Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Sinh ra từ trứng (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Trước ngày cái Ngọ hay cái Bản Lề của bố nó dậy thì một năm, một tai nạn đã sớm biến nó thành đàn bà trước khi là thiếu nữ. Có một gã đàn ông người Hoa lang thang truy tìm đồ cổ khắp đình chùa miếu mạo làng quê đã nhìn thấy cái Ngọ. Với khả năng thiên phú của kẻ biết đánh giá báu vật, gã nhìn thấy một trầm tích những huyền thoại vô tiền khoáng hậu của cái Bản Lề. Trên cánh đồng ngô đã gần đến mùa thu hoạch, những cây ngô cao ngang đầu người xanh mướt và rậm rạp, cái Ngọ ngồi tránh nắng canh chừng con trâu đang tắm bùn gần đó. Gã lái buôn đồ cổ xin con bé miếng nước. Con bé bảo không có, muốn uống nước thì vào làng. Nhưng gã không vào làng, gã thấy con bé là một giếng ngọt. Những giọt mồ hôi trên trán đứa bé giống như từ suối nguồn cõi tiên. Gã đưa ngón tay chạm vào những giọt mồ hôi, con bé gạt tay gã ra. “Ông làm gì vậy?” Gã đi tìm báu vật lắp bắp, “Nước… nước…”. Rồi gã kéo đầu đứa bé vào lòng mình. Gã vẫn lắp bắp, “Nước… nước…” Cơn khát trong người gã kêu gào từ xa thẳm… âm vang qua bao thế hệ từ Tần Thủy Hoàng đến Mao Trạch Đông… Lúc vua Thần Nông gieo những hạt thóc đầu tiên trên mặt đất cũng là lúc hắn gieo những hạt giống của mình vào lòng con bé gọi là Ngọ hay Bản Lề khi nó chưa kịp có kinh lần đầu. Hậu quả của sự hung bạo này khiến âm hộ của con bé bị rách. Vết thương không bao giờ lành và chảy máu suốt bốn ngàn năm. Tuy không thể thụ thai, nhưng tinh trùng của cái giống phương Bắc vẫn nằm ẩn trong tử cung cái Ngọ suốt cuộc đời của nó. Năm ấy, cái Ngọ mười một tuổi.

Ông bố xót con nhưng không biết phải làm gì. Buồn bực, ông lấy đục đánh dấu con số 1941 tai ương trên cây cột cái giữa nhà. Sau này, mỗi khi say rượu ông đều khóc và chửi: “Địt mẹ năm 1941".

Điều tôi không ngờ là năm 1941 cũng như tất cả các năm có biến cố khác đối với gia đình tôi cũng ít nhiều tương đồng với các sự kiện của đất nước. Cho dù tôi không cho rằng cái này là nguyên nhân của cái kia, nhưng liên tưởng đó đôi khi làm tôi lo sợ, bởi vì tôi có thể bị bắt vì tội vu khống người khác hoặc các tổ chức liên quan. Vì thế, những liên tưởng này tôi sẽ không nói ra, nó sẽ mãi mãi là những bí ẩn như lời nguyền rủa của cuộc sống.

Trong lúc chờ ngày Chúa lại đến

Cô tìm cách đi học lại và cô chọn ngành luật. Cô muốn góp sức mình cho những kẻ bị áp bức được đối xử công bằng trước pháp luật. Cô muốn luật pháp phải bảo vệ được công dân lương thiện. Mặc dù nhiều người chế diễu cô, họ nói, luật pháp gì ở cái đất nước này, chuyện thua thắng ở tòa án chỉ ăn nhau chỗ chạy cò. Nhưng cô vẫn tin vào sức mạnh của lẽ phải và sự thật, nói thay cho những người không thể cất tiếng nói.

Cô đến trường buổi tối và lặng lẽ học tập như một con kiến nhỏ. Cô cũng dành thì giờ  để đọc thêm sách về lịch sử và chính trị. Một ông thày nói với cô: “Nếu kết quả học tập tốt, tôi có thể giúp em cơ hội học tiếp ở nước ngoài".

Một số người bạn khác tìm đến cô, họ muốn cô tiếp tục hoạt động. Cô cảm thấy khó. Ở đất nước này làm sao có thể vừa hoạt động chính trị vừa được chấp nhận học tập trong nhà trường. Cô chọn con đường dài, chậm và chắc của một con kiến. Vì thế cô quyết định chỉ nhắm mắt học và kiếm tiền học.

