Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Hành trình cuối đông (kỳ 3)

Tiêu Dao Bảo Cự

Quốc lộ 14 dẫn vào cửa ngõ thị xã Pleiku rực vàng hoa hướng dương dài đến mấy cây số, tràn lên giữa sườn núi Hàm Rồng. Đây là loại hoa quỳ dại, hoa nhỏ và dân dã, không chải chuốt đài các như hướng dương của phương tây, nhưng vào cuối đông này là mùa hoa nở, hàng triệu đoá hoa quỳ thắp sáng cả một vùng rừng núi.


Hướng dương gợi nhớ nhiều điều:

“Lòng em như đoá hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời”

(Ca dao?)

“Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương”

(Chinh phụ ngâm khúc)

Ai là hướng dương, ai là mặt trời? Bao nhiêu người con gái đã hướng lòng mình về một phương rực rỡ, bao nhiêu người con trai đã xứng đáng là vầng thái dương ánh sáng chan hoà. Bao nhiêu hướng dương đã tàn và thái dương đã chìm tắt. Tây Nguyên là xứ sở của hướng dương. Đoàn văn nghệ Langbian ra đi với lời chào tiễn biệt của hướng dương Đà Lạt cuối đèo Prenn, gặp lại hướng dương ở đỉnh Phượng Hoàng trên đường đến với Đaklak, bây giờ lại đi giữa rừng hoa vàng trên lối vào "đất nước đứng lên" của anh hùng Núp. Hướng dương phải có vị trí xứng đáng hơn trong xúc cảm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật về Tây Nguyên.

Hội Văn nghệ Gia Lai - Kontum mới được thành lập, ra mắt ban chấp hành lâm thời tháng trước. Hôm đó văn nghệ Langbian không sang chia vui được nên lần này đến trước hết là để chào mừng bạn. Trụ sở hội mới được cấp ở số 86 đường Phan Bội Châu gần trung tâm thị xã. Nhà cũng khá rộng tuy trang bị ban đầu còn đơn sơ. Một phòng trưng bày tranh, tượng, ảnh nghệ thuật ngay trong cơ quan chào mừng buổi ra mắt của ban chấp hành hội vẫn còn.

Chúng tôi gặp hầu như đủ cả lãnh đạo và cán bộ cơ quan hội bạn: chủ tịch Trịnh Kim Sung, phó chủ tịch Nguyễn Khắc Quán và những người khác như Nay Nô, Thu Loan, Tuấn, Huy... Cơ quan mới thành lập nhưng đã có biên chế nhiều hơn Lâm Đồng. Lâm Đồng chỉ có chín người, trong đó có một chuẩn bị về hưu, có lẽ là một hội văn nghệ tỉnh ít cán bộ nhất nước.

Hội văn nghệ Gia Lai - Kontum rất quý khách, lo cho khách ăn ở chu đáo. Cũng như nhiều nơi khác đây là sự giúp đỡ quý báu cho đoàn văn nghệ Langbian trong chuyến hành trình dài vì văn nghệ Langbian giàu tình cảm, tâm huyết nhưng nghèo vật chất quá. Chúng tôi đã tổ chức một cách hơi phiêu lưu với tinh thần vừa đi vừa “khất thực" bạn bè.

Trong buổi làm việc chung với lãnh đạo hội bạn, bạn tán thành kiến nghị của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh, Nha Trang đã ký, nhưng có vẻ dè đặt trước những điểm kiến nghị hơi mạnh mẽ. Bạn trình bày tình hình hội mới thành lập, còn nhiều khó khăn, cần hết sức tranh thủ lãnh đạo tỉnh bằng các phương pháp khéo léo, có sức thuyết phục để được hỗ trợ. Việc cụ thể mà hai hội thống nhất là thảo ra một bản kiến nghị về hợp tác toàn diện giữa các hội văn nghệ ba tỉnh Tây Nguyên, hai bên ký ngay và sau đó chuyển tiếp cho Đaklak. Rõ ràng Tây Nguyên là một vùng đất độc đáo của tổ quốc mà văn hoá văn nghệ cũng có đặc trưng cần phát huy bằng sự phối hợp hoạt động giữa những người hoạt động văn học nghệ thuật ba tỉnh.

Hội bạn đã nhanh chóng tổ chức một cuộc gặp gỡ với anh chị em sáng tác và cán bộ các ngành văn hoá tư tưởng tại thư viện tỉnh và một đêm gặp gỡ công chúng tại Nhà văn hoá trung tâm. Hầu như ở đâu cũng thế, việc ký hay không ký vào bản tuyên bố cá nhân là một sự lựa chọn không đơn giản. Chúng tôi coi đó là quyền tự do hoàn toàn của mỗi người nhưng sự tranh luận, đánh giá của mọi người đối với mỗi người về việc này lại là quyền của công chúng. Trong cuộc gặp ở thư viện tỉnh tại Pleiku có giáo sư Đắc tham dự. Giáo sư Đắc đồng tình với cách đặt vấn đề nhưng vì là cán bộ ở Hà Nội đến địa phương công tác nên không tiện ký. Đặng Kim Tấn, phó Ban Tuyên giáo Gia Lai - Kontum, một người làm thơ của tỉnh, phát biểu rất dài, đại ý hoan nghênh đổi mới nhưng cần phải chờ đợi vì nghị quyết 05 mới ra đời một năm, thời gian còn quá ít, và không đả động gì đến việc ký tuyên bố. Nguyễn Đỗ, một người làm thơ, đến họp muộn, yêu cầu đưa ngay văn bản đến để ký và phát biểu hơi gay gắt, đề nghị những người tham dự nói rõ quan điểm của mình, không nói lòng vòng, phải tỏ thái độ của mình ngay đối với việc ký vào bản tuyên bố mà theo anh là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Thái độ vủa Nguyễn Đỗ có thể làm một số người khó chịu. Nhưng biết sao, tỏ thái độ là quyền của mỗi người và trong nhiều vấn đề của cuộc sống, việc va chạm về quan điểm là điều bình thường, nhất là trong cuộc đấu tranh cho đổi mới hiện nay.

*

Chúng tôi rời Gia Lai - Kontum đi Nghĩa Bình, nơi đang khẩn trương chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa.

Từ Pleiku, theo quốc lộ 19, qua khỏi đèo An Khê là bắt đầu huyện Tây Sơn, quê hương Nguyễn Huệ. Đoàn định vào thăm Nhà bảo tàng Quang Trung nhưng kẹt cầu không đi được. Người ta đang sửa chữa, mở rộng cây cầu nhỏ bắc ngang qua một nhánh của sông Côn, trên đường đi vào nhà bảo tàng và các di tích khác nơi quê hương Nguyễn Huệ.

Đi ngang qua nơi này, anh em lại nhớ đến "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp và bắt đầu luận về anh hùng và nhân vật anh hùng trong văn học. Hoạt động văn nghệ kể cũng thú vị. Đi suốt sáu nghìn cây số không bao giờ hết chuyện. Chuyện nào cũng hào hứng sôi nổi, không phải nói tào lao để giết thì giờ mà nói bằng tất cả tâm hồn và nhiệt huyết của mình, có lúc đưa đến tranh cãi gay gắt, ngay trong đoàn.

Mọi người đều thống nhất anh hùng cũng là con người có những khía cạnh thường tình. Biết yêu, thậm chí yêu nhiều hay nói cách khác, mê gái cũng là chuyện bình thường của anh hùng, không có gì đáng chê trách hay hạ phẩm giá của anh hùng. Chính điều đó mới làm cho anh hùng là con người, gần gũi với con người. Riêng Nguyễn Huệ có ba vợ, theo Hoàng Lê nhất thống chí trước khi ra Bắc cưới Ngọc Hân, có tuyên bố một câu rất dân dã mà cũng rất ngang tàng: "Ta chỉ mới quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không." Luận về anh hùng, đánh giá lại anh hùng là quyền của mọi người và của lịch sử. Mỗi triều đại có quan điểm riêng, không thể đem quan điểm đó áp đặt cho hậu thế vĩnh viễn. Lịch sử không đứng nguyên một chỗ và hậu thế có quyền đánh giá lại lịch sử. Không được dùng lịch sử để che đậy tội ác của mình hiện nay. Cho nên luận điểm cho rằng"nói xấu Nguyễn Huệ được thì nói xấu Bác Hồ và các lãnh tụ hiện nay cũng được" là một luận điểm dễ được nhiều người đồng tình nhưng rất nguy hiểm.

