Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 63): Hà Thúc Sinh - Lạc nhau

image

Tên thật là Phạm Vĩnh Xuân. Sinh năm 1943 tại Thanh Hóa. Cựu sĩ quan Hải quân QLVNCH. 1975 - 1980: Học tập cải tạo. 1981: Tới định cư tại Hoa Kỳ.

Hiện cư ngụ tại Texas.

Trước 1975 đã xuất bản nhiều tập thơ, nổi bật nhất là “Dạo Núi Mình Ta”, và nhiều truyện dịch.

Ở Hải ngoại, đã xuất bản:

·  Đại Học Máu, ký, Nhân Văn in lần 1, Hoa Kỳ, 1985. Nhân Văn in lần 2, Hoa Kỳ, 1985.

·  Thơ Viết Giữa Đường, thơ, Tân Văn, Hoa Kỳ, 1988.

·  Chị Em, truyện dài, Tân Văn, Hoa Kỳ, 1988.

·  Ông H.O., tập truyện, Thế Giới, Hoa Kỳ, 1993.

·  Cố Hương, tập truyện, Tú Quỳnh, Hoa Kỳ, 1994.

·  Hoà Bình và Tôi, thi tập, HTĐ Việt Báo, Hoa Kỳ, 1994.

·  Dưa Cà Mắm Muối, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1996.

·  Về, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1996.

·  Đêm Hè, tập truyện, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1997.

·  Tống Biệt Hai Mươi, tuyển tập 50 truyện, 1 kịch, 10 thơ, Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1999.
·  Tủi Nhục Ca, 11 tù khúc, Khánh Ly hát, Hoa Kỳ,1982.

·  Hẹn Em Sài Gòn, 12 ca khúc, các ca sĩ Phong Trào Hưng Ca hát, Hoa Kỳ, 1986.

·  Người Em Quận Cam, 12 tình khúc, Hồng Hạnh hát, Hoa Kỳ, 2005.

·  Sinh Ca, tuyển tập 56 ca khúc, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2003.

    ·  Lạy Em Mênh Mông, tuyển tập 30 tình khúc, Tuyết Lê Productions, Úc châu, đang in.

(theo http://newvietart.com/HATHUCSINH-hoaky.html)

LẠC NHAU

Nàng đã gần bốn mươi nhưng nhìn thoáng như mới ba mươi, có vẻ đẹp cứng cỏi của một loài hoa xương rồng, quen lẻ loi và tự tin chịu được sự thử thách của mọi thời tiết. Nàng quan niệm hạnh phúc là một đời sống biết thoả hiệp với hiện tại, có thể vì thế ngay khi chân ướt chân ráo đến Mỹ, nàng đã cặm cụi học một nghề chuyên môn. Giờ nàng là một dược sĩ, làm ca đêm cho một dược phòng ở phố South Pasadena. Nhiều năm qua nàng chia phòng với mấy cô bạn nơi một căn nhà trên đại lộ Atlantic phố Alhambra, đoạn trồng nhiều dừa và tử kinh đào. Nhà và sở cách nhau mươi phút lái xe. Trước rảnh là nàng đọc sách, ít giao du, thậm chí ít ra ngoài sân ngồi. Nàng sống an nhiên tự tại. Gần đây cuối tuần nàng hay ra bao lơn ngồi nhìn núi. Ấy là vì trước nàng manh nha hiểu hoả ngục là sự cưỡng hợp giữa hai con người trái tính, nay hiểu thêm xua một người khỏi nhà không khó nhưng xua một tình yêu khỏi đời không dễ, vì thế lòng an nhiên tự tại có mẻ đôi phần. Thật vậy, nàng vẫn thường hình dung ra chàng mỗi khi nhìn lên dãy San Gabriel. Vào mùa sương mù núi nhạt hẳn. Có lúc nàng đã bắt gặp trên đó đôi nét cũ mờ, giông giống những bức ảnh từng treo trong phòng chàng, và điều đó có gây cho nàng chút hoảng sợ âm thầm.

Ngày ấy như mới đâu đây.

