Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 22): Thẩm Oánh – Nhà Việt Nam

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)


clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Nhà Việt Nam – Sáng tác: Thẩm Oánh

Trình bày: Hợp ca - Quỳnh Giao & Kim Tước & Quốc Anh

Nghe thêm:

Hoài Nam -70 Năm Tình Ca (7)- Thẩm Oánh, Canh Thân

Đọc Thêm:

NHẠC SĨ THẨM OÁNH (1916-1996)
Lê Văn Phúc

(Nguồn : http://cothommagazine.com)

Lời nói đầu: Trong giới văn học nghệ thuật có thông lệ là mỗi khi nhắc đến tác giả nào, người ta thường chỉ gọi bằng tên hay bút hiệu. Đó là một sự quý trọng dành riêng cho người sáng tác chứ không lấy tuổi tác để đo mốc thời gian. Theo thông lệ đó, danh xưng trong bài này được gọi là “Nhạc sĩ Thẩm  Oánh” hoặc “Thẩm Oánh”.

Phần sau, chúng tôi nói dến cuộc viếng thăm phu nhân của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Năm nay cụ 85 tuổi, hiện cư ngụ tại Virginia. Cụ coi chúng tôi như em út  nên  xưng hô là “Chị”,  “Em” trong khi đàm đạo.

Bài này, chúng tôi cũng tham khảo tài liệu qua các bài viết của nhà văn Biển Nhớ trên Web Đặc Trưng, nhà văn Trần Long Hồ (tức bác sĩ Trần Trúc Quang) và nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Phần quan trọng nữa là những bản nhạc từ thời xa xưa cùng một số tài liệu đã được nhạc sĩ Nguyễn Túc sưu tập cho mượn cũng như hướng dẫn tôi đến thăm cụ bà Thẩm Oánh.

clip_image005

MỘT ĐỜI CHO ÂM NHẠC

Nhạc sĩ Thẩm Oánh tên thực là Thẩm Ngọc Oánh, sinh năm 1916 tại Hà-Nội.

Học vỡ lòng với một thầy đồ tại nhà riêng. Thầy đồ này lại biết chơi đàn Tàu nên cậu bé Thẩm Ngọc Oánh mê nhạc ngay từ hồi lên 6 tuổi.

Được khoảng 4 năm thì thầy đồ trở về quê vì tình hình chiến sự.

Thẩm Oánh đã học âm nhạc qua một số sách viết bằng tiếng Pháp. Và khi học xong bậc trung học tại các trường Clémenceaux, Albert Sarraut và Puginier thì Thẩm Oánh bắt đầu dạy nhạc từ năm 1934, khi mới 18 tuổi.

Thẩm Oánh sáng tác hơn 1,000 bản nhạc nhưng những bản đắc ý nhất, được phổ biến rộng rãi nhất không quá vài chục bài.

Nhạc của Thẩm Oánh có thể tóm tắt trong 4 đề tài:

– Nhạc anh hùng ca
– Nhạc Phật giáo
– Nhạc nhi đồng
– Nhạc tình cảm

Ngoài các thể loại trên, Thẩm Oánh đã viết 3 vở nhạc kịch: Quán Giang Hồ, Bá Nha-Tử Kỳ, Đoàn Kết Là Sức Mạnh.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh còn cộng tác với các tạp chí Việt Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Chủ bút nguyệt san Việt Nhạc; giữ các chức vụ Giám Đốc Đài phát thanh Hà-Nội, Trưởng Ban Việt Nhạc, Giám đốc trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông (thuộc Bộ Thông Tin và Thanh Niên), Phó Hội Trưởng Việt Nam Nhạc Hội, dạy nhạc và ngọai ngữ tại một số trường trung học.

Gia đình nhạc sĩ Thẩm Oánh sang Hoa Kỳ năm 1991.
Đến tháng Tư năm 1993, Nhóm Trưng Vương Vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức “Đại Nhạc Hội 60 năm Âm Nhạc Thẩm Oánh” đã phát hành tuyển tập “Nhớ Nhung” để vinh danh một nhạc sĩ đã tận tụy đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam và tri ân một giáo sư đã giảng dậy âm nhạc trong nhiều năm tại các trường Trưng Vương, Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Đồng thời, cũng là để lưu lại cho các thế hệ sau một số tác phẩm giá trị của bậc tiền bối.

Bút tích duy nhất của Thẩm Oánh mà chúng tôi có được là lời tâm sự của nhạc sĩ viết trong tuyển tập này, với tựa đề “Nhớ Nhung”.