Chúng ta không hạ bệ thần tượng nhưng không tôn sùng thần tượng một cách mù quáng mà phải đánh giá đúng thần tượng. Đừng để đến khi nhận ra thần tượng chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài còn bên trong mục ruỗng rồi thất vọng và niềm tin sụp đổ. Dù là Nguyễn Huệ hay bất cứ anh hùng nào khác là niềm tự hào của dân tộc, nhưng nếu ta phát hiện ra có điều gì không tốt, không xứng đáng, ta không có quyền làm ngơ hay che đậy, giấu giếm để tiếp tục tung hô. Đánh giá lại lịch sử không phải là bội bạc,"bắn súng lục vào quá khứ" mà là trách nhiệm của mỗi thế hệ để tìm ra bước đi lên cho tương lai. Tại sao việc Liên Xô trong cải tổ xét lại Xít-ta-lin làm nhiều người của ta không hài lòng, thậm chí run sợ và tìm cách ngăn cản ảnh hưởng của những việc như thế vào công cuộc đổi mới của ta? Lịch sử sẽ là vị quan toà rất công bằng, không ai che giấu sai lầm, tội ác của mình trước lịch sử mãi được. Công là công, tội là tội, không được mập mờ đánh lận con đen.

Riêng về Nguyễn Huệ cũng có ý kiến cho rằng đánh ngoại xâm nhưng không mang lại hạnh phúc cho nhân dân chưa phải là anh hùng. Nguyễn Huệ chưa lên ngôi đã giết tướng, nếu làm vua lâu dài chưa chắc đã hơn gì Lê Lợi. Ở Quy Nhơn người ta yêu mến Nguyễn Nhạc hơn Nguyễn Huệ. Đó là một luận điểm hơi cực đoan, nhưng hãy chứng minh một cách khoa học đi và sẽ tranh luận để làm sáng tỏ chứ không phải vội quy kết là nói xấu anh hùng, hạ bệ thần tượng.

Đến Hội Văn nghệ Nghĩa Bình ở Quy Nhơn, lãnh đạo hội đi vắng nên dù có nhiều cán bộ ở cơ quan cũng không ai tiếp đoàn cả dù ở Pleiku đoàn đã điện về báo trước. Đoàn đến nhà riêng tìm Thanh Thảo, nhà thơ, phó chủ tịch hội. Nghe nói Thanh Thảo là phó chủ tịch hội nhưng ít khi đến cơ quan vì đang mâu thuẫn với Thu Hoài, chủ tịch hội và nội bộ lãnh đạo hội đang rất gay cấn, chia hẳn thành hai phe xung đột nhau từ mấy năm qua và hiện nay đang ở vào giai đoạn một mất một còn. Hoạt động của hội do đó hạn chế rất nhiều. Đoàn kết là một vấn đề không đơn giản nhưng đừng vội quy là văn nghệ hay mất đoàn kết. Ơ' lãnh vực nào tình trạng này cũng có thể xảy ra nhưng có nơi người ta che giấu kỹ còn anh em văn nghệ thì cứ nói huỵch toẹt ra. Vấn đề là ở chỗ đoàn kết với ai và cần phải đấu tranh chống ai, không thể đoàn kết với kẻ xấu được.

Thanh Thảo báo tin cho một số anh em văn nghệ và anh em kéo đoàn đi uống bia mừng gặp mặt. Nhiều tin tức văn nghệ nóng hổi trong nước được trao đổi và mỗi người đều có quan điểm của mình. Hoá ra nhiều người ở mọi nơi đều quan tâm đến tình hình thời sự văn nghệ hiện nay vì đó là những vấn đề nóng bỏng liên quan đến lương tâm và trách nhiệm của mỗi người.

Trong khi chờ làm việc chính thức với lãnh đạo hội bạn, đoàn tranh thủ đi thăm mộ Hàn Mặc Tử vì đã đến Quy Nhơn thì không thể không viếng Hàn Mặc Tử được. Trước đó, đọc tin trên báo thấy nói mộ Hàn Mặc Tử mới được sửa sang lại, ai cũng mừng. Vừa qua có người đã làm ầm ĩ về chuyện khôi phục, đánh giá lại Hàn Mặc Tử nhưng thực ra ở miền Nam, mấy chục năm qua Hàn Mặc Tử không hề bị hiểu lầm,"hạ giá", mà Hàn vẫn là một trong những nhà thơ được yêu mến nhất, thơ Hàn nhiều lần được tái bản, trong sổ tay người yêu thơ nào cũng có thơ Hàn. Những dòng thơ viết bằng máu, bằng hồn, bằng não của nhà thơ đau thương bạc mệnh đã làm rung chuyển mọi tâm hồn đa cảm:

Ôi điên cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa mảnh hồn ta

Không ngờ chuyến đi thăm mộ Hàn lần này đã để lại nhiều dư vị cay đắng. Cùng đi với đoàn có Trần Hinh, làm thơ, viết nhạc, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, nguyên đại biểu quốc hội, một người có tâm hồn văn nghệ và rất phóng khoáng.

Mộ Hàn chỉ cách trung tâm thị xã khoảng bốn cây số, nằm ven bờ biển. Đầu đường lên dốc đến mộ có tấm bảng lớn ghi: Ghềnh Ráng, danh lam thắng cảnh được nhà nước xếp hạng. Nghiêm cấm chặt cây, đào đá...

Con đường lổn nhổn đá sỏi, nước xói thành hào sâu ngay giữa đường, có một chiếc xe tải và mấy công nhân đang lấy đất bên lề đường, cạnh đó hai người đang san lấp đá mặt bằng, có vẻ như để làm nền dựng quán.

Trên đầu dốc là một cổng lớn có bảng đề "Doanh trại Quân đội Nhân dân", tấm bảng méo mó, gẫy gập nhiều khúc. Anh em đi vào bằng cách lách mình qua một cánh cổng lớn khép hờ làm bằng khung sắt và lưới B40. Bên trong, mấy căn nhà làm bằng tôn Mỹ, cả vách lẫn mái, có rào lưới sắt chống B40 và kẽm gai, cao chớn chở.

Qua cổng mới đi mấy bước, một sĩ quan mang quân hàm đại uý đi ra xua tay không cho vào, yêu cầu đi đường vòng phía ngoài vì đây là khu vực cấm. Trần Hinh nói từ trước vẫn đi lối này và có ông cụ ở Hà Nội mới vào muốn đi thăm mộ Hàn Mặc Tử nhưng viên sĩ quan vẫn kiên quyết từ chối. Vì bị xua đuổi rất gắt nên anh em không ai muốn nói gì thêm và đành ra cổng đi vòng ngõ khác. Ngõ mới này là một đường dốc gập ghềnh, hai bên rào kẽm gai công-xéc-ti-na của Mỹ ba bốn lớp dầy đặc. Bảo Cự nói đùa: "Ai muốn đến với nhà thơ chân chính phải đi qua con đường sạn đạo". Thế nhưng đi đến nửa dốc thì đường tắc, kẽm gai vây hãm tất cả. Thấy có một chỗ kẽm gai thưa anh em đang bàn đạp rào sang nhưng một ông già, đang đứng cuốc cỏ lúa bên kia rào lên tiếng ngăn cản. Trần Hinh nói: "Có ông cụ bạn của Hàn Mặc Tử ở xa vào thăm mộ". Ông già trả lời ngay: "Mộ bạn chứ mộ cha cũng phải đi đường kia, đạp hư lúa ai chịu?"

Anh em ai cũng điếng người không sao đối đáp được. Mặc dù mộ Hàn chỉ cách đó vài chục mét nhưng không cách nào vào được, anh em đã phải trở xuống và quyết định bằng mọi cách phải đi vào bằng cổng doanh trại vì nhà nước đã có bảng đề đây là danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Bùi Minh Quốc rất tức giận, lấy thẻ nhà báo ra đi tìm chỉ huy đơn vị. Người chỉ huy lại chính là viên sĩ quan đã ngăn cản không cho đoàn đi lúc đầu. Sau này kể lại, Bùi Minh Quốc nói rằng đã tự giới thiệu mình là nhà thơ, giới thiệu anh em trong đoàn, nói về Hàn Mặc Tử nhưng thuyết phục mãi viên sĩ quan vẫn khăng khăng không nghe bảo vì lý do bảo vệ an ninh doanh trại. Quốc nói nếu vì lý do an ninh thì có thể cử chiến sĩ cùng đi để bảo vệ. Cuối cùng viên sĩ quan đồng ý cho một chiến sĩ dẫn đi nhưng phải đi vòng đường dưới. Trong khi Quốc vào làm việc thì anh em trong đoàn đã đi đến mộ Hàn, chỉ cách đó 20 mét và không có một chướng ngại nào cả. Chiến sĩ dẫn Quốc đi tắt cũng theo lối chúng tôi vừa đi vì anh biết đường dưới đã bị rào không đi được.

Chúng tôi đã đến với mộ Hàn như thế. Việc này xảy ra lúc 9 giờ ngày 17-11-1988.

Mộ Hàn Mặc Tử chưa hề được sửa sang như tin báo đăng. Tượng mẹ Maria đứng giơ hai tay trên đầu ngôi mộ xây xi-măng đơn giản, vài chỗ đã nứt nẻ.

