Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Paul Theroux viết về Việt Nam

Lời người dịch

Sau đây là bản dịch các chương viết về Việt Nam của Paul Theroux (1941-) trong hai cuốn The Great Railway Bazaar (xb 1975) và Ghost Train to the Eastern Star (xb 2008), mỗi chuyến đi hơn 4 tháng, phần lớn đi bằng xe lửa, khởi hành từ Luân Đôn qua Pháp, xuống dần phía nam, qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phía nam nước Nga, qua Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản, và cuối cùng đi xe lửa từ đông sang tây nước Nga để trở lại Luân Đôn.

Theroux đến Việt Nam hai lần, năm 1973 ở phía nam vĩ tuyến 17 và năm 2006 trên chuyến đi từ Nam ra Bắc. Ông có cái nhìn sắc sảo của người ngoài cuộc, và qua đó chúng ta tiếc cho những mất mát do chiến tranh gây ra, bất kể đứng ở góc độ hay phe phái nào, và tiếc cho những cơ hội đã và đang bị bỏ lỡ để xây dựng một đất nước tôn trọng phẩm giá con người.

12/2018

Phạm Văn

image 

Paul Theroux, The Great Railway Bazaar – By Train through Asia (1975, nxb Washington Square Press, New York, 342 trang).

Chương 24

Chuyến xe lửa chở khách tuyến đường Sài Gòn-Biên Hoà

Tôi đến Việt Nam để đi xe lửa; ở đất nước đó người ta làm nhiều chuyện còn kỳ lạ hơn. Đường Hoả xa Xuyên Việt[1], người Pháp gọi là Transindochinois, làm 33 năm mới xong, nhưng năm 1942, chỉ sáu năm ngắn ngủi sau khi hoàn tất, nó bị nổ tan tành và chưa hề được sửa lại. Là sản phẩm của thuộc địa, nó giống như một trong mấy món ăn Pháp được sửa soạn rất lâu rồi ngấu nghiến trong tích tắc: miếng ngon ngắn ngủi rất công phu và đáng nhớ. Tuyến đường từ Sài Gòn tới Hà Nội dọc theo bờ biển đẹp, nhưng anh em lính Mỹ bất đắc dĩ của chúng ta ít khi ca tụng nó; giờ đây nó đứt làm nhiều đoạn, như con giun bị chặt ra làm mồi câu, đoạn này đoạn kia ngọ nguậy sống. Việt Cộng đặt mìn nó – thậm chí còn dữ dội hơn sau khi ngưng bắn (ngưng bắn là một cách nói hoa mỹ, tầm phào, khéo đau khéo đớn); bọn đặt mìn cũng là đám tài xế xe vận tải ở địa phương, kẻ khủng bố vì tiền, họ nghĩ nếu các tuyến đường xe lửa này hoạt động lại (tới Đà Lạt, Huế, Tuy Hoà) thì họ sẽ mất kế sinh nhai theo cách người Mỹ đã chỉ cho họ. Như nhiều thứ khác ở Việt Nam, đường xe lửa hư hại – đoạn phía bắc tỉnh Bình Định biến thành ruộng lúa – nhưng đáng kinh ngạc là nhiều đoạn của nó vẫn chạy. Phó giám đốc Hoả xa Việt Nam, Trần Mộng Châu, một ông thấp đeo kính dày, bảo tôi: “Xe lửa của chúng tôi không thể ngưng. Chúng tôi vẫn cứ chạy dù lỗ lã. Có thể chúng tôi sẽ sửa vài chỗ. Nhưng nếu chúng tôi ngưng thì mọi người sẽ biết là chúng tôi thua trận.”

Trần Mộng Châu cảnh cáo tôi đừng đi từ Nha Trang ra Tuy Hoà, nhưng nói tôi có thể thích đi đoạn đường Sài Gòn tới Biên Hoà – mỗi ngày có 14 chuyến. Ông dặn trước là nó không như xe lửa Mỹ. Câu cảnh cáo cụ thể này (mà làm sao ông biết xe lửa Mỹ thế nào?) giống như một lời giới thiệu hấp dẫn.

Khi ra khỏi văn phòng, tôi hỏi Dial, anh thông dịch viên người Mỹ của tôi, lính thủy quân lục chiến đổi qua làm tùy viên văn hoá (anh nói anh đã “vô ngang” và mỉm cười vì nghĩa tục tĩu của cụm từ đó[2]): “Anh nghĩ đi xe lửa tới Biên Hoà có an toàn không?”

Dial nói: “Tháng trước Việt Cộng tấn công. Họ phục kích bắt sáu bảy hành khách. Họ dựng chướng ngại vật[3] để chặn xe lại – rồi họ bắn.”

“Có lẽ mình đừng đi.”

“Không, bây giờ an toàn rồi. Dù sao thì tôi cũng có súng mà.”

Lúc ăn điểm tâm sáng hôm sau, Cobra One – bí danh ông chủ nhà người Mỹ của tôi ở Sài Gòn – bảo tôi rằng Ủy ban Du lịch Việt Nam muốn gặp tôi trước khi tôi đi xe lửa tới Biên Hoà. Tôi nói tôi vui lòng gặp họ. Chúng tôi ăn trên sân thượng biệt thự của Cobra One, hưởng không khí mát mẻ và cây cối nở hoa thơm ngát. Thỉnh thoảng một chiếc trực thăng bay thấp lướt qua, len lỏi giữa các nóc nhà. Cobra One nói sắp có nỗ lực thu hút du khách tới Việt Nam. Tôi cho là chuyện đó có thể còn quá sớm – dù sao chiến tranh vẫn còn.

Vợ Cobra One, Cobra Two nói: “Anh chả bao giờ thấy chiến tranh ở đây.” Bà ngước khỏi tờ báo. Bên dưới chúng tôi, giữa khu biệt thự, có hồ bơi giữa các luống hoa và hàng dừa. Bức tường đằng xa giăng dây kẽm gai, nhưng như thế làm nó lại càng giống Singapore[4]. Hàng dâm bụt đỏ dọc theo lối xe ra vào, bụi dương xỉ khổng lồ, một ông mặc sơ mi vàng đang cào lối đi trải sỏi dưới mấy cây kim tước. Cobra Two, nổi bật trong cái áo khoác bằng lụa, đung đưa chiếc dép lông, sột soạt tờ Stars and Stripes[5], nói: “Nhiều thứ hạng nhất ở - ê, chỗ này thuộc bán cầu nào nhỉ?”

Cobra One nói: “Đông.”

“Ừ. Nhiều thứ hạng nhất ở đông bán cầu có ngay trong biệt thự này.”

*

Văn phòng Giám đốc Kế hoạch của Ủy ban Du lịch Việt Nam lót nhung đỏ từ sàn lên tới trần nhà, và mép tường có ruy băng. Chúng tôi như ngồi trong cái hộp đựng sô cô la đắt tiền. Tôi nói tôi đang vội, vì tôi sắp đi xe lửa ra Biên Hoà. Giám đốc Kế hoạch và Phó ủy viên bứt rứt liếc nhau. Giám đốc Võ Doãn Châu nói tình trạng xe lửa không tốt – ông nói tôi nên đi xe hơi ra Vũng Tàu tắm biển. Ông nói: “Việt Nam nổi tiếng nhờ bãi biển.”

Nổi tiếng nhờ bãi biển! Tôi định nói: “Còn nhiều thứ nổi tiếng khác nữa,” nhưng Trần Lương Ngọc, Phó ủy viên được đào tạo kiểu Mỹ, lao vào giải thích. Ông nói họ sẽ dốc toàn lực để thu hút du khách, và họ đã nghĩ ra một chiêu quảng cáo chắc chắn thành công, Follow Me! Bích chương in hình các cô gái Việt xinh xắn ở mấy nơi như Đà Nẵng, Huế, và đảo Phú Quốc, và câu khẩu hiệu trên bích chương là FOLLOW ME! Các bích chương này (PLEIKU – FOLLOW ME!, DALAT – FOLLOW ME!)[6] sẽ được gửi đi khắp thế giới, nhưng phần lớn tiền vận động nhắm vào du khách Mỹ và Nhật. Ông Ngọc đưa tôi một cọc sách mỏng có tựa đề chẳng hạn như Lovely HuếVisit Viet-Nam, ông hỏi tôi có câu hỏi nào không.

Tôi nói: “Các bãi biển này thế nào.”

Ông Ngọc nói: “Bãi biển rất đẹp, cả rừng và cây cỏ cũng đẹp.”

Ông Châu nói: “Việt Nam có đủ thứ.”

Tôi nói: “Nhưng du khách có thể sợ bị bắn.”

Ông Ngọc nói: “Mấy chỗ không đánh nhau mà! Sợ cái gì? Chính ông đang đi khắp nước, đúng không nào?”

“Đúng, và tôi sợ.”

Ông Ngọc nói: “Tôi khuyên ông là đừng sợ. Chúng tôi hy vọng có đông du khách. Chúng tôi nghĩ tới du khách Mỹ, và có lẽ một số người Nhật. Người Nhật thích du lịch.”

Tôi nói: “Họ có thể thích đi Thái Lan hay Mã Lai hơn. Ở đó cũng có bãi biển đẹp.”

Ông Châu nói: “Biển của họ bị thương mại hoá quá rồi. Họ có khách sạn lớn và phố xá đông người. Chẳng có gì thú vị cho lắm – tôi xem rồi. Ở Việt Nam du khách có thể trở về với thiên nhiên!”

Ông Ngọc nói: “Và chúng tôi có khách sạn, không phải khách sạn năm sao, nhưng đôi khi có máy lạnh hay quạt điện. Ông có thể nói là tiện nghi tối thiểu. Và chúng tôi có cái nhà trệt xây cho Tổng thống Johnson lúc ông ấy tới thăm. Có thể biến nó thành cái gì đó. Lúc này chúng tôi chưa có gì nhiều lắm, nhưng chúng tôi có nhiều tiềm năng.”

Ông Châu nói: “Nhiều tiềm năng. Chúng tôi sẽ làm họ tò mò - dân Mỹ. Rất nhiều người có bạn và họ hàng ở Việt Nam. Họ đã nghe nói nhiều về đất nước này.” Rồi ông nói giọng rất gở, “Bây giờ thì họ có thể thấy thật sự nó là cái gì.”

Ông Ngọc nói: “Những nơi như Bangkok và Singapore toàn là thương mại. Chẳng thú vị. Chúng tôi sẽ đưa ra nét tự nhiên và lòng hiếu khách, và vì khách sạn chúng tôi không tốt lắm nên chúng tôi cũng có thể hấp dẫn những người ưa mạo hiểm. Nhiều người thích thám hiểm cái chưa biết. Rồi họ có thể về Mỹ kể cho bạn bè là họ đã thấy nơi đã xảy ra trận đánh này trận đánh kia –”

Ông Châu nói: “Họ có thể nói, ‘Tôi đã ngủ trong công sự ở Pleiku!’”

Đúng là có hai điểm ăn khách, bãi biển và chiến tranh. Nhưng chiến tranh đang tiếp diễn, dù không chỗ nào trong cuốn sách mỏng 44 trang tựa đề Visit Viet-Nam nhắc tới cuộc chiến, ngoại trừ câu viết mơ hồ “Tiếng Anh đang rất thông dụng dưới sức ép của các biến cố hiện nay,” có lẽ là nhắc khéo tới sự có mặt của người Mỹ và có thể cả chiến tranh. Hồi đó – tháng 12/1973 – 70.000 người bị giết từ sau khi ngưng bắn, nhưng Ủy ban Du lịch Việt Nam quảng cáo Huế (thành phố bị tàn phá với phố xá lầy lội, thỉnh thoảng bị pháo kích) như một nơi có “cảnh đẹp … các đền đài lịch sử, sân vườn và lối đi có mái che, đậm nét quá khứ huy hoàng,” và thúc giục du khách tới Đà Nẵng hãy xuôi nam sáu dặm để xem “thạch nhũ và mầm đá”, không nói chính nơi đó còn giao tranh dữ dội và có các tay súng nấp trong hang gần Ngũ Hành Sơn.

Trước khi tôi rời văn phòng, ông Châu kéo riêng tôi ra và nói: “Đừng đi Biên Hoà bằng xe lửa.”

Tôi hỏi tại sao.

Ông nói: “Tuyến xe lửa đó tệ nhất thế giới.” Ông phát ngượng khi tôi muốn đi chuyến đó.

Nhưng tôi nhất quyết đi, và chúc ông may mắn trong nỗ lực thu hút du khách tới các bãi chiến trường, rồi tôi ra nhà ga. Ga Sài Gòn không có bảng tên, và nếu tôi đứng cách nó 50 bước thì cũng chẳng ai quanh đó biết nó ở đâu. Tôi tìm thấy nó hoàn toàn tình cờ, xuyên qua phòng vé Hàng không Việt Nam, nhưng thậm chí đứng trên thềm ga tôi vẫn không chắc nó là ga xe lửa: không hành khách và không thấy toa xe nào trên sân ga. Hoá ra xe lửa đậu phía trên đường ray một quãng ngắn, nhưng hai mươi phút nữa xe mới chạy. Toa xe là những thùng sơn màu xanh lục méo mó, có cái bằng gỗ (giập nứt), có cái bằng sắt (móp méo). Chỗ ngồi là băng ghế hẹp chạy dọc thành toa, không thoải mái cũng chẳng tiện nghi, và phần lớn hành khách đều đứng. Họ mỉm cười, ôm chặt đám gà vịt cực kỳ lo sợ và bọn trẻ lai Mỹ cháy nắng thảm hại.

Xa xa trên sân ga có chiếc xe lửa còn cũ hơn nữa. Tò mò vì cái lan can bằng sắt rèn trên hành lang xe – nét Tây của toa xe – tôi thả bộ tới. Tôi leo vào chiếc xe gần như bỏ phế này và nghe một tiếng rú cự nự chói lói. Một cô gái nhảy lên cách đó hai toa (tôi thấy dáng cô trong cánh cửa vỡ) đang kéo quần jeans lên. Rồi tôi thấy một cậu đang quơ quào quần áo của cậu ta. Tôi đi ngược lại và gặp hai cô nghiện ma túy đang ngủ, cả hai mặt đầy mụn, cánh tay có hình xâm và vết kim tiêm. Một cô thức giấc quát tôi. Tôi vội tránh đi: trên xe có nhiều cặp nhân tình, và trẻ con, và thanh thiếu niên vẻ mặt hăm doạ thò đầu ra ngoài toa. Nhưng đoàn xe không có đầu máy: nó chẳng đi đâu.

Ông trưởng ga đội mũ lưỡi trai bằng nhựa, băng qua đường ray vẫy tôi. Tôi nhảy ra khỏi đoàn xe bỏ phế đi đến bắt tay ông. Ông cười ngượng nghịu, giải thích xe này không phải là chiếc đi Biên Hoà, mà là chiếc kia, và chỉ qua tuyến có những toa xe chật ních. Tôi bước tới một toa của đoàn xe và sắp đu lên thì ông trưởng ga gọi, “Đừng! Đừng!”

Ông ra hiệu cho tôi đi theo, và vừa cười vừa dắt tôi đến cuối đoàn xe, nơi có một loại toa khác. Toa này bằng gỗ có bếp, ba buồng ngủ và một phòng khách lớn, rõ ràng là di sản của Transindochinois, và tuy chẳng có gì xa hoa ngay cả theo tiêu chuẩn Ấn Độ, nhưng nó thoải mái và rộng rãi. Ông trưởng ga nói đây là toa của giám đốc: ông giám đốc đã yêu cầu tôi đi toa này. Chúng tôi lên; ông trưởng ga gật đầu với anh phất cờ hiệu, và đoàn xe lên đường.

Một chuyến đi miễn phí trên toa riêng của giám đốc, để làm nhoà đi tính phi thực của một tương lai vẫn còn xa vời: tôi không mong đợi điều này – nhất là ở Việt Nam. Nhưng nhấn mạnh đặc quyền kiểu này là một hình thức khác của sự hào nhoáng kiểu Mỹ. Làm chiến tranh phải như vậy, phải tạo ra một chế độ chiều đãi riêng để khách thông cảm, bọn khách (vì những rủi ro mà họ nghĩ họ sẽ gặp) muốn được tiếp đãi như nhân vật quan trọng. Mỗi người khách có thể sẽ là một nhà quảng cáo, điều trớ trêu là ngay cả một tay bồ câu chủ hoà cáu kỉnh nhất cũng được hưởng tiện nghi và tin tưởng vô hạn để hắn có thể tỉa tót lông cánh nhạy cảm của hắn thành cơn thịnh nộ. Bản tính hào phóng của người Việt làm nổi bật sự hiếu khách cứ tiếp tục diễn ra này. Thật đáng xấu hổ khi nhận sự hiếu khách ấy, vì sự hiếu khách ấy được sản sinh từ chính cái kế hoạch mà công ty đã giễu dở đưa ra để quảng bá cho một sản phẩm hỏng. Nó bóp méo sự thật. Nhưng tôi kìm sự dè bỉu của mình lại: kẻ khác đã truyền cái thói lãng phí kềnh càng và đắt giá này cho người Việt tiếp nhận.

Chúng tôi ngồi quanh cái bàn trong buồng khách chiếm tới một phần ba toa giám đốc. Ông trưởng ga cất mũ rồi vuốt lại tóc. Ông nói sau thế chiến thứ hai ông được mời làm một số việc có lương cao, nhưng ông chọn trở về với việc cũ của mình trong ngành hoả xa. Ông thích xe lửa và ông tin rằng Hoả xa Việt Nam có tương lai rạng rỡ. Ông nói: “Khi nào mở lại tuyến đường Lộc Ninh thì chúng tôi sẽ đi tới Thổ Nhĩ Kỳ.”

Tôi hỏi ông làm cách nào làm được.

“Chúng tôi lên tới Lộc Ninh, sau đó chúng tôi làm đường qua Phnom Penh. Rồi tới Bangkok chứ không à? Rồi tới chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ – có thể Ấn Độ chứ? – rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có đường xe lửa.”

Ông cầm chắc Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay bên kia đồi, và ông thấy khó khăn duy nhất là lấy Lộc Ninh khỏi tay Việt Cộng rồi đặt đường ray băng qua đầm lầy bên Cam Bốt – thật vậy, dường như đó là đặc điểm của người Việt miền Nam khi họ nói tới biên giới chính trị. Viễn ảnh đường xe lửa xuyên lục địa của ông, đi qua tám quốc gia mênh mông, có một trở ngại duy nhất: đuổi địch quân ra khỏi cái thị trấn nhỏ ở biên giới mình. Đối với công dân Việt Nam thì cả thế giới rất đơn giản và thanh bình; ông có tính vị kỷ của người bệnh tin rằng mình là bệnh nhân kém may mắn duy nhất trong một thế giới khoẻ mạnh.

Ông trưởng ga nói: “Thỉnh thoảng chúng tôi bị phục kích ở đây. Mấy tuần trước có bốn người chết vì trúng đạn.”

Tôi nói: “Vậy thì có lẽ mình nên đóng cửa sổ lại.”

Ông nói: “Ha ha! Hay lắm!” và dịch câu nói đùa lại cho người phụ tá của ông đang mang ra mấy ly Coca-Cola.

Đoạn đường này chỉ có một đường ray, nhưng dân ở lậu cất chòi tới sát bên cạnh nó. Tôi có thể nhìn qua cửa sổ nhà họ vào các căn phòng có trẻ con ngồi chơi trên sàn; tôi có thể ngửi thấy mùi thức ăn đang nấu – cá thịt xèo xèo – và thấy họ thức dậy mặc quần áo; ở một cửa sổ có một ông nằm đưa võng sát mũi tôi. Trái cây trên bệ cửa sổ rung rinh lúc xe lửa chạy ngang – một quả cam bắt đầu lăn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cứ như là mình đang ở trong các căn nhà mà mình đang đi ngang như thế này, và tôi cứ có cảm giác là đang dí mặt mình vào việc hàng ngày trong nhà kẻ khác. Nhưng đó là tôi chỉ tưởng tượng mình đang xâm phạm vào đời tư của họ: người trong các căn nhà khốn khổ ấy hình như chẳng đoái hoài gì tới kẻ lạ bên ngoài cửa sổ nhà họ.

Từ cuối đoàn xe tôi có thể thấy trẻ con và đàn bà họp chợ lại tràn lên đường ray, và một lần tôi thoáng thấy một ông nhảy vội – ông ta để râu, mặc bộ đồ ngủ phất phới, cao, da trắng, vai thuôn, nhưng bước dài và hai chân lớn làm tôi nghĩ ông là người Mỹ. Ông ta biến mất giữa hai căn nhà gỗ rung rinh, khuất vào đám quần áo giặt bạc màu phơi trên dây. Đây là một trong mấy khu ổ chuột đông nhất ngoại ô Sài Gòn, và thoáng thấy người đàn ông có thân hình quá khổ này so với nơi ấy – dáng điệu lóng ngóng càng làm rõ chiều cao của ông ta so với người khác – khiến sau đó tôi tìm hiểu thêm về ông. Dial nói có thể ông ta đào ngũ, một trong khoảng 200 người còn ở lại nước này, phần lớn ở vùng Sài Gòn. Một số nghiện ma túy, một số có việc làm đàng hoàng và lấy vợ Việt, một số là tội phạm – khá nhiều vụ đào tường khoét vách ở Sài Gòn có thể gán cho đám đào ngũ tháo vát có xu hướng tội phạm này: họ biết lấy cái gì ở PX, cửa hàng bán cho lính Mỹ; họ có thể trộm xe mà ít bị để ý hơn kẻ trộm người Việt. Không ai trong bọn họ có giấy tờ, và Việt Nam là một nước khó trốn ra. Hy vọng duy nhất của họ là đi ghe ngược sông Cửu Long qua Thái Lan; hay họ có thể ra đầu thú. Họ là một nhóm kỳ dị gồm những kẻ đào tẩu mà trên thực tế không ai biết đến. Và nghĩ tới họ – nghĩ tới người đàn ông có râu mặc bộ đồ ngủ băng qua đường ray vào một ngày rất đẹp trời, thoáng lộ diện – làm tôi vừa tò mò vừa thương xót. Tôi thấy họ là nhân vật có thể tiểu thuyết hoá được, một hoàn cảnh vừa bí ẩn vừa là manh mối để làm sáng tỏ bí ẩn ấy. Nếu định viết về Việt Nam một cách có đầu có đuôi, ta phải bắt đầu với những kẻ bên lề này.