Xin được trích vài đoạn:

“…Tâm tình đa cảm mang lại Nhớ Nhung. Gặp nhau đâu thấy thoáng chút hương thơm quyện vào vành mũi, thấy mấy sợi tóc mây phơ phất tạt ngang mày, thấy một nụ cười duyên bén tình say, một nét thuần dịu vụng về lộ vẻ thơ ngây trong cử chỉ nhu hoà, duyên dáng… những ấn tượng ấy, bảng lảng nhớ nhung, nhớ nhung đến “ngợp trời”, nhớ nhung đến “gió trăng lạc lối”, và những sự “thấy” và “gặp” ấy kết thành ý nghĩ mung lung để viết ra một số bài.”

“…Đến “Việt Nam hùng tiến” thì thực là “bột phát”. Vỏn vẹn mươi người hát chưa vững, thế mà ít lâu sau cả vùng, cả đoàn hát lên để dựng cờ. Rồi phong trào đột khởi, lòng hăng say yêu nước đã thai nghén được thêm “Việt Nam hùng tiến”, “Non Nước Việt Nam”, “Nhà Việt Nam”, “Bài ca đoàn kết”, “Người Việt Nam xin đừng quên”, “Người trai Việt nhớ chăng?” có thể vô duyên lúc đương thời nhưng hữu sự về mai hậu… Kế tiếp lànhững chuyện tình xưa còn truyền khẩu lại cho tới ngày nay, giúp cho tình nghĩa vợ chồng thêm đằm thắm keo sơn, như “Vợ chồng Ngâu”, “Thiếu phụ Nam  Xương”, “Nàng Bân”… Rồi những bài ca lịch sử từ “Hùng Vương” tới ”Bắc Bình Vương”, và “A Di Đà Phật”, “Trầm hoa hương ngát”, “Thập phương chúng sinh” cùng với những bài ca lịch sử trên còn tồn tại lâu dài.

“Số bài còn lại đã giấu giếm gần nửa thế kỷ, cuốn gọn vào một sọt giấy cũ nát, hầu như bỏ đi. Ném vào một góc tường mà mưa nắng đã làm ẩm ướt và mục nát, thì mười phần nay chỉ còn non một nửa. Xếp lại từng trang, đọc lại từng dòng, chấm lại từng nốt, mỗi bài một nhạc đề, mỗi dòng một kiểu cách, thoáng hiện nếp “ngũ cung” đa dạng, chuyển âm đột ngột, nhạc điệu ấy đã làm người nghe cảm xúc lúc ban đầu. Đã muốn bỏ quên và chôn vùi theo thời gian, thì lại gặp cố tri hằng mến nhau vì cảnh ngộ phũ phàng, những người bạn cũ đã  lưu vong nơi vùng đất hứa này, gợi ý cho sống lại thuở đương thời cách biệt.

Nhạc tập này được ấn hành để đánh dấu một thời chìm nổi của cái ta vô vọng…”

CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ THẨM OÁNH?

Phải nói một cách thẳng thắn rằng: Hầu hết chúng ta không biết gì về người nhạc sĩ tài hoa này cả. Cái tên “Thẩm Oánh” thì ai cũng nhớ, một số nhạc phẩm của Thẩm Oánh thì ai cũng thuộc hoặc cũng đã nghe qua, nhưng hỏi về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Thẩm Oánh thì ít người biết một cách rõ ràng.
Phần vì Thẩm Oánh thuộc lớp nhạc sĩ lão thành, tiền phong trong tân nhạc nên phần đông người cùng trang lứa với nhạc sĩ nay đã ra người thiên cổ. Phần khác, Thẩm Oánh là người  tính tình nghiêm nghị, khép kín, ít bạn cũng như ít tâm tình trò chuyện nên ngay cả những người trong nhà cũng không mấy ai được Thẩm Oánh chia sẻ.

Thế nên, tìm hiểu về Thẩm Oánh là điều rất khó. Nhạc của Thẩm Oánh lại không phải là loại nhạc  để trình diễn, nên ít có ca sĩ nào dám hát nhạc Thẩm Oánh trong một đại nhạc hội. Nét nhạc  Thẩm Oánh có một sắc thái, một phong thái riêng, có lẽ chỉ thích hợp với một vài lớp người thưởng ngoạn mà thôi.

