Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 28): Ninh Kiều – Bún chả

Tình cờ tôi đọc được truyện ngắn này trên Internet, tựa đề “Bún Chả” và tác giả là Ninh Kiều. Truyện không có gì éo le, gay cấn. Cũng chẳng lồng vào một tư tưởng nào cao siêu về nhân sinh, thế sự. Mà chỉ là những chi tiết đơn giản, bình thường, thậm chí rất tầm thường.

Nhân vật chính là bà Mẹ (viết hoa), không có tên. Năm 1949, để tránh chiến tranh, bà mẹ vào Sài Gòn đưa ông bố, tức là chồng và đứa con trai qua Pháp sống, sau đó, trở về Hà Nội để trông cửa hàng, nuôi ba đứa còn ở lại, đồng thời nuôi cả hai bố con bên Tây trong khi chờ ngày hòa bình để hai bố con trở về đoàn tụ như đã hứa hẹn. Năm 1954, chia đôi đất nước, họ không về. Bà mẹ thông cảm, vì chưa có gì bảo đảm là đã hết chiến tranh. Nhưng rồi đến năm 1975, chiến tranh chấm dứt hẳn, họ cũng không về.

Thế là bà mẹ buộc lòng phải tự mình khăn gói bay từ Hà Nội qua Paris thăm chồng và con, đúng ba mươi mốt năm sau ngày cả hai rời bến cảng nhà Rồng. Bố cũng như con viện cớ bận, không đi đón. Đã thế, vì con đã có gia đình, mà chồng cũng có gia đình, lấy một bà vợ Pháp, không thể ở chung được với ai, nên bà mẹ đành phải nhờ bà chị, vừa đón rước ở sân bay vừa cho ở trong nhà.

Không có phương tiện đi lại, lại cũng chẳng biết mô tê gì ở một thành phố đông đúc và xa lạ, muốn thăm hai người, bà mẹ chỉ biết lập đi lập lại chuyến hành trình “xuống lầu, đi bộ một quãng, lên xe buýt, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo bốn tầng lầu” để gặp bố hoặc con; gặp xong, thì lại “xuống lầu, đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, lên xe buýt, đi bộ một quãng, rồi leo lên tầng ba thì về đến nhà.” Lần nào cũng như lần nào, một trong những thứ mà bà không quên mang theo là món bún chả. Vì đó là món ăn mà cả hai bố con đều rất thích khi còn ở Hà Nội.

Trước hết, đi thăm con. Lần đầu, gọi điện thoại hẹn, khi đến nơi thì không gặp vì con đợi lâu quá phải đi. Lần sau, không cần hẹn, người mẹ lại đi thăm. Lần này, được gặp, nhưng bị trách.

“‘Sao Mẹ không gọi điện báo cho con biết trước.’

Người Mẹ nghe có tiếng động trong phòng ngủ của Con nhưng giả điếc.

‘Mẹ hãy hiểu cho con con có cuộc sống của con.’

Người Mẹ lặng lẽ bày món bún chả lên một góc bàn.

‘Con ăn đi.’

Con tiễn Mẹ ra cửa: ‘Mẹ đến thăm con lúc nào cũng được nhưng phải báo trước.’

Người Mẹ vin tay vịn xuống lầu: ‘Đến thăm Con mà gặp lúc không tiện cho con thì Mẹ về không sao cả.’

‘Hôm khác Mẹ nhé’ và cửa đóng lại.”

Con thì thế, chồng thì sao? Cũng như khi đến thăm con, thăm chồng, lúc nào người vợ cũng xách giỏ bún chả. Phiền là lần nào cũng thế, gặp được chồng, lại gặp cả vợ của chồng.Thành thử, cuộc sum họp vợ chồng trở thành một cuộc gặp gỡ buồn cười, không như ý bà mẹ.

