Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Con Sói

Truyện Lê Kim Duy

Lão Héo thất thểu cất từng bước nặng nề về làng. Trời đã đổ bóng chiều về tận cuối rặng tre sau cồn mồ. Suốt một ngày lùng sục gỡ bẫy trong rừng, chiến lợi phẩm lão thu được chỉ là một con gà rừng bé tẹo bằng nắm tay. Lảo cằn nhằn khi gặp thằng Phu vừa lùa trâu xuống bến sông.

-Mẹ nó! Đến nước này thì chỉ có bỏ làng mà đi!

Thằng Phu cũng phàn nàn:

-Cháu có hơn gì bác đâu! Không dám lùa trâu vào rừng, thiếu cỏ, trâu gầy trơ xương đây này!

Đã hơn sáu tháng nay, dân làng Nhô mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Lợi tức giảm sút thê thảm. Cánh săn bắn bẫy thú mất mùa thấy rõ, cánh chăn thả không dám lùa trâu, lùa dê vào rừng. Mấy đàn trâu, đàn dê gầy rộc đi vì thiếu cỏ, thiếu lá. Trẻ con ngơ ngác, suốt tháng mâm cơm chỉ toàn rau mà mẹ chúng hái ven rừng. Nhà nào bữa cơm cũng vắng thịt. Dân buôn không màng đến làng Nhô nữa, bởi chẳng có gì mà mua. Hết mắm, hết muối dân phải tự ra chợ huyện xa đến hai chục cây số. Mà có phải ra tay không đâu, phải cõng theo gánh than gánh củi để đổi, bởi không có thú hay gia súc để bán thì lấy đâu ra tiền. Đi chợ, sáng sớm đã đi, về đến nhà thì đã tắt mặt trời.

Làng Nhô là một làng miền sơn cước, ruộng không có, dân làng chia nhau mấy khoảnh đất ven đồi trỉa lúa, trồng ngô. Năm nào trời thuận, mưa nhiều thì đủ gạo ăn hơn nữa năm, ngô dùng ăn dặm và chăn nuôi gia súc. Năm nào nắng hạn thì phải ăn ngô thay cơm còn không đủ.

Trước tình cảnh khốn khó đó, thanh niên làng Nhô lần lượt bỏ làng ra đi, tha phương cầu thực. Trong số đó có Thu, một con người lanh mưu cũng bó tay trước đại nạn một con hổ cứ lảng vảng trong cánh rừng ven làng. Các loại thú rừng bỏ đi lánh nạn cả. Thợ săn cài bẫy chẳng thể bắt được cáo chồn… nữa, lâu lâu mới được một con gà rừng hay con nhím… Người chăn nuôi không dám đưa trâu, dê… vào rừng chăn, thỉnh thoảng một vài con bị hổ bắt mất. Đàn chó săn đôi khi cũng chịu chung số phận. Nguy cơ một ngày không xa hổ sẽ vào trong làng là khó tránh khỏi. Dân làng càng bối rối hơn khi thấy đàn chó săn cứ co rúm lại không dám cất tiếng sủa mỗi lần vào rừng, đánh hơi được mùi hổ. Thế thì lỡ như ban đêm hổ về làng, lấy gì để biết được đây!?

***

Xa làng được chừng hai năm, một hôm thằng Thu trở về, dẫn theo một con chó chừng hơn mươi lăm cân. Theo lời nó nói với các bô lão thì đây là con Sói được bắt từ trong rừng về nuôi từ khi mới đẻ. Thức ăn của nó toàn là thịt sống. Vì thế nó không sợ hổ, khi đánh hơi thấy mùi hổ là nó tru toáng lên và tỏ vẻ rất hung hăng.

