Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 86): Mai Ninh – mây một ngày

Mai Ninh-001[4]

Tên thật là Nguyễn Mai Ninh, sinh và lớn lên ở Sài Gòn. Được học bổng du học của chính phủ Pháp năm 1968. Mười năm sau lấy bằng Tiến sĩ Kỹ sư và năm 1982 lấy bằng Tiến sĩ quốc gia về Vật lý.

Làm nghiên cứu viên khoa học, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS).

Mai Ninh đã viết một số bài khoa học đăng trên các Tạp chí trong và ngoài nước. Bắt đầu cầm bút sáng tác văn chương khoảng những năm 1990. Cộng tác với các tạp chí: Kiến Thức Ngày Nay, Tia Sáng, Sông Hương, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Diễn Đàn...

Đã xuất bản:

Hợp Âm trong vùng sân khuất (NXB Thời Mới, Canada, 2000)

Ảo Đăng (NXB Hội Nhà Văn, 2003)

Cá Voi trầm sát (NXB Trẻ, 2004)

Dậy đi Rối ơi (NXB Phụ Nữ, 2010)

Tất cả những tác phẩm của Mai Ninh được tập hợp lại trong www.amvc.free.fr và có một số hiển thị trên E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian phannguyenartist.blogspot.com

mây một ngày

Ba hồi chuông ngân dài đánh thức tôi vào năm giờ sáng. Mây vẫn ngủ say, nằm nghiêng người, đầu gối lên cánh tay tôi không biết tự lúc nào. Đỡ nhẹ đầu Mây đặt xuống nệm, tôi tìm chiếc áo rơi trên sàn mặc vào, rồi bước khỏi giường. Cánh cửa ra hiên vẫn mở suốt đêm, hôm qua trời vô cùng nóng bức và mãi về đêm, mưa xuống.  Hương gió man mát thơm thơm mùi trầm quen thuộc thường thoảng qua căn phòng này vào sáng sớm. Cánh tay Mây đã gối đầu đâm nhưng nhức và một cảm giác hâm hấp ướt từ bụng kéo dính làn áo lụa mỏng manh. Ngoài hiên, bụi mưa còn đậu lại trên những thành gỗ ban công, tôi hít thở thứ hơi ẩm dịu dàng. Chỉ mới vài ngày về ở căn phòng vợ chồng người bạn cho mượn, tôi đã có thói quen dậy sớm vào lúc chuông chùa đổ lần thứ nhất.  Không gian khi ấy tĩnh mịch, hương nhang lẫn mùi cây lá từ vườn dưới đưa lên mê hoặc tôi ngay tự buổi đầu. Trước mắt tôi, một ngôi chùa cũ xưa giữa một thành phố ồn ào hỗn độn từ đường xá, kiến trúc tới cách sống với con người là một điều lạ. Chắc cũng chẳng ai thấy chướng ngại gì khi có chiếc ban công ngang nhiên vô lễ nhìn xuống các tượng Phật trầm tư trong sân chùa như vậy. Tôi dựa vào khung cửa, cây bàng cạnh hàng rào vươn tới tận tầng lầu tôi đứng với những chiếc lá to bản đã xanh mướt đi nhờ tắm đẵm sạch sẽ sau cơn mưa. Một cành xòe ngang góc mái chùa ngói phủ kín rêu xanh, như thể lá đã che không cho nắng lọt xuống đấy bao giờ. Tất cả lắng im, chưa tiếng rao hàng, chưa tiếng honda bình bịch trong khu xóm chung quanh, cơ hồ có thể nghe ra cả hơi thở Mây đều đều sau tấm màn the phơ phất, cùng với nước róc rách trong hòn non bộ giữa sân chùa. Mọi thứ ở đó đều cũ kỹ đều mọc rêu nâu, xanh ủng, từ hòn núi nhỏ tới những chùm cây, thỉnh thoảng mới hé ra vài ánh sứ sành xanh ngọc hay trắng ngà của màu áo tiên ông hay ngư nhân thả thuyền câu cá. Xa hơn, sau hòn non bộ, qua mấy thước gạch tàu đỏ đã mòn trũng là những cánh cửa gỗ đưa vào chính điện, chúng hãy còn khép kín. Vậy mà nơi bốn góc sân, những miễu thờ đã bốc khói nhang.