Đó là một chiều trước ngày lễ Tro, từ nhà cô bạn trên miệt El Monte nàng chạy về sửa soạn đi làm, về đến Alhambra xe chết máy thình lình. Hai cậu thanh niên Mỹ vừa đẩy giúp vào khu đậu xe của một thương xá thì gió đổi chiều. Một lát có hơi nước. Núi trở đen như thỏi mực Tàu. Rồi mưa. Mưa mù trời đất. Nhà cửa mờ nhạt. Con người mờ nhạt. Cả thành phố thung lũng chỉ dãy núi là còn khá rõ. Nàng bước đại vào tiệm Mervyn's trên đường Main, vừa để đụt mưa vừa hưởng chút ấm áp của máy điều hoà. Nàng xem đồng hồ tay. Còn hơn tiếng. Nàng gọi điện thoại cho hãng trục xe, yên tâm dạo qua các quầy hàng xem chơi, tính gần tới giờ sẽ gọi về nhờ cô bạn đến chở tới sở.

Đang ơ hờ ngắm mấy lọ nước hoa thì chàng đến bên. Chàng như có ngại ngần giây lát mới hỏi:

“Cô Nữ?”

Nàng nhìn chàng, một người đàn ông quãng bốn lăm, ăn mặc hơi cẩu thả, cao gầy, mắt sâu, tóc hơi mỏng, dài. Đặc biệt nụ cười không tươi.

“Vâng...” Nàng đáp, cố thản nhiên.

“Tôi là Hoài, bạn học của anh cô ngày xưa.” Chàng cười bối rối: “Không dè...”

Nàng ngạc nhiên, tính đặt câu hỏi, nhưng như đã đoán ra trước ánh mắt dò chừng của nàng, chàng đổi nét bối rối sang nét thân mật, nói chận: “Hồi ấy thú thật tôi chưa có dịp đến chơi nhà, nhưng bọn trai trẻ, cô Nữ hiểu, không biết bạn mình có em gái đẹp còn lỗi nào lớn hơn?”

Nàng không rõ lắm mình bẽn lẽn hay khó chịu trước lời khen tặng. Nó có vẻ đột ngột, gần với sự suồng sã. Nàng muốn tỏ một thái độ chi đó, không xong, đành nói:

“Dạ không dám.”

Chàng lại hỏi, giọng hồn nhiên hơn:

“Thế gia đình cô sang đây hồi nào, ông anh mấy cháu rồi?”

“Dạ... tám năm trước tôi vượt biển có mỗi mình. Anh tôi mất vì lao sau ba năm tù.”

Nàng buột miệng và tự ngạc nhiên về sự thành thật hơi sớm và hơi quá của mình. Nhưng chàng thì thoáng nhăn mặt, giọng xa vắng:

“Hoá mỗi tôi đào ngũ. Mới ngày nào chung lớp chung trường, rồi động viên cùng lượt, giờ bể dâu hết. Thế cô Nữ có gia đình chưa?”

Nàng xốc lại chiếc ví đeo vai. Thủ. Nàng tính nói dối đại một câu, nhưng chẳng rõ lý do vẫn cứ thành thật:

“Dạ chưa.... Thế anh ở đâu?”

“Có nên hỏi một người homeless sống ở đâu không? Gặp cô Nữ mừng lắm. Tôi xa nhà từ 75, thế mà, vâng, thế mà thoáng thấy cô tôi nhận ra ngay.”

Khi ngồi đối diện với chàng trong quán cà phê ngay cạnh tiệm Mervyn's nàng mới hoảng ngầm trong bụng. Và khi chàng chở nàng đến sở, lái xe đi, nàng mới tự hỏi tại sao người ta chỉ quen báo động sự nhẹ dạ cho những bé gái mười lăm mười bảy? Nàng đã tin nhẹ dạ là cái bóng không rời của mọi trái tim đàn bà.

Phòng trọ của chàng nằm trên đường Commonwealth, một nhánh của đại lộ Atlantic. Có lần ghé chàng, qua cửa sổ, chàng chỉ đúng nóc nhà nàng và nói: “Hơn năm ở đây nào ngờ em ở ngay kia. Thật ném lá thư tình cũng tới.” Nàng cười lặng lẽ. Nàng không còn lạ lối ăn nói hồn nhiên, đôi khi thi vị của chàng. Chàng không là một thi sĩ đó sao? Mà thi sĩ là gì nếu không phải một sự giản dị khó hiểu? Họ chua chát hoá một cuộc đời họ yêu rộn rã; họ phá sản hoá một tâm hồn vốn đầy dẫy tin yêu; họ say đắm họ và đồng thời họ coi thường họ. Có thể nàng hiểu chưa đủ về một con người như chàng, nhưng tạm để hiểu chàng là thứ người chỉ có một mảnh hồn bé nhỏ nhưng muốn chia cho tất cả.