Tôi rời toa riêng và đi suốt đoàn xe. Trên xe đầy người què cụt đáng sợ, những người tay chân cụt tròn, lính mặc đồng phục nhăn nhúm, mấy ông già râu ria lưa thưa tì lên cây gậy. Một ông mù đội nón rơm cao bồi chơi ghi ta, cất tiếng hát lạc điệu trước một nhóm lính. Nhưng chuyến xe không chỉ có những kẻ khốn khổ bị bỏ rơi. Ấn tượng tôi có trên chuyến xe lửa đi Biên Hoà và theo tôi suốt thời gian ở Việt Nam là tài tháo vát của người Việt. Dường như khó tin, nhưng đó là các bé gái mang cặp sách, phụ nữ khiêng mấy bó rau lớn, và các ông ôm gà vịt bị cột chặt, và nhiều người nữa, đứng ở cửa của cái chỉ đáng gọi là toa chở hàng, trên đường đi làm ăn ở Biên Hoà. Sau bao nhiêu năm người ta chờ xem họ chịu thua, điều đáng ngạc nhiên là họ sống sót và vươn lên. Từ những ngăn trở tàn bạo của chiến tranh, họ đã bướng bỉnh phục hồi lại cuộc sống bình thường: trường học, chợ búa, nhà máy. Chuyến xe bị phục kích ít nhất mỗi tháng một lần, nhưng họ nói tới “các vụ tấn công” bằng giọng chấp nhận giống như khi nói về trận gió mùa ắt sẽ đến. Nhưng họ đi chuyến xe này mỗi ngày. Chuyến đi nguy hiểm. Họ cam chịu nguy hiểm. Đối với họ cuộc sống không hề thay đổi, và mối đe doạ của địch quân thì tiên đoán được và bất biến, tựa như thời tiết.

Một bà bế đứa bé lai Mỹ đi theo tôi qua các toa xe. Khi tôi đứng lại chỗ nối hai toa để cẩn thận nhảy qua thì bà kéo tay tôi và định đưa tôi đứa bé. Nó chừng hai tuổi, da trắng, bụ bẫm, mắt tròn. Tôi mỉm cười, nhún vai. Bà cho tôi xem mặt đứa bé, véo má nó, rồi đưa nó. Nó bắt đầu khóc, khi ấy bà khởi sự nói lớn tiếng, và một nhóm vài người tụ lại nghe. Bà ta chỉ tôi, dùng đứa bé để ra dấu buộc tội tôi.

Dial nói: “Mình nên đi tiếp đi.”

Anh giải thích rằng đứa bé bị bỏ rơi. Người đàn bà tìm thấy nó và nuôi nó. Nó không phải con bà – nó là con Mỹ. Bà ta muốn cho tôi đứa bé, và không hiểu tại sao tôi không nhận. Bà vẫn đang lớn tiếng – tôi có thể nghe rõ tiếng bà lúc chúng tôi băng qua toa xe đông đúc kế bên.

Chúng tôi đến tận đầu máy, máy dầu cặn mới, vào luôn buồng máy, rồi đi dọc theo lan can tới thềm phía trước, ngược gió và nhíu mắt mỗi khi còi rúc. Nhưng quang cảnh không hấp dẫn, Dial chỉ ngọn đồi bên phải và nói: “Việt Cộng chỗ đó pháo kích mấy tuần trước. Nhưng đừng lo – lúc này tụi nó không có ở đó đâu. Tụi nó nhào tới, bắn vài trái hoả tiễn, rồi dông.”

Bám lấy thanh lan can phía trước xe lửa, tôi có thể thấy tuyến đường sắt trải dài trước chúng tôi, và xa xa là cảnh vàng vọt đổ nát, cây cối trơ trụi, Biên Hoà ở phía chân trời, ngổn ngang ống khói và mái nhà xám. Gió hôi mùi phân, dọc đường ray lầy lội cứt, tệ hơn bất cứ điều gì tôi đã thấy ở Ấn Độ, tràn đến tận đường ray, và tiếp tục từ cống lộ thiên của xóm nhà chảy xuống bờ đất. Khu định cư không phải là các căn chòi xây sơ sài của kẻ ở lậu, mà là những căn nhà nhỏ được cấp giấy phép, do nhà thầu xây dựng. Xóm không có cống. Nó thích hợp với một nước có các đại lộ chẳng dẫn tới đâu, có máy bay bay không mục đích, và chính quyền chỉ là một chế độ chuyên chế phục vụ chính nó. Người ta thường nghĩ người Mỹ là bọn đế quốc; nhưng điều đó không đúng. Nhiệm vụ của Mỹ thuần túy chỉ là quân sự và dạy đời; không có bằng cớ nào chứng tỏ Mỹ có ý đồ chiếm giữ đặt chính quyền cai trị ở địa phương như các thế lực thực dân thường làm – như vá đường, làm cống rãnh, hay xây các toà nhà vĩnh cửu. Ở Sài Gòn, toà đại sứ và Thư viện Abraham Lincoln đã vắt kiệt sức một kiến trúc sư được cử tới làm việc trong chín năm. Hai toà nhà này sẽ chống chịu được một cuộc tấn công vì ông kiến trúc sư đó biết cách biến tấm chắn hoả tiễn thành đồ trang trí cho bức tường bên ngoài – nhưng thành tựu ấy vẫn không sánh được với các công trình do người Pháp xây, như bưu điện, nhà thờ, một số trường học, các câu lạc bộ vững chắc như Cercle Sportif Saigonnais, và những dinh thự lớn, trong đó biệt thự của Cobra One là một thí dụ khá khiêm nhường. Và ở ngoài này, ngoại ô Biên Hoà thành hình vì người Mỹ cần chỗ ở, đường sá tan nát và dịch tả tràn vào sân nhà. Ngay cả đế chế ngắn ngủi và tàn bạo nhất cũng lập kế hoạch và bảo trì; tuy rằng ngoài hệ thống luật pháp thì đế quốc chẳng có gì hay ho để nói. Nhưng người Mỹ không hứa bảo trì. Nhà ga Biên Hoà, xây 50 năm trước, sắp sập, nhưng đó không phải là chuyện để nói. Đáng nói là không hề có dấu vết nào cho thấy người Mỹ đã từng sửa chữa nó; nhưng dù bị vòng dây kẽm gai đè võng xuống nhà ga vẫn có vẻ vững chắc hơn các nhà chứa máy bay ở căn cứ không quân Biên Hoà.

Tới ga Biên Hoà, Dial nhảy xuống khỏi toa đầu máy và nói: “Nếu tụi Việt Cộng đánh chuyến xe này thì mình là kẻ tiêu tùng trước tiên.”

*

Chiều hôm đó ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tôi có buổi thuyết trình – câu chuyện tầm phào thường lệ của tôi nói về tiểu thuyết. Nó gợi lên một số chất vấn đối nghịch về vị trí của người da đen ở Mỹ, và tôi cố trả lời hết sức thành thật. Sau đó nhà sư Thích Huyền-Vi tặng tôi bản luận án tiến sĩ của ông, “A Critical Study of the Life and Works of Sáriputta Thera” [“Cuộc đời và sự nghiệp của tôn giả Xá Lợi Phất”] với lời đề tặng, rồi tôi đi đến Cercle Sportif.

Cobra One nói: “Đây là mình đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Ông dẫn tôi đi loanh quanh khu đất chừng 4 hecta nơi người Hoa, Việt, và có lẽ một chục người Pháp uể oải đang chơi thể thao (vũ cầu, quần vợt, đấu kiếm, nhu đạo, bóng bàn, bowling) dưới hàng cây thắp sáng. Chúng tôi chơi bi da rồi tới tiệm ăn. Vài cặp tình nhân thủ thỉ ở mấy bàn và một nhóm các ông nói vọng lại “–mở chi nhánh”. Cobra One nói: “Đây là mình đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Chúng tôi tới một hộp đêm trên đường Tự Do, phố chính của Sài Gòn. Bên trong tối om. Họ mang ly bia có đá cục ra cho chúng tôi. Rồi đèn đỏ bật lên, một cô gái Việt mặc váy ngắn hát theo nhịp nhanh bài “Where Have All the Flowers Gone?” Người ta hăng hái nhảy theo bài hát, đầu họ nhấp nhô trong bóng tối lờ mờ. Tôi thấy Cobra One ra dấu ở cuối bàn và nghe “– bị bao vây”, vừa đủ lớn hơn giọng mũi của cô ca sĩ.

Hôm sau – vì không có xe lửa – tôi bay đến thị trấn Cần Thơ trong vùng châu thổ, trên chiếc máy bay sơn màu bạc, nhăn nhúm như tấm giấy thiếc rút ra từ bao thuốc lá. Hồi trước Cần Thơ là nơi đóng quân của hàng ngàn lính Mỹ. Bây giờ nhà thổ và quán rượu đóng cửa, thị trấn có vẻ hoang phế như bãi chợ phiên bỏ không sau mùa hè nhộn nhịp. Vẻ hư nát ấy tiết lộ thái độ khăng khăng: chúng tôi đâu có muốn ở lại Việt Nam, vì thế chúng tôi chẳng nghĩ ngợi xa xôi gì cho đất nước này, ngoại trừ bày vẽ mấy khái niệm trừu tượng về ổn định chính trị và quân sự. Phi trường Cần Thơ bị hư hại gần hết và con đường chính lỗ chỗ ổ gà; những toà nhà mới mang vẻ hào nhoáng tạm bợ – nhà tiền chế, những căn lán, chỗ trú bằng ván ép. Chẳng bao lâu nó sẽ sập – một số đã bị trộm và kéo đổ để lấy gỗ – thời gian trôi qua, chỉ vài năm thôi, sẽ còn rất ít dấu vết cho thấy người Mỹ đã từng ở đó. Có những ruộng lúa bị rải chất độc giữa các nhánh sông ngoằn ngoèo trong vùng châu thổ sông Cửu Long, và có hàng trăm đứa trẻ tóc vàng bù xù, nhưng chỉ trong một thế hệ nữa ngay cả những đặc điểm bất thường ấy cũng sẽ biến đổi.

Chương 25

Chuyến xe lửa chở khách tuyến đường Huế - Đà Nẵng

Từ trên không, mặt nước xám lờ đờ của Biển Đông có vẻ lạnh như nước đá, có những ngôi mộ tròn của Phật tử trên khắp đầm lầy, và kinh đô Huế chìm nổi giữa những đống tuyết trôi giạt. Nhưng đó là cát ướt, chứ không phải tuyết, và những ngôi mộ tròn ấy là các hố bom. Huế có một vẻ ngoài kỳ lạ. Sài Gòn có rất nhiều dây kẽm gai trên các chướng ngại vật nhưng ít bị chiến tranh tàn phá; Biên Hoà có những căn nhà bị bom tan tành; Cần Thơ có chuyện phục kích và bệnh viện đầy người bị thương. Nhưng ở Huế tôi có thể thấy và ngửi mùi chiến tranh: phố xá lầy lội lún vết xe nhà binh và người ôm tay nải chạy dưới mưa, binh lính băng bó lết qua cơn gió mùa nhớp nháp trong thị trấn hoang tàn hoặc ngồi ngó lom lom qua nòng súng phía sau mấy chiếc xe chở quá tải. Cử động của con người có vẻ nhịp nhàng một cách đáng buồn. Các cuộn kẽm gai đặt đối xứng hai bên đường làm tắc nghẽn hầu hết phố xá, bao cát xếp nghiêng ngả quanh các căn nhà. Hôm sau, trên xe lửa, Cobra One (cùng Cobra Two và Dial đến đi chung) nói: “Xem kìa – nhà nào cũng có lỗ đạn!” Đúng vậy: ít nhà không bị thủng lỗ gớm ghiếc, và đa số bị hàng loạt đạn xé tung vách tường. Cả thị trấn mang màu nâu sậm của bạo lực, vết ô uế của các cuộc tấn công giữa vũng nước trương phềnh. Huế còn giữ vài dấu vết của dáng vẻ thời quân chủ (Việt, Pháp), nhưng nét thanh tao ấy chẳng khác gì lời thất hứa.

Trời rất lạnh trong các gian phòng ẩm thấp, giá buốt ẩm ướt từ bầu trời toả xuống và mưa phùn dai dẳng. Tôi đi tới đi lui, gồng mình chống lạnh, trong lúc diễn thuyết ở Đại học Huế - trong toà nhà kiểu thuộc địa, không chút dáng dấp hàn lâm, thật ra trước kia là cửa hàng đắt tiền có tên Morin Frères[7], mà các chủ đồn điền ngoại thành dùng làm nhà khách và kho tiếp liệu. Tôi diễn thuyết trong một phòng ngủ thời trước, và từ ban công lộng gió tôi có thể thấy khoảnh sân bỏ phế, hồ cá rạn nứt, thanh chớp cửa sổ tróc sơn ở các phòng khác.

Sau đó chúng tôi lái xe lên một gò trên khu mộ hoàng gia, bên sông Hương. Ông McTaggart, nhân viên USIS[8] ở địa phương, nói: “Chỗ đó là đất của VC.” Tóc trắng, ân cần, ông tự nấu ăn và đôi khi đạp xe ra đây tập nói tiếng Việt với lính gác trên gò. Bên kia sông, đất của Việt Cộng là một số đồi trơ trụi vì bị xịt thuốc rụng lá. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có bắn nhau. Khi ấy một chiếc tàu của quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ bình bịch áp sát vào bờ phía địch quân rồi bắn suốt buổi chiều lên đồi, chẳng nhắm mục tiêu cụ thể nào, giống như pháo hạm Pháp trong Heart of Darkness[9] bắn bâng quơ – Conrad gọi là điên khùng – vào rừng rậm Phi châu. Một người Việt nói tôi phải đến vào mùa nóng. Khi ấy tôi có thể thuê ghe và một cô gái và đem thức ăn, rồi tôi có thể qua đêm trên dòng sông mát, làm tình và ăn.

Tôi hứa tôi sẽ đến. Chúng tôi đến các ngôi mộ gần đó. Các toà nhà ở Huế càng cũ càng được giữ gìn tốt: đám nhà tiền chế mái tôn bán nguyệt dựng hồi năm ngoái sập tan tành, nhưng căn nhà 40 năm của ông McTaggart nom tiều tụy nhưng tiện nghi, các mộ vua hàng trăm năm trong tình trạng rất tốt, dù được làm bằng vật liệu xài lại, theo phong tục Việt Nam (để nhấn mạnh đức khiêm tốn) – như gỗ và đá cũ, gốm sứ vỡ, và ngói rạn nứt. Mấy khu vườn rắc rối và cổng chạm trổ sơn hình rồng chầu trên vòm cong; và ở các phòng bên trong, lăng tẩm bụi bặm, các bà cụ khập khiễng từ món đồ cổ này qua món đồ cổ khác, thắp ngọn nến nhỏ cho chúng tôi xem cái đồng hồ Pháp (đã mất kim), những chân đèn pha lê, bàn thờ mạ vàng và mấy cái tủ khảm xà cừ, mấy cái quạt lông công xơ xác (“Bà ấy nói vua Pháp tặng”). Bàn tay các cụ run rẩy đưa ngọn lửa nến tới gần kho báu khô ran này, tôi sợ nó đốt rụi nơi ấy. Lúc chúng tôi ra về, họ thổi tắt hết nến và ở lại trong lăng mộ tối. Dân thành phố này thường xuyên chạy loạn, nhưng trong ấy các bà cụ – người hầu của vua từ thập niên 1920 và 30 – không bao giờ rời những ngôi mộ. Họ ăn ngủ trong khu lăng mộ hoàng gia.

Tối hôm ấy lạnh; chó sủa trong ngõ lầy lội, và tuy lạnh buốt nhưng phòng ngủ của tôi đầy muỗi rất khó chịu.

*

Sáng hôm sau ở nhà ga Huế một ông người Việt nhỏ bé mặc bộ vét vải chéo, đội mũ phớt, chạy tới nắm tay tôi. Ông nói: “Chào mừng ông đến Huế. Toa của ông đã sẵn sàng.” Ông là trưởng ga. Ông được báo trước về chuyến đi của tôi, và đã nối toa riêng của giám đốc vào đoàn xe chở khách đi Đà Nẵng. Vì Hoả xa Việt Nam bị chặt khúc, mỗi vùng có một toa giám đốc riêng đậu tránh bên hông. Ngành hoả xa nước nào cũng có một toa như thế, nhưng Hoả xa Việt Nam có sáu tuyến riêng, chăm chỉ vận hành độc lập. Như ở Sài Gòn, tôi ngại lên toa riêng, biết rằng tay mình sẽ run nếu viết điều gì khe khắt về những người này. Tôi cảm thấy vụng về trong khoang trống của mình, trên toa trống của mình, nhìn người Việt xếp hàng mua vé để lên các toa chật ních. Ông trưởng ga lôi tôi đi khỏi ô bán vé (“Không cần!”), nhưng tôi đã kịp liếc giá vé: 143 đồng (25 xu Mỹ) đi Đà Nẵng, có lẽ là chuyến đi 75 dặm rẻ nhất thế giới.

Thông dịch viên Dial, Cobra One và Two lên xe, vào cùng buồng với tôi. Chúng tôi ngồi im, nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Nhà ga vuông vắn quét vôi trắng, một dị bản của Alamo[10], lỗ chỗ những vết đạn làm bong các mảng vữa, để lộ gạch đỏ bên trong. Nhưng nhà ga được xây vững chãi như căn biệt thự có hốc cửa sổ nhô ra ngoài của McTaggart và cửa hàng Morin Frères – khác hẳn với lô đất bỏ phế và nền xi măng ngay ngoại ô Huế, nơi doanh trại đổ nát và vòng đai chướng ngại vật đứt gãy của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến chìm trong bùn. Hình như mọi khí cụ chiến tranh đều bị định giờ tự hủy vào ngày người Mỹ rút đi, để không còn sót lại dấu vết nào của cuộc phiêu lưu tàn bạo ấy. Trên sân ga, vài chiếc xe bọc thép lòi sườn rách tanh banh vì mìn. Mấy chiếc xe này là nhà của bọn trẻ con mặt buồn. Trong hầu hết các nước vùng nhiệt đới, như William Blake[11] mô tả, người lớn đứng ở mép bãi cỏ xanh náo nhiệt, xem bọn trẻ nô đùa. Ở Việt Nam bọn trẻ chơi một mình, còn người lớn hình như bị quét sạch; bạn tìm bậc cha mẹ giữa đám trẻ, tìm bóng dáng người lớn phía sau. Nhưng không thấy người lớn ở đó vì thế cảnh quan trở nên méo mó. Bà già đang cõng đứa bé, mặc cái váy dài lem luốc, tóc ướt sũng nước mưa, hoá ra là một đứa trẻ.

Dial hỏi: “Ông thấy cái bồn nước trong WC chưa?”

“Chưa.”

“Vặn vòi nước rồi đoán coi cái gì chảy ra?”

Tôi nói: “Rỉ sét.”

Cobra Two nói: “Chẳng có gì chảy ra cả.”

Dial nói: “Nước!”

Cobra One thốt lên: “Đấy. Paul, ghi xuống. Vòi nước có nước. Nước có chảy. Anh nghĩ sao?”

Nhưng đó là bồn nước duy nhất trong đoàn xe.

Ông trưởng ga nói tuyến đường Đà Nẵng đã mở được bốn tháng, sau 5 năm ngưng hoạt động. Cho tới nay chưa bị gián đoạn lần nào. Không ai giải thích nổi tại sao nó tái hoạt động trùng hợp với lúc Mỹ rút. Giả thiết của tôi là bây giờ quân xa của Mỹ không còn miệt mài ngược xuôi trên con lộ duy nhất giữa Huế và Đà Nẵng, Quốc lộ 1, có cái tên thấm thía là “Con Lộ Buồn”[12]. Lưu thông trên đường nhựa giảm bớt vì quá tốn kém, người Việt phải tìm cách hợp lý hơn, đó là mở đường xe lửa. Chiến tranh không giảm, nhưng ít quân xa hơn, ít cầu kỳ hơn. Tiền và lính nước ngoài đã làm rắc rối vấn đề, nhưng bây giờ người Việt bỏ cách đối đầu kiểu đại công ty Mỹ để trở về với thượng tầng kiến trúc thời thuộc địa, thông tin chậm hơn, về với ruộng đồng, ở trong căn nhà cũ, và dùng một hệ thống vận chuyển dựa trên đường xe lửa. Mô hình chiến tranh kiểu Mỹ bị gạt bỏ - các căn cứ hoả lực hoang phế, doanh trại trơ xương, đường nhựa hư hỏng, phô bày cái thực tế có thể gặp trên chiếc xe lửa chở hành khách lách cách tới Đà Nẵng, với hàng hoá là rau quả trồng ở Huế.