Mùi hoa sứ nhè nhẹ dâng lên cùng cảm giác mệt mỏi, tôi định trở vào với Mây, bỗng cánh cửa nhỏ phía trái gần gốc cây bàng kèn kẹt. Một ni cô vắt chiếc khăn trắng trên vai, tay xách cái chậu đi đến vòi nước cạnh hòn non bộ. Tôi nhìn sững vào màu áo vải nâu nổi bật cần cổ trắng, mắt tự nhiên hoa lên, tôi ngoảnh vào phòng, hơi thở nghẹn. Mây đã nằm ngửa lại, một cánh tay thả lỏng bên thành giường, ngực nàng thênh thang tốc khỏi tấm ra xanh đậm. Mây, Mây ơi, ra coi cô Ba, cô Ba đã ngủ dậy đang giặt đồ trong sân. Tôi gọi Mây rối rít, hình như có tiếng xe gắn máy của người đàn ông vừa ra khỏi nhà cô Ba bằng ngõ sau, khuất hẳn tầm nhìn từ chiếc ban công này. Cây gòn sừng sững trước ngõ nhà cô tới kỳ nở hoa, những đám bông trắng bay lùng bùng theo gió, lọt vào tận căn gác phòng tôi, bám trên bệ cửa. Nụ bông to, trắng tròn điểm hột gòn như ngực Mây với núm vú đang phơi bày bung mở. Mây không dậy ra xem, Mây ú ớ dùi mặt vào gối, tay quờ quạng tìm kiếm. Mây không ra nhìn cô Ba vò quần áo trong cái chậu nhôm đầy bọt xà phòng, mái tóc cô vừa gội ướt rượt đen nhánh. Mây vẫn thích ngó cô Ba những lúc ấy, Mây cười nháy mắt, hai lúm đồng tiền xoáy hẳn vào, vành môi trễ xuống. Sao chỉ một ngày mà cổ xài nhiều quần lót thế hở mày? Ừ, phải, trên giây phơi, tôi và Mây cùng đếm ba bốn sáu bảy chiếc quần nhỏ đủ màu ren rua đong đưa. Cô Ba đứng dậy rũ rũ mớ áo quần vừa vắt. Ni cô rửa mặt xong lê tiếng guốc, cánh cửa nhỏ lại kèn kẹt khép. Cô Ba đã vào nhà và sắp sửa trang điểm. Chiều chiều, có khi cô trở ra sân, điếu thuốc lá hững hờ trên ngón tay. Giữa ánh nắng cô khác hẳn, rực rỡ hơn với mái tóc bới cao bỏ rớt lại vài sợi trên cần cổ, vẫn trong bộ quần áo đen muôn thuở nhưng môi son và móng tay đỏ chót. Tối tối nhìn sang, cô đã đóng chặt cửa liếp, kéo cả màn che, nhưng ánh đèn vẫn lọt ra ngoài vừa mang vẻ thân mật quyến rũ lẫn bí ẩn. Tôi còn quá ngây thơ, chưa hiểu mấy chuyện gì sau cánh cửa, Mây chẳng lớn hơn nhưng tỏ vẻ rành rẽ, thầm thì vào tai khiến tôi đỏ mặt.

Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra. Không còn sân nhà cô Ba, chỉ là vườn chùa ươm màu quá khứ u uẩn. Hoa gòn, cô Ba và thời gian mất bóng. Tôi thở ra, vào nằm cạnh Mây. Như thấy hơi người, Mây quay sang ôm chầm lấy tôi nhưng rồi bất động. Gương mặt Mây đằm thắm hiền hòa hơn đêm qua, hơn cả hôm tôi về gặp Mây lần đầu. Không hiểu Mây mơ gì mỉm cười vu vơ. Tôi cúi hôn rèm mi Mây cong vút, hai hạt nước trào ra từ khóe mắt.

***

Khi chiếc taxi đưa chúng tôi vào đến thành phố, Mây đã có vẻ mệt. Thủ-Đức Sàigòn có vài cây số nhưng ngang Hàng Xanh, chẳng biết bao nhiêu ngả mà xe cộ quay mòng, tưởng không bao giờ có được lối ra. Trước đó, trên đường về Mây ngồi không yên, chồm người ra trước, nhỏm nhìn sang bên. Thỉnh thoảng xe chạy sát những chiếc honda, Mây ngó chăm chăm vào mặt người đàn ông đang lái, rồi lắc đầu. Khi thì gần như sự thất vọng dịu dàng. Không phải ảnh, ảnh không đeo kính như ông này! Lúc Mây nổi cáu than phiền. Không giống hắn chút nào, sao ít đàn ông coi được như hắn vậy Vân? Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua. Nhưng Mây xem vậy chẳng vừa, ngoảnh lại giương mắt bĩu môi. Sao Vân không thèm nói gì, từ ngày đi Tây đâm mềm èo như cọng nui! Tôi bật cười trước câu véo von của Mây. Mà cũng lạ, sau bao nhiêu năm xa cách, tôi đã thay đổi những gì để đến nỗi một người như Mây tự nhiên đổi cách xưng hô, không còn mày tao như hồi trẻ dại.