Nhưng một hôm cô được gọi lên phòng quản lý sinh viên. Cán bộ trường nói thẳng với cô, cơ quan an ninh quan tâm đến trường hợp của cô. Và họ muốn cô làm một bản cam kết sẽ không tham gia bất cứ hoạt động nào có tính chất chính trị hay xã hội ngoài các hoạt động do trường tổ chức. Cô nói cô không thể cam kết bất cứ điều gì vì cô không có bổn phận phải làm cam kết với ai. Cán bộ trường khuyên cô nên là một sinh viên ngoan ngoãn. Cô nói cô luôn là một sinh viên ngoan ngoãn nhưng không có nghĩa là cô phải vâng lời không được làm những điều cô cho rằng có ý nghĩa và hoàn toàn hợp pháp, mặc dù hiện nay cô không có ý định làm gì. Cán bộ hỏi lại, không làm gì thì tại sao không làm cam kết? Cô cũng nhắc lại, cô không có bổn phận phải làm cam kết với ai, đặc biệt lại là với bên an ninh. Cán bộ trường bảo cô ngoan cố, bất phục tùng. Cô nói cô đang học luật và tuân thủ mọi nội qui của trường cũng như pháp luật của nhà nước.

Cô được cho về và chờ đợi ngày bị đuổi học.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Cái Ngọ lấy chồng khi vừa mười bốn tuổi. Chồng cái Ngọ là một thằng bé cũng chăn trâu như nó, điều này chẳng có vấn đề gì, ngoài việc chồng nó là một đứa khù khờ. Cái Ngọ nhắm mắt đưa chân vì vâng lời cha mẹ và hy vọng rằng, như thế cho lành.

Có một bí mật chỉ một mình cái Ngọ biết và nó giữ kín trong lòng như thể nó gìn giữ linh hồn mình cho sự trong sạch của riêng nó. Nhưng tôi là người đã đi qua cái cửa bí mật ấy và tôi biết nó là gì.

Vào trước ngày lấy chồng một tuần, cái Ngọ vẫn đi chăn trâu trên cánh đồng ngô khi mùa mưa vừa mới bắt đầu. Và cơn mưa đã làm ướt quần áo của nó. Lúc ấy, chẳng biết sự tình cờ hay bởi một duyên cớ của định mệnh khác thường nào đã trùng hợp với thời gian ông họa sĩ phải đi lao động sản xuất và hốt phân trâu bò theo chủ trương của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại. Và họ đã gặp nhau giữa cánh đồng ngô. Ông họa sĩ với khả năng bẩm sinh đã nhìn thấy cái đẹp choáng ngợp nhưng thô sơ của cô bé chăn trâu. Bộ quần áo ướt đẫm đã bộc lộ tất cả sự giản dị và phi thường của một thân thể mới lớn. Ông xúc động sâu xa và không thể rời mắt khỏi cô bé. Cô bé cũng nhìn ông như thể nó nhận ra ông là người đàn ông đích thực của nó. Ông hỏi nó: “Em có lạnh không?” Cô bé lắc đầu. Nhưng ông không thể nào từ khước ham muốn được ôm nó vào lòng, sưởi ấm một linh hồn mong manh. Và ông đã làm như thế. Cô bé yên lặng không nói năng. Nhưng giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé.

Đó là năm 1944. Như tôi đã nói, đây cũng là năm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại, nhưng quả thực tôi không dám liên tưởng và nói ra sự phát hiện này. Bởi vì tôi sợ bị bắt vì tội xuyên tạc lịch sử. Trên thế giới, năm 1944 hay các năm 1941 hoặc 1930 tất nhiên cũng có những sự kiện đáng nhớ, nhưng tôi cho rằng nó chẳng ăn nhập gì đến số phận gia đình tôi, dù trên đại cục nó ít nhiều ảnh hưởng đến những bước đi lịch sử của đất nước này.

Cô gái ngồi quán

Cô ngồi một mình với chai bia. Tóc cô hất ngược ra sau bằng một cái kẹp tóc có đính những viên ngọc trai, dù vậy, tóc cô vẫn bồng lên như bờm sư tử. Cô đẹp ngược ngạo nhưng sang trọng như một công chúa. Vừa hiện đại vừa cổ điển. Vì thế, tôi vẫn gọi cô là công chúa. Và cô chấp nhận cách xưng hô ấy như thể cô vốn dĩ là thế.

