Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Sinh ra từ trứng (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Cô ấy đã trở lại

Tôi nói với cô gái, đấu tranh chính trị phải bắt đầu từ các vấn nạn dân sinh.

Cô nói: “Trong hoàn cảnh của chúng ta, đấu tranh chính trị trước hết là vượt qua sự sợ hãi, khiếp nhược của bản thân". Cô kể: “Tối qua, trên đường về nhà, bọn chúng chặn đường đánh em như một lũ súc vật lên cơn điên, may mà có nhiều người dân đứng lại xem, bọn chúng mới bỏ đi. Em không hiểu được tại sao lại có cách hành xử như thế".

Cô bị gãy mấy cái răng và bầm một bên mắt.

Phải chăng đó là hệ quả của một xã hội đại nhảy vọt, từ phong kiến… đến hậu hiện đại? Một khoảng trống văn hóa và tâm linh?

Tôi nói để anh đưa em đi nha sĩ. Dù thế nào cũng phải đẹp. Dân oan và những người bị chà đạp đang chờ em.

Cô hỏi: “Còn anh, anh tiếp tục chờ  ai?”

Tôi nói: “Anh chờ những người sinh ra từ trứng quay lại".

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Bà hoàn toàn tin chắc về  điều ấy. Trong tận cùng ký ức xa xăm, bà vẫn nhớ quả trứng sinh ra bà được ủ trong ổ rơm dưới căn nhà vách đất vùng trung du Bắc bộ. Bà đã dùng cả hai bàn chân nhỏ bé của mình, duỗi đạp cho đến khi vỏ trứng vỡ ra. Bà bảo đấy thực sự là một vụ nổ big-bang. Khí ém trong quả trứng đã làm cho căn nhà bị tốc mái. Và cả nhà bà gồm ông bà nội, cha mẹ đều tưởng là một cơn lốc xoáy bất chợt và họ đã nằm úp mặt xuống bám chặt lấy đất để tránh bị gió cuốn đi. Cho đến khi nghe thấy tiếng khóc, họ mới biết là có một đứa bé vừa chào đời.

Tuy mới sinh nhưng đứa bé đã đứng được và biết nói tiếng người. Câu đầu tiên nó thốt ra giống y như giọng của bà nội nó: “Giời, nằm co quắp trong quả trứng bốn ngàn năm, giờ mới đứng dậy được. Hú vía".

Ông bà nội, cha mẹ đứa bé còn hú vía hơn. Họ chưa tin đó là con cháu mình, lồm cồm đứng dậy, khi vẫn còn trong tư thế nửa ngồi nửa quì, đứa bé nói tiếp: “Con đây mà. Con là cái Ngọ mà mẹ vẫn nằm mơ thấy đấy".

Đó là thời điểm mà dân tộc sinh ra từ trứng bước vào cuộc chuyển hóa lớn lao nhất của lịch sử từ sự suy tàn của chế độ phong kiến đến các ý hệ tư sản và vô sản bắt đầu bùng phát. Đây là mệnh số của đứa bé: Tuổi Dương nữ, mệnh Lộ bàng thổ, cục Thủy lục cục, năm sinh Canh ngọ 1930.

Và như được thiên khải, con bé tên Ngọ còn được bố nó gọi là cái “Bản Lề”, không chỉ vì bố nó làm nghề thợ mộc, mà còn vì cô bé này giống như cái bản lề của buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới, luôn gợi ra những hoài tưởng u buồn của quá khứ cũng như tạo ra niềm phấn khích cho những ước vọng về tương lai. Trong thực tế, cái Bản Lề lúc nào cũng là hiện tại, dù nó mở ra hay đóng lại cánh cửa của một gia đình mà tất cả oan khiên của lịch sử dân tộc sinh ra từ trứng đã giáng xuống. 

Trong một ngày rất dài, biết bao sự kiện đã xảy ra chỉ để giải thích vì sao cái Ngọ hay Bản Lề đã được sinh ra từ trứng như tổ tiên xưa kia, mà ngày nay huyền thoại đó vẫn còn là niềm tin cho một dân tộc khác thường đã tồn tại bên cạnh một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại là Trung Hoa. Nhưng tôi chỉ có thể viết hay kể về nó trong những chừng mực mà tôi biết được và nhớ lại trong lúc bản thân tôi cũng đã là hơi tàn của cái cơn lốc khi quả trứng vỡ. Một hậu duệ lai Tây.

Và người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ cũng đã đứng dậy

Ông bước ra khỏi bức tranh, cởi bỏ bộ đồ nỉ đỏ quẳng xuống đất. Ông ta nói: “Tôi không thể chờ đợi mãi".