Sau khi ăn xong bữa cơm của bà cụ dưới lầu mang lên, Mây có vẻ tỉnh người, ngồi đong đưa chân trong chiếc ghế bành kê cạnh cửa. Từ trưa, trời oi và đứng gió, ấm ức mãi một cơn mưa chưa hả được. Chiếc quạt trần đẩy xuống hơi mát gượng gạo, thỉnh thoảng lay nhẹ hai tấm màn vải the thành lượn sóng. Mây đưa lưng bàn tay vuốt theo đùa nghịch. Mây cười. Tôi đem đến chiếc khăn ướt chùi mặt, Mây lẳng lặng cầm rồi vụt ném cao, chiếc khăn bay qua ban công rơi độp xuống sân chùa. Tôi vội vàng khép cửa. Mây dãy nảy nóng nóng, hai tay nắm ngay vạt áo giựt mạnh, hai hàng nút bóp bựt ra, Mây không có sú chiêng, lộ tung nửa người. Tôi qùi xuống cài áo, Mây bỗng chụp lấy bàn tay tôi áp vào ngực mình xoa xoa. Tôi rút tay ra nhưng Mây càng giữ chặt rồi cầm lên mân mê tròn tròn từng ngón, từ ngón cái tới ngón đeo nhẫn. Không khí hầm hập chùng nặng hơn như hơi thở Mây, trong khi tôi nghe rõ từng tiếng đập trong ngực mình. Cuối cùng Mây chọn ngón tay trỏ của tôi, vuốt ve quanh đầu ngón rồi cúi xuống cho vào miệng, đôi môi chụm lại, vẫn đầy nét như năm xưa. Sao lại thế, sao thế được Mây ơi. Người tôi vừa run mà bầu ngực căng cứng, hai đầu gối qùi trên sàn như muốn vỡ vụn. Tôi mất thăng bằng chúi người vào Mây, nàng không để ý, mắt vẫn mở nhưng chẳng biết thấy gì chăng. Vài sợi tóc mai vương vấn hai bên thái dương đập phập phồng, Mây mải mê chậm rãi đẩy lưỡi vẽ quanh ngón tay tôi những đường tròn âu yếm. Từ bụng Mây bốc lên một thứ mùi nồng ngái không định được, mùi cỏ, mùi xà phòng rẻ tiền, mùi mây tre hay của đất bùn nắng gió ngoại ô.

Tôi vùng giật tay ra, đứng dậy kéo Mây theo. Tối rồi, đi tắm. Mây thảng thốt chùn lại. Tôi dỗ dành. Đi tắm rồi đi ngủ.  Mây chợt nghe ra gục gặc đầu, dựa dính người và ôm sát cổ tôi, dịu dàng ẻo lả, nói như hát. Ngủ đi ngủ đi, ngủ sau cơn mưa ướt đẫm đời, sau cơn mưa móc. Vào tới phòng tắm, tôi giúp Mây cởi áo, nàng để yên ngoan ngoãn. Vừa vặn vòi nước, Mây ra dấu chỉ về phiá cửa xua tay, ý đuổi tôi. Mây tắm một mình được chứ? Nàng gật gật và đẩy mạnh tôi ra. Lòng chẳng yên, tôi bật chiếc truyền hình, đã tới giờ tin tức. Bên kia, thế giới của tôi đang bừng bừng sôi động, Gorbatchev tuyên bố perestroïka, nơi bức tường Bá Linh người ta tiếp tục reo hò đập ra từng hòn gạch. Bên này, vài hình ảnh chớp qua mau chóng quá, như những lằn sét loé nhanh ngoài trời. Tôi bước ra ban công, hy vọng tìm ngọn gió để dịu đi những bứt rứt kỳ lạ trong người. Một đường chân trời hẹp, đỏ ối đằng xa, cắt ngang bầu mây đen chùng thật thấp trên những khu xóm nhấp nhổm quanh đây. Cạnh ngôi chùa, vài cái cửa gỗ bong sơn cao thấp mở ra một con ngõ không rộng hơn một thước. Mấy mái tôn rỉ sét gập ghềnh chồng chất, chúc xuống con hẻm cùng những mảng ngói chênh vênh hỗn độn. Hẻm quá chật nên vắng người qua lại. Ngọn đèn vàng lù mù lơ lửng đong đưa trên sợi dây điện trần trụi, giăng ngang giữa hai cọc cây. Một người đàn bà mặc áo vải hoa ló ra từ một trong những cái cửa nhỏ, quẹt quẹt đôi dép nhựa vào hòn gạch ở thềm rồi đội chiếc nón lá lên đầu che mấy hột mưa. Dáng bà lẹt đẹt đi hàng hai, gầy thó giữa không gian vừa thấp vừa hẹp, không khác gì hình ảnh bà mẹ Mây tôi mới gặp hôm nào.

Căn nhà ấy thấp hơn cả mặt đường, tối tăm tưởng chừng có bước hẳn vào với cặp mắt cú cũng không thể nhìn ra vài thứ đồ vật lỏng chỏng bên trong. Người đàn bà đang nằm lặng im trên chiếc võng giăng giữa nhà nhỏm dậy tiến ra cửa, khi thoáng thấy bóng tôi. Bà lấy tay che ánh sáng hắt từ ngoài đường đất, mắt hiêng hiếng nhìn, rồi bất ngờ sụp xuống oà khóc dưới chân tôi. Hốt hoảng tôi lùi ngay lại đưa tay đỡ lên. Mẹ Mây đó, người đàn bà cách đây hơn hai mươi năm còn điệu hạnh duyên dáng bây giờ ra đến thế này. Dưới những sợi tóc xơ xác là đôi tròng mắt bạc. Hai bàn tay nhăn nhúm khô đét, chắp lại vái vái. Bất giác không gian trước mặt tôi khoanh gọn, hút lại thành một mảnh vuông thẫm tối mang một đốm nâu ở giữa nhòa nhòa, là căn nhà và khuôn mặt lạc thần già nua ấy.