Dù sao nàng đã yêu chàng, dễ dãi, nhanh chóng, bất ngờ nữa; giống một cô gái kỵ rượu trong ngọn lửa ấm một đêm liên hoan, nể đời, nàng nhấp thử chút rượu ngọt và say, nhưng đáng sợ là từ đó mỗi ngày không có chút rượu nàng không biết tìm đâu ra một cảm giác ấm lòng huyền diệu.

Và như thế, eo ôi, nàng đâu được phép để nguồn tình yêu của nàng phải bệ rạc. Mà chàng thì bệ rạc, hiểu theo nghĩa của nàng.

Chàng làm việc tại nhà. “Mười mấy năm qua anh chưa từng làm việc cho tên Mỹ nào.” Một lần chàng nói như thế với nụ cười khó hiểu. Đúng ra chàng nhận hàng về làm từ một studio chuyên sửa và chụp lại các ảnh cũ của một người bạn trong vùng, vì thế phòng chàng lúc nào cũng bừa bộn. Phim ảnh giăng ngang dọc như người ta phơi tã. Những thuốc màu, hoá chất, cọ lớn cọ nhỏ, khay nước rửa, máy sấy... Đó là một thế giới có chai lọ nằm trên nệm giường, ổ bánh mì nằm trong gầm bàn, đoá hoa cắm trong chai bia, lịch sử gắn trên vách. Quả vậy. Trên vách phòng chàng nàng có thể thấy lại được các tấm ảnh chụp đủ kỳ quan đất nước, những hình ảnh chiến tranh ác liệt, những cô dâu chú rể ở vào thời nàng chưa ra đời, thậm chí những đám ma; nói chung, đủ quan hôn tang tế.

Có lần chàng vui vẻ chỉ một tấm ảnh, nói:

“Đòi bằng được anh khoả thân giúp.”

“Hả?”

“Ông chồng thì xin lột hộ khăn đóng áo dài, bà vợ thì xin lột hộ chiếc áo gấm nhị thể. Họ muốn com-lê váy đầm cơ.”

“...!”

“Nữ đoán coi nhiêu?”

“...?”

“Nàng bảy bó chàng bảy bó rưỡi.”

“Rồi sao anh?”

“Rồi sao? Phải đúng hẹn chứ sao. Ba ngày nữa giao. Các cụ ấy mà. Biết đi lúc nào. Kịp giúp họ góp thêm tiếng cười nhạt vào một sân khấu đã thừa trào lộng không là việc phúc đức?”

Đại loại đó là công việc của chàng. Chàng nói vui nhưng không biết chàng làm có vui. Một buổi đến chơi chàng như quên mất có nàng bên cạnh. Chàng cặm cụi tô vẽ một bức ảnh, có lúc dừng tay bâng khuâng, ngẫm nghĩ. Nàng có cảm tưởng bức ảnh  như chất xúc tác bén nhạy cho chàng cọ sát với dĩ vãng từng ngày. Trong cái thế giới tĩnh vật chàng tiếp cận, có nhiều dấu hiệu nó không êm ả mà hàm chứa một mãnh lực khác thường. Có thể chàng nghĩ nó như dòng nước ân huệ đem phù sa bồi mãi vào một bên bờ có mình chàng đứng, giữa khi bào mòn bờ bên kia là đám đông có nàng, hay cặp vợ chồng già đòi thay quần áo mới trên tấm ảnh cũ.

Chàng thao thức nhiều với dĩ vãng. Nàng đoán vậy.

Được cái không bao giờ chàng sai hẹn với hiện tại. Cho dù cả buổi trời gọi điện thoại, thậm chí đến tận phòng tìm không gặp, nhưng năm phút trước giờ nàng đi làm chàng đã đậu xe trước nhà, và năm phút trước giờ tan sở nhìn ra khu đậu xe đã thấy xe chàng.

