Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Trà ca

Tạp bút Nguyễn Xuân Thiệp

Viết về Trà, chuyện về Trà mà như đã tan hòa vào Trà, như từ bên trong Trà vọng ra biết bao kiếp nhân sinh đã trải, biết bao sắc không đã thoáng chốc hư vô… Nguyễn Xuân Thiệp dắt con người trở lại cõi cỏ cây sương khói thơm lừng mùi hoang dã, khi con người còn là Một với vạn vật, còn là bạn với vô vàn cái Tĩnh Thức được tinh lọc qua bản ngã Thiện Mỹ của văn hóa tâm hồn… Ở đó, chuyện tù ngục chết chóc loạn cuồng điên đảo chỉ là cơn lốc xoáy đầy bụi bẩn nhưng thoáng chốc, chẳng bao giờ có thể làm nghiêng ngả cây Trà ngàn tuổi bên trong người viết-người uống-người đã thành một phần của tinh Trà cùng với khúc Trà ca khinh khoái…

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Trà Đạo. Tranh cổ Nhật Bản

Đầu xuân, một bạn văn ở Los Angeles gởi cho gói trà. Trà mang nhãn hiệu Tuyết Sơn, mở ra thơm ngát. Lúc bấy giơ tuyết phủ trắng thành Oklahoma, nơi tôi ở. Chỉ trong một đêm, phong cảnh đã đổi khác, như trong truyện thần tiên của Hans Christian Andersen. Buổi sáng mở cửa nhìn ra vườn, ngạc nhiên đến sững sờ, vừa cảm động vừa hân hoan. Tuyết, lần đầu tiên nhìn thấy trong đời. Vội vàng vào bếp đun ấm nước. Tiếng nước reo như tiếng gió qua lũng thông vàng. Hương trà bốc lên trong tĩnh lặng sớm mai khi tuyết đã trắng mái nhà, cây cối, bờ rào và những con đường hiu quạnh. Một vài bóng quạ chập chờn, điểm những chấm đen thẫm, như trong tranh mộc bản. Nâng chung trà lên, nóng ấm trong lòng bàn tay. Uống vào một ngụm, nhìn ra tuyết bay, thấy mình là người hạnh phúc trên đời. Thì ra, hạnh phúc vẫn có đấy, dẫu hiếm hoi và nhỏ bé so với những nỗi khổ vô cùng tận của kiếp người. Vậy, bạn bè ơi, hãy tận hưởng những hạnh phúc phù du ấy đi, để hồn tan trong hương trà buổi sớm mai, nghĩ đến những điều tốt đẹp. Và nghĩ một chút về trà.

Nói về trà, lúc này, ở đây, e có hơi lạc điệu chăng? Giữa một xã hội gia tốc, người ta uống toàn coca cola và những thứ nước hóa học pha chế, hoặc cà phê vừa lạt vừa chua, trà hầu như không có chỗ đứng nào cả. Nhưng ở đâu đó, trong gia đình những người Việt ly hương, và gia đình người Hoa, người Nhật, và cả một số gia đình Mỹ, trà vẫn có mặt, như nó đã ở cùng nhân loại hàng ngàn năm qua.

TRÀ TRÊN NHỮNG TRANG CỔ THƯ

Trà xuất hiện rất sớm trong lịch sử, khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Gốc gác của nó, theo như sử sách ghi lại, đâu ở vùng Hoa Nam. Nhưng mới đây, ông Nguyễn Mạnh gặp một vị lão nhân mở quán trà ở gần Hàn San Tự, được vị này cho biết theo kinh sách thì “Trà không xuất xứ ở Trung Hoa, vì không tìm thấy cây trà thiên nhiên hay cây trà hoang ở châu thổ sông Hồng và sông Dương Tử. Quê hương của cây trà ở tận miền Nam. Mãi đến đời nhà Tùy, trà mới từ Đại Lý (Nam Chiếu xưa) và Việt Nam (Nam Việt xưa) nhập vào Trung Quốc. Đến đất văn hóa này, trà được chăm sóc tinh vi và rồi qua nhiều năm tháng, trà được đưa lên hàng nghệ thuật”.

Một nhà văn gần đây cũng viết: “Xứ Việt đã biết đến trà từ thời Đông Hán, nhưng trà đạo Việt thành hình với đời nhà Đường, theo các nhà sư Phật Giáo vào Giao Châu. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng “Trà là loài cây quý ở phương Nam”. Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, hiển bày tột độ thời Phật giáo Lý, Trần. Đạo trà Việt cổ là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan; không cửa vào, không lối ra. Về sau các văn nhân hiền giả thường mượn đó làm thú tiêu dao.

Thấy trúc lay mới biết được gió, hồn và bóng trà đạo Việt lồng lộng cái Đẹp của hình và sắc trong trà gốm Việt. Những bát trà ấy về sau truyền tâm ấn về biển Bắc xa, chuyển sinh lại trong nghi lễ trà đạo Nhật.

Và trong Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường cũng có ghi: “Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quí thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách”.”

Vậy, có thể xem cây trà xuất xứ từ phương Nam nắng ấm của chúng ta. Nhưng thôi, cũng đừng nên tìm đến ngọn nguồn của nó làm gì, chén trà trong tay sớm mai sẽ nguội mất. Hãy hớp thêm một ngụm trà nóng nữa rồi thử tưởng tượng xem ở cái thời xa xưa cách đây hàng ngàn năm, người đầu tiên tìm ra ngọn lá trà bên con đường mòn lên non tuyết phủ hay xuống lũng sâu nắng rám da. Vò nát chiếc lá trong tay, thoảng mùi hương ngái, nếm thử thấy vị chát đắng quyện trên đầu lưỡi rồi tan dần, để lại dư vị ngọt ở cuống họng. Có chút ngây ngất, lâng lâng dễ chịu. Chà, được đây, thử hái về mấy nắm, đem phơi nấu uống. Từ đó, trà có mặt trong đời sống con người, thật nồng ấm và thân thiết. Con người đầu tiên tìm ra lá trà ấy đâu biết rằng y sẽ mở ra cả một nền văn minh và đạo học sau này.

Nhiều thế kỷ trôi qua, trà đã trở thành món uống ưa thích của dân chúng vùng thung lũng sông Dương Tử. Dần dần, cùng với Đạo Giáo và Phật Giáo nở rộ, ảnh hưởng trà lan rộng sang tới Nhật Bản, Việt Nam. Nước Nhật, do theo sát nền văn minh Trung Hoa, nên đã biết tới trà từ rất sớm. Theo Okakura Kakuzo thuật lại trong cuốn Trà Đạo thì ở thế kỷ thứ 8, các vị vua đã đem trà thết các đoàn tăng lữ trong cung Nại Lương. Sang thế kỷ thứ 9 và những thế kỷ tiếp theo, trà mọc lên khắp nơi quanh vùng kinh đô Kyoto. Theo thời gian, trà nhập vào thi ca và trở thành một thứ đạo: Trà Đạo. Trà đi vào Việt Nam chắc cũng sớm như thế. Thi ca đời Lý của các vị thiền sư đã có nói tới trà. Đây, ta hãy đọc vài câu:

Đưa người xa nghìn dặm

Cười tặng một bình trà...