Mộ bia ghi:

Đây an nghỉ trong tay mẹ Maria
Hàn Mặc Tử tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí
Thứ nam cố Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Thị Dung
Sanh 22-9-1912 Lệ Mỹ (Quảng Bình)
Tử 11-11-1940 Qui Hoà (Bình Định)

Cải táng và lập mộ 13-2-1959 do
Chị Nguyễn Thị Như Ngãi, Nguyễn Thị Như Lễ
Em Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu
Bạn Quách Tấn

Hôm trước ở Nha Trang, chúng tôi gặp Quách Tấn có nghe ông nói chuyện về việc cải táng và lập mộ cho Hàn, chi phí phần lớn do tiền nhuận bút của Hàn được các nhà xuất bản trả cho người thừa kế. Có lẽ từ ấy đến nay mộ chưa được tu sửa lần nào.

Chúng tôi đang đứng nói chuyện bên mộ Hàn thì có một ông già cuốc đất gần đó đến chào, tự nhận được một ông chủ giao nhiệm vụ trông coi, làm cỏ chung quanh mộ Hàn và xin ít tiền uống rượu. Một bà già có vẻ khùng không hiểu ở đâu đến đứng nhìn khách và ré lên cười như điên dại.

Từ giã mộ Hàn chúng tôi cám ơn chiến sĩ rất trẻ của doanh trại đã đưa chúng tôi đến và hỏi anh đã đọc thơ Hàn chưa. Anh cười và thật thà trả lời chưa đọc.

Trên đường về, bình luận những việc mới xảy ra và những điều nghe thấy chung quanh mộ Hàn, ai cũng có ý nghĩ cay đắng. Riêng Hữu Loan hoan nghênh ông già trồng lúa vì ông đã biết bảo vệ thành quả lao động, chống lại bất cứ ai làm hại đến công sức của mình. Đó là một khía cạnh tích cực của người nông dân. Hôm sau chúng tôi thuật lại đầy đủ câu chuyện này trong buổi gặp gỡ ban biên tập và phóng viên báo Nghĩa Bình, không sợ người địa phương tự ái vì chúng tôi nghĩ sự thật cần phải được nói ra và nói với tất cả tấm lòng của mình. Các bạn ở báo Nghĩa Bình hứa sẽ lên tiếng và có bài viết về mộ Hàn Mặc Tử, một niềm tự hào của Quy Nhơn. (Sau này khi đi qua Quảng Bình, nơi sinh của Hàn, chúng tôi nghe nói ở thị xã Đồng Hới có một con đường mang tên Hàn Mặc Tử. Điều ấy không an ủi được Hàn nhưng làm ấm lòng những người yêu mến Hàn và những người làm văn nghệ nói chung).

Điều bất ngờ là Thu Hoài, chủ tịch Hội Văn nghệ Nghĩa Bình, mới đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh về, tiếp đoàn rất tử tế, có cả bia bọt đàng hoàng, trái với không khí lạnh nhạt ở cơ quan lúc đoàn mới tới. Chúng tôi chưa thể bàn công việc một cách nghiêm túc như ở các hội khác vì mới nêu công việc, chủ nhà đã chuyển sang đãi bia, lẩn tránh vấn đề và nói đủ thứ chuyện trên đời. Tuy nhiên Thu Hoài cũng bày tỏ quan điểm là nhất trí với nội dung kiến nghị của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh và Nha Trang đã ký, nhưng về điểm đề nghị cách chức, cho rằng sợ gây rắc rối, không cần thiết. Từ Quốc Hoài, tổng thư ký hội muốn họp ban thư ký để bàn tập thể và ký chung kiến nghị. Cuộc gặp nói chung không đạt kết quả cụ thể.

Sau này chúng tôi được biết Thu Hoài đã đi xin ý kiến ban tuyên huấn về viêc ký kiến nghị, cùng với tình hình nói chuyện, đọc thơ ở Nhà Văn hoá Trung tâm nên Ban Tuyên huấn đã báo cáo với Thường trực Tỉnh uỷ Nghĩa Bình, và Thường trực Tỉnh uỷ Nghĩa Bình đã báo cáo với Trung ương, đồng thời điện hỏi tỉnh uỷ Lâm Đồng về chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng. Cũng như ở Đaklak, chuyện này xảy ra sau khi đoàn đã rời Quy Nhơn nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của đoàn ở đây.

Buổi nói chuyện ở Nhà Văn hoá Trung tâm Quy Nhơn, có thêm Thanh Thảo tham gia, rất hào hứng mặc dù phòng rất chật, ồn ào vì có nhà hát ngay bên cạnh. Sau khi chăm chú nghe Bảo Cự giới thiệu tạp chí Langbian, kiến nghị về vụ tuần báo Văn nghệ của Lâm Đồng và bản"tuyên bố", số đông người nghe là thanh niên và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm đã vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt những bài thơ bốc lửa của Hữu Loan và Bùi Minh Quốc, những bài thơ châm biếm nhẹ nhàng mà cay độc của Thanh Thảo. Một số người đạp xích-lô cũng đến bên cửa ra vào đứng nghe.

Thế Kỷ, uỷ viên ban thư ký hội văn nghệ, chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ của Nhà Văn hoá Trung tâm lúc đầu giới thiệu khách rất long trọng nhưng khi kết thúc, cám ơn có nói thêm: "Vì đoàn khách nêu quá nhiều vấn đề, trình độ của người nghe có hạn nên có thể tiếp thu không đầy đủ".

Chúng tôi không chú ý đến ý kiến này lắm vì cho rằng đó chỉ là câu nói xã giao, lịch sự nhưng sau này nghe nói khi tỉnh uỷ mời lên để phản ánh tình hình, Thế Kỷ nói câu đó có ý phê phán đoàn khách và không đồng tình với nội dung đoàn khách trình bày(?!). Sau này nữa có người lại bóp méo thêm nói rằng ban tổ chức đêm thơ thấy nội dung không tốt nên đã yêu cầu chấm dứt sớm hơn một giờ so với dự định(?!).

Bù lại, cuộc đối thoại tại báo Nghĩa Bình rất thú vị. Báo Nghĩa Bình mời đoàn đến dự cuộc đối thoại ngẫu hứng với sự tham dự của hai phó tổng biên tập báo Nghĩa Bình, đồng chí Hữu Tỷ, đồng chí Kiên và gần ba mươi phóng viên của báo và đài. Nói là đối thoại ngẫu hứng nhưng câu chuyện xoay quanh chủ đề công khai và dân chủ trong văn nghệ, báo chí và đời sống chính trị hiện nay, đề cập cụ thể đến các việc tuần báo Văn nghệ, truyện "Phẩm Tiết" của Nguyễn Huy Thiệp, nông dân Nam bộ biểu tình...

Ngoài những nội dung chính báo Nghĩa Bình đã tường thuật trong đặc san Văn hoá thể thao Nghĩa Bình tết Kỷ Tỵ, với các ý kiến của Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo, Bảo Cự về những vấn đề chung, Hữu Loan còn phát biểu một số ý kiến về chính trị và văn nghệ rất đáng lưu ý. Ba mươi năm ở ẩn bất đắc dĩ nơi quê nhà, Hữu Loan đã nghiền ngẫm được nhiều điều. Hữu Loan nói:

"Đất nước ta là nơi nói giỏi nhất nhưng làm sai nhiều nhất. Người sai lầm ít thì bị trị tội nặng không được sửa sai, như bác sĩ làm chết người, lái xe gây tai nạn bị lấy bằng, đi tù, còn những người làm sai nhiều, giết nhiều người, làm hại làm khổ hằng triệu người thì lại được sửa sai, nói dễ dàng "sai thì sửa".

Người nói thật cũng bị trừng trị. Tôi cũng bị trừng trị vì tôi viết văn là nói thật. Có người hỏi động cơ viết văn của tôi là gì, tôi trả lời động cơ viết văn của tôi là thích chửi vua. Ít ai dám chửi vua nhưng vua sai thì nhà văn có quyền chửi.

Lãnh đạo văn nghệ là vô lý vì chỉ làm thui chột văn nghệ. Trường hợp bài "Màu tím hoa sim", bài thơ khóc vợ nhưng phải một năm sau khi vợ chết tôi mới làm vì trước đó tôi không dám làm, không muốn khóc riêng, sợ mất lập trường.

Hiện thực xã hội chủ nghĩa không là cái gì cả. Hiện thực là hiện thực. Giữa người làm văn nghệ và quần chúng bao giờ cũng nhất trí nhưng lãnh đạo chuyên thọc gậy bánh xe cản trở văn nghệ. Vụ tuần báo Văn nghệ hiện nay phải chăng là một vụ"Nhân văn" trước đây lặp lại?

Cái gì, kể cả tội ác, cũng có giới hạn, nên Xít-ta-lin đang bị lên án và Tần Thuỷ Hoàng đã bị tiêu diệt. Lịch sử không đứng nguyên một chỗ, hậu thế có quyền đánh giá lại lịch sử. Không được dùng lịch sứ để che đậy tội ác của mình hiện nay”.