“…trong buổi viếng thăm đầu tiên người Mẹ cũng được mời nước một cách lịch sự song những lần sau đó thì người Mẹ nhất định từ chối khéo vì thấy phiền hà chủ nhà quá. Nào ông chủ nhà phải đứng lên, kéo mặt kính tủ gỗ chưng các thứ bát đĩa, ly tách sắp xếp thứ tự đẹp mắt, để tìm cho ra bộ tách theo sự hướng dẫn của bà chủ nhà. Bà ấy quay lưng lại cái tủ gỗ mà vẫn hướng dẫn ông ấy rành mạch như chính mắt mình đang nhìn thấy. Khi ông chủ nhà lấy đúng cái bộ tách dành riêng cho khách, lấy đúng cái muỗng phù hợp với bộ tách nầy thì nghe tiếng bà chủ: ‘Bây giờ ông chỉ còn mỗi một việc là đun nước và đem nước ra cho tôi, sau đó thì mọi thứ tôi sẽ lo vì ông biết rõ là ông không thể nào trả lại đúng chỗ của nó, bộ tách nầy.’ Ông chủ nhà vào bếp nấu nước rồi mang cái phích nước nóng ra để trên bàn trước mặt bà ấy để bà ấy làm nốt công việc còn lại, trong yên lặng.”

Nhưng người mẹ vẫn không tỏ dấu nản lòng. Lần khác, không cần hẹn, bà cứ mang bún chả đi thăm, thì bị ông chồng trách sao đến mà không báo trước. Trách thì trách, người vợ cứ bày bún chả lên bàn cho chồng ăn. Lại bị trách, vì bây giờ, ông chẳng thích bún chả nữa. Không sao. Bà cảm thấy dễ chịu, thoải mái vì đây “là lần đầu tiên, từ hôm từ Hà Nội qua Paris đến giờ, hai vợ chồng mới ngồi riêng được với nhau, không có người thứ ba, không phải nghe tiếng Pháp.”

“Lần nầy chỉ có mỗi hai người, tự nhiên người Mẹ bạo dạn đứng lên đến xem từng tấm ảnh đóng khung treo trên tường.

‘Thế bao nhiêu ảnh tôi gửi sang cho hai Bố Con đâu rồi nhỉ?’

‘Đây nầy, cất giữ đầy đủ cả’

Người Mẹ quay lại và nhận ra ngay vật kỷ niệm trong tay ông Bố, đó là cuốn anbom đã theo hai Bố Con qua Tây. ‘Thế ông giữ anbom ở đây thì con nó có gì để xem.’ Ông Bố gắt ‘Thế bà muốn tôi trao cho nó để mất hết cả à.’

Thế rồi quá khứ kéo họ xích lại gần nhau, không ai mời ai, họ cùng ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài để ôn lại khá khứ và ngắm đàn cháu của tương lai. (…) Nhưng rồi ông như người ngủ quên chợt giật mình thức giấc, hốt hoảng đứng lên: ‘Ấy chết, bà ấy sắp về rồi.’ Người Mẹ cũng đứng lên, đến ghế lấy áo khoác mặc vào, xách cái giỏ không đi ra cửa. Lần nầy ông bước hẳn ra ngoài hành lang, mở đèn, gọi thang máy cho bà, mở cửa thang máy cho bà, giữ cánh cửa thang máy và nói với bà đã đứng bên trong ‘Bà ấy là người tốt, lúc tôi lao phổi nhờ bà ấy săn sóc nếu không tôi đã chết,’ rồi đóng cửa thang máy nên không kịp nghe tiếng người Mẹ: ‘Thế ông thấy tôi có nên cám ơn bà ấy không?’”

Trong mười ngày còn lại trước khi rời Paris về Hà Nội, người mẹ đi thăm viếng chào hỏi từ giã nhiều người và tỉ mỉ thiết lập lại tuần tự theo thời gian quãng đời của hai bố con trong ba mươi mốt năm nơi xứ lạ quê người. Rồi mỗi tối về nhà, người mẹ lại tâm sự với bà chị họ tốt bụng và bao giờ cũng chặc lưỡi hối tiếc: “Biết thế tôi chả cho hai Bố Con đi. Thằng bé nhà tôi nên người nhưng tôi thấy nó thế nào ấy. Còn Bố nó thì chỉ lo trả cho xong cái nợ săn sóc lúc ốm đau đủ mất mẹ cả một đời người, còn mong gì trông với nhờ.”

