Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 10)

Trần Vũ thực hiệnclip_image002

Tranh Bo Bartlett

clip_image004

Trần Vũ: Chúng ta trao đổi đã lâu, đến lúc phải kết thúc. Có lẽ trong năm vừa qua cùng với bộ sách Ý Thức Sáng Tác của anh, tổng tập Phê Bình Văn Học Thế Kỷ XX của nhà phê bình Thụy Khuê là hai nghiên cứu quan trọng nhất. Ngay cả khi quan điểm về Hậu Hiện đại rất khác biệt: Một bên chỉ ra những mâu thuẫn ngay từ Lyotard và một bên xiển dương nhãn quan Bắc-Mỹ. Tuy vậy, cả hai đều đúc kết các khuynh hướng chính của Tây phương nên đem đến một tầm nhìn bao quát. Mục đích dường như là cung cấp một căn bản cho lớp người viết trẻ hôm nay. Bộ sách của Ngu Yên còn có thêm phần tổng hợp các lý thuyết dịch thuật, bàn đến cách đọc sách, tu tập kiến thức, phóng chiếu với những truyện mẫu… Riêng trong buổi trò chuyện giữa chúng ta, anh đã lập bảng cáo trạng đanh thép về những khiếm khuyết của Văn học Hải ngoại: thiếu kiến thức, thiếu ý thức, không văn học… Một kết án không khoan nhượng! Nhưng, vì sao là một thi sĩ mà anh lại nghiên cứu các lý thuyết truyện ngắn? Và vì sao anh kiên gan xuất bản nhiều ngàn trang sách lúc này? Chúng ta cùng biết công chúng hải ngoại không mua sách.

Câu hỏi cuối: Sau bộ sách khổng lồ này, Ngu Yên còn hoài bão nào khác?

clip_image006

Ngu Yên: Khi nhận xét "thiếu" một điều gì, nghĩa là, chúng ta đi đến kết luận về một hậu quả. Thông thường, nhận xét này sẽ không có mấy ích lợi. Chỉ gây thêm bực bội và phản ứng ngược. Lắm khi vì ngộ nhận. Nhận thức luận Tây phương thường đẩy luận lý đi đến rốt ráo tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách cải thiện. Tranh luận không hận thù để tìm giải pháp chung. Nhận thức luận Đông phương dùng trực giác khám phá những u minh của vấn đề đối với bản ngã. Cả hai đều có khuyết điểm vì nhận thức và luận là hai sinh hoạt không bao giờ hoàn hảo. Nhưng cả hai kết hợp có khả năng giúp một người tri diện tri tâm một thao thức. Trong lập luận đó, "thiếu" không phải vì không có, mà "thiếu" vì bản chất Việt vốn từ xưa đến nay vẫn xem thường văn chương. Cổ nhân dùng chữ nghĩa để thi cử, làm quan, hoặc ngâm vịnh hưu trí. Đương nhân dùng chữ nghĩa chuyên môn gia tốc sinh kế. Nếu dùng làm văn chương thuần túy, có lẽ, trong đa số trường hợp để vui với văn, đùa với chương. Nếu đã không xem trọng văn chương, khó có thể chú trọng văn học. Riêng về mặt văn chương, thông dụng, người Việt chú trọng mục đích, ít quan tâm tiến trình. Chú trọng tác dụng, ít quan tâm học thuật tạo ra tác dụng. Chú trọng đến lời phê phán của người khác, ít quan tâm đến tự phê kiểm bản thân. "Mục tiêu không phải luôn luôn mang ý nghĩa để đạt được, thông thường chỉ là điều gì để nhắm đến." (Bruce Lee.) Nói cách khác, thiếu văn chương, thiếu văn học, thiếu đọc sách... là hậu quả di truyền. (Về văn trường hải ngoại, xin nhắc lại lời nhận định một cách chính xác: Hải ngoại có văn chương nhưng không có văn học đúng nghĩa.)