Lần nào tới quán tôi cũng chỉ thấy cô ngồi một mình. Đôi khi cô mở laptop. Một người lao động tự do, tôi đoán. Cô không bận tâm đến sự chú ý của tôi đối với cô. Tôi thực sự thích cô vì dáng vẻ quí phái lạ thường ít khi còn được nhìn thấy. Tôi không muốn đường đột làm quen với cô. Nhưng thật tình cờ, tôi bắt gặp cô trên facebook và tôi add friend với cô cùng với lời nhắn: “Hãy nhìn tôi, tôi đang ngồi cách cô một bàn".

Cô trả lời: “Tôi thấy anh rồi. Anh hơi bị rảnh nhỉ".

Tôi viết: “Vâng, tôi rảnh để nhìn ngắm cô mỗi khi có thể".

Cô hỏi: “Tại sao anh lại thích nhìn ngắm tôi?”

Tôi đáp: “Vì cô đẹp như một công chúa".

Tôi viết tiếp: “Tôi không thể không nhìn ngắm cô. Tôi xin lỗi nếu điều ấy làm cô phiền lòng".

Cô trả lời: “Không có gì. Tôi thích".

Tôi viết: “Tôi mời cô thêm một chai nhé".

Cô đáp: “Cám ơn, anh cũng đâu có uống bia. Cho tôi xin một ly cam vắt".

Tôi viết: “OK".

Khi người phục vụ mang ly nước cho cô, tôi nhìn sang cô và cúi đầu mời.

Tôi viết: “Chúc cô vui. Thưa, công chúa".

Cô hỏi: “Anh làm gì?”

Tôi đáp: “Tôi hết hạn sử dụng rồi".

Cô viết: “Không phải là toàn bộ chứ? Tôi hy vọng là còn một thứ gì dùng được".

Tôi viết: “Vâng, chưa nhũn não và biết thưởng thức cái đẹp".

Cô viết: “Tôi thích sự lịch lãm".

Tôi đáp: “Cô quá khen, tôi chỉ làm những gì tôi cảm thấy đó là đúng thôi".

Cô viết: “Thật may, có rất nhiều người không nhận biết được điều ấy".

Tôi viết: “Cô có vẻ quan tâm đến những việc xã hội?”

Cô đáp: “Thật ra, tôi chỉ cảm thấy hình như người ta không phân biệt được đúng sai".

Tôi nhại những nghị quyết của các bác cách mạng: “Xã hội không phân biệt được đúng sai và hành động của chúng ta".

Cô viết: “Hihi… Anh là lão thành cách mạng à?”

Tôi chép một biểu tượng với khuôn mặt cười lè lưỡi: “Ha ha… Tôi là phản động, thế lực thù địch".

Cô viết: “Ờ… cũng lạ, tôi luôn luôn cảm thấy mình là thù địch mặc dù không phản động".

Tôi viết: “Tôi hiểu. Cô có thể thù  địch với cả thế giới, nhưng chừa tôi ra chứ?”

Cô viết: “Cũng không chắc. Còn tùy thuộc anh thế nào?”

Tôi viết: “Tôi sống bên ngoài thế giới".

Cô viết: “Tôi ở bên trong thế giới, vì thế tôi thù địch với nó. Đừng nói với tôi về lòng yêu nước hay nhân bản, nhân văn gì đó nhé".

Tôi viết: “Ok. Tôi ỉa vào cái gọi là lý tưởng".

Cô viết: “Tôi thích kiểu lỗ mãng của anh".

Tôi viết: “Trong tất cả mọi cuộc đấu tranh, lý tưởng luôn bị lạm dụng như một phương tiện, thay vì nó là cứu cánh".

Cô viết: “Tôi không tranh đấu với ai hay cái gì. Mọi thứ đều là rác rưởi".

Tôi viết: “Tôi cũng tin như thế, ngoại trừ cô".

Tôi viết tiếp: “Nhưng không phải vì thế mà không tranh đấu. Tôi đang chiến đấu với những bóng ma. Cô tin không?”

Cô viết: “Tôi tin anh".

Tôi viết: "Tôi sợ rằng đến một lúc nào đó, cô cũng sẽ trở thành một bóng ma của tôi".

Tôi viết: “Tôi được phép gần cô không?”

Cô viết: “Không. Anh nên là một bóng ma thì hơn".

Cánh cửa tự do

Khi kẻ thống trị, chế độ, đất nước và dân tộc bị nhào trộn thành một thực thể duy nhất thì tự do của công dân chỉ là một khẩu hiệu lừa đảo. Ông họa sĩ nói thế, nhưng ông không thể không ca tụng cái tự do của cây trái, bông hoa, miếu mạo đình chùa, cổng làng, phố xá… và những cái lu đất. Ông cho mình cái quyền tự do của người không phát biểu chính kiến và từ chối mọi trách nhiệm liên quan. Nhưng cô gái vẫn ám ảnh ông.