Những cây cầu trên tuyến đường này kể chuyện chiến tranh. Cầu mới xây, có rỉ sét mới dưới rầm cầu. Nằm cách xa cầu mới là mấy cây cầu gãy, tựa như đứng yên ra dấu, ở ngay tại chỗ bị đặt chất nổ làm cong queo rơi xuống khe núi. Một số dòng sông có cầu gãy, những đống thép đen chồng chất dị hợm ngang mặt nước. Không phải cầu nào cũng mới gãy. Trong hẻm núi có hai ba cây cầu gãy, tôi nghĩ cây cầu gãy xưa nhất là tàn tích của vụ Nhật ném bom, những chiếc cầu gãy khác là dấu tích phá hoại của chính sách khủng bố hồi thập niên 50 và 60, mỗi cuộc chiến để lại cảnh đổ nát riêng. Nó xấu xí một cách đáng nhớ, như những tác phẩm điêu khắc kim loại quái dị. Người Việt phơi đồ giặt trên nó.

Trên các dòng sông – các cây cầu này – lính tráng là dấu tích rõ nhất. Đây là các điểm chiến lược: một cây cầu bị bom có thể làm tuyến đường ngưng hoạt động cả năm. Vì thế hai bên cầu, ngay trên vỉa đá, có ụ bao cát tùm hụp, công sự và hầm hố, lính gác phần lớn còn rất trẻ, giơ súng carbin vẫy đoàn xe lửa. Chỗ trú của họ giăng biểu ngữ đỏ và vàng. Dial dịch cho tôi. Một khẩu hiệu điển hình là HÂN HOAN CHÀO MỪNG HOÀ BÌNH NHƯNG KHÔNG NGỦ QUÊN TRONG CHIẾN TRANH. Những người lính mặc áo lót đứng quanh, đung đưa trên võng, một số bơi dưới sông hay đang giặt giũ. Một số nhìn xe lửa, súng vác vai, mặc bộ quân phục quá khổ – như nói bóng gió về sự gán ghép bất cân xứng, luôn nhắc cho tôi nhớ rằng những người này – những thiếu niên này – đã được người Mỹ to xác cấp quần áo và vũ khí. Khi Mỹ rút đi, cuộc chiến có vẻ quá lớn, một kích thước quá khổ, thật vậy, như cái áo có ống tay dài đến tận đốt ngón tay người lính và chiếc mũ sắt trùm qua mắt họ.

Cobra One nói: “VC ở phía đó.” Ông chỉ các dải đất nhô lên cao dần thành dãy đồi xa xa. “Anh có thể nói VC kiểm soát 80 phần trăm nông thôn, nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì tụi nó chỉ có 10 phần trăm dân số.”

Dial nói: “Hồi trước tôi có tới đó.” Tôi cứ quên rằng Dial đã là lính thủy quân lục chiến. “Tụi tôi hành quân đã được ba tuần. Chúa ơi, lạnh! Nhưng thỉnh thoảng gặp may tới được làng. Dân làng thấy tụi tôi tới nên bỏ chạy, thế là tụi tôi vào lán của họ - ngủ trên giường họ. Tôi nhớ hai lần – của đáng tội – tụi tôi phải đốt hết bàn ghế của họ để sưởi. Tụi tôi chẳng tìm đâu được củi.”

Rặng núi cao dần, trông giống bậc cấp rạp hát lộ thiên nhìn ra Biển Đông. Quái dị, trơ trụi, xanh lơ, các đỉnh núi chìm trong sương mù, vương vấn khói của đám cháy đốt rừng làm rẫy. Chúng tôi đang trên dải đất hẹp sát biển, xuôi nam dọc bờ biển loang lổ vẫn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, giữa núi và biển. Thời tiết đã đổi, hay có lẽ rốt cuộc chúng tôi đã lết ra khỏi trận mưa phùn khôn ngớt ở Huế. Bây giờ nắng ấm: người Việt leo lên mui toa ngồi đung đưa chân trên mái hiên. Chúng tôi gần bãi biển tới mức nghe sóng vỗ rì rầm, và trong cái vịnh nhỏ cong cong phía trước làm đoàn xe như gập đôi lại, ghe xuồng đánh cá cưỡi sóng bạc đầu vào bờ, nơi có các ông đội mũ như cái dù đang tung tròn chiếc lưới bắt tôm bùn.

Cobra Two nói: “Chúa ơi, đất nước này đẹp quá.” Bà chụp ảnh ngoài cửa sổ, nhưng không bức ảnh nào có thể ghi lại được sự phức tạp của vẻ đẹp ấy: nắng rọi sáng một dấu bom trong rừng phía kia, bên cạnh đó khói toả đầy thung lũng; một cột mưa từ cụm mây lang bạt đổ nghiêng xuống một sườn núi khác, và màu xanh lam nhường chỗ cho màu lá cây sẫm, tới màu lá mạ trên ruộng mạ phẳng lì, tới dải cát, rồi biến thành đại dương xanh biếc. Không gian bao la và quang cảnh bát ngát buộc phải ngắm từng phần, như đứa trẻ xem bức bích hoạ.

Tôi nói: “Tôi đâu có biết.” Trong tất cả mọi nơi đường xe lửa đã đưa tôi đến từ khi rời Luân Đôn, đây là nơi đẹp nhất.

Cobra Two nói: “Chẳng ai biết. Đâu có ai ở Mỹ biết chút nào về vẻ đẹp này. Nhìn kìa – Chúa ơi, nhìn kìa!”

Chúng tôi đang đi trên mép một vịnh màu xanh lục lấp lánh nắng. Quá khỏi mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích là tới vách đá nhô ra và cảnh một thung lũng lớn tới nỗi chứa nắng, khói, mưa và mây – cùng một lúc – các vỉ màu độc lập. Tôi không ngờ được xem vẻ đẹp này; nó làm tôi cảm thấy ngạc nhiên và nhỏ bé giống như khi nhìn sự rỗng không ở nông thôn Ấn Độ. Ai đã nói tới một điều đơn giản là những chỗ cao ở Việt Nam là những nơi hùng vĩ không thể tưởng? Chúng ta khó có thể trách vì sợ hãi nên anh lính bị bắt quân dịch không nhận ra vẻ tráng lệ này, nhưng lẽ ra ngay từ đầu chúng ta nên biết rằng người Pháp đáng lẽ đã không biến nó thành thuộc địa, và người Mỹ đáng lẽ cũng chẳng đánh nhau lâu như thế, nếu vẻ đẹp chín muồi ấy không mời gọi con mắt chiếm đoạt.[13]

Cobra One nói: “Chỗ đó là Thung lũng A Sao[14],” trước đó ông hay bắt chước Walter Brennan[15] rất giống. Đỉnh núi vươn lên sương mù; bên dưới, trong khói và nắng, các hẻm núi sâu tối để lộ các thác nước. Cobra One lắc đầu: “Nhiều người giỏi đã chết ở đó.”

Sững sờ vì cảnh quan, tôi đi dọc đoàn xe, gặp một ông mù đang sờ soạng ra cửa – tôi có thể nghe phổi ông phì phò như ống bể; các bà cụ nhăn nheo răng đen mặc bà ba đen ôm chặt những túi cói đựng hành ta; và lính – một anh mặt xám như tro trên xe lăn, một anh chống nạng, những người khác mới được băng bó ở tay và đầu, tất cả trong bộ quân phục Mỹ, đúng là gợi ý giễu cợt. Một nhân viên đi qua các toa để kiểm tra căn cước của nam giới, tìm kẻ trốn quân dịch. Anh nhân viên này vướng vào sợi dây ông mù buộc vào eo đứa bé dắt ông. Trên xe có nhiều lính mang vũ khí, nhưng có vẻ họ không phải là lính hộ tống đoàn xe. Bảo vệ xe lửa là lính đóng ở các ụ súng hai bên cầu, và có lẽ vì thế giật mìn nổ tung đường ray là chuyện dễ. Ban đêm chôn mìn dưới đường ray; khi xe lửa tới chỗ đặt mìn, một người nấp nhấn ngòi nổ - người đó có thể là Việt Cộng hay một kẻ đặt bom do chủ xe vận tải ở Đà Nẵng thuê.

Hai lần trên chuyến xe này, lúc đậu trên đường tránh ở các ga nhỏ, các bà già lại đưa trẻ con cho tôi; chúng giống những đứa trẻ da tai tái, tóc màu nhạt tôi đã gặp ở Cần Thơ và Biên Hoà. Nhưng mấy đứa này lớn hơn, có lẽ bốn hay năm tuổi, và thật lạ khi nghe những đứa bé nom giống Mỹ nói tiếng Việt. Lạ hơn nữa là thấy nông dân Việt nhỏ bé trong cảnh bao la của cây cối, hẻm núi và vách đá màu ngọc bích – từ bờ mây lan xuống – chỗ vừa đẹp vừa che giấu kẻ thù của họ. Từ trên xe lửa tôi có thể quay nhìn rặng núi và gần như quên tên nước này, nhưng sự thực gần gũi hơn và tàn nhẫn: người Việt đã bị thiệt hại và rồi bị bỏ rơi, gần như bị bắn vì bị tưởng lầm là chúng ta khi họ mặc y phục của chúng ta; như thể đúng lúc họ sửa soạn tin rằng chúng ta gắn bó với họ thì chúng ta bỏ chạy. Thật ra không đơn giản như vậy, nhưng giai đoạn đáng buồn này phải mô tả như thế mới gần với sự thật hơn ý kiến vội vàng của những người Mỹ đang bị dằn vặt phải chọn nhanh các giả thuyết[16], coi chiến tranh như một chuỗi hành động tàn bạo, hay một loạt sai lầm hoàn toàn mang tính chính trị, hay một phần của chủ nghĩa anh hùng nghĩa hiệp bị cản trở. Bi kịch là chúng ta đã đến, và ngay từ đầu đã không có ý định ở lại: Đà Nẵng là bằng chứng cho điều ấy.

Xe lửa đi dưới đèo Hải Vân hùng vĩ (“Đèo Mây”), ranh giới tự nhiên phía bắc Đà Nẵng, giống như bức tường La Mã ngăn cách ngoại nhân. Nếu Việt Cộng qua được ranh giới ấy thì đường tới Đà Nẵng mở rộng cho họ, và họ đã đóng quân trên các sườn dốc xa xa, chờ đợi. Như mọi dải đất khác giữa Huế và Đà Nẵng, các rặng núi và thung lũng ngoạn mục nhất đã và vẫn là bãi chiến trường kinh hoàng nhất. Qua khỏi đèo Hải Vân chúng tôi vào một đường hầm dài. Tôi đã đi qua hết các toa và đang đứng trên ban công phía trước của đầu máy dầu cặn, dưới những ngọn đèn pha sáng rực. Phía trước, một con dơi lớn thả mình khỏi trần hầm rồi vụng về đập cánh chập chờn, lượn sát vách, cố bay trước đầu máy kêu rầm rập. Miệng đường hầm hiện ra, con dơi sà xuống sát đường ray, rồi bốc cao lên – bây giờ chậm hơn – nó càng lúc càng gần đầu máy. Nó như món đồ chơi bằng gỗ và giấy, dây cót đã bắt đầu giãn, và cuối cùng cách mặt tôi khoảng ba thước, con thú nâu hốt hoảng vỗ đôi cánh xương xẩu của nó. Nó mệt, sà xuống vài tấc, rồi trong ánh sáng cuối đường hầm – ánh sáng nó không thể thấy – nó xụi cánh, cố dấn tới, và lập tức rơi dưới bánh xe.

“Con Lộ Buồn” phía trên chúng tôi lúc chúng tôi chạy qua mũi đất trụi cây tới cầu Nam Ô[17] năm nhịp, sơn màu tối, quấn những vòng kẽm gai to rỉ sét để chống đặc công dưới nước. Khu phế liệu này bên ngoài Đà Nẵng, một khu gớm ghiếc có các căn cứ tiếp liệu đang được quân đội Việt Nam Cộng hoà và dân ở lậu chiếm giữ. Chỗ trú – lán và chái nhà – toàn bộ bằng vật liệu chiến tranh, bao cát, tấm nhựa, tôn đóng dấu U.S. ARMY, và bao thực phẩm in tên viết tắt của các tổ chức từ thiện. Đà Nẵng bị đẩy sát tới biển, tất cả đất đai quanh nó bị nhổ sạch cây. Nếu có nơi nào trông như bị đầu độc, thì đó là Đà Nẵng.

Lùng sục và cướp bóc là kỹ năng mà chiến tranh đã bắt người Việt học. Chúng tôi xuống Ga Đà Nẵng. Sau khi ăn trưa chúng tôi cùng với một viên chức Mỹ lái về phía nam thành phố, nơi trước kia có một số trại lớn của lính Mỹ. Hồi đó có cả ngàn lính Mỹ; bây giờ đã đi hết. Nhưng trại lính đầy cứng dân tị nạn. Vì không được bảo trì, các trại đều tiều tụy và nom như bị pháo kích. Quần áo giặt bay trên cột cờ; cửa sổ vỡ hoặc đóng ván; bếp lửa nấu ăn trên mặt đường. Dân tị nạn kém may mắn hơn phải sống trong mấy chiếc xe vận tải mất bánh, và mùi cống thật kinh khủng – cách 200 mét đã có thể ngửi thấy mùi doanh trại.

Ông viên chức Mỹ nói: “Họ chờ ở cổng và bên hàng rào từ lúc người Mỹ bắt đầu đóng gói. Như châu chấu hay cái gì tôi chẳng biết. Ngay khi người lính cuối cùng rút đi, họ lao vào, cướp phá các kho, và trưng dụng nhà ở.”

Dân tị nạn cướp lột doanh trại bằng sự tháo vát; viên chức chính quyền Việt Nam cướp lột bệnh viện bằng quyền thế. Tôi liên tục nghe những chuyện ở Đà Nẵng (và lại nghe ở hải cảng Nha Trang phía nam) về ngày người Mỹ rút đi, các bệnh viện bị vét sạch – thuốc, bình dưỡng khí, chăn, giường, thiết bị y tế, bất cứ cái gì có thể đem đi. Tàu Trung quốc bỏ neo ngoài khơi chờ nhận đồ ăn cắp để đem bán lại ở Hồng Kông. Nhưng trời có mắt: một thương gia Thụy Sĩ kể cho tôi là một số tiếp liệu y khoa chôm chỉa này tìm được đường từ Hồng Kông về Hà Nội. Không ai biết gì thêm về các viên chức chính quyền làm giàu nhờ việc này. Một số chuyện ăn cắp nghe có vẻ phóng đại; nhưng tôi tin có ăn cắp trong các bệnh viện trước kia của Mỹ, vì không viên chức Mỹ nào có thể cho tôi biết có bệnh viện nào còn nhận bệnh nhân, mà chuyện đó người Mỹ phải biết.

Trên đường xuôi nam vài dặm, các trại lính bị cướp phá chật ních người Việt. Cảnh thích ứng vội vàng của họ thể hiện qua các ô cửa đục xuyên vách trại, và những bộ lều trại bị kéo sập để làm mười cái chòi ọp ẹp. Bản thân trại lính là tạm bợ - làm toàn bằng ván ép nứt nẻ vì ẩm thấp, những tấm kim loại bong tróc, thanh hàng rào xệ xuống – vì thế chỗ trú sơ sài này sẽ không tồn tại lâu. Nếu tội nghiệp cho lính Mỹ thoái chí đã sống trong các trại kinh hoàng đó, thì càng thấy đáng thương hơn cho người thừa hưởng thứ đồ đồng nát này.

Quán rượu trống trơn và đa số hình như phá sản, với bảng quảng cáo bết trứng ruồi ghi COLD BEER, MUSIC, GIRLS, nhưng đến chiều tối tôi mới thấy cảnh hoang phế thật của Đà Nẵng. Chúng tôi lái ra bãi biển. Cách sóng biển ầm ầm 50 bước có căn nhà trệt còn khá mới. Căn nhà ấm cúng trên bờ biển, xây cho một ông tướng Mỹ mới dọn ra khỏi trại dạo trước. Ông tướng này là ai? Không ai biết tên ông. Bây giờ ai là chủ căn nhà ven biển này? Cũng chẳng ai biết, nhưng Cobra One đoán mò: “Chắc là của một ông bự Việt Nam nào đó.” Một anh lính người Việt cầm súng carbine ngơ ngáo trên hàng hiên, cái bàn phía sau anh chất đủ thứ chai: vodka, whiskey, soda gừng, nước ngọt, bình nước cam, một xô đá lạnh. Tiếng cười chán nản và hơi ngà say từ trong nhà vọng ra.

Cobra One nói: “Tôi nghĩ có người đã dọn vào. Mình vào xem.”

Chúng tôi đi qua anh lính gác, lên các bậc thềm. Cửa trước mở, trong phòng khách hai người Mỹ ngồi trên ghế nệm dài đang mơn trớn hai cô gái Việt ngực nở. Cảnh lố bịch đối xứng – hai gã đều mập, hai cô đều cười, và hai cái ghế nệm dài đặt cạnh nhau. Câu chuyện bi thảm của Conrad kể lại chủ nghĩa thực dân, “Outpost of Progress”, nếu được làm thành hài kịch thì sẽ giống cảnh này.

Một trong hai gã nói: “Ê, mình có khách!” Gã đấm bức tường phía sau đầu, rồi ngồi lên đốt lại điếu xì gà.

Trong lúc chúng tôi tự giới thiệu, cánh cửa bên bức tường mà gã hút xì gà đã đấm mở ra, một anh da đen lực lưỡng vừa vội vàng đi ra vừa kéo quần lên. Rồi thấy một cô người Việt bé như dơi trong phòng. Gã đen nói: “Hê” rồi bước ra cửa trước.

Cobra One nói: “Bọn tôi không chủ ý phá bữa picnic của các anh,” nhưng ông không ra vẻ là sẽ rời nơi đây. Ông khoanh tay nhìn; ông cao lớn và có cái nhìn chằm chằm gay gắt.

Gã cầm xì gà lăn khỏi ghế và nói: “Các ông chẳng phá cái gì đâu.”

Viên chức Mỹ chở chúng tôi đến đây nói: “Đây là ông chỉ huy an ninh.” Ông giới thiệu gã mập cầm xì gà.

Như để nhận là đúng, gã mập lại châm lửa đốt điếu xì gà. Rồi gã nói: “Ừ, tôi là sếp ma xó vùng này. Các ông mới tới hả?” Gã say vừa đủ để biết rõ mình say và cố giấu. Gã bước ra ngoài, xa khỏi mấy cái nệm xô lệch, mấy cái gạt tàn thuốc lá đầy, mấy cô gái ưỡn ẹo.

Khi chúng tôi kể là chúng tôi đi từ Huế vào Đà Nẵng bằng xe lửa, gã CIA nói: “Các ông đi bằng cái gì? Các ông tới nơi là may! Hai tuần trước VC giật nó nổ tung.”

Cobra One nói: “Ông trưởng ga ở Huế đâu có nói với tụi tôi như vậy.”

Gã CIA nói: “Tay trưởng ga ở Huế đâu có biết là nó đang gãi đít hay đang sờ đầu. Cho các ông biết tụi nó giật nổ tung. Chết 12 người, tôi không biết bị thương bao nhiêu.”

“Giật mìn?”

“Ừ. Giật mìn. Kinh hoàng.”

Gã CIA sếp an ninh toàn tỉnh đang nói láo; nhưng lúc đó tôi không có dữ kiện để phản bác câu chuyện của gã. Ông trưởng ga Huế nói nhiều tháng nay không có vụ giật mìn nào, và các nhân viên hoả xa ở Đà Nẵng xác minh điều ấy. Nhưng gã CIA nôn nóng muốn tỏ cho chúng tôi rằng gã biết rõ chuyện xảy ra trong vùng này, và càng nôn nóng khi cô gái tới đeo cổ gã. Gã mập kia trong nhà, đang hoảng hốt thì thầm với một trong các cô, còn gã đen xa trên hàng hiên đang đu lên thanh sắt buộc giữa hai cây dừa. Gã CIA nói: “Mấy ông phải nhớ một điều là dân làng không ủng hộ cả VC lẫn quân chính phủ. Thấy không, vì vậy mọi chuyện yên tĩnh.”

Cô gái Việt bẹo má gã và réo bạn cô trên bãi biển đang xem gã đen lắc sợi dây xích nặng quanh cổ. Gã trong nhà đi ra, tự rót rượu. Gã uống một cách bồn chồn, nhìn gã CIA khoác lác.

Gã CIA nói: “Tình thế tức cười. Tựa như ông nói làng này sạch, làng kia toàn Charley[18], nhưng ông phải hiểu một điều là đa số dân không tham chiến. Tôi bất chấp các ông đọc gì trên báo – tụi ký giả đó như cứt. Tôi cho các ông biết là yên.”

“Còn mìn thì sao?”

“Ừ, mìn. Các ông nên tránh xe lửa; tôi chỉ nói được đến thế.”

Gã cầm ly rượu nói: “Ban đêm thì khác.”

Gã CIA nói: “Ôi dào, nè, tới tối thì vùng quê coi như đổi chủ.”

Cobra One nói: “Tôi nghĩ mình nên đi về.”

