Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (kỳ 22)

Lã Nguyên

XEM TRANH “XÁC PHÀM” CỦA DOÃN HOÀNG LÂM

Với tôi, bộ tranh “XÁC PHÀM” của Doãn Hoàng Lâm[1] có sức ám ảnh kì lạ. Tôi muốn thử cắt nghĩa sự ám ảnh ấy có nguồn cội từ đâu. Tuy nhiên, trước khi phân tích, có hai điều xin thưa trước. Thứ nhất, đây là lần đầu tôi làm quen với tranh của Doãn Hoàng Lâm, chưa có ý niệm rõ rệt về ngôn ngữ hội hoạ của anh. Thứ hai, tôi là dân ngoại đạo, ý kiến của tôi khó tránh khỏi sự chủ quan.

clip_image002

1. Những bức tranh của Doãn Hoàng Lâm muốn nói gì với chúng ta? Rất khó xác định! Thế giới nghệ thuật hiện lên ở những bức tranh của anh là thế giới của những biểu tượng. Từ những năm 1980 đổ về trước, các hoạ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng vẽ tranh biểu tượng. Nhưng biểu tượng trong hội hoạ thời ấy với biểu tượng ở hội hoạ thời nay, nhất là biểu tượng trong tranh Doãn Hoàng Lâm khác nhau như nước với lửa. Trước kia, hoạ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa vẽ tranh biểu tượng theo nguyên tắc phân vai tượng đài. Bức tranh nào của họ cũng uy nghi, gây ấn tượng về sự bất huỷ, bất hoại của tượng đồng, bia đá. Thế giới trong tranh, hoặc là bổ đôi, hoặc được chia ba. Bổ đôi là thế giới đối đầu giữa “ta” và “địch”: “ta” là thiên thần, “địch” là quỷ dữ. Chia ba là thế giới của “đại gia đình chúng ta”: trênCha anh minh, giữa - Mẹ Tổ quốc, dướiChúng con anh hùng. Thời ấy, tranh vẽ bao nhiêu nhân vật, thì cũng chỉ có bấy nhiêu vai; vai nào cũng chỉ giữ lại hình thức bề ngoài của phái (nam – nữ), mà xoá bỏ bản chất giới (đàn ông – đàn bà) để “31 triệu nhân dân. Tất cả hành quân. Tất cả thành chiến sĩ” (Tố Hữu. – Chào xuân 67). Cho nên biểu tượng trong tranh dẫu lung linh thế nào, thì cũng chỉ là biểu tượng đơn nghĩa, tranh nghệ thuật chẳng khác gì tranh cổ động, ai xem cũng hiểu. Người xem không nhận ra tính biểu tượng của hội hoạ hiện thực xã hội chủ nghĩa chẳng qua vì nó sử dụng triệt để bút pháp “mô phỏng”, “bắt chước” (“mimésis”) với tham vọng trở thành sự thực.

Từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước, hội hoạ hiện đại Việt Nam thoát dần khỏi nguyên tắc “mô phỏng tự nhiên” và căn bệnh “nệ thực”. Nhìn vào tranh của Doãn Hoàng Lâm ta thấy ngay, hiện thực trong tranh chẳng có gì giống với hiện thực ngoài đời. Đó chỉ là hiện thực của ý niệm, của tư tưởng, hiện thực được khắc hoạ ở phần ý nghĩa của nó. Cho nên, biểu tượng nào trong tranh Doãn Hoàng Lâm cũng là biểu tượng đa nghĩa, quan hệ giữa ý nghĩa và hình tượng trở thành quan hệ tự do, mơ hồ, rất khó nắm bắt. Hiểu như vậy, tôi nghĩ, hai chữ “XÁC PHÀM” mà tác giả sử dụng làm tiêu đề chung cho 17 bức tranh ở cuộc triển lãm này là bộ y phục quá chật so với cái bể nghĩa đang nhao nhao đòi lên tiếng trên từng nét vẽ của anh.

