Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (486): Dương Kiền (kỳ 4)

SÂN KHẤU

Dương Kiền

Tác phẩm đã đoạt giải thưởng Văn chương toàn quốc 1968

Nhân vật

UYỂN: Đẹp, sắc sảo.

BÁCH: Trầm tư, quả quyết. Đôi chút khinh bạc.

VĂN: Thủ đoạn, bề ngoài biểu lộ nhiều khôn ngoan.

VINH: Trầm tính, suy tính và dứt khoát.

tất cả đều 25 tuổi trở lên

KHAI TỪ

Hà Nội 1953.

Hà Nội 1953 là trung tâm của những biến chuyển lịch sử cũng như biến chuyển trong nội tâm mỗi con người. Bề ngoài Hà Nội có những bộ mặt hoang tàn thê lương, những dãy cây khô bên đường cố vươn lên nền trời bạc mùa thu; những vách tường loang lở, đôi chỗ vì vết đạn, đôi chỗ vì thời gian tàn phá và thiếu bàn tay người. Từng đoàn người kéo nhau đi dưới những mái hiên đổ nát, kế tiếp những ngày sầu hận, tuyệt vọng.

Hà Nội còn là hòn đảo bập bềnh trong những cuộc tranh chấp của mọi cá nhân, mỗi chủ nghĩa, lý tưởng hay tình yêu. Nhân tính hầu như hoàn toàn bị hy sinh cho mỗi cứu cách của mỗi ranh giới. Tất cả những người Hà Nội ở bất cứ vị trí ý thức nào đều như trải qua giấc mơ kinh hoàng của sa đọa.

SÂN KHẤU là một trong những khía cạnh rất nhỏ của Hà Nội 53. Vở kịch không muốn đi tìm một kết luận nào hoặc tình cờ mà có, kết luận ấy cũng chỉ để mở đầu cho những vở kịch khác trên một sân khấu mà thời gian và không gian chưa hội đủ yếu tố để thành hình.

VÀO KỊCH

Màn kéo lên, cảnh của vở kịch là một sân khấu, một sân khấu vừa trình diễn. Màn đã buông, khán giả đã ra về, nhưng màn lại được kéo lên để bắt đầu vở kịch.Chuyện kịch xảy ra ngay trên sân khấu và sân khấu dàn cảnh cho chính nó: lổng chổng đây đó là một mái nhà, chiếc bàn, mấy chiếc ghế, nhóm cây …

Thoạt đầu, nhiều người ra vào sân khấu để dọn dẹp. Sau chỉ còn Uyển ngồi ôm đầu trên ghế; Văn tựa vào một chiếc phông lặng lẽ hút thuốc…

VĂN: Uyển có mệt lắm không?

UYỂN: (giọng hờ hững như bắt buộc phải trả lời) Vâng, đêm nay mệt quá!

VĂN: Sao Uyển chưa về nghỉ? Mà hôm nào diễn xong Uyển cũng ở lại một mình?

UYỂN: Tôi có cái thú là lạ là thích cái vắng vẻ của một rạp hát đã tan, anh thử nhìn những chiếc ghế kia xem, cứ nghĩ chúng không có mắt cũng thấy đỡ khổ rồi.

VĂN: (cười) Uyển có định lập dị không đấy? Kịch sĩ mà lại thích những hàng ghế không khán giả.

UYỂN: Anh không thích thế?

VĂN: Không! Tôi thì tôi tưởng tượng ngược lại là những chiếc ghế kia như có mắt. Chúng ta cần khán giả, nghĩa là cần có quần chúng, phải tranh thủ họ bằng bất cứ cách nào, bằng sân khấu chẳng hạn…

UYỂN: (ngắt lời) Thôi, không nên đề cập vấn đề đó ở đây. Anh về chứ?

VĂN: (hỏi lại) Uyển cũng về chứ?

UYỂN: Không! Lát nữa.

VĂN: (một giây sau) Tôi cũng chưa muốn về. Tôi không cần ngủ bằng cần ở bên Uyển. Tiện đây tôi có chuyện muốn nói với Uyển.

UYỂN: Chuyện gì thế? Để đến mai anh ạ.

VĂN: (vất mẩu thuốc lá tiến lại phía Uyển) Không! Ngay bây giờ, bao nhiêu năm mới có một lần để thốt lên được, sự im lặng thật là một cực hình. Tôi không muốn chờ đợi, tôi không thể chờ đợi, Uyển phải cho tôi biết dứt khoát. Chắc Uyển đã hiểu chuyện gì rồi chứ?

UYỂN: (quay đi tránh tầm mắt của Văn) Vâng, tôi hiểu, nhưng đến mai…

VĂN: Đến mai? Nghĩa là lại thêm một đêm nữa, một đêm thao thức nghĩ đến Uyển. Tôi đã thức nhiều đêm, tôi mong được ngủ ngon đêm nay và Uyển sẽ tuyệt vời trong giấc ngủ của tôi. Tình yêu của tôi đối với Uyển thế nào thì Uyển đã biết. Tôi đã dành cho Uyển bao nhiêu cơ hội tốt đẹp, riêng tôi, tôi vẫn chưa nhận được gì của Uyển …

UYỂN: Nghĩa là anh cho tôi bao nhiêu, tôi phải trả anh bấy nhiêu. Tình yêu như thế kể cũng sòng phẳng lắm.

VĂN: (khổ sở) Uyển… tôi không muốn nói… Uyển đừng nên nghĩ thế…

UYỂN: Tại sao tôi không nghĩ thế? Anh có thể ra lệnh yêu đương thì anh cũng có thể đòi hỏi trả giá sự yêu đương. Anh chẳng từng ra lệnh cho tôi yêu Vinh để lợi dụng Vinh? Anh cũng buộc tôi quyến rũ Bách rồi dàn cảnh cho Vinh bắt Bách. Bây giờ giản dị lắm, anh chỉ việc ra lệnh cho tôi yêu anh… Không, để tôi nói lại cho đúng, ra lệnh tôi hiến thân cho anh vì quyền lợi tối cao của Đảng, chẳng hạn như để sản xuất cán bộ gương mẫu tương lai…

VĂN: (nghiêm trọng) Đồng chí Uyển! Đồng chí không được tiết lộ những bí mật ấy với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu. Đồng chí phải thận trọng, kể cả với tôi.

UYỂN: (uể oải) Đồng ý.

VĂN: (dịu giọng) Có lẽ hôm nay Uyển không được bình tĩnh. Để tôi đưa Uyển về.

UYỂN: Tôi đã nói tôi không thích được săn sóc. Tôi ngồi đây, thế thôi, anh về đi.

