Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Trư cuồng (kỳ 10)

Nguyễn Xuân Khánh

Tiểu thuyết

Phần 2

Hành trình vào hỗn mang

III. Bãi chết

Trời ơi! Sao mà rét! Tôi run lên. Cái rét từ trong ruột, từ xương tuỷ rét ra. Răng tôi đánh cầm cập. Có lẽ lúc này vợ tôi đã trùm chăn bông lên người tôi. Tôi chợt thấy một cái gì rất to, rất rộng ụp lên đầu. Đỡ rét, nhưng mà tối, tối đen…

Tôi đứng co ro trong khoảng không gian đen kịt ấy, rối bời và ngơ ngác. Thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng oa oa; tiếng dị kì như tiếng vang vách núi, hoặc tiếng vang trong hang sâu có nước. Sau đó, lặng bặt. Lặng lẽ đến rợn tóc gáy. Thậm chí, tôi nghe thấy cả tiếng thở, tiếng đập của tim mình; và có lúc cảm giác như nghe thấy cả tiếng lạo xạo của những sợi tóc sau gáy, khi chúng dựng ngược lên, va chạm phải nhau. Thứ im lặng phi nhân! Thứ im lặng như tước bỏ sự sống con người; thứ im lặng làm hèn hạ con người, bởi vì ở cái xứ sở trống rỗng, cực cô đơn ấy, tôi cảm thấy mình nhỏ bé, bơ vơ, lạnh lẽo.

Chao ơi! Sao mà thèm một hơi ấm, một bàn tay, một tiếng nói người. Tôi huơ tay ra trước mặt, sang bên cạnh, sau lưng, lên trên đầu vì chợt nghe thấy một tiếng động, hay một tiếng rì rào nào đấy; nhưng tay tôi chỉ khua vào khoảng trống rỗng.

Chợt vang khẽ một âm thanh cổ họng, tiếng cười khục khục của kẻ ngậm miệng mà cười. Tôi kêu to:

- Ai đấy?

Một tiếng dõng dạc:

- Ta đây.

Tôi cố căng mắt, nhìn một bóng đen lù lù trước mặt và nói:

- Nghe giọng quen quá. Ai đó làm ơn kéo tôi ra khỏi xứ đen tối trống rỗng này.

- Không được đâu – Giọng nói thẳng băng, dứt khoát.

- Nhưng anh là ai? – Tôi gặng hỏi.

- Chưa nói tên được, sau sẽ biết.

Tôi nằn nì:

- Tôi không chịu nổi sự lạnh lẽo tối tăm này đâu. Nào, làm ơn giúp tôi. Hãy chìa tay ra cho tôi nắm.

Tiếng nói dứt khoát như đanh đóng cột, lại hơi hách dịch:

- Không được. Kiếp anh là vậy. Anh đã sống kiêu ngạo. Anh phải trả giá cho sự kiêu ngạo của mình.

- Làm gì có sự kiêu ngạo ở tôi. Tôi sống rất đạm bạc. Và … Tôi sống rất thật.

- Hừ! Đồ ngốc! Thật tức là kiêu ngạo. Bởi vì làm gì có sự thật. Chỉ có sự ”phù hợp” mà thôi.

- Có lẽ anh nói đến sự ”thích ứng”, sự ”nhân nhượng”?

- Dĩ nhiên! Qui luật là thế. Vạn vật đều phải thích ứng.

- Như vậy, toàn thể sự sống của tôi là phải thích ứng sao? Thế ra tôi không được phép có một căn buồng riêng, ở đó, ”tôi không thích ứng”, và ”tôi vẫn là tôi” sao?

- Không có buồng riêng, phòng riêng nào hết. Nếu không thích ứng, ắt là chết.

- Vậy cái trống rỗng này, tên nó gọi là cái chết?

- Chưa đích thực là cái chết, mới chỉ là tiền sảnh của cái chết, ngưỡng cửa của cái chết.

Rồi tiếng cười lại ồm ồm vang lên. Tôi lẩm bẩm trong miệng: ”Quái lạ! Tiếng cười nghe quen quá.” Mãi sau này, khi đến xứ vui, tôi mới biết tiếng cười đó là của ai.

Tôi vẫn không dám bước trong cái không gian cực tối này. Tôi cố gắng căng tai. căng mắt, căng mũi, căng óc ra, để cảm nhận xem cái phòng chờ đợi, cái tiền sảnh của sự chết nó ra sao, nó có hình thù thế nào, nhưng kết quả chẳng được gì.

Chợt có tiếng chân của một người đi qua, đi lại ở phía xa xa. Tiếng chân đất nặng nề, thô kệch.

- Ai đấy nhỉ?

- Tớ đây.

- Tớ là ai?

- Tớ là người canh gác, người phục vụ nơi này.

- Thật may! Ông là người phục vụ. Mong ông làm ơn giúp đỡ tôi, dắt tôi ra chỗ sáng hơn một chút.

- Xin lỗi, tôi không làm nghề dắt người ra chỗ sáng; tôi chỉ quen đưa người vào chỗ tối hơn một chút.

Câu nói kỳ dị đó buộc tôi phải nhíu mày lại:

- Ông nói khó hiểu.

- Rồi khắc hiểu.

Tôi cố nài nỉ:

- Mong ông giúp đỡ. Tôi chẳng có tiền trong túi, nhưng còn chiếc áo trên người. Ka ki đấy. Còn tốt, gần như mới. Ông giúp, tôi sẽ biếu ông.