Gã CIA nói: “Vội gì vậy? Cứ ở lại đây.” Gã nói với tôi: “Ông là nhà văn. Tôi cũng viết văn – ý tôi nói là tôi có viết chút đỉnh. Thỉnh thoảng tôi gõ mấy bài. Boy’s Life[19] – tôi viết khá nhiều cho Boy’s Life, và à…”

Các cô hét lên bằng tiếng Việt và cười khúc khích làm gã đãng trí.

“… à, ông nói ông định đi đâu? Ngũ Hành Sơn à?” Gã nhìn đồng hồ đeo tay. Năm giờ rưỡi. “Giờ này ông nên tránh xa chỗ đó. Charley có thể đang ở đó. Tôi không biết. Tôi không muốn chịu trách nhiệm.”

Chúng tôi về, và khi ra đến xe tôi nhìn lại căn nhà. Gã CIA vẫy chúng tôi với điếu xì gà; hình như gã không biết cô gái Việt vẫn đang đeo cổ gã. Bạn gã đứng trên hàng hiên với gã, cái ly giấy đầy rượu và nước gừng lúng túng trên tay. Gã đen đã trở lại cái thanh sắt trên cao: gã đang đu lên; các cô đang đếm. Anh lính gác ngồi ôm khẩu súng trường. Xa xa là biển. Gã CIA gọi lớn, nhưng thủy triều lên và sóng ầm ĩ át tiếng gã. Dân tị nạn ở Đà Nẵng chiếm doanh trại; ba gã này chiếm căn nhà ven biển của ông tướng. Về một mặt nào đó họ là tất cả tiền đặt cuộc còn lại của người Mỹ trong chiến tranh: đồi trụy, sợ hãi say sưa, và đơn giản. Đối với họ chiến tranh đã kết thúc: họ chỉ tìm vui, phá phách một chút.

Cách đó bốn dặm về hướng nam, gần Ngũ Hành Sơn, xe chúng tôi kẹt sau chiếc xe bò chậm rãi. Trong lúc chờ, một đứa bé Việt Nam độ mười tuổi chạy tới hét vào cửa.

Cobra One hỏi: “Nó nói gì thế?”

Dial nói: “Đồ đụ má.”

“Mình dông.”

Tối hôm đó tôi gặp Trung tá Tuấn[20], bút danh của ông là Duy Lam. Ông là một trong mười nhà văn Việt Nam kể cho tôi mức độ khắt khe trong chính sách kiểm duyệt của chế độ Thiệu – không chỉ kiểm duyệt về chính trị, vì A Streetcar Named Desire[21] cũng bị cấm. Tiểu thuyết gia Việt Nam sợ sách của họ bị kiểm duyệt nên đã chọn con đường an toàn hơn, là dịch các tác phẩm vô hại: các hiệu sách ở Saigon đầy bản dịch tiếng Việt các cuốn Jane Eyre, Jonathan Livingston Seagull, và các tác phẩm của Washington Irving và Dorothy Parker. Trung tá Tuấn nói ông thích viết bằng tiếng Việt, dù ông cũng có thể viết dễ dàng bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh.

Ông nói: “Tiếng Việt là ngôn ngữ rất đẹp, nhưng rất khó dịch. Thí dụ, đàn ông có nhiều cách để gọi vợ mình. Ông ta có thể gọi ‘cô’ – nhưng như vậy bị coi là thô lỗ. Hay ông ta có thể gọi vợ là ‘em’, và vợ ông gọi ông là ‘anh’. Đẹp nhất là khi đàn ông gọi vợ là ‘mình’ – ‘mình khoẻ chứ?’ Và còn nhiều cách khác nữa. Ông ta có thể gọi vợ là ‘mẹ’, và vợ ông gọi ông là ‘bố’…”

Cobra One nói: “’Mẹ, bố’, ủa, Mỹ-rặt cũng nói kiểu đó mà!”[22]

Trước khi Trung tá Tuấn ra về, tôi hỏi Việt Nam nói chung nghĩ gì về người Mỹ sau quá nhiều xung đột, xâu xé, chết chóc, sau bao năm chiếm đóng.

Trung tá Tuấn nghĩ một hồi lâu trước khi trả lời, và khi nói ông cẩn thận chọn từng chữ. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ người Mỹ,” rồi ngừng. “Chúng tôi nghĩ họ rất kỷ luật … và họ đã làm nhiều sai lầm trong chiến tranh. Dĩ nhiên chúng tôi nghĩ họ hào phóng. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng họ không có văn hoá – không một chút nào, chúng tôi không thấy có chút văn hoá nào. Tôi không nói cho tôi: tôi đã đọc Faulkner và nhiều tác giả Mỹ khác. Tôi đang nói như một người trung bình – như phần lớn dân Việt. Họ nghĩ như thế.”

Tôi bay từ Đà Nẵng vào Nha Trang để đi xe lửa tới Tháp Chàm, nhưng hôm tôi đến thì một toán đặc công tấn công kho xăng Nhà Bè tại ngoại ô Sài Gòn[23], và 50 phần trăm nhiên liệu ở Việt Nam bị mất sạch trong một buổi sáng. Nhiên liệu phân phối hạn chế, tôi hủy chuyến đi. Đi như thế là lãng phí không cần thiết, vì người ta phải chở tôi ngược 100 dặm về bằng xe hơi. Tôi lấy xe đạp đi quanh thị trấn có những ngôi biệt thự bỏ hoang, rồi ăn lươn trong một nhà hàng sát biển. Hôm sau tôi mất mấy tiếng ở phi trường Nha Trang chờ máy bay vào Sài Gòn; cuối cùng một chiếc đến, chiếc C-123 đầy Kleenex, Kotex, đậu, giấy vệ sinh, nước bưởi, một thùng lớn đựng gạo Cal-Rose thượng hảo hạng chỉ ghé tạm trước khi chở đi nơi khác (thật lạ, vì Nha Trang là vùng trồng lúa), và chiếc xe Dodge 1967 của một người Mỹ ở đây.

Chuyến bay vào Sài Gòn gặp bão làm tôi sợ mất vía. Tôi bị buộc vào thành bụng của con cá voi nhồi sóng này, và ba anh phi công người Tàu không làm tôi yên dạ. Tôi hồi phục đủ để thuyết trình hai lần nữa mà tôi nhớ là không khác gì lắm với điều Auden đã tả trong “On the Circuit” là[24]

Lời bình phẩm ngu như bò

Cái mặt mất hồn mê muội

Sau đó tôi dông, chờ trong phi trường Tân Sơn Nhứt để qua Nhật. Vào lúc thuận tiện hơn tôi sẽ đi xe lửa tới Hà Nội, đổi xe lên Bắc Kinh, rồi đi ngang Thẩm Dương và Seoul tới Pusan để lên chiếc thuyền nối với một trong các tuyến đường tốc hành Kyushu của Nhật. Hoặc tôi có thể đi thẳng từ Bắc Kinh tới Moscow qua ngả Ulan Bator bên Mông Cổ, rồi về nhà. Đường xe lửa thông thương từ ga đầu mối Hà Nội tới Ga Liverpool ở Luân Đôn. Có lẽ vào một ngày nào đó trong tương lai…[25]

Paul Theroux, Ghost Train to the Eastern Star – On the Tracks of the Great Railway Bazaar (2008, nxb Houghton Mifflin Company, New York, 496 trang).

Chương 24

Chuyến xe đò tốc hành Mekong Express

Đi du lịch thích nhất là lúc không còn mong đến nơi, lúc đó chuyến đi trở thành đồng nghĩa với sống cuộc đời mình.

Một sáng ở Phnom Penh, khoảng tám giờ, tôi rời khách sạn, bước dọc theo dòng sông, trên bờ đê đường A Cha Xao tới một góc phố nào đó, đón xe đò đi Sài Gòn. Chuyến đi chỉ 150 dặm, nhưng mất nguyên một ngày vì phải lên chiếc phà cà rịch cà tang chở hành khách qua sông Mekong, thường xuyên bị trễ cả mấy tiếng, tới biên giới vào Việt Nam, qua hai trạm kiểm soát xuất nhập cảnh. Bên hông xe đò sơn hàng chữ Mekong Express loè loẹt. Hành khách phần lớn là người Việt và Cam Bốt, với cặp vợ chồng người Anh đeo ba lô, tất cả đều tươi cười, trong khi bốn du khách trung niên người Pháp càu nhàu vì phải nói tiếng Anh (Cam Bốt gần như không còn ai nói tiếng Pháp nữa) và phải trả mọi chi phí bằng đô la Mỹ.

Hai sông Tonle Sap và Mekong từ phía bắc chảy xuống gặp nhau ở Phnom Penh, rồi lại tách thành hai nhánh chảy về phía nam: dòng Bassac và tiếp tục dòng Mekong. Phnom Penh nằm ở mạn tây của chữ X do các dòng sông này tạo thành, người Pháp gọi là Quatre-Bras để chỉ bốn nhánh sông lớn.

Chúng tôi băng qua sông Bassac trên cầu Monivong, theo hướng nam tới biên giới. Vừa qua cầu là những xóm nghèo, làng quê phẳng lì bát ngát, nhà sàn trên đầm lầy, trâu bò, trẻ chăn trâu, chó què, và đồng lúa bao la không dứt. Tôi không thể đọc hay ghi chép trên xe đò. Tôi nhìn chăm chú dân lao động Cam Bốt, họ đã bị phạt một cách bất công trong nhiều thập niên, qua nhiều chế độ liên tiếp và vì lợi ích ngoại bang, kẻ kém may mắn vẫn phải vật lộn để sống còn, tôi càng buồn hơn vì phong cách lịch sự của họ.

Sau vài giờ trên con đường xấu chúng tôi lại gặp sông Mekong, chờ chuyến phà Neak Luong (không lớn hơn phà Edgartown chở được ba chiếc ô tô), rồi lái lên phà và băng qua dòng sông cuồn cuộn. Vài giờ sau, mặt đường tốt hơn gần thị trấn Bavet, gần biên giới bên đất Cam Bốt. Chúng tôi xách hành lý đi bộ qua cái cổng hoành tráng – xuất cảnh và quan thuế. Không ai kiểm tra: tôi có thể mang theo cả kho tàng. Rồi lại đi bộ một quãng dài, băng qua biên giới tới chỗ nhập cảnh và quan thuế Việt Nam, trong thị trấn Mộc Bài, lúc mặt trời lặn. Và qua một cái cổng nữa, tới một thế giới khác.

Đoạn đường này lập tức có vẻ chững chạc. Đường sá Việt Nam tráng nhựa tốt, và nhà cửa giữ gìn kỹ hơn, kích thước lớn hơn đáng kể. Đèn đóm tốt hơn, nhiều sinh hoạt hơn, và nhất là, như tiếng tru hy vọng, dòng xe gắn máy lớn nhỏ chen chúc, ào ào bên cạnh xe đò, làm thành một luồng sáng náo nhiệt, người lái luồn lách, không ai đội mũ an toàn. Đoàn xe gắn máy len lỏi trên đường, tám chiếc sánh hàng, cách nhau vài phân. Mức đậm đặc áp đảo của dòng xe máy như đưa chiếc xe đò nhỏ của chúng tôi tới trung tâm thành phố. Đường vào trung tâm Sài Gòn mất cả giờ, hàng dãy cửa hiệu, chợ và nhà máy nối nhau không dứt, xác minh phần nào điều mà nhiều người Thái đã nói với tôi: “Chúng tôi lo Việt Nam sẽ lấy doanh nghiệp của chúng tôi.”

Vì đây là chuyến đi tình cảm, và để tôi có thể định hướng, tôi yêu cầu được xuống ở một nơi nào đó gần sông Sài Gòn. Sau đó tôi đi bộ về hướng tây đến chỗ quen: Khách sạn Continental, rạp Rex, Khách sạn Caravelle, cái công viên nhỏ, và bưu điện trung ương.

Những gì tôi nhớ về Sài Gòn năm 1973 là rác và phố vắng, mặt tiền thời thuộc địa của bưu điện và toà đô chính kiểu Pháp, Nhà thờ Đức Bà gạch đỏ với hai ngọn tháp, vài người đi xe đạp, và ban đêm gần như không người, trừ vài cô điếm kiếm khách, lảng vảng dưới ánh đèn trên vỉa hè gập ghềnh ở góc đường. Những thứ ấy, cùng nỗi lo lắng và sợ hãi vì chiến tranh, tựa như mùi hôi thối trong bầu không khí u ám khói.

Bây giờ trái lại, người đông hỗn tạp và xe cộ inh ỏi lúc 10 giờ đêm. Hầu như điều tôi thấy trước tiên là một đám rất đông trên vỉa hè, cha mẹ và con nhỏ, mặt họ rạng rỡ, xếp hàng vào “Candyland”, một cửa hàng sáng sủa bán bánh kẹo trong siêu thị: trẻ con mặc y phục như người tí hon, kẹo, nhạc, các bà mẹ hạnh phúc, các ông bố tươi cười láp nháp trên điện thoại di động, mọi người đều diện. Nếu có hình ảnh nào trái ngược với Chiến tranh Việt Nam[26], hay bất kỳ cuộc chiến nào – hoà bình, thịnh vượng, trẻ trung – thì hình ảnh đó là đây.

Giờ đây Cam Bốt chìm vào ký ức mơ hồ về thời hỗn mang đã lắng, và khác với người Cam Bốt có xu hướng bám theo và nhỏ nhẹ nài nỉ, những người Việt này dửng dưng với tôi. Họ có việc khác phải làm.

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi. Nhưng đêm sau, trong lúc thả bộ về khách sạn trên con đường nhộn nhịp, một thanh niên trên chiếc gắn máy sà đến gần và nói: “Mister, you want massage? You want girl? Nice girl?” và tôi biết rằng có nhiều thứ không đổi.

Sau đó, nhiều tay dắt mối đi gắn máy chào mời gái và mát-xa, và hình như hăm hở muốn lôi tôi đi mát-xa, hay có lẽ lôi đi để cướp.

Tái sinh, cuồng nhiệt, không đẹp nhưng đầy sinh lực, Sài Gòn là thành phố cuốn trong công việc, đồng tiền và giới trẻ, một nơi của thời cơ, lớn và sáng và ồn, nhưng trật tự và ngăn nắp một cách lạ lùng. Trước kia tôi đã thấy nó dưới vầng trăng xấu; tôi có thể nói nó đã tái sinh. Một trong những mặt hay nhất của Việt Nam mới là lòng trắc ẩn, không ác ý hay trả đũa. Trong văn hóa Việt, trách móc, than van và năn nỉ bị coi là yếu đuối; trả thù là lãng phí. Trong chiến tranh họ thắng chúng ta vì họ kiên trì, đoàn kết, tháo vát, và đó cũng là cách họ xây dựng kinh tế.

Hiệu quả của tư tưởng tích cực thấy rõ trong cách họ làm việc và cách họ nhìn về tương lai. Phần lớn là Phật tử trên danh nghĩa, người Việt hình như không duy tâm hơn các dân tộc khác mà tôi gặp. Họ thực tế và có hiệu quả và làm việc với nhau tốt. Tôi tự giới thiệu mình là người Mỹ (vì người Việt thường hỏi), khi đi hết chiều dài đất nước này không ai nói: “Hãy xem các ông đã làm gì đối với chúng tôi.” Nhưng thiệt hại do chiến tranh vẫn thấy khắp nơi: mìn rải rác trong rừng, hố bom, nhiều người cụt tay chân khập khiễng trong các thành phố, và lặng lẽ chết trong làng và nhà thương là hàng ngàn nạn nhân ung thư vì hàng triệu lít chất độc da cam mà chúng ta đã xịt trên cây cối của họ và trên họ.

Người Việt lớn tuổi nhớ hết. Tôi hy vọng gặp được một người, và tôi gặp ông ta. Một hôm đang đi bộ trong thành phố, một cách lộ liễu – một người Mỹ tản bộ giữa người Việt đang vội – tôi đụng một ông tóc bạc mở miệng chào.

Ông ta hỏi: “Ông đi đâu?” Ông là người Việt, nhưng nói giọng Mỹ. Thấp khoẻ, cục mịch, thô thiển theo kiểu thân mật, ông nói ông có xe gắn máy – tôi có muốn đi đâu không?

Tôi nói tôi muốn kiếm một quán có bán “bia tươi”.

“Ông không muốn xem bảo tàng chiến tranh hay mấy thứ khác à?”

“Lúc khác.”

Vì ông có vẻ cùng tuổi với tôi nên tôi muốn nghe chuyện ông, nhưng tôi không nói ra. Ông đưa tôi đến Trung tâm Bia Tươi, một quán trong toà nhà giống như doanh trại trên một khuôn viên có rào vây quanh. Tới đó chúng tôi uống bia và ăn chả giò cho tới khi tôi đứng hết nổi.

Ông không cho tôi biết tên Việt của ông. Ông nói mọi người gọi ông là Omar, như ông tự đặt cho mình, “vì trong phim Doctor Zhivago, Omar Sharif có một vợ và một nhân tình – tôi cũng vậy. Ba con bồ - bốn mươi bốn, ba mươi mốt, và hai mươi mốt. Ông thấy sao?”

Nhưng tôi không hỏi.

“Viên Viagra hình thoi màu xanh, ông biết chứ?”

Tôi hỏi: “Hồi chiến tranh ông có đi lính không?”

“Ừ. Đi lính cho Mỹ. Tôi là thủy quân lục chiến. Sư đoàn 9 bộ binh, ở vùng châu thổ. Rồi họ đưa tôi tới Đà Nẵng.”

Tôi nói: “Tôi có ở Đà Nẵng sau khi Mỹ rút. Chỗ dễ sợ.”

Omar nói: “Tưởng tôi không biết hả? Sau khi Sài Gòn sập, tôi bị bắt nhốt vô tù. Con gái tôi bị ung thư vì chất da cam. Tôi muốn đi Mỹ, nhưng toà đại sứ nói tôi ở tù không đủ lâu, có bốn tháng. Anh rể tôi ở tù từ 1975 tới 84.”

“Rồi anh ta ra sao?”

“Mỹ lo cho mấy người như ổng. Họ giữ lời hứa. Họ nói ‘Okay’ rồi cho ổng hộ chiếu. Ổng ở Houston. Một người bà con khác ở Portland. Một người ở L.A. Gia đình tôi có 47 người ở Mỹ, trừ tôi. Bây giờ tôi già quá rồi đi gì nữa.”

“Tại sao ông bị tù?”

“Tụi nó tóm tôi vì tôi đi lính với Mỹ. Tôi bị đưa vô một trại gần biên giới Cam Bốt. Như cứt. Tụi tôi lao động suốt ngày, học tập suốt đêm.” Rồi ông hát, “Lenin-Marx-Hồ-Chí-Minh, Lenin-Marx-Hồ-Chí-Minh.”

Ông vừa gật gù vừa hát, một tay giơ vại bia tươi, tay kia cầm chả giò.

“Tụi nó nói, ‘Đầu óc mày thúi. Nhốt. Tụi tao sẽ sửa cái đầu mày.’”

“Vậy là ông bị cải tạo.”

Ông cười chếnh choáng: “Ông muốn gọi như vậy cũng được. Ông nghĩ ông sẽ ở đó mấy ngày, rồi thành mấy tuần. Rồi mấy tháng. Có người mấy năm. Anh rể tôi làm cho CIA. Vì vậy ổng lãnh chín năm.”

Ông nói chuyện đó xảy ra sau khi Sài Gòn sập, toà đại sứ bỏ trống và người Mỹ cuối cùng ra đi bằng trực thăng, có người bám theo càng trực thăng.

Ông kể về đám Việt Cộng chiếm thành phố: “Tụi nó biết ra tôi làm gì. Tụi nó nói, ‘Cho mày vô tù.’ Giống như River of No Return. Ông biết phim đó chứ? Phim hay – Gary Cooper, hay John Wayne.”

Thật ra chẳng phải hai tài tử đó. Về sau tôi kiểm lại thì thấy Robert Mitchum và Marilyn Monroe đóng. Thật lạ là Omar, một anh tự nhận là lăng nhăng với nhiều phụ nữ, lại quên Marilyn.

Ông nói vẫn còn một số trong tù. Ông bắt đầu liếc quanh đại sảnh bia, nhạc mở lớn, TV chiếu một video ca nhạc, và người ta đang nốc bia và hút thuốc.

“Nhưng khác với Cam Bốt. Bên Cam Bốt tụi nó giết ông trong tù. Ở đây tụi nó bắt ông lao động và học chính trị. Tụi nó không giết ông.”

Ông trở nên dè dặt, tâm sự hết sức kín đáo, kiểu mấy người say thường làm, nhưng luôn luôn lộ liễu, thì thầm một cách khoa trương và làm vẻ mặt ngớ ngẩn khi họ nghĩ họ thận trọng.

Ông quay đầu nhìn người bồi bàn đang đổ gạt tàn thuốc lá: “Mình đi. Tôi phải cẩn thận. Người ta nghe.”

Bây giờ ông đã say, và như nhiều người say rượu, ông trở nên hơi sỗ sàng theo kiểu thân mật, lằng nhằng nài tôi uống thêm bia và đi với ông tới Chợ Lớn để kiếm gái. Ông cũng huênh hoang về George W. Bush mới tới Việt Nam với Bộ trưởng Ngoại giao Condoleezza Rice. “Bả là bồ của ổng! Tôi biết! Tôi thấy. Tôi hiểu đàn bà!” Trong khi đó, quán rượu trở nên ồn và đông, và cảnh hỗn loạn này còn được phụ hoạ bằng hình ảnh chiếu trên TV về trận bão làm chết hàng ngàn người ở Phi Luật Tân và đang tràn qua Việt Nam.