VĂN: Uyển đuổi tôi?

UYỂN: Không! Nhưng anh về đi.

(Văn châm thuốc, chậm rãi đi ra, khuất dần sau sân khấu. Cảnh lại im lặng, và như rộng hơn lên).

(Uyển úp mặt vào hai bàn tay, hình ảnh của sự mệt mỏi chán chường. Bách vào, hai tay xỏ túi quần ngắm Uyển, vẻ vui thích đi vòng quanh sân khấu, dừng lại trước mỗi chiếc phông).

(Nghe tiếng chân người Uyển ngửng lên, đồng thời Bách quay lại. Hai người đối diện… một giây im lặng.)

UYỂN: (giọng hoảng hốt) Anh… có phải anh…

BÁCH: Phải, tôi đây, Bách đây, Uyển còn nhớ ư? Và ngạc nhiên lắm sao?

UYỂN: Tôi… Anh… À không, làm sao anh về được?

BÁCH: Chỉ có hai cách. Một là được tha, hai là anh vượt ngục. Được tha thì tất nhiên là không rồi.

UYỂN: Anh vượt ngục?

BÁCH: Uyển hỏi một câu tôi vừa trả lời. Uyển sợ hãi? Có gì mà Uyển phải sợ hãi?

UYỂN: Có chứ! Em yêu anh, lo ngại cho anh…

BÁCH: Uyển yêu tôi? Cám ơn! Buồn cười nhỉ?…

UYỂN: Anh nói gì thế? Anh không tin em sao?

BÁCH: Tôi vẫn tin Uyển đấy chứ! Nếu không sao tôi dám về đây gặp Uyển, chẳng sợ Uyển báo cho Vinh bắt tôi lần nữa?

UYỂN: (lo lắng) Anh biết…

BÁCH: Tôi chẳng biết gì cả. (đi từng bước dài theo chiều ngang của sân khấu) Uyển đóng kịch vững lắm, vững hơn trước nhiều, không ngờ cả tôi mà cũng bị vở kịch hồi nãy tuyên truyền. Văn giỏi xuyên tạc và che đậy, kể cũng xứng đáng là người lãnh đạo tổ văn nghệ nằm vùng.

UYỂN: Anh có xem? Thảo nào mặc dù đông đảo em vẫn cảm thấy có đôi mắt kỳ dị nào soi mói từng cử chỉ của em.

(im lặng)

Nhưng… anh Bách, bây giờ anh có cần gì không?

BÁCH: Tôi chưa nghĩ ra. Có lẽ tôi chẳng cần gì cả.

UYỂN: Thế anh vượt ngục làm gì?

BÁCH: Câu hỏi thật khó trả lời tuy rất nhiều cớ xui tôi vượt ngục. Chẳng hạn như nhớ Uyển, nhớ sân khấu, và để xem Văn tán tỉnh Uyển như thế nào.

UYỂN: Anh đã nghe…

BÁCH: (ngắt lời) Uyển muốn nói là tôi đã nghe trộm? Thực tình tôi không muốn thế. Tuy nhiên Văn có cách tự vệ, tôi thì không.

UYỂN: Nhưng anh Bách, trong hoàn cảnh này anh khó thoát lắm. Anh không thể ở lại đây mà cũng không thể trốn ra ngoài kia.

BÁCH: Phải, tôi tự biết thân phận tôi lắm. Tôi đã bị rơi vào chiếc lưới của cuộc tranh chấp quỷ quyệt này, một đằng là thực dân, một đằng là Cộng sản. Chiếc lưới kín đáo lắm và con ruồi sa cơ đang chích nọc để vừa ngủ vừa chết.

(im lặng)

UYỂN: Thế anh vượt ngục làm gì?

BÁCH: Uyển hỏi câu ấy lần thứ hai rồi đấy. Có lẽ chỉ là một ý thích, một ý thích bâng quơ, Uyển không dám hành động như thế bao giờ sao? Có phải bao giờ cái gì cũng phải có lý, cái lý chặt chẽ theo biện chứng (cười). Còn nguyên nhân gần? Tôi bắt đầu chán bốn bức tường im lặng một cách khả ố, chán ngủ ngồi mỏi cứng cả từng thớ thịt. Tôi có ý tìm Uyển ngủ nhờ đêm nay trên chiếc giường nệm của Uyển, ngủ một mình, dĩ nhiên. Rồi mai có lẽ tôi lại trở vào để họ khỏi mất công tìm kiếm.

UYỂN: (giọng vui) Anh giản dị mà lại phức tạp quá lắm!

BÁCH: Phải, tôi nhớ tôi đã từng nói cuộc đời đến cùng thật là giản dị. Văn, thằng bạn thân đã tố cáo tôi trước hội nghị là phản cách mạng cũng lý do giản dị; Uyển đã yêu tôi theo chỉ thị cũng giản dị dễ hiểu. Mà hôm nay tôi vượt ngục chỉ để ngủ một giấc ngủ thoải mái cũng giản dị trong muôn ngàn cái giản dị vô cùng phức tạp.

UYỂN: (gượng cười) Ngoài ra anh không còn ý định gì nữa sao?

BÁCH: Uyển dò hỏi tôi để báo cáo đấy ư? Dù thật thế tôi cũng cứ nói, nói vì… tôi chẳng làm gì cả, ít ra trong lúc này. Hai kẻ thù đều đông đảo, đều võ trang bằng khí giới và bằng thủ đoạn. Còn tôi, hay nhiều người như tôi, lạc lõng, tay trắng. Chúng tôi, những người như tôi, đau đớn bơ vơ, nhưng vẫn ương mầm sống trên thân cây mục nát. Sẽ có ngày chúng tôi tập hợp để chống cùng một lúc hai kẻ thù. Lúc ấy sống hay chết hẳn cũng có ý nghĩa hơn.

(im lặng nặng nề)

Uyển có thuốc lá cho tôi một điếu.

(Uyển đưa thuốc cho Bách. Bách châm hút và thở khói một cách khoan khoái).

Từ ngày tôi vào tù tôi chỉ nhớ có thuốc là và… xin lỗi Uyển… những xúc động ái ân. Dạo năm kia có lần tôi và Văn đi hàng nửa ngày đường mới tới đơn vị của nhau chỉ để chia đôi một điếu thuốc… À, cháu Thanh Hà vẫn ngoan chứ?

UYỂN: Cháu vẫn ngoan và nhắc đến anh luôn, em phải nói dối là anh bận đi xa.

BÁCH: Thế à? Chắc chỉ còn mình cháu Hà là chưa biết xua đuổi tôi thôi. Lần này không có quà cho cháu, cháu cũng đến ghét tôi mất.