Quan điểm của Hữu Loan, xuất phát từ kinh nghiệm cuộc sống riêng của mình có thể một số điều chỉ đúng trong một số trường hợp nhưng cũng có điều, tuy trái với quan điểm "chính thống" hiện nay, nhưng buộc ta phải suy nghĩ xem xét lại chứ không phải vội vàng quy chụp. Công cuộc đổi mới, công khai và dân chủ đòi hỏi phải nói lên sự thật, dù sự thật đó có làm chói tai, khó chịu nhiều người. Dĩ nhiên người nói lên phải nói bằng cả tấm lòng và ý thức xây dựng. Tự do tư tưởng, tự do tranh luận, tính đa nguyên của chủ nghĩa xã hội thực ra ta vẫn nói nhưng chưa quen với việc nó hình thành và vận hành thực sự trong cuộc sống. Bây giờ là lúc phải tập quen, nhất là đối với lãnh đạo vẫn quen với lối "dân chủ tập trung" và "cấp dưới phục tùng cấp trên" lâu nay.

*

Trên địa bàn Nghĩa Bình, rời Quy Nhơn, đoàn định ngừng lại Quảng Ngãi một ngày nhưng rồi lại phải kéo dài đến hai ngày trước khi đi tiếp.

Trước khi vào thị xã, chúng tôi ghé sông Vệ tìm Huy Phương theo giới thiệu của Thanh Thảo. Huy Phương là một nhân vật lạ lùng, làm giám đốc nhà máy nước đá, bề ngoài trông khô khan, hơi quê mùa nhưng rất yêu thơ, hâm mộ văn nghệ sĩ và bản thân cũng có làm thơ. Huy Phương có cuốn sổ sưu tập bút tích của các nhà thơ để làm lưu niệm riêng của gia đình. Chính Huy Phương kể có lần Xuân Diệu về thăm, nói chuyện ở Quảng Ngãi, Huy Phương đã "chầu chực nhiều đêm để được gặp, bắt tay Xuân Diệu". Tết năm ngoái, nhà Huy Phương làm con heo một tạ mời ba trăm người yêu thích văn nghệ đến ăn, vui chơi hai ngày.

Gặp đoàn, Huy Phương rất mừng, đưa ngay đoàn ra một quán ăn của bạn là Quang Thiên gần đó chiêu đãi. Quang Thiên nguyên giáo viên là một tay mê thơ không kém, nổi tiếng ngâm thơ hay ở Quảng Ngãi, rất phấn khởi trước cuộc gặp gỡ bất ngờ nên ngay giữa quán ồn áo, Quang Thiên đã ngâm vang "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan và một số bài thơ của Bùi Minh Quốc viết về Quảng Ngãi. Thời chống Mỹ, ngoài Quảng Nam - Đà Nẵng, Bùi Minh Quốc từng hoạt động và có nhiều duyên nợ với Quảng Ngãi.

Huy Phương đã cùng đi với đoàn suốt hai ngày ở thị xã Quảng Ngãi. Tại đây, đoàn đã gặp gỡ anh em văn nghệ địa phương hai đêm tại nhà Nguyễn Trung Hiếu, chi hội trưởng Chi hội văn nghệ Quảng Ngãi.

Ngoài các nội dung như đã làm ở các nơi khác, ở đây Nguyễn Trung Hiếu và Hoàng Hà đã đọc một số bài thơ chính luận có nội dung mạnh mẽ cùng trong chiều hướng thơ "có lửa" đổi mới của Hữu Loan và Bùi Minh Quốc.

Đặc biệt một số cô giáo yêu thơ nghe tin đã tự tìm đến dự, gặp gỡ và hát tặng đoàn một số bài hát tiền chiến. Hai cô giáo Thanh và Thu hát nhạc tiền chiến thật tuyệt vời. Có lẽ chúng tôi chưa bao giờ được nghe nhạc tiền chiến với sức truyền cảm lay động và cảm xúc như thế, kể cả với các danh ca và qua những băng ghi nhạc cát-xét có hoà âm hiện đại nhất. Chỉ với một cây ghi-ta thùng tự đệm, Thanh, Thu và cả Hồng nữa bằng giọng ca "với tất cả tâm hồn mình" đã đưa tâm hồn người nghe thực sự đi vào cảnh mê đắm "Thiên thai", vào điệu buồn "Thu vàng" lả tả...

Trong một thoáng, chúng tôi tạm quên đi cuộc đấu tranh cho dân chủ đầy sóng gió đã mở đầu để phiêu bồng theo tiếng hát và hẹn lúc quay về thế nào cũng xin được nghe một lần nữa.

Trước khi rời Quảng Ngãi, theo lời mời của ban giám hiệu, Hữu Loan và Bùi Minh Quốc đến nói chuyện với giáo viên và học sinh trường phổ thông trung học Trần Quốc Tuấn. Chính vì buổi nói chuyện mà sau này trường bị công an đến "hỏi thăm sức khoẻ" mấy lần.

Sau này... Thật là nhiều chuyện. Mỗi nơi chúng tôi đi qua đều có chuyện "sau này" cả, và chuyện"sau này" còn tiếp diễn nữa, kể cả sau khi bút ký về chuyến đi này ra đời. Phải chăng những ý kiến của Thuỳ Mai ở Huế cho rằng chuyến đi của đoàn văn nghệ Langbian như một sao chổi quét tới đâu gây tai hoạ tới đó, rồi Thuỳ Mai lại đính chính ngay đó là nói đùa và khẳng định thực ra chuyến đi của Langbian đã là một thử thách, làm rõ chính tà, vừa phân hoá, vừa tập hợp lực lượng trong công cuộc đấu tranh cho đổi mới.

*

Trên đường đi Đà Nẵng, đoàn ghé nghĩa trang liệt sĩ xã Hoà Phước, huyện Duy Xuyên để thăm mộ Dương Thị Xuân Quý, người vợ và đồng chí thân thiết nhất của Bùi Minh Quốc đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Quảng Nam - Đà Nẵng chắc sẽ không bao giờ quên hai người con của Hà Nội, của miền Bắc đã góp phần chiến đấu trên mảnh đất "trung dũng kiên cường" và một người đã vĩnh viễn nằm lại trên nghĩa trang liệt sĩ đơn sơ, nhỏ bé bên quốc lộ 1. Những người yêu thơ chắc sẽ còn rung động mãi với "Bài thơ về hạnh phúc”, bài thơ đã hình thành bằng chính tình yêu, đấu tranh và mất mát, đau thương của người trong cuộc, khẳng định một quan niệm về hạnh phúc, làm nên huyền thoại của một hy sinh trong cuộc đấu tranh đầy máu lửa để giải phóng dân tộc mà những người làm văn nghệ đã góp phần một cách xứng đáng.

Vừa mới đến Đã Nẵng, sau khi gặp thường trực Hội Văn nghệ hẹn giờ làm việc, ngay buổi tối, đoàn được mời đi dự đêm thơ nhạc nên đoàn chỉ kịp tìm nơi ăn nghỉ rồi đi ngay. Đây là đêm thơ nhạc trình bày tác phẩm mới của một số văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng qua ba đợt đi thực tế, tổ chức tại hội trường Uỷ ban Mặt trận tỉnh trong tuần lễ văn hoá và hữu nghị kỷ niệm 58 năm thành lập Mặt trận. Buổi sinh hoạt do Đông Trình, nhà thơ, uỷ viên thường trực Mặt trận tỉnh và Hoàng Minh Nhân, nhà thơ, uỷ viên ban chấp hành Hội Văn nghệ tỉnh phụ trách công tác hội viên chủ trì.

Phần thơ của các tác giả trẻ có nhiều nét mới và một số bài khá mạnh mẽ như bài "Dưới chân tượng đài" của Nguyễn Tấn Sĩ. Mặc dù phần nội dung chuẩn bị sẵn đã khá dài, ban tổ chức cũng trân trọng mời Hữu Loan, Bùi Minh Quốc và Bảo Cự tham gia đọc thơ. Sau hai năm rời Quảng Nam - Đà Nẵng, trong lần trở lại này, thơ chính luận của Bùi Minh Quốc đã gây ấn tượng mạnh. Sau khi buổi sinh hoạt chính thức chấm dứt, một số anh em còn lôi kéo đoàn ở lại uống rượu, đọc thơ đến khuya.

Trong mấy ngày ở Đà Nẵng, những buổi không làm việc, đoàn tranh thủ đưa Hữu Loan đi tham quan một vài nơi vì anh chưa có dịp đi và sau này chắc cũng khó còn dịp nào khác.

Nơi nào chúng tôi đi cũng có những vấn đề liên quan đến văn hoá văn nghệ.