Tiếng cười hì hì:

- Ở đâu đút lót thì được, chứ ở chỗ này, tôi chưa hề thấy một ai đút lót. Vả lại, việc gì mà phải đút lót, bởi vì phận sự của tôi không phải phục vụ ông. Tôi phục vụ những người khác … Tôi nói thật, ông còn may, chưa đến lượt ông đâu.

- Lượt gì? – Tôi hỏi vội vã.

- Lượt chết.

- Chết?

- Chứ sao.

- Thế ông là ai?

- Tôi là người phục vụ trường bắn.

- Đây? Trường bắn?

- Chứ sao!

Tôi giật thót người, tay đặt lên lồng ngực, trong đó trái tim tôi chợt đập liên hồi như điên.

Bóng tối đột nhiên được vén mở. Tuy chưa phải là sáng, nhưng đã thấy mờ mờ tỏ tỏ. Tôi đã bắt đầu nhận ra quang cảnh cái nơi mà tiếng nói lúc nãy gọi là trường bắn.

Một bãi cỏ rộng, bên cạnh một vạt rừng phi lao. Phi lao mọc đuổi theo một sườn dốc. Lúc nãy còn tối, cứ tưởng đó là một sườn núi; bây giờ mới nhận ra đó là một giải đê. Mầu đen đã chuyển xang mầu xanh thẫm, rồi chỉ ít phút sau đã chuyển sang mầu xanh nhạt hơn. Đã thấy những mảng sương trắng sữa bảng lảng trên thảm cỏ và trên những ngọn phi lao.

Chẳng thấy gì mang dáng dấp một pháp trường. Cái tiếng nói lúc nãy bỗng vang lên ở sau lưng tôi. Tiếng nói như đã đoán nhận ra những ý nghĩ thầm trong óc tôi:

- Trông đẹp quá phải không? Thế mà là pháp trường đấy.

Tôi quay lại, trông thấy một con người lực lưỡng đứng tựa mình bên một chiếc cột gỗ cao quá đầu người. Người hộ pháp ấy cười hề hề:

- Anh em ở đây gọi nó là ”pháp trường mầu xanh”. Pháp trường cần phải đẹp đẽ, để tội nhân ra đây được nhẹ nhõm. Tôi họ tuy nặng, nhưng được chết ở một thảm cỏ xanh biếc thế này, chết cũng vơi nhẹ.

- Vơi nhẹ?

- Chứ sao! – Hắn nói quả quyết thế, nhưng sau đó lại lắc đầu – Nhưng tôi để ý bất cứ phạm nhân nào khi ra khỏi xe hòm, bước xuống thảm cỏ, trông thấy cái cột đen xì này, cũng đều lập tức rúm ngay lại, mặt bệch ra, líu lưỡi, và bước chân không nổi nữa. Phải có hai người đi kèm, dìu hai bên nách và kéo lê hắn đi. Khi buộc hắn vào cột này, rồi bịt mắt hắn lại, thì coi như phạm nhân đã mê man đi rồi. Tôi biết vậy vì lần xử án nào tôi cũng hỏi vào tai phạm nhân: ”Có nhắn gì cho mẹ không? Cho vợ không? Hoặc, cho chồng không?” Và chán chưa! Tôi muốn làm phúc cho họ một lần cuối, nhưng họ còn biết gì nữa đâu. Mất hồn! Bọn họ là lũ mất hồn. Bắn lúc đó là bắn cái xác không hồn.

- Ông làm gì mà được phép đến gần họ?

Một giọng kiêu hãnh:

- Trước khi bắn, tôi làm nhiệm vụ trói họ vào cột. Ờ… ờ… tôi nhớ chỉ có một đứa con gái là nói được nổi với tôi, bằng cái giọng run rẩy: ”Cháu lạy bác… Xin bác đừng trói chặt hai tay cháu… Bác nơi nới tay một chút… ”Cái con bé lẩm cẩm! Nó nghĩ rằng trước khi chết tay bị trói chặt, thì sau khi chết hồn người cũng bị trói chặt. Đứa đàn bà ấy có con còn bú mẹ, nó muốn khi chết hồn còn được bay về mà bế bồng con. Nếu hai tay bị trói chặt thì hồn còn bế con sao được…

- Thế ông có trói chặt hai tay người đàn bà ấy không?

- Ta không trói chặt – Hắn ta trả lời tôi hơi nhỏ.

Tôi lật tẩy hắn ngay lập tức, vì tôi đã chợt nhận ra được nhân dạng của hắn:

- Ông nói dối! Có bao giờ ông biết lỏng tay đâu. Tôi biết ông đã trói là trói chặt, vì nghề của ông là thế…

Người to lớn ấy nhìn thẳng vào mặt tôi, vẻ tức giận. Còn tôi, tôi cũng nhìn thẳng vào mặt hắn. Một bộ mặt bàng bạc như có sương phủ. Dù có màn sương nguỵ trang, tôi cũng đã nhận ra con người ấy. Có lẽ trực giác đã giúp tôi đoán nhận. Hắn cáu kỉnh sẵng giọng:

- Sao anh nói thế?

Tôi chợt cười to:

- Vĩ ông là đồ tể.

Hắn giật mình, vẻ tức giận, nhìn tôi chằm chằm:

- Tại sao anh biết ta làm nghề ấy?

