Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Người của lòng nhân ái

(Rút từ facebook của Vũ Thư Hiên)

Bùi Ngọc Tấn, nhà văn của khoan dung — Tiếng Việt

Ở miền Bắc trong thập niên 60 mọi tin tức đều chậm. Tin trong nước, tin thế giới, chậm hết. Tin được kiểm duyệt kỹ, phát từ trên xuống dưới theo đại lý, cấp cao được hưởng nhiều, cấp thấp ít hơn, xuống đến bần dân nó chỉ là cái xác rữa. Thế tất tin ở ngoài lọt vào bên trong những bức tường và hàng rào các trại giam còn chậm hơn rất nhiều.
Tin Bùi Ngọc Tấn bị bắt đến với tôi chậm tới bốn năm.
Năm 1971, tôi ở trại cải tạo Tân Lập. Trại này to, nằm trong vùng đồi núi Phú Thọ, gồm trại chính, lớn nhất, và các phân trại cách nhau năm bẩy cây số. Thỉnh thoảng người ta lại xây dựng thêm một phân trại nữa cho tù mới.
Tù mới lên trại là sứ giả của cuộc sống bên ngoài. Không có tù mới thì tù cũ chẳng thể nào biết ở “ngoài kia” có chuyện gì xảy ra. Tin tức tù mới mang theo cũng chậm rề – trước khi lên trại Trung ương họ thường ở trại tạm giam hoặc trại địa phương vài tháng, có khi một hai năm.
Một tù mới cho tôi biết anh có gặp ở trại Thuỷ Nguyên một anh tù nhà báo. Anh nhà báo này đứng đắn, chững chạc khác người, được mọi tù nhân kính trọng, ban giám thị cũng vì nể. Tôi hỏi anh nhà báo ấy số chẵn hay số lẻ, anh tù mới bảo: số chẵn, nhưng là tù chính trị, chắc chắn là thế. Hỏi tên thì người kể chuyện không nhớ – trại to, tù đông, không quen trực tiếp thì không nhớ được. Tôi nghĩ ngay đến Bùi Ngọc Tấn, bằng linh tính. Nhà báo, tóc rễ tre thì đúng, nhưng to con thì không phải – Tấn người tầm thước, mập mạp, nhưng không thể gọi là to. Ra tù rồi, tôi mới biết mình luận không sai. Tấn bị bắt sau tôi có mấy tháng, vào đầu năm 1968.
Xã hội miền Bắc Việt Nam hồi ấy giống như một tu viện dưới quyền một chưởng quản già nua, khắc nghiệt. Trong tu viện này, con người phải từ chối quyền làm người. Con người không được cảm thấy mình là mình, anh ta chỉ là một vật thể bị chiếm hữu, bị nuốt chửng. Con người chỉ có một cái quyền: ấy là ngoan. Người ngoan đông, con người là thế, nó thích ứng được với mọi hoàn cảnh. Nhưng người bướng bỉnh cũng không ít. Tội bướng bỉnh là tội nặng trong xã hội ngoan. Tức là, không có một tội tên là như thế, nhưng bắt đầu bằng sự dám cãi lại bề trên, anh công dân ngây thơ tưởng mình có quyền bướng bỉnh lập tức bị người ta báo cáo lên “trên”, bị người ta kín đáo lập hồ sơ, bị theo dõi. Thế rồi vào một ngày đẹp trời, căn cứ vào tập hồ sơ đã dày lên theo năm tháng, anh ta bị tống lên xe bịt bùng, ném vào trại giam, để cứ ở đó miết cho đến khi được tha, không được xét xử, không có án. Nếu anh ta còn có thể về được. Nếu anh ta không nằm lại trong một nghĩa trang gió hú. Chuyện ấy thường, chẳng làm ai ngạc nhiên.