Áo rách đùm mây đun cháo sớm

Bình xưa đựng nguyệt nấu trà khuya...

Người Âu Châu biết đến trà khá muộn, đâu vào thế kỷ thứ 16. Đó là nhờ các đoàn thám hiểm và thương nhân mang về. Hoà Lan, Pháp, Nga lần đầu tiên được thưởng thức chất nước vàng thơm ngát của trà là vào thế kỷ 17. Nước Anh cũng vậy, họ thưởng thức trà và ca ngợi nó hết lời. Lúc đầu, chỉ có giới quý tộc mới được uống trà vì giá trà rất mắc. Lâu dần, trà xâm nhập vào đời sống quần chúng, và sang đến thế kỷ 18, trà được bán trong các quán cà phê ở Luân Đôn. Tiệc trà buổi xế trưa, gọi là afternoon tea, đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong đời sống xã hội nước Anh.

Nhưng này, bạn, ta châm thêm bình trà nữa, và trong khi chờ đợi, hãy nghe đoạn văn sau đây: “Trong tiếng khay chén va chạm nhau lách cách, trong những tiếng áo quần sột soạt dịu dàng của các bà các cô khoản đãi khách, trong những câu chuyện thông thường về kem về đường và bánh ngọt, hương trà tỏa lên thơm ngát mùi vị Đông Phương”. Bạn đồng ý không- trà từ trong bản chất không vô duyên như các thứ soft drink, không hợm mình như rượu, không đậm chất đam mê như cà phê, trái lại trà lắng đọng và trầm tư, tỏa ngát thơ, nên được các triết gia, văn gia Anh nồng nhiệt ca ngợi. Trà đến Mỹ là muộn nhất, qua hải cảng Boston, và tìm được một vùng đất mới.

Trở lại nơi từ đó trà được đưa vào nước Mỹ là đất Trung Hoa. Hãy nghe Okakuro Kakuzo viết trong Trà Đạo: “Các môn đồ Đạo gia coi trà là một vị trọng yếu trong môn thuốc trường sinh bất lão, còn các tăng đồ Phật Giáo thì thường dùng trà chống lại cơn buồn ngủ trong những giờ ngồi trầm tư mặc tưởng dài đằng đẵng”.”

Sách cũng nói rằng Đức Bồ Đề Đạt Ma cũng dâng trà cúng Phật mỗi đêm trong giờ ngồi Thiền:

Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm

Như người xưa ngồi trong động đá

Đức Đạt Ma cùng với chúng tăng

Dâng trà hoa trước giờ Thiền tọa.

(thơ NXT)

Các thi gia đều nói đến trà, Trà Thi nở rộ trong đời Đường. Lục Vũ (đã nhắc ở trên), khoảng thế kỷ thứ 8, viết cả một cuốn Trà Kinh. Hãy nghe ông tả một lá trà “Những nếp nhăn nheo như chiếc ủng da của những kỵ binh Thát Đát, quăn như cái yếm của bò mộng, tỏa ra như hơi sương từ khe suối bốc lên, lấp lánh như mặt hồ vờn gió Tây, và sau hết, vừa ẩm vừa mềm như thứ đất tốt mưa vừa tưới dội”. Này bạn, nâng chung trà lên đi, vừa hớp vài ngụm vừa nghe Lỗ Đồng, một thi nhân đời Đường, diễn tả hương vị trà: “Chén thứ nhất, dấp ướt môi và cổ họng; chén thứ hai, phá tan nỗi cô quạnh của ta; chén thứ ba thấm vào trong ruột khô khan của ta và kiếm ra được năm ngàn cuốn biểu ý văn tự kỳ dị; chén thứ tư làm cho ta giâm giấp mồ hôi, bao nhiêu những điều tà ác ở trên đời đều tiết ra khỏi lỗ chân lông ta. Uống đến chén thứ năm, lòng thấy lâng lâng thanh tịnh; chén thứ sáu chiêu vời ta tới cõi bất tử. Chén thứ bảy, a, nhưng ta không thể nhấp hơn được nữa! Ta chỉ thấy luồng gió lạnh thổi phồng cánh tay áo ta lên thôi. Bồng Lai Sơn ở đâu? Thôi hãy để cho ta cưỡi ngọn gió mát này bay đi đến đó cho xong”.”

Bạn ơi, Lỗ Đồng tả như thế nghe có thi vị không? Chúng ta đã uống tới chén thứ mấy rồi nhỉ? Chẳng nhớ nữa. Nhưng bạn cảm thấy trong người mình, hồn mình như thế nào? Tôi thì như rời khỏi mặt đất và thấy mọi sự như qua một màn sương hư ảo. Cuộc đời này coi vậy mà nhẹ không. Nhưng ta tiếp nối câu chuyện nhé.

Mới vừa đây, tôi được đọc trên tạp chí Thế Kỷ 21 một bài văn rất thú của Nguyễn Mạnh nói về trà. Đây tất nhiên không phải là cổ thư rồi nhưng đượm rất nhiều hương xưa. Để tôi thuật sơ bạn nghe nhé để chén trà ta uống càng thêm nồng đượm. Đây là buổi uống trà tại một trà gia ở Tô Châu, Trung Quốc. Tác giả Nguyễn Mạnh cùng vợ đến Tô Châu mùa xuân 1995. Nhân dịp rỗi rảnh, ông lên thăm chùa Hàn San và xem văn bia khắc bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường. Dịp này, cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với tác giả tiệm trà của một người Việt Nam tên Hoàng. Đây là đường đi tới quán trà, theo như lời tác giả thuật lại, đọc bạn nghe chơi: “Hôm nay đổi trời, không khí lạnh căm, ngoài đường lất phất mưa xuân cuối mùa. Suốt dọc đường, có những ruộng hoa cúc vàng mênh mông, bát ngát. Hỏi ra thì biết nơi đây trồng hoa để làm trà cúc và rượu hoàng hoa. Nhìn hoa, tôi chợt nhớ tới câu đối “ Buổi sớm lên núi Sáng thấy cụm hoa vàng nhớ cụ Hoàng Hoa” năm xưa đọc trong trường thiên Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ, mà muốn se lòng.”

Văn học Việt Nam không thiếu gì những trang, những đoạn, những câu nói về trà, ca tụng trà. Ở trên, tôi đã trích dẫn mấy câu thơ của các thiền sư đời Lý. Nguyễn Trãi khi về lại Côn Sơn thường lên lấy nước đầu khe núi về nấu trà. Mừng được sống sót sau chiến tranh, người thấy mình bây giờ như gió đầu cành, mây đầu núi:

Quê hương chinh chiến đã qua

Tấm thân còn vẹn những là mừng thay

Giờ thời lên chốn gió mây

Nước khe gối đá trà say ngủ vùi.

Thật là thanh thản. Sau thảm kịch với cảnh núi xương sông máu, giờ đây Người đã thấy được lẽ Đạo trong hương bốc lên như từ lẽ vô thường của trời đất. Đọc Kiều, chúng ta cũng được Nguyễn Du đưa vào những buổi uống trà nhàn nhã: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”, câu này thì ai cũng thuộc nằm lòng. Đó là lúc Kim Kiều vừa bước vào tình sử của hai người. “Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi” là câu thơ trong Cung Oán của Ôn Như Hầu mà lúc đọc tôi không chú ý lắm cho tới khi được một người bạn của thời đi dạy học ở Mỹ Tho nhắc lại cho nghe. Người bạn đó nay không còn nữa: anh vượt biên và chết giữa Biển Đông. Chén trà tưởng nhớ sáng nay thoảng vị ngậm ngùi.

