Tôi khen anh giữ được đạo đức giữa một thời điên đảo. Rồi cùng cười, nhưng cùng rất buồn mà chia tay.
Tôi trở lại căn phòng của tôi, hẹp và tối hơn căn phòng của anh Nông Quốc Long nữa. Nhà tôi còn chờ chồng bên cạnh mâm cơm nguội, nước nguội. Cất bát cơm suông lên tay, người đàn bà mỉm cười nói một câu an ủi bâng quơ, nhắc lại một thời kháng chiến, làm như đã xa lắm.
Mà xa lắm thật rồi, những ngày gian nguy tác chiến. Những hăng hái dào dạt, những quyết liệt xông pha. Cả đến niềm thống khổ, uất hận, mới ba tháng trước, bây giờ cũng đã lắng đọng xuống nhiều. Tôi cảm thấy tâm hồn mình muốn nhỏ lại. Một ý nghĩ còn ngập ngừng, có lẽ vì hổ thẹn với quá khứ. Tôi đột nhiên muốn trở về với gia đình.
Gia đình tôi vỏn vẹn còn có hai đứa tôi. Mẹ tôi đã thất lộc từ ngoài khu. Trong căn nhà ngõ hẹp này, bây giờ chỉ còn một mình nhà tôi, sáng sáng đưa chồng ra khỏi ngõ, lần nào cũng tươi cười hẹn chồng “về sớm”. Rồi buổi tối, có những bận về rất khuya, bụng rỗng tuếch và lên chân rời rạc vào căn phòng chỉ sáng nhờ ngọn đèn hoa kỳ tù mù, tôi ngao ngán lắc đầu, thì người đàn bà cũng lại tươi cười “để mai ăn một thể anh ạ!”.
Để mai ăn một thể, tức là hôm ấy không có gì vào bụng. Đói. Nhưng đói, thật ra và tự một mình nó, không có gì lạ. Nhất là nhà tôi lại càng quen lắm, ngay từ lúc còn tản cư. Tôi không có gì giúp đỡ, mẹ tôi già, một mình nhà tôi lo liệu, ắt phải lấy câu chuyện “nhỡ bữa” làm thường. Cực nhất là hồi tháng Mười năm 47, binh đoàn Vanuxem từ Tuyên Quang về qua Lập Thạch, qua nơi gia đình tôi trú chân làm ruộng ấp, có ba lính da đen rạch mặt bị du kích dùng câu liêm móc chết, bèn báo thù, gặp bao nhiêu nhà cửa, thóc lúa cảu dân chúng mới gặt về đều đốt cho kỳ hết. Cả nhà tôi đành ăn cơm gạo cháy, cay mùi khói. Đến tháng Ba, tôi có dịp về thăm, thấy mẹ với vợ chỉ còn da bọc xương, gò mà nhọn, mắt sâu hoắm, tóc trên đầu khô như rang. Thế mà người đàn bà ấy vẫn cười được, thậm chí hôm tôi phải đi, vẫn còn tìm được cách may cho chồng cái áo trấn thú bằng phin đen thật đẹp. Mẹ tôi thấy thế chỉ khóc, nước mắt già đau khổ nhưng hãnh diện.
Một người vợ như thế cố nhiên không bao giờ thẳng thúc tôi về miếng cơm manh áo. Anh em ở bên này đều cho tôi nhờ vợ mà sung sướng nhất đời. Kể cũng đúng, càng đúng khi chính mình cũng biết chẳng thiếu gì người, vì vợ muốn, phải bán linh hồn cho quỷ. Quỷ sống, một là Cộng Sản, hai là Pháp, ba nữa là chính phủ Tâm hay Hữu cũng thế.
Tôi công nhận nhà tôi là người vợ Á Đông trọn vẹn. Mười năm, hai mươi năm nữa, tôi vẫn có thể mặc cho nhà tôi tìm cách sống lấy một mình, không nâng đỡ, không cả đến hỏi han cho đủ cái nghĩa thiên nhiên của sự kết đôi làm vợ làm chồng. Tôi biết trước nhà tôi sẽ không bao giờ oán hối: kể từ ngày về làm bạn với tôi, một thiếu nữ đôi tám đã quên luôn đi rằng mình chỉ có tuổi xuân có hạn. Một thiếu nữ sớm trở thành người đàn bà không tuổi. Mười năm nữa, hai mươi năm nữa…
Nhưng cũng có lúc tôi bâng khuâng tự hỏi không biết còn làm khổ nhà tôi đến bao giờ. Những lúc họa hoằn tôi bắt gặp mình xây mộng về một cuộc đời yên ấm: căn nhà nho nhỏ, xinh xinh, người vợ ngồi thuê thùa bên cạnh chồng đọc sách. Cảm giác êm vui thấm thía không bền, cứ mỗi lần nghĩ đến hưởng thụ hạnh phúc trong gia đình nhỏ hẹp là một lần nhớ đến anh em. Người đã chết, để lại vợ con nheo nhóc; người còn đang câm nín trong hàng ngũ bôn-sơ-vích, cố chịu đựng tất cả mọi gian nguy, điêu đứng, miễn làm sao ở lại được giữa đoàn quân kháng chiến. Quá khứ, kỷ niệm buổi xuất quân trong Rừng Thông, kỷ niệm trận đánh đồn Đại-Bục 2, kỷ biệm chiến dịch Lê Hồng Phong phá tan đồn Bảo-Chúc 3, quá khứ rừng rực những lửa reo, đạn réo, những người tiến lên, những người ngã xuống. Máu chảy, giặc đầu hàng, kéo lên lá cờ, là cờ dù sao vẫn là cờ kháng chiến. Quá khứ nặng quá cho một kẻ muốn trở về với gia đình. Bởi hắn biết không sao tránh khỏi mặc cảm phạm tội, một khi anh em còn chiến đấu mà hắn nỡ lòng nào một mình hưởng thụ?