Mấy đứa trẻ đang đá banh bên vệ đường thấy tôi dáng dấp kẻ lạ, xúm lại chung quanh xì xào. Việt kiều, Việt kiều da trắng nhỡn. Chà, cái túi xách coi bộ nặng dữ, chắc Việt kiều sắp cho bà già đô la. Trật lất mày, tiền việt nam mới nặng, đô la nhẹ hều. Tôi không thể nào thở nổi được nữa. Cơn giận dữ lẫn hổ thẹn nhói tim và mắt cay sè. Bỏ bà cụ lại đó, tôi bước vội lên mặt đường, vừa đi vừa chạy về chiếc taxi còn đợi cách đấy một quãng. Tới được chiếc xe, thấy anh tài xế còn ngồi trong đó, tôi mới dừng lại nhìn trở lui. Bà mẹ Mây cũng đã leo lên đứng giữa đường, ngó về tôi trân trân. Đám trẻ con tiếp tục hò hét trêu chọc. Mấy chiếc xe gắn máy chạy ngang. Giữa đám bụi mù tôi chợt nhìn thấy Mây, nàng dang tay quay vòng, áo mở tung, quần phất phới. Mây đang lượn múa theo một điệu vũ, chân bước, miệng đếm, một hai ba. Tóc Mây dài, dài quá. Bao nhiêu năm tóc chảy hầu đã chấm chân, theo vòng múa tung ra như những nhành bạch tuộc. Không rõ bằng tay hay bằng tóc, Mây chụp lấy một gã thanh niên trên xe gắn máy, hắn né người hất mạnh, nàng chạy theo, chới với.  Hàng xóm hai bên đổ ra, mấy người đàn bà xúm lại ôm Mây, kéo áo quần cho nàng. Bọn đàn ông hai bên chõ mắt rồi nhìn nhau tủm tỉm. Lũ trẻ vỗ tay reo hò. Còn mẹ Mây, vẫn đứng yên, ngó sững vào những bụi nắng lung linh, hay có thể vào một điều gì không có hình ảnh. Tôi chui tọt vào xe, hối người tài xế. Chạy đi, chạy mau đi. Anh ta quay lại nhìn tôi, ngơ ngác.

Vài giọt mưa nặng đột nhiên độp xuống mái tôn, kéo theo tràng sấm ùng ùng chuyển ngang trên đầu cùng tiếng đồ vật rơi loảng choảng trong phòng tắm. Chết rồi, Mây. Tôi vội vàng chạy vào, đẩy cửa. Những chai lọ mỹ phẩm của tôi cùng thuốc gội đầu, cục xà phòng... bị Mây hất xuống sàn, tung toé trong vũng nước. Chiếc khăn tắm dầy cuộn tròn, kẹp giữa hai đùi, Mây đứng dưới làn nước, đang với với cái vòi sen trên cao. Mây không thèm để ý đến tôi, buông vòi sen, hai tay miết cuộn khăn chầm chậm lên xuống giữa đùi, nhắm mắt cong người theo động tác. Tôi đứng lặng ở cửa nhìn nàng trân trối. Chẳng ngờ thân hình Mây còn đẹp thế, những đường cong từ ngực xuống bụng uốn lượn cân đối. Bao nhiêu sức sống như muốn bứt ra khỏi làn da căng hồng. Thảo nào, Mây đau khổ. Hồi xưa, tôi chỉ biết một Mây dậy thì tươi mát, thích ghé học bài với tôi và nhất là tò mò về cô Ba, người đàn bà ba mươi ở sau căn gác nhà tôi với những người đàn ông của cô vào ra dưới bóng cây gòn. Bây giờ Mây đàn bà, tràn đầy bức xúc đến thất thần đảo loạn.  Đột nhiên, Mây quăng cuộn khăn vào góc phòng rồi ngồi bệt xuống vũng nước, đập đầu vào tường, hai tay vò tóc, rít giọng cười.

Lúc tôi choàng chiếc áo ngủ của mình cho Mây rồi đưa nàng vào giường thì trời sập tối nhưng mưa vẫn chỉ lộp độp vài hạt cầm hơi. Sau khi khóc xong, Mây như mệt mỏi, thụ động. Điện đã bị cúp như thường lệ. Tất cả chìm trong một thứ bóng tà thinh lặng. Tôi nằm xuống cạnh Mây, ngó mông lung ra khung cửa để mở. Trời thiếu gió, tấm màn đứng yên thõng thượt, nhưng hồn tôi không ngừng xao động ray rứt. Tôi quay sang Mây, nàng mở mắt ráo hoảnh, hai tay và chân duỗi dài trên nệm, gương mặt thật buồn và lạnh. Một nỗi xúc động dâng lên nghẹn ngực, tôi luồn những ngón tay vào mái tóc ngắn còn hơi ẩm, thơm mùi dầu tôi đã gội cho Mây. Ngày xưa Mây để tóc dài giống cô Ba, tóc một dòng chảy mượt sau lưng. Tôi hay nghịch cuốn quanh tay, búi thành lọn. Mây ghét ai sờ tóc mình nhưng với tôi, Mây làm ngơ. Tôi thầm thì. Tội Mây quá Mây ơi. Nàng như nghe thấy, quay sang, hai tay choàng qua cổ tôi từ từ thả xuống rờ rẫm bờ vai rồi luồn vào sau làn áo. Mây bây giờ đẫm mùi quen thuộc, mùi của chính tôi, của kem thoa da và nước hoa táo xanh tôi yêu thích. Cả người Mây rướn cong, áp sát, bàn tay dồn từng làn sóng từ lưng tôi ra trước ngực. Sóng trào dâng vươn lên phủ trùm đồi ngực rồi dừng lại ở đỉnh điểm cao nhất bằng những xoay tròn vuốt ve ngầy ngật. Tôi nhỏm dậy đẩy nhẹ Mây nằm ngửa, chầm chậm hôn sâu lên đôi mi khép, vành tai, viền môi rồi lút vào cổ nàng, trườn người lên Mây. Như chạm phải luồng điện Mây rung người, hai tay giật tung quai áo của mình rồi cấu chặt hông tôi qua làn lụa mỏng. Tôi lần xuống sâu hơn, mềm môi trên làn da căng ấm và đầu vú cứng tròn. Mây lấy tay tốc áo tôi, hai chân co lên ghì níu. Từ đấy, lúc Mây thảng thốt, lúc rền rĩ, và tôi đã nấc lên với nàng tiếng kêu sau cùng òa vỡ với cơn mưa.