Nhà văn Mai Thảo mất như vậy là đã được mấy năm rồi đấy nhỉ. Để tưởng nhớ người của một thời, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài sau đây của Mai Thảo trong đó có nói một chút tới trà:

Đi vắng từ xa trở lại nhà

Bộ đồ cũ mặc, ấm trà pha

Tựa lưng vào vách tường thân thuộc

Trong cõi riêng buồn thấy lại ta.

Cũng là ung dung đấy, nhưng sao cô đơn, vắng lặng quá. Cách đây hơn thế kỷ, Nguyễn Tuân cũng đã viết những trang rất hay về trà. Có thể nói trên từng trang của Vang Bóng Một Thời đều có mùi trà. Bạn có nhớ câu chuyện lão hành khất đã tiêu hết gia sản vào ấm trà nên phải đi ăn xin. Một hôm trên đường hành khất, lão ghé vào nhà một phú hộ, gặp lúc gia chủ cùng mấy người nữa đang dùng trà. Lão bèn ngồi nép bên góc cột chờ đợi để xin được uống trà. Chủ nhà ngạc nhiên lắm, nhưng cũng chiều ý lão. Lão bèn lấy trong túi cói ra bộ ấm chén, trịnh trọng đun nước pha cho mình một ấm trà. Uống xong, lão đứng dậy nhăn mặt, nói trong trà có mùi trấu nên lão lấy làm ấm ức. Nghe nói, gia chủ tức giận coi lại gói trà thì quả nhiên có mấy mảnh trấu trong đó. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng kỳ thú, phải không bạn?

TRÀ TRONG ĐỜI SỐNG DÂN TỘC

TRÀ TRONG ĐỜI TÔI, ĐỜI BẠN

Như đã nói ở một đoạn trên, trà đến với dân tộc ta dễ đã có ngàn năm. Nó đã đi vào cuộc sống mỗi nhà. Có thể nói ở Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, cách đây nửa thế kỷ và đây đó cho tới bây giờ, nhà nhà đều uống trà. Ở các nhà quyền quý thì có loại trà sang. Ở chốn dân dã thì có loại trà phổ thông và rẻ tiền. Trà sớm, trà chiều, trà lúc canh khuya – dân ta lúc nào cũng có thể uống trà. Và uống bất cứ ở đâu – trong nhà, ngoài ruộng gặt, trên nương rẫy, trong quán nước. Mời khách, trước hết phải có trà. Chỉ có thời nay người ta mới dùng nước ngọt để tiếp khách. Mọi tiếp xúc, đàm đạo, chuyện làm ăn buôn bán hay văn chương chữ nghĩa, thường mở đầu bằng trà. “Tiền trà nước” là khẩu ngữ của dân làm ăn mánh mung ngày nay.

Có nhiều huyền thoại về trà. Chẳng hạn, trảm mã trà, câu chuyện mà ai cũng biết. Người ta lùa những con ngựa đói lên núi để chúng ăn lá trà, rồi dẫn về, mổ bụng lấy trà ra đem sao chế. Nghe có rùng rợn không bạn? Lại còn trà hầu vương do khỉ hái. Anh bạn Trương Toàn của tôi ở San Diego, trong một buổi uống trà bên hiên nhà có cụm hoa lài, kể rằng ở bên Nhật người ta cho các cô độ tuổi trăng tròn tắm rửa sạch sẽ lên núi hái trà. Bao nhiêu lá trà, búp trà hái được, các cô cho hết vào người, bên trong quần áo, chỗ sát với làn da thơm. Mồ hôi tươm ra, tẩm vào lá trà cho nên nấu uống rất ngon. Ngoài ra, chắc bạn đã nghe nói tới trà minh nguyệt, hái dưới trăng, tẩm khí âm của trời đất, rồi cho vào lửa sao, thủy và hỏa giao hòa, âm dương kết dính. Những mẩu chuyện như thế làm tăng hương vị của tách trà đang uống, phải không bạn?

Trà có nhiều loại, nhưng với dân tộc ta, có ba thứ trà chính: trà tươi, trà khô và trà mạn. Dân gian thì uống trà tươi hoặc trà khô, nhà quan quyền uống trà mạn. Trà tươi có nước xanh màu lá sen. Trà khô, nước có sắc nâu già. Trà mạn, nước xanh trong, ửng màu vàng nắng mới.

Mỗi người chúng ta đã qua cái tuổi bất hoặc để bắt đầu nhìn tỏ mệnh trời đều có nhiều kỷ niệm về trà. Thời nhỏ, học ở Quốc Học, những buổi trưa tôi thường lang thang ra bến đò Thừa Phủ chơi. Bến đò Thừa Phủ gió đưa/ Tan hồi trống bãi nắng trưa rộn ràng…(Thơ của một tác giả quên tên) Bến đò Thừa Phủ cạnh sông Hương ấy mà, những cây phượng nở hoa đỏ ối khi hè về. Ở đây có một bà ngồi bán nước dưới gốc cây. Những bát nươc chè tươi uống lần đầu tiên trong đời, sao ngây ngất đến thế. Trà bát, hay chè bát, như tên gọi của nó, phải được uống bằng bát, mà là bát sành mới đúng kiểu. Những chỗ bán trà như thế, ta tìm thấy nhiều ở khắp mọi nẻo đường đất nước. Ở những gốc đa, gốc bàng, trên đầu quán dốc, nơi những bến sông. Quán lợp tranh, che bằng mấy tấm phên tre. Trong quán, treo vài nải chuối, ít cái bánh đa, có thể có thêm vài cái kẹo mè, kẹo lạc. Nghèo hèn thế thôi, nhưng cũng đem lại cho người dân quê rất nhiều thú vị. Và cả bạn nữa, sau những chặng đường dài, dừng chân uống bát chè xanh, nhìn chân trời mây trắng – ôi, lòng rộn ràng biết bao xúc cảm. Trà tươi, uống lúc trời nóng khát, sẽ làm ta toát hết mồ hôi và khí độc trong người, để hưởng ngọn gió trời thổi từ cánh đồng mát dịu. Uống dưới trời rét cóng giêng hai, trong mưa phùn nhẹ như tơ, sẽ thấy người ấm áp dễ chịu. Chủ những quán trà – gọi như thế cho sang – thường là những bà lão, họa hoằn lắm mới có một cô tuổi đôi tám đứng bán chè tươi. Thế nhưng, trong thi ca, âm nhạc, cũng đã có bóng cô hàng chè xanh rồi đấy, bên cạnh cô hàng cà phê.