Viện bảo tàng Chàm ở đây là bảo tàng lớn nhất trên thế giới về Chàm nhưng không được bảo vệ chu đáo, đã bị mất mấy tượng quý và đã được báo động trên báo chí, nhưng những người có trách nhiệm chưa mấy ai quan tâm. Trần Kỳ Phương, người đã nhiều năm nghiên cứu công phu về nghệ thuật điêu khắc Chàm, đang công tác ở đây, rất khổ tâm về tình trạng này. Phương hướng dẫn đoàn tham quan và giải thích tỉ mỉ. Các tượng linga và yoni (biểu tượng bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà) gây ấn tượng mạnh. Bộ linga có đến bảy cái kích thước khác nhau. Cái linga lớn nhất có ba tầng vuông, lục giác, tròn, phần dưới trông như một cối xay bột có nơi cho nước thoát ra. Phương giải thích là trong những ngày lễ lớn, người Chàm làm lễ tắm rửa cho linga và lấy nước uống chữa bệnh.

Các tượng phụ nữ khoả thân với bầu vú căng tròn tuyệt đẹp thực sự gây nên khoái cảm thẩm mỹ nghệ thuật nơi người xem.

Anh em đề cập đến vấn đề tình dục trong văn học nghệ thuật. Đối với nhiều dân tộc, trước đây và hiện nay, nhất là trong văn học nghệ thuật, vấn đề được đặt ra một cách hết sức bình thường trong khi ta quá nghiêm khắc, coi như điều cấm kỵ nên lại làm cho vấn đề trở nên bất bình thường, nghiêm trọng. Ta đã tự buộc mình trong bao nhiêu vòng dây trói. Nhưng có phải những người ra các chỉ thị cấm đoán hay lên mặt phê phán thực sự không thích tình dục hay ngược lại? Những chuyện tình dục vớ vẩn, thực ra là cố tình khiêu dâm trong các "sách vụ án" vừa qua chỉ là chuyện nhảm nhí, người đứng đắn và trí thức không ai thèm đọc. Đối với độc giả bình thường, tới một lúc nào đó người ta sẽ chán. Chúng ta vẫn phê phán Mỹ là nơi có nhiều sách khiêu dâm đồi truỵ, nhưng thống kê mới đây nhất cho thấy ở các hiệu sách của Mỹ, loại sách khiêu dâm chỉ chiếm tỷ lệ 3%, trong khi sách khoa học kỹ thuật chiếm trên 85%.

Chúng tôi lại liên tưởng đến vụ cấm cuốn Tình yêu thời thổ tả của García Marquez do Sông Hương in. Nghe nói có lý do về mặt thủ tục in ấn nhưng quan trọng là vì cuốn sách nói nhiều đến tình dục. Có người còn bảo cuốn sách đã in xong sắp tới sẽ bị nghiền thành bột để làm giấy tái sinh. Chao ôi! Ai quyết định điều đó sẽ được đi ngay vào lịch sử văn học như một điển hình của sự ngu dốt và thô bạo đối với văn học. Sau này khi ra Huế, gặp Tô Nhuận Vỹ, tổng biên tập tạp chí Sông Hương, anh có kể cho nghe toàn bộ vụ này và Sông Hương đang làm hết sức mình để đấu tranh cho quyền được xuất bản một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn nổi tiếng thế giới. Thật là một chuyện vô cùng kỳ lạ, khó tin nhưng có thật, ở đất nước bốn ngàn năm văn hiến mà trong hiến pháp có ghi đầy đủ các quyền tự do này.

Chúng tôi còn đi thăm Ngũ Hành Sơn, ngọn núi tiêu biểu cho miền đất Quảng. Đó là năm ngọn núi, trong đó ngọn lớn nhất có năm đỉnh tiêu biểu cho năm ngọn, trên núi có chùa và nhiều hang động. Đường lên chùa có hơn trăm bậc đá đẽo vào dốc núi. Các hang động là một điều kỳ bí của thiên nhiên với những hang sâu, nhiều ngõ ngách ngoằn ngoèo, nơi âm u, nơi mát mẻ, có chỗ mở lên trời. Đi vào mới thấy ngọn núi đồ sộ hùng vĩ bên bờ biển này bên trong hoàn toàn rỗng. Thiên nhiên đã lạ lùng nhưng ý chí và sức người càng lạ lùng hơn. Trong lòng ngọn núi cheo leo này có biết bao nhiêu tượng Phật và các công trình điêu khắc. Có tượng rất lớn không hiểu trước đây người ta đã làm thế nào để đưa lên tận đây. Trong ý chí và công sức này có niềm tin, quyết tâm của các nhà sư và nhân dân khi xây dựng chùa. Đây chắc chắn hoàn toàn là sự tự nguyện chứ không phải cưỡng bức. Phải chăng đó là sức thuyết phục của chân thiện mỹ, khát vọng của loài người, ẩn tàng trong niềm tin tôn giáo? Trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay, ta phải làm gì để có được niềm tin và sự tự nguyện đó?

Bùi Minh Quốc kể chuyện anh hùng Phan Hành Sơn trong tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, đã dùng động Huyền Không trên núi Ngũ Hành này làm căn cứ. Phan Hành Sơn bị thương cụt chân, tiêm móc-phin quá nhiều đâm nghiện, sau đi ăn cắp bị bắt. Đoạn kết bi thảm của câu chuyện người anh hùng này làm chúng tôi ưu tư vô cùng.

Buổi làm việc với lãnh đạo Hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng tuy có một chút gay cấn nhưng kết quả tốt. Dự làm việc có nhà văn Phan Tứ, cố vấn hội, Hồ Hải Học, tổng thư ký, Thanh Quế, phó tổng thư ký, tổng biên tập tạp chí Đất Quảng. Phan Tứ mới được bầu lại làm tổng thư ký hội nhưng vì lý do sức khoẻ, bận nhiều công việc, muốn tập trung cho sáng tác nên xin nghỉ, ban chấp hành đã bầu Hồ Hải Học, nguyên giám đốc Sở Văn hoá Thông tin lên thay.

Sau khi nghe Bùi Minh Quốc và Bảo Cự trình bày vấn đề, Thanh Quế và Thái Bá Lợi nhất trí nhưng Hồ Hải Học có phân vân về chuyện đề nghị cách chức, cho rằng nên tranh thủ khôn khéo chứ đấu tranh không có lợi.

Trong thảo luận, Bảo Cự nhấn mạnh ý kiến không phải chỉ biết phục tùng, xin xỏ mà phải đòi, phải đấu tranh cho những quyền tự do dân chủ chính đáng của mình. Hữu Loan nói nhận xét chung về việc đấu tranh cho dân chủ và cho rằng trí thức ngày nay hơi hèn nhát.

Sau cùng, lãnh đạo hai hội nhất trí ký một kiến nghị chung giữa hai hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng và Lâm Đồng, nội dung tập trung đòi các quyền cơ bản của các hội văn nghệ là quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản. Nội dung kiến nghị khẳng định đối với hoạt động của các hội văn nghệ, việc ra báo, tạp chí và xuất bản là hoạt động tối thiểu và chủ yếu của hội để thực hiện chức năng nghiệp vụ của mình. Đây là phương thức bảo đảm quyền tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do tư tưởng và là quyền tối thiểu của các hội văn nghệ. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra ngay các văn bản pháp lý để cụ thể hoá nghị quyết của Đảng về vấn đề này.

Phan Tứ từ đầu không nói gì, chỉ lắng nghe. Trước khi kết thúc cuộc họp Phan Tứ phát biểu: Vì hiện nay chỉ làm cố vấn nên mọi việc để lãnh đạo hội quyết định, chỉ tham gia ý kiến khi cần thiết. Tuy nhiên do nội dung bàn bạc có liên quan đến hội nghị ban chấp hành Hội Nhà văn và tuần báo Văn nghệ mà ông có phần trách nhiệm vì ông là uỷ viên ban thư ký Hội Nhà văn. Ông nói rõ về động cơ của cá nhân trong việc biểu quyết nghị quyết của Ban chấp hành Hội Nhà văn. Ông đã và sẽ tiếp tục xin rút ra khỏi các chức vụ của Hội Nhà văn Việt Nam, hội văn nghệ địa phương cũng như các chức vụ khác để tập trung cho sáng tác cho nên việc biểu quyết hoàn toàn do quan điểm, nhận thức của mình chứ không phải vì động cơ gì khác.

Tuy phát biểu như thế nhưng Phan Tứ có vẻ ưu tư về những phản ứng của anh em văn nghệ sĩ và công luận đối với vụ tuần báo Văn nghệ.

Trao đổi riêng bên ngoài, Thanh Quế nói do những khó khăn hiện nay của hội và bản thân không ở vai trò quyết định nên tuy tán thành với văn nghệ Langbian nhưng ở đây chỉ có thể làm từng bước.

Cuộc gặp gỡ tiếp theo với anh chị em sáng tác địa phương do hội và tạp chí Đất Quảng tổ chức tại trụ sở hội là buổi trao đổi mang không khí tranh luận sôi nổi nhất so với các cuộc gặp gỡ trước đây.