Quá khứ đòi hỏi con người phải xứng đáng với nó, trong hiện tại và trong tương lai. Con người không thể phản bội chính cuộc đời mình. Mà hiện tại, chia rẽ, hỗn loạn, bắt phải có những khôn khéo, những luồn cúi, những nham hiểm toàn những thứ không phải là đức tính của chiến sĩ.
Cuộc chiến đấu được đặt trên một bình diện khác. Bình diện của thực dân ngoan cố, ngu xuẩn của chính quyền hèn hạ, thối nát. Của một quần chúng, mặt ngoài chen chúc hưởng thụ một nền kinh tế phồn thịnh giả tạo, nhờ viện trợ và nhờ sự tiêu pha của Đoàn quân Viễn chinh. Nhưng bên trong, quần chúng thiếu thốn xúc cảm chân tình, không thể làm gì hơn là hướng về kháng chiến. Chữ kháng chiến, lâu nay cán bộ nội thành đã dần dần hòa vào chữ Đảng: kháng chiến Đảng, Đảng kháng chiến.
Quần chúng hưởng thụ, quần chúng tiểu tư sản, nhất định không thương gì người bôn-sơ-vích. Nhưng đối trước người Pháp rõ rệt không thực tâm, quần chúng sợ hãi nô lệ hơn đói rét, cần phải có một nơi gửi lòng tin cậy. Năm 1948-49, hình như đã có lần hướng về Bảo Đại với những người trí thức. Năm đó tôi chưa về, không biết rõ sự thất vọng của quần chúng to lớn đến mực nào, vì trót quá tin ở Bảo Đại. Trí thức cũng tin ở Bảo Đại, ở bản Tuyên ngôn Thoái vị của ông ta thì đúng hơn, đã đảm bảo cho con người ấy trước quần chúng. Cho nên Bảo Đại hiện nguyên hình “con Tây” khả ố, thì, đầu tiên đã mất mát một phần nào lòng tin của quần chúng, lại thành thực nhận sự sai lầm của mình, người trí thức tự trừng phạt bằng cách tự mình không tin vào mình nữa!
Trung đã biết không gì khổ bằng sự ngờ vực của mình đối với chính mình. Tấn kịch bi đát của những người cố tìm một lối thoát mà phải bấu víu vào những lực lượng bên ngoài. Bên ngoài, một đằng là Pháp với khi thì Tâm, khi thì Hữu, một đằng là Cộng Sản. Quần chúng thì đã mất một phần nào tin tưởng. Giải pháp vẫn chỉ có một: bằng mọi cách phải cướp lại cho kỳ được lòng tin của quần chúng. Nhưng đó là việc làm dài ngày, khó khăn, nguy hiểm. Trí thức đã lùi lại, rút vào trong một thái độ bế tắc. Phần đông chùm chăn, ngừng tất cả mọi hoạt động. Riêng từng nhóm nhỏ, hoặc bất chấp đe dọa, tiến lên chống cả Cộng Sản lẫn Pháp, và có nhiều người đã bị lưu đày. Hoặc có những nhóm khác, nhận định Cộng Sản nguy hiểm về lý thuyết nên ngày đêm đào xới, cố tìm lấy một chủ nghĩa khả dĩ thay thế chủ nghĩa bôn-sơ-vích. Bấy nhiêu gắng công, cho đến nay, đã tương đối coi được là thất bại. Thất bại vì hành động lẻ tẻ. Ở cương vị lãnh đạo, trí thức đã lẻ tẻ, sẽ làm thế nào để lôi cuốn được toàn dân?!

1: Phim “L’Ile du Docteur Moreau” công chiếu khoảng 1936-1937: tài tử Charles Laughton đóng vai bác sĩ, Dorothy Lamour đóng vai con báo mới hóa người.

2: Trên hữu ngạn sông Hồng.
3: Thuộc huyện Tam-Dương, Vĩnh Yên.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ddem%20tam%20tinh%20viet%20lich%20su&page=6