Lần lượt, tất cả đàn ông và  đàn bà đều bước ra khỏi bức tranh của họ. Họ  đồng thanh nói: “Chúng ta phải đi thôi".

Những bức tranh trong căn phòng tầng áp mái đã hoàn toàn trống rỗng. Không một nhân vật nào để lại chiếc bóng của họ. Họ đã đi và mang theo linh hồn của mình.

Tôi không biết họ đi đâu. Chính lúc căn phòng trở nên vắng vẻ và lụi tàn, linh hồn ông họa sĩ trở lại. Ông nằm bên cạnh tôi. Nhưng quả thật, tôi không hề muốn đụng đến ông ta hay làm một điều gì đó tỏ ra thân mật. Có thể tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi của đất trên người ông ta.

Ông họa sĩ nói: “Tôi hối tiếc với những nhân vật của mình. Tôi đã không vẽ họ như chính họ".

Tôi bảo: “Ông vẫn có thể bắt đầu lại".

Ông họa sĩ nói: “Không. Tôi đã chết rồi. Tôi cũng đã giết họ".

Tôi ngồi bật dậy. “Chính ông đã giết họ?” Tôi hỏi.

Ông họa sĩ nói: “Vâng. Chúng ta là những kẻ giết người".

Hồ sơ chuyên án

Vị cán bộ hội mỹ thuật đến gặp ông họa sĩ. Thân tình và không giấu niềm vinh hạnh trong trọng trách của mình, vị cán bộ hội hỏi: “Cấp trên muốn anh lên biên giới công tác một thời gian, anh thấy thế nào?”

Ông họa sĩ cười: “Chẳng thế nào cả. Trên giao thì tôi đi".

Vị cán bộ nói: “Vậy anh chuẩn bị ngay cho. Ngày mốt sẽ có người đến đón anh".

Ông họa sĩ hỏi: “Anh có thể cho biết nội dung công tác không?”

Vị cán bộ đắn đo nói: “Tôi không rõ lắm, nhưng sẽ là một vinh dự cho anh".

Ông họa sĩ được bố trí ở trong một ngôi làng nhỏ, vài chục mái tranh, nhưng tấp nập dân quân. Ông được tự do đi lại và ký họa mọi chân dung hay tình huống sinh hoạt. Đất trời biên giới lúc nào cảnh tượng cũng man mác. Nhưng ông tự nhủ một tâm cảm như thế sẽ không phù hợp và phải được giấu kín. Ông cần tỏ ra bám sát quần chúng và dựng lên thành hình ảnh những con người chăm chỉ, gân guốc và lạc quan cách mạng. Và ông đã làm được như thế. Các chính ủy khen ngợi ông. Những bức tranh mô tả cảnh lao động và học tập mang đậm tính giai cấp và hiện thực được trân trọng như những tuyên ngôn về một thời đại mới. Thời của chủ nghĩa tập thể.

Rồi ông được giới thiệu cho thủ lĩnh.

Hồi ức của ông họa sĩ

Đó là một người đàn ông vào tuổi tri thiên mệnh. Khi tôi đến, ông ta đang ngồi trên một tảng đá, tay cầm ống sáo. Tóc dài búi tó củ hành. Ông cho tôi ấn tượng của một đạo sĩ hơn một con người làm cách mạng. Sau này, khi nhớ lại hình ảnh ban đầu này, tôi vẫn cho rằng cảm nhận của tôi không sai. Một đạo sĩ tuyệt đối và một con người chính trị tuyệt đối đều có những phẩm cách giống nhau. Sự lãng mạn của lý tưởng và sự quả cảm trong hành động. Đôi khi cuồng.

Ông chỉ cho tôi một thân cây đổ và bảo: “Ngồi xuống đi".

Tôi cám ơn rồi ngồi xuống. Ông ta hỏi: “Chú có muốn uống trà không?”

Tôi thưa: “Dạ".

Người giao liên đi vào trong bụi mây rậm rạp và đem ra một bình trà nóng.

Ông lại bảo: “Chú hút thuốc nhé".

Tôi cũng chỉ dạ và bước tới chỗ  ông ngồi. Ông đưa cả bao thuốc cho tôi. Một bao thuốc lá ngoại còn khá đầy. Ông nói: “Chú giữ lấy luôn mà hút".

Tuyệt. Tôi nghĩ thế. Thuốc lá Mỹ là một giấc mơ trên mặt trăng.