clip_image004

2. Tôi bị mê hoặc bởi hình tượng thế giới và góc nhìn đời sống thể hiện qua cấu tứ của tranh Doãn Hoàng Lâm. Tôi nghĩ, tuy không bất lực trong việc biểu hiện thời gian, nhưng hội hoạ trước hết là nghệ thuật không gian. Không gian nghệ thuật ở tranh Doãn Hoàng Lâm được giới hạn trong phạm vi của những khung cảnh sinh hoạt với nhiều mô típ hành động có thể chuyển thành truyện kể. Ở đây, hoàn toàn không có chi tiết nào gợi ra ý niệm về không gian con đường, quảng trường, hay không gian nội thất mà ta vẫn thường gặp ở những tác phẩm hội hoạ vẽ cảnh sinh hoạt. Với Doãn Hoàng Lâm, ngay cả cảnh “mây mưa” hình như cũng không phải là sinh hoạt “phòng the”. Mọi chi tiết được vẽ trong sáng tác của anh đều khắc hoạ một hình tượng không gian vũ trụ.

clip_image006

Xem tranh cổ điển, tôi thấy, là một cấu trúc biểu nghĩa, vũ trụ thường được kiến tạo theo trục các đường chéo hình chữ nhật. Nhờ thế, trong trí tưởng tượng của người xem, hình tượng không gian tựa như được dâng cao, trải dài vô tận, vượt ra bên ngoài giới hạn của khung tranh. Trong các bức tranh của Doãn Hoàng Lâm, hình tượng vũ trụ được kiến tạo theo trục của các cạnh dài và cạnh ngắn hình chữ nhật làm thành các cạnh của khung tranh. Ở đây, khung tranh hoá thành khung vũ trụ, trùng khuýp với vũ trụ. Vũ trụ ấy mở ra ở hai chiều cao - thấp, xoá bỏ ấn tượng về khoảng cách gần – xa. Đó là vũ trụ của giá trị luận, chứ không phải vũ trụ của phản ánh luận. Đặt những cái “xác phàm” và con người vào không gian này, Doãn Hoàng Lâm thể hiện một cái nhìn đầy hài hước về sự đảo lộn các giá trị đời sống. Sự đảo lộn các giá trị thể hiện ở tương quan vị thế giữa “NGƯỜI” và “XÁC”. Trong một số bức tranh của Doãn Hoàng Lâm, người bị lột trần, hoặc để lộ hoàn toàn phần “xác” ra bên ngoài giống như những con vật; “xác” bành trướng, lấp đầy không gian của cảnh tranh. Doãn Hoàng Lâm gọi đó là những cái “XÁC PHÀM”. Ở nhiều bức khác, “Xác” ở bên trên. Nó được phóng đại, cá thể hoá, được đồng nhất với một thứ quái thú, lúc giống như giun, như rắn, như rồng, lúc tựa như sâu bọ lông lá gớm ghiếc, nằm vắt ngang theo chiều dài hình chữ nhật khung tranh, che lấp vũ trụ ở bên trên. Ta hiểu vì sao, tranh của Doãn Hoàng Lâm không thiếu màu sắc, nhưng rất ít ánh sáng, một số cảnh tranh chìm hẳn trong bóng tối. Người ở bên dưới, không được cá thể hoá và bị thu nhỏ kích thước. Do bị che lấp vũ trụ bên trên, con người chen chúc trong một thứ không gian tựa như “hoả ngục”. Nó bất thành nhân dạng, chỗ túm năm tụm ba, nơi kết thành “đoàn”, thành “đám”, hệt một lũ ếch nhái, hoặc đầu trâu mặt ngựa. Các mô tip hành động trong tranh Doãn Hoàng Lâm cho phép ta hình dung những câu chuyện diễn ra giữa “XÁC” và “NGƯỜI”. Ở một bức tranh, Doãn Hoàng Lâm vẽ hàng chục cái miệng há hốc ra cười, răng nhọn hoắt, trắng xoá và cái xác tả tơi. Giữa cái xác này thấy nứt ra một cái miệng cười. Hoạ sĩ đó là những nụ “CƯỜI KÍ SINH”. Tôi hiểu, “cười kí sinh” là câu chuyện về sự nực cười của cái “xác”. Nó là cái “xác bị cười” và cũng là cái “xác biết cười”. Ở một số bức khác, lại có câu chuyện về người “kéo xác”, “lôi xác”, “đánh đu với xác”, “giành giật nhau cái “XÁC”. Nhìn vào động tác “đánh đu”, “lôi”, “kéo”, “giành giật”, ta thấy một đám người, ai cũng “gắng gỏi”, đầy “ham hố”. Nhưng thú nhất có lẽ vẫn là cảnh “RƯỚC XÁC” giống như những đám rước dân gian.