Trong lúc chính quyền tuyên bố không cho phép bất cứ một tổ chức xã hội nào khác ngoài khuôn khổ nhà nước được nhen nhóm thành hình, thì các tổ chức xã hội dân sự phi chính phủ vẫn cứ hiên ngang lần lượt ra đời. Nhưng ông cũng lờ mờ nhận ra, hình như đấy cũng chỉ là một kịch bản của chính những người cấm đoán nó.

Ông thấy cô thấp thoáng trong dòng người đi về phía trước. Ông muốn níu cô lại. Ông sợ hãi cho nhân vật của ông và cho chính ông. Mọi tổ chức xã hội không do chính quyền kiểm soát đều bị coi là chống phá chính quyền. Ông muốn các nhân vật của ông vô tội vạ để ông được an thân. Nhưng ông biết nếu ông không đi hết con đường khổ nạn của kiếp nhân sinh chó đẻ này thì nghệ thuật của ông cầm bằng vứt đi. Những kẻ rúc đầu xuống cát trốn tránh sự thật vẫn trịch thượng rêu rao về cái nghệ thuật vượt thời gian, vượt không gian. Ông biết điều ấy là gian lận, ngụy tín và ông chấp nhận sự gian lận, ngụy tín ấy như một điều bất khả kháng.

Hoa sen và hoa huệ, sự khuê các hay dân dã vẫn đầm đìa cải lương chi bảo và cô gái của ông đã biến thái theo những thỏa hiệp của ông với cuộc sống mà ông biết nó kinh tởm.

Ông nhìn nhận tự do sáng tạo giống như cánh cửa mở được cả về hai phía trong, ngoài. Phía nào cũng có thể là tự do, phía nào cũng có thể là ngục tù. Và ông mắc kẹt ở ngưỡng.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Năm 1945 cái Ngọ sinh con đầu lòng. Đó là một bé gái gầy ốm, càng lớn nó càng giống con trai, nhưng đấy là chuyện về sau. Năm Ất Dậu ấy, cả miền Bắc lả đi trong nạn đói, người chết chôn không kịp. Chị Cả cũng không tránh được thiếu sữa, lúc nào cũng xanh rớt. Đó cũng là năm bà Ngọ quyết định đổi đời. Bà đi theo người chị họ xuống Hà Nội mua những thứ linh tinh thiết yếu trong đời sống hàng ngày như đường sữa, thực phẩm khô, bánh kẹo… và đặc biệt là dầu hỏa, về mở cửa hàng tạp hóa tại nhà. Khi đã quen các mối bán sỉ, thỉnh thoảng bà cũng giao việc lấy hàng cho ông chồng và mấy người làm thuê qua một bản liệt kê bà ghi trên giấy. Thường thì họ gánh hàng về bằng những cái bồ đan bằng mây. Vất vả và nguy hiểm. Có thể bị cướp bất cứ lúc nào bởi bọn vô lại cũng như đám quan quân. Bọn lính Tây lại là một mối nguy hiểm khác mà sau này, chính bà là nạn nhân.

Nhờ việc buôn bán, nhà bà Ngọ khá dần lên, chỉ năm năm sau bà xây được căn nhà ngói. Chị Cả cũng nhờ thế có cái ăn, lớn nhanh và khỏe mạnh. Người chị ngày càng thô ra. Chị thích những trò chơi của con trai và leo trèo suốt ngày trên cây sung ngả bóng xuống cái ao sau nhà.

Ông bố vốn là một anh chăn trâu, nhưng lại hoàn toàn không hài lòng với cái vạm vỡ và nghịch ngợm của con gái. Ông cảm thấy có điều gì đó tréo ngoe, nó không thuộc về ông và những mơ ước của ông. Càng lớn nó càng khác ông. Ngay cả việc nó đòi đi học, ông cũng cảm thấy đó không phải là con gái mình. Đối với bà mẹ, thật sự bà cũng không biết nó có phải là con gái ông không. Bà chỉ chắc chắn mỗi một điều, là bà sinh nó ra theo cách thức bình thường của con người. Và bà cũng chẳng tìm thấy chút liên quan nào giữa con gái bà với ông họa sĩ. Nó không thơ mộng hay lãng mạn như tình yêu của bà. Nhưng bà ý thức được rằng nó là cuộc sống, vì thế bà vẫn yêu thương nó cho dù nó không có cái đáng yêu của một đứa con gái hiền dịu như bà mong đợi.