Một số ý kiến hoan nghênh việc làm và sáng kiến của Hội văn nghệ Lâm Đồng, coi đó là sự dũng cảm trong việc đấu tranh chống tiêu cực và thúc đẩy đổi mới cần phải được ủng hộ. Một số ý kiến khác cũng hoan nghênh nhưng yêu cầu phải làm kiên trì, mềm mỏng để tranh thủ mọi lực lượng. Đề phòng lực lượng bảo thủ sẽ vu cho ta là kích động bạo loạn.

Nhân một số phóng viên của báo, tạp chí kết hợp phỏng vấn Hữu Loan, ngoài những ý kiến về sáng tác của mình Hữu Loan tham gia tranh luận về những vấn đề đang thảo luận.

Hữu Loan nói:

"Đấu tranh cho đổi mới không phải là kích động bạo loạn. Ngược lại, bưng bít không cho tự do ngôn luận mới là mầm mống gây ra bạo loạn, cho ăn nói tự đo mới có thể tìm ra lối thoát. Nói xây dựng một cách ôn hoà cũng không đúng. Nhà đổ muốn sửa phải xúc đi chứ không thể để nguyên thế mà sửa.

Về các nhân vật được các chế độ đề cao cần phải xem xét thật kỹ, nhất là các chế độ độc tài. Nguyễn Du được đề cao vì chống phong kiến, nhưng lại không được đề cao ở chỗ Nguyễn Du đề cao nhân đạo tính vì nhân đạo tính khác giai cấp tính. Trong Truyện Kiều có tên bán tơ vào mà không có ra, ban đầu tôi rất thắc mắc nhưng sau này mới hiểu, đó là dự báo. Thằng bán tơ thực ra không có, đó chỉ là sự vu cáo. Nếu Truyện Kiều bỏ phần định mệnh thì mất đến 90% giá trị. Ta chưa quý Nguyễn Du vì đến nay chưa xây mộ Nguyễn Du.

Vụ "Nhân văn" trước đây, Đảng phát động nói thẳng nói thực, văn nghệ sĩ hưởng ứng nhưng sau đó một số bị quy là phản động. Vụ tuần báo Văn nghệ hiện nay phải chăng là phiên bản của Nhân văn ngày trước? Coi chừng sai mà không thực tâm sửa sẽ sai hơn, đưa đến bạo loạn. Nhân dân, văn nghệ sĩ nói chung bao giờ cũng tốt".

*

Rời Đà Nẵng, thành phố lớn thứ nhì miền Nam mà sau giải phóng vẫn tiếp tục xây dựng với tốc độ nhanh, có nhiều công trình mới, thành phố đẹp hẳn lên, chúng tôi vượt đèo Hải Vân đến Huế, nơi có Hội văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Sông Hương nổi tiếng. Sông Hương là tạp chí văn nghệ địa phương nhưng đã vượt biên giới địa phương, có tầm cỡ quốc gia và tiếng vang ra nước ngoài.

Đoàn văn nghệ Langbian vào làm việc với Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, tạp chí Sông Hương và cả Hội văn nghệ Huế mới thành lập nữa. Huế là nơi chúng tôi làm việc nhiều lần với lãnh đạo và anh em văn nghệ sĩ các hội và tạp chí, kể cả khi uống rượu ở nhà riêng.

Ở Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, chúng tôi đã gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn, tổng thư ký hội, Phan Văn Khuyến, phó tổng thư ký hội, Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ, chánh văn phòng, Xuân Hoàng, nhà thơ, cựu tổng thư ký hội, Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ, Nguyễn Quang Lập, nhà văn...

Tạp chí Sông Hương có Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, tổng biên tập, Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ, Hà Khánh Linh, nhà văn...

Hội văn nghệ Huế có Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, tổng thư ký hội, Trần Vàng Sao và các cây bút trẻ Trần Thuỳ Mai, Trần Thức, Hoàng Dũng...

Huế là nơi có ý kiến tranh luận nhiều nhất về vấn đề chiến lược, phương thức đấu tranh, còn về mục tiêu mọi người đều nhất trí hoàn toàn.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Cần phải tồn tại để đấu tranh, không nên cảm tử vô ích. Huế không thiếu dũng cảm, phải làm mạnh hơn nhưng hiệu quả hơn, tránh cực đoan. Hà Nội rất sợ những hành động cá nhân dũng cảm nhưng ít ai dám làm, còn đấu tranh bằng tổ chức thì ta sẽ thua vì Hà Nội là "tay tổ" về cách chơi bằng tổ chức.

Tô Nhuận Vỹ: Tình hình đang cân bằng giữa cái mới và cái cũ, bên nào dấn tới sẽ thắng thế. Tạp chí phải tồn tại để đấu tranh vì mất tạp chí là mất vũ khí. Người ta nói hiện nay có ba tờ báo văn nghệ cấp tiến là tuần báo Văn Nghệ, Sông HươngLangbian nhưng tuần báo Văn nghệ đang gặp khó khăn, Langbian đã bị xoá sổ nên Sông Hương cần phải tồn tại.

Nguyễn Quang Lập: Đấu tranh phải có thủ đoạn, sách lược. Nên có bộ phận ẩn mình để chỉ đạo, không xuất hiện hết.

Trần Thuỳ Mai: Cần phải khôn ngoan nhưng đừng vì quá khôn ngoan mà cuối cùng không làm gì cả.

Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Trần Thức, Hoàng Dũng và nhiều người khác: Cần phải liên minh và hỗ trợ cho văn nghệ Lâm Đồng.

Trong cuộc tranh luận này, đoàn văn nghệ Langbian kiên trì và củng cố thêm quan điểm của mình.

Bùi Minh Quốc: Về nội dung và cả phương pháp, chúng tôi hoàn toàn làm đúng nghị quyết của Đảng. Nếu có người nói làm như thế là vận động thì cũng không ai cấm đảng viên đi vận động thực hiện nghị quyết của Đảng. Chúng tôi ở trong một tình thế phải làm mạnh vì từ trước đã "năn nỉ, xin xỏ" mãi rồi mà không được.

Bảo Cự: Chúng ta đang giải quyết một tình huống bất thường chứ không phải bình thường. Cũng như nông dân sáu tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biểu tình là vì bị áp bức, cướp ruộng đất. Trí thức văn nghệ sĩ cũng phải có phản ứng khi bị kềm hãm, tước đoạt tự do báo chí, tự do tư tưởng. Trong cách làm phải có lực lượng xung kích, có sự hy sinh cần thiết. Không có sự hy sinh nào vô ích. Tỉnh táo nhưng phải quyết liệt đẩy vấn đề đến triệt để. Nếu đang có tổ chức, phải phát huy hết tác dụng của tổ chức.

Trong quá trình đang tranh luận, lúc 10 giờ sáng ngày 26-11-1988, Phan Văn Khuyến nhận được điện thoại của Cù Huy Cận, chủ tịch Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ Hà Nội gọi vào. Cù Huy Cận thông báo: Do Ban tuyên huấn Đaklak và Tỉnh uỷ Nghĩa Bình điện ra Trung ương báo cáo về chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng và ý kiến chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, nên sau khi có ý kiến của đồng chí Đào Duy Tùng, bí thư Trung ương Đảng phụ trách khối tư tưởng và trao đổi với đồng chí Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, UBTƯLHVHNT yêu cầu các hội muốn bày tỏ ý kiến gì nên viết báo, kiến nghị với tư cách cá nhân, tổ chức mình, không nên làm gì gây phức tạp thêm tình hình khi tiếp xúc, làm việc với đoàn văn nghệ Lâm Đồng.

Cùng với việc gọi điện thoại trực tiếp này (không chỉ gọi cho Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên mà còn gọi cho cả mấy tỉnh ở miền Trung vì chưa biết rõ đoàn Lâm Đồng đang đi đến đâu), ông Cù Huy Cận còn cho biết đã gởi một công văn cho tất cả các hội văn nghệ và các ban tuyên huấn tỉnh, thành, trong cả nước.

Mặc dù nhận được cú điện thoại bất ngờ đó, chiều 26-11-1988, lãnh đạo Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Sông Hương vẫn ký chung với Lâm Đồng một bản kiến nghị bốn điểm về việc giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương, trong đó nhấn mạnh đến quyền ra báo, tạp chí văn nghệ để giải quyết những vấn đề vướng mắc.

Cũng trong ngày này và hôm sau, anh em văn nghệ sĩ Huế đã tiếp tục ký vào bản "Tuyên bố”, nối dài thêm danh sách những người đấu tranh cho đổi mới, công khai và dân chủ.

Nói chung, Huế, Bình Trị Thiên ủng hộ và lo lắng cho văn nghệ Lâm Đồng. Tuy có ý kiến hơi khác nhau về phương pháp nhưng cuối cùng thống nhất cần hỗ trợ nhau bằng nhiều biện pháp khác nhau tuỳ tình hình và thế lực của từng địa phương, tổ chức.