UYỂN: Anh Bách, anh thừa hiểu rằng chúng tôi chỉ biết phục vụ kháng chiến, nếu cần hy sinh thì phải hy sinh.

BÁCH: (nhại giọng Uyển) Phục vụ kháng chiến… Khẩu hiệu nghe hay lắm. Nhưng đáng tiếc là tôi không về đây để thảo luận điều đó. Tôi về đây chỉ vì nhớ sân khấu quá thôi…

(đi tung tăng như một đứa trẻ)

Sân khấu vẫn đáng yêu, ánh sáng sân khấu vẫn đáng yêu! À, tôi phải vào thăm ổ điện một chút mới được, xa cách lâu ngày nên thèm đổi màu quá, trong tù chỉ có một màu tranh tối tranh sáng đáng ghét lạ!

(chạy vào trong nói vọng ra)

Uyển thích màu gì? – Xanh hy vọng nhé!

(đổi màu xanh)

Hay vàng tươi sáng?

(đổi màu vàng)

Hay đỏ chiến thắng?

(đổi màu đỏ)

Hay đen tối như cuộc đời thế này?

(đèn tắt hết, tiếng Bách cười)

Nhưng Uyển ạ, vì mặt trời còn mọc nên chúng mình không thể tự tử bằng bóng tối được đâu!

(ánh sáng trở lại bình thường. Bách trở ra hai tay xoa vào nhau khoan khoái).

Uyển còn nhớ đêm đầu tiên chúng mình gặp nhau trên sân khấu này không? Đêm ấy Uyển đẹp lạ. Đôi mày này, vầng trán này, con mắt này, mái tóc, phải rồi, mái tóc …

UYỂN: (thở dài) Anh đừng nhắc lại nữa. Xa quá rồi, mặc dù chỉ một với tay cũng đủ nắm lại được. Nhưng liệu chúng mình có can đảm để với tay nhau không?

BÁCH: (như không nghe thấy lời Uyển). Độ này chúng mình lãng mạn tệ. Cái gì cũng đẹp, mọi sự đều đẹp. Nào cách mạng, nào chủ nghĩa, cả đến chiến tranh cũng đẹp nốt. Có những đêm chúng mình thức suốt sáng, tôi, Uyển, Văn lang thang trên các nẻo phố. Uyển có nhớ không? – phố thật vắng, không khí thật mát, Tháp Rùa thật đẹp, và tâm hồn chúng mình thật ấm, ấm những tin tưởng.

UYỂN: Bây giờ vẫn thế.

BÁCH: Uyển không tự dối mình đấy chứ? Bây giờ tôi bị Đảng khai trừ. Tôi không hối hận gì đâu, tôi chỉ tiếc đất đứng của chúng ta bị cướp mất. Tôi lại được Đảng – hay Văn, hay Uyển cũng thế – mượn tay thực dân hạ sát. Thế mà tôi vẫn sống kể cũng lạ phải không Uyển?

UYỂN (nức lên): Anh… Ngờ đâu lại có ngày chúng mình mưu tính giết nhau rồi lại nhìn thấy nhau. Em ghê tởm em, em ghê tởm mọi sự, lúc nào cũng cảm thấy chóng mặt như đang rơi xuống một vực thẳm nào vô cùng rộng lớn. Cá nhân em đã bị buộc chặt vào Đảng, vào chỉ thị, mà Đảng…

BÁCH: Uyển khóc đấy ư? Có gì mà khóc? Một cán bộ trung kiên của thành trì Bôn-sê- vích mà cũng còn nước mắt sao?

(mỉa mai)

Mà quên, để tôi còn phân tích xem nước mắt Uyển là nước mắt sân khấu hay là nước mắt của cuộc đời cái đã.

UYỂN: (vẫn giọng nghẹn ngào) Anh chua xót và hằn học lắm nhỉ? Sao anh không trả thù? Em đây, một mình, nhỏ yếu và sung sướng được anh trút nỗi thù hận.

BÁCH: Trả thù? Tôi không bao giờ có ý nghĩ ấy. Giữa chúng ta không có thù hận, chỉ có thù hận xô đẩy chúng ta. Nhưng trả thù một cá nhân thì không, không bao giờ, nhất người ấy lại là Uyển.

(ngậm ngùi)

Uyển đã chẳng từng chiến đấu bên tôi sao? Hơn tuần lễ chúng ta sống dưới giao thông hào Hà Nội, những con chuột anh dũng, giữ từng căn nhà, từng góc phố, từng hòn gạch thân yêu. Chúng ta đã từng hôn mảnh đất này trước khi giã từ đi chiến khu.

(im lặng)

Những đêm Uyển ngủ trong lòng tôi, xin lỗi Uyển, tôi đã rung động nhiều. Tôi còn nhớ hình ảnh những vì sao thật cao, thật xa, lấp lánh qua vài sợi tóc Uyển…

UYỂN: (thẫn thờ) Thật ư? Thật thế ư, anh?

(Uyển cúi xuống, hai vai rung động)

BÁCH: Người Cộng sản không bao giờ biết luyến thương những gì không có lợi cho chủ nghĩa. Uyển hãy cố gắng làm một người Cộng sản gương mẫu.

UYỂN: (ngửng lên, đầy nước mắt) Không! Bách, anh đã nhầm khá nhiều về em. Em vẫn biết anh chẳng còn tin em, nhưng em phải nói, thà rằng anh không tin, còn hơn giữ mãi trong lòng…

BÁCH: Uyển cứ nói đi, tôi sẵn lòng nghe. Làm ơn cho tôi điếu thuốc nữa.

(Bách đốt thuốc, mắt nhìn xa xôi. Uyển cúi nhìn hai bàn tay. Một giây im lặng)

UYỂN: Có thể em là cán bộ trung thành với cách mạng thật đấy. Em ao ước một xã hội công bằng, một tình thương yêu rộng lớn. Mồ côi từ tấm bé, sống khốn khổ như một con chó ghẻ, xã hội tù đọng này hắt hủi khinh bỉ. Kịp lớn lên đã phải mang những vết ô nhục của những thằng lính ngoại quốc, cứ nhìn vào cặp mắt xanh của chúng cũng đủ căm hờn đến bỏng cả tâm hồn, cháy cả thể xác. Em còn biết lấy gì để tin tưởng, để sống. Đúng lúc gặp các anh, ngoài anh và Văn, còn biết bao nhiêu thanh niên tràn đầy căm hờn và nhiệt tâm, đầu không biết cúi, chân không biết dừng bước, tâm hồn đau đớn mà thể xác chai lì. Trước sự rực rỡ ấy; chói lọi và lôi cuốn ấy, em đã nhập vào dòng thác, vẫy vùng sung sướng. Em đã trở lên một “nữ đồng chí” thành phần cốt cán của đoàn thể, của Đảng. Nhưng bây giờ…

(Uyển xoắn chiếc khăn tay, nghẹn ngào)

Bây giờ thì thế này đây: lừa lọc, phản bội. Chẳng những phản bội lý tưởng mà mình mơ ước, mà còn phản bội cả những người cùng đi một đường, những người gần như ruột thịt… (im lặng).