Thế là một cuộc họp của những người chăn nuôi đại gia súc được triệu tập. Theo tinh thần cuộc họp thống nhất, mỗi sáng mọi người dẫn trâu, dê… vào rừng thành một đoàn, thằng Thu dắt con Sói đi đầu dẫn đường. Đến một khu vực nào đó, mọi người thả súc vật cho ăn. Thằng Thu đưa con Sói đi quanh để canh phòng hổ. Cũng theo tinh thần cuộc họp thì những người chăn thả đều phải mang theo một cái thùng thiếc to. Khi nào con Sói đánh hơi thấy hổ, tru toáng lên thì mọi người phải đồng loạt lấy cây đánh loạn xạ vào thùng, làm ầm ầm để xua đuổi hổ. Chiều đến, người chăn dẫn gia súc về hết rồi thì thằng Thu mới được đưa con Sói về. Mỗi tháng, những người chăn thả phải trả cho thằng Thu một khoản tiền, tùy theo lượng gia súc nhiều ít.

Thời gian cứ thế trôi. Gần năm sau, dân làng Nhô không còn thấy dấu vết hổ nữa. Suốt trong mấy tháng, con Sói không đánh hơi thấy hổ lần nào nữa. Một hôm, con Sói, lúc này đã hơn hai chục cân, vồ chết một con dê con mới đẻ. Chủ dê bắt đền thằng Thu và mọi người chăn thả nhân cơ hội ấy không thuê con sói canh giữ hổ nữa.

Không ai có thể giải thích con hổ bỏ đi vì khu rừng này hết thú hay vì con Sói phá đám gây náo động khu rừng, hay vì một lý do nào khác. Tuy không ai thuê nữa, nhưng hàng ngày thằng Thu vẫn dắt con Sói vào rừng săn gà rừng hay chuột dúi…

Thấm thoát vài năm trôi qua, nghề săn làng Nhô không còn thịnh như trước nữa, mà hàng năm xuân thu nhị kỳ, phường săn tổ chức tuần săn bắn như để tưởng nhớ nghề. Thay vào đó, nghề chăn nuôi tại gia phát triển. Nhiều trại nuôi gà thả vườn mọc lên cung cấp gà đồi cho dân buôn miền xuôi.

Con Sói nay đã hơi già nhưng vẫn còn lanh lợi. Mấy năm qua do đã quen với làng, thằng Thu cho nó chạy rông khắp làng chứ không canh giữ cẩn thận như trước. Điều đặc biệt, càng già con Sói càng sung, hễ có cơ hội là nó ve vãn mấy nàng chó tơ, mỗi ngày cả chục bận vẫn không mệt. Chả có chó nhà ai dám tranh gái với nó. Chó đực cả làng đành phải nhịn thèm rên xiết khi đến mùa động dục. Dân làng nhớ ơn nó nên lờ đi, có khi còn khuyến khích để gây giống chó quý. Ác một nỗi, thỉnh thoảng gà cứ bị bắt mất. Mọi nỗi nghi ngờ đều đổ dồn cho nó, nhưng họa hoằn lắm mới có dịp chỉ ra bằng chứng, thường thì dấu vết bị xóa đi rất tài tình. Dân làng ấm ức, nhưng đành chịu. Họ vừa ghét nó lại vừa thương nó.

Càng ngày nạn mất gà càng gia tăng, đến độ rõ ràng là không thể quy hết tội cho con Sói! Rồi dân làng cũng phát hiện ra không chỉ con Sói bắt gà mà cứ hễ là chó trong làng, con nào cũng bắt gà.

Rồi con Sói cũng già và chết đi, lúc này dân làng đã quen với việc canh giữ đàn gà non cẩn thận. Thằng Thu không thịt nó như lệ thường mà chôn nó trong khoảnh vườn trước sân nhà. Cẩn thận hơn nữa, để khỏi bị đào trộm, thằng Thu trộn một rổ vữa hồ vôi đổ lên làm thành ngôi mộ cho con Sói. Gà bị chó bắt mất trở thành chuyện bình thường và lâu lâu người ta cũng ôn lại kỷ niệm về con Sói, nhưng điều lạ lùng là chả ai để ý về chuyện con Sói đã phối giống cho chó cả làng!