Bạn biết không, ký ức về thời thơ ấu của tôi còn đọng lại hình ảnh những buổi uống trà lúc tinh mơ của cha mẹ. Thời nhỏ, trong gia đình Nguyễn... Ngôi nhà nằm trong vườn xanh với những cây cau cao vút, cây bưởi cây nhãn mỗi mùa cho hoa rụng, những bụi chuối và rặng tre bên ao lấm tấm hoa bèo. Cha mẹ thường dậy rất sớm, đun nước pha trà uống. Trước hiên nhà có hai chậu sói nở hoa trắng như hạt gạo nếp và thoảng hương. Cha mẹ thường ngắt hoa sói cho vào bình trà. Trong giấc ngủ của tuổi thơ, tôi còn ngửi được hương thơm từ bình trà. Trong những buổi uống trà như thế, hai người thường nhắc lại những câu chuyện thời xưa, nói chuyện nhà chuyện cửa, việc học hành của con cái... Sau này, tôi đi học và đi làm xa, không có dịp gần những buổi uống trà của cha mẹ. Đến nay thì cha mẹ đã khuất núi, còn đâu nữa mùi trà xưa. Còn đâu...

Một đứa em lên rừng

sốt xanh da mặt

một chị đi lấy chồng

còn để lại hương tóc trong áo...

(thơ Nguyễn Xuân Thâm)

Giọng tôi kể nặng hoài cảm quá rồi, phải không bạn? Nói chuyện gì vui đi chứ, trà là niềm vui của nhân loại mà! Vậy thì đây... Trong đời tôi, và chắc bạn cũng thế thôi, có những buổi uống trà khá đặc biệt và lý thú. Bạn rót thêm trà vào chén đi, tôi kể bạn nghe.

Năm mười bốn, mười lăm tuổi, những ngày hè, tôi thường một mình đạp xe trên đường đồng, tới chỗ ngôi đình có bóng mát chơi. Ngôi đình, có những cây bàng cao, nhìn ra một ao sen nhỏ. Ở đó, tôi thường được uống trà với một gã mã phu. Gọi thế vì gã làm nghề đánh xe ngựa. Trên đường từ phố chợ trở về, gã thường dừng xe dưới gốc bàng nghỉ mệt và đem trà ra uống. Gã vốn nghiện trà, lúc nào cũng mang theo bình trà trên xe ngựa, ủ trong một cái bao bố để giữ nóng. Bình trà bằng sành, cái chén cũng bằng sành đã cũ, đọng một lớp vàng dưới đáy. Tôi thường được gã rót cho một hai chén. Trà của gã rất đậm, uống vào là cả người nôn nao. Nhìn lên ngọn cây bàng, thấy nắng lấp lánh, và ở ngoài quãng đồng xa những ảo ảnh nhảy múa với những bông mía trắng. Gã mã phu biết rất nhiều chuyện trong phố huyện. Chuyện từ công đường vào tới xó bếp, từ phòng the của các tiểu thư tới những ổ rơm của người nghèo. Chẳng hạn, nhà quan lớn nọ có cô con gái chửa hoang, bà hoàng kia bị con người hầu về báo oán làm cho nửa điên nửa khùng, ông phán họ Hoàng thường mò xuống bếp ngủ với con đầy tớ gái, gã thư sinh xanh xao nổi tiếng là học giỏi trong huyện thì lại chỉ mê xem con gái tắm truồng dưới trăng. Và còn nhiều chuyện khác nữa, có thể gom lại viết thành sách được. Chuyện người và chuyện ma, cái gì gã cũng biết. Gã cho biết chính gã đã có lần gặp quỷ mặt xanh tóc đỏ đón xe trên đường khuya xin trà uống. Con quỷ ngồi ngay bên cạnh gã, khiến gã sợ té đái, về nhà ốm nặng nằm mê sảng cả tuần lễ. Gã mã phu với tôi trở thành bạn thân, tuần nào cũng gặp nhau một vài bận. Gã thỉnh thoảng còn cho tôi một vài đồng tiêu chơi. Về sau, Việt Minh nổi lên, một đêm cho người đến bắt gã rồi đem bắn chết ngay tại ao sen trước đình này. Tôi được người làng kể là những đêm trăng mùa hạ đi qua ao sen, người ta nghe có tiếng vó ngựa và bánh xe lăn, và ngửi thấy mùi trà trong gió.

Trong những kỷ niệm về trà tôi còn nhớ được, có những buổi uống trà với Lê Uyên Phương ở quán Lục Huyền Cầm của anh trên Đà Lạt. Trà tường vi. Chẳng là nhà anh có trồng nhiều khóm tường vi nở rộ hoa, anh hái cho vào bình trà để mời bạn quý. Trà tường vi có hương thơm thoang thoảng, uống trong buổi sớm mai nắng lên làm tan sương gíá, cũng thú lắm chứ, bạn. Hồi ấy, khoảng 1972, chiến tranh tới hồi khốc liệt, nhưng thành phố Đà Lạt vẫn yên tĩnh, tin tức chiến sự chỉ được nghe trên đài phát thanh và đọc thấy trên trang báo. Lê Uyên Phương vừa phổ nhạc xong bài thơ Tôi Muốn Yêu Tôi Muốn Tin Cuộc Đời của tôi và trình diễn thành công ở Viện Đại Học Đà Lạt. Anh cũng bắt tay vào việc soạn nhạc cho những bài thơ về sử của tôi trong tập Sử Ca, Trôi Trên Dòng Bách Việt. Tất cả được đâu chín bài, tới đoạn An Dương Vương mất nước, cùng con gái là Mỵ Châu ruổi ngựa, dừng chân trên đèo Mộ Giạ, chung quanh bóng chiều đỏ quạch bắt đầu tan trên biển sóng xa. Hiện tôi chỉ còn giữ được khoảng năm bài nhạc của Phương. Phương đã cho hát thử và thấy hứng khởi. Chúng tôi vừa uống trà tường vi với nhau vừa bàn tới chuyện đưa Sử Ca lên sân khấu với một ban hợp xướng lớn và người đọc thơ dẫn chuyện. Hai mươi lăm năm trôi qua...Những chén trà tường vi của chúng tôi ngày ấy và những trang sử ca vẫn còn hương dư cho tới giờ.

Ngoài trà tường vi, hồi ở Đà Lạt, tôi còn được uống trà cúc với Tôn Thất Cương rồi Lê Văn Ngăn. Tôn Thất Cương dạy học và cũng mê trà. Anh thường đến nhà tôi, mang theo một gói hoa cúc đã phơi khô. Những đóa cúc màu vàng nhỏ xíu cho vào ly trà nở ra trông thật đẹp và tỏa hương nồng ngát. Vừa uống trà, Cương và tôi vừa bàn bạc rất hăng về dự định mở một trà quán có thơ có nhạc. Ôi, cái thời tóc còn xanh ấy chỉ toàn là dự tính đẹp đẽ nhưng cũng thật xa vời. Những buổi trà cúc với Lê Văn Ngăn cũng lý thú. Ngăn hồi đó làm thơ rất hay và mê Pasternak. Anh cũng là người có giọng đọc thơ gây xúc động. Tôi chưa được nghe ai đọc thơ hay như Lê Văn Ngăn. Trong căn phòng nhà tôi ở đường Nguyễn Trường Tộ nhìn ra Hồ Xuân Hương qua hàng thông, chúng tôi uống trà và Lê Vân Ngăn đọc thơ. Có đêm đi chơi khuya về, Ngăn hái đem vào phòng một nhánh dạ lý hương. Nửa đêm, hương thơm sực nức căn phòng, ngộp thở, tôi phải mở cửa liệng ra ngoài.