Con thác đã cuốn em vào không những chẳng còn cho phép em vẫy vùng mà còn xô đẩy em trong những quay cuồng ghê rợn. Trong hệ thống Đảng không một ai có quyền suy nghĩ, yêu ghét, hành động ngược lại guồng máy vĩ đại. Thế là cá nhân bị đoạn tuyệt hẳn. Hết ngày này sang tháng khác em đóng kịch trên sân khấu cũng như trong cuộc đời, đóng kịch đến mệt nhoài, đến chán ngấy. Có điều may mắn khốn khổ là em vẫn chưa lẫn lộn kịch với cuộc sống, cuộc sống với kịch. Không biết bao giờ em mới hết cười, hết nói theo chỉ thị, hết yêu đương theo kế hoạch…

(Bách vẫn im lặng trong vẻ lơ đãng cố hữu. Uyển vùng dậy nắm lấy áo Bách, gào lên)

Anh Bách, anh không tin em ư? (gục vào ngực Bách nức nở)

Em sẵn sàng từ bỏ tất cả, chịu đựng tất cả. Em yêu anh! Em yêu anh! Trời ơi!…

(Bách khẽ gỡ tay Uyển. Nàng ôm mặt tuyệt vọng, khóc nức lên. Nét mặt Bách trầm tư… Không khí lặng lẽ, ngột ngạt.)

BÁCH: (chậm rãi) Uyển yêu tôi? Uyển yêu cho Uyển hay yêu cho Đảng? Tại sao lại có sự lựa chọn phi lý ấy? Còn Văn?

UYỂN: (cười chua chát) Đừng nhắc đến Văn. Tình yêu làm cho gì có lựa chọn, tình yêu là một cuộc hạnh ngộ hoàn hảo nhưng bi thảm.

BÁCH: Chúng ta đã hạnh ngộ từ bao giờ?

UYỂN: (mắt long lanh sáng) Từ những giao thông hào Hà Nội. Anh còn nhớ những trận đánh phố Cầu Đất, Hàng Đào, Ô Quan Chưởng? Từ giờ phút ấy, nếu anh biết em nghĩ đến anh thế nào?

BÁCH: Và nếu em biết anh nghĩ đến em thế nào?

(im lặng)

Nhưng Uyển ạ, một đôi khi tình yêu không đúng lúc chẳng hạn như lúc này.

UYỂN: Tình yêu mà cũng có giai đoạn, cũng phải chờ đợi ư? Không! Một đêm hiểu nhau, một đêm tuyệt vời của bóng tối trần gian và ánh sáng những vì sao, rồi có xa hẳn nhau mà vẫn giữ mãi hình ảnh ấy, có sao đâu?

BÁCH: Uyển còn nhiều lãng mạn quá. Có lẽ cái bản chất lãng mạn ấy đã giúp Uyển ý thức. Người Cộng sản họ sợ sự vươn lên từ vô ý thức tới ý thức ấy lắm.

(Bách đến bên một bức phông khuất trong bóng tối).

Chiếc phông này của anh Huy vẽ để dựng vở kịch ĐẤT MẸ, sáng tác tập thể của chúng mình. Uyển còn nhớ không: anh Vĩ đạo diễn, Uyển đóng vai Liên, Văn vai Trung, Bảo vai Thạch, Thùy Hương vai Mai, còn tôi phụ trách ánh sáng. Anh Vĩ đã chết, Bảo nằm tại trại giam Liên khu IV, Thùy Hương lấy chồng sống như một người đàn bà tầm thường. Tôi, Văn, Uyển…

(có tiếng giày trong hậu trường. Tiếng Bách im bặt. Uyển ngửng lên ngơ ngác. Một lát, Văn ra.)

UYỂN: (giọng hoảng hốt) Anh Văn!

VĂN: Phải, Bách đâu?

UYỂN: Bách nào?

VĂN: (cười nhạt) Cô đòi đóng kịch cả với tôi. Được, tôi trả lời: Bách, thằng phản Đảng, nó bị Tây bắt, vừa trốn thoát chiều nay. Đồng chí của ta theo dõi, mấy lần định hạ sát nhưng chưa có dịp. Nó vừa ở đây. Cô dám đồng lõa với kẻ thù của Đảng. Tôi sẽ tìm ra nó.

UYỂN: (ngăn lại, cương quyết) Văn, anh nghe tôi nói đã. Bách không hèn và không sợ phải giáp mặt anh, tôi cũng không tìm cách giấu diếm Bách. Nhưng anh không thể bạo động ở đây, sự vụng về ấy sẽ làm tan vỡ cả tổ chức của ta, chỉ có lợi cho phòng nhì Pháp. Anh có chịu nhận trách nhiệm ấy không?

(ngừng lại)

Tôi có thể đảm bảo về Bách, đêm nay; sáng mai, tùy các anh.

VĂN: Thằng ấy nguy hiểm lắm, nguy hiểm cả cho Uyển, nhỡ…

UYỂN: (quả quyết) Anh không lo. Tôi có cách và tôi chịu trách nhiệm.

VĂN: (ngập ngừng) Tôi chấp thuận. Uyển đừng quên con mắt vô hình của Đảng khắp nơi và Đảng không dung thứ một lầm lỡ nào. Kỷ luật Đảng đảm bảo cho thành quả tối hậu. Nếu có thể, Uyển cố đưa “nó” về trụ sở của ta.

UYỂN: Tôi không dám hứa. Thôi được, anh về đi.

(Văn định quay bước bỗng ngừng lại, đưa tay nắm tay Uyển. Uyển miễn cưỡng để tay mình trong tay Văn).

VĂN: Uyển! Tôi đã chiều ý Uyển nhiều lần. Tôi mong tôi không mê muội làm gì hại tới sự nghiệp cách mạng của Đảng (ngập ngừng) Uyển có hứa… đêm nay… Uyển chỉ cốt cầm chân “nó”… Uyển cố hiểu cho sự khổ sở…

UYỂN: (ngắt lời) Lúc này không phải là lúc bày tỏ tình cảm. Tôi không hứa gì hết, bởi vì hứa như thế là tôi tự khinh bỉ thể xác tôi.