Đợi cho tôi đốt xong điếu thuốc và tận hưởng cái hạnh phúc đặc biệt này, ông mới hỏi tôi tên tuổi, quê quán, có người yêu hay gia đình chưa.

Chưa hết ngạc nhiên về sự chiếu cố quá ân huệ này, tôi đã nhìn thấy ông đưa ống sáo trúc lên miệng và thổi, như thể đã quên sự có mặt của tôi.

Một khúc dân ca hoài hương. Tôi lặng người lắng nghe. Tại sao không phải là một khúc quân hành rộn rã như lẽ ra phải thế?

“Chú đã có ý để vẽ tôi chưa?” Ông đột ngột hỏi trong lúc tôi vẫn đang bối rối về sự ủy mị khác thường này.

Sau vài giây để sắp xếp ý tưởng, tôi nói: “Dạ, có rồi ạ".

Ông bảo nói cho ông nghe. Tôi nói: “Thưa cụ, cháu nghĩ cái ấn tượng ban đầu thường ít nhầm lẫn, vì thế, cháu sẽ vẽ cụ theo cách cháu cảm nhận được. Đó là một vị thánh mang nỗi đau nhân thế. Tuy nhiên, cụ cho phép cháu được gặp gỡ thêm và cũng không cần phải sửa soạn gì nhiều. Cụ cứ ngồi thổi sáo. Cháu tin là sẽ bắt được cái thần của nghĩa khí cao cả".

Ông cười, bảo: “Được, chú có một tuần để đến đây nghe nhạc".

Mỗi ngày, giao liên đến đón tôi vào lúc mờ sáng và đưa tôi về vào lúc mờ tối. Tất nhiên không phải lúc nào ông cũng thổi sáo. Tôi sống gần ông, ký họa một số hình ảnh bất chợt nào đó, tôi thích. Một hôm, tôi nhận ra, âm nhạc không phải chỉ thoát ra từ cây sáo, nó tràn ngập không gian. Một thứ âm nhạc có màu sắc nhưng không có đường nét. Tôi đã bị kích động và tôi vẽ một bức chân dung phóng tưởng ngoài chủ ý, cũng ngoài sở trường và quan điểm nghệ thuật của tôi.

Một tuần sau, tôi trình ông bức chân dung ông ngồi trên tảng đá, mạnh mẽ niềm tin và thanh thoát đức hạnh, cây sáo trúc đã thành củi mục. Ông nhìn tranh, rồi nhìn tôi. Ông nói: “Cám ơn chú".

Tôi không đoán được mức độ ông hài lòng đến đâu. Nhưng tôi dự cảm được trong khoảnh khắc về một con người thực. Vì thế, tôi đưa tiếp cho ông xem bức tranh phóng tưởng như một ơn tri ngộ. Ông nhìn bức tranh cũng không nói gì. Tôi tin là ông hiểu và chia sẻ được với tôi cái xuất thần nghệ thuật phi chính trị. Nhưng ông đã cầm bức tranh phóng tưởng đầy hoan lạc ấy quăng vào đống lửa mùa đông biên giới.

Ông bảo tôi về. Tôi không bao giờ gặp lại ông và cũng không bao giờ hiểu được con người và ý nghĩ thật của ông.

Đêm ấy, tôi cũng đã đốt hết mọi ký họa của tôi về ông. Tôi đủ thông minh nhận biết được ông đã cứu tôi vì sự bồng bột của tuổi trẻ.

Tôi được cho đi lao động ở một vùng quê. Hốt phân và chăn trâu hơn một năm. Thấm nhuần hiện thực xã hội và ý nghĩa con người.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Từ ổ rơm bước ra, cô bé sinh ra từ trứng ôm chầm lấy bà mẹ đã cưu mang mình trong bốn ngàn năm. Cô nói: “Con là con gái mẹ chờ đợi".

Bà mẹ tuy ngỡ ngàng nhưng cũng ôm chặt con vào lòng, bà bảo: “Ừ, con yêu của mẹ. Mẹ vẫn tin rằng cuối cùng thì con cũng được sinh ra. Mẹ sung sướng lắm".

Nước mắt của người mẹ lăn xuống trên tóc con. Mái tóc đen nhánh của cô bé trở nên mượt mà, óng ánh. Rồi người mẹ nâng cằm con lên, bà nhìn sâu vào khuôn mặt con. Và bà thấy tất cả quá khứ của bà, một người đàn bà lam lũ, trôi dạt trên các cánh đồng, các dòng sông… cũng có lúc bà nhìn thấy sự cam chịu của mình bên bếp lửa, ngày này qua ngày khác, ngọn lửa nung nấu mọi thứ thành sự sống, nhưng ánh lửa không hắt sáng lên cuộc đời bà. Bà chỉ thấy bóng tối trong đôi mắt long lanh của con.