- Vì tôi làm nghề chăn lợn, nên tôi có thứ giác quan đặc biệt để đoán nhận ra người chuyên nghề giết lợn. Này, ông thử hít kỹ mà xem, mùi lợn nó ám vào người ông, tới gần là thấy ngay. Không tẩy rửa được đâu, nó ám vào da thịt, thậm chí nó còn ám vào phủ tạng tim óc. Vậy nên, dù qua thời gian dài, mùi trên da thịt bay hết đi, nhưng mùi trong tim óc vẫn còn; và thỉnh thoảng mùi ấy vẫn toát ra từ hơi thở, từ ánh mắt…

- Nói láo! Anh doạ tôi.

- Này! Chớ giận dữ. Tôi còn biết ông học nghề đồ tể khá công phu. Có phải ông học nghề ấy từ năm mười lăm tuổi? Đầu tiên, ông phải học chẻ lạt này, chẻ cái lạt sao cho thật mềm và thật đều, có thế trói lợn mới chặt. Rồi phải học cách bắt lợn, bắt sao cho nhanh gọn lại nhẹ nhàng, làm thế nào để chiếc cẳng giò khỏi gãy, để miếng thịt mông khỏi bị bầm, để người giã giò khen thịt đẹp thịt không bị chết… Rồi phải học trói lợn, trói sao cho thật chặt để lợn hết đường rãy rụa. Nếu tôi không lầm, riêng cái môn chẻ lạt và trói lợn, ông đã phải học hết hai năm… Thế nào? Có đúng không?

Hắn ta tròn mắt, nhìn tôi ngạc nhiên:

- Anh là ai mà thông ngõ tỏ tường nghề đồ tể?

Tôi cười, vỗ vai con người hộ pháp:

- Chính mồm ông đã kể cho tôi nghe những điều đó.

- Á… á…

- Chính ông là ”Tí giò” đồ tể.

- Trời ơi!…

- Ông che mạng sương, giấu mặt, vì ông sợ người ta nhận ra ông. Ông sợ oán thù. Ông là hồn ma lang thang.

- Trời ơi! Quỉ quái! Ngươi là ai mà biết ta rõ vậy. Nhưng, này… ngươi nói khẽ chứ… khe khẽ cái mồm chứ…

- Ông sợ sao? Ông đã chết rồi… Làm sao con người có thể chết được lần thứ hai mà cần lo lắng? à, ta hiểu rồi. Ông muốn người đời quên ông đi, quên hết những chuyện ông đã làm. Ông muốn giăng màn sương vào cuộc đời, ông muốn xoá nhoè dĩ vãng, để người đời dễ nhầm thật giả… Không được đâu ông Tí giò ạ…

Tí giò là một nhân vật khá nổi tiếng quê tôi. Ông ta cũng ở cái ngõ cây Lộc Vừng, gần nhà vợ tôi. Cái ngõ cây Lộc Vừng đã tạo ra những người lầm lụi khiêm nhường như vợ tôi, nhưng cũng đã tạo ra những con người khá lạ lùng kiểu ông Tí giò.

Đó là một con người to như gấu, khoẻ như hổ. Cao 1, 8m, một chiều cao quá cỡ so với người Việt. Tay nần nẫn thịt, ngực to, vú chảy sệ như vú đàn bà. Có lẽ vì giã giò nhiều nên đôi tay và đôi vú phát triển quá cỡ. Cả làng ai cần giết lợn, giã giò đều phải thuê Tí giò làm giúp. Tí giò vẫn thường kiêu hãnh kể:

- Chắc chắn trong huyện này không ai giã giò nhanh như tôi, khéo và ngon như tôi. Thịt mông lợn vào tay tôi sẽ nhuyễn, nhừ ra tức khắc. Hôm huyện uỷ mời các ông thành uỷ về, ông bí thư thành uỷ phải nức nở khen: ”Giò nhai ròn, thơm phức. Tôi đã nhiều lần ăn giò trên trung ương do các đầu bếp tốt nghiệp đại học nấu ăn bên Trung Quốc về làm, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ mới thấy họ làm còn thua ông Tí. Bao giờ có các cụ ở Trung ương về dự tiệc, chắc phải nhờ huyện cho chúng tôi mượn ông chuyên gia giã giò này lên thành làm giúp.” Sau đó, một lần tôi lên thành phục vụ các cụ trung ương. Một cụ rất già khen: ”Bao giờ mở tiệc chiêu đãi khách quí nước ngoài, tôi sẽ viết giấy mời ông chuyên gia giã giò này lên, chắc chắn ông ta sẽ làm cho họ thích thú và khâm phục nữa.” Thế rồi tôi được mời lên trung ương thật. Một ngài Trung Quốc ăn xong cứ khen mãi: ”Hảo! Hảo!” . Khi ông Trung Quốc gặp tôi, ông hỏi rất tỉ mỉ về đời sống. Tôi nói rằng tôi là cốt cán cải cách ruộng đất. Khi tôi kể chuyện cải cách làng ta cho ông ấy nghe, ông Trung Quốc cười và gật đầu lia lịa. Rồi ông vỗ vai tôi, khen ngợi: ”Tố hảo! Tố hảo!”

Tí giò tham gia cách mạng từ hồi chống Pháp; anh là du kích xã. Nhưng phải kể từ hồi cải cách ruộng đất, anh mới nổi bật hẳn lên. Lúc đó Tí là cốt cán số một, dược bắt rễ từ lúc đội mới về. Anh đội trưởng khen:

- Đồng chí Tí là người triệt để cách mạng. Anh ấy biết đặt lợi ích cách mạng lên trên mọi quyền lợi …

Đúng là Tí giò kiên quyết và triệt để. Anh đã đứng lên, trước mặt toàn dân, để đấu tố, vạch mặt ông chú ruột mình:

- Hương Tẹo, mày có biết tao là ai không?