VĂN: (bối rối) Tôi không định…

UYỂN: Dù anh có định hay không định gì chăng nữa, anh cũng nên rời khỏi đây ngay.

(Văn do dự một giây rồi quay bước ra khỏi sân khấu).

(Uyển thở dài đưa mắt tìm Bách. Có tiếng cười, Bách vào)

Bách: Các đồng chí của Uyển khá đấy, mới năm tiếng đồng hồ mà đã thu thập đầy đủ tin tức về tôi. Cũng may mà còn được gặp Uyển, Uyển có nghĩ đến việc đưa tôi về trụ sở không?

UYỂN: Anh Bách, em thấy chỉ có một cách cứu anh là anh trở về với Vinh. Vinh theo Tây nhưng là một người khá. Anh nghe em, anh cần phải sống, anh chết hay rơi vào tay Văn dĩ nhiên là thiệt thòi cho anh và chẳng có ích lợi cho ai.

BÁCH: Còn Uyển, Uyển vẫn cứ thế này ư? Buồn nhỉ? Tôi khó chết lắm, còn phải sống để xem Văn nó đi đến đâu. Thằng ấy có một thứ tình cảm chính ủy rất đúng mẫu (cười). Nhưng kể cũng mâu thuẫn, nó cũng biết yêu, yêu tha thiết là đằng khác. Chỉ tiếc nó đồng hóa tình yêu với cái giường. (im lặng)

Mấy giờ rồi Uyển.

UYỂN: (xem đồng hồ) Hai giờ.

BÁCH: Hai giờ sáng. Một đêm buồn, phải không Uyển?

UYỂN: (bỗng cười sặc sụa) Không, một đêm vui, một đêm vui chứ? (tình tứ) Đợi em vào phòng hóa trang chút nhé; có lẽ mặt em trôi hết phấn rồi. Xấu với ai chứ nhất định không thể xấu với anh. (ra giữa sân khấu quay một vòng)

Hồn em đây, để ngỏ để đón anh vào,

Em sẽ đợi, hồn anh tình tứ lắm …

(Uyển ra khỏi sân khấu trong dáng điệu ấy. Bách khẽ lắc đầu, đi từng bước nhỏ. Một lát có tiếng đối thoại giữa Uyển và Vinh. Giọng Uyển hoảng hốt. Bách lùi vào sau một chiếc bình phong).

UYỂN: (kêu khẽ) Trời…! Anh Vinh…

VINH: Phải, anh đây. Uyển ở đây làm gì khuya thế?

UYỂN: (lúng túng) Em ở lại thảo luận với anh Văn về vở kịch sắp diễn.

VINH: Thế à? Anh Văn đâu rồi?

UYỂN: Anh ấy vừa về.

VINH: Sao Uyển chưa về?

UYỂN: Em cũng đang sắp sửa thì anh tới. Mà anh…

VINH: À, anh đến nhà không thấy em nên đi tìm. Thôi bây giờ để anh đưa Uyển về.

UYỂN: Vâng, anh đợi em vào lấy áo.

(Uyển vào khoác chiếc áo nhung lên người, cầm ví, đưa mắt tìm Bách rồi vội vã đi ra).

(Sân khấu vắng lặng. Một lát Vinh trở vào, tay phải cho vào túi quần, hướng về phía ổ điện.)

VINH: (lớn tiếng) Anh Bách, tôi mời anh ra hỏi chuyện.

(không một tiếng động)

Anh Bách, anh đừng để tôi phải bắt buộc. Anh cũng đừng tìm cách tắt điện, nhân viên của tôi đã bố trí quanh đây, anh không thoát nổi đâu.

(Bách từ từ tiến ra, điềm nhiên ngồi lên bàn. Lặng lẽ nhìn Vinh).

Hay lắm! Tôi mến anh ở chỗ đó. Tôi đến đây để điều đình với anh một việc, không phải chỉ có mục đích tìm bắt một tù vượt ngục.

BÁCH: Cô Uyển đâu?

VINH: Tôi tìm cách nói cho cô ấy về rồi. Anh hút thuốc.

(Vinh rút thuốc đưa cho Bách)

BÁCH: Ông muốn điều đình một việc? Điều kiện nào có lợi về phần tôi?

VINH: Tôi để anh tự do.

BÁCH: Một sự tự do bố thí với nhiều lợi dụng.

VINH: Tất nhiên có lợi cho anh cũng phải có lợi cho tôi. Tuy vậy chữ “lợi dụng” hơi quá. Anh và tôi, chúng ta đều chống Cộng.

BÁCH: Nhưng có điểm khác là tôi chống cả kẻ xâm lăng.

VINH: Cũng không khác lắm đâu. Năm 46 tôi đã từng lăn mình chiến đấu dưới bánh xe thiết giáp quân đội Pháp. Tôi cũng từng xung phong ôm bộc phá lấp lỗ châu mai nhưng chưa đến lượt thì kịp tỉnh ngộ. Tỉnh ngộ cái chết ấy không phụng sự cho tổ quốc mà chỉ cho kẻ thù của tổ quốc, kẻ thù ấy mang bí danh Cộng sản và cái tên hiệu quyến rũ: kháng chiến.

(Vinh ngừng lại châm thuốc hút)

Nhưng lúc ấy, đáng buồn là cả tới lúc này, một mình tôi hay nhiều người như tôi, trong đó có thể có cả anh, không thể cùng một lúc đánh ngã cả hai lực lượng: Cộng sản và Thực dân. Có người theo Cộng đánh Pháp rồi sẽ quay lại chống Cộng, có người thuận theo hoàn cảnh hiện tại để chống Cộng sẽ quay lại chống Pháp. Tôi chọn con đường thứ hai. Nếu anh có con đường thứ ba tốt đẹp hơn tôi sẵn sàng theo anh. Tuy nhiên không phải lúc tranh luận về lý thuyết đấu tranh, chúng ta nên thực tế hơn, tôi xin hỏi: anh bằng lòng cộng tác với chúng tôi?

BÁCH: Cộng tác như thế nào?

VINH: Họ cho cô Uyển quyến rũ để khai thác tôi, nhưng dĩ nhiên khó lòng vì tôi biết rõ như thế và không muốn bỏ lỡ cơ hội. Mặt khác chúng ta để cho họ biết anh ở trong tổ chức của tôi, họ cũng sẽ lợi dụng cô Uyển cùng mục đích, nhân đó anh tung tài liệu giả cho họ khiến họ lầm lạc trong các kế hoạch chính trị và quân sự.