***

Sáng nay tôi đã trả Mây về nơi nàng ở. Trên đường xa lộ, anh tài xế ngừng xe ở một quán phở có hồ sen còn sót lại vài bông màu đã nhạt quá mùa. Gần trưa mà quán chật ních, tôi và Mây ngồi đầu bàn, nửa kia dành cho hai người đàn ông đến sau. Một trong hai có cặp mắt dài xoáy vào tôi rồi quay sang Mây. Người kia hay cười, hàm răng vàng nhựa thuốc lá, nhưng mắt nhìn thẳng ra ngoài hồ sen, tỏ vẻ không chú ý đến hai người đàn bà lạ ngồi bên. Tôi, trong quần jean và áo thun ngắn, khác Mây, với bộ bà ba vàng nhạt. Tôi vắt chanh vào hai tô phở, Mây lùa đũa vài ba lần, liếc gã đàn ông mắt dài làm tôi đâm bực, giục ăn đi. Mây bỗng đẩy ngang bát phở qua bên, giọng gọn lỏn. Không ngon bằng phở bà Lùn. Tôi bật cười. Sao không bằng. Mây chẳng đáp, cúi xuống mân mê cọng giá trắng muốt. Đột nhiên nàng nói to. Phở bà Lùn năm trăm một tô, mẹ bảo Vân gửi cho Mây một ngàn, Mây ăn năm trăm, còn để dành cho cu Tuấn. Rồi tự dưng Mây trợn mắt giận dữ. Mấy người nói láo, lường gạt, ta biết nó chết, nó chết lâu rồi phải không? Người đàn ông răng vàng không cười nữa, gã mắt dài ngó sững chúng tôi. Đặt vội mớ tiền lên bàn, tôi kéo Mây đứng dậy đẩy đi. Mây vẫn nhùng nhằng chưa nguôi. Tôi van xin. Đừng hỏi nữa Mây ơi. Tôi muốn ôm nàng vào lòng như buổi trưa hôm ấy, giữa sân đất đầy nắng và gió khi tôi đến tìm Mây sau nhiều năm trời.

Nắng hắt từ ngoài cánh đồng, chiếu sáng những mái tôn của hai căn nhà trệt thấp lè tè nằm thẳng góc, chừa ra một khoảng sân loang nắng dưới dàn mướp còm cõi. Thấy tôi vừa bước xuống honda vừa bỏ cặp kính mát, Mây đang ngồi đan giỏ tre trên chiếc chõng gần gốc cây đã toét miệng cười. Không có nụ cười này làm sao tôi nhận ra đứa bạn gái thân thuộc của mình ngày xưa. Tôi ngỡ ngàng chầm chậm bước đến gần Mây, nàng gọi nhỏ. Vân đã về.  Chẳng ngờ Mây còn biết cười và nhìn ra tôi. Điều lạ, trong cảnh sống thiếu thốn mọi thứ nhưng Mây trông mập mạp hơn hồi con gái. Nước da hồng quân thủa nọ giờ càng đậm đà. Chung quanh nàng những lạt mây tre ngổn ngang. Một cô gái nhỏ mặt ngờ nghệch cũng ngồi đan ở đấy thấy tôi, nhe răng cười, đầu đẩy đưa như quả lắc đồng hồ.

Tôi ngồi xuống cạnh Mây, nàng xoè bàn tay trầy sát những lằn tre cứa vò vò bâu áo trắng của tôi. Nụ cười đã tắt. Tôi cảm động chưa biết nói gì, Mây bỗng hỏi. Sao Vân đi học không mặc áo dài. Rồi nghiêng đầu về phía người bạn đã chở tôi đến đó, đang châm điếu thuốc cạnh chiếc xe, nàng trách. Bữa nay gan bằng trời rồi nghe, mà hắn là ai sao chưa gặp. Mây cứ tự nhiên nhìn ngắm anh ta. À, không mặc đồ lính, ư, đừng thèm yêu lính. Thời này yêu lính đầu quấn khăn tang nhanh lắm Vân à. Tôi nghẹn ngào kéo ôm vai Mây. Hết chiến tranh, hòa bình rồi Mây ạ. Nàng ngả đầu, mái tóc đã vương dăm sợi bạc. Chẳng còn phân định thời gian, Mây lùi lại từ thủa tôi mặc áo dài trắng mỗi sáng đến trường, đứng đợi Mây dưới gốc cây ngâu nở từng chùm hoa li ti thơm ngát, ở cổng nhà nàng. Mây xách cặp bước ra yểu điệu than thở. Đêm qua nóng quá tao ngủ không được. Chị người làm đang bới tóc cho bà mẹ Mây ở hiên cười hinh hích. Cô Mây thức đêm viết thư tình, anh chàng mặc áo lính trây-di bữa nọ kia tề. Mây nguýt dài, kéo tuột tôi đi. Mẹ nàng dặn với. Này con Mây lo mà học như con Vân, đừng có lúc nào cũng mơ với mộng!

