Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 81): Khánh Trường – Thuỵ Khuê

Khánh Trường

Thuỵ Khuê

Rồi một ngày nào đó, người ta sẽ phải làm công việc tổng kết những tác phẩm viết về cuộc chiến hai mươi năm, sẽ tìm thấy những khác biệt sâu xa giữa những ngòi bút Bắc-Nam, hải ngoại-trong nước về cùng một đề tài. Biết đâu từ những khác biệt ấy, người ta có thể lần hồi vẽ lại được một thứ chân dung chiến tranh gần với sự thực hơn, gần với con người hơn những tấm bích chương phóng đại, tô màu, đã từng được dán trên tường, trên đường, khắp nơi, thời bình cũng như thời chiến.


Khánh Trường là một trong những tác giả mà người đọc sẽ có ngày tìm đến, khi muốn tái nhận bộ mặt chiến tranh, tìm hiểu những lũy tích đạn bom trên cơ thể và tâm linh những người sống sót.

Những truyện ngắn của Khánh Trường được in trong ba tập: Có Yêu Em Không do Tân Thư xuất bản năm 1990, tái bản năm 1997, Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Ðồng, Tân Thư và Thời Văn năm 1991, Chung Cuộc, Tân Thư 1997 ở California, Hoa Kỳ.

Có Yêu Em Không chứa đựng một thứ bạo vũ dục tình, nẩy sinh từ bạo táp chiến tranh, và không khí này xuất hiện trong hầu hết những truyện ngắn hay nhất của Khánh Trường. Mưa Ðêm là cuộc cãi vã của cặp nhân tình: cô gái điếm và gã lính bại trận, tử thương, là màn ẩu đả giữa sống và chết, giữa người và ma, là cuộc giao tranh giữa mộng và thực, giữa hồn và xác hay là trận ác chiến giữa những thực tại tối tăm nhất của con người. Bí Mật Của Rừng Già giao lưu thú tính và nhân tính trong lòng một tên thảo khấu cuồng sát, đàn em Pol Pot.
Biến Cố Trong Rừng Tràm đặt câu hỏi về những tội ác khủng khiếp đã có thể xảy ra cho những kẻ vượt biên kiệt lực, cùng đường. Những Mảnh Ðạn là đoản khúc yêu đương xuyên cõi âm dương, là trái mìn nổ chậm trong thân xác và vong linh những người còn sống mà đã chết.
Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Ðồng dấy lên khát vọng yêu thương của những trẻ tật nguyền, hậu quả của những bội tình, bội ước. Những Thảm Cỏ Nát Trong Khu Rừng Hoang mổ xẻ khía cạnh bạo tàn của một thứ luân lý, đạo đức thời trung cổ. Và Chung Cuộc viết về sự gặp gỡ của hai thân phận bị cuộc đời sa thải.

Giữa mùi tử khí, giữa những xú uế dòi bọ uất lên nơi  những xác chết đã thối rữa chương sình, phả ra một tình bạn dai hoi thắm đặm, một tình bạn chết người, một thứ tình bạn đỉa đói, nó theo con người vào cõi chết và cứ sống dai, sống dài sau cái chết. Người ta thường thấy những đối thoại giữa lính sống và lính chết, những cãi lộn, đanh đá cá cầy giữa gái điếm sống với những gã tình nhân lính đã chết toi chết tiệt từ kiếp nảo kiếp nào.
Khánh Trường vừa viết vừa chửi thề văn chương chữ nghĩa, vừa viết vừa nhổ bọt vào luân lý của cuộc đời. Vừa viết vừa hiếp dâm những thứ tình lãng mạn lý tưởng.
Người ta làm văn nghệ với những vai vế, chức sắc trong làng, Khánh Trường lính trơn, không bằng cấp, không quá khứ văn chương, nhẩy vào văn đàn như một tên du đãng cướp diễn đàn của các vị đại ca.
Người ta làm văn chương với những sứ mệnh, những nhiệm vụ cao cả, Khánh Trường kẻ phi số mệnh, phi đường lối, khơi khơi đi vào văn chương như một gã say rượu, loạng quạng chân nam đá chân xiêu, bạ mồm bạ miệng, điếc không sợ súng.
Nhưng sáng tác nào là không phát xuất từ những điếc đui dò dẫm?

*

Khánh Trường xuất hiện cùng thời với Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong ở hải ngoại (1), cả ba là những ngòi bút lính viết về chiến tranh, về cuộc đời, với đặc điểm thẳng thừng : nói thẳng, nói thật.
Khánh Trường họ Nguyễn, sinh năm 1948, sang Hoa Kỳ năm 1986. Ðịnh cư tại California. Vẽ. Viết văn. Và làm thơ.