Câu chuyện chỉ có thế. Đọc đi đọc lại nhiều lần, cũng chẳng tìm thấy điều gì cao siêu, sâu xa; cũng chẳng tìm thấy tiếng khóc, nụ cười hay vẻ đăm chiêu, sự xúc động hay nỗi tiếc nuối của bất cứ nhân vật nào. Tác giả chỉ có mỗi một việc: diễn tả con người và sự việc y như chúng đã diễn ra, không mất công thêm thắt, pha chế, cũng chẳng cần biện giải hay suy đoán điều gì. Nhưng đọc xong, tôi cảm thấy bồi hồi, rất bồi hồi, tìm thấy tấm lòng vừa bao la, rộng lượng lại vừa sâu sắc của một người mẹ Việt Nam phải sống và chịu đựng một hoàn cảnh khá éo le, hậu quả của một giai đoạn lịch sử vô cùng bi thương của dân tộc.

Cuối cùng, người mẹ/người vợ trở về lại quê nhà, một mình, chẳng mang được gì, ngoài một số ý nghĩ “vớ vẩn” của người phụ nữ rất Việt Nam đó trong đoạn cuối của truyện, sau một chuyến viếng thăm lặng lẽ và buồn bã:

“Giá cứ mỗi khi sắp đánh nhau thì cứ phải hội các bà mẹ tất cả phe xem ý kiến các bà như thế nào, nhỉ! Mà cũng lạ thật, thường đánh nhau vì…, vì cái gì nhỉ, à… à… vì danh dự, chết vì danh dự. Đấy là tôi chuyện chung chung, không phải chuyện xứ mình, các ông ạ. Đàn bà chả thấy ai chết vì danh dự, các ông thì khối, vợ con có phải chết theo cũng được… thế đàn bà không có danh dự à. Có chứ nhưng nó chả được chiếu cố ưu tiên thế thôi. Có những thứ ưu tiên hơn, hơn… cái danh dự. Nói thật bụng thì các ông mắng cho chứ phải bán trôn nuôi con tôi cũng bán đấy.”

Thật đáng suy gẫm!

Trần Doãn Nho


Bún chả

Ninh Kiều

Người Mẹ chuẩn bị sẵn món bún chả từ mấy ngày nay, chỉ chờ dịp là đem đến cho Con ăn, vì không thể biết trước lúc nào thì gặp được nó.

Đã có lần gọi điện thoại gặp được thì nghe nó thúc: "Nếu mẹ muốn, mẹ đến ngay đi, con bận lắm". Người Mẹ vội vã xuống lầu, đi bộ một quãng, lên xe buýt, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo bốn tầng lầu, đến nơi vừa thở vừa đọc mảnh giấy dán trên cửa: "Con không thể đợi mẹ được. Xin lỗi".

Sáng nay nghe tin Con đi công việc sở ở tỉnh mới về, người Mẹ xách cái giỏ bún chả vội vã xuống lầu, đi bộ một quãng, lên xe buýt, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo bốn tầng lầu, đến nơi thì nghe Con nói: "Sao Mẹ không gọi điện báo cho con biết trước".

Người Mẹ nghe có tiếng động trong phòng ngủ của Con nhưng giả điếc.

"Mẹ hãy hiểu cho con, con có cuộc sống của con".

Người Mẹ lặng lẽ bày món bún chả lên một góc bàn.

"Con ăn đi".

Con tiễn Mẹ ra cửa: "Mẹ đến thăm con lúc nào cũng được nhưng phải báo trước".

Người Mẹ vin tay vịn xuống lầu: "Đến thăm con mà gặp lúc không tiện cho con thì mẹ về, không sao cả".

"Hôm khác, mẹ nhé" và cửa đóng lại.

Đi xuống đến nửa tầng lầu một thì đèn cầu thang tắt, người Mẹ nghĩ thầm: "Chẳng ngờ đi bộ mãi đâm khoẻ người, hôm nay đi xuống gần đến đất đèn mới tắt, chẳng bù với lúc trước", rồi vin vào tay vịn tiếp tục đi xuống chầm chậm trong bóng tối, từng nấc thang một cho đến khi đang bước dò dẫm bậc thang cuối cùng thì đèn bật sáng. Vừa định nói lời cám ơn với người mở đèn thì chỉ còn nghe tiếng bước chân mạnh mẽ nhỏ dần bay tít trên cao. Sao ai nấy cũng vội vã thế nhỉ?

Người Mẹ lại đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, lên xe buýt, đi bộ một quãng, rồi leo lên tầng ba thì về đến nhà, mất một giờ ba mươi phút.