Ông chú già quì mọp dưới đất, dập đầu xuống nền gạch và nức nở:

- Thưa ông, con biết ạ.

Hương Tẹo biết rõ Tí giò thật; bởi vì bố mẹ nó mất sớm, và ông đã đem nó về, nuôi nấng từ năm lên ba tuổi. Lẽ dĩ nhiên, ở đời không ai đối xử với cháu tốt ngang bằng với con đẻ được. Tí phải chăn trâu, cắt cỏ. Trong khi đó con ông Hương được học đến trình độ đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Ông Hương tẹo có đặc điểm là rất hãnh diện về dòng họ nhà mình. Ông thường nhắc nhở các con cháu: ở làng này nhất Nguyễn nhì Lê, dòng họ nguyễn nhà ta đã có từ xưa một ông tiến sĩ, hai ông cử nhân, tú tài hàng chục; ra làm quan tổng đốc có, thượng thư có, trong làng thì không đời nào không có người làm hương, lý, chánh tổng.

Do đó, khi thấy Tí hay ngỗ nghịch, hay tắt mắt bắp ngô, củ khoai của dân làng, lại đầu bò đầu bướu du côn, ông giận lắm. Nhiều lần, ông Hương phải lột truồng Tí ra, đánh bằng roi mây:

- Cái giống họ Nguyễn nhà tao không có cái hạng như mày. Ăn cắp, du côn là đồ mạt hạng. Nhà ông bao đời nay đều có chức tước trong làng. Ông đánh cho mày chừa cái thói đê tiện, hạ lưu…

Hôm đấu tố ấy, Tí giò hăm hở trút hết sự căm giận lên đầu ông chú già:

- Hương Tẹo! Mày đánh đập tao, mày bóc lột tao tận xương, tận tuỷ.

Cái điều này, Hương Tẹo không thể nhận ra được. Vì sự thực lão thương nó. Phương châm của lão là không bao giờ để cho người họ Nguyễn rơi xuống hàng cùng đinh. Lão đánh nó, là để nó mở mắt ra, để cho nó hiểu nó là người thuộc dòng họ Nguyễn, và phải sống cho dạng danh họ Nguyễn.

Còn bóc lột ư? Lão vẫn cho nó ăn no, mặc đủ. Thế mà bảo lão bóc lột đến xương tuỷ Cái đó, thực bụng, lão vẫn nghe không ra. Vì không hiểu nổi, nên Hương Tẹo ngơ ngác chẳng biết trả lời ra sao. Tí bùng lên, tức giận:

- Hương Tẹo! Mày còn giả câm, giả điếc hay sao?

Rồi Tí giang tay tát mạnh vào má ông chú. Một dòng máu đỏ ứa ra bên mép. Lão già phục xuống đất và nức nở… Lão đã khóc như mưa như gió, khóc như một đứa trẻ. Chòm râu rung lên bần bật…

Khi qui thành phần, lão được qui phú nông. Còn Tí, chính anh được chia ngôi nhà gạch ba gian xinh xắn của ông Hương.

Chuyện đó vẫn chưa bộc lộ hết tính cách triệt để kiên quyết của Tí giò. Muốn hiểu rõ anh hơn, ta cần phải đi sâu vào đời anh thêm một chút.

Năm Tí mười lăm tuổi, anh đã cao to vạm vỡ như một thanh niên trai tráng. Tí rất hiền, rất ngổ. Một khách qua đường, một bận, thấy anh ra sức kéo đuôi một con trâu đang húc nhau. Anh kéo mạnh đến nỗi con trâu đau quá phải quay lại húc anh. Tí đã nhanh nhẹn luồn sang sườn nó, rồi nhẩy phắt lên lưng con vật. Con trâu điên chạy thục mạng. Tí ngồi trên lưng trâu, chân quắp thật chặt, những móng tay nhọn như móng vuốt bám lấy cổ con vật. Con trâu nhẩy cẫng lên lúc lắc cái sừng, cố hất mà không làm ngã nổi kẻ thù trên lưng.

Con trâu lồng lộn cho đến khi mệt lả, phải đi chậm lại và thở hồng hộc. Nó đã chịu thuần phục. Tí cầm cái trạc mũi cầm cây ngô non đút vào mồm con vật…

Người khách lạ đến gần và hỏi:

- Này, cậu bắt trâu, tên cậu là gì?

- Cu Tí.

- Cậu khoẻ lắm. Thế ăn có khoẻ không?

- Chưa bao giờ được ăn no. Muốn no chắc phải hai bơ gạo mỗi bữa.

- Thế thịt, có thích không?

- Tôi có thể ăn hết bay một cân thịt.

- Thích ăn thịt thì đi với tớ.

- Để làm gì?

- Làm đồ tể…

- À… nghề đó hay đấy.

Tí không chút lưỡng lự, hôm đó về nhà, xin ngay với ông Hương Tẹo.

- Con lạy chú. Chú cho con đi học nghề đồ tể.

Ông Hương lắc đầu:

- Dòng họ Nguyễn nhà tao, từ xưa đến nay, chưa có ai làm nghề đồ tể. Nghề đó là nghề mạt, thất đức. Không được. Mày cứ chịu khó ở với tao. Chú sẽ xây dựng cho mày nên người. Bao giờ cưới vợ, tao cho ba sào ruộng.