TRÀ UỐNG TRONG THÀNH ĐÁ XANH

Kể từ những buổi uống trà tường vi và trà cúc năm ấy, đã không còn những giây phút êm ả đầy chất nghệ thuật và trí tuệ nữa. Chiến tranh ngày càng khốc liệt và lịch sử lên cơn, cuốn theo số phận hàng triệu con người. Tháng tư 1975, cộng sản chiếm miền Nam. Trại tù dựng lên khắp nơi từ Nam ra Bắc, nhốt hàng mấy trăm ngàn người trong đó.

Nghệ Tĩnh 1979. Từ Bắc Thái, đoàn tù chúng tôi được xe molotova chở về đây. Ở đây, trong thành đá xanh thời trung gổ này, tôi gặp được nhiều người trong giới văn học nghệ thuật thời trước: Tô Thùy Yên – đã cùng tôi đi suốt chặng đường oan nghiệt từ Cẩm Nhân Yên Bái về Bắc Thái rồi về đây – Hà Thượng Nhân, Nguyễn Trung Dũng, Vũ Đức Nghiêm, Chu A Hạnh, Xuân Bích, Phạm Hoàng... Ở đây, chúng tôi có những buổi uống trà thật đặc biệt. Tôi gọi là những buổi uống trà trong thành đá xanh. Tại sao lại thế?

Này... hình như bây giờ tuyết xuống nhiều hơn. Nhìn qua cửa sổ, tuyết bay như những cánh bướm trắng. Để tôi đun thêm ấm nước nữa rồi đọc bạn nghe một đoạn trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Dũng Nhà Sư, Khách Viếng Chùa, Dưới Trăng Đọc Trà Oán, nói về lai lịch những buổi uống trà trong thành đá xanh:

“Quân đội Trung Quốc gây hấn, tạo áp lực suốt vùng biên giới, đe dọa các tỉnh Lai Châu, Lao Kay, Tuyên Quang, Sơn La và Yên Bái. Tù giam trong các lán trại thuộc các địa danh đó được phân tán và chuyển xuống các miền đất Trung Phần. Sau hai đợt “biên chế”, T6 Nghệ Tĩnh có trên ngàn tù nhân bị nhốt. T6, một trại giam của Pháp bỏ lại thuộc huyện Thanh Chương. Nằm sâu trong một vùng hẻo lánh, đất cát khô cằn sỏi đá, làng bản thưa thớt vắng vẻ, cư dân ít người. Xa gần, trải dài và rộng là những ngọn đồi trồng trà. Mé sau bức tường thành trại, dưới tầm mắt nhìn, núi đá dựng vách với màu xám xịt. Bằng cốt mìn, người ta cho núi nổ để lấy đá. Tiếng nổ long trời lở đất bay về tới trại. Mảnh miểng, và có khi đá cục bằng nắm tay, rớt lên mái tôn thiếc nghe loảng xoảng. Tù, bằng xe cải tiến, ba người một chở đá về trại. Đá để xây cả một hồ nước rộng dùng làm nơi tắm táp của tù, xây bể chứa, xây giếng, xây tường, vách nhà và sạp nằm cho người bị giam nhốt. Đấy, “bữa trà trong động đá xanh” sở dĩ có là như vậy. Còn ở tù, lấy đâu ra trà mà uống phong lưu như thế. Chẳng qua là, trong số họ, có người làm trong đội trà, được cử đi hái, thì sau khi đem nộp, họ lén lấy cắp trà bỏ túi mang về. Lấy cắp trà, lọt thì không nói, nếu không lọt mà bị phát hiện, nhẹ thì kiểm điểm, nặng bị cùm giam. Ở nhà bếp, việc ca cóng linh tinh, nấu nướng “cải thiện” tự ý, tuyệt đối bị cấm ngặt. Vậy mà, họ vẫn sao được trà để cất giấu uống lâu ngày. Sao sấy lén lút như thế, nếu có kẻ xấu đi báo cáo, tất không khói bị trừng phạt”. Ở đây, tôi cần nói thêm là người lấy trà là Chu A Hạnh (nay không còn nữa) và người sao trà là Dũng Nhà Bếp. Khách uống trà gồm đủ mặt văn nhân nghệ sĩ trong trại, cộng thêm những trang kiệt hiệt, chữ nghĩa Tây Tàu Anh Đức cùng mình, thỉnh thoảng có thêm mấy tay đàn guitare classique. Những buổi uống trà như thế thường có khoai sắn bưởi bòng do anh em chôm chỉa hoặc đổi chác với dân địa phương mang về. Giờ trà là từ lúc nắng sắp tắt cho đến kẻng “vào chuồng” nhá nhem tối. Uống trà như thế có khi vui và hứng khởi, nhưng thường đầy u uất, thống khổ bởi cảnh ngộ nước mất nhà tan, tấm thân đày đọa. Đây, bạn nghe một đoạn trong bài Trà Oán mà tác giả truyện Nhà Sư... đã dùng để dẫn truyện:

Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm

Hãy nhớ nhé cánh trà oan khổ

Bạn bè hái từ trên núi xanh

Cất giấu qua bao tầng địa ngục

Nhớ mồ hôi và giọt máu tươm

Từng cháy hồng hồng trên ngọn lửa

Nhớ chiều qua trên những cánh nương

Chiều treo chon von bờ dốc đá

Hú tiều gọi nhau ngoài đầu non

Ai hay chúng mình thành vượn khỉ

Nhớ từng chiều thiếu trà đói cơm

Bạn bè mang cho ta khoai sắn

Mùa này có thêm nhãn và bòng

Đem bày hết một manh chiếu rách

Ăn đi. uống đi. thở mùi hương

Cúi đầu cảm tạ ơn trời đất

Bây giờ mới hiểu lẽ diệt sinh

Tiếng trẻ oe oe trong rạ ướt

Bây giờ mới thấy được buồn vui

Như lửa cháy truyền trên củi bếp...