Thời gian đoàn ở Huế, còn có mấy việc đáng chú ý nữa là dự cuộc toạ đàm về thơ Trần Vàng Sao, tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và buổi gặp gỡ nhà thơ Phùng Quán tại hồ Tịnh Tâm.

Trần Vàng Sao, sinh viên tranh đấu Huế thoát ly tham gia cách mạng, được đưa ra Bắc và nổi tiếng với "Bài thơ của một người yêu nước mình”.

Sau 75, Trần Vàng Sao chựng đi một thời gian khá lâu không sáng tác và mới xuất hiện trở lại từ năm 1985 trên Sông Hương. Sông Hương số 32 có bài "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi tự nói về mình" đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt các câu sau đây đã bị quy kết nặng nề:

Mả cha cuộc đời quá vô hậu
Cơm không có mà ăn
Ngó tới ngó lui không biết thù ai
Những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất

Lại những cái mũ quen thuộc mà trước đây người ta đã chụp cho Phùng Gia Lộc, Thanh Thảo, Đặng Thị Vân Khanh, nào là bêu riếu, bôi đen chế độ, kích động chống đối, phản động.

Báo Công an Bình Trị Thiên có hai bài đánh Trần Vàng Sao nặng nề. Nghe Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đùa với anh em, ở Bình Trị Thiên không thiếu món gì, hình như chỉ còn thiếu ông Đặng Bửu, bây giờ đã có.

Để làm rõ vấn đề, Hội Văn nghệ Huế và Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ của Thành đoàn Huế tổ chức một cuộc toạ đàm về bài thơ của Trần Vàng Sao tại trụ sở Hội Văn nghệ Huế. Đoàn văn nghệ Lâm Đồng được mời dự cuộc toạ đàm này. Hầu hết ý kiến phát biểu trong buổi toạ đàm này đều ủng hộ Trần Vàng Sao và phản đối việc chụp mũ chính trị cho văn nghệ.

Sau này Sông Hương số 34 có đăng lại một cách cân phân mấy bài chê và khen, tưởng để cho im đi một vụ không cần thiết phải dấy lên lớn chuyện. Nào ngờ báo Công an Bình Trị Thiên lại đăng tiếp một loạt tám bài nữa đánh Trần Vàng Sao nặng nề, dùng những lới lẽ gần như thoá mạ và thái độ rất "công an”, không còn chi là văn học nữa. Anh em văn nghệ Huế rất công phẫn, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Sông Hương phản ứng với Tỉnh uỷ, Tuyên huấn phải can thiệp phê phán báo Công an và yêu cầu đôi bên phải thôi vụ đó đi.

Vụ này tạm lắng xuống nhưng anh em văn nghệ vẫn còn ấm ức vì bị đánh trên báo nhưng không được trả lời công khai bằng báo chí mà được giải quyết êm bằng tổ chức.

Đoàn văn nghệ Langbian tranh thủ đi gặp Nguyễn Khoa Điềm để nghe thêm tình hình vì nhà thơ hiện nay giữ rất nhiều chức, biết nhiều chuyện: uỷ viên ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trưởng Ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên. Có nhiều việc chúng tôi mới nghe , cần hỏi lại anh cho rõ.

Tại nhà riêng ở Vỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm cho biết mấy việc: Xác nhận ban thư ký Hội Nhà văn có điện thoại vào hỏi ý kiến về việc cách chức Nguyên Ngọc nhưng anh không đồng ý. Ban thư ký Hội Nhà văn mời ra Hà Nội họp nhưng khi ra tới nơi thì cuộc họp đã tổ chức tối hôm trước, trước ngày triệu tập theo giấy mời. Có ông Nguyên Thanh nào đó ở Thành phố Hồ Chí Minh sao gởi cho Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên các thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải. Nội dung thư của Chế Lan Viên chúng tôi đã biết ở Nha Trang, còn thư Nguyễn Khải nêu việc cũ, cho "Nhân văn" là do bọn phản động chính trị xúi giục và có ý quy một số hoạt động văn nghệ bây giờ cũng thế.

Thảo luận về việc này, mọi người đều nhất trí đây là một thủ đoạn dùng danh tiếng của các "nhà thơ, nhà văn lớn" tác động vào quan điểm của các tỉnh uỷ chung quanh các vụ văn nghệ đang sôi động hiện nay. Việc làm có tính cách mờ ám, không chính thức này tuy có tác dụng nhất định nhưng đã gây ra nghi ngờ về nhân cách của người lợi dụng trò xảo thuật đó, đồng thời lại làm bộc lộ quan điểm của các "nhà thơ, nhà văn lớn" này trước búa rìu dư luận, làm sứt mẻ uy tín, tình cảm của họ trước đồng nghiệp và công chúng không ít.

Buổi chiều trước hôm rời Huế, đoàn có một cuộc gặp gỡ thú vi. Nhân hôm đến làm việc với tạp chí Sông Hương, đoàn có gặp Phùng Quán tại toà soạn. Hữu Loan gặp lại Phùng Quán có rất nhiều chuyện để nói, còn chúng tôi lần đầu gặp anh có nhiều điều muốn hỏi nên anh em hẹn gặp Phùng Quán tại nơi anh đang tạm trú để viết trong hồ Tịnh Tâm.

Đây là một ngày có gặp gỡ và uống rượu nhiều nhất trong chuyến đi. Sáng sớm gặp anh em Hội văn nghệ Huế tại nhà Nguyễn Đắc Xuân, tiếp đó đi gặp Nguyễn Khoa Điềm, rồi đi thăm Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ, trưa về uống rượu tại nhà Nguyễn Quang Lập, chiều về hồ Tịnh Tâm gặp Phùng Quán rồi về ăn cơm tại nhà khách Uỷ ban Nhân dân Tỉnh do Nguyễn Huy Tưởng, một giám đốc - mạnh thường quân của văn nghệ, chiêu đãi.

Phùng Quán ở với Mùi Tịnh Tâm trong một cái lều nhỏ trên hồ Tịnh Tâm. Chúng tôi nghe nói loáng thoáng Mùi Tịnh Tâm là một nhà sư được nhà nước hợp đồng chăm sóc, khai thác hồ và ở luôn đây để bảo quản. Mùi Tịnh Tâm còn trẻ, có thơ đăng trên Sông Hương và được anh em văn nghệ ở đây yêu mến. Mấy năm gần đây Phùng Quán cũng được Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Bình Trị Thiên giúp đỡ, tạo điều kiện sinh sống để anh sáng tác về thời gian anh hoạt động trong kháng chiến chống Pháp tại Huế vì đây là quê hương anh. Chúng tôi rất phấn khởi trước cách đối xử của Bình Trị Thiên vì trước đây chưa biết điều này, nghe mấy ông "Nhân văn" ông nào cũng vẫn còn lao đao như Hữu Loan, có người sống rất khổ.

Khi chúng tôi vào, trời đã xế chiều. Nhiều người ngồi chật ních trong căn lều đơn sơ của Mùi Tịnh Tâm. Vì không đủ chỗ Phùng Quán xách chổi và chiếu ra quét dọn căn nhà bát giác bên ngoài và chủ khách ngồi xếp bằng uống rượu với lạc rang nói chuyện. Khoảng gần hai mươi người dự, trong đó có một số chúng tôi chưa biết.

Vừa yên vị xong, Hữu Loan tấn công luôn Phùng Quán cũng là để xác định lại câu chuyện anh đã kể cho chúng tôi nghe trên đường đi:

"Quán này! Tôi phải cám ơn cậu đấy vì cậu đã tố cáo tôi trong vụ kiểm điểm "Nhân văn" nên mấy bài thơ của tôi mới được biết đến. Chắc cậu còn nhớ "Chiếc áo vải bạt" của tôi chứ?

Tôi hân hoan như một chiếc mui xe
Đang thẳng tiến tới chân trời cộng sản
"

Hữu Loan giải thích thêm với mọi người: Lúc đó tôi nghèo quá, không có áo, đi dự Đại Hội Nhà văn phải lấy vải bạt may thành áo mặc, đến nơi muốn giấu đi mà chúng nó cứ lôi ra trầm trồ khen áo đẹp nên tôi phải làm bài thơ cho đỡ ngượng. Thế mà sau này nó đem ra tố cáo. Có phải không Quán? Nhưng mà tôi phải cám ơn cậu đấy.

Phùng Quán cười hiền lành:

"Bây giờ em xin lỗi anh. Lúc đó em thành khẩn quá."

Chúng tôi ngạc nhiên trước cách xưng hô của Phùng Quán với Hữu Loan. Cả hai đã là hai ông già râu dài. Phùng Quán to cao, phương phi, quắc thước dù đang mặc bộ đồ bà ba màu nâu sồng. Hữu Loan gầy nhưng gân guốc, đôi mắt nhỏ sáng ngời lấp lánh (sau này Hữu Loan giải thích là Phùng Quán nhỏ tuổi hơn nhiều và từ xưa vẫn coi Hữu Loan như anh). Câu chuyện văn chương nổ ra ròn rã và có lúc cũng hết sức gay cấn vì ý kiến mọi người đều thẳng băng như những mũi tên lao.