Tí cũng ương chẳng kém gì ông chú:

- Làm ruộng vất vả mà vẫn đói khát. Chả thể bằng nghề giết lợn.

- Đầu óc mày mạt hạng…

- Sao lại mạt hạng? Chỉ cốt nghề nào được nhiều tiền, nhiều thịt. Vả lại làm đồ tể, có quyền sinh quyền sát trong tay.

Tí giò đêm ấy đã bỏ nhà đi theo ông đồ tể già, học chẻ lạt, bắt lợn, trói lợn…

Nghề này, khó nhất là động tác đâm. Đâm làm sao thật ngọt, thật trúng để con dao lá lúa chỉ cần một nhát đã thọc trúng tim; có như thế vết đâm mới nhỏ, để phần thịt bị máu chảy qua rất ít; có như thế lượng thịt bị máu làm bầm tím sẽ giảm xuống tối thiểu.

Tí giò học nghề khá nhanh và rất tinh vi. Anh đã trở nên một bậc thầy chọc tiết lợn trong vùng. Không mấy nhà giết lợn lại không nhờ tay anh. Thịt xong, anh lĩnh tiền công, xách tảng thịt được biếu, rồi đi mua cút rượu, khật khưỡng ra về. Anh vừa đi vừa hát nghêu ngao điệu trống quân:

Vô phúc lấy phải học trò

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Có phúc lấy được đồ tể làm chồng

Nào thủ, nào lãn, hỡi cô nường có biết hay chăng?

Đồng chí Thái, bí thư chi bộ xã, nguyên hương sư trường làng, là người đã giác ngộ Tí giò, đưa anh vào đội du kích đánh Pháp. Chính anh Thái đã chỉ định Tí làm tiểu đội trưởng đội diệt tề.

Lão quản Hưng, làm chánh tổng, vốn là lính khố đỏ ngày xưa. Anh Thái muốn diệt lão tề gian ác này, để răn đe bọn tề nguỵ trong vùng. Bản án tử hình đã được duyệt, song đội du kích không tài nào diệt nổi lão quản. Quản Hưng là tay cáo già. Nó đi về, xuất hiện bất thường, không theo qui luật nào cả. Có đêm nó ngủ trong bốt. Những đêm ngủ trong làng, cũng không bao giờ nó ngủ một chỗ. Thậm chí, Quản Hưng còn rình mò lại đội du kích, và đã táo bạo phục kích định bắt Thái. Có lần, lão đã phục kích thắng lợi bắt và giết được ba du kích.

Thái là cháu gọi quản Hưng bằng bác. Hai bác cháu cầm đầu hai lực lượng đối địch, kẻ tử thù với nhau, đang tìm mọi mưu kế để tiêu diệt nhau.

Tí giò, lúc đó được Thái rất tin cậy, liền xung phong xin một mình đi giết quản Hưng. Thái đã vắt óc và đã phác ra được một kế hoạch. Thái đưa khẩu súng lục cho Tí, song Tí không nhận. Cậu ta cười rất tự tin:

- Chỉ cần con dao lá lúa này là đủ rồi.

Một tuần lễ liền, Tí giắt con dao lá lúa sau lưng, nằm phục kích ngoài chuồng lợn nhà quản Hưng.

Đêm xuống, Tí chỉ mặc độc nhất chiếc quần đùi rồi bò vào làng. Đến chuồng lợn, Tí lấy ngay thứ phân lợn trong chuồng nhà quản Hưng rồi bôi khắp người, thậm chí bôi cả lên tóc, lên mặt. Anh nằm phơi sương, cho toả hết mùi hơi người, sau đó lại xoa phân lợn lần thứ hai. Khi đó toàn thân anh sặc sụa mùi lợn. Khi Tí vào nằm trong chuồng lợn, lũ lợn cũng chẳng hề kêu. Tí là chuyên gia về lợn, nên tính nết lợn ra sao, anh rất tường. Đầu tiên Tí gãi mơn man vào bụng lợn. Ve vuốt, nhất là gãi, vốn là điều lợn thích. Lũ lợn to nhà chánh Hưng thở phì phò hít cái mùi hăng hắc ngai ngái trên tóc Tí. Cả con béc giê nhà chánh Hưng, suốt đêm sục sạo quanh nhà, cũng chưa bao giờ phát hiện được Tí. Tí đã quen đàn lợn, lẫn hẳn vào đàn lợn. Có đêm rét quá, anh rúc vào giữa đàn lợn cho ấm, lũ lợn cũng nhích người nhường chỗ cho anh…

Chánh Hưng mỗi tối ngủ một nhà. Nhưng anh Thái cho rằng thế nào cũng có đêm quản Hưng phải ngủ ở nhà mình. Bởi vì trong căn nhà năm gian thênh thang ấy có người vợ lẽ thứ ba. Người đàn bà này chưa đầy ba chục tuổi, người mũm mĩm, xuân tình phơi phới.

Rình đã bẩy đêm, Tí vẫn chẳng thấy quản Hưng về. Anh nản lòng bảo Thái:

- Có lẽ động. Kế hoạch của ta bị hở. Nó không về đâu.

- Không thể lộ được. Kế hoạch này chỉ có tôi và anh biết. Nếu hai chúng ta không hé răng nói cho người thứ ba, thì nhất định sẽ không ai biết. Cậu phải hết sức kiên nhẫn.