TRÀ BỤI VÀ TRÀ VỈA HE, GỐC CÂY

Sau khi ở tù ra, lạc loài trong xã hội bát nháo – một xã hội không phải của người – tôi được biết thêm nhiều loại quán trà và kiểu cách uống trà nữa. Phải nói là dân miền Bắc nghiện trà hạng nhất. Ở đâu cũng có quán trà. “Chè chén” là khẩu ngữ chỉ hình thức uống trà xã hội chủ nghĩa. Khắp Hà Nội 36 phố phường, ta gặp biết bao là quán trà, điểm bán trà. Trà là phải có thuốc lào, điếu cày. Những người uống trà, đàn ông, sau khi uống một chén là phải bắn một bi, mới gọi là thật phê, thật đã. Những ngôi nhà cổ, rêu mốc ẩm ở Hà Nội thường có một cửa sổ tò vò nhìn ra đường. Bên trong là chỗ bán trà. Khách đến uống trà gác xe ở vỉa hè rồi đến trước cửa kêu chén trà uống. Uống đứng hoặc uống ngồi, tùy. Trà nóng và đậm. Uống vào chát đắng đầu lưỡi nhưng dần dần thấm vị ngọt. Nó là cuộc đời với bao nỗi buồn vui đắng cay ly hợp nhọc nhằn trong một chế độ đưa dân tới nỗi khổ cùng cực. Không có chén trà và điếu thuốc lào ngất ngây con tì con vị thì cuộc sống chẳng còn lại gì và khó mà lê chân bước tới. Cho nên trà bụi, trà vỉa hè nhiều vô số kể ở Hà Nội và khắp miền bắc xã hội chủ nghĩa thời ấy. Một bình trà ủ nóng, dăm cái chén vàng ố, một cái điếu bát hoặc điếu cày, dăm cái kẹo lạc, vài chiếc ghế hư mục. Chỉ có thế, và nó là hình ảnh đặc trưng của chế độ. Ngồi quanh là những khuôn mặt có nhiều nét gãy, xương xẩu, vàng ố, râu ria, phờ phạc. Rồi thì giọng nói khê đặc hoặc sắc bén với ngôn ngữ phường phố và những câu chuyện từ cơ quan tới vỉa hè, chuyện mất mùa hạn hán bão rớt, chuyện đồng tiền cân thóc... Họa sĩ và nhà văn sẽ tìm thấy ở những quán trà này vô số chất liệu cho tác phẩm. Có thể nói khắp thế giới không đâu có những hình ảnh gồ ghề, sắc nét như thế, những mảng ánh sáng và bóng tối vô cùng đậm nét.

Nơi tập trung đông đảo và náo nhiệt nhất những quán trà, hiên trà là nhà ga, bến xe. Ở đó, người ta rất cần những chất uống nóng, đậm cho đêm dài và đường dài. Ở miền quê, về hình thức, thì vẫn là những quán tranh, vách đất bằng bùn rơm hoặc liếp tre xộc xệch, trên những ngã ba đường hoặc bến sông. Trà, thuốc lào, lạc luộc là nội dung. Lại còn trà trên xe lửa. Đây cũng là một dạng sinh hoạt đặc biệt nữa mà chỉ có những tay đi buôn hàng chuyến mới rành thôi. Này nhé, một gã con trai áo quần nhếch nhác, mặt mày vênh váo, đầy góc cạnh, kiểu chân dung Modigliani, tay xách bình trà có vỏ trấu ủ nóng, vai mang một cái túi thò ra ngoài chiếc điếu cày như cây súng. Khách đi tàu đường dài rất cần anh bán trà này. Nửa đêm, trong tiếng bánh xe lăn nghiến rít trên đường ray, một tách trà nóng, một đốm lửa ảo hóa lóe trong toa quay đảo, lắc lư. Nào các bạn ta, Cường và Rừng và ai nữa, Nguyễn Trọng Khôi nhé, hãy làm phác thảo đi và rồi sẽ có đó những lưu dấu của thời đại. Mai đây, khi gió đã trở mùa, cuộc đời thay da đổi thịt, trật tự cuộc sống được thiết lập trở lại, những vang và bóng đó sẽ không còn nữa.

TRÀ QUỶ

Bạn có tin là có quỷ không? Có đấy bạn, nhiều lắm, ở quanh đời chứ đâu, nhất là sau 1975. Ngày xưa, đời nhà Đường, Lý Hạ làm thơ quỷ, và thơ ông gọi là Quỷ Thi. Bồ Tùng Linh chỉ viết chuyện quỷ đấy thôi. Và Vương Ngư Dương, khi đọc Liêu Trai rồi, tỏ ý chán ngấy chuyện nhân gian và chỉ thích nghe từ nấm mộ tối, tiếng “quỷ xướng thi”. Anh bạn Nguyễn Trung Dũng của tôi cũng là người thích viết chuyện quỷ. Ví dụ, Quỷ Và Phật, Quỷ Và Người...

Vậy, đã có Quỷ Thi, Thơ Quỷ, ắt phải có Trà Quỷ. Này, bạn nghe đây, chuyện thật đấy nhé, do chính Tâm Hư kể và anh cam đoan chuyện có thật. Chắc bạn không biết Tâm Hư đâu. Anh này là một nhà văn cũng quỷ như Lý Hạ vậy. Chúng tôi gặp nhau trong trại tù, trại Cẩm Nhân. Một tối, nhìn trăng lên trên đầu núi, anh kể tôi nghe truyện Trà Quỷ. Nó như thế này: Vùng sơn thôn nọ, có một con suối chảy ngang qua, gọi là hổ khê. Nước suối trong vắt, nhìn thấy cát và sỏi trắng trong lòng khe. Thôn dân uống nước ở khe này. Đầu nguồn khe có một cây trà. Nó có ở đấy từ xưa lắm, cũng đến một trăm năm rồi. Cây thấp, cành lá sum suê, bông nở trắng ngần, hương thơm bay khắp khu rừng. Những người nghiện trà thường lên đây hái lá trà xanh, quẩy nước khe đem về nấu uống. Những búp non của trà đượm khí âm dương, nhuần sương nắng, nấu bằng những hạt nước trong chảy từ khe núi ra, làm cho trí sáng, tâm tinh khiết như mưa trên lá sen.

Thế nhưng, bỗng một đêm xảy ra nguyệt thực làm cho cái tâm ấy động. Gã nọ bỏ làng ra đi, kết bè tụ đảng với đám người ác ở xứ xa về. Từ đó, thôn dân thấy đêm đêm ánh lửa lập lòe trên cánh đồng hạ. Và tai ương xảy ra mà người thường không thể nào hiểu được. Một sáng có đứa mục đồng từ trên núi chạy về cho biết: cây trà đầu nguồn nở bông đỏ như máu bầm. Bông rụng xuống nước, đỏ loang và bốc mùi tanh nồng khiến thôn dân vô cùng sợ hãi. Người trong sơn thôn hễ ai hái trà và uống nước hổ khê thì tâm sinh loạn, đang hiền từ thuần phác cũng trở thành hung dữ. Có người mẹ, trong cơn điên, nghe tiếng con khóc, đã ném đứa bé còn đỏ hón ấy xuống giếng sâu. Rồi cha cưỡng bức con gái, em cầm dao rượt đuổi anh... Máu đã đổ vì lòng người như lửa cháy. Chỉ có những ai có được nắm tim sen hồ Tịnh Thiền sao uống với mật ong rừng thì nhất thời mới hạ hỏa. Kỳ dư đều như lạc hồn lạc phách, điên điên dại dại. Tâm Hư cho biết chính anh ngày ấy có việc qua thôn đã trông thấy một vài người như thế. Như quỷ dữ hiện về, da sần sùi, nứt nẻ. Ghê nhất là đôi mắt, đục và đỏ như mắt chó điên. Tiếp theo là một trận sốt đậu mùa. Thôn dân hãi hùng, đêm đêm gõ mõ, đập phèng la xua đuổi âm binh. Trận dịch cắt đứt nhiều mạng sống, và để lại dấu vết khiếp đảm trên mặt những người sống sót.