Hữu Loan: Bây giờ nhà văn chỉ cần làm thư ký của thời đại là đã lớn lắm rồi. Hiện thực, nỗi đau của nhân dân rất vĩ đại. Vấn đề không phải có lớn không mà là có dám lớn không.

Bùi Minh Quốc: Tôi phản đối anh Hữu Loan trong ý kiến cho rằng nhà văn là thư ký của thời đại. Trước đây Tố Hữu cũng đã có ý kiến như thế. Dĩ nhiên Tố Hữu muốn nói đến ca tụng còn Hữu Loan nói đến nỗi đau. Đó là hai cực trái ngược nhưng người nghệ sĩ còn phải sáng tạo chứ không phải chỉ sao chép.

Bảo Cự: Trong phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh Huế hơn 20 năm trước đây, chúng tôi đã biết và yêu thích Phùng Quán, đặc biệt với sự chân thật đầy khí phách qua "Lời mẹ dặn”:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói ghét thành yêu
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói yêu thành ghét

Từ khi đó, chúng tôi ghê sợ trước những bài tụng ca giả dối, lố bịch về Xít-ta-lin đã làm chúng tôi lúc đó mất cảm tình với cộng sản không ít. Thế nhưng chúng tôi hết sức thắc mắc khi mới đây đọc tin trên báo thấy Phùng Quán và một số "Nhân văn" nữa làm đơn xin khôi phục hội tịch Hội Nhà văn. Tại sao lại phải làm đơn xin? Các anh mất hết khí phách ngày trước rồi sao?

Phùng Quán: Không phải làm đơn xin nhưng tôi có viết giấy theo yêu cầu của ban thư ký Hội Nhà văn. Người ta nói đã có ba người làm đơn rồi và Ban thư ký nhiều lần mời gọi, xin lỗi và nói chúng tôi đừng gây khó khăn thêm cho hội.

Như thể rất ray rứt về vấn đề này, Phùng Quán bảo Mùi Tịnh Tâm vào trong lều lấy giúp cái túi và lục lọi lôi ra cho mọi người xem mấy cái thư mời và quyết định khôi phục hội tịch. Phùng Quán kể rất nhiều chuyện, qua đó chúng tôi thấy anh bị sức ép ghê gớm mà có thể là người ngoài cuộc, chúng tôi chưa hiểu và quá nghiêm khắc đối với các anh. Anh bảo có lần phải lên gặp công an để khai báo lý lịch cho con đi học, trước khi đi anh phải uống một xị rượu để lấy can đảm. Chúng ta có quyền đòi hỏi nhiều nhất ở mỗi con người nhưng chúng ta cũng phải thông cảm nhiều nhất ở mỗi con người. Ba mươi năm của Nhân văn phải chăng đối với mỗi người trong cuộc là nỗi kinh hoàng thế kỷ. Ý chí con người dù sao cũng có giới hạn thôi. Sau này đọc mấy câu trong bài thơ "Thơ đề trên nỏ" của Phùng Quán chúng tôi thấm thía hơn nỗi bất lực và tuyệt vọng này:

Mười tám tuổi
Tôi phá thập tự làm nỏ
Năm mươi tuổi
Tôi đẽo nỏ
Làm thập tự

Chúng tôi chưa hiểu thật đầy đủ về vụ Nhân văn, nhưng qua những điều chúng tôi hiểu, Nhân văn nhất định là một nỗi đau đớn, một bi kịch của văn nghệ, của đất nước mà hậu quả chưa qua và sự vụ chưa được giải quyết thoả đáng. Chúng tôi không tin những ai đó nói sự vụ đã xong. Chúng tôi không đồng tình những ai cho rằng nhắc lại vụ Nhân văn là lật lại những xác chết, phong thần cho những kẻ không xứng đáng. Nhân văn là một vụ làm nhức nhối mọi người có lương tri, bây giờ và cả nghìn sau nữa. Không ai bôi xoá được lịch sử đâu.

Hữu Loan nhận định ngay cả bây giờ, người ta cũng đang còn âm mưu chia rẽ những Nhân văn cho những mục tiêu không lấy gì làm tốt đẹp, trong khi đáng ra họ phải làm hết sức mình để chuộc lỗi.

Qua những ngày tiếp xúc, chúng tôi thấy Hữu Loan là một ý chí bất khuất chưa hề bị bẻ gãy dù trải qua đêm dài thế kỷ. Chúng tôi kính trọng anh vì điều đó. Phùng Quán chúng tôi mới gặp một buổi, có thắc mắc việc anh làm đơn xin khôi phục lại hội tịch nhưng rất thông cảm khi nghe anh nói về hoàn cảnh cụ thể của mình.

Hoàng Phủ Ngọc Tường còn công kích Phùng Quán tại sao chê thơ Trần Vàng Sao, Phùng Quán trả lời thơ Trần Vàng Sao hay nhưng tôi không thích, tôi có quyền không thích.

Phải chăng Phùng Quán vẫn theo "Lời mẹ dặn" như thuở nào?

Hôm sau đoàn văn nghệ Lâm Đồng đến trụ sở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên để ký kiến nghị chung thông qua hôm trước, đã được Hội Bình Trị Thiên bổ sung, đánh máy lại. Trước khi đoàn đi Hoàng Phủ Ngọc Tường nhất định kéo anh em sang quán cà-phê bên cạnh trước khi chia tay. Tình cảm lưu luyến này đã góp phần làm nên "sự cố" văn nghệ Langbian.

Đúng 9 giờ 15 phút ngày 28-11-1988, vừa kêu cà-phê chưa kịp uống, Phan Văn Khuyến từ văn phòng hội chạy sang báo có điện thoại của văn phòng Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên cần gặp gấp đoàn văn nghệ Lâm Đồng. Bảo Cự đi nghe điện thoại.

"Tôi là Tắc ở văn phòng Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, xin thông báo lại các anh: Tỉnh uỷ Lâm Đồng điện cho Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên nhờ nhắn lại, đồng chí Nguyễn Duy Anh, phó bí thư trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự quay về gấp."

Tuy đã có dự liệu nhiều tình huống, nhưng cú điện thoại khá bất ngờ, chỉ nhận được mười phút trước khi rời Huế làm anh em lúng túng một lúc. Hoàng Phủ Ngọc Tường nói:

"Anh em nghĩ xem có cách nào không?"

Sau mấy ý kiến trao đổi ngắn gọn, đoàn Langbian thống nhất: Không thể quay lại vì đoàn đã đi hơn nửa đường, việc chưa xong, đoàn đã nhận uỷ nhiệm của các hội bạn và anh em văn nghệ các tỉnh miền Trung mang kiến nghị và tuyên bố ra làm việc với Trung ương. Vả lại, trước khi đi, Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ và Thường trực Uỷ ban Nhân dân Tỉnh về mục đích, yêu cầu của chuyến đi. Dĩ nhiên những việc cụ thể phát sinh trong chuyến đi, đoàn hoàn toàn chịu trách nhiệm và khi về sẽ báo cáo lại với tỉnh.

Đoàn cho gởi một điện tín về Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng báo cáo quyết định của đoàn và lên đường ngay.

Đoàn cũng dự đoán rằng cho tới nay ở Lâm Đồng và cơ quan Hội Văn nghệ đã ầm ĩ lên về chuyến đi này và gây ra không ít lo ngại cho người ở nhà, nên đoàn đã đánh điện cho cơ quan và các bà vợ. Những "nàng chinh phụ" chắc đã mong ngóng và lo lắng rất nhiều cho những người đi, trong một chuyến đi quá dài và bất trắc nhưng chưa tới đích. Khổ nỗi là đoàn di chuyển liên tục, mỗi địa phương chỉ dừng lại có vài ngày nên dù có tin về, ở nhà cũng chỉ biết nhận chứ không thể nào trả lời. Quả nhiên sau này về hỏi lại, ở Lâm Đồng có nhiều tin đồn gây hoang mang nhưng anh em rất vui là các "nàng chinh phụ" đã tỏ ra rất vững vàng, hoàn toàn tin cậy vào bản lĩnh và quyết tâm của người đi, mặc dù trước khi đi chưa ai lường trước những gì sẽ xảy ra, kể cả những hiểm nguy sẽ gặp trên dọc đường, những hiểm nguy tình cờ và không tình cờ đã từng xảy ra ở những trường hợp khác. Đó thực là một chỗ dựa khá vững vàng cho những người lựa chọn con đường đấu tranh mà ngày mai chắc chắn sẽ không yên tĩnh.

clip_image002

Hữu Loan với bó hoa người hâm mộ Đà Lạt