Năm 1988, xuất bản tập Ðoản Thi Khánh Trường. Từ tháng 10 năm 1991, chủ biên tập san Hợp Lưu, đăng các sáng tác, biên khảo, cả trong lẫn ngoài nước.
Trách nhiệm tờ Hợp Lưu, con đường văn nghệ của Khánh Trường đã gặp nhiều cản lực của đôi bên, và ngòi bút của Khánh Trường cũng lại ngược dòng, chiếu những tư tưởng "phản kháng" vào một cộng đồng văn chương có những nét bảo thủ, thích những khuôn mẫu thời trang. Ở thời điểm mà những người làm văn ở hải ngoại còn đang lâm ly khóc thương cho một "quá khứ vàng son", cho những "lý tưởng tự do" chưa đạt đích, những "buổi mai về xây dựng lại màu cờ"... thì Khánh Trường lù lù xuất hiện với cái tôi lính tráng, cái tôi rượu chè, cái tôi du đãng, mở miệng là chửi thề, hùng thì ít mà hèn thì nhiều.

Khánh Trường là kẻ ngược dòng thời đại, ngược dòng nước chẩy. Khi người ta khóc thương quê hương, nhớ nhung lãng mạn, ca tụng tình yêu, ca tụng cái chết sĩ khí thì Khánh Trường lăng nhục thứ văn chương điếm đàng, lừa thầy, gạt bạn.
Khi người ta ca tụng những cao cả của sự vượt biên tìm tự do như lẽ sống của con người, thì Khánh Trường nói hụych toẹt cái lý do vượt biên kỳ cục của những kẻ giống mình: "Tôi ra đi chẳng phải vì căm thù chế độ, vì bị kềm kẹp khủng bố, mà chỉ vì bị quyến rũ bởi những tấm hình màu, những thùng quà đầy ắp, những tape nhạc, những băng vidéo, những xếp đô la dày cộm của bà con bạn bè bên Mỹ gửi về."

Ðể rồi, nhiều năm sau trên đất Mỹ, trên "thiên đường mới", anh nhận thấy "sự bơ vơ cùng cực của mình, trên một xứ sở sống gần 15 năm, sao vẫn như kẻ lạ."

Thế giới của Khánh Trường là thế giới của những kẻ ngoại đạo, tà đạo, ngược lộ, ngạo nghễ, nghênh ngang, du côn, sống còm, chết bỏ, đối chất với một thế giới chính giáo, khép kín trong những công thức cảm tình, những nhớ nhung vờ vĩnh, những thiên đường giả hiệu của những kẻ không tuần chay nào là không có nước mắt.
Tàn nhẫn nhưng thành thật đến độ phũ phàng, những nhân vật của Khánh Trường, không có tên. Chúng thường mang những danh xưng như: con đĩ, hắn, thằng cha, người đàn bà, thằng nhỏ, con nhỏ... Nếu có tôi thì cũng là cái tôi tàn mạt, vừa dâm, vừa ác, vừa hèn.

Những nhân vật của Khánh Trường coi thường tội lỗi, xỉ nhục đạo đức, một thái độ giới hạn giữa có luân và vô luân.
Thái độ đó bởi đâu? Phát sinh từ cái gì? Nếu không phải là từ những xác chết? Từ những trái phá phàng phũ ngoan cố chớp mắt đã xé nát những thằng bạn du thủ du thực đang ăn tục nói phét với nhau, bỗng lăn đùng ra, đứa mất đầu, đứa mất chân, đứa lòi ruột, bên cạnh những đống thịt bầy nhầy vụn nát của những thằng chết bằm.
Những truyện ngắn hay nhất của Khánh Trường đều xoay quanh "cái đó". Và từ "cái đó" nẩy sinh thái độ ngạo mạn, thái độ dửng dưng, đưa đến bạo lực, bạo tình.

Ở Khánh Trường là những thái quá. Là hiện tượng chiến tranh nổ chậm trên thể xác và tâm linh sau ngày đình chiến.
Những trái phá đó bị bỏ rơi, bỏ quên, tích tụ lại trong các hạch, các tuyến, các não thùy của người sống sót, và bất cứ lúc nào cũng có thể hồi sinh, mưng mủ, chạy cùng cơ thể như những chân rết nọc độc ung thư, như những trái mìn nổ chậm mà chắc.

Nhân vật của Khánh Trường là những kẻ dù lành mạnh thể xác, cũng tàn tật tâm linh, nam hay nữ, già hay trẻ, ít nhiều họ đều đã bị dính vào mìn cá nhân, mang những mảnh đạn chiến tranh trong cơ thể. Những truyện ngắn Có Yêu Em Không, Bí Mật Của Rừng Già, Biến Cố Trong Rừng Tràm,... đều có dấu vết của tạc đạn, của bạo tàn, của thần chết, của giết chóc, dẫn đến quẫn trí, dục tình và bạo lực. Nhưng trên tất cả các hung hãn bạo lực ấy, bao giờ cũng le lói chút tình người. Chỉ một chút thôi. Ðủ cho thấy cái tình người nhỏ nhoi và khan hiếm ấy nếu cứ bị cưỡng hiếp lâu dài thì sẽ có ngày tuyệt kiếp.