Vài hôm sau, Người Mẹ lại xách cái giỏ bún chả đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, vào thang máy lên tầng tám, bấm chuông. Ông Bố mở cửa bảo: "Sao bà đến mà không báo trước". Người Mẹ lách mình qua cánh cửa mở hé vào nhà: "Gọi ông lúc nào bà ấy cũng bảo ông không khoẻ không tiếp, tôi làm thế nào!" và lẳng lặng vào bếp bày bún chả lên một góc chiếc bàn tròn.

"Sao bà bướng thế nhỉ, có phải ai cũng chịu được mùi bún chả của bà đâu".

May quá hôm nay ông Bố ở nhà một mình. Người Mẹ cảm thấy dễ chịu, thoải mái: "Thế ông ăn đi". Ông Bố gắt: "Đã biết người ta không ăn mặn được mà cứ nài ép, rõ khổ". Tuy giọng ông Bố không vui nhưng người Mẹ cảm thấy vui vì hôm nay là lần đầu tiên, từ hôm từ Hà Nội qua Paris đến giờ, hai vợ chồng mới ngồi riêng được với nhau, không có người thứ ba, không phải nghe tiếng Pháp.

Khoé mắt của người Mẹ bỗng ươn ướt. Ngày xưa sao khóc khoẻ thế nhỉ? Mà nhịn khóc cũng khoẻ nữa! Bây giờ thì mắt cứ hay lèm nhèm, khóc không ra khóc. Người Mẹ vừa lấy khăn chặm mắt vừa tự trách thầm.

Lúc đưa hai Bố Con xuống tàu từ bến cảng nhà Rồng ở Sài gòn sang Marseille năm 1949, người Mẹ vẫn nhớ mãi cảm giác vừa phải cắn răng để không khóc lại vừa muốn nói với Con một lời để rồi chỉ ôm siết nó vào lòng chặt đến nỗi thằng bé dẫy nẩy vùng ra chạy theo Bố. Nhưng liền khi buông Con ra, không biết nước ở đâu mà cứ trong hai lỗ mắt của người Mẹ chảy ra, xoá mờ cả đôi chân nhỏ của Con quấn theo chân của Bố, xoá mờ cả bàn tay nhỏ vẫy trên boong tàu, xoá mờ cả con tàu to xù xù rồi xoá mờ cả bến cảng nhà Rồng. Sau đó, người Mẹ lên tàu hoả trở về Hà Nội để trông cửa hàng, nuôi ba đứa còn ở lại, nuôi cả Con lẫn Bố bên Tây một lúc, trong khi chờ ngày hoà bình để hai Bố Con kéo nhau trở về như đã hứa hẹn với nhau.

Đánh nhau rồi chắc cũng có lúc phải thôi đánh nhau, chẳng nhẽ mười năm nữa vẫn còn đánh? Người Mẹ cứ tự mình lý sự như thế. Thằng lớn đã thoát chiến tranh, còn thằng thứ nhì mới lên bẩy, mười năm nữa nó mười bẩy, chẳng nhẽ vẫn còn bắt lính? Chịu khó đợi vài năm rồi cũng sẽ hoà bình. Người Mẹ vẫn thường động viên mình như thế.

Hoà bình trở về thật năm 1954, tuy mong manh nhưng vẫn là hoà bình song Bố Con lại không thể trở về vì nhiều lý do. Riêng đối người Mẹ, Hà Nội còn rét lắm, rét buốt thấu trong xương tuỷ. Rét ẩm rét ướt, phơi quần áo mấy ngày không khô, làm sao về? Ngày xưa còn ủ được hai bàn chân bé xíu trong lòng bàn tay cho ấm dần lên chứ bây giờ to… đùng, vả lại củi lửa nào chịu cho thấu.

Rồi hoà bình năm 1975 cũng không thấy về, về thăm thôi. Thế là người Mẹ khăn gói bay sang thăm hai Bố Con, đúng ba mươi mốt năm sau ngày hai Bố Con rời bến cảng nhà Rồng ở Sài gòn.

Bố cũng như Con không ai thu xếp được thời giờ để đi đón người Mẹ ở sân bay, chỉ có người chị bà con tiếp rước về nhà.

Đến mấy hôm sau mới gặp được, gặp Bố riêng, gặp Con riêng. Sao khó thế nhỉ, gặp nhau sao khó thế nhỉ, sao người ta bận bịu với cuộc sống đến thế nhỉ! Người Mẹ thắc mắc mãi với bà chị họ tốt bụng.