Bà bồng đứa trẻ lên và trao qua tay người chồng: “Tuy nó không phải là con giai, nhưng nó vẫn là con ông và nó sẽ mang số phận của gia đình ta".

Ông chồng đỡ lấy đứa con và nói: “Tất nhiên nó là con tôi". Và cũng nhìn sâu vào mắt nó, ông thấy ngọn lửa của trái tim ông. Một tình yêu bao la với gia đình nhỏ mọn, vừa ấm áp vừa bất an. Dù thế nào, ông nghĩ, con ông phải được no đủ và hạnh phúc. Nhưng ông cũng biết rằng, cơm ăn áo mặc là nỗi lo nghìn đời ở xứ sở này và thân gái thì trong nhờ đục chịu, ông có thể lo đến đâu? Thêm một miệng ăn, có nghĩa là ông sẽ phải vất vả hơn. Ông có thể làm việc mà không cần nghỉ ngơi, nhưng để có việc làm nuôi sống gia đình không phải lúc nào cũng may mắn. Ông giời có mắt nhưng mắt nhắm mắt mở mưa nắng thất thường. Con người không thể hoàn toàn trông cậy vào sức mình mà còn cần những ơn may của trời đất. Ông ôm con âu yếm mà không thoát được nỗi lo âu về phận đời phía trước của con.

Ông bố không thể tiên đoán được những tai ương của con, nhưng tôi, chút hơi tàn trong câu chuyện, biết rằng một thế kỷ u ám đang chờ đợi cô bé được sinh ra từ trứng ấy.

Đường đi của cô gái

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn cũng như số phận của các cô gái quê. Họ ra khỏi các vụ mùa và hội hè làng quê để dấn bước vào mê lộ của thành thị, họ cũng biến mất khỏi các bức tranh đương đại về hiện thực xã hội. Đấy cũng là lúc các văn nghệ sĩ đắm chìm trong các cuộc nhậu triền miên, tự cho phép mình an nghỉ trên đỉnh phù vân Yên Tử cùng với các bậc giác ngộ Phật pháp.

Cô gái cởi bỏ bộ đồ nỉ đỏ nóng nực, mặc áo hai dây đi thuê phòng trọ. Để đỡ tốn kém, cô ở chung với một số cô gái khác từ ruộng vườn ra. Căn phòng mười lăm thước vuông ấy có một gác xép to bằng cái chiếu lớn, có thể ngủ được năm người. Cũng có thể là một căn phòng quá rộng, khi các cô gái vào nhà máy.

Các cô thường xuyên tăng ca làm việc ngày mười hai tiếng, ngày thứ bảy làm tám tiếng. Cuộc sống như cái cối xay. Đôi khi bị làm nhục. Nợ lương là chuyện bình thường. Và chịu đựng đến khi kiệt sức, không còn gì để ăn, không có tiền trả nhà trọ, họ bỏ cuộc và biến thành những con thiêu thân tìm ánh sáng. Họa hoằn lắm, họ mới dám phản ứng mạnh với giới chủ.

Bản thân cô cũng không tránh khỏi bị bóc lột và đối xử bất công. Những cuộc đình công lần lượt nổ ra rộng khắp ở các công ty, nhà máy. Nhưng môi trường đầu tư cần bình ổn, chẳng có số phận con người nào đáng kể cho sự phát triển quốc gia, hay làm giàu cho các nhóm lợi ích. Họ bị đàn áp.

Một ai đó nói với cô cần phải hành động và tham gia tổ chức này nọ. Một ai đó trao đổi với cô về phương thức tập hợp lực lượng. Nhưng cô không đi xa hơn việc khuyến khích mọi người chung quanh về quyền đòi hỏi những những lợi ích thiết thân của mình một cách hợp pháp như chống trừ lương, cải thiện điều kiện làm việc, đối xử nhân đạo, chăm sóc y tế và một chế độ ăn đủ no và đủ dưỡng chất…

Cô nói: “Nếu chúng ta không đòi thì bọn chủ không bao giờ cho. Nếu chúng ta không tự cứu thì chúng ta sẽ bị làm thịt".

Cô vận động một nhóm đứng ra đại diện cho anh chị em công nhân để sẵn sàng đối thoại với giới chủ. Cô giả định các tình huống có thể xảy ra và đưa ra các lập luận đấu tranh, cùng họ thảo luận phương cách hành động.