Gió nóng ngoài ruộng lốc lên làn bụi cỏ, lá khô và những vụn tre họp nhau chạy tròn trên sân đất. Mây bỗng đứng dậy, đi thoắt ra giữa cánh đồng chỉ toàn là cỏ may mọc cao. Ống quần bà ba rộng lất phất tới đâu, muỗi mòng bốc bay lên, cào cào bị động nhảy loi choi. Tôi sợ, gọi to. Đi đâu Mây ơi, cỏ may chích chân đau lắm. Mây tiếp tục bước, tay xua xua. Tôi mở lớn mắt. Ruộng cỏ đang dâng cao dần lên, cao mãi và Mây sắp ngập chìm mất hút trong dòng sông xanh dập dềnh bọt nước bạc. Hai bà sơ từ trong nhà nghe tiếng động chạy ra, một bà còn trẻ cùng người bạn tôi xông vào kéo Mây lại. Nàng vừa dằng co vừa hét. Khi Mây bị đưa trở lại chiếc chõng tre, nàng sừng sộ, giựt mạnh cánh tay khỏi sự kềm giữ, nhưng sau đó ngoan ngoãn ngồi xuống bên tôi. Mây lại hiền từ như trước, vẻ suy nghĩ đăm chiêu, cất giọng trầm trầm quan trọng. Này Vân, nghĩ xem, cu Tuấn học giỏi thật, nhưng mới mấy tuổi đầu mà đã được nhà nước cho đi du học rồi à, vô lý, ngày Vân đi, đã mười tám. Tôi sững người trước câu nói rành rẽ của Mây. Bà sơ già đứng ở ngưỡng cửa chắc lưỡi. Lúc này lúc khác. Tôi nói ngày mai trở lại đón Mây. Bà sơ ngần ngừ, rồi than phiền về hai căn nhà dột tứ tung cần thay mái, giỏ đan bán không đủ chi tiêu. Rất ít người được mẹ thăm nuôi như Mây, còn để lại tiền cho ăn phở quán bà Lùn, ở ngay đầu lối rẽ. Tôi đứng lên mở túi xách. Bà sơ lấy khăn chặm chặm cặp mắt lem nhem. Mây ngồi co chân cặm cụi gỡ những bông cỏ may bám đầy hai ống quần, trán lấm tấm mồ hôi. Tôi cúi xuống xiết nhẹ vai nàng. Ngày mai mình về, đi phố. Mây ngửng lên, lặng thinh, rồi mắt mênh mông hướng ra cánh đồng cỏ vẫn sáng rực. Bất chợt tôi nhớ và thèm hình ảnh hai đứa đèo nhau trên solex, trong chiều Sài Gòn cuối năm khô và gió.

***

Gom nốt vài món đồ cuối trong tủ áo vất vào chiếc vali mở toang trên giường, đầu óc tôi lãng đãng. Bó cúc vàng một tuần qua cắm trong bình tàn quá mức, những cánh hoa rụng xuống mặt bàn cũng đã khô quăn. Không ngờ từ hôm gặp lại Mây, tôi bập bềnh trong chuyến về quê hương. Chủ tâm đón nhận những cảm xúc, suy tư khách quan bị đẩy lui, mất biến. Tâm thức trôi giạt vào dòng sông ký ức, và hiện tại bị xoắn bện những sợi dây cước cứa rát vô hình. Mấy bộ áo quần mỏng manh đem về mặc xứ nóng, dăm ba món quà gom được trên con đường phố chính thướt tha nhộn nhịp những chiều thứ bảy năm nào, giờ vừa thân thuộc vừa lấn cấn như một người tình cũ. Tôi cúi xuống cầm lên xấp bưu ảnh quê hương, kỹ thuật in ấn còn lèm nhèm màu mè xanh đỏ. Trong đó lẫn một phong thư mang dấu bưu điện cách đây hơn ba năm, lúc bà mẹ Mây còn khá tỉnh để viết cho tôi về những năm tháng ấy. Ở phiá bên kia đời sống, tôi làm sao mường tượng nổi giông gió nào đã thổi giạt cả hai người đàn bà đài các vào vùng mây mù lạc hướng. Trong sương trời dầy đặc, Mây mềm mại xưa có lúc chìm đắm, có khi bưng bưng bức xúc đoạn trường tới thênh thang thân xác giữa phố phường như một phản kháng tuyệt vọng. Như thể những cơn động đất này đã phá vỡ nhưng vẫn chưa đủ tan hoang sự sống nàng.