Hôm nay người Mẹ ngồi cạnh ông Bố, có thể vói nắm được bàn tay. Vợ chồng xa cách lâu ngày, nắm tay nhau, có làm sao đâu nhỉ! Già rồi, còn ham muốn gì nữa nhưng người Mẹ vẫn để yên hai bàn tay trên đầu gối mình. Những lần viếng thăm trước thì người Mẹ cứ ngồi yên như thế cho đến lúc ra về nhưng lần nầy thì mạnh dạn đứng lên cởi chiếc áo khoác, mán gập đôi trên lưng ghế rồi ngồi xuống. "Bà ấy sắp về rồi đấy", ông Bố nhắc nhở.

Người Mẹ nhẫn nhịn "Tôi biết, song cũng phải nói vài lời với nhau trước khi tôi về Hà Nội chứ, ông nhỉ".

Người Mẹ ngừng nói, đưa mắt nhìn bao quát phòng khách và nhận thấy đúng là người ta ăn ở đâu vào đấy thật, ngăn nắp, sạch sẽ. Mỗi hiện vật dường như có chỗ đứng và mang nhiệm vụ nhất định của nó, không có gì dư thừa. Và dường như không có một người thứ ba nào trong không gian nầy. Dường như chỉ có mỗi hai người. Dường như họ chỉ chăm sóc cho nhau, hiểu mọi tính ý của nhau, chìu chuộng nhau. Dường như họ tránh làm phật ý nhau. Và dường như, dường như một lúc thì dường như có cục gì đè nặng ngực khó thở, khiến người Mẹ phải nhắm mắt tịnh tâm.

Những lần thăm viếng trước, lúc nào cũng có mặt bà ấy và không thấy ai mời người Mẹ cởi áo khoác, cứ mặc áo khoác ngồi đúng cái ghế đặt xây lưng ra cửa. Chỉ cần đứng lên, chào một tiếng, bước vài bước là ra khỏi nhà, thò tay bấm đèn, quẹo tay phải, gọi thang máy và nhớ đừng hoảng sợ khi thang máy chưa lên tới mà đèn đã tắt.

Nói cho đúng ra trong buổi viếng thăm đầu tiên, người Mẹ cũng được mời nước một cách lịch sự song những lần sau đó thì người Mẹ nhất định từ chối khéo vì thấy phiền hà chủ nhà quá. Nào ông chủ nhà phải đứng lên, kéo mặt kính tủ gỗ chưng các thứ bát đĩa, ly tách sắp xếp thứ tự đẹp mắt, để tìm cho ra bộ tách theo sự hướng dẫn của bà chủ nhà. Bà ấy quay lưng lại cái tủ gỗ mà vẫn hướng dẫn ông ấy rành mạch như chính mắt mình đang nhìn thấy. Khi ông chủ nhà lấy đúng cái bộ tách dành riêng cho khách, lấy đúng cái muỗng phù hợp với bộ tách nầy thì nghe tiếng bà chủ: "Bây giờ ông chỉ còn mỗi một việc là đun nước và đem nước ra cho tôi, sau đó thì mọi thứ tôi sẽ lo vì ông biết rõ là ông không thể nào trả lại đúng chỗ của nó, bộ tách nầy". Ông chủ nhà vào bếp nấu nước rồi mang cái phích nước nóng ra để trên bàn trước mặt bà ấy để bà ấy làm nốt công việc còn lại, trong yên lặng.

Lần nầy chỉ có mỗi hai người, tự nhiên người Mẹ bạo dạn đứng lên đến xem từng tấm ảnh đóng khung treo trên tường.

"Thế bao nhiêu ảnh tôi gửi sang cho hai Bố Con đâu rồi nhỉ? ".

"Đây nầy, cất giữ đầy đủ cả".

Người Mẹ quay lại và nhận ra ngay vật kỹ niệm trong tay ông Bố, đó là cuốn anbom đã theo hai Bố Con qua Tây. "Thế ông giữ anbom ở đây thì con nó có gì để xem". Ông Bố gắt "Thế bà muốn tôi trao cho nó để mất hết cả à".