BÁCH: (cười) Một cái bẫy khá chu đáo với điều kiện tôi không phản bội (im lặng). Ông cho tôi thì giờ suy nghĩ chứ?

VINH: Tôi mong anh suy nghĩ kỹ trước khi nhận lời. Tạm thời anh tự do, tôi tin anh và mong rằng anh không lầm. (trao một mảnh giấy nhỏ cho Bách).

Anh liên lạc với tôi bằng đường điện thoại mật này. Anh thừa hiểu rằng sự kín đáo còn cần thiết cho anh hơn cả cho tôi. Chúc anh may mắn.

Bách: Khoan đã, ông cứ ở lại đây. Văn và Uyển thế nào cũng trở lại, tôi sẽ dành cho ông một vài ngạc nhiên. Ông nên lánh vào hậu trường thì hơn.

(Vinh gật đầu, vào. Bách nói một mình).

Mỉa mai nhỉ? Bách ơi, mày là ai? Liệu mày có đủ bền bỉ xông pha trên con đường đầy cạm bẫy này không? Tóc mày còn xanh, tim mày còn trẻ, nhưng rồi có còn của mày hay không? Tội nghiệp, tao thương mày quá, Bách ạ!

(một bóng người lấp ló sau bức phông: Uyển. Nàng lo ngại bước ra)

UYỂN: Vinh có lại không anh?

BÁCH: Không. Tôi tưởng hắn đưa Uyển về chứ?

UYỂN: Vinh không trở lại thật à?

BÁCH: Thật. Nếu không sao tôi còn đứng đây.

UYỂN: Lạ thật? Nhưng thôi càng may.

BÁCH: (đưa tay về phía Uyển, giọng yêu đời). Hãy quăng những băn khoăn ấy đi; đêm nay là đêm tuyệt vời của bóng tối trần gian và ánh sáng những vì sao. Để anh đưa em đi bất tận…

(ngâm khẽ)

Hồn anh đây, để ngỏ đón em vào

Anh sẽ đợi, hồn em tình tứ lắm.

(Uyển gượng cười, đưa tay sửa lại mái tóc. Ánh đến xanh chiếu vào, tròn trắng, khêu gợi.

Bách tiến lại, vòng hai tay ra sau cổ Uyển nâng khuôn mặt nàng lên, đôi môi kề nhau. Ánh sáng đổi từ màu xanh ra tím. Bỗng)

UYỂN (đẩy mạnh Bách ra, bàng hoàng) Không, đừng anh.

(Uyển lùi lại, cúi mặt, buồn rầu)

Bỗng dưng em nghĩ đến Thái. Anh có cái gì gợi cho em hình ảnh Thái, cái gì rờn rợn lẫn trong hơi thở.

BÁCH: (ngậm ngùi) Thái chết đã bảy năm, cháu Thanh Hà cũng đã bảy tuổi. Cả hai cùng nhắc nhở đến cách mạng tháng tám. Cách mạng chẳng những không thành mà còn đổ vỡ. Giấc mơ rực rỡ càng làm cho sự thức tỉnh thêm sầu thảm… Chết như Thái có lẽ lại là một điều may. (Uyển lảo đảo vịn vào thành ghế)

Kìa Uyển! Uyển sao thế?

UYỂN: (run giọng) Không, em không sao cả.

(Nhìn Bách van lơn) Anh nói đi, anh nói những gì về Thái đi! Đừng im lặng nhìn em thế! Có phải mắt Thái đáng sợ, lòng Thái sắt đá? Có phải hồn Thái trầm tư, quả quyết? Nhưng tình yêu Thái ngây thơ và mê say như cậu học trò nhỏ? Có phải Thái… Thái… Thái…

(Uyển như kiệt sức gục xuống. Bách im lặng hút thuốc, khói tỏa vòng. Có tiếng gọi của Vinh, rất khẽ nhưng đủ nghe.

VINH: Bách! Văn trở lại đấy.

(Bách gật đầu dụi tắt điếu thuốc, biến vào hậu trường. Văn hiện ra bước rất nhẹ đến sau Uyển, đặt tay lên vai nàng. Uyển ngửng lên nhưng không biết có Văn).

UYỂN: (mỉm cười âu yếm) Bách ơi, anh hãy cho em một vòng tay, hãy ghì chặt lấy em, hãy cho em vào thế giới vô cùng của anh. Em đang lạnh quá đây, vắng anh làm sao sưởi ấm được tình yêu bơ vơ này…

VĂN: (run giọng tức giận) Uyển!

UYỂN: Đừng anh, đừng gọi tên em to thế. Hãy gọi tên em dịu dàng, âu yếm: Uyển… Uyển…

VĂN: (cười gằn) Không, cô đừng mơ nữa, tôi không phải là thằng Bách của cô. Tôi, Hoàng Văn, bí thư thành bộ. Nhân danh cấp lãnh đạo Đảng, tôi cảnh cáo cô đã hủ hóa, lạc hậu, đầu hàng tình cảm…

UYỂN: (sau một phút bối rối, nàng trấn tĩnh, nhìn thẳng vào Văn, thách thức).

Còn gì nữa? Có thế thôi ư? Anh cảnh cáo tôi? Buồn cười nhỉ? Anh là bí thư thành bộ, tôi biết! Nhưng anh là gì đối với tình cảm và tâm hồn tôi?

VĂN: Trong trường hợp này tôi có quyền đối với tình cảm cũng như tâm hồn cô. Bách là một thành phần phản động, cô say mê nó tức là cô gián tiếp phá hoại Đảng. Đảng không bao giờ chấp nhận các đảng viên phóng túng đi hại đến sự nghiệp cách mạng vĩ đại.

UYỂN: (cười khinh bỉ) Bách phản động? Đó là ý kiến riêng của anh. Anh muốn chiếm đoạt tôi, tôi yêu Bách và vì thế Bách là một thằng phản động. Một định nghĩa giản dị và dễ chịu đối với anh, có phải không? Còn nếu Đảng không chấp nhận tôi thì càng may mắn cho tôi.

VĂN: (nghẹn giọng) Đồng chí Uyển!

UYỂN (giễu cợt) Không, tôi họ Trần, Trần Lệ Uyển; không phải họ Đồng, Đồng chí Uyển đâu!