Hôm sau Omar khá hơn, nhưng vẫn cường điệu, và thỉnh thoảng nói bóng gió với vẻ mặt phóng đại về những trò nham hiểm của nhà nước Việt Nam hiện thời. Về mặt này ông hơi khác mọi người. Người ta phần lớn coi chính trị là trò tào lao bịp bợm và cứ làm việc riêng của mình.

Chúng tôi đứng bên ngoài một hiệu nhỏ bán đồ cổ, tôi hỏi người phụ nữ đang đưa tôi xem một món đồ chạm trổ rằng bà nghĩ gì về chính quyền.

Omar nói: “Chính trị! Đừng nói gì hết! Người ta nghe!” Ông nói đủ lớn để người bên kia đường nghe được.

Trên đường tới Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (tôi đề nghị đi - ông đã bảo “toàn là tuyên truyền”), ông nói ông sinh ra ở Hà Nội và vào Nam từ khi còn nhỏ, vì cha ông là lính trong quân đội Pháp. Chúng tôi tạt ngang toà lãnh sự Mỹ, có một đám đông người Việt đang xếp hàng chờ xin hộ chiếu vào Mỹ. Bên cạnh họ là tượng đài tưởng niệm 168 lính Việt Cộng bị giết tại đó trong lúc giao tranh hồi tháng Giêng 1968.

Omar nói: “Bây giờ mọi người phải coi họ là anh hùng. Bia ghi như vậy.”

“Tôi muốn biết chính xác lời lẽ ghi gì.”[27]

“Mình không được dừng lại. Cớm khắp nơi. Tụi nó sẽ hỏi giấy tôi nếu thấy ông viết xuống.”

Đó là một điều khác nữa. Người Việt lứa tuổi Omar đa nghi và bồn chồn. Người trẻ không biết ngày tháng và tên tuổi, bất cần, không quan tâm.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh kể lại bằng hình ảnh con đường đi đến độc lập của Việt Nam – con đường đẫm máu đầy xác chết và mìn trong gần hết thế kỷ 20 và bắt đầu với cuộc chiến tranh chống Pháp. Hồ Chí Minh viết: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập,” và ông đọc lớn câu này trước đám đông hoan hô ở Quảng trường Ba Đình năm 1945. Thách thức này khiến người Pháp bôi dầu máy chém của họ (cũng được trưng bày), nhưng chưa tới 10 năm sau quân Pháp bị đánh bại nhục nhã ở Điện Biên Phủ. Sau đó tới lượt chúng ta.

Hình ảnh khủng khiếp này, tra tấn, tàn sát, bom trải thảm, thuốc diệt cỏ, thuốc khai quang, khủng bố, máy bay xịt chất dioxin, lính Việt Cộng bị đẩy ra khỏi trực thăng hay bị kéo lê tới chết, thường dân bị giết, xe vận tải chở bom xăng đặc do lính Mỹ tươi cười lái có ghi chữ The Purple People Eater – mười phòng trưng bày những hình ảnh lên án ghê khiếp, đáng sửng sốt hơn nữa vì đa số là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Mỹ và ngoại quốc. Trong đó có Larry Burrows, Robert Ellison, Sean Flynn, Oliver Noonan, Kyoishi Sawada và Henry Huet, hình ảnh của họ dữ tợn hơn của các nhiếp ảnh gia nhà nước Việt Nam. Trong ảnh của họ lính Mỹ bị cô lập, dằn vặt hay bị thương, cố thủ và rút lui, trong khi các bức ảnh Việt Cộng cho thấy những nhóm lính Việt hăng hái, năng động, tập thể, ít cá nhân.

Một số phòng bảo tàng dành cho hoạt động chống Chiến tranh Việt Nam, không chỉ ở Mỹ (có vụ nổ súng ở Đại học Kent State), mà cả ở Anh, Hoà Lan, Tây Đức, Thụy Điển và các nơi khác.

Omar nói: “Tôi nói rồi. Tuyên truyền.”

Tôi chỉ một bức ảnh và nói: “Tôi đó.”

Đó không phải là tôi, nhưng có thể đúng: cũng tóc bù xù và kính gọng sừng, mặt cũng nhợt nhạt thiếu nắng, lúc tôi biểu tình dưới mưa ở Toà Bạch Ốc với vài trăm người nữa. Và ký ức tôi hiện lên một cảnh sinh động và khó chịu.

Ông anh bực bội của tôi nói: Mày phí thời giờ, lẽ ra mày phải ở Amherst[28].

Bà vợ giễu cợt và hiếu chiến của anh thốt lên: Anh nghe Paul mới nói gì không? Rồi chị cười rú lên sau khi nghe tôi lặp lại một câu thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh: “Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”

Nước Mỹ từ đầu đến giữa thập niên 1960 coi kẻ chống chiến tranh là phản bội, nhưng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tưởng nhớ và ghi lại mọi chi tiết về thời điểm ấy. Tôi thích ở trong phòng này để nhớ lại những người phản kháng, những người cầm biểu ngữ, la hét và hát hò chống lại chính sách dẫn đến tàn sát người Việt và đưa lính Mỹ tới chỗ chết. Nó nhắc tôi rằng, để đáp lại, tôi đã gia nhập Peace Corps, và ở lại Phi châu làm giáo viên. Tôi chả có gì hối tiếc.

Omar nói: “Mình đi uống bia.” Và ở quán bia ông nói: “Ông có biết là ông tức cười lắm không?”

“Nói tôi nghe tại sao.”

“Suốt lúc trong nhà bảo tàng, tôi thấy ông ghi vô cuốn sổ tay của ông.”

“Vậy thì sao?”

Ông ta cười: “Ông nghĩ người ở đây quan tâm à? Chẳng ai muốn nghe về nó.” Ông uống thêm, rồi đăm đăm nhìn cái ly cạn như thấy có con nhện dưới đáy. “Có thể vì vậy tôi thích ông. Khủng khiếp lắm, ông ơi. Khủng khiếp.”

Ông nói ông già quá rồi không muốn đi đâu nữa. Tôi không muốn nhắc ông rằng mọi thứ rốt cuộc đâu vào đấy.

Tôi nói: “Tôi đọc đâu đó là bảy triệu tấn bom đổ xuống Việt Nam.”

“Khủng khiếp.” Ông vẫn đăm đăm nhìn cái ly cạn của ông. “Tôi có thể đi Bangkok. Tôi có thể sống ở đó. Nhưng nó là River of No Return.”

Ông đang già trên đất nước mà người trẻ không nhớ gì về chiến tranh – không cay đắng và ít ý thức về lịch sử – họ là lực lượng chính. Omar nói đúng. Khách đến các bảo tàng chiến tranh (còn một cái nữa, nhà bảo tàng thành phố, ghi lại cuộc sụp đổ của Sài Gòn) phần lớn là du khách ngoại quốc, không phải người Việt. Như nhiều người thuộc lứa tuổi ông, Omar đã bị hút vào nỗ lực chiến tranh của người Mỹ, như cha ông đã phục vụ người Pháp. Và trong khi ông nghiền ngẫm về thất bại và sự phản bội, thì người trẻ nghĩ về tương lai.

Các bức ảnh có thể cho thấy một trong những mục đích của tướng lãnh Mỹ là san bằng Việt Nam, đốt rụi để lùa Việt Cộng ra – cơn thịnh nộ, sự trả thù, nỗi tuyệt vọng, tính phi lý, chủ nghĩa hư vô chế ngự người chiến binh mất tinh thần khi anh ta thấy không có lối ra. Và chúng ta thất bại.

Người Việt trả thù qua hình thức chủ nghĩa tư bản hung hăng, vụ lợi và cơ hội nhất. Vi phạm bản quyền, sao chụp Mickey Mouse, đồng hồ Rolex giả, hàng hiệu nhái, sách và CD và DVD nhạc thịnh hành và phim ăn khách in lậu – cái gì cũng có, cũng như làm nhái và sản xuất hàng loạt gần như mọi thứ chúng ta đã cố làm. Nghịch lý đáng sửng sốt là sau khi chúng ta không thể hủy hoại ước mơ của họ về một thiên đường xã hội chủ nghĩa, chia rẽ tình yêu nước của họ, và gieo rắc tàn phá lên họ vì lợi ích của chúng ta, họ đã trỗi lên – dù chúng ta cố đủ cách để đánh đổ họ – và họ trở thành các thương gia và nhà doanh nghiệp. Sài Gòn là tiệm tạp hoá khổng lồ của chủ nghĩa tư bản man dã, của kiếm tiền điên cuồng, đánh chúng ta trong chính cuộc chơi của chúng ta.

Tôi tới Chợ Lớn, chỉ để xem. Một hôm tôi ăn trong Khách sạn Continental – “hành lang Continental”, hàng hiên chúng tôi đã say trước khi Sài Gòn sập, nhìn khói bốc lên từ ngoại ô thành phố, nay đã bị quây lại và là một quán ăn Ý.

Việt Nam tôi thấy năm 1973 không còn hiện hữu. Và đối với đa số giới trẻ miền Nam, chiến tranh thậm chí chẳng nằm trong ký ức. Một lý do là trong tất cả những năm chiến tranh, từ lúc chúng ta bắt đầu hiện diện như cố vấn quân sự năm 1961 đến khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, chúng ta không dựng lên một công trình lâu bền nào. Người Pháp để lại một số nhà thờ cũ thanh thoát, trường thuộc địa, biệt thự đẹp, và các toà hành chính uy nghi, nhưng nước Mỹ không để lại một toà nhà hữu dụng nào sau 14 năm và hàng tỉ đô la. Ngoài mìn bẫy và hố bom và người cụt tay chân, hình như chúng ta chưa bao giờ hiện diện ở đó.

Một lần ăn sáng ở Sài Gòn, tôi đọc một cột trên tờ báo tiếng Anh, Vietnam News, tựa đề “Ngày này trong lịch sử”: “Năm 1976, Đường sắt Xuyên Việt chính thức tái khởi động sau 30 năm chia cắt đất nước. Tuyến đường dài 1700 km đã làm xong từ năm 1936.”

Năm 1973, tôi đã đi xa hết sức lên phía bắc trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn, dù vài đoạn bị bom phá hỏng. Tôi đã đến cuối tuyến đường, thành phố Huế ảm đạm và tù túng, gần bờ biển. Sau đó là một số căn cứ hỏa lực ở tiền tuyến và khu phi quân sự - vùng cấm lai vãng.

Ăn sáng xong, tôi mua hai vé xe lửa. Anh Lien nói tiếng Anh lưu loát giúp tôi mua vé. Anh sinh năm 1973, tháng 11, lúc đó tôi còn ở đây. Anh nhanh nhẹn, hiệu quả, lạc quan, và tếu – vai anh không mang vết sứt mẻ. Một vé giường nằm đi Huế, nơi trước kia tôi đã đến, vé kia từ Huế đi Hà Nội, nơi tôi chưa từng đến.

Chương 25

Chuyến xe lửa đêm đi Huế

Trận bão là tin hàng đầu, bốn hôm trước bản đồ khí hậu trên TV có một đốm đen đáng sợ. Bão thổi tới Việt Nam hôm tôi đi: mưa như trút hắt ngang loạn xạ thành những vệt lấp lánh trên thềm lộ thiên của Ga Sài Gòn, kêu lộp độp trên nền xi măng đen đúa cũ kỹ và làm ướt sũng các quầy thức ăn dựng lên bán cho khách du lịch mang theo. Nhưng tôi mỉm cười. Không gì có thể biến một chuyến ra đi tầm thường trở thành đáng nhớ và kịch tính bằng thời tiết xấu.

Ngay cả trong mưa gió và giữa các vũng nước ngập ngụa, nhà ga vẫn trật tự. Thức ăn bán mang theo gồm cơm gà, bánh bao và xúc xích, trái cây, nước chai, bánh kẹo, bia. Tôi mua đầy túi của mình, và thấy có tám tờ nhật báo tiếng Việt, không bóng dáng cảnh sát lộ liễu, không kiểm soát hành lý, không chút phiền nhiễu, không một chút quấy rầy vào sự riêng tư và yên tĩnh của hành khách. Trưởng toa của tôi là một phụ nữ 30 tuổi, lịch sự và đẹp, mặc đồng phục xanh bảnh bao. Người Việt tự tìm thấy sự trật tự, thịnh vượng, và hiệu quả này sau nhiều thập niên chiến tranh, bất chấp chúng ta; chúng ta không thể đòi công trạng gì vào đó.

Đối với một người Mỹ thì đi du lịch Việt Nam là bài học về sự khiêm tốn. Họ mất hai triệu thường dân và một triệu lính, và chúng ta mất hơn 58.000 cả nam lẫn nữ. Họ không nói tới chuyện đó trên góc độ cá nhân, ít ra là họ không trách móc. Họ nói: Không phải anh, mà là chính phủ của anh.

Buồng tôi trong toa giường nệm có hai người độ ngoài hai mươi tuổi đang nói chuyện: anh Phạm Văn Hai tiễn vợ đi. Họ ngồi nắm tay nhau bên giường cô ấy, đối diện với giường tôi.

Anh Phạm nói: “Cô ấy xuống Qui Nhơn. Tôi không đi. Cô ấy đi thăm gia đình.”

Tôi xem trong bản đồ của mình thấy nửa đường tới Huế là Qui Nhơn, thủ phủ của tỉnh Bình Định, nơi trước kia đánh nhau dữ dội. Nhưng anh Phạm không nhắc tới chuyện đó. Anh nói anh lớn lên ở đó, và vì Qui Nhơn ít việc làm, anh và vợ đi tìm việc nơi khác.

“Vì vậy chúng tôi vào Sài Gòn.” Cho tới lúc này tôi chưa gặp ai dùng tên Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Phạm nói anh làm về địa ốc. “Chúng tôi bận lắm. Ai cũng đi tìm bất động sản.”

“Chỗ đông đúc mà.”

Anh Phạm nhún vai nói: “Thành phố Sài Gòn không đẹp. Nhưng nó sẽ đẹp. Tôi đã thấy Singapore và Bangkok. Chúng tôi cần thêm đầu tư ngoại quốc, như họ. Nhiều công ty đang tới đây. Chúng tôi sẽ làm thành phố đẹp.”

Anh nói ngành địa ốc đang phất. Nhà chung cư đang lên, cao ốc đáp ứng nhu cầu. Anh cũng tham gia vào xây dựng nên anh biết. Trong lúc anh nói, vợ anh ngồi yên nghe. Cô ta cao và thon. Cô có dáng khoẻ mạnh trong bộ quần áo thể thao ghi chữ Gymnast.

Anh Phạm đưa tôi tấm danh thiếp và nói: “Chúc ông đi bình an.” Anh bước xuống toa lúc còi hụ. Hiển nhiên đây là một trong những chuyện kỳ cục khi đi du lịch bằng xe lửa ở đây và ở nhiều nơi khác, một anh để cô vợ trẻ lại với một khách lạ ngoại quốc trong một buồng nhỏ, rồi vẫy tay tạm biệt khi họ ngồi trên cái giường hẹp như kệ sách của họ, sắp sửa sống chung 12 tiếng trong một chỗ chật chội gần gũi, lắc qua lắc lại, người phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp với ông ngoại quốc to lớn lông lá; nhưng anh ta có vẻ chẳng bận tâm.

Tên cô là Phuong. Cô còn trẻ, e thẹn và rất dịu dàng. Lát sau cô sung sướng kể là cô có thai một tháng và cô về báo tin vui cho gia đình. Lúc xe lửa rời ngoại ô Sài Gòn cô dọn giường, chui vào chăn nằm ngủ trong khi tôi nhìn thành phố trôi qua, các khu chung cư giảm thành nhà trệt rồi thành các căn chòi hướng ra kênh và ruộng lúa. Mưa vẫn rơi, Phuong ngủ hơi hé môi, và màu sáp xanh xao quyến rũ trên khuôn mặt người ngủ say. Tôi cố nhìn ra cửa sổ.

Mọi thứ an bình – đồng ruộng xanh, trẻ con chơi quanh cây ăn trái, các ga nhỏ có mái ngói đỏ, đầm lầy và ruộng bắp, bầy heo ủn ỉn, đàn gà khệnh khạng trong vườn cây. Tôi nghĩ: Cảnh điền viên.

Tôi nhớ Sài Gòn căng thẳng và hoang vắng, miền quê mờ xám và cố thủ; hồi đó ít ai gieo trồng thứ gì, nhiều nơi cấm lai vãng. Trong ký ức tôi Việt Nam rất đen tối, hiện hữu trong nỗi sợ mơ hồ - một biển mìn không thể nghĩ chuyện dạo chơi, và nhiều chiếc cầu cài bom chờ lệnh nổ.

Thế giới mờ ảo đó không phải là tôi tưởng tượng. Chiến tranh – sự tạm bợ và khẩn cấp của nó – đã biến toàn miền Nam thành một biển bùn và đường lún vì xe tải chở nặng và xe tăng. Vì thuốc khai quang chúng ta đã đổ xuống không nương tay, nên không cây nào già lắm hay lớn lắm.

Chúng tôi đi ngang Biên Hoà, nơi tôi đã đến, rồi qua vùng quê rộng mở, hàng giờ. Hiện thực Việt Nam là cảnh quan lớn, xanh và trống trải; Sài Gòn là ngoại lệ với dân số đậm đặc, kích thước và tiếng chối tai của nó. Phần lớn vùng quê chỉ là cây chuối, con trâu và nông dân cúi trên đồng lúa.

Tôi đang đọc cuốn Nỗi buồn chiến tranh, của một người Việt, Bảo Ninh, trước kia là lính. Bối cảnh cuốn sách xảy ra ở một vùng tên là Truông Gọi Hồn, gần Kontum, phía đông bắc nơi Phuong đến. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình, nhưng cũng nói về chiến trận, mười người sống sót (Bảo Ninh là một) của một tiểu đoàn 500 người chết sạch, năm 1974 không lâu trước khi Sài Gòn sập. Nói cách khác, trận đánh ấy xảy ra ngay sau khi tôi rời nơi đây lần trước.

Phuong thức dậy, ngáp và thấy tôi đang đọc. Cô nói cô không biết cuốn này. Cô nói thêm, như thể đưa lý do, cô cảm thấy không khoẻ vì có thai, và cô về nhà cũng vì vậy.

“Gia đình sẽ lo cho tôi.”

“Cô làm nghề gì ở Sài Gòn?”

Cô nói: “Tôi là kiểm soát viên trong xưởng giày. Chúng tôi may giày da cho phụ nữ.”

Tôi vẽ hình một chiếc giày gót nhọn kiểu cách trên một trang trong cuốn sổ tay của tôi. Cô nhìn nó rồi cười. Cô nói: “Đúng!” Nó được xuất cảng sang Âu châu và Mỹ.

Với sự thẳng thừng quen thuộc của du khách ở một nước như vậy – tôi chưa bao giờ dám hỏi người Mỹ những câu này – tôi hỏi cô kiếm được bao nhiêu và chi tiết việc làm của cô. Cô nói cô và đồng nghiệp kiếm 400 đô la mỗi tháng. Có thật không? Chồng cô kiếm 700 đô một tháng. Mấy con số này quá cao so với lương công nhân cùng nghề mà tôi đã gặp ở Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi trời sụp tối ở Cam Ranh – trước kia tôi cũng đã đến đây, hồi đó bị bao vây – hai ông trung niên vào buồng và lên giường trên. Họ là công nhân; cả hai mang theo mũ lao động. Họ nằm trên giường họ tới khi trưởng toa mặc đồng phục xanh mang thức ăn tối đến: mỗi người chúng tôi nhận một khay nhựa, một hộp cơm, và một hộp dưa muối.

Một trong hai ông hỏi: “Ông nhậu không?” Ông đưa tôi chai rượu chuối nâu nâu, màu trà nhạt. Tôi ngửi và vì lịch sự nhấp một hớp nhỏ có vị như thuốc khử trùng.

Nha Trang, trong ký ức tôi cũng bị bao vây chẳng kém, là điểm dừng kế tiếp.

Phuong nói: “Đây là thành phố du lịch.”

Ở đây mưa to, bão cuồn cuộn trên đầu, mưa đập lên vách các căn chòi gần đó. Phuong chạy trong mưa rồi vội vàng trở lại buồng với hai trái bắp luộc mập mạp, một trái cô giữ thẳng đứng trên đùi trong bàn tay xanh xao. Cô mỉm cười lột vỏ nó cho tôi bằng những ngón tay thon.

“Cô gọi món này là gì?”

Cô nói: “Popcorn.”

Tôi tiếp tục đọc Nỗi buồn chiến tranh, rồi chợp ngủ, thức giấc khi xe lửa đến Qui Nhơn khoảng nửa đêm. Phuong bắt tay tôi rồi xuống xe. Một ông to lớn khò khè vào buồng và lập tức chiếm giường cô. Ông ngồi uống bia và đăm đăm nhìn tôi với đôi mắt đục. Tôi lo mất hành lý, vì vậy tôi nhét nó dưới gối và ngủ đến tảng sáng.