Tí lại kiên trì phục kích thêm mấy đêm. Đúng đêm thứ mười ba, lão quản Hưng mò về nhà với vợ bé thật. Lão ta rất thèm mụ vợ bé, nhưng lão này cũng chỉ tạt qua với mụ một tiếng đồng hồ để làm tình thôi. Làm tình xong lão sẽ chuồn. Cái lão cáo già này đọc chuyện Tầu khá nhiều nên lão rất cảnh giác để khỏi bị chết vì đàn bà đẹp.

Nhưng lão có một cái tật. Chính anh Thái đã tỉ mỉ hỏi mấy ông bạn già chơi bời của chánh Hưng ngày xưa, nên đã biết cái tật kì quái của ông bác mình. ”Lão Hưng có tật rất lạ mỗi khi lão ngủ với đàn bà xong, thể nào lão cũng phải ra đi đái.” Chính vì thế Tí mới phục kích ở chuồng lợn sát ngay hố đái nhà Hưng.

Quả nhiên, đêm hôm ấy, ngủ với vợ xong, lão Hưng liền mò ra chuồng lợn để đái. Lão già quái quỉ ấy đái ngay vào lũ lợn, vừa đái vừa cười rích rích, ý chừng còn khoái chí vì một dư âm tình dục nào đó. Những giọt nước đái khai nồng vừa tia vào mặt Tí, anh du kích lập tức chồm ngay dậy, và lưỡi dao lá lúa đã sáng loáng vung lên thọc trúng tim lão quản. Lão chánh rống lên ồ ồ, hai tay ôm lấy ngực, chạy vào nhà và chết ngay dưới chân giường vợ bé.

Câu chuyện Tí phục kích giết chánh Hưng được dân làng truyền miệng như một huyền thoại. Anh Thái ngợi khen Tí hết lời:

- Cậu tính toán rất giỏi, có óc quan sát, lại gan góc. Tài của cậu là tài của một tay trinh sát hay điệp viên. Cậu phải chuẩn bị cho bản thân tốt hơn. Sau này, cậu sẽ là chánh công an xã.

Tí nghe anh Thái nói, như nở từng khúc ruột. Một hôm, nhân lúc rỗi rãi, đội du kích chia làm hai phe nam nữ, căng một sợi giây thép ở giữa và hát trống quân. Trong đám nữ du kích có một cô gái to béo mà dân làng vẫn gọi là cô Phốp. Tí rất ưng cô gái. Cô du kích lúng liếng con mắt đưa tình. Cô ngửa khuôn mặt đầy đặn của mình lên trời mà hát rằng:

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

Mình yêu ta thật hay là yêu chơi?

Tí giò chợt mê mẩn tinh thần, anh cũng hứng lên liếc nhìn cô gái và cao giọng hát câu hát xưa kia yêu thích của mình:

Vô phúc lấy phải học trò

… … …

Thình – thùng – thình

Vừa lúc ấy, anh Thái đi vào sân đình. Cả đội du kích chợt im bặt, khi anh chau mày nhận xét:

- Cậu Tí hát như vậy là sai, không có lập trường. Hát như vậy là chia rẽ công nông với trí thức. Chúng ta nên hiểu rằng sống trong xã hội cũ, bất cứ ai cũng bị tiêm nhiễm cái xấu xa. Trí thức có nhược điểm của họ, nhưng anh đồ tể cũng có cái xấu của mình …

Tí tím mặt lại vì bị mắng trước mặt người đẹp. Cô nàng to béo lại cười tít đi khi anh Thái nói xong. Và từ hôm ấy Tí cụt hứng. Có thể vì cái cớ nho nhỏ ấy mà Tí không dám tỏ tình với Phốp. Từ hôm ấy, Tí hơi lầm lì, ít nói. Một rào ngăn đột nhiên xuất hiện trong tâm hồn Tí. Một cảm giác bực bội còn rất mơ hồ, nhưng nhiều lúc làm Tí nhức nhối. Trong Tí như có một cái gì đó bị đè nén.

Còn anh Thái, có thể trong lúc ấy, vì mặc cảm hương sư vốn có, anh thấy như cái chất học trò yếu ớt trong anh đã bị mang ra chế diễu, nên anh phản ứng đột ngột và phát ra những lời nói bất lợi. Tuy nhiên, anh thực lòng tốt bụng với Tí, anh vẫn ra công dìu dắt người thanh niên ấy. Đích thân, anh dạy Tí học. Anh nói:

- Phải ngoi lên khỏi bùn lầy. Chính những người từ bùn lầy sinh ra như cậu, mai này sẽ nắm quyền ở làng xã và ở trên cao nữa. Cũng chính vì thế, cậu có nhiệm vụ phải cố công học tập Có như thế, khi nắm quyền mới khỏi sai lầm.

Tí không nói gì. Anh chỉ im lặng nghe Thái. Tí rất thông minh. Anh đọc thông viết thạo, biết làm bốn phép tính sau một năm học Thái. Chính lúc đó, xã được giải phóng. Tiếp ngay sau đó, hoà bình lập lại… Pháp rút quân… rồi cải cách ruộng đất.

