Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Thảo luận: Nhà văn trước sự suy đồi của xã hội (bài 3) – Một thế hệ khác

Như Quỳnh de Prelle từ Brussels

Tiêu đề bài viết này, tôi lấy trong lời đề tựa của Người mang nước, tập thơ thứ hai của tôi in ở Hoa Kỳ năm 2018 như một hành trình dài 10 năm của tôi từ thời 20. Một thế hệ khác chúng tôi có gì. Những giá trị như Tình yêu, Gia đình, Hiểu biết, Quê hương và tính toàn cầu, Sự đa dạng văn hoá… Những dịch chuyển, dịch chuyển từ bên trong từ hình chữ S cho đến những dịch chuyển địa lý, ngoài không gian ấy. Chúng tôi đón chào thế giới và nhìn bản thân mình rõ hơn, nhìn rõ quê hương với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khi thấy chính mình, dân tộc và đất nước hiện ra trong những mối quan hệ chung quanh của lịch sử và những biến đổi, thế hệ chúng tôi tự lập và mạnh mẽ hay đầy yếu đuối, nhạy cảm. Thế hệ của tôi từ lúc ấu thơ đã mở mắt nhìn rọi vào mọi thứ khác biệt, những tồn tại từ lúc mọi người còn quanh quẩn với cái đói và cái sống phải lựa chọn. Tôi nhìn thấy tất cả mọi bất trắc như lúc này từ lúc xa xưa trong đôi mắt nghi hoặc và muốn khám phá thế giới rộng lớn này, đời sống của con người đang tồn tại.

Với tất cả những ý nghĩ tốt đẹp về nhà văn hay nghề viết, tôi sẽ nhấn mạnh rằng Nhà văn hay viết là một công việc. Với tôi công việc ấy dù đặc biệt đến đâu thì nó vẫn là công việc và nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp, khắt khe, tính đạo đức đặc thù. Chuyên nghiệp từ cách viết tác phẩm, từ cách xuất hiện, và xuất bản của chính tác giả. Cảm xúc cũng phải được nuôi dưỡng chứ không phải sự tuỳ tiện, chủ quan. Tôi chưa bao giờ viết mà phải phụ thuộc vào những nhu cầu khác ngoài bản thân hay đó là một công việc tôi yêu thích, tôi lựa chọn nó chứ không phải do thời thượng yêu cầu, áp đặt. Từ cái nhìn bên trong đến thế giới bên ngoài khách quan, từ cái ngoại diên đến nội hàm của tiềm thức và suy nghĩ, Viết là một lựa chọn. Bản thân mỗi người là một thực thể, một thời tính của lý trí và mọi sự vận động. Tính hiểu biết và trưởng thành. Nhưng nhà văn không phải cái máy, công việc ấy luôn gắn liền với tính sáng tạo và tự do như một đặc thù chứ không phải những phù phép chữ nghĩa hay những cuộc chơi, dù bạn có thể viết vì chơi như những cuộc ngao du trong đời mình. Tôi không tin vào những thiên tài bẩm sinh ở thế hệ của mình, một thế hệ hoàn toàn khác về giá trị sống, phương tiện sống và cách thức tiếp cận thông tin. Tôi không tin vào những chớp nhoáng hào quang. Tôi tin ở con đường dài lâu, sự bền bỉ không miệt mài của người viết. Điều này lịch sử đã chứng minh. Trường đời hay kinh nghiệm cá nhân chỉ là khởi đầu chứ không phải là tất cả nếu chúng ta luôn nhàm chán, cũ kỹ, chúng ta không thể khác hơn. Vì thế, với một nhà văn hay người viết hôm nay, sự hiểu biết, sự học không bao giờ ngưng nghỉ, cập nhật thông tin, cách tiếp cận và phương thức đến với bạn đọc như một sự chuyên nghiệp của một công việc bài bản, có học hành và tri thức.