Ðiều làm tôi phân vân không dám tin rằng Bùi Ngọc Tấn đã bị bắt là thế này. Tấn hoàn toàn không thuộc loại bướng bỉnh. Anh hiền lành, nho nhã, sống củ mỉ cù mì, không cãi lại cấp trên, không châm chọc chính quyền, không nói xấu lãnh tụ, không bới móc chế độ, ăn nói thì cẩn trọng, viết văn thì thuận chiều. Ngoan ngoãn như Tấn mà còn rơi vào tù thì chắc bạn bè tôi, và cả những người tôi quen biết, ắt phải vào tù nhiều lắm. Cứ ngẫm bản thân tôi mà suy ra thì thấy – chẳng cứ phải có hành động chống đối, chỉ cần có ý nghĩ chống đối thôi đã đủ để Ðảng ra tay trừng trị rồi. Mà ý nghĩ của con người ta khó giữ kín lắm, giấu mấy thì giấu, cẩn thận mấy thì cẩn thận, rồi cũng lộ ra thành lời nói, không ở chỗ này thì chỗ kia, không với người này thì người khác. Sau mới biết những người tôi đoán sẽ bị bắt, như Mạc Lân, Dương Tường, Châu Diên, Xuân Khánh, thì lại không bị bắt, mà Bùi Ngọc Tấn lại bị, mới kỳ. Thôi thì cứ đổ mọi sự không giải thích được cho cái số. Chứ biết làm thế nào?
Cũng có thể luận rằng Tấn bị bắt là do chơi thân với tôi và Hồng Sĩ, trung tá công an, mà cả tôi lẫn Hồng Sĩ đều bị bắt, cùng một tội “xét lại chống Ðảng". Hồng Sĩ bị bắt là do chơi thân với Kỳ Vân. Kỳ Vân bị bắt là vì chơi thân với Hoàng Minh Chính.
Dưới triều Duẩn-Thọ, cái sự bạn bè chơi với nhau luôn tiềm ẩn hiểm họa. Nhiều người không dám khai ai là bạn thân trong lý lịch (trong bản khai lý lịch có một mục như thế). Cứ khai không có bạn là chắc ăn.
Tôi kể đầu đuôi câu chuyện chúng tôi bị bắt nó là như thế để nói rằng cái xã hội trong đó chúng tôi sống nó là như thế. Chứ không định nói rằng chúng tôi oan. Lại càng không có định kêu oan với mấy chính trị gia "có ăn tìm đến, đánh nhau bỏ đi", thích chống nạnh vênh váo buông lời phán xét.
Ông bạn Bùi Ngọc Tấn của tôi trở thành nhà văn phản động chống chế độ đúng là như thế. Không phải bằng văn chương, mà bởi những mối quan hệ bè bạn.
Chúng tôi quen nhau vào đầu thập niên 60, cái thập niên đầy biến động sau khi Nikita Khrushov cho nổ quả bom chống sùng bái cá nhân trong Ðại hội lần thứ XX Ðảng cộng sản Liên Xô. Quả bom nội bộ Liên Xô làm rung lay tận gốc các quốc gia cộng sản. Chống sùng bái cá nhân chưa phải là chống chế độ cộng sản toàn trị, nhưng là rất đòn nặng giáng vào nó. Những nhà lãnh đạo yêu nền chuyên chính bèn chống lại. Y như bây giờ ta thấy.
Nếu như Mao sếnh sáng ở Bắc Kinh xướng lên “đại cách mạng văn hóa” để tiêu diệt những kẻ dám hó hé chống mình, thì ở Việt Nam mấy chú Xuân Tóc đỏ tân thời cũng bóp óc chế ra được một thứ tương tự, chúng tôi gọi nó là "tiểu cách mạng văn hóa". Mục tiêu của cái "tiểu cách mạng văn hóa" này là đè bẹp ngay lập tức làn sóng ngầm đòi dân chủ hóa xã hội được khởi lên từ nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm". "Tiểu cách mạng văn hóa" nhằm trước hết vào lớp đảng viên cứng đầu và đám trí thức, kẻ thù tiềm tàng và thường trực của nền chuyên chế ngu dốt. Trong cuộc truy lùng phù thuỷ do Duẩn-Thọ dẫn đầu, những người cầm bút do chính đảng cộng sản đào tạo, cũng trở thành con mồi.
Không biết khi Bùi Ngọc Tấn trở thành kẻ thù của nhân dân thì anh nghĩ sao, chứ tôi thì tôi ngao ngán lắm. Tôi tiếc mình đã không làm một cái gì hơn những phát biểu bạo miệng cho xứng với sự bỏ tù này. Thật uổng.