Biển động, khuấy lên vì bão, cách đường ray ven bờ chỉ hơn mười mét. Tàn dư cơn bão làm bờ biển ướt sũng. Tôi thức giấc ở Đà Nẵng, trước kia tôi cũng đã đến đây, một thành phố bị bao vây, ở đây một nhân viên hoả xa gan lì đã đưa tôi lên một đầu máy đi ngược lại để chứng minh một việc. Ông ta mỉm cười và có vẻ hơi rồ nói rằng trên đường ray có thể có mìn, nhưng dù vậy “Việt Cộng cũng không thể chặn chúng tôi lại”. Hồi đó tôi thấy như thế rất đáng sợ, nỗi sợ không thể xoá nhoà trong tâm trí tôi. Bây giờ trái lại, gần như thiu thiu ngủ, chúng tôi lăn bánh qua rừng dừa, qua những khu nghỉ mát ven biển thay cho các ụ súng trên từng khúc bờ biển đứt đoạn.

Cây chuối nhỏ nước lỏng tỏng, đụn cát xám ướt đẫm, xuồng ba lá mảnh mai kéo lên quá mực thủy triều, các ô cửa sổ của toa xe nhoà nước mưa. Ông uống bia đã biến mất ở Đà Nẵng. Trưởng toa mang đến cho ba người còn lại chúng tôi mấy tô mì. Tôi bóc quýt mua ở Ga Sài Gòn và mời hai ông kia – họ là thợ xây dựng – lúc này đang ngồi đối diện tôi.

Họ nói được sơ tiếng Anh, nhưng lúc đầu chúng tôi không nói gì nhiều. Oanh, người nhỏ hơn, rắn chắc hơn trong hai người, ăn xong mì và uống rượu chuối bằng cái nắp. Thanh, bạn anh ta, khi ấy làm tôi ngạc nhiên và hơi cảnh giác khi anh quỳ xuống khoá cửa buồng.

Tôi hỏi: “Tại sao anh khoá lại?”

Thanh mỉm cười, đưa một ngón tay lên má theo kiểu tôi-biết-tôi-làm-gì, rồi rút cái gói nhựa trong túi quần ra. Anh ngồi xuống mở gói, tôi thoáng ngửi thấy mùi cần sa sền sệt đậm đà.

Thanh quấn một mẩu giấy báo thành cái ống nhỏ dài khoảng gang tay. Anh nhét đầy cần sa vào ống thành điếu cần sa quen thuộc, rồi châm lửa, rít một hơi, nuốt vào, khò khè trong phổi, mắt lé lại. Rồi Oanh hút một hơi, rít một cách khoái trá. Rồi tới lượt tôi - một đứa ba hoa chích choè rực rỡ lúc bảy giờ sáng.

Khi chúng tôi làm xong nghi lễ đầu ngày này, Thanh đổ chứng cớ ra ngoài cửa sổ và mở khóa cửa.

Tôi hỏi, giọng líu nhíu: “Thứ gì vậy?”

Anh ta nói: “Phien”.

Họ lặng lẽ mỉm cười, ngồi đê mê trong khi xe lửa chạy dọc theo bờ biển qua các ruộng lúa mưa dầm và cánh đồng lụt lội. Một số nhà cũng bị ngập, hàng hiên chìm dưới nước, nước tràn đầy tầng dưới. Đường ven biển là xa lộ tráng nhựa kỹ có thành chắn và thoát nước tốt, kiên cố và tốt hơn Xa lộ Kamehameha dọc bờ biển ở Oahu chẳng hạn. Đường vắng, trừ vài chiếc ô tô và vài người đi gắn máy đội mũ nhựa lượn theo. Một tấm bảng lớn vui nhộn quảng cáo một loại gạo dựng lên ở đầu cầu xe lửa và cống nước, chỗ trước kia tôi thấy phải là nơi đặt ụ súng.

Tin tức lúc đó nói về Chiến tranh Iraq, vì thế (dù tôi thấy là tin đáng buồn) thật phấn khởi khi thấy sự hài hoà và thanh bình này: cuộc sống sau chiến tranh, không oán hờn, không trách móc, chôn vùi quá khứ, người ta nhìn về tương lai.

Để bỏ bớt sách trong hành lý, tôi chép lại những câu trích trong cuốn tiểu sử Pol Pot vào sổ tay. Nhận ra mặt Pol Pot trên trang bìa, Oanh vỗ lên bìa sách.

Tôi nói: “Pol Pot.”

Anh nói: “Thằng xấu.”

Anh nói vài câu tiếng Việt với Thanh. Thanh nói: “Chúng tôi chiến đấu,” và anh vỗ lên mặt Pol Pot. Anh lấy bút của tôi, viết 19761978 vào cuốn sổ của tôi, rồi đưa hai ngón tay, nghĩa là hai năm ở Cam Bốt. Anh chỉ Oanh, “Cả nó nữa.”

Vẫn còn vẻ nhăn nhở vì ma túy, Thanh nói với điệu bộ và giọng trệu trạo rằng anh và Oanh đã chiến đấu trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Nam để lật đổ Pol Pot và chính quyền Khmer Đỏ. Đây là cuộc chiến tranh gọi là ủy nhiệm của nội các Carter, khi chúng ta đứng ngoài chỉ trích kịch liệt, khuyến khích Trung quốc và hy vọng Việt Nam sẽ suy yếu.

Tôi nói: “Anh cũng chiến đấu ở đây chứ? Là Việt Cộng?”

“Ồ, có chứ. Sáu mươi chín trở đi. Cả nó nữa.”

Cách chấp nhận nghịch cảnh và kiên cường của họ giống với nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Họ nói họ đã vận chuyển lương thực và tiếp liệu xuống Đường mòn Hồ Chí Minh. Cả hai bị máy bay Mỹ dội bom ở một nơi gọi là Dốc Mèo[29]. Họ đã tham chiến hai mươi năm, trước tiên là đánh Mỹ, rồi tới Cam Bốt. Giờ đây họ là công nhân xây dựng ở Hà Nội, xây các cao ốc mới.

Oanh hỏi: “Ông nước nào?”

“Mỹ.”

Câu trả lời làm anh hơi ngạc nhiên và mỉm cười. Anh bắt tay tôi. Chúng tôi bắt tay nhau. Giống như anh Phạm hôm qua, cuộc gặp gỡ này chỉ có tình thân – không giảng đạo đức, không nhăn mặt, không trách mắng. Gần như mọi người Việt tôi gặp đều như vậy – không nhìn về quá khứ rồi lẩm bẩm lời mắng mỏ hận thù “Không bao giờ quên!” mà với tâm hồn thương cảm, xoay sở sống, hy vọng và nhân bản.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật chính tên Kiên nghe vài anh lính ở Hà Nội kể về chiến thắng ở Cam Bốt. “But he knew it wasn’t true that young Vietnamese loved war. Not true at all. If war came they would fight, and fight courageously. But that didn’t mean they loved fighting. No. The ones who loved war were not the young men, but the others, like the politicians.”[30]

Xe lửa vào Huế. Lần trước tôi ở đây, Huế đầy lính Mỹ giận dữ và sợ hãi, và như địa ngục. Địa ngục chiến tranh – bùn lầy, đổ nát, lửa cháy, và cả thành phố hôi hám tàn tạ – không phải là ẩn dụ vô nghĩa mà là địa ngục thật.

*

Tôi nhớ Huế như một thị trấn bị chiến tranh phá tan tành và hầu như trống vắng, phố xá lầy lội, nhà cửa khép kín, khách sạn Morin Frères, đèn đóm lờ mờ, các đội tuần tiễu của quân lực Việt Nam Cộng hoà chạy xe jeep vội qua các con đường ổ gà, và bọn dắt mối hứa hẹn đê mê trong cuộc chơi ma túy và gái điếm trên chiếc ghe nhỏ thắp đèn lồng trên sông Hương. Gái điếm và lính là tất cả những gì còn lại của một thành phố tan hoang bị tàn phá trong trận tấn công Tết 1968, khi Việt Cộng chiếm giữ và treo cờ của họ trên Thành nội Huế trong 24 ngày. Và lá cờ lại bay trên đó, nhưng là trên một Thành nội và cung điện được xây dựng lại, hồi đó chỉ là nói phóng đại, bây giờ là hiện thực.

Tôi lại ở trong Morin, khách sạn bên sông, nhưng nó được tái sinh. Thành phố đã phục hồi và mở rộng: trước kia Pháp xây toà hành chính và nhà thờ và trường học, còn bên kia sông mang phong cách Trung Hoa, phố buôn bán nhỏ, nhà trệt có sân vườn xây tường bao quanh, các ngõ hẹp, quán rượu và tiệm ăn nhỏ. Nghề xích lô hồi sinh, những chiếc xích lô và cả câu nói liến thoắng: “Massage, sir? You want girl? Nice girl! I take you!

Điều hấp dẫn tôi nhất về Huế không phải là nó liên hệ với hoàng triều hay vẻ kiêu kỳ Đông Dương hay bất cứ đền đài nào, mà chỉ là những gian bếp thông thống của nó. Vì nóng, mà cũng vì là thành phố lặng lẽ, tôi có thể thấy người ta, thường là phụ nữ, nấu bữa ăn tối, bún trong cái nồi lớn, hay nướng thịt, bánh trong chảo, và gia đình ngồi ăn trên mấy cái ghế thấp bằng gỗ. Không gì thanh bình bằng cảnh người ta từ tốn ăn và có nhiều thức ăn: một phần cuộc sống gia đình diễn ra lộ thiên, các bà cụ và trẻ con ngồi ở ngưỡng cửa, nhìn mưa rơi.

Bếp nhà không khác với hàng quán. Nhà hàng mở toang để vừa là nhà vừa là hàng: phụ nữ nhúng bún trong nồi súp với rau, vừa trò chuyện với bạn, vừa trông nom con cái, và phục vụ khách hàng, tất cả cùng một lúc.

Nhớ lại sự bồn chồn tôi có ở đây trong thời chiến, hồi đó tôi không bao giờ thả bộ đi đâu – tôi được chở đi thật nhanh tới nơi đến – tôi tản bộ qua sông tới bờ phía bắc và chợ Đông Ba để ngắm đống trái cây và rau, đống nồi chảo, sạp nước trà, những lát cá trê và lươn và cá ngừ, tiệm tạp hoá bán gia vị, quầy thuốc nam, tủ rượu rắn (mỗi chai ngâm một con rắn hổ mang cuộn tròn), những đống quần áo. Bên ngoài, sau lưng chợ là sông, một cô gái thướt tha đội nón lá đang chèo chiếc tam bản, đứng phía sau điều khiển mái chèo như lái chiếc ghe đáy bằng. Trên bờ đê, một bà giặt quần áo bên sông, vài ông vác hàng lên sà lan, các gia đình đang lên mấy chiếc tàu lớn đi dọc sông dài để về làng. Tàu bè di chuyển trên sông như những con bọ nước, qua nhà máy bia cũ kỹ, các đền đài tàn tạ, rặng tre hai bên bờ, các nhà thuyền thả neo từng cụm thành ngôi làng nổi.

Tất cả thể hiện sức sống, sự phong phú, và màu sắc Á châu cổ xưa. Nhưng cùng với rượu rắn và gạc nai nghiền thành bột làm thuốc kích dục và các thỏi trà thơm ngát là một Á châu mới với sao chép lậu tài tình: giày Nikes nhái, đồng hồ giả Tag Heuer 15 đô la, áo polo Lacoste, bật lửa Zippo, và hàng núi CD lậu. Và có lẽ là một Á châu mới theo cách nhà buôn Việt Nam liên tục quấy rầy kẻ qua đường, thường quát “Mại dô!” với tôi, giống như phu xích lô réo “Mát-xa!” – dai dẳng tới mức khó chịu. Nhưng ai có thể trách họ được?

Một ông già bán rong nói: “Tôi làm cho Mỹ.” Và một ông xích lô già bảo tôi: “Tôi đi lính với người Mỹ.” Ở Huế tôi thường nghe nói như thế.

Trong một ngõ hẻm, tôi dừng lại nghỉ trong một quán mở toang, ngồi trên chiếc ghế đẩu tránh mưa. Một bà bưng ra tô súp cá và đĩa trứng cút luộc chín. Tôi uống trà, và ngay sau khi đứa con gái vị thành niên của bà đi học về, nó dịch câu hỏi của bà: Ông có vợ không? Ông có con không? Ông thích súp cá không (cô con gái nói là bánh canh cá lóc)? Và ông người nước nào?

À, phải, người Mỹ! Hân hạnh đón ông! Mời ông dùng thêm súp cá!

Một điều làm tôi chú ý hơn bất cứ điều gì ở Huế. Tạm gác qua ký ức của tôi về vẻ thiếu sinh khí và nỗi kinh hoàng, sự kỳ quái của chiến tranh: hoảng loạn phút trước và buồn chán phút sau, bộ máy quan liêu và thủ tục cồng kềnh, tình trạng hồi hộp cũng là một phần của nỗi kinh hoàng. Sự khác biệt lớn tới nỗi gần như xoá nhoà ký ức.

Từ lúc vào Việt Nam tôi đã ý thức điều này, dù không chủ tâm hay không ghi lại trong sổ. Đó là y phục của dân chúng – màu trắng của y phục trắng, cổ áo cứng, áo dài trang nhã, nhiều ông mặc sơ mi hay áo vét, quần áo trẻ con xinh xắn gọn gàng, và không phải vì nó mới mà vì nó sạch, người ta ăn mặc bảnh bao và lịch sự, nói năng tự tin và tự trọng; ngay cả tại các khu lầy lội nhất ở Huế, áo quần cũng được giặt sạch.

Tất cả đều mới đối với tôi, Huế thời bình không giống chút nào với Huế thời chiến. Ổ súng và công sự của Việt Cộng trên tường thành cổ trông như công trình vô ích cũ kỹ hơn là tàn tích của trận đánh. Ngoại trừ Thành nội, Huế không chỉ xây dựng lại hay phục hồi, mà đúng ra là tái sinh, như nhiều nơi khác ở Việt Nam, cả thành phố trỗi lên từ tro bụi chiến tranh.

Tôi khen món súp cá với một ông ở Huế, ông nói: “Ông nên thử súp lươn.”

Đi tìm súp lươn, tôi gặp ông Son, tiệm của ông ở góc đông nam thành phố, cũng là gian bếp mở của gia đình, vì nó chỉ có hai bàn và vài cái ghế đẩu. Tấm bảng viết tay ghi Cháo Lươn. Ông chẳng có người khách nào. Ông cũng bán bia, rượu, thịt hộp, và bún khô; vợ ông giặt ủi. Ông có súp cá chứ không có súp lươn.

Ông Son nói: “Buôn bán ế ẩm. Nếu đông khách thì tôi sẽ tìm thêm bàn.”

“Ông nói tiếng Anh khá.”

“Tôi làm việc cho quân đội Mỹ mà.”

“Năm nào?”

“Mấy năm tệ hại. Sáu tám tới khi họ rút. Tôi nấu ăn ở Camp Eagle. Sư đoàn Một Nhảy dù.” Ông giải thích căn cứ này cách Huế khoảng mười dặm – lính Mỹ đóng ngoài thành phố.

Khi tôi ăn xong, ông nói nếu ngày mai tôi quay lại thì ông sẽ nấu súp lươn cho tôi. Nấu theo cách bà nội của ông.

Tối hôm sau ông Son đợi tôi. Tôi trông ngóng đến lúc gặp ông, vì ông cùng tuổi với tôi và ông nói tiếng Anh, và ông đã ở Huế hồi tôi đến đây lần trước, trong thời điểm ám ảnh và căng thẳng ấy, từ lúc Mỹ rút năm 1972 tới khi Sài Gòn sụp đổ ba năm sau.

Một lần nữa tôi là khách hàng duy nhất. Tôi uống bia, ông Son ngồi tiếp món súp lươn và giảng giải cách nấu của bà nội ông. Bà làm bếp trong hoàng cung từ năm 1917, hồi hoàng đế triều Nguyễn còn trị vì.

Súp lươn của Mệ Son: cho thật nhiều xương heo và nước vào một cái nồi lớn, đun lửa nhỏ với rau trong năm tiếng. Gạn nước dùng ra. Xào hành và tỏi trong cái nồi lớn khác. Thêm nấm, ớt, gia vị (hồi và đậu khấu), đậu xanh và đậu trắng, và lươn chặt thành khúc. Cho nước dùng vào. Nấu đến khi sôi rồi để lửa nhỏ khoảng một tiếng.

Tôi ăn súp, và chúng tôi nói chuyện chiến tranh. Ông nói lạ là chẳng mấy ai nhắc đến chiến tranh nữa. Đa số quá trẻ để nhớ, hay đã sinh ra trong thời đại khá hơn. Ông nói thời chiến là thời khốn khổ, nhưng hồi đó ông đã học làm đầu bếp và thích công việc của mình.

Ông nói: “Tôi thích người Mỹ. Họ tốt với tôi.”

Với số lương khoảng 30 đô la một tháng – 300 đô la đỏ; Quân đội Mỹ ở Việt Nam in tiền riêng để dùng[31] – ông vào nghề ở vai thấp nhất trong bếp.

“Đầu tiên, vì tôi biết viết tiếng Anh, tôi làm bản kê khai. ‘Beans’, ‘bread’, ‘meat’, ‘flour’. Rồi tôi nấu mấy món dễ. Mì Ý dễ nấu. Hamburgers cũng dễ. Bọn họ ăn.”

Ông uống trà trong lúc tôi ăn món súp lươn đậm đà và đặc vì đậu và lươn chặt khúc.

Ông nói: “Nhiều người trong bọn họ chết. Nhiều bạn của tôi cũng chết.”

Tôi hỏi: “Ông nghĩ sao?”

Ông nhăn mặt: “Kinh hoàng. Huế không còn cái gì. Không còn gì! Toàn là bất trắc. Không còn ai. Đánh nhau đây đó, và bom.”

“Lúc tôi đến đây thì lính Mỹ đã rút.”

“Họ cứ rút thôi.” Ông mỉm cười, không phải giễu cợt mà vì kinh hoàng. “Hồi đó năm 72. Tôi hết việc. Tôi chẳng biết làm gì. Tất cả chúng tôi chờ, rồi nó tới – Việt Cộng.”

“Hồi đó ông ở đâu?”

“Ở đây, nhưng tôi không ở tại chỗ. Tôi chạy. Tôi có chiếc gắn máy, tôi trốn về vùng quê. Nhà tôi ở đây tiêu tùng. Không có giấy tờ gì. Không ai biết tôi làm gì. Lúc tôi trở về Huế, bộ đội tìm thấy tôi.”

“Ông sợ không?”

“Sợ. Tôi bảo họ, ‘Tôi yêu hoà bình!’ Sự thật là vậy.”

“Không bị tù?”

“Không tù.” Ông đứng lên mở một chai bia khác cho tôi. Rồi ông lại ngồi xuống ghế nói: “Mấy năm sau bết lắm. Từ 75 tới 78 chúng tôi không thực phẩm, không tiền, không áo quần, cái gì cũng không. Gần như tệ hơn chiến tranh.”

Đó là những năm Mỹ cấm vận – kéo dài tới 1994 – đầu óc nhỏ mọn vì thất trận, chúng ta hy vọng làm cho người Việt hối hận là đã thắng trận, và trừng phạt họ bằng cách ngăn chặn viện trợ và thực phẩm. Và chúng ta đã đứng ngoài khi Trung quốc xâm lăng phía bắc và trở thành đoàn quân chiếm đóng. Đó là những năm bang giao hữu hảo đầu tiên của Mỹ với Trung quốc, mối đe dọa ngàn đời và kẻ cựu thù của Việt Nam.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, người cha già của ông Son từ ngoài đường bước vào. Ông nhỏ nhắn và thanh tú, gương mặt ân cần, bộ râu thưa, bàn tay xương xẩu. Ông gầy nhưng có vẻ khoẻ mạnh.

Ông Son nói về cha ông: “Không hút thuốc, không uống rượu.”

Ông cụ ngoài tám mươi, sống suốt đời ở Huế, đã thấy nhiều – thấy ít nhất một ông vua triều Nguyễn ở cung đình, thực dân Pháp, người Nhật, và đủ thứ chiến trận, trong đó vụ tàn sát và chặt đầu hồi Tết năm 1968 chỉ là một trong nhiều biến động.

Tôi nói: “Ông cụ giống Uncle Hồ.”

Ông Son nói: “Hồ là người tốt. Ông ta lớn lên gần vùng này. Ngay cả lúc đã là nhân vật quan trọng ông ấy vẫn mặc quần áo giản dị, chứ không sang.” Ông cười, suy nghĩ. “Giống như ông với tôi!”

Ông cụ mỉm cười. Tôi nhận xét là ông cụ cười.

Ông Son nói: “Cha tôi làm việc cho người Mỹ. Họ thích ổng. Sự việc khá hơn. Bây giờ tốt rồi. Chúng tôi vui.”

Chương 26

Chuyến xe lửa ban ngày đi Hà Nội

Ngay cả hồi chiến tranh, lúc tôi đi du lịch ở đây, tôi đã nghĩ nếu Việt Nam không đẹp như vậy thì chúng ta đã không cướp lấy nó, và người Pháp cũng chẳng bận tâm lập thuộc địa và bóc lột nó. Núi non mát mẻ, dốc đứng, nhấp nhô, thung lũng rậm rạp, rừng mây phủ đổ dốc qua các cánh đồng phì nhiêu tới cái nóng miền duyên hải của bãi biển cát trắng cây cối sum suê; người dân nhã nhặn, chăm chỉ và ân cần; hơi ấm nhiệt đới vây bọc như biến nó thành vườn địa đàng. Dĩ nhiên ngoại nhân muốn chiếm đất và người, dù phải dội bom nó tan tành. Nhưng người Việt kiên trì, bình tĩnh và chiến thắng.