Cả nhà máy đình công. Ban giám đốc từ chối đàm phán. Chính quyền vừa thuyết phục vừa trấn áp, giải tán cuộc tụ tập. Một số công nhân bị an ninh bắt điều tra. Một số khác bị đuổi việc.

Cô phải chạy trốn. Và cô nhận ra sự đơn độc của mình. Vấn đề của cô bây giờ không chỉ là ý nghĩa hay phẩm giá cuộc sống mà còn là sự tồn tại. Làm thế nào để không bị bắt và sống được qua ngày? Khi cô hiểu ra sự cần thiết của một tổ chức trong các cuộc đấu tranh thì cô đã đứng trên một cái bẫy sập do chính cô tạo ra.

Trong căn phòng tầng áp mái

Ông họa sĩ bảo cô: “Em cứ ngồi nhìn ra cửa sổ như thể em đã ngồi như thế từ muôn thuở".

Cô hỏi: “Phải chăng chúng ta chỉ có một thế giới?”

Ông họa sĩ nói: “Nếu nhìn từ ngoài, quả thật chúng ta chỉ có một thế giới gồm những người cai trị và người bị trị. Nhưng nếu nhìn từ chính bên trong chúng ta, sẽ có vô số thế giới".

Cô hỏi: “Điều gì đang xảy ra?”

Ông họa sĩ: “Anh đang tìm cách để những thế giới khác nhau đó có thể cùng một lúc được phơi bày".

Cô nói: “Em không sợ phải bị mất đi chính mình nhưng em không chịu đựng nổi sự sỉ nhục phải câm nín bởi nỗi sợ hãi".

Ông họa sĩ bảo: “Thế giới được tạo nên bởi những lớp sơn. Vì thế, thế giới luôn thay đổi".

Tuy nói thế, nhưng ông họa sĩ đã hoàn toàn mất tự chủ. Cô gái đã ngồi cố định, nhưng ông biết là mình sẽ không thể nào nắm bắt được cô. Phản ảnh thực tại không đơn giản chỉ là vấn đề kỹ thuật, thế giới toát ra từ cô như một ảo tượng. Mâu thuẫn và hoang mang. Không phải cô chạy trốn mà ông mất khả năng truy cập. Cái thực tại giáo điều đang cắn lại ông như một con chó phản chủ. Ông bần thần nhìn cô. Cô xa lạ và liều lĩnh. Không phải thiếu nữ và hoa sen hay hoa huệ, cô ngồi đó trơ trụi. Ông chợt nghĩ đến những điều được gọi là sự thật. Và ông muốn khóc. Ông đã đi quá xa cái sự thật đơn giản của bản chất sự sống. Ông cảm thấy mình thất bại. Suy đồi.

Đám đông

Họ tràn ra đường từ mọi phía. Bừng bừng như những ngọn lửa, họ gào lên và khuấy động mọi âm thanh có thể. Nồi, niêu, xoong, chảo, còi, trống, chai thùng bằng thiếc hay nhựa… cứ thế họ gõ. Khi những âm thanh hỗn độn này chưa kịp lắng xuống, thì không gian lại được lấp đầy bằng những tiếng hô đả  đảo và các yêu sách của họ. Chúng tôi muốn được ăn no. Chúng tôi cần tiền lương đủ sống. Chúng tôi phải được nghỉ ngơi. Chúng tôi cần được chăm sóc sức khỏe. Con chúng tôi phải được đi học và nuôi dưỡng tử tế…

Không ai nghe thấy họ ngoài chính lỗ tai và sự phẫn nộ của họ.

Khi lực lượng chống bạo động xuất hiện với roi điện, dùi cui… họ bị chia cắt và trấn áp. Rồi họ tan rã. Lần nào họ cũng tan rã trước khi các yêu sách được trả lời.

Những khoảnh khắc khi con người đứng dậy phải được ghi nhớ và lưu truyền, vì thế họ đã phân công cho một số người chụp hình. Các thẻ nhớ được gỡ ra khỏi máy chụp hay điện thoại di động và gửi cho người khác giữ sau khi có được những tấm ảnh cần thiết. Họ bao giờ cũng chuẩn bị nhiều thẻ nhớ như thế. Sức mạnh của truyền thông không có đối thủ.

Họ biết rằng khi đám đông đến ngưỡng của sự bùng nổ thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Điều quan trọng là phải bình tĩnh và làm chủ được tình thế, nắm chắc lấy cơ hội làm thành lịch sử. Họ tin tưởng chờ đợi ngày ấy.

N.V.