"Kh. đứng trên gò đất cao, hét khản giọng: Thằng Toàn mang cây M60 qua góc trái... Rồi, bắn vào chỗ bụi cây kia cho tao... Không phải, bụi cây lớn sau đám tranh kia kìa... Ðụ mẹ ngu như con bò. Tao bảo bụi cây sau đám tranh. Mầy không thấy lửa khạc ra chỗ đó sao? Tiếng đại liên nổ thành chuỗi giòn giã, lá cây tung tóe, những chiếc nón tai bèo phóng chạy như biến vào góc rừng. Tiểu đội khinh binh đâu? Theo tao. Kh. nhảy xuống gò đất, khoát tay ra lệnh cho bọn lính, miệng không ngớt: Lên, lên... lên mau... Tôi chạy lúp xúp sau Kh., một thằng lính vượt qua mặt tôi, nó hét: Chuẩn úy cúi thấp cái đầu xuống, coi chừng không có chỗ đội nón... Tôi chưa kịp nhìn xem thằng lính là ai thì hắn bỗng bật ngửa ra sau, giãy đành đạch, cái nón sắt văng khỏi đầu, lăn long lóc vào đám cỏ cao, cánh tay trái của hắn bung lên, đập vào ngực tôi, rơi xuống chân, co giật liên hồi. Tôi điếng người khiếp đảm, vội nhủi vào một gốc cây, úp mặt sau lớp vỏ sần sùi, tay chân tôi run bắn, cây súng trên tay chực muốn rớt. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi... Tôi lắp bắp như một thằng điên. Chung quanh tôi, tiếng đạn rít, tiếng B40 bùng bùng. Trên trời, chiếc phóng pháo cơ chúi thấp đầu, hai tia lửa dài ngoằng phóng ra. Tiếng nổ váng óc, cột khói bùng cao...
[...]
Nửa đêm, một trái pháo vu vơ rơi ngay hầm chỉ huy. Kh. chia ba với thằng tà lọt và tên lính truyền tin quả đạn. Khi đào hầm lên, phải cố gắng lắm bọn lính mới gom được một đống thịt xương trộn lẫn cùng đất cát. Phần Kh., tôi chỉ nhận ra hắn nhờ chiếc thẻ bài và hai cái hoa mai trên cổ áo. Cái chết đúng như lời một bài hát, chết thật tình cờ... Chết thật tình cờ! Phải, nhưng nhất định không nằm chết như mơ! Các ngài nghệ sĩ đôi khi lãng mạn một cách tàn nhẫn. Các ngài chẳng biết mẹ gì trận địa, thậm chí có ngài chưa từng thấy mặt ngang mũi dọc cây M16 nó ra làm sao? Trái M26 nó tròn méo thế nào so với trái MK3? Nên trí tưởng tượng của các ngài đôi khi làm bọn lính tráng chúng tôi những muốn văng tục. Chết như mơ! Ðụ mẹ, bảy năm trong một đơn vị tác chiến thực thụ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cái chết như mơ! Chỉ có chết tan xương nát thịt, như Kh., chết cụt đầu cụt tay, chết cháy đen giống cây than hầm, chết banh ngực lòi phèo lòi phổi, chết phơi bụng đổ ruột cứt dái lòng thòng... như bao nhiêu thằng lính lớn lính nhỏ. Chết như mơ. Ðụ mẹ, nói phét cũng vừa thôi.
  (Có Yêu Em Không, NXB Tân Thư, 1990, trang 184-187)

*

Khánh Trường là một tác giả cần dán nhãn hiệu cấm trẻ em dưới mười tám tuổi. Có những khốc bạo thái quá. Có những sex sỗ sàng. Có những triết lý dài dòng không cần thiết.
Nhưng nếu muốn thám hiểm bộ mặt thực của chiến tranh, thì không thể bỏ qua tác phẩm của Khánh Trường. Bạo lực hóa thân thành những chân rết ung thư khuẩn độc môi trường và đầu độc hạnh phúc.
Khánh Trường không muốn nhìn rõ biên giới giữa hai cực thiện ác, đạo đức và vô luân, nhân tính và thú tính. Ở mỗi hy sinh cho cuộc chiến đôi bên, người ta đọc diễn văn, cài huân chương, phủ poncho, phủ cờ. Tuyên trạng. Ðứng sau bàn thờ tổ quốc, Khánh Trường táy máy gỡ micro giật cờ, lật poncho để lộ những nét phế tàn hùng hãi trên thân thể những tử thi nằm trong mồ liệt sĩ dưới đài hoa chiến thắng.

Paris tháng 5/1997

Chú thích:
(1) Hoàng Khởi Phong viết từ trước 1975, ở Sài Gòn.

© 1995-2001 Thụy Khuê

Nguồn: http://thuykhue.free.fr/stt/k/KHANHTR.html