Anh đội trưởng cải cách bắt rễ ngay vào Tí, từ lúc mới về làng. Cuộc cách mạng nông thôn tiến hành được chừng một tháng. Đó là giai đoạn gay go quyết liệt nhất. Tí họp hành liên miên suốt đêm ngày. Lên hồ sơ đối tượng… Rà xét từng gia đình… Truy tìm gốc gác từng người… Phải xác định những tên đầu xỏ… Tổ chức tố khổ… Tổ chức toà án… Tí như lâng lâng… Một cái gì đó mới lớn lên trong lòng anh. Cảm giác như đang bay trên chín tầng mây. Vừa thấy lo lo vừa thấy khoái trá… Tại những đêm mất ngủ chăng? Tại cái quyền năng vô biên như có phép thần bỗng rơi vào tay anh chăng? Kỳ lạ thật! Một con người như mình, đột nhiên từ ông già có râu cho đến đứa trẻ nít ai ai cũng vì nể. Sao họ chào anh cung kính đến thế? Thậm chí đến nhìn, họ cũng chẳng dám nhìn thẳng vào mắt anh. Và bỗng dưng, anh bỗng nói được những câu văn rất hùng hồn, và giọng nói của anh cũng bỗng trở nên lưu loát. Ai nghe anh nói chuyện cũng khen hay. Trong một cuộc mít tinh, Tí nói dõng dạc:

- Hôm nay là ngày hội, ngày đại hội. Chúng ta đang vùng lên, để xây dựng một lâu đài vinh quang…

Trong giai đoạn quyết liệt ấy, một hôm. anh đội trưởng cải cách họp riêng với Tí. Anh đội bảo:

- Đồng chí cùng nghiên cứu với tôi xem sao. Trên bảo rằng ở xã ta dứt khoát có tổ chức Quốc Dân Đảng. Vậy những ai là Quốc Dân Đảng? Và tên đầu xỏ ở đây là ai?

- Thưa anh đội, em không biết.

- Thử nghĩ kĩ xem có hiện tượng gì khác lạ không? Bọn Quốc Dân Đảng thường bắt rễ vào bọn hương lý…

- Hương lý?… Dạ, thằng chánh tổng Hưng thì chính tay em giết… Thằng lý Tiến thì ta mới bắn… Lão phó hội Trạch, ta bắt giam… Còn lão Hương Tẹo lão chú độc ác của em, lão ta chỉ ôm cái bàn đèn … Thưa anh, thế là điểm hết mặt bọn hương lý ở đây rồi ạ.

- Còn chứ… còn chứ. Chúng còn bắt rễ vào bọn trí thức nữa. Anh thử nghĩ xem, ở làng này ai là trí thức, là có học?

- Thưa anh, bọn trí thức có thằng Ký Bốn, nhưng hắn ta ở Hà Nội từ bé, mỗi năm về làng có một lần vào ngày giỗ tổ họ Lê; bọn tham Tùng, phán Thiệp đều đã di cư vào Nam…

- Thử nghĩ kỹ thêm xem bọn trí thức ở đây còn ai nữa không?

- Dạ, dạ… chỉ còn…

- Còn ai?

- Còn anh Thái, anh ấy là hương sư… nhưng anh ấy đi theo kháng chiến, lại là lãnh đạo.

- Đó, đó… chính đó mới là chỗ hiểm. Bọn Quốc Dân Đảng lợi dụng ta sơ hở, đã chui vào tổ chức của ta, leo lên những địa vị chủ chốt.

- Thưa, thưa anh…

- Còn thưa gửi cái gì nữa… Trên rất nghi ngờ thằng này, nhưng nó rất khôn ngoan, ta cần phải tìm đủ bằng chứng. Tôi nói dứt khoát thằng Thái là Quốc Dân Đảng. Anh thử nghĩ lại, nhớ lại… xem nó có những hành động gì lén lút không?… Ví dụ nó thầm thì với ai?… Nó hội họp bí mật ở đâu?… Nó…

- Dạ, anh Thái…

- Anh gì? Gọi nó là thằng.

- Dạ, thằng Thái có lén lút thật. Nó lén lút với anh Phòng, chủ tịch xã.

- Cả thằng Phòng cũng một duộc.

- Dạ, em hiểu rồi… Thằng Thái, thằng Phòng cùng với thằng Nam. Cả thằng Nam này cũng ghê gớm; nó trạc tuổi em ra Hà Nội học tú tài. Nó về làng bảo trốn Tây động viên bắt lính. Thằng Thái cho nó làm thư kí uỷ ban. Hoá ra, cả một dây từ Hà nội về đến quê. Chúng nó vẫn thì thụt gặp nhau ở chùa ông Cụt giữa đồng. Người ta bảo rằng chúng đi họp chi bộ cộng sản, nhưng thực ra chúng đã lừa dối nhân dân. Chúng là bọn Quốc Dân Đảng đội lốt Cộng Sản. Chúng đã chui vào bên trong tổ chức của ta để phá ta.

Anh đội cải cách reo lên:

- Đúng, đúng như thế đó… Anh Tí ạ, anh rất thông minh.

Một ngày hội. Đúng là một ngày hội.

Rộn vang khắp làng tiếng trống ếch, tiếng hô khẩu hiệu của thiếu nhi đi cổ động. Trống to thì thùng ngoài bãi. Dân làng nô nức túa ra đường làng, kéo nhau ra bãi. Người ta thì thầm với nhau:

- Hôm nay đấu gục tên phản động đầu xỏ.

- Ai?

- Tên Thái.

- Toà án nhân dân xử tội?

Mắt người trả lời bỗng sáng lên:

- Xử bắn!