- Mình cũng nghĩ như thế. - Bùi Ngọc Tấn nói với tôi khi chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn năm 1985 - Nhưng nếu làm, thì hồi ấy chúng mình có thể làm được cái gì nhỉ?
Chúng tôi chẳng làm được cái gì hết, trừ những lời nói hoà vào tiếng xì xầm của nỗi bất bình âm ỉ. Ðành tự an ủi rằng dù sao mặc lòng làn sóng bất tuân đã gióng lên được tiếng chuông nho nhỏ, cố võ mọi người hãy nghĩ bằng cái đầu của mình, chứ không thể cứ mãi mãi cúi đầu vâng lệnh bọn đầu mục.
Ðáng mừng là cả hai đứa tôi đều trở về. Có những người trong chúng tôi đã không về nữa. Bùi Ngọc Tấn vẫn y như ngày trước sau sáu năm tù không có án. Vẫn ăn nói nhỏ nhẹ, điềm đạm, vẫn suy nghĩ thâm trầm trong ánh mắt đăm chiêu. Tuy mái tóc dày đã có nhiều sợi bạc, mặt nhiều nếp nhăn, trong mình nhiều bệnh tật – kỷ vật của trại tù khổ sai.
- Chúng mình sẽ phải viết về những gì chúng mình thấy. - Tấn nói - Trách nhiệm đấy.
- Hoặc đừng cầm bút nữa. - tôi đồng ý với anh.
Tôi cặm cụi sưu tầm tài liệu cho cuốn sách của tôi. Nó sẽ phải ra đời, một lúc nào đó.
Rồi chúng tôi lại mỗi người một ngả, kiếm sống là chính, nhưng không quên chuẩn bị cho cuốn sách dự định. Tôi làm xong cuốn sách của tôi năm 1997. Tấn cho ra “Chuyện Kể Năm 2000”.
Trong lần gặp ấy, Tấn kể cho tôi nghe chuyện đời tù của anh. Nó cũng tương tự đời tù của tôi, với vài dị biệt. Anh ở trại tỉnh nhiều hơn trại trung ương, bởi vì, như anh đùa: “Tôi chỉ là “xét lại” cấp tỉnh thôi, tôi không được như ông, cấp Trung ương!”. Anh than phiền dạo này cầm đến bút thấy mình bất lực lắm – sự thật cứ ngồn ngộn trước mắt, mà ngòi bút thì ẻo lả, không sinh khí.
Tôi cũng vậy. Mà với ai mà chả thế – công việc nào bỏ bễ một thời gian dài khi bắt đầu trở lại đều lóng ngóng. Ấy là chưa kể chúng tôi vẫn còn ở trong cái nhà tù lớn. Ở trong đó phải biết sợ. Cái sợ ngáng trở ngòi bút. Nó là con đỉa sống dai, bám chắc. Hồi ấy, năm 1985, chưa có gì hứa hẹn cái chết của nó.
Tôi hình dung ra phòng văn của Tấn. Một căn phòng không quá hai chục thước vuông, nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng ngủ của cả gia đình – vợ chồng anh và các cháu. Nơi từ nhiều năm thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ ồn ào giữa mấy thế hệ cầm bút, những cuộc tranh cãi nghệ thuật khi vui vẻ khi khùng điên bên cạnh giường ngủ của vợ con Tấn, màn đã buông. Nơi Nguyên Hồng lui tới nhiều nhất mỗi khi trở về vùng đất sinh thành của những nhân vật Bỉ Vỏ, Qua Những Màn Tối... Nguyên Hồng nhận xét về Tấn: "Thằng này nó viết dí dỏm ra phết. Cái nhìn của nó cũng thế, tưởng là lờ đờ mà hoay hoáy, hoay hoáy, phát hiện ra những cái mà người khác bỏ qua, hoặc là không thấy được. Mình mà có cái chất của nó hồi trẻ thì phải biết!"
Những kỷ niệm này được Tấn ghi lại một phần không nhiều trong Một Thời Ðể Mất.