Chúng tôi muốn sống

Cô khoác lên người chiếc áo của người dân oan với những dòng chữ: “Công lý ở đâu?”, “Trả lại ruộng đất cho dân”… và cùng họ biểu tình trên đường phố.

Một gã côn đồ lành lặn đẹp trai lì lợm đi sát bên cô, hỏi: “Mày ở đâu?”

Cô đáp: “Tôi ở nước Việt Nam".

Hắn tiếp: “Ở nước Việt Nam mà chống phá đất nước Việt Nam à?”

Cô nói: “Tôi chống bọn phá hoại đất nước chứ không chống phá đất nước".

Hắn vung tay đánh thẳng giữa mặt cô. Cô ngã ra phía sau. Hắn đá thốc vào bụng cô. Mọi người lao vào, đẩy gã đàn ông ra và bao quanh bảo vệ cô. Gã vội vàng lẩn trốn. Cô đứng dậy, tiếp tục đi.

Họ ăn bụi nằm bờ mang nỗi oan ức của mình đến các cơ quan trung ương, hy vọng vào sự tử tế của các quan chức cũng như công luận đúng đắn của xã hội. Nhưng quan chức thì đùn đẩy vô trách nhiệm. Còn công luận chỉ thấy mông và vú, cướp - giết - hiếp bên cạnh những hiện tượng khoe giàu hãnh tiến và những giọt nước mắt tủi hờn của lớp người được sản sinh bởi sự vội vã thời đại đối với các loại thần tượng giải trí vớ vẩn… trên các trang thông tin của nền văn minh mới.

Người đương thời

Chưa từng có lúc nào vấn đề “thoát Trung” lại trở nên cấp bách đến thế. Các bài viết, các hội thảo, dư luận vỉa hè… đều cho rằng thoát Trung là cần thiết một cách tiên quyết cho độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước và tự do của công dân. Có những người còn đi xa hơn, họ đặt vấn đề một cách toàn diện và cốt lõi hơn cho sự phát triển dân tộc là “thoát Á”.

Nhưng với cô, chỉ cần làm thế nào để có thể yêu nước mà không phải yêu chủ nghĩa xã hội cũng như làm sao chống Trung Quốc xâm lược mà không bị bắt bỏ tù?

Trong số các khẩu hiệu được tung lên mạng internet về tinh thần này, cô ấn tượng đặc biệt với slogan của một cô gái: “Bán trôn không bán nước”. Nó bày tỏ một thái độ dứt khoát, sòng phẳng và lương thiện. Cô gái ấy chỉ bán cái là sở hữu toàn quyền và riêng biệt của cô.

Cô không buồn phiền vì bị đuổi học. Cô hoàn toàn hiểu rằng, đấy chưa phải là sự trả thù ghê gớm nhất. Cô kiếm tiền bằng việc mua bán trên mạng. Và cô dành thời gian để suy nghĩ về một phong trào hành động trong giới trẻ hướng về quyền con người cũng như độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc. Cô tự thiết kế những biểu tượng khác nhau mô tả cách điệu cảnh làm tình với hàng chữ “Bán trôn không bán nước” bằng tiếng Anh để in lên áo. Cô cho rằng tiếng Anh sẽ ít bị phiền hà hơn tiếng Việt cho những ai mặc nó, đối với an ninh cũng như những kẻ thủ cựu.

Cô biết mọi tổ chức các loại đều cần thiết cho cuộc đấu tranh giành lấy tự do và dân chủ. Nhưng cô tự hỏi, liệu cô có thể tham gia mà không sợ bị lạm dụng cho những mục đích riêng tư của ai đó? Liệu cô có khả năng kiểm soát cái tổ chức mà cô tham gia được điều hành đúng theo một ý nguyện chung? Nếu là một thành viên, cô có thể làm gì để tổ chức của cô đi đúng hướng ngoài sự tín nhiệm? Trong khi tất cả các tổ chức đấu tranh công khai hay bí mật đều là mục tiêu hủy diệt của chính quyền, thì việc nó được điều hành theo một nguyên tắc dân chủ phổ quát nào đó cho mọi thành viên trở nên không tưởng. Cô cảm thấy bất lực trong sự dung hợp giữa ý chí tự chủ cũng như phán quyết của mình với sự tuân phục tập thể hay nhóm lãnh đạo. Đơn giản vì cô không thể đặt cược cuộc đời mình vào niềm tin cho bất cứ một người hay nhóm đại diện nào. Vì thế, cô tiếp tục đi trong bóng tối của thời cuộc và của chính cuộc đời cô.

N.V.