Hoảng hốt trước tai ương, vị thôn trưởng tập họp thôn dân lại tìm cách diệt trừ tà ma ác quỷ. Có người đề nghị đốn cây trà có bông đỏ đi là xong. Nhưng một vị cao tuổi nhất và cũng hiền từ thông tuệ nhất, râu trắng tóc trắng, da như vỏ cây trám cây trăn, đứng lên xua tay từ tốn nói: “Không được. Tôi đọc kinh sách từ Tây phương mang về, thấy ở một vài xứ khác cũng xảy ra chuyện tương tự. Cây trà đó, trà quỷ, rễ đã ăn sâu vào đất đá, suối khe, đốn đi thì từ rễ sẽ đâm ra những cây khác, có khi còn mạnh mẽ, độc hại hơn. Chỉ có cho quả núi nổ tung đi mới diệt được, nhưng ai làm nổi và làm như thế thì cả khu thôn cư này sẽ bị chôn vùi, mất dấu tích. Kinh sách có nói chỉ có thể giải trừ được oan khiên này bằng cách lấy máu nhỏ ra từ trái tim của một người có tâm thanh tịnh trong sáng nhất, đem dội tưới vào gốc trà để nó thấm nhuần và thanh lọc cái ác đi. Nhưng tìm đâu ra một con người như thế sau khi nước suối khe, ao giếng đã đẫm chất độc từ những bông trà đỏ”.

Đầu thôn, có một hiền sĩ nhờ uống nước mưa và sương trời nhỏ xuống từ những tàu lá chuối mà tâm không động, sạch làu, an nhiên tự tại suốt thời gian xảy ra họa lớn. Anh suốt đời chỉ biết đọc sách, làm thơ, bạn với cây đàn. Cũng chưa từng gần nữ sắc, cho nên đã thành niên rồi mà vẫn thơ trinh. Khi biết tin cả một vùng sơn thôn đang sống trong ác mộng và cần một người đứng ra trừ họa cho dân thì anh tìm đến thôn trưởng và vị lão trượng. Người hiền sĩ nói: “Nếu thôn trưởng và lão trượng đây tin ở cái tâm sạch làu không nhiễm của tôi thì tôi xin dâng hiến thân mình cho trăm họ yên vui”. Cả thôn mừng dậy, chọn ngày trăng non đầu tháng cử hành lễ trọng. Đến ngày, chàng hiền sĩ thắp nhang, đốt trầm hướng về mộ cha mẹ cúi lạy, rồi rũ áo bước ra khỏi lều tranh. Đêm ấy, dưới ánh trăng thượng tuần như pha lê, thôn dân đốt đuốc tở mở, đứng thành một vòng tròn quanh gốc trà. Chàng hiền sĩ rẽ đám đông tiến lên, trên tay cầm một lưỡi dao sắc loáng như lá mạ. Đoạn nhìn lên trời, miệng đọc một lời thơ cổ, rồi nhẹ nhàng đâm lưỡi dao vào ngực. Máu từ từ loang đỏ áo, nhỏ xuống gốc trà. Thôn dân toàn bộ thảy đều im lặng, ngưng thở. Một cánh chim rừng sắc trắng vút qua rồi bay vào ánh trăng. Bỗng có tiếng khóc nấc lên từ miệng một cô gái trẻ yểu điệu và hiền thục nổi tiếng trong thôn. Rồi nhiều tiếng khóc vang dậy cả một khoảng núi. Giữa lúc một mùi hương tinh khiết, nhẹ nhàng tỏa ra từ cây trà, người hiền sĩ gục xuống. Những năm tháng sau này, bên bếp lửa đêm đêm, thôn dân vẫn còn kể lại chuyện cây trà quỷ. Có người nói cây trà đã bị sét đánh cháy rực, chỉ còn lại gốc. Một hôm, có người thư sinh đến đánh bật gốc lên, đem về gọt đẽo thành cây thổ cầm phát ra những âm thanh huyền hoặc.

Chuyện chỉ có thế. Tin hay không, tùy bạn. Nhưng hãy uống cạn chén trà đi, cam đoan không phải trà quỷ.

CHÉN TRÀ ĐỊA NGỤC MÔN

Bạn nhớ không, những năm sau 1975, các quán trà của Hà Nội Xã Hội Chủ Nghĩa đã tìm tới Sài Gòn. Người đầu tiên nảy ra sáng kiến mở một quán trà theo mô thức miền Bắc là Tô Kiều Ngân. Chỉ sau 30 tháng Tư một vài ngày là anh đã căng bạt trước trụ sở tạm của Hội Văn Nghệ Giải Phóng ở đường Trương Minh Giảng, bày bàn ghế ly tách ra. Cũng có trà và thuốc lào. Văn nghệ sĩ miền Nam, mặt mày còn ngơ ngác thất sắc, tụ lại đây với khẩu khí đã tự uốn nắn cho hợp thời thế. Tôi cũng lò dò tới xem chơi cho biết. Thấy có Trịnh Công Sơn, Kim Tuấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Thị Vinh, Động Đình Hồ (Nguyễn Hữu Nhật), Trần Hoài, Nguyễn Thu Minh và nhiều người nữa, không nhớ hết. Rồi T. L. xuất hiện với dép da, quần kaki vàng, áo nâu, tay xách cặp. Lại có cả những văn nghệ sĩ mang băng đỏ, súng cặp bên hông, vào ra nhộn nhịp. Tất cả như đèn kéo quân, cùng nhau “đi phó hội u minh”. Mới đó mà đã ngoài mấy chục năm. Bây giờ chúng ta nhiều người đã tỉnh, ngoảnh nhìn lại những trò mây chó không khỏi giật mình.