Tới lúc này tôi chưa thấy Hà Nội, một nơi trịnh trọng như một khu ở Paris, theo như dự tính hồi nó là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Người Pháp thua trận nhục nhã, hàng ngàn lính đầu hàng, bị bắt sống, và bị đuổi đi; nhưng ít nhất họ đã để lại những đại lộ dài với những dinh thự uy nghi. Chúng ta chẳng để lại gì ngoại trừ vô số vết sẹo và chấn thương từ việc làm hoàn toàn thảm hại, mười năm kinh hoàng và bảy triệu tấn bom.

Chúng ta đã ở Huế nhưng chẳng cải thiện gì nơi ấy. Nhà ga xe lửa nhỏ sơn hồng và trắng, nằm như cái bánh sinh nhật cũ trên tuyến đường của chính nó, là sản phẩm của thuộc địa Pháp. Lần trước tôi thấy nó điêu tàn. Bây giờ nó hoạt động lại, chật ních người, hữu hiệu, phòng đợi sạch và các chuyến xe đều đặn. Tôi có vé cho chuyến đi 12 tiếng tới Hà Nội, một điều tôi đã muốn làm từ bao nhiêu năm qua.

Giờ đây tôi ngồi trên chuyến xe chở hành khách, lách cách về hướng bắc trên đường ray dọc theo Con Lộ Buồn, như người Pháp rút lui gọi nó, qua những đồi cát và đầm lầy u ám gần biển. Khu phi quân sự hồi trước dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị ngay phía bắc Huế, vẫn còn rải rác bom mìn chưa nổ và nhiều xe tăng hỏng và vỏ đạn mà dân chúng vùng này vẫn bới lấy sắt vụn.

Thị trấn Đồng Hới có nhà mới và mái ngói tươi màu vì một lý do: nó lại trỗi lên sau khi cháy rụi. (Sách du lịch: “Nó bị bom Mỹ xóa khỏi bản đồ.”) Đây đó giữa các biệt thự hồng và nhà trệt, người ta đốt lò nung khói um trong khi kẻ khác chất gạch, thị trấn vẫn đang xây dựng lại. Thị trấn Vinh cũng thế, bom Mỹ biến nó thành tro bụi, bây giờ nó đang trỗi dậy. Đa số nhà tôi thấy bên kia vĩ tuyến 17 là nhà mới, nhà cũ đã bị cháy hay nổ tung.

Nhưng Việt Nam cũ vẫn tồn tại giữa cái mới. Người lún tới đầu gối dưới bùn ngoài ruộng lúa, đang cày trâu, một vẻ hài hoà giữa mảnh ruộng vuông và cái nón lá tròn của họ, với những đường cày thẳng sũng nước.

Lát sau, chúng tôi chợt đi ngang những gò núi đá khổng lồ, vách thẳng đứng, đỉnh tròn. Anh bảo vệ trên xe lửa bảo tôi đó là Quảng Bình. Gò đá đó kéo dài hàng dặm. Nhìn thấy vòm giáo đường lớn từ xa, trưởng toa làm dấu thánh giá để cho tôi biết đó là nhà thờ Công giáo.

Nghe chúng tôi nói chuyện, một thanh niên đến chào và giật lấy kính râm của tôi. Anh ta đeo lên làm hề, chế nhạo tôi, với các bạn anh.

Anh ta reo lên: “CIA! CIA!”

Tôi hỏi: “Anh nghĩ thế à?”

Anh ta chỉ ngón tay vào tôi và nói: “Ừ. Ông CIA!” Nhưng anh ta cười. Rồi anh đeo ngược cái kính râm và lại làm trò hề, các bạn anh cười.

Trong lúc các bạn anh thử đeo kính của tôi và nhăn nhó, trưởng toa hỏi tôi từ đâu đến, và sau khi tôi nói, ông hỏi: “Ông nghĩ gì khi ở Việt Nam?”

“Mừng là thịnh vượng, và buồn vì chúng tôi đã bỏ bom.”

Ông nói: “Tôi cũng nghĩ vậy.” Vẻ mặt ông khá nghiêm, và ông biết bất cứ nơi nào chúng tôi đi trên tuyến đường này đến Hà Nội cũng đều có hố bom. Và một sự kiện hiển hiện khác của chuyến đi là màn ảnh TV trên toa xe đang chiếu phim hoạt hoạ Tom và Jerry[32], lồng tiếng Việt.

Chuyến xe đầy người Việt, một số xuống các trạm nhỏ, phần lớn đi tới thủ đô. Họ xem phim hoạt hoạ, họ ngủ gà gật, họ đọc, họ tán gẫu. Hộp thức ăn đưa cho mỗi hành khách, gồm cơm, bắp cải muối, đậu phụ, và một miếng xam xám dai như cao su có thể là thịt nhưng cũng có thể là miếng vá ruột bánh xe. Bên ngoài, mỗi khi qua cánh đồng đều thấy người đang làm việc, cắm cúi, cuốc, đào, cày. Mọi thứ tôi thấy đều là hiện thân của hoà bình và hy vọng.

Ngay cả anh chàng nghịch cái kính của tôi cũng làm tôi hy vọng. Anh ta thốt lên “CIA!” lúc tôi đi để giãn chân ngang hàng ghế của anh. Nhưng anh ta vô hại – tôi thường xem trêu chọc là một dạng của tin cẩn và trìu mến. Khi chúng tôi gần đến Hà Nội, cũng anh ta bảo giúp tôi những gì tôi phải xem: múa rối nước, mấy cái hồ, khu phố cổ, lăng ông Hồ.

*

Nắng đã gần tắt lúc xe lửa đến Hà Nội, nhưng đèn đóm chói loà và các đại lộ treo đèn kết hoa khiến cho thành phố có vẻ chững chạc hơn rất nhiều, bí ẩn của bóng đêm, trong đó những hồ nước lộng lẫy và ngôi nhà hát khổng lồ ngự trị, và khi ấy tôi thấy nó lạ kỳ, một thứ Paris Á châu.

Tôi không biết. Nhưng làm sao tôi phải biết? Thành phố quý phái luôn bị người Mỹ coi là thủ đô thù địch, ổ chuột của bọn gian ác, và bị chúng ta tuyên truyền dè bỉu, tốt hơn là nên bị bom và xoá trên bản đồ. Đó là một bài học nữa trong cách biện minh xuyên tạc của chiến tranh: bọn người ác quỷ sẽ đáng chết hơn, các thành phố cặn bã đáng bị phá hủy hơn. Xem họ như thấp hèn hay đáng mắng nhiếc hay thù nghịch một cách bệnh hoạn, thì họ tan biến đi cũng không mất mát gì lắm.

Vẻ quyến rũ Parisien có một chiều kích khác. Tôi tìm thấy một khách sạn trong hẻm ở khu phố Tây, gần Metropole nổi tiếng nhưng quá đắt. Tôi tản bộ lúc đã khuya và thấy giữa các quán cà phê và nhà hàng và các biệt thự trang nhã, giữa tất cả nét Tây này, cũng có tiệm phở, gánh hàng rong và người bán dạo tụ tập gần các điểm bán bia tươi và cá xông khói. Trong cái thành phố lớn, nhìn giản dị, Âu hoá, có một thành phố khác đông hơn, phức tạp hơn kiểu Á châu, và rẻ hơn khá nhiều.

Thả bộ về khách sạn, cảm thấy vui, tôi dừng lại bên một gốc cây để xem xe đạp và xe máy chạy ngang thì một chiếc gắn máy nhào lên vệ đường cách vài bước, lao thẳng tới tôi. Tay khuỳnh trên cần lái, một thiếu nữ vẻ mặt dâm đãng, tóc dài, găng trắng, ủng cao tới đùi, rồ máy và hôn gió tôi.

Get on! You come me!” Cô nhích tới để có chỗ cho tôi trên yên xe.

I come with you?

Me madam. Come my hotel. Get on!

Mơ ước rập khuôn của phái nữ là được một hiệp sĩ đẹp trai hốt lên ngựa. Tương tự như vậy, mơ ước của nam giới mà bạn không bao giờ dám nghĩ tới: chạm trán trong ngõ tối với một cô tóc dài ngồi dạng chân trên xe gắn máy và được hốt lên xe. Dù vậy, tôi lưỡng lự.

You want boom-boom?

“Ừ tôi muốn,” tôi cười ngưỡng mộ sự bất ngờ và thẳng thắn. “Nhưng tối nay không được.”

Cô nói: “Bốn chục đô.” Fotty dolla, kiểu phát âm Boston.

Tôi phải từ chối, không phải vì tôi không muốn, nhưng vì tôi là ông già có gia đình hạnh phúc và đang muốn tìm một quán cà phê internet để gửi điện thư cho vợ hơn là nhảy lên xe hai bánh để được đưa qua cánh cửa tình ái. Chuyện này xảy ra hai lần nữa, không tìm mà gặp, khi người đẹp cưỡi xe lao lên vỉa hè và mỉm cười sốt sắng, rồ máy xe, mời tôi phóng đi. Lần nào họ cũng hứa cùng một thứ.

Get on! You want boom-boom?

*

Hà Nội là thành phố trang trọng với những đại lộ rộng, cây cối cắt tỉa thái quá và dinh thự thuộc địa khoa trương, các biệt thự ăn ảnh với vòm tròn và mái hai mảng, các toà nhà hành chính bệ vệ – đủ loại mặt tiền kiểu Pháp hoa lệ, trong đó có nhà hát thế kỷ 19 – và nhiều tiệm ăn ngon. Đồng thời Hà Nội cũng là thành phố tự phát với các khu hôi hám, phố xá mê cung, quán phở, chợ trời ầm ĩ tiếng người rao chói lói và trái cây bị dẫm nhoe nhoét. Nó cũng là thành phố của các công viên trang nghiêm và hồ nước được tô điểm quanh bờ. Thủ đô Pháp hoá thân thành thủ đô Việt không có một dấu hiệu nào chứng tỏ Mỹ có dính vào. Dĩ nhiên chúng ta không dính vào: chúng ta đã bỏ bom Hà Nội và thả mìn phong toả cảng Hải Phòng, vì thế quá khứ của chúng ta ở Hà Nội là hành vi bạo động ô nhục và ác ý được thực hiện từ trên không.

Tôi liên tục ngạc nhiên là phần lớn người Việt sẵn lòng tha thứ, hay bỏ qua, khi chạm tới đề tài chiến tranh. Một ngoại lệ là trận bom mùa Giáng sinh ở Hà Nội trong ký ức của người phải gánh chịu. Hành động diệt chủng rõ ràng này của đầu óc cực kỳ độc ác xảy ra vào tháng 12/1972, chỉ vài tuần trước khi ký kết ngưng bắn, như cú tát hằn học cuối cùng, nhưng nó không chỉ là một cú tát mà là trận bom lửa ồ ạt nhằm đốt rụi và doạ cho người Việt sợ.

Nixon ra lệnh bỏ bom vào giữa tháng 12, và trong 11 ngày bầu trời thủ đô đen nghịt oanh tạc cơ B-52. Trên đường bay, máy bay rải bốn chục ngàn tấn bom mìn từ Hà Nội tới cảng Hải Phòng, giết khoảng 1.600 người Việt. Máy bay Mỹ bị bắn rơi 23 chiếc, và chúng ta tức giận vì phi công sống sót bị tù. “Mục tiêu quân sự” là lời bào chữa của chúng ta do Nixon và Kissinger đưa ra lúc ấy, nhưng điều dối trá này rõ ràng là tuyên truyền. Lấy thí dụ, trong một khu phố cổ ở Hà Nội, mọi nhà trên Phố Khâm Thiên bị đánh sập, nhiều thường dân chết – gần như toàn là phụ nữ và trẻ em, vì chồng và cha họ đang chiến đấu ở xa.

Vào ngày thứ hai của tôi ở Hà Nội, một ông nhắc tới chuyện này với tôi. Ông khoảng ngoài 50, và khi nhớ lại, ông chỉ nói “Tệ lắm.”

Tôi thấy hình ảnh trận bom đó và những thứ khác trong Bảo tàng Quân đội. Một lần nữa, hình do nhiếp ảnh gia Mỹ chụp gây sửng sốt hơn hình của người Việt.

Trong sân bảo tàng, giống như xếp đặt của nghệ nhân, có các mảng máy bay Mỹ, một chiếc được dựng thẳng đứng, cao bốn tầng lầu, mũi máy bay giống như tháp nhà thờ. Toàn bộ thân, cánh, đuôi và huy hiệu ráp lại có vẻ phình ra. Tấm bảng bên cạnh nó ghi 40.000 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam từ 1961 đến 1973. Giọng điệu có ý thiên lệch và con số có thể phóng đại, nhưng không thể không thấy tác phẩm này giống như điện thờ máy bay bị bắn rơi và sự vô ích của chiến tranh.

Tất cả đều quen thuộc đối với tôi, và nên với tất cả mọi người Mỹ thế hệ tôi. Nón sắt và giày, huy chương và đồ dùng cá nhân của lính Mỹ bị bắt; câu trích trong nhật ký của Tổng thống Johnson nói lên nỗi thất vọng về diễn tiến của cuộc chiến, và tấm ảnh kèm theo cho thấy sự lo lắng của ông, nét mặt phệ và cái mũi lố lăng của ông; gương mặt Âu-Mỹ trong ảnh nơi Phòng triển lãm Phong trào Hoà bình – loại ảnh trưng bày trong viện bảo tàng nào ở Mỹ có khu dành cho thập niên 1960, hình ảnh sinh viên cầm biểu ngữ, diễn thuyết, biểu tình và chống đối. Nó trình bày chuyện của người, hơn là quân sự của quốc gia, và nó trình bày mà không chút hả hê, khiến cho toàn bộ càng khó chịu hơn.

Một tấm vải vuông lớn in cờ Mỹ ghi tám thứ tiếng, kể cả tiếng Việt, Tàu, Lào và Cam Bốt: Tôi là một người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt. Gặp bước không may tôi phải nhờ quý ông giúp đỡ, kiếm thức ăn, chỗ ở và nhờ quý ông bảo vệ tôi. Rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa tôi đến một người nào có thể che chở cho tôi và đưa tôi về nước. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn cho quý ông. ["I am a citizen of the USA. I do not speak your language. Misfortune forces me to seek your assistance in obtaining food, shelter and protection. Please take me to someone who will provide for my safety and see that I am returned to my people. My government will reward you”.]

Lời năn nỉ này nhằm giúp lính Mỹ bị cô lập hay phi công bị bắn rơi ở Việt Nam. Giọng điệu bơ vơ và lời năn nỉ vô vọng nhằm làm mủi lòng người lạ hay thậm chí cả kẻ thù. Tôi cố tưởng tượng hiệu quả của câu in ấy đối với thời nay, tại bất kỳ nơi nào ở Mỹ, nếu nó ghi “Tôi là một người Iran” hay “một thành viên của Al Qaeda” hay “một công dân Palestine”, và cũng có lời yêu cầu thống thiết ấy, với lá cờ kẻ thù phất phới trên đó.

Đa số khách đến bảo tàng là người Việt. Họ và nhân viên bảo tàng thấy tôi, mỉm cười chào tôi, hỏi tôi từ đâu đến.

“Mỹ.”

“Chào ông.”

Tôi muốn gặp ai ở Hà Nội đã sống qua thời bị bom. Hà Nội là thành phố đi bộ được. Tôi tản bộ loanh quanh vài ngày, trong Phố Cổ và giữa các hàng quán chen chúc và đền đài và xuyên qua khu chợ lớn. Tôi xem múa rối nước, lăng ông Hồ, và bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ.

Thay vì ăn một mình trong tiệm ăn đàng hoàng – một việc đáng nản ở mọi nơi, ngồi và ngó đăm đăm – tôi lang thang, nhâm nhi, nhấm nháp, ăn phở và súp, tán gẫu với mọi người trong quán bia tươi và tiệm cà phê, để tìm nhân chứng.

Luôn luôn xảy ra lúc đi bộ, một cô nường cưỡi xe gắn máy sà đến bên cạnh và bảo tôi leo lên phía sau cô.

You come! Boom-boom!

Chuyện này xảy ra ngay cả ở các khu tu viện, biệt thự, đền đài và toà đại sứ gần Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi một hôm tôi đến xem các bức tranh lụa và đồ đồng.

Ở đó tôi đã tìm thấy chứng nhân mà tôi hy vọng gặp, một bà hồi bỏ bom mùa Giáng sinh còn là thiếu nữ. Bây giờ bà là mẹ hai đứa con gái. Đeo khăn lụa mỏng làm nổi bật gương mặt xương xương và cặp mắt sáng, bà đẹp kiểu Việt Nam, thân mình thon như vũ nữ, mảnh mai gần như xương xẩu, nhưng có vẻ không thể hủy hoại. Nét mặt thanh tao dường như mỏng manh – và hình như mọi phụ nữ Việt Nam tôi gặp đều như thế – trái nghịch hoàn toàn với tinh thần mạnh mẽ và cử chỉ nhanh nhẹn và đồng cảm của bà. Điều này nhắc tôi rằng 30 năm chiến tranh bảo vệ tổ quốc đã cho người Việt niềm tự tin không thể lay chuyển và khiến họ cảnh giác và tháo vát một cách bất thường.

Bà tên Vương Hoà Bình, con ông Vương Như Chiêm đã mất, trước kia là giám đốc bảo tàng, nơi bà làm việc và là nơi tôi gặp bà, hoàn toàn tình cờ. Bà dễ mỉm cười, bà nói lưu loát, và bà đã sống trong và gần Hà Nội suốt cuộc chiến.

Bà đã hỏi: “Ông người nước nào?”

Tôi nói. Bà chào tôi. Tôi hỏi: “Bảo tàng này có bị hư hại hồi chiến tranh không?”

Bà nói: “Nó bị bom. Dĩ nhiên cả thành phố bị bom.”

Cha bà hồi đó là giám đốc, đã lập kế hoạch chuyển các tượng Phật cổ, bia đá, tranh lụa, đồ sứ, đồ vàng, và các cuộn sách đến chỗ an toàn.

Bà nói: “Cụ giấu hết dưới hầm để khỏi bị bom Mỹ làm hư hại. Cha tôi trông nom việc phân tán và cất giấu. Ông cất nhiều nơi, để nếu chỗ nào bị bom thì chỗ khác vẫn còn nguyên vẹn.”

Ông Vương cũng dùng lý luận đó để phân tán gia đình, rải năm đứa con ông tới năm chỗ khác nhau trong và quanh Hà Nội, để gia đình có cơ hội sống còn.

“Nếu chúng tôi ở chung chỗ, bố tôi sẽ mất hết chúng tôi, nếu bom rơi trúng. Hà Nội bị bom B-52 suốt. Nhưng tất cả chúng tôi sống sót!”

“Hồi đó bà biết máy bay B-52 như thế nào à?” Tôi ngạc nhiên khi một bé gái Việt Nam 12 tuổi nhận ra từng loại máy bay. Khó có thể tưởng người Mỹ trưởng thành có thể biết một điều như vậy, thế thì làm sao bà ta biết?

Bà nói: “Ai cũng biết chiếc máy bay này. Chúng tôi sợ lắm, ngay cả trong hầm tránh bom.”

“Bà có nhớ trận bom Giáng sinh không?”

Bà lấy ngón tay thon kéo sát khăn choàng lụa và nói: “Tôi nhớ hết. Tôi nhớ ngày bom rơi ở Phố Khâm Thiên. Hôm đó là 19 tháng 12. Hôm đó một ngàn người chết, đa số là phụ nữ và trẻ con. Nhà cửa sập hết. Xem thật kinh khủng.”

“Bà thấy à?”

Bà nói: “Vâng. Cô tôi và mẹ tôi dẫn tôi đi xem thiệt hại. Chúng tôi thấy rất nhiều cratères – vâng, hố bom – hố lớn trên phố. Và người chết, lửa cháy. Tôi sợ lắm. Nhưng cô tôi và mẹ tôi nói, ‘Mình phải chứng kiến cảnh này.’ Bây giờ trên phố đó có đài tưởng niệm.”

“Dạo ấy bà sống gần đó à?”

“Chúng tôi sống ngay bên ngoài Hà Nội.” Bà ngập ngừng, rồi dường như nhớ lại và nói, “Chúng tôi không có gì nhiều để ăn. Thật ra, trong chiến tranh chúng tôi có rất ít lương thực. Lúc nào chúng tôi cũng đói. Ngay cả sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi có rất ít gạo. Và gạo mốc – gạo cũ.”

“Vì bị tàn phá à?”

“Không. Vì Mỹ cấm vận, và Trung quốc xâm lăng.”

Chúng ta đã ngăn không cho thực phẩm tới họ. Tôi không nói, dù bà Vương chắc chắn biết, rằng Trung quốc đã xâm chiếm các tỉnh phía bắc lúc chúng ta thân thiện với Tàu, và người Mỹ thích thú khi thấy người Việt tơi tả vì đói kém.

“Chúng tôi nghe nói mục tiêu dội bom là các căn cứ quân sự.”

Bà cười buồn và nói: “Cái gì cũng là mục tiêu. Cả thành phố. Nhất là đường sá và cầu cống. Cầu của chúng tôi bị bom B-52” – cầu Chương Dương ngang qua sông Hồng trên đường đi Hải Phòng. “Nhưng chúng tôi sửa lại. Nhà máy bị nhắm, bất kể là sản xuất gì. Bom liên tục nhiều năm. Cái gì cũng bị bom.”