Một chuyện "thiếu" khác liên quan đến một số tác giả muốn đi vào văn chương thế giới, thu hẹp lại, là văn chương Âu châu và Hoa Kỳ, bằng cách dịch tác phẩm ra tiếng ngoại bởi các giáo sư, hoặc các học sĩ giỏi sinh ngữ. Câu chuyện dịch sách của nhà văn Luis Borges được kể lại bởi các dịch giả: Ông Borges rất giỏi sinh ngữ Anh. Ông học tiếng Anh rành rẽ trước khi rành tiếng mẹ Spanish. Ông trở thành chuyên gia cổ ngữ Anh và Đức. Nhưng ông sáng tác bằng ngôn ngữ quê hương. Tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Anh. Ông tự chọn dịch giả và sửa chữa cho đúng văn phong và thẩm mỹ hơn, mỗi khi tác phẩm được dịch xong. Câu chuyện này cho thấy quan điểm, một tác phẩm ngoại quốc muốn đi vào trung tâm, phải đặt nặng vấn đề dịch. Dịch là con dao ba lưỡi: Có thể đưa tác phẩm công kênh ra ánh sáng. Có thể cắt nát chôn vào bóng tối. Có thể khiến tác giả tự hào về điều gì không xảy ra. Hải ngoại dư người giỏi sinh ngữ, thiếu người dịch văn chương.

Ngoài ra, nước trong phải trong từ nguồn. Tác phẩm gốc trước khi dịch, phải là tác phẩm đạt một số yếu tố căn bản của truyện và những tiêu chuẩn để đánh giá. Thiếu những phần hành này, dù truyện rất hay, vẫn bị phê bình Tây phương cho là khiếm khuyết. Ngay ở trung tâm văn chương, giới sáng tác không ưa thích giới phê bình, nhưng phê bình thuyết phục được người đọc.

Nói đến phê bình, chúng ta nên thương cảm vì sao ngành văn này không thịnh ở dân ta. Người cầm viết phê bình văn học không ai muốn viết với ngòi bút cong, hay bàn gõ đổi chữ vì sẽ để lại tên tuổi lem nhem. Nhưng không ai muốn bị ghét bỏ vì đụng chạm. Chết không bạn bè văn hữu tiễn đưa. Phê bình mà khen thiếu đã đủ mệt, nói chi đến vạch ra chỗ không hay, ý sai lầm. Bỗng dưng đời có lắm thù nhân. Không phải chỉ dân ta, dân người cũng có dù ít hơn. Bước vào thế kỷ 21, chủ nghĩa Metamodernism (Kết Hợp Hiện Đại) chú trọng đến khả năng Siêu Nhận Thức (Metacognition) để phân tích tiếp cận khách quan và phê phán tiếp cận công bình. Sự kết hợp giữa "tính" Hiện Đại và "tính" Hậu Hiện Đại, đưa đến Metamodernity (tính Kết Hợp Hiện Đại) với khả năng làm tốt đẹp hơn những gì tồi tệ. Có lẽ sẽ là ánh sáng cho các thế hệ mai sau. May ra, phê bình Việt có cơ hội vui chơi cùng bằng hữu.

"Lý thuyết nên xem là một phần của vấn đề, không phải là một giải quyết có khả năng."

(Bill Reading, Introduction Lyotard: Art and Politics.)

Anh Trần Vũ và các bạn đọc, có lẽ đến đây, quí vị cũng đoán ra vì sao tôi chọn viết về đề tài Ý Thức Sáng Tác và chọn lãnh địa truyện ngắn và dịch thuật để trình bày. Câu chuyện bắt đầu từ khá lâu nhưng tóm gọn, vì tôi ít quan tâm về văn chương, nhưng rất lưu ý về văn học, nên để nhiều thời giờ tìm hiểu và viết nháp về văn học thế giới. Gần mười năm trước, khi quyết định về hưu sớm, tôi để thời giờ soạn thảo, sửa chữa, viết lại, viết thêm, rồi đưa cho Create Space phát hành trên Amazon. Bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn bao gồm bốn cuốn, đã phát hành ba cuốn: Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại, Văn Học Hậu Hiện Đại. Còn cuốn Văn Học Truyện Đương Đại sẽ phát hành trong năm 2018 hoặc sang 2019.

Tôi là người làm thơ nhưng chọn nghiên cứu lãnh vực sáng tác truyện vì hai lẽ:

1- Tôi có hoài vọng mang tinh hoa nghệ thuật truyện vào thơ. Tôi thử nghiệm lý thuyết tạo thơ từ truyện hoặc dùng truyện làm bối cảnh, sinh hoạt để tạo cảm hứng cho thơ xuất hiện.

2- Lãnh vực truyện trong văn học thế giới có nhiều học thuyết, chủ nghĩa, phong trào phát sinh từ những tư tưởng hoặc triết thuyết theo sát từng thời đại. Sự nghiên cứu có tầm hoạt động rộng rãi và chi tiết. Chức năng và tác dụng văn học đều có thể áp dụng vào các thể loại nghệ thuật khác, như thơ, hội họa, nhiếp ảnh, tạo hình, âm nhạc, ... kể cả nấu ăn.