Thế rồi quá khứ kéo họ xích lại gần nhau, không ai mời ai, họ cùng ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài để ôn lại khá khứ và ngắm đàn cháu của tương lai. Có đứa giống ông đến kinh ngạc khiến ông đưa tay sờ mãi tấm ảnh. Nhưng rồi ông như người ngủ quên chợt giật mình thức giấc, hốt hoảng đứng lên: "Ấy chết, bà ấy sắp về rồi". Người Mẹ cũng đứng lên, đến ghế lấy áo khoác mặc vào, xách cái giỏ không đi ra cửa. Lần nầy ông bước hẳn ra ngoài hành lang, mở đèn, gọi thang máy cho bà, mở cửa thang máy cho bà, giữ cánh cửa thang máy và nói với bà đã đứng bên trong "Bà ấy là người tốt, lúc tôi lao phổi nhờ bà ấy săn sóc nếu không tôi đã chết", rồi đóng cửa thang máy nên không kịp nghe tiếng người Mẹ: "Thế ông thấy tôi có nên cám ơn bà ấy không?".

Người Mẹ lại đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo lên tầng ba thì về đến nhà, mất một giờ đồng hồ.

Trong mười ngày còn lại trước khi rời Paris về Hà Nội, người Mẹ đi thăm viếng chào hỏi từ giả nhiều người và tỉ mỉ thiết lập lại tuần tự theo thời gian quãng đời của hai Bố Con trong ba mươi mốt năm nơi xứ lạ quê người.

Rồi mỗi tối về nhà, người Mẹ lại tâm sự với bà chị họ tốt bụng và bao giờ cũng chặc lưỡi hối tiếc: "Biết thế tôi chả cho hai Bố Con đi. Thằng bé nhà tôi nên người nhưng tôi thấy nó thế nào ấy. Còn Bố nó thì chỉ lo trả cho xong cái nợ săn sóc lúc ốm đau đủ mất mẹ cả một đời người, còn mong gì trông với nhờ".

Sau đó, trong khi bà chị họ tốt bụng nằm thở đều đều bên cạnh, người Mẹ nhắm mắt thấy cái nhà ngủ nội trú dài thăm thẳm với hai dãy giường trắng, mà trong một chiếc giường có thằng bé thiếu Mẹ, thiếu nắm bàn tay của Mẹ trước khi ngủ. Nghĩ lại thấy cái nết thằng bé cũng dữ, thiếp đi vì mệt lả mà vẫn nấc lên từng cơn cho đến khi Mẹ lén vào giường nắm bàn tay thì mới hết nấc. Chẳng nhẽ chỉ thiếu nắm tay Mẹ mà thằng bé, bây giờ đã trên bốn mươi mà vẫn cứ như làm sao ấy, chẳng thấy thiết tha gì chuyện vợ con. Ai cũng bảo đời nầy thanh niên là vậy nhưng người Mẹ vẫn cảm nhận có cái gì khan khác, là lạ nơi đứa con của mình. Có cái gì đó bị huỷ hoại trong con người của nó, không biết chính xác ở ngay chỗ nào. Tim, gan, phèo phổi, lá lách, ruột non ruột già đều chạy tốt, bộ óc chạy tốt, bằng cớ là thằng bé học hành đến nơi đến chốn, thế thì hỏng chỗ nào nhỉ. "Cao lớn, đẹp trai, con gái đeo như đỉa, bà còn muốn gì nữa", mọi người cứ bảo thế.

Gần về sáng, người Mẹ chợp mắt một chút rồi thức dậy, vội vã xuống lầu, đi bộ một quãng, lên xe buýt, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo bốn tầng lầu. Vừa ngồi thở trên bậc thang vừa hí hoáy lấy giấy bút để viết ít chữ cho Con thì nghe cửa mở, rồi tiếng một cô gái đi ngang qua nói "pardon" và tiếng Con ngạc nhiên: "Sao mẹ lại ngồi đây". Lạ thật, rõ ràng thằng bé vẫn còn nói được tiếng Việt mà ai cũng bảo là nó đã thành Tây con rồi, chỉ nói vài câu lơ lớ. Chẳng nhẽ người Mẹ có bộ óc mang khả năng phiên tiếng Tây con qua tiếng Việt giọng bắc, giọng của thằng bé mười tuổi hay gọi "Mẹ ơi, nắm tay tí"?

Vào nhà, người Mẹ bảo với Con: "Ba ngày nữa Mẹ về".

Im lặng kêu vo vo một lúc.

"Thế lúc mới sang, Bố có đọc thư Mẹ viết cho Con nghe không? ".