Bà nói không chỉ Phố Khâm Thiên mà cả đường xe lửa, hồ, chùa, dinh thự, nhà tập thể, lều lán, bảo tàng, Văn miếu thế kỷ 11, nhà thờ Công giáo thế kỷ 18, nhà hát lớn, Quốc tử giám với các bia đá và tượng và đền thờ Khổng tử, chợ, ngoại ô – mọi nơi. Trong hàng triệu tấn bom chúng ta đã thả, thành phố của bà chịu rất nhiều. Năm 1968, khi có nửa triệu lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, sử gia người Anh J. M. Roberts đã viết, “số tấn bom dội trên Bắc Việt nhiều hơn tổng số bom bỏ ở Đức và Nhật trong suốt Thế chiến thứ hai.”

Bên ngoài nhà bảo tàng, mưa bắt đầu rơi. Hà Nội nổi tiếng về thời tiết xấu thường xuyên, những ngày mây mù và mưa phùn. Hạt mưa tí tách trên cửa sổ chảy xuống tấm kính, và gió hút trên khung cửa sổ làm kính kêu lách cách.

Bà Vương nói: “Mẹ tôi có người bạn, chồng làm trong nhà máy bị bom. Bà ấy chạy vội đến nhà máy khi nghe tin. Bà ấy thấy khói – xưởng cháy rồi. Bà ấy chẳng thấy gì cả. Nhưng bà ấy muốn tìm chồng, dù cho ông ấy đã chết. Nhưng không thấy ông ấy ở đó. Chỉ có đổ nát. Bà ấy băng qua chỗ khói và tro, và thấy một ngón tay giữa đám than cháy dở. Một ngón tay đeo nhẫn. Nhẫn cưới của họ! Bà biết chồng bà đã chết. Bà mang ngón tay về nhà rồi đem chôn. Bà giữ lại chiếc nhẫn. Năm nay bà ấy cho con trai cái nhẫn, lúc anh ta cưới vợ.”

Tôi nói: “Câu chuyện thật là.”

Bà nói: “Thời đó có nhiều chuyện. Chúng tôi nghèo và không có thức ăn, nhưng chúng tôi có esprit. Các anh tôi muốn đánh Mỹ. Họ muốn nhập ngũ. Chín mươi chín phần trăm thanh niên miền Bắc muốn vào bộ đội. Đi bộ đội là điều vĩ đại nhất. Không ai do dự. Tinh thần của họ như thế.”

“Thế các anh bà là bộ đội à?”

Bà lại mỉm cười nói: “Một chuyện khác nữa. Một anh của tôi xin nhập ngũ. Anh ấy về khóc, vì không đủ tuổi và trọng lượng. Anh ấy chỉ là đứa bé – nhỏ quá. Anh ấy cứ khóc, ‘Con muốn làm bộ đội!’ Một anh khác của tôi được nhận. Anh ấy mừng quá vì có dịp tham chiến.”

“Cha mẹ bà nghĩ sao?”

“Họ mừng. Mẹ tôi mừng tới nỗi cụ nhắng lên để tìm đúng vật liệu làm nem rán cho anh ấy. Hồi đó ở Hà Nội không dễ tìm! Cụ phải tìm khắp nơi. Chúng tôi làm tiệc. Mọi người vui, anh tôi vui nhất, mừng là rốt cuộc anh được là bộ đội. Anh ấy chừng mười bảy tuổi.”

Chúng tôi đứng bên dãy cửa sổ lớn của nhà bảo tàng, tượng Phật và đồ sứ phía sau, ngoài cửa sổ là một trong những phố trang trọng và nom hoàn toàn Âu châu. Nước mưa loang trên tấm kính làm các toà nhà kiểu Pháp cổ bên kia sân mờ nét và có màu lặng như tranh ấn tượng.

Tôi nói: “Thành phố đẹp.”

Bà Vương nói: “Hà Nội đang mất vẻ đẹp của nó. Trước kia nó im lắng. Nhỏ hơn. Chỉ có xe đạp. Không xe máy. Bây giờ ồn ào, và người không phải người Hà Nội. Họ từ vùng quê vào. Họ không biết thành phố.”

Bà suy nghĩ một lát, rồi nói thêm: “Và chúng tôi đang thay đổi. Trước kia chúng tôi nghèo nhưng có tinh thần. Tôi biết cha tôi rõ lắm. Tôi biết cuộc đời cha tôi. Tôi biết cha tôi cần gì. Các con tôi không biết những gì chúng tôi đã trải qua. Tôi cố kể cho chúng. Chúng không thể nào hiểu. Tôi không giải thích được cho chúng.”

“Nhưng bây giờ không tốt hay sao?” Tôi nghĩ đến chợ búa đầy hàng tiêu dùng, đầy thức ăn. Tôi cũng nghĩ đến sức sống của nước này, niềm kiêu hãnh tột cùng, không thấy cảnh nghèo – không giống cảnh đổ nát và người dân thoái chí ở Cam Bốt hiện nay.

“Vâng, có nhiều tiền hơn, nhiều thức ăn hơn, nhưng kém tinh thần. Tôi đọc sách, nhưng hai con gái tôi chỉ dùng máy tính. Chúng không đọc. Chúng thích phim Mỹ.” Rồi với vẻ ngạc nhiên và cam chịu, bà nói, “Chúng muốn đi Mỹ.”

Tôi nói, nhưng lắp bắp: “Bây giờ đi Mỹ dễ.” Tôi đang nghĩ tới bom, đói, chết, ngón tay đứt đeo nhẫn, tiệc mừng bộ đội, có nem rán đặc biệt trên đĩa, đưa tiễn một thiếu niên lên đường đánh Mỹ.

Bà Vương nói: “Thế giới nhỏ.”

Tôi hỏi: “Bà có thù ghét tôi không?” và biết rằng lúc nói điều này tôi đang nhoà nước mắt, chắc cũng tựa như buồn nôn, tự khinh bỉ mình.

Bà Vương nói: “Không, tôi không thù ghét ông,” nhưng như thế lại làm tôi cảm thấy khó chịu hơn.

Bà có vẻ thanh thản, như lúc tôi mới gặp bà, một vẻ người thon nhỏ trong bảo tàng, như vũ nữ. Nhưng lúc này bà hơi lơ đãng, có thể đang nghĩ đến hai đứa con gái trước cái máy tính.

“Thời đó khác.”

*

Tối trước khi rời Hà Nội, đi ngang nhà hát opera tôi thấy người tụ tập trên bậc cấp nơi trình diễn, vở kịch được quảng cáo là Huyền Thoại Cuộc Sống (Myth of the Living) của Lê Quý Dương, nhà biên kịch người Việt.

Thấy phòng vé đóng cửa, tôi đi vòng phía ngoài để xem tại sao. Người nói tiếng Anh duy nhất là một thanh niên cao ráo, tươi cười, mặc vét đeo cà vạt. Anh có vẻ như một người có vé. Anh cười rạng rỡ trên bậc cấp cao nhất trước nhà hát lớn sáng đèn.

Tôi hỏi: “Làm sao tôi có vé xem vở kịch này?”

Anh nói: “Không có đâu. Chỉ có vé mời thôi.”

“Tiếc quá. Nhạc kịch hả?”

“Có nhạc. Có phim. Kết hợp nhiều thứ.”

“Nói tiếng Việt hả?”

Anh nói: “Không. Diễn qua điệu bộ.”

Tôi nói: “Tôi muốn xem. Ai là Le Quy Duong?”

Anh nói: “Tôi là Lê Quý Dương.”

Tôi nói: “Vậy thì sao không mời tôi tới xem kịch của anh? Tôi cũng là nhà văn mà.”

Anh ta có vẻ thích thú vì sự trơ tráo của tôi và đưa tôi một phong bì bên trong có tấm vé.

Như anh nói, vở kịch của anh kết hợp nhiều thứ, đầy chiêng trống, đèn đóm chói mắt, điệu bộ, mặt nạ, và khói bồng bềnh. Nhà hát lớn đầy nghẹt. Tôi ngồi thoải mái, cố hiểu huyền thoại sáng tạo giữa cảnh múa gươm, các bộ xương đi nghênh ngang, và câu chuyện tình. Vở kịch sôi nổi và đầy sự sống, đầy các biến cố đáng ngạc nhiên và âm nhạc vang động, tới nỗi không cần giải thích.

Sau đó, lúc tôi ra tiền sảnh, một ông hỏi: “Tôi phỏng vấn ông được chứ?”

“Ông biết tôi là ai à?”

“Ông là người …” Ông ta ấp úng, rồi nói, “Lê Quý Dương nói ông nói tiếng Anh.”

“Chính tôi. Tôi nói tiếng Anh.”

Tôi khen vở kịch rồi ra đường, và cách nhà hát lớn chưa tới hai chục thước một chiếc xe máy sà tới ngừng bên cạnh tôi. Người đẹp trên xe rồ máy, nhích lên phía trước để lấy chỗ cho tôi, và nói: “You want boom-boom?

Tôi cám ơn cô và tiếp tục bước đi.

*

Năm 1973 tôi mơ đi xe lửa lên phía bắc rồi đi tiếp qua Trung quốc. Nhưng tình hình xáo trộn! Chiến tranh Việt Nam chỉ là một. Cách mạng Văn hoá gây chấn động khắp nơi ở Trung quốc. Du lịch tới những nơi ấy là bất khả. Vì thế hồi đó tôi đã bay từ Sài Gòn tới Tokyo, nơi tôi lại tiếp tục chuyến đi Railway Bazaar của mình.

Nhưng các quốc gia mở và đóng. Thời gian trôi qua. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Và ngay sau khi Mao chết, năm 1976, Cách mạng Văn hoá kết thúc. Trung quốc mở ra cho khách du lịch tò mò khoảng năm 1980, năm tôi đi thuyền xuôi dòng Dương tử. Mỹ bỏ cấm vận năm 1994, kinh tế Việt Nam khởi sự tiến triển. Giờ đây mọi biên giới đã mở.

Tôi lấy hộ chiếu đi Trung quốc. Tôi mua vé chuyến xe lửa đêm từ Hà Nội tới Lào Cai, trạm cực bắc trên tuyến đường, sát biên giới Trung quốc. Chuyến đi này không có gì đáng nói. Tôi rời Hà Nội khoảng 10 giờ trên chuyến xe đêm. Ngoài người Việt còn có vài người mang ba lô và du khách lên Sapa, một thị trấn nghỉ mát vùng núi phía trên Lào Cai, nơi dân thiểu số sống – Hmong Đen và Dao Đỏ và Tày.

Trong một tiệm phở ở Lào Cai sáng hôm sau, lúc đang ăn bữa điểm tâm quen thuộc của mình – một ụ cơm chiên với trứng phía trên – một anh lái xe máy đi ngang hỏi tôi có muốn chở ra biên giới. Tôi nói muốn, anh đặt hành lý của tôi lên đùi, chở tôi qua thị trấn tới một toà nhà và cổng vòm trên bờ sông Hồng. Tôi đi bộ qua, đóng dấu sổ thông hành, rồi tiếp tục đi bộ qua một cổng vòm nữa, vào Trung quốc.

Sự hỗn loạn ở Trung quốc hiện ra lập tức trên thị trấn Hà Khẩu ở biên giới, ngay cả vào lúc sáng sớm. Tất cả hàng hoá xuôi nam, qua cầu; phố xá dày đặc xe tải. Từ Hà Khẩu tôi vẫn có thể thấy khói bốc lên từ các căn nhà thấp bên Việt Nam. Lào Cai là thị trấn quê mùa của những người thân thiện; Hà Khẩu là thị trấn hiện đại của kẻ chụt giựt.

Tôi lên xe đò đi Côn Minh. Chuyến đi mất nguyên một ngày, vòng vèo giữa rừng của tỉnh Vân Nam, ở đó tôi thấy xa lộ tám làn xe đang xây qua các ngôi làng người Mèo đội mũ hồng và mặc tạp dề hồng, và các dân tộc thiểu số khác đeo cầu vai sặc sỡ. Cái xa lộ đang xây được nâng lên trên các trụ xi măng băng qua thung lũng và đồn điền cao su và rừng tre. Kỹ sư Trung quốc đã khoét một rãnh khổng lồ giữa rừng phía nam Vân Nam, để lại một vết xấu xí trên cảnh quan, dời chỗ dân chúng, dựng bảng, san bằng khu rừng nguyên sinh. Chưa tới 30 năm trước quân lính đã đi qua đây để đánh Việt Nam, nhưng trong một khía cạnh nào đó lần này tệ hơn chiến tranh, vì nó san bằng vĩnh viễn.

Côn Minh là thành phố nhỏ sống được mà trước kia tôi đã có lần đến thăm và viết về nó, bây giờ là một đống cao ốc Trung quốc xấu xí với bốn triệu dân. Tôi đến được Côn Minh bằng đường bộ - từ Singapore, 2000 dặm. Giàu có nhờ thuốc lá và sản xuất, Côn Minh có cửa hàng Louis Vuitton khổng lồ, đại lý bán xe Maserati và kẹt đường và các cô điếm dai dẳng. Tiếng Hoa để chỉ đĩ bợm là gai, “gà”.

“Mày là gai vì mày thích đàn ông phải không?”

“Không. Tao không thích đàn ông. Tao thích tiền.”

Trung quốc hiện hữu trong dạng hiện nay vì người Tàu muốn tiền. Hồi xưa có lần nước Mỹ như vậy. Có lẽ vì vậy tôi muốn bỏ đi. Không phải vì phản ứng bốc đồng, mà vì sự khó chịu chán ngắt càng lúc càng tăng khi nghe người ta tỏ ý muốn có tiền, nói rằng họ sẽ làm bất cứ cái gì ra tiền. Ai mà muốn nghe người ta khoác lác về lòng tham và thói bừa bãi của họ? Tôi bỏ qua Nhật, trong thâm tâm mừng rỡ vì mình đã xong với Trung quốc – cảnh nhà máy xấu xí, bầu không khí không thở được, các chính ủy cứng nhắc, và những kẻ quang quác mới hoá thân thành tư bản. Xấu xí và vô hồn, Trung quốc đại diện cho nỗi kinh hoàng của lời cầu nguyện được thoả mãn, giấc mơ làm giàu tham lam của nông dân. Tôi vui mừng bỏ đi.


[1] Nguyên văn: “The Trans-Vietnam Railway”. (Mọi chú thích của người dịch).

[2] Nguyên văn: “he had - and smiled at the lechery in the phrase - made a ‘lateral entry’”.

[3] Nguyên văn: “They stopped the train with a pillar of salt - then they started shooting”. Nhóm chữ “pillar of salt” chắc có một nghĩa bóng nào đó, có thể lấy từ điển tích trong Cựu Ước (?), hơn là cột muối thật sự.

[4] Trong các chương trước Theroux tả Singapore như một nơi tù túng, khó có thiện cảm.

[5] Tờ báo của quân đội Mỹ.

[6] Nghĩa: “Hãy đi cùng tôi đến Pleiku! Hãy đi cùng tôi đến Đà Lạt!”

[7] Tác giả ghi là “Morin Brothers”.

[8] United States Information Service, còn gọi là U.S. Information Agency, USIA (1953-1999), cơ quan quảng bá cho chính sách và lợi ích của Mỹ trên thế giới.

[9] Truyện đăng ba kỳ trên tạp chí Blackwood năm 1899 của Joseph Conrad, người Anh gốc Ba Lan.

[10] Cơ sở truyền giáo, nơi xảy ra trận đánh ác liệt trong lịch sử bang Texas năm 1836.

[11] William Blake (1757-1827), người Anh, nhà thơ, hoạ sĩ, và chủ nhà in.

[12] Bản tiếng Anh: “Street without Joy”, nguyên thủy là tên do người Pháp đặt, “La Rue Sans Joie”.

[13] Nguyên văn: “we should have known all along that the Frech would not have colonized it, nor would the Americans have fought so long, if such ripeness did not invite the eye to take it.” Một cách nói cay đắng bằng auxiliary verbs.

[14] Nơi diễn ra trận đánh kéo dài hai ngày 9 và 10 tháng 3/1966, cuối cùng quân cộng sản tràn ngập căn cứ A Sao của lực lượng đặc biệt Mỹ.

[15] Walter Brennan (1894-1974), tài tử Mỹ, từng đoạt ba giải Oscar, có lập trường chống cộng kịch liệt.

[16] Nguyên văn: “the urgent opinions of anguished Americans who, stropping Occam’s Razor, classified the war as a string of astrocities…” Occam’s Razor là cách giải quyết vấn đề, được gán cho William xứ Occam (khoảng 1287-1347), tu sĩ người Anh dòng Francisco. Ông cho rằng trong tất cả các giả thuyết khác nhau, ta nên chọn giả thuyết nào ít giả định nhất.

[17] Nguyên văn: “Nam Ho Bridge”. Cầu bắc qua sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Nam Ô, phía nam đèo Hải Vân chừng 5 km.

[18] Tiếng lóng chỉ Việt Cộng, bắt nguồn từ cách đánh vần chữ “VC” là “Victor-Charley”.

[19] Tờ tạp chí của Hội Nam Hướng đạo Mỹ.

[20] Nguyên văn: “Colonel Tuan”. Năm 1975 ông là trung tá.

[21] Vở kịch của Tennessee Williams (1911-1983), người Mỹ, viết năm 1947, được chuyển thành phim, opera, ballet, và diễn trên TV, thường bị cấm vì đề cập tới tình dục.

[22] Nguyên văn: “’Mother, Father,’” said Cobra One. “Why, Mister and Mrs. Front-Porch America say that!”

[23] Ngày 3/12/1973.

[24] Wystan Hugh Auden (1907-1973), nhà thơ người Anh, nhập quốc tịch Mỹ năm 1946. Bài thơ “On the Circuit” đăng trên tạp chí The New Yorker năm 1964, kể lại những vui, buồn, phấn khởi và nản lòng trong chuyến đi diễn thuyết vòng quanh nước Mỹ của ông.

[25] Chú thích của tác giả: “Bây giờ - tháng 4/1975 - hầu hết các thị trấn ở Việt Nam mà tôi đã đi xe lửa ngang qua đều bị nổ tung, tất cả bị chiếm hết, và nhiều người ở các nơi ấy bị giết. Những người còn sống thì tương lai u ám, và chiếc xe lửa nhỏ giữa Huế và Đà Nẵng không còn chạy nữa.”

[26] Vì tác giả là người Mỹ nên ông gọi cuộc chiến tranh có người Mỹ tham dự ở Việt Nam là Vietnam War, chứ không phải các cuộc chiến khác không xa lắm cũng ở Việt Nam có sự tham dự của người Pháp, Nhật, Khmer Đỏ hay Tàu…

[27] Câu khắc chữ vàng trên tấm bia đá đỏ: “Tổ quốc mãi mãi ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các chiến sĩ biệt động khu Sài Gòn Gia Định, đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng trong trận tấn công Tòa đại sứ Mỹ ngày 31-1-1968, Tết Mậu Thân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Bia không ghi bao nhiêu đặc công tham dự trận đánh này.

Báo cáo mật của E. Allan Wendt, nhân viên ngoại giao trực tại toà đại sứ tối hôm đó, viết ngay sau trận tấn công, The Wall Street Journal đăng lại tháng 11-1981, cho biết có 19 lính Việt Cộng chết, không nói rõ số bị bắt sống, nếu có, và số phận họ ra sao.

Trang mạng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 18-10-2016 đăng bài viết kiểu giai thoại hơn là báo cáo hay tài liệu có thể dùng để tham khảo: “Hơn 10 đồng chí đã hy sinh… chỉ huy Ba Đen bị ngất trong khi chiến đấu và bị địch bắt … đến năm 1973, Ba Đen được trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri…” Loại giai thoại này thường được biến chế lại trên nhiều báo ở Việt Nam, và đôi khi có chi tiết trái ngược.

[28] Theroux tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại University of Massachusettes Amherst, 1963.

[29] Thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên. Nguyên văn: “a place called Con Meo (Cat Slope).”

[30] Trích cho hết ý đoạn nói trên, theo bản dịch The Sorrow of War của Phan Thanh Hảo, biên tập Frank Palmos (Riverhead Books, New York, 1996), trang 75: “… politicians, middle-aged men with fat bellies and short legs. Not the ordinary people. The recent years of war had brought enough suffering and pain to last them a thousand years.”

Bản in Nỗi buồn chiến tranh của nxb Văn Hiến (Hoa Kỳ, 1996), trang 83: “Đã đành là đánh nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì … Trai đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn, hăng chiến phải nói là mấy ông trí thức tuổi sồn sồn bụng to chân ngắn. Còn với dân chúng, cơn binh lửa vừa rồi đã đủ đau thấu tới ngàn năm.”

Bản tiếng Việt không có “politicians”, bản tiếng Anh không có “mấy ông trí thức”.

[31] Nguyên văn: “$300 in military scrip; the U.S. Army in Vietnam had printed its owm money”. “Đô la đỏ”, dù in nhiều màu, là cách người miền Nam thời ấy gọi thứ tiền này, để phân biệt với “đô la xanh” do Federal Reserve Banks phát hành.

[32] Loạt phim vẽ, ngắn và vui nhộn của Mỹ, về con mèo tên Tom và con chuột Jerry, được sản xuất từ năm 1940 đến 1967.