Bàn về hội hoạ không thể bỏ qua bình diện màu sắc. Một cô bạn vong niên (mới làm quen trong cuộc triễn lãm tranh Doãn Hoàng Lâm) bảo tôi thế. Vâng, tôi rất thích cách tạo hình tương phản (contraste) của tranh Doãn Hoàng Lâm, đặc biệt là sự phối màu dứt khoát không cần bước chuyển tiếp “đen - đỏ - trắng”, gây ấn tượng về sự nhố nhăng; “đen – trắng” kiểu hình ảnh âm bản của phim chụp, khiến cả xương cốt bên trong, lẫn da thịt bên ngoài của một sinh thể chỉ còn là những mảng khác nhau của cái “xác”; “đỏ - đen”, gây hiệu ứng “đốm lửa trong đêm”, tô đậm không gian tăm tối của một thứ “hoả ngục”, của vũ trụ bị cái “xác” thống trị, trùm kín.

“Xác cười”, “cười xác”, “giữ xác”, “giành xác”, “đánh đu với xác”, “rước xác”; “sự bành trướng của cái xác”, “xác thống trị đời sống của con người” là những mô típ truyện kể làm thành hình tượng vũ trụ trong tranh Doãn Hoàng Lâm. Nó là hình tượng về một thế giới bi hài. Nói bi hài, vì cái hài ở đây không đơn giản là cái xấu, cái ngu ngốc nực cười, mà còn là cái tàn nhẫn. Nó là cái hài khi lặn vào trong thành tiếng cười nghẹn thắt, xót xa; khi trào ra ngoài thành tiếng cười rơi nước mắt. Phải có cái nhìn bao dung của một tấm lòng nhân hậu, nghệ sĩ mới có thể tạo ra một hình tượng thế giới như vậy.

clip_image008

3. Ra khỏi phòng tranh của Doãn Hoàng Lâm, từ hình tượng về một thế giới bi hài trong sáng tác của anh, tôi không thể không liên tưởng tới loạt tác phẩm triết học bàn về “sự ngu” và “cái ngu” của “tấn hài đời” của các triết gia thời Phục Hưng: Sebastian Brant (1427 – 1521), Érasme de Rotterdam (1469 – 1536), Michel Euquem de Montaigne (1533 – 1592), Francis Bacon (1561 – 1626). Tôi nhớ tới kịch Hamlet của Shakespeare với hình ảnh của những Claudius tráo trở, Osric tầm thường, giả dối, những Polonius, Laertes suốt đời chạy theo “tấm áo thụng cuộc đời”, ở phía này, và bên kia, hình ảnh Hamlet mân mê trên tay những chiếc sọ dừa ngoài nghĩa địa để triết lí về sự hư vô của cuộc đời. Tôi nghĩ tới vở kịch Thây sống của L. Tolstoi, tới ông lão trong sáng tác của Hemingway hì hục suốt mấy ngày đêm giữa biển cả để chỉ kéo về bộ xương con cá kiếm. Tôi nghĩ tới không gian tâm linh bị không gian sinh hoạt thường nhật xoá bỏ, tới lớp lớp xác phù du trên các bãi sông, tới lăng mộ các triều đại đã qua trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.

Ý tôi muốn nói, chùm tranh “XÁC PHÀM” của Doãn Hoàng Lâm vừa rất thời sự, vừa thể hiện một tư tưởng lớn có cội rễ sâu xa từ truyền thống triết học nhân bản của nhân loại.

Đồng Bát, 13/12/2014.


[1] Bộ tranh 15 bức của Doãn Hoàng Lâm, chất liệu sơn dầu, acrylic, giấy dó trên vải, được trưng bày tại Triển lãm có tiêu đề “Xác phàm”, trong không gian Heritage Space, 28 Trần Bình, Hà Nội, từ 6/12 đến 31/12/2014.