"Con không nhớ".

Hai Mẹ Con đứng bên nhau, có lẽ người Mẹ trừu tượng trở thành hiện thực làm cho thằng bé lúng túng, nó không biết phải đối xử thế nào với Mẹ. Thiếu ăn, thiếu mặc còn có thể thấy biểu hiện trên thân thể chứ thiếu "nắm tay tí" thì bên ngoài lành lặn mà bên trong chắc chắn có nhiều vùng chết. Nhưng vẫn còn có vùng sống vì người Mẹ trông thấy có mấy giọt nước rơi thẳng xuống giữa hai bàn tay buông thõng, của Con, rõ mồn một đến mắt già cũng trông thấy. Rồi dường như cảm nhận là chỉ một sự xích gần nho nhỏ đủ biến cả hai tan thành nước nên cả hai cùng lên tiếng và cùng cười vì sự trùng hợp ngộ nghĩnh nầy.

"Ngày mai con lại phải đi tỉnh à. Vất vả nhỉ. Có Cô đưa mẹ ra sân bay. Bố không được khoẻ, mẹ đã từ giã rồi".

Lần nầy đi xuống đến đất thì đèn cầu thang mới tắt vì người Mẹ cố xuống nhanh để không thể quay trở lại nắm níu cái đã qua.

Người Mẹ lại đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, lên xe buýt, đi bộ một quãng, rồi leo lên tầng ba thì về đến nhà, mất một giờ hai mươi phút.

Đêm hôm ấy cho đến đêm cuối cùng trước khi lên máy bay, người Mẹ tâm sự suốt với bà chị họ tốt bụng. Nói tâm sự thì hơi quá đáng vì người Mẹ thường nói với chính mình mà chẳng đợi ý kiến người đang nằm ngủ khò bên cạnh. Những ý nghĩ rất vớ vẫn không đâu vào đâu, đại loại như: "...đánh nhau bao giờ cũng có lý do, cũng chính đáng mới khổ cơ chứ. Không cãi vào đâu được. May ra vài thế kỷ sau, có nhà viết sử vớ vẩn nào đó soi rọi vào mới thấy mấy mươi vạn người chết để cắm ngọn cờ trên cái đồi trọc kia là vô nghĩa. Nhưng người chết thì cũng đã chết rồi, mẹ khóc con chết trận thì cũng đã khóc rồi. Có vớt vát lại được đâu. Giá cứ mỗi khi sắp đánh nhau thì cứ phải hội các bà mẹ tất cả phe xem ý kiến các bà như thế nào, nhỉ! Mà cũng lạ thật, thường đánh nhau vì..., vì cái gì nhỉ, à... à... vì danh dự, chết vì danh dự. Đấy là tôi chuyện chung chung, không phải chuyện xứ mình, các ông ạ. Đàn bà chả thấy ai chết vì danh dự, các ông thì khối, vợ con có phải chết theo cũng được... thế đàn bà không có danh dự à. Có chứ nhưng nó chả được chiếu cố ưu tiên thế thôi. Có những thứ ưu tiên hơn, hơn... cái danh dự. Nói thật bụng thì các ông mắng cho chứ phải bán trôn nuôi con tôi cũng bán đấy. Nhờ giời, chưa phải làm thế, như cái mặt phải dầy như cái mo chứ cứ tự với ái, cứ danh với dự thì đói cả lũ. Thôi thì cứ lén lút mà làm, miễn sao được việc nhà. Như Bố cấm mà cứ lén lút đêm khuya vào giường thằng bé nắm tay tí. Thấy thằng bé rơi mấy giọt nước mắt mà tức chết đi được, nó là thằng có tình, thế mà...".

Nghĩ vơ vẩn đến mệt mỏi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, người Mẹ mơ về đến Nội Bài, nhìn thấy đám con cháu đủ mặt không thiếu đứa nào, từ đứa còn ẵm ngửa trên tay cho đến đứa già đầu có chức vị cơ quan, đều viện đủ lý do để có mặt tại sân bay. Và có cả quà Paris, không quên một ai, hàng xóm, bà con xa gần, bạn của con, con của bạn... như muôn vạn niềm vui nhỏ kết lại, thúc cùi chỏ cho nhau biến thành tia đi nhanh như ánh sáng xuyên thấu, như tình thương...

Paris ngày 15 tháng chín 2008

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/bun-cha