Xử bắn bao giờ cũng là một quang cảnh cực kì kích thích. Người ta sợ, rợn, nhưng tự đáy thẳm ai cũng muốn xem tận mắt. Ai cũng có ý nghĩ ấy, nhưng chẳng ai thổ lộ với ai. Đội thiếu niên nhi đồng không em nào vắng mặt. Những chú bé bẩy, tám tuổi chưa được vào đội nhi đồng cũng trốn nhà ra bãi đầu làng, ở đấy người ta dựng sẵn một cây thập ác bằng tre.

Đấu, tố, trỏ mặt, giậm chân, mặt mũi đỏ bừng sầm sầm, nộ khí xung thiên, la hét… Có những người khóc nấc lên rồi ngất đi vì xúc động.

Vài phút lại vang lên những tiếng hô dậy trời “đả đảo”. Người ta hô đến khản cả tiếng. Có người khản đặc, tiếng nói phào phào…

Bãi bắn đông nghịt những người. Cờ, khẩu hiệu đỏ chói. Chỗ ngồi của bà chánh án cao vút, uy nghi. Người nào cũng sáng mắt nhìn ra phía trước, nhưng không phải nhìn vào án đài, mà nhìn vào cây thập ác.

Người chỉ huy đội bắn cao to lẫm liệt, đang hùng dũng bước ra. Người ta xì xào: “Ông Tí giò.” Cái vóc dáng khổng lồ của Tí giò càng làm thần kinh người dự xem thêm căng. Tí giò đứng ngẩng cao đầu, tay trái chống cạnh sườn, tay phải chỉ vào mặt Thái lúc này đã bị trói chặt vào cột.

- Các đồng chí chú ý! Mục tiêu: Tên phản động trước mặt. Tư thế: đứng chuẩn bị bắn.

Thày giáo Thái lồng lộn, vùng vẫy. Người xem thì thào:

- Ông Tí giò đã trói bằng lạt tre tươi lột lấy cật rồi đem nướng lửa. Có đến hổ bị ông Tí trói cũng chịu cứng, nữa là lão Thái gày gò. Rẫy rụa chỉ tổ sầy vẩy, cũng chẳng nước mẹ gì.

Tí mỉm cười, nhìn con mồi của mình đang tuyệt vọng lồng lộn. Chờ cho đến lúc Thái quá đau đớn mệt mỏi, anh đứng im thở hồng hộc, lúc đó Tí giò mới hô: “Chuẩn bị bắn”.

Ba anh du kích đứng gié chân chèo, bắt đầu lên đạn và nhằm súng vào cái vóc người gầy gò thảm hại bị buộc giăng tay vào cây thập ác. Con người chịu khổ nạn ấy không rãy rụa nữa. Cũng may, đôi con mắt bị buộc chiếc khăn vuông đen nên anh đã không phải chứng kiến những khuôn mặt người bị méo mó đi vì khoái trá, vì căm giận. Họ căm giận anh thực sự. Anh không trông thấy nhưng anh nghe thấy những tiếng hò hét, những tiếng rì rầm của họ thì anh hiểu. Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân…

Tí cố để cho cái phút chuẩn bị, chờ đợi chết ấy hơi kéo dài. Nhưng không sao! Tí đã mơ hồ cảm thấy tâm lí của người đi xem xử tử. Hình như mọi người đều muốn cái phút chờ đợi ấy kéo dài.

Trong khi ấy, Thái mê man đi cùng bao suy nghĩ. Đáng lẽ ra lúc ấy anh phải kêu lên những tiếng kêu uất hận, cũng có thể những tiếng kêu oan ức. Đằng này Thái lại bật lên một tiếng hô làm cả pháp trường bỗng ngỡ ngàng Anh rướn cổ lên và hô to:

- Đảng cộng sản muôn năm!

Có lẽ vì Thái hô to quá, kỳ dị quá, nên khi Tí ra lệnh: “Bắn”, ba anh du kích bỗng run tay. Một anh bắn trượt, một anh bắn trúng tay, một anh bắn sượt má Thái. Tí bực bội gầm lên:

- Hãy để hắn cho tôi.

Và Tí đã dũng mãnh xông lên, rút con dao đồ tể mỏng hình lá lúa mà anh thường giắt bên người. Bằng một đường dao chính xác, ngọt ngào, anh đã đâm từ cổ thọc xuống tim người đội trưởng du kích, người dẫn đường anh khi xưa.

Thái ngoẹo đầu xuống, hình dáng hệt như chúa Jesus chịu nạn.

Lúc chết, mắt Thái vẫn mở to. Đôi mắt như ngơ ngác, như băn khoăn, như bàng hoàng, vì chưa hiểu ra một điều gì đó thật kì quái.

Khi Tí rút con dao lá lúa ra, dòng máu ở cổ Thái vọt dài. Người đi xem nhiều kẻ tay run cầm cập, nhưng mắt vẫn sáng quắc. Có người còn nuốt nước bọt.

Riêng anh Tí giò, tối hôm ấy, anh xách con cá quả to bằng bắp chân về nấu ám. Tí uống rượu cùng đội trưởng cải cách. Anh còn vui vẻ hát cho anh đội nghe một câu hát xưa rất thú vị

Vô phúc lấy phải học trò

… … …

Thình thùng thình…

Cô Phốp, cô gái to béo đa tình ở đội du kích năm xưa đi qua ngõ nhà Tí, bỗng nói vọng vào, khen ngợi:

- Giọng anh Tí hát hay quá!

(Còn tiếp)

N.X.K.