Sau tờ thư ấy, thỉnh thoảng mẹ Mây chỉ còn viết được dăm hàng, rồi bặt hẳn cho đến lúc tôi về, để thấy hiện tại và quá khứ nhập nhoạng chất chồng lên nhau như mảnh vuông u tối mang đốm tròn nâu chờn vờn chuyển động. Không gian vừa lung linh những bụi hoa cỏ may vừa tung hê từng mớ bông gòn trắng bung năm cũ. Ký ức bị cắt ngang bởi thực tại bằng những lạt mây tre chuốt sắc, Mây ngồi đan từng chiếc giỏ nơi căn nhà mái tôn nhòe nắng. Tôi xé toang bức thư ra làm hai, trọn gói trong phong bì, đứng dậy vào phòng tắm tìm sọt rác. Ánh sáng giữa trưa từ cửa sổ nhỏ rọi vào tấm gương cùng khuôn mặt tôi trên cái cổ cao gầy. Đôi mắt Mây nâu mơ màng có đuôi, trong khi mắt tôi đen hạt nhãn tròn. Bây giờ màu mắt Mây đã bàng bạc khói sương, còn tôi, vẫn mở to nhìn mình cùng mọi điều trước mặt. Nhưng hôm nay, tôi thấy được những gì, từ tôi, đột nhiên đã khác. Kéo chiếc áo tuột khỏi đầu, bất chợt đưa tay mân vòng khoanh bụng và khuôn người trắng trần mỏng mảnh. Mây đã xa rồi nhưng màu da và bộ ngực Mây thắm và đầy, rưng rưng nỗi sống còn dấy niềm rạo rực quanh đây. Lại khoác áo vào. Những lược gương, mỹ phẩm còn lỉnh kỉnh trên kệ. Bỏ tất cả lại hay đem đi. Từ hôm có Mây, tôi không còn trang điểm, phấn son tựa tuồng tích bên cạnh Mây tự nhiên bồng bềnh. Chỉ có mùi hoa táo xanh vẫn là một nỗi gì gần gũi. Liệu Mây biết chăng, tôi đã bỏ hương thơm đó vào túi quần áo nhỏ cho Mây khi đưa nàng về với cánh đồng cỏ may trưa ấy.

Tôi ra đóng hai cánh cửa ban công. Lung linh bóng lá trên sân gạch vườn chùa. Mấy chậu mai chiếu thủy thả đầy những bông hoa trắng. Màu hoa sứ thắm hơn giữa nắng ban ngày. Hai ông Thiện và Ác mặc áo xanh đỏ, sừng sững đứng dính vào hai bờ tường bên ngoài chính điện. Ông Ác giương đao trợn trừng như sẵn sàng chém xuống người thế gian trần lụy. Ông Thiện dáng chừng bất lực, mắt buồn bã trầm ngâm trên chiếc chiếu hoa trải ra tận thềm. Hình như sắp là giờ khóa lễ, thấp thoáng những ngọn đèn hoa sen cháy đỏ và vài bóng người qùi gối sau khung cửa. Tôi loay hoay tìm dáng ni cô nhỏ nhắn. Có phải chính cô đã đổ những hồi chuông gióng dài trong hồn tôi một quá khứ. ‘‘Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông’’. Bây giờ mới hai giờ trưa, không phải là đêm cuối cùng xưa, khi tôi và Mây đã vào giường bỗng nghe tiếng kẹt cửa vọng lên, vội tung mùng chạy ra. Bắt gặp cô Ba sắp bước vào căn nhà tắm nhỏ trong góc sân, tấm áo cô khoác lơ lửng trên người không cài nút. Ánh trăng lóng lánh trong vại nước và trên da thịt cô màu sữa đọng. Đã đôi lần, chắc không còn ai chờ đợi trong nhà, cô nhẩn nha đứng dựa gốc cây, thản nhiên phơi trần nửa người trong đêm hâm hấp. Khuôn mặt khuất trong bóng tối cành lá, chỉ có đầu điếu thuốc chập lên từng đóm sáng ma trơi. Bao nhiêu năm trời đã qua, hình ảnh cô Ba vẫn dậy trong tôi những cảm giác rộn rạo, nôn nao cùng bất an, lẫn lộn. Chẳng hiểu Mây còn nhớ gì về người đàn bà đã từng mê hoặc Mây không. Chỉ ngày rằm, mùng một, cửa nhà cô mở rộng. Cô thong thả ra sân bày hoa quả thắp hương, dưới ngọn đèn treo trên cành trứng cá. Khói nhang bay tỏa khuôn mặt cô thành khẩn. Cô nào biết rằng trên căn gác tắt đèn có cửa sổ xanh đối diện, hai đứa con gái đang nhìn cô khấn khứa.