May thay, chúng ta còn có được một nhân chứng, người trong cùng giới ca nhạc, rất có uy tín  là nhạc sĩ Nguyễn Hiền, đã nhắc đến Thẩm Oánh trong một bài ngắn nhưng đầy đủ  khi người nhạc sĩ tiên phong, đa tài này từ giã cõi đời ở tuổi 80.

Nguyễn Hiền viết:

“Tin nhạc sĩ Thẩm Oánh ra đi vĩnh viễn đối với chúng ta chỉ cách vài tháng sau cái chết của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Văn Cao đã là một mất mát lớn trong giới âm nhạc Việt Nam. Nếu lịch sử chỉ là sự tiếp nối giữa các thế hệ, thì nhũng lớp người đi trước luôn luôn cần được ghi nhận công lao xứng đáng với việc làm của họ qua những đóng góp  không nhỏ cho âm nhạc nước nhà trong suốt cuộc đời đã qua.

Nói đến Thẩm Oánh, công lao ấy rất đáng kể nếu chúng ta quay về những năm ở giữa thập niên 30, khi âm nhạc Việt Nam vừa xuất hiện lác đác mới chỉ có vài bản nhạc. Lớp thanh niên lúc bấy giờ chỉ biết đến những bài ca Pháp thịnh hành do danh ca Tino Rossi trình bày qua đĩa nhựa phổ biến vào nước ta.
Chỉ nhớ là kỹ thuật điện ảnh lúc bấy giờ còn thô sơ với loại phim câm chưa có âm thanh đi kèm. Cho đến năm 1936 mới bắt đầu xuất hiện những cuốn phim có tiếng nói được quảng cáo ầm ĩ trên báo qua danh từ “Cinéma Parlant”, lôi cuốn lớp thanh niên Việt Nam thời đại.

Trong bối cảnh rất hạn chế ấy, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã là người đi tiên phong, sáng tác nhạc với lời ca thuần túy Việt Nam.

Bản đầu tiên ông viết – nếu tôi không lầm – là bài “Có ai sang đò”, thanh niên thiếu nữ chuyền tay nhau chép lại tập hát ở nhà, vì hồi đó chưa có nhà xuất bản nào phát hành nhạc như sau này.

Ở Hà-Nội người ta biết đến tên ông cùng với Dương Thiệu Tước qua bản nhạc đầu tiên “Tâm hồn anh tìm em” như một cặp bài trùng xuất hiện trên sân khấu Nhà Hát Lớn những buổi trình diễn kịch nói rất hiếm hoi, có xen kẽ một vài bài nhạc Việt Nam.

Hình ảnh hai nhạc sĩ Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước bận đồ Smoking hay Spencer ra trước công chúng đã tượng trưng cho mẫu người thanh niên hào hoa thời đại ở thành phố ngàn năm văn vật trong phong trào tài hoa son trẻ giữa thập niên 30.

Ngoài việc đi tiên phong về viết nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thẩm Oánh còn là người đầu tiên đứng ra thành lập ban nhạc Tricéa qui tụ những tay đàn xuất sắc như Lê Yên tác giả “Nghệ sĩ hành khúc”, “Ngựa phi đường xa”, Lê Lôi, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh (anh ruột Vũ Thành), Nguyễn Văn Diệp (violon) và Nguyễn Văn Hiếu (piano).

Vì say mê âm nhạc, Thẩm Oánh đã chọn con đường nghệ thuật thay vì chạy theo khoa bảng như phần lớn thanh niên trong thời Pháp thuộc, chỉ đua nhau học hành mong kiếm được mảnh bằng và địa vị cao sang trong xã hội.

Ông đi vào nghiên cứu âm nhạc rất sớm cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, đặc biệt chú trọng vào hệ thống ngũ âm (Pentatonic System) của âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà chúng ta thấy thể hiện luôn luôn qua nét nhạc ông viết.

Người viết còn nhớ rõ, Thẩm Oánh có biệt tài ăn nói khúc chiết, dịu dàng mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng, đặc biệt dáng dấp trịnh trọng, nghiêm chỉnh làm tăng thêm giá trị của những buổi tổ chức thời tiền chiến.

Uy tín ông vang dội khắp nước và các nhân sĩ Nam Kỳ thời ấy đã mời ông vào Saigon diễn thuyết về đề tài “Âm Nhạc Việt Nam” bằng tiếng Pháp tại hội quán Samipic đường Galliéni (Trần Hưng Đạo sau này).