Trước xã hội hôm nay, nhà văn có trách nhiệm gì? Câu chuyện hôm nay hay câu chuyện lịch sử của chúng ta, câu chuyện của đất nước trước những biến động bên ngoài và bên trong… Hay những di sản tồi tàn cuả lịch sử, chúng ta lại quên đi những giá trị khác, những câu chuyện hàng ngày như trẻ em, phụ nữ và các bé gái bị hiếp dâm, bị lạm dụng tình dục, những định kiến bất bình đẳng giới, những câu chuyện chính trị phe cánh của các nhóm quyền lực chà đạp lên lợi ích của nhân dân, quyền tự do ngôn luận và biểu đạt…. Trách nhiệm của một người viết hay của một nhà văn, với tôi không chỉ trên những trang viết mà là cách sống, những việc làm cụ thể với cộng đồng và gia đình, với xã hội theo nghĩa rộng là sự đóng góp cụ thể, sự tham gia trực tiếp đúng vị trí, vai trò công dân của mình. Thế hệ chúng tôi khó chấp nhận một nghệ sỹ hay một tài năng là một người hại người khác bằng những ẩn ức tâm lý bệnh hoạn hay những trò quấy rối. Điều này, tôi khẳng định mạnh mẽ vì tôi không thể thoả hiệp với những điều xấu xa ấy để bao biện cho tài năng hay nghệ sỹ. Những điều ấy phải trả giá, dù tác phẩm của họ đã được sinh ra và tồn tại.

Tôi viết gì trước bàn viết, trước những rối loạn thông tin, trước cả những ngờ vực, sự khổ đau và tuyệt vọng. Nếu không đủ lòng dũng cảm, sự thấu hiểu giá trị mà tôi đang có và theo đuổi, tôi sẽ chạy theo hư danh. Hư danh một cái like hay hư danh của truyền thông. Tôi sẽ nhìn sai lệch về nghề viết như một thứ thời thượng showbiz và những thói xấu về cạnh tranh, chà đạp lên nhau. Tôi viết trong im lặng trong suốt nhiều năm dài, sự trắc ẩn, không phân biệt và kỳ thị. Bản thân tôi không chạy theo các sự kiện như một thứ mode. Nhưng có một điều chắc chắn rằng sự tự do tinh thần cho tôi những cách nhìn đa dạng và khách quan trước các câu chuyện. Tôi loại bỏ các định kiến. Môi trường sống quốc tế như tôi đang sống cho tôi hiểu nhiều hơn các câu chuyện đời từ các châu lục khác nhau, các màu da khác nhau, cho tôi biết nhiều hơn các nụ cười hạnh phúc và sự khổ đau, tuyệt vọng… Tôi lắng nghe nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn…. những rủi ro trong đời sống, những khoảng cách quá lớn trong xã hội dù cơ hội sống như nhau, được giáo dục giống nhau trong nhà trường… Tôi lắng nghe nhiều hơn và im lặng nhiều hơn, bởi tôi biết sự im lặng có lúc trở thành sự chia sẻ những gánh nặng trong tâm trạng và đời sống của những người luôn gặp bất trắc, khó khăn về những cơ hội sống, về sự an toàn để có một không gian đó là nhà hay một nơi gọi là đất nước, hay quê hương. Chúng ta theo giá trị nào, hướng đến con đường nào với thế giới văn minh? Chúng ta lựa chọn sự hội nhập hời hợt bên ngoài xã giao hay thực chất cho dân tộc này, chúng ta không thể quyết định được, chỉ có lịch sử quyết định bằng những cuộc đối thoại, có thể bằng cả định mệnh mà chính chúng ta không hề biết trước… Tôi không tin vào những dự báo nhưng tôi tin vào đường đi của lịch sử và những số phận, thậm chí số phận của cả một dân tộc đã được định sẵn từ những cách mạng trước đó mà chính họ lựa chọn sứ mệnh của mình, con đường cộng hoà dân chủ hay chuyên chính vô sản nghèo nàn lý tưởng… Chúng ta không ngồi chờ nó đi qua. Chúng ta sống trong lịch sử ấy. Chúng ta chao đảo, chúng ta vượt qua. Viết và viết. Chỉ có thể là viết. Một duy nhất tôi có thể diễn đạt mọi trạng thái, tâm tư của mình. Nhà văn không phải là những người hoạch định chính sách hay là kẻ vẽ những âm mưu. Nhà văn nhìn thấy lịch sử qua những con người, trạng thái cụ thể, chi tiết như những định đoạt, sự bắt gặp, nắm lấy… qua chữ, qua tâm hồn, sự tương tác của vũ trụ và tâm thế ấy cho họ tác phẩm, vị thế, đôi khi chỉ là sự ngắm nhìn, chiêm nghiệm, sự im lặng trong thiền tĩnh lặng, và cả những sục sôi nung nấu của tinh thần. Sau nhiều thời gian và lịch sử của văn chương thì tôi thấy điều duy nhất luôn tồn tại và vĩnh cửu đó là tuyt vng, vi tuyt vng như sự khốn cùng nhất, đớn đau nhất mà không lối thoát, không hy vọng gì cả, đó dường như cốt lõi bản chất của loài người, cũng như sự yếu đuối, giới hạn của chúng ta. Diễn tả mọi trạng thái ấy bằng cách này hay cách khác, văn chương không thể thiếu tuyệt vọng vì nỗi buồn cùng thời gian và lịch sử càng dầy lên chất chứa… trầm cảm trong những tích tắc của thời gian.