Mây đứng sau lưng, phà hơi thở nóng vào gáy tôi, thỉnh thoảng ngưng lại như đang hồi hộp đợi chờ một điều gì bất chợt sẽ xảy ra. Hai bàn tay Mây dịu nhỉu xoa vai tôi rồi vuốt lần xuống cánh tay trần. Sao vai mình không tròn như cô Ba mày nhỉ. Rồi Mây tiếp tục suýt xoa. Giá cô Ba mặc quần áo trắng dưới trăng chắc ma quái lắm. Tôi gật đầu, trong bóng tối. Cổ mà thành ma sẽ bắt hồn mày trước. Mây bấu vai tôi cười khúc khích. Tao đi trước rồi mày theo sau. Tôi phản đối. Theo mày làm gì. Mây tỉnh queo. Thì, cho biết vậy mà. Tự nhiên tôi thấy lạnh người. Thôi đi, nghe mà sợ, mày làm tao tưởng nhà này ở phố Đạm Tiên. Mẹ tôi dưới nhà gọi lên. Hai đứa không ngủ đi, ngày mai con Vân ra phi trường sớm đó nghe. Mây bỗng thả lỏng bàn tay, im lặng bất ngờ. Tiếng cô Ba xối nước từng đợt rào rào trong đêm khuya. Đồng hồ bên nhà hàng xóm thong thả điểm hai hồi rõ rệt, buồn bã.

Không gian mòn cũ rêu phong và hai cánh cửa căn phòng này rồi cũng như quá khứ, phải khép lại. Nhưng ngọn suối trên hòn non bộ sẽ đổ mãi xuống dưới chân cầu dòng nước thời gian. Mây đã qua đây một ngày. Những gì chúng tôi vừa chợt sống với nhau Mây có nhận biết chút nào chăng, trong khi nhiều chuyện ngày xưa vẫn rõ ràng tựa hồ hiện tại. Nếu có, Mây sẽ sống ra sao với cảm giác sâu hút lẫn tan tành, dấu vết của đêm mưa ấy, trong những ngày còn lại. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ đi, bỏ Mây trôi mãi một mình trong chập chùng ẩn ức. Tất cả đã đóng chặt. Tôi lê chiếc vali tới gần cửa ra vào cạnh cầu thang, để chốc nữa người tài xế xách xuống cho tiện. Giờ, tôi đi chào một vài người thân trước khi ra phi trường. Không phải để rồi bay đến một thành phố, một xứ sở hoàn toàn xa lạ, như ngày mười mấy tuổi, lần đầu ra đi, có Mây mong manh vẫy tay tiễn biệt, mà để trở về nơi cư ngụ. Chẳng mấy chốc, tôi sẽ bỏ mình cuốn đi băng băng vào một dòng đời khác, như đã từng.

Khoá hai vòng cửa, đi xuống cầu thang rồi băng qua con hẻm nhỏ, tôi bước ra đường phố. Nắng bỗng dịu đi, những cuộn mây cuốn tròn trên đầu và một làn gió nhẹ hong khô mấy giọt mồ hôi rịn ướt trên trán. Con đường này khá yên tĩnh, buổi trưa càng thưa vắng. Anh taxi thường đón tôi đến muộn. Bên hè phố, gánh đu đủ đỏ cam, từng miếng cong cong xếp đều trên hai thỏi nước đá đầy vết trấu. Người đàn bà ngồi bán đang cúi đếm xấp tiền mỏng với hai bàn tay sạm cháy, nhác thấy bóng người liền ngửng lên chào mời. Một giọng nói thanh và nhẹ. Tôi giật mình hơn trước nụ cười tươi với hai lõm tròn sâu trên má. Chiếc xe đã trờ tới sát bờ, tôi mở cửa bước vào, ngoảnh nhìn cô thêm lần nữa. Anh tài hỏi đi đâu, tôi buột miệng thốt một câu rồi buông đầu vào thành nệm.

Mây mặc áo cánh trắng, đang lúi húi tưới rau với bà sơ trẻ trên mấy luống cải ở hông nhà. Mọi thứ nơi đây hầu như khô, trống. Ngay cả những vồng cải cũng chẳng đủ sức mọc cao, chỉ có đồng cỏ may xem chừng hớn hở. Bà sơ lăng xăng bên Mây, cười nói lép chép, nhưng Mây không trả lời, lặng lẽ rê cái gáo dừa rót từng sợi nước, rồi lại đến thò vào cái lu dưới ống máng nghiêng vẹo, thõng xuống từ mái nhà. Thỉnh thoảng Mây đưa tay vén tóc ra sau tai. Tôi xót xa lặng nhìn, cử chỉ này thân thuộc quá. Bỗng Mây ngửng lên ngó ra đường nắng. Tay vẫn cầm gáo dừa, nàng trân trối. Rồi tôi chỉ kịp nhận ra một bóng trắng ập tới, bao quanh, xiết chặt lấy mình. Tôi chới với dang tay ôm lấy vòm mây, dúi mặt vào một điều rất thực. Nào ngờ, từ đó, mùi táo xanh rưng rưng, trên da thịt Mây nó đã hấp hương đằm thắm. Những ngón tay cuống quít níu chân tóc tôi, môi Mây lần quanh cổ gậm nhẹ vành tai. Bỗng dừng lại, thì thầm. Vẫn có điều kỳ diệu trên đời, tao tưởng sau đêm mưa, mày không đến nữa. Tôi sững sờ, đẩy Mây ra, nắm lấy hai bàn tay mềm nhưng ram ram vết cứa. Vẻ bàng bạc ngờ dại trong mắt đã bay đi, Mây nhìn suốt qua tôi. Có những giọt nước của cơn mưa đang rừng rực bốc hơi trong tia nắng cháy.

(tháng năm 99, với ND và TV)