Xuất thân từ một gia đình thuộc danh gia vọng tộc Hà-Nội, ông sinh năm 1916 (năm Bính Thìn), suốt cuộc đời đã chỉ hoạt động say mê trong lĩnh vực âm nhạc và sau này trong ngành truyền thanh mà ông là một trong số những người đứng ra sáng lập đài phát thanh Hà-Nội tiếp thu từ tay người Pháp.

Ông cũng là người từng đứng ra cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp tổ chức phòng trà Quán Nghệ Sĩ ở Bờ Hồ Hà-Nội, một trong những phong trào đầu tiên xuất hiện tại Hà-Nội năm 1945.

Ngoài ra, ông còn là giáo sư giảng dạy môn Pháp văn tại trường trung học Duvillier phố hàng Đẫy, Hà-Nội và môn âm nhạc cho nhiều trường học công lập, tư thục từ Hà-Nội vào đến Saigon trước năm 1975.

Là người tha thiết với đất nước dân tộc, Thẩm Oánh đã viết nhiều ca khúc để đời như “Việt Nam Hùng Tiến” được dùng làm đài hiệu cho đài phát thanh Hà-Nội và Saigon, “Nhà Việt Nam”, “Trưng Nữ Vương”, “Chu Văn An Hành Khúc”, “Thiếu Phụ Nam Xương”, v.v.

Mỗi dịp đón xuân, người ta không thể quên bản “Xuân Về” mang nhiều nét dân tộc ông viết năm 1939, đăng trong Ngày Nay số Xuân Kỷ Mùi do Tự Lực Văn Đoàn xuất bản.

Năm 1949, khi tiếp thu đài phát thanh Hà-Nội, ông thành lập ban Việt Nhạc qui tụ các ca nhạc sĩ thời đó như Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Canh Thân, Quách Đàm, Nguyễn Thiện Tơ, Vũ Khánh, Vũ Thành, Nguyễn Trí Trường, Nguyễn Trần Du, Nguyễn Hách Hiển và Nguyễn Nghĩa.

Điểm đặc biệt ở Thẩm Oánh là ông khiêm tốn, hoà đồng với tất cả anh chị em trong giới âm nhạc và chẳng bao giờ thấy ông khoe khoang công việc ông làm.

Năm 1961, tôi được vinh dự thay ông trong nhiệm vụ Chủ Sự Phòng Văn Nghệ Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Saigon. Trong buổi lễ bàn giao, trước đông đủ anh em trưởng ban văn nghệ, ông tỏ vẻ cảm động khi tôi ca ngợi những đóng góp của ông trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông cám ơn lúc tôi nhắc đến ông là người đã sửa lại bài quốc ca của cả hai miền Nam Bắc, điều mà ít người biết.

Đúng như vậy, năm 1943 khi Lưu Hữu Phước viết bản “Tiếng Gọi Sinh Viên” (Marche des Etudiants) còn là sinh viên Nha Khoa ở Hà-Nội, đã đưa đến hỏi ý kiến nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hội Trưởng Hội Khuyến Nhạc và ông đã đề nghị sửa chữa một vài chỗ.

Rồi năm 1945, cũng ở cương vị đứng đầu Hội Khuyến Nhạc, chính Thẩm Oánh đã đề nghị Văn Cao viết lại câu đầu trong  nét nhạc “Tiến Quân Ca” cho tiết tấu hùng mạnh hơn, khác hẳn nguyên bản in qua thạch bản phổ biến từ chiến khu Việt Bắc.

Giai đoạn Thẩm Oánh sáng tác nhiều bản nhạc nhất phải nói là từ 1949 đến 1954, trong đó có “Nhớ Nhung”, “Toà Miếu Cổ”, “Bọt Bèo”, “Thiếu Phụ Nam Xương” do các ca sĩ Minh Đỗ và Ngọc Bảo thu thanh trên đĩa nhựa hãng Asia ở Saigon.

Sau 1975, tôi gặp ông có một lần duy nhất trong đám tang ông Vũ Quốc Thông ở Saigon.

Mới chỉ vài năm mọi người vui mừng đón nhận tin ông cùng phu nhân (nữ nhạc sĩ Tô Anh Đào) đã sang Hoa Kỳ sum họp gia đình. Ngờ đâu tin như sét đánh ngang tai, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã vội ra đi ở tuổi bát tuần.
Xin hương hồn anh nhận nơi đây lòng thành kính và tiếc thương của một người đi sau trong giới âm nhạc Việt Nam.

Vĩnh biệt nhạc sĩ đàn anh Thẩm Oánh”.

Nguyễn Hiền