Tấn bắt đầu văn nghiệp bằng nghề phóng viên. Anh làm ở tờ Tiền Phong, một tờ báo của Ðoàn thanh niên lao động (sau thay đổi tên thành Ðoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Anh đi nhiều, viết nhiều. Những bài báo tầm phơ, tất nhiên. Nhưng những chuyến đi liên miên ấy cho anh chất liệu để viết cái khác – những truyện ngắn, bút ký. Bạn đọc bắt đầu chú ý tới anh bởi cái nhìn sắc sảo, cách biểu hiện dí dỏm. Anh viết cần cù, không nhiều, không nịnh bợ, không tô hồng, biết tránh né. Có những tác phẩm anh viết để đấy, không với mục đích cho xuất bản, chỉ cho vài người bạn thật thân đọc. Những cuốn sách như thế không phải chỉ Bùi Ngọc Tấn có, nhiều người khác cũng có. Cũng không phải tác phẩm gì ghê gớm, bôi đen chế độ chẳng hạn. Chúng chỉ thực, hoặc quá thực. Không biết khi bắt anh công an có thu mất những bản thảo ấy không? Tôi e rằng với cách đọc của đám quan chức mù văn hoá, tội của anh lại nặng thêm.
Bùi Ngọc Tấn không bỏ bút, đúng như anh nói. Anh cặm cụi viết, và kết quả là hai cuốn sách đã ra đời: Một Thời Ðể Mất, Những Người Rách Việc.
Nhưng nhiều tình người hơn cả là những dòng anh Viết Về Bè Bạn trong cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay.
Tôi sẽ không nói về nội dung những chuyện được ghi lại trong sáng tác của Bùi Ngọc Tấn. Cách tốt nhất để hiểu Bùi Ngọc Tấn là đọc anh. Viết Về Bè Bạn là chuyện đời thực, chuyện đời thường của một thời. Là nhân chứng của tình bạn giữa Bùi Ngọc Tấn với Mạc Lân, Dương Tường, Nguyên Bình, Lê Bầu, Hứa Văn Định…, tôi xác nhận những câu chuyện được kể ra trong này không có sự bịa đặt. Bùi Ngọc Tấn chỉ kể thiếu, chứ không thừa. Thực tế phũ phàng của một dĩ vãng chưa xa có thể làm rơi nước mắt người đọc hôm nay.
Một thời kinh khủng.
Tự những câu chuyện được kể bằng giọng la đà, không có ý thuyết phục ai, chẳng có ý dạy bảo ai, đôi lúc lạnh lùng, đôi lúc giễu cợt, hiện lên cái nhìn nhân bản, xót xa, đối với con người. Cái nhìn ấy bây giờ sao mà hiếm hoi.
Sáng tác đầu tiên của Bùi Ngọc Tấn đến với bạn đọc hải ngoại là Người Chăn Kiến, được đăng trong tờ Diễn Ðàn ở Paris. Số phận của người giám đốc bị bỏ tù oan được miêu tả một cách dửng dưng có sức mạnh của tiếng thét bất bình. Anh giám đốc cuối cùng được trả lại tự do, được phục chức, lẽ công bằng có vẻ như đã được lập lại cho anh ta, nhưng ở lúc lẽ ra anh ta phải vui nhất, sướng nhất, thì anh lại lẳng lặng chui vào phòng riêng để làm cái công việc khổ sai kỳ cục mà những tên anh chị lưu manh trong tù bắt anh phải làm, để hạ nhục anh, là đi bắt mấy con kiến và... chăn chúng. Mặc cho ở ngoài kia người ta liên hoan tưng bừng, anh kiên nhẫn dùng những tấm danh thiếp chặn đường đi của những con kiến trong cái trò chơi vô nghĩa của mình. Ngay cả trong vô thức anh ta cũng không còn là anh ta nữa. Người Chăn Kiến là tiếng kêu cứu cho con người bé nhỏ, con người tội nghiệp, con người dân đen, là lời nguyền rủa cái quyền lực bất nhân không đếm xỉa đến số phận thần dân nằm dưới quyền cai trị của nó.
Ðược viết mấy dòng về bạn mình, trong lúc bạn còn sống, là một niềm vui.
Bùi Ngọc Tấn gặp rủi, nhưng vượt qua nỗi bất hạnh của mình, anh may mắn được sống tới hôm nay, để còn có dịp gửi tới bạn đọc ở xa, cũng là bè bạn của anh, tiếng lòng anh.
Paris, 2004