Bạn ơi, ta uống thêm vài chén trà nữa để cái ác trong lòng, nếu có và còn sót lại, thì tiết hết ra ngoài lỗ chân lông, như Lỗ Đồng đã nói. Sài Gòn của tôi và bạn ở những ngày ấy sao biến dạng đến thế, như một tấm gương bám bụi, rạn vỡ. Cái hình ảnh tang thương nhất đập vào mắt người phường phố Sài Gòn là nhà ga xe lửa ở trung tâm thành phố – nơi các đại lộ Lê Lai, Lê Lợi, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo đổ tới – nhà ga này kể từ những năm đầu thập niên 1980 chỉ còn là cái xác. Đã vắng những đoàn tàu. Đã thiếu không khí mùi than đượm và những tia lửa, những tiếng còi. Để chỉ là mùi mồ hôi và nước đái. Đã không còn nữa những cuộc chia ly, đưa đón. Bạn đã từng là nhân vật chính của sân ga này chứ? Người yêu của tôi, và là vợ tôi sau này, đã tiễn tôi lên tàu về Huế vào một chiều đầu hè, hình như có nắng đẹp (nếu không có đi nữa thì ta cứ tưởng tượng ra thôi, có chết ai đâu nhỉ?). Và tôi cũng đã một lần đưa Sương Trúc về lại Quy Nhơn trên sân ga này. Còn nhớ lúc chia tay, cô bé trao tôi cuốn Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết, bảo rằng để anh đọc và nhớ, rồi tàu lăn bánh. Ở thời điểm những năm đầu 1980, nhà ga đã đổi hồn. Hồn xưa đã chết. Bây giờ nó mượn hồn khác. Hồn du đãng, bụi đời, hồn lang thang không lửa ấm. Hồn xã hội chủ nghĩa ưu việt. Thềm ga, chỗ những người tiễn đưa nhau vẫn đứng ngày xưa ấy, bây giờ là nơi tụ họp của những người tứ xứ. Gốc Sài Gòn có. Từ cao nguyên xuống có. Từ miền Trung vào, và đặc thù nhất là những lưu dân từ Hà Nội trôi giạt tới đây. Vài gia đình bỏ vùng kinh tế mới về lấy vỉa hè làm nơi cư ngụ. Họ làm đủ nghề, từ buôn bán trôi nổi, xích lô, xe thồ, chích choác xì ke ma túy, ma cô, mãi dâm, đấm bóp, giác hơi... Một vài kẻ sĩ của thời ngụy sử thỉnh thoảng cũng ghé qua, ý chừng để tìm hương cay vị đắng, chất liệu cho một tác phẩm lớn đang tượng hình. Đặc biệt, có một cô bán trà từ miền Bắc vào. Vẫn là cái ấm nước trên lò than nhỏ, bình trà và chiếc điếu cày. Nó là trà chui, trà chạy, nên phải thật gọn, nhẹ. Chính bạn tôi, Nguyễn Minh Diễm, dắt tôi đến chỗ này vào lúc ngày tàn đêm tới. Diễm nói: “Không khí ở đây lạ lắm, nửa đực nửa cái, nửa âm nửa dương”. Phải rồi. Tôi chợt nhớ đến một đoạn phim video chiếu cảnh đường phố Catinat về khuya với một ca khúc của Trần Văn Trạch nói tới một mối tình nào đó. A, trận bão đã thổi ngược, lật lên bề trái của một tấm bích chương. Anh Trạch ơi, làm gì còn những mối tình như xưa nữa. Chỉ còn những ngọn đèn hột vịt ủ ê soi một vỉa hè tróc lở với những mặt người méo mó. Tôi tới đây đôi lần với Diễm, có khi với Nguyễn Trung Dũng từ Bảy Hiền đạp xe lên hẹn gặp. Nhưng thường tôi đi một mình. Và, trong một khổ thơ, tôi gọi nơi sân ga ngày xưa này là cửa vào cõi âm, và chén trà đắng lịm người uống vào những đêm không giờ tại đây là Chén Trà Địa Ngục Môn. Đây, tôi đọc bạn nghe:

Thầy trò sư sang thu kinh

Quán hẻo. chùa không

Nửa đêm gió quỷ thổi cây trăng rụng lá

Vàng lối khuya

Nhìn lên

Chữ đề

Địa Ngục Môn

Cổng tam quan lừng hương trà mộc

Dưới hiên lửa đỏ

Xúm xít qua đêm. những hồn không nhà

Chăn. chiếu. bát. nồi. và trẻ nhỏ

Những mảnh đời húp cháo khuya

Tôi dừng lại. gác xe lên hè phố

Cô hàng ơi. cho một chén trà

Trong chất đắng có chút gì lãng đãng

Mật của hoa và hạt lệ đỏ pha

Cười nhé

Đời thổi bạt ta ra hè phố

Mỗi gốc cây là một mái nhà

Soi đáy chén ửng màu nâu sậm

Ánh trăng tan. giọt máu đời ta

Thuốc lào kéo. thấy sông trôi đầy gỗ

Cơn say. ô. một ngụm khói phà

Mắt mở nhắm. hình người lố nhố

Tiếng cười âm trong tiếng tiền rơi

Bụng đói. hiên khuya. trẻ khóc

Ôi chén trà, om bát mê hồng

Thầy trò sư rời địa ngục môn.

TRÀ TRÊN ĐỈNH PHÙ VÂN

Bạn ơi, tuyết vẫn còn rơi trên thành Oklahoma. Chúng ta đã cạn bao nhiêu bình trà rồi, bạn? Và câu chuyện “trà dư” này đã lan man từ những trang cổ thư, tới những bến đò với những quán trà đầy gió, rồi những trà quán dọc đường bụi đỏ, trà uống trong thành đá xanh với hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma, trà vỉa hè góc phố, trà quỷ, trà địa ngục môn...

Và bạn đã chán chuyện mặt đất này rồi – sao nhiều đắng cay và nhọc nhằn quá, phải không? Nhớ một lần Vũ Khắc Khoan mơ “cưỡi con trâu xanh, đi về miền nắng quái”. Nhưng ta về đó làm gì – ngọn ác phong vẫn thổi, liệu hết nhọc nhằn không? Thôi thì ta lên đỉnh Phù Vân vậy, để uống chén trà với vị sư già, xưa mấy đời là tôn thất Trần triều, nay làm cây cổ tùng Trúc Lâm Thiền Tự.

Phù Vân. Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử*** Mây bay qua... Mây bay qua... Có phải đó là tiếng hát phát ra từ gốc Mạn Đà La Hoa. Nó lan tỏa rồi vút cao, dội vào vách đá, lướt trên rừng tùng cao ngất, xanh màu xanh trăm năm. Mây bay qua...Mây bay qua...

Mây của ngàn thu trước hay mây của kiếp sau... Uống chén trà đi, ngồi lên tảng đá này. Nếu muốn, có thể gối đầu lên đá như hồi nào ở Côn Sơn. Mưa tuôn đá sạch, bận tâm nỗi gì, bạn ơi. Ngồi ở đây, nhìn mây bay, để thấy dưới kia ngổn ngang mồ ngang mả dọc, những mặt người thiên cổ diễu qua. Ngồi ở đây, uống chén trà thoang thoảng mùi hương sen hồ Tịnh Ngữ, bạn sẽ nghiệm ra rằng những học thuyết từng được rao giảng suốt thế kỷ qua rốt cuộc chỉ làm cho nhân thế quay cuồng nhiễu loạn. Thực không bằng tiếng gió trên rừng tùng, lời chim đầu núi, hay thoáng hương trà của buổi sáng nay.

Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử...***

Thì ra chỉ là giấc mơ. Phù Vân... ôi, mây vẫn còn bay?

Không, chỉ có tuyết rơi trên thành Oklahoma thôi. Lòng hãy tịnh và vui đi. Ngày xưa, chỉ được nhìn tuyết rơi trong thơ Đường và trên những trang thơ của Boris Pasternak. Tuyết rơi trong phim Guerre et Paix. Tuyết rơi trong Docteur Zhivago. Bây giờ thì tuyết rơi trong thơ tôi. Cũng là được thôi, phải không bạn?

Khởi viết năm 1999, gần đây nhuận sắc lại.

------------------------------

Phần mở đầu bài này (Trà Trên Nhũng Trang Cổ Thư, và một đoạn ngắn tiếp đó), những đoạn có đánh dấu *, được viết dựa theo bài ký Hà Thời Kết Ốc Văn Phong Hạ của Nguyễn Mạnh đăng trên Thế Kỷ 21 Xuân Mậu Dần 1998, và những đoạn có dấu ** là lấy tài liệu ở một chương trong cuốn Trà Đạo của Okakura Kakuzo, bản dịch của Trương Bảo Sơn, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1967 *** Lời ca khúc nổi tiếng trong nước: Trên Đỉnh Phù Vân, nghe qua tiếng hát Mỹ Linh, thấy mình ở chóp đỉnh Trúc Lâm Thiền Tự.