***

Ba mươi mấy năm sau, kể từ ngày con hổ về quấy phá cánh rừng ven làng, làng Nhô đã có đứa con trai đầu tiên đi học đại học trên tỉnh. Đó là thằng Trọng, cháu nội lão Héo thợ săn ngày nào. Thuở nhỏ Trọng hay nói chuyện với ông nội về con Sói, nên ký ức nó luôn nghĩ về con chó kỳ lạ này! Có lẽ vì thế mà Trọng chọn học trường Đại học Nông nghiệp ngành chăn nuôi thú y.

Cuối khóa học, Trọng chọn đề tài “Biện pháp bảo vệ đàn gà để không bị chó bắt” làm luận văn. Do đã nắm bắt được thực tiễn kinh nghiệm làng nó nên phần chuyên môn rất phong phú. Thấy giáo hướng dẫn không bắt bẻ hay bổ sung được gì! Ông thầy bèn yêu cầu phần dẫn nhập phải trả lời được câu hỏi: “Tại sao chó lại thích bắt gà?”. Tra cứu đủ loại tài liệu nhưng nó chẳng tìm ra chút manh mối nào. Bí quá, Trọng chợt nhớ về thuyết tiến hóa của Darwin. Nó bèn phịa ra: “Cách đây cả triệu năm, loài chồn cáo tiến hóa thành mèo chó, chồn tiến hóa thành mèo, còn cáo tiến hóa thành chó. Sau đó con người bắt chó mèo về nuôi và thuần hóa thành chó mèo ngày nay. Vì thế, chó mèo thích bắt gà là di truyền tính trạng từ tổ tiên hằng triệu năm trước”.

Tốt nghiệp ra trường, thằng Trọng đem bằng về xin việc ở ủy ban xã. Ông chủ tịch xã hỏi nó:

-Con học nhiều, có được điều chi giúp cho bà con dân làng không?

-Có nhiều chứ! Con sẽ cố gắng làm việc giúp dân làng. Trước mắt có cuốn luận văn này, nhờ bác phổ biến để người chăn nuôi gà áp dụng bảo vệ đàn gà.

Trọng trả lời và đưa bản sao cuốn luận văn cho ông chủ tịch xã. Ông ta lật qua loa vài trang rồi đưa cho thằng Dũng, cán bộ nông hội xã:

-Mày xem rồi phổ biến cho bà con.

Thằng Dũng cầm cuốn luận văn về xem rồi kể lại cho bố nó chính là thằng Thu, chủ con Sói thuở xưa:

-Thằng Trọng bảo chó thích bắt gà là do tổ tiên loài chó là loài cáo cách đây cả triệu năm bố ạ!

Thằng Thu bây giờ đã luống tuổi. Nó nhéch mép cười, đưa tay ra hiệu cho thằng Dũng đi theo ra sân, đến trước ngôi mộ con Sói.

-Thằng Trọng đi xa, học cao nên nghĩ toàn chuyện xa xưa, cao ngất trời! Chó cả làng này, phần lớn là hậu duệ con Sói cả. Ngày trước, chó cái cả làng đều qua tay nó. Vốn là giống sói chỉ ăn thịt sống nên bây giờ con cháu của nó cũng thèm thịt sống.

-Ờ nhỉ! Các làng khác, con có nghe chuyện chó bắt gà bao giờ đâu…

-Cái nòi bắt gà chỉ mới nảy ra ở cái làng này mấy chục năm nay thôi. Thằng Trọng chúi mũi vào sách vở, chỉ biết chuyện trong làng, không tìm hiểu thực tế khắp nơi. Chuyện gần không nghĩ, đi nghĩ chuyện xa vời! Trật lất! Hề, hề…

-Thế chó làng mình rồi cứ bắt gà mãi sao, hả bố?

-Lâu dần, lai với các giống chó khác, tính thích ăn thịt sống của chúng cũng sẽ phai dần đi chứ còn mãi sao được. Nhưng phải rất lâu… Bao giờ mộ con Sói này mất dấu thì thói bắt gà của chó làng này mới tiệt hẳn!...

Tháng 5- 2018