Thế hệ của tôi không gào thét, không chứng minh những hào nhoáng, chúng tôi không giải thích và biện minh, chúng tôi nhìn thấy rõ trách nhiệm từ chính cuộc sống với bản thân, với gia đình, với cộng đồng chung quanh mình, đi xa hơn, chúng tôi dám nhìn vào lịch sử và những câu chuyện xung quanh nó, chúng tôi không nhận những gánh vác phải trả nợ cho ai, mà chúng tôi sống như thời đại của mình, giá trị của mình mà không phải giải thích, không phải bon chen. Tôi đã gặp những người bạn phải chạy trốn trên những chiếc thuyền vượt đại dương, họ đã phải trong lao tù, trước cái chết của gia đình, người thân ở Syria… Tôi đã lắng nghe bao con người trong đời sống di dân, họ chấp nhận một cuộc đời khác để được tạm sống, để có quyền như bao người khác dù họ vẫn nghèo, nhưng họ có tiếng nói của tự do, sự tôn trọng của người khác. Mỗi ngày tôi sống ngoài không gian hình chữ S, ở một châu lục khác, tôi nhìn thấy con đường rộng dài, thế giới bao la và cả tình người rộng rãi, sự hồn nhiên vô tư trước những cái chết đã vượt qua, trước những cuộc đôi co số phận… Có bao người hiểu chúng tôi như chúng tôi phải đọc hàng ngàn trang sách từ cổ đến kim để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Có bao nhiêu thế hệ đi trước chia sẻ cùng chúng tôi. Dù ít ỏi, nhỏ nhoi nhưng chúng tôi tin giá trị mà chúng tôi đang theo sẽ không phản lại sự sống hay sự phát triển chung cho toàn nhân loại. Và vì thế, tôi viết, viết bằng câu chuyện của mình, từ sự rung cảm và hiểu biết của mình, trước cả những lựa chọn cho riêng mình, dù khác biệt.

Tôi không dám nhận trách nhiệm nào ý nghĩa nào cao cả ngoài những câu chuyện trong tâm thức và hiểu biết của tôi hay những khoảnh khắc đã trải qua như nguồn sống cho tôi ngày hôm nay và tôi sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa. Trách nhiệm với chính tôi và cuộc sống của mình, để mỗi ngày tôi thở và tôi nghĩ, những trang viết còn thổn thức, còn trắc ẩn. Trách nhiệm với tiếng Việt như một sự bảo tồn duy nhất tôi còn có thể. Và tôi thấy việc tôi có thể làm được là sự kết nối để chia sẻ và giúp đỡ, dù chỉ là thông tin, là cách làm hay tiếp cận một cách chuyên nghiệp với những bạn trẻ khác. Tôi luôn mong rằng, thế hệ tôi sẽ khác, sự hợp nhất không phải ở các chủ trương mệnh lệnh hay những tuyên ngôn mà chính là ở lòng người, sự thấu hiểu, cách con người đối đãi với nhau, từ tâm và thật lòng. Tôi không tin vào những trang sách đậm màu chính trị thổi phồng sự thật mà bản thân người viết là những kẻ căm ghét Hồi giáo, di dân rồi coi những con người như rối, những trò chơi chữ nghĩa của họ. Khi bản thân chưa tha thứ, còn chất chứa căm thù, liệu trái tim đó còn bao dung, còn chấp nhận lịch sử và thời gian. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, sao chúng ta cứ phải giải thích, phải tự khu biệt mình. Nhà văn không thoát khỏi những ẩn ức đó, không có những giá trị phổ quát khác, không tìm ra những mới mẻ, sáng tạo là bởi chỉ có tự do mới mang lại những điều cơ bản ấy… Cái thời đại tài năng là thiên bẩm, sự cô độc như một thứ trang trí của giới nghệ sỹ tôi tin không còn nhiều nữa mà chính là những giá trị hay sự hiểu biết trở thành phổ quát và phổ biến sẽ mang đến cho bạn đọc hay những câu chuyện thật sự rung động và hiểu biết. Tác phẩm của bạn là sự tìm kiếm bạn đọc cho riêng mình cũng như bạn đọc tự tìm đến tác phẩm sự tha thiết tìm kiếm qua chữ, qua sự thấu cảm mà đời sống bình thường cuốn trôi đi, làm mất đi những riêng tư, mất đi các nhu cầu thiết yếu hiểu chính mình, bóc tách tâm hồn mình. Nhà văn hay người viết cùng tác phẩm có công việc ấy, sự chia sẻ ấy mà khi viết họ không thể hình dung ra cho đến lúc bạn đọc có tác phẩm trong tay họ, họ trân trọng và giữ gìn. Thế hệ chúng tôi có một sự tương tác gần gũi trong việc hiểu độc giả của mình và độc giả hiểu tác giả mình yêu mến. Nhà văn không phải ông hoàng xa lạ hay trong tháp ngà. Nhà văn chính là con người giản dị chân thật nhất, khiêm nhường, luôn ẩn náu. Nhà văn chính là con người sống nhiều phần đời khác nhau trong một phần đời viết của mình, có lúc khó khăn, có lúc dễ dàng, có lúc chật hẹp, rộng rãi… có lúc đầy trắc trở âu lo… Năng lượng ấy chính là tinh thần, các giá trị được kết tinh và lan toả trong sự vô hình, thậm chí không ai thấy, không ai biết nhưng tác phẩm của họ cho bạn đọc biết điều ấy, sự đóng góp của họ với xã hội và cộng đồng cho mọi người thấy, giá trị thực sự của một người viết mang tên nhà văn.