VĂN: Đồng chí đã sai lầm nặng nề…

UYỂN: Phải, tôi đã sai lầm cũng như Bách đã lầm khi xả thân chống Pháp mà quên mất các anh. Là những sinh viên không một mảy may kiến thức quân sự, chúng tôi lao mình vào chiến tuyến địch. Chúng tôi không hối tiếc nhưng điều chẳng may là chúng tôi không được vinh hạnh chết vì đạn của địch mà chết vì đạn từ phía sau bắn tới, đạn của các anh, của các đồng chí thân mến!

VĂN: Uyển điên rồi!

UYỂN: Trái lại, lúc này là lúc tôi sáng suốt nhất.

VĂN: (đi đi lại lại, bứt rứt, suy tính.) Uyển! Uyển nghe tôi đây. Uyển là một đảng viên gương mẫu, lỗi là tôi đã để Uyển làm việc quá sức khiến Uyển mệt mỏi, thiếu sáng suốt, bị kẻ thù của Đảng lung lạc. Nếu Trung Ương thấu chuyện này thì còn gì là uy tín của thành bộ chúng ta. Những điều Uyển vừa nói dĩ nhiên là tai hại nhưng còn có thể cứu vãn. Tôi sẵn lòng quên nếu Uyển lập một kỳ công để nêu cao thành tích cá nhân. (Nhìn Uyển dò xét. Một phút im lặng).

Tôi muốn nói là Uyển phải dứt khoát với Bách.

VĂN: Đúng, dứt khoát với Bách (dằn giọng). Nghĩa là Uyển phải thanh toán hoặc tiếp tay thanh toán Bách.

UYỂN: Không, không bao giờ (ôm đầu rên rỉ), không bao giờ! Thái… Thái… Anh… tha cho em…

VĂN: Tôi buộc Uyển phải nhận.

UYỂN: (đứng thẳng, mắt long lanh) Không, anh không có quyền, anh không thể buộc được tôi. Các anh tàn nhẫn, phản bội; chỉ biết có máu, nhuộm đỏ chúng tôi bằng máu của chính chúng tôi. (xòe hai tay trước mặt, hoảng loạn).

Máu, kìa, tay tôi có máu. Trời ơi lạnh quá! (nôn ọe) Làm sao rửa sạch được tay tôi. Một phát súng nổ, máu và óc hòa lẫn tung tóe…

VĂN: (lạnh lùng) Uyển phải nhận. Đó là một mệnh lệnh. Uyển nghe đây: không tuân lệnh, Uyển sẽ bị khai trừ và Uyển đã biết những hình phạt đối với những đảng viên bị khai trừ. Không phải chỉ có hình phạt với riêng Uyển. Uyển có con, Uyển phải nghĩ đến Thanh Hà. (nham hiểm) Vì cảm tình cá nhân, tôi cho Uyển biết thêm điều này Uyển còn mẹ.

UYỂN: (sửng sốt) Anh nói sao?

VĂN: Tôi nói: Uyển còn mẹ, mẹ Uyển hiện sống ở liên khu IV và được Đảng đặc biệt lưu tâm săn sóc. Đảng bao giờ cũng ưu đãi với các Đảng viên gương mẫu.

UYỂN: Trời ơi, tôi là ai, Đảng là đấng thiêng liêng nào?

VĂN: Đảng không phải là đấng thiêng liêng. Đảng là nhân dân, là sức mạnh vạn năng và sáng suốt. Uyển hãy quyết định tuân lệnh Đảng hay phản bội Đảng. Uyển nên nhớ phản bội Đảng là phản bội cả gia đình Uyển.

UYỂN: (rũ rượi trong dáng điệu tuyệt vọng. Mắt nàng mở lớn nhìn vào quãng không. Bỗng Uyển quay lại đối diện với Văn chậm rãi nhưng quả quyết.)

Tôi từ chối. Tôi từ chối mệnh lệnh của các anh cũng như khước từ tư cách đảng viên của tôi. Tôi để anh lấy máu tôi làm thành tích cho Đảng vì tôi không thể lấy máu của một người con yêu của tổ quốc làm thành tích cho tôi. Thế là dứt khoát và tôi chờ đợi cái gì phải tới. Bây giờ tôi khong muốn nghe anh nói và không muốn nhìn mặt anh, anh hiểu chứ?

(sân khấu im lặng nặng nề. Dáng Uyển đứng thẳng kiêu hãnh và Văn thất vọng, bối rối.)

VĂN: Uyển sẽ hối hận.

UYỂN: Tôi hối hận rồi. Hối hận đã tỉnh ngộ quá muộn, đã góp phần hoàn thành guồng máy khốc liệt hủy diệt chính mình. Anh hài lòng chưa?

VĂN (tàn nhẫn) Chưa, Uyển còn hối hận nhiều nữa, vì có nhiều điều Uyển chưa biết. Uyển còn nhớ Thái chứ? Uyển có biết Thái là ai không?

UYỂN: Anh còn định giở trò gì nữa đây?

VĂN (thái độ trả thù) Tôi cho Uyển biết một sự thật. Mẹ Uyển có hai người con với hai đời chồng: Uyển và Thái, Trần Tiến Thái…

UYỂN: (thoảng thốt) Trời ơi! Thế là…

VĂN: Phải, Thái là anh ruột Uyển, là cha của Thanh Hà.

Uyển: (lùi lại, lảo đảo, vịn vào mép bàn, khuỵu xuống. Thật ư, thật thế ư?

VĂN: (lầm lì, bất nhẫn)

Tôi có quyển nhật ký của Thái để chứng minh. Uyển bị thất lạc từ nhỏ, tên thật là Châu. Chính Thái cũng không biết điều ấy. Nhưng tôi biết, Đảng biết, vì tôi tình cờ tìm ra mẹ Uyển. (đèn chiếu sáng vào Uyển, tóc nàng rũ rượi xõa xuống, mặt nhợt nhạt. Bỗng nàng vùng dậy với lấy chiếc ví rút nhanh khẩu súng chĩa vào Văn).

UYỂN: (như điên) Tao giết mày, tao nhất định giết mày Văn ạ! Đảng và mày sắp đặt, thúc đẩy tao giết anh tao nhân danh hào quang chủ nghĩa, hào quang cách mạng. Tao đui mù dúng tay vào máu của ruột thịt tao, bây giờ có vấy máu mày tao cũng không ân hận.

VĂN: (luống cuống) Kìa Uyển, Uyển điên rồi!

UYỂN: Tao không điên, mà điên cũng được. May hãy sửa soạn sám hối, nếu mày còn biết sám hối. ( giơ súng nhằm vào Văn)

Văn: (thất thanh) Đồng chí Uyển, tôi ra lệnh cho đồng chí…

UYỂN: (cười ngất) Mày ra lệnh! Không, điều đó đã hết từ nãy. Mày trông đây, tao bóp cò đây này.