Khi lái xe trên đường khuya chàng ít nói. Những đêm gió thổi bần bật bên tai chàng chẳng buồn lên kính. Trong xe nàng chỉ thấy tóc chàng bay rối làm mờ thêm một nửa mặt vốn đã không rõ nét. Nhưng nàng biết đó là lúc chàng lại mải mê đeo đuổi những kỷ niệm nàng không thể tham dự.

Một lần nàng hỏi:

“Lái xe mà sao anh cứ nhìn núi?”

Chàng thở dài, nói nhỏ:

“Đây dễ lạc nhau quá. Phải giữ lấy một điểm chuẩn, phòng khi...”

Nàng không tin mình hiểu thấu đáo ý chàng. Đôi khi nàng có ngờ đó là một loại tâm thần. Nàng tính đề nghị chàng nên đi học lại, kiếm một nghề chắc chắn, quân bình lại cuộc đời, nhưng rồi ngại đó có thể là lời khuyên không khéo, lại thôi.

Lát sau nàng hỏi:

“Hoài à, hình như nhiều người không chấp nhận được xã hội này... Anh sao?”

Chàng cười:

“Chữ chấp nhận xa xỉ quá, anh có chi nổi. Vấn đề là làm sao yêu được một thứ mình không yêu.”

Nàng bối rối:

“Vậy cuối đường chúng ta là gì đây? Đừng giận em nói thật nhá. Lêu bêu là một ngụ ngôn xấu hổ cho tình yêu đấy.”

Chàng chỉ nhìn nàng, không phản ứng. Nàng mơ hồ hiểu hơn về một điều đáng sợ. Có những người hoàn toàn không sống với thực tại. Có thể chàng là một mất rồi.

Và cứ thế, đêm đêm ngồi với nhau một lát trong bãi đậu thảng thốt tiếng chim khuya, hay tấp vào cây xăng rẻ tiền, hay lái trên con đường một bên nhà cửa một bên núi đen sẫm, chàng không kể nàng nghe những chuyện trong ngày, thậm chí chuyện lứa đôi, chàng cứ nhắc tới những câu chuyện cũ mà trong thâm tâm nàng không mấy gắn bó, không thể chia sẻ.

Một hôm nàng rủ chàng đi với nàng dự một dạ tiệc của hiệp hội dược sĩ trong vùng, trùng ngày 30-4. Chàng ra dấu ngần ngại. Nàng khuyến khích. Chàng hỏi:

“Người ta có thể đến với bữa tiệc chung bằng một ý nghĩa riêng?”

Nàng cười:

“Ăn cá nhớ biển, ăn thịt nhớ rừng; mà ngược lại chẳng ai bỏ tù mình.”

“Được, vậy đi. Anh sẽ ăn giỗ.”

Nàng chưng hửng, sau thêm kinh dị. Nàng không dè trong chàng còn chứa sự hung hãn. Nàng không biết câu chuyện khởi đi thế nào, chỉ biết lúc ấy tiệc gần tàn, ở một góc tách biệt, chàng đã nắm chặt một chai bia, đầy nét giận dữ thách một người Mỹ đầu hói có bộ râu bạc ra ngoài “giải quyết vấn đề.” Các bạn đồng nghiệp của nàng cho là hai người say, can và không ai gọi cảnh sát. Nàng đem chàng về và dù gặng hỏi thế nào chàng không nói nguyên do. Đêm ấy chàng ngồi uống rượu một mình, uống dữ dằn, lát sau đổ xuống nệm nằm như xác chết. Nàng chán nản tắt đèn; không đèn ngủ nàng bật đèn nhà tắm, rồi bỏ về. Nửa khuya sốt ruột, gọi điện thoại không ai nghe, nàng lại phải mò sang thăm chừng. Đó là lần đầu ngồi một mình trong bóng tối nàng được chứng kiến bi kịch một màn một cảnh một nhân vật.