Tôi viết về Thức, Quỳnh hay Vy bởi ý thức về giá trị của tự do hay đúng hơn là phẩm giá của con người có lương tâm. Nếu bạn không sợ hãi, bạn đọc những lá thư của Trần Huỳnh Duy Thức xem, nó không kích động bạn phải ra tay hành động, giết hại ai, nó thửc tỉnh trái tim bạn, tình yêu trong con người bạn về một xã hội bác ái, về sự thương yêu của hiểu biết. Những người phụ nữ như Quỳnh, như Vy làm tôi trắc ẩn bởi những đứa trẻ và người mẹ già, bạn có xót xa không, còn tôi thì thổn thức, có lúc suy sụp vì những điều ấy… và tôi viết. Những con người cụ thể chạm vào tôi, chạm vào sự hiểu biết của tôi, làm chữ thức dậy cùng đôi bàn tay của tôi, tôi phải viết ra. Nếu tôi ở một dân tộc khác, câu chuyện khác, tôi cũng sẽ viết về chính những điều đang diễn ra như thế. Tôi viết về chính tôi hay câu chuyện tôi thấy, tôi chạm vào không phải riêng về tôi, mà chính là đại diện cho một cách nhìn. Văn chương đã cho tôi sự bình đằng để có tiếng nói, để cất lên thành lời, trên trang viết. Có thể là tiếng nói không đồng thanh, không đồng vọng, đôi khi là sự lẻ loi, đơn độc nhưng đó là tiếng nói được bật ra của sự khao khát tự do của con người, của yêu thương thành thật. Văn chương cho tôi sự dũng cảm, sự thừa nhận để đối diện và trực diện với những sợ hãi để vượt qua. Một đời người được trưởng thành và thay đổi, đó chỉ là người viết, công việc viết. Công việc ấy nhìn thấu vào nội tâm, khó lòng dối trá.

Bài tham luận này với tiếng nói tự do và bình đẳng, có thể bạn đọc sẽ đọc hết và thấy mình ở đó, có thể làm cho ai đó khó chịu, động lòng… tôi tin ở diễn đàn Văn Việt và không gian này, chúng ta đủ sức chịu đựng và lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn, nhìn thấy nhau rõ hơn, và không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ, không phân biệt Nam Bắc, trong và ngoài, không phân biệt về giới tính… nghĩa là chúng ta thành công cho sự biểu đạt tự do, điều tối thiểu cho một sự thừa nhận đối với một người viết hay nhà văn nói chung.

Tôi gởi lời cảm ơn Văn Việt và Ban Biên tập đã cho chúng tôi những cơ hội để trình bày và diễn đạt, như sự chia sẻ kết nối để hiểu nhau hơn, gần nhau hơn. Tiếng Việt cho tôi một cây cầu để nối những con đường, sợi dây của tình văn chương, tình người còn lại ở quê hương này, mảnh đất xa xôi luôn chìm trong tôi những giấc mộng buồn.

Trân trọng và biết ơn,

Tháng 10/2018, từ Brussels, mùa thu,

Như Quỳnh de Prelle