VĂN (hét lên) Uyển! Uyển! Tôi… sao lại… có gì…

(Văn giơ hay tay chới với chống đỡ. Bách hiện ra gọi giật giọng)

BÁCH: Uyển! (Uyển quay lại. Thừa cơ Văn nhẩy tới đánh mạnh vào tay Uyển. Khẩu sung văng về phía Bách, Văn định chồm lại thì Bách đã chặn chân lên).

Văn mày hãy đứng yên đấy. Tao, Bách đây, tao rất vui được gặp lại mày. Được họp mặt trên sân khấu này cũng là một kỳ ngộ đấy nhỉ?

VĂN: (thở mạnh) Mày sẽ hối hận đã gặp lại tao.

BÁCH: (nhún mai) Không! Tao không hối hận đâu… Bởi vì tao tự tin đủ can đảm để về nhận cuộc thử thách và đi đến cùng con đường phải đi. Còn mày, mày đủ hèn để sợ hãi, chính mày nên ân hận mới phải.

(Bách vòng tay ôm lấy Uyển, Uyển gục đầu vào vai Bách thổn thức).

Chỗ mày đứng kia cũng là chỗ mày đứng năm xưa, trong vở kịch tràn đầy yêu thương, mày đóng vai Trung, người thanh niên hai mươi tâm hồn bao la và nồng nàn như biển, hình ảnh đẹp biết mấy. (mỉm cười chua xót)

Tao buồn được chứng kiến mày thay đổi. Tao vẫn tự hỏi với kỹ thuật ghê gớm nào người ta đã tước đoạt tâm hồn mày. Mày phản bội, thủ đoạn, tàn nhẫn, đó là quyền của mày vì mày có quyền tin và phụng sự một lý tưởng. Nhưng mày đã giết chết tâm hồn yếu đuối cô đơn này của Uyển, đó là một tội ác nhân loại, không phải một cuộc đấu tranh chủ nghĩa. Mày… tao khó tìm chữ tặng mày cho xứng đáng.

VĂN: (cười gằn) Đủ chưa? Mày nói đi vì mày sẽ không gặp lại tao nữa đâu.

BÁCH: Mày nhầm đấy. Đừng tự tin là lực lượng chúng mày quá thế. Có cái gì là vô song? Chúng mày có những vết rạn mà chính mày mù quáng không nhìn thấy. Tao có chết cũng chưa chết ngay đâu, đây là bằng cớ.

(quay vào trong)

Ông Vinh, mời ông ra.

(Vinh ra)

Tôi xin giới thiệu: Đây là Hoàng Văn, một cán bộ cao cấp đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư đảng Lao Động thành bộ Hà Nội, lãnh đạo tổ văn nghệ nằm vùng.

VĂN: (rít trong kẽ răng) Vinh!

(hằn học nói với Bách)

Còn hơn là một kẻ phản bội ngu xuẩn, mày là một thằng Việt gian hèn hạ.

BÁCH: (cười lớn) Không! Mày lại nhầm nữa rồi. Ông Vinh ngỏ ý mời tao cộng tác, nhưng đây là lúc tao trả lời.

(quay sang Vinh)

Ông Vinh, tôi xin từ chối đề nghị của ông, sự từ chối có nghĩa là giai cấp tiểu tư sản dù rã rời nhưng vẫn kiên quyết chiến đấu, không đầu hàng giai đoạn. Trên tất cả, chỉ có dân tộc. Sự đầu hàng dù được quan niệm như một chiến thuật vẫn là sự phản bội quê hương đau khổ này.

(lợi dụng cơ hội Vinh và Bách không chú ý, Văn lùi sát về phía hậu trường rồi bỏ chạy, Bách định đuổi theo nhưng Vinh ngăn lại)

VINH: Không cần, hắn không thoát nổi đâu.

UYỂN: Đừng để nó thoát! Tôi cứ đuổi theo hắn. Tôi giết hắn, haha! Giết hắn đi, (điên dại) giết hắn đi!

(hai người quay lại nhìn Uyển điên dại múa may giữa sân khấu, mỏi mệt và tuyệt vọng)

VINH: Uyển đang đóng vai trò thực duy nhất của đời nàng.

BÁCH: (cúi đầu) Tôi xin ông một đặc ân, ông cho tôi tự do đêm nay.

VINH: Anh dùng chữ chưa trọn nghĩa. Chúng ta, tôi và anh, ai đã có tự do. Anh cứ việc ở ngoài cho đến khi nào anh muốn. Cô Uyển cần anh. Tôi mong gặp lại anh, không phải trong khám đường mà trên cùng một mặt trận.

(Vinh đưa tay cho Bách bắt, lặng lẽ nhìn Uyển rồi đi ra. Bách đến sau Uyển rồi để tay lên vai nàng. Uyển ngẹn ngào, tiếng nói lẫn trong hơi thở)

UYỂN: Anh có biết không, anh Thái, bạn của chúng ta, chồng em, cha Thanh Hà, cán bộ cao cấp Quốc Dân Đảng, lại là anh ruột em.

BÁCH: (Đưa Uyển đi ra) Em đừng nói nữa.

UYỂN: (bỗng lại điên dại, hai tay cào cấu vào người Bách, nói như thét): Giết nó đi, giết hết chúng nó đi! Đảng chỉ thị ta yêu Thái để khai thác! Đảng lại chỉ thi ta giết Thái khi Thanh Hà mới được ba tháng trong bụng ta. A ha! Chính ta đã bắn nát đầu Thái. Đảng đã ban khen! (nức nở) Em giết anh… tôi giết anh tôi… vợ giết chồng… tôi giết chồng tôi. Thái! Thái! Anh của em! Thái… chồng của em… Anh có nhắm mắt không; anh Thái! Anh có cho em về bên anh không?

BÁCH: (ghì chặt lấy Uyển) Uyển! Em cần phải sống cho con…

UYỂN: Thanh Hà! Cha con đâu ư? Cha con ở trên trời, kìa, cha con có cánh đang bay kia kìa! Mẹ sẽ dẫn con lên trời… Anh Thái! Chồng em! Anh em! Anh có yêu vợ anh không? Anh có thương em gái anh không? Hu hu! Ha ha! Tôi vẫn tỉnh… tôi không điên… Buông tôi ra để tôi lên trời.

(Uyển cắn mạnh vào tay Bách đang cố dìu nàng đi vào hậu trường. Đèn bật sáng, hai bóng người in trên màn hậu.)

MÀN HẠ

Tháng 4-1958

Dương Kiền

(Trích Sân Khấu, đã xuất bản 1967)