Chàng quỳ trên thảm trải đầy những hình ảnh nhầu nát, mắt trơ trơ như mù. Điều đáng sợ là chàng nói, nói thật điềm tĩnh, như một người đọc lời cam kết trước rất nhiều người về một việc hệ trọng. Nhưng việc gì? Nàng không hiểu. Cho đến khi chàng đổi thái độ điềm tĩnh sang hộc tốc thì nàng có thể đoán hiểu phần nào. Chàng cúi đào bới trên thảm như muốn chôn cất hay giấu giếm một khối thân yêu nặng vô hình vào một chỗ an toàn. “Ở yên đây!” Chàng thầm thì: “Khi trở lại tao bốc tụi mày. Phải tin tao ghét lỗi hẹn.” Nàng cố ngồi yên, kiên nhẫn ghi nhận. Một sợi ánh sáng từ kẽ cửa phòng tắm như thanh kiếm sắc cắt chàng làm đôi. Chàng đổ xuống, thê thảm như một con nhện mắc kẹt ngay trong chiếc lưới dầy đặc của chính nó nhả từ bụng ra. Đó là lần đầu tiên nàng thấy sợ chàng. Chàng như đổi màu, như biến thành một thứ của cải của người chết và nàng ớn sợ khi nghĩ nếu mình phải chạm tay vào. Mãi cho đến khi chàng thật sự đầu hàng giấc ngủ nàng mới đắp chăn cho chàng, rồi lặng lẽ đóng cửa, lặng lẽ ra về.

Trên đường khuya nàng nghĩ ngợi nhiều. Nhưng những việc ấy không đòi hỏi nàng một sự giải quyết, nó là của chàng, thuần túy. Sự băn khoăn của nàng nằm ở chỗ khác. Sao thế, sao lại có sự trùng hợp kỳ quặc như thế? Liệu có giá trị khả tín nào trong lời mơ hoảng của một người say? Nàng đã khám phá ra một điều kinh dị hơn cả: Cô Nữ trong giấc mơ chàng tuyệt nhiên không phải là nàng. Người anh, gia đình, những thân thuộc của nàng chàng từng ân cần nhắc tới không phải của nàng. Tất cả đều khởi đi từ một ngộ nhận!

Nằm trên giường đêm ấy nàng suy nghĩ thật lung, sau dặn lòng thôi cứ yên lặng, cứ để cho những câu chuyện kể của chàng được tiếp tục say sưa, nguyên vẹn. Nàng không nỡ đẩy chàng ra khỏi giấc mộng. Lại có lúc thấy thương chàng quá, nàng còn táo bạo với ý nghĩ bênh vực: Coi như chàng chui nhầm màn một phụ nữ, cứ để yên cho chàng hưởng sự thú vị bất ngờ!

Chàng đã đột ngột đến với nàng như cơn mưa vào ngày lễ Tro và biến đi như bụi cũng vào một ngày lễ Tro hai năm sau đó. Hai năm ân tình có đủ ghi những nét sâu đậm không thể phai mờ? Nàng hồ nghi dù không chối cãi nàng không hoàn toàn thản nhiên khi thất lạc một tình yêu. Và vì thế những khi nhìn núi nàng lại chạnh nhớ đến chàng, và không thiếu lúc khấn thầm nó vẫn là điểm chuẩn cho chàng.

Dù sao mỗi khi nhẩm lại bài thơ - như một trang nhật ký chỉ mới phác đôi nét mơ hồ - chàng viết tặng nàng trước lúc âm thầm ra đi, nàng vẫn riêng hy vọng với hai câu kết. Bài thơ viết:

Bóng núi tối như nấm mồ lớn

Chim khuya ríu rít biết chim gì

Lái xe đi mỗi đêm như thế

Gió vỗ về trên mặt tái tê

Ta cứ thấy xa lạ vô cùng

Giữa đất trời hai mươi năm sống

Te te te kèn xe ngó ngang

Gã râu ria tưởng tên cố vấn

Và cứ thế khi ta đón em

Chỗ sở làm gần cây xăng rẻ

Em quen ta hay ta quen em

Không thiếu lúc dị thường như thế

Rồi trên xe ta không hôn nhau

(Theo thói quen những người ở Mỹ)

Chỉ dịu dàng em cười cúi đầu:

Ôi chàng trai của tôi đãng trí

Và cứ thế ta phục hồi nhau

Bằng lập lại những câu chuyện kể...

Hai câu thơ mặc nhiên có hàm chứa một lời hứa hẹn mơ hồ, ấy là theo ý nàng, và vì thế đến nay nàng vẫn chờ chàng trở lại./.

Alhambra 3-95

Tác giả gửi cho Văn Việt.