Thực chất, truyện ngắn gần gũi với người đọc hơn thơ vì dễ hiểu hơn, có đủ chữ và thời giờ giải thích, nhưng vẫn giữ được phong thái văn chương và thẩm mỹ. Trong đời sống hối hả hôm nay, truyện ngắn dễ đọc hơn tiểu thuyết. Truyện ngắn là một nghệ thuật giữa thơ và truyện dài và là một tinh túy khác với thơ và tiểu thuyết. "Truyện ngắn là cửa sổ nhỏ nối vào những thế giới, những tâm trí, và những giấc mơ khác. Bạn có thể du hành rất xa đến tận bên kia vũ trụ mà vẫn trở về kịp buổi ăn chiều." (Neil Gaiman.) Tuy lấy truyện ngắn làm giới hạn cho học thuyết và học thuật, nhưng vì liên quan đến ý thức, nên tôi mở rộng phần nào sang triết học, tư tưởng, những lý thuyết tương quan, để người đọc đạt tầm nhìn một bức tranh quang cảnh lớn, có truyện ngắn nổi lên ở giữa.

Truyện ngắn là tinh hoa của văn chương. Là một phối hợp gần như hoàn hảo giữa hình thái và nội dung một cách trí tuệ và thẩm mỹ. Về mặt sáng tác, truyện ngắn chứng tỏ được nội lực, sở học của tác giả. Cùng một lúc chứng minh được lửa nội tâm và sức sáng mục tiêu của người sinh tạo ra nó. Về mặt thưởng ngoạn, truyện có khả năng thay đổi người đọc. Thông thường truyện có giá trị sẽ làm cho tâm trí gia tăng mức độ đánh giá về đời sống sau khi đọc xong. Truyện ở mức độ tối thiểu là giải trí người đọc ở một tâm trạng văn vẻ.

Chức năng và hiệu quả của truyện là hai yếu tố chủ yếu cho sáng tác. Khi quan tâm đến chức năng, tự động đề tài, cấu trúc, cốt truyện sẽ được vô thức tuyển chọn. Khi đúng thời cơ, hợp hoàn cảnh, tự nhiên sẽ đưa ra cho ý thức chọn lựa và quyết định. Việc này giúp cho nhà văn tự nhiên loại bỏ được một số mầm truyện, ý tưởng không đáng giá, ngay từ đầu. Quan tâm đến hiệu quả sẽ canh phòng sáng tác, khi viết tập trung vào tác dụng thay vì theo sở thích viết tản mạn, làm lơ láo đề tài. Khi Marco Polo làm cố vấn quân sự cho Đại Hãn Mông Cổ tấn công thành trì quân địch, ông đã dạy quân Mông tập trung những mũi dùi, thay vì xáp trận hàng ngang, như chiến thuật ngày xưa. Dồn sức từng mũi mạnh, xoáy những chỗ phòng thủ yếu, dễ dàng phá lủng chiến lược của địch quân. Muốn có hiệu quả xuyên qua tâm hồn độc giả, cũng tương tựa như vậy.

Khi đã thuần nhuyễn về chức năng và hiệu quả, lúc đó, mới nói chuyện tài hoa. Như Đại Hãn Mông Cổ với số quân tuy thiện chiến nhưng ít ỏi, đứng trước một quân đội hùng mạnh, đông đảo, gồm các bộ tộc Mông chống đối và đoàn quân Thập Tự của Âu Châu, ông đã chiến thắng nhờ sáng tạo. Sáng tạo là sáng kiến cộng với học thuật và tài hoa. Đại Hãn đã dùng hàng ngàn chiến mã, tẩm dầu rồi đốt cháy. Từ trên đồi cao, những kỵ mã hy sinh, dẫn đoàn ngựa chia làm nhiều nhánh, đồng loạt phóng xuống, tấn công vào trại quân thù, vào trại chứa thuốc nổ, vào trại chứa lương thảo. Những chiến mã trở thành một bầy rồng, vừa bay, vừa phun lửa, vừa chết để vinh danh người sáng tác. "Tài năng có thể đạt được mục tiêu mà không ai có thể đến. Thiên tài đạt được mục tiêu mà không ai có thể thấy..." (Arthur Schopenhauer.) Truyện ngắn, theo tôi, là một thể loại văn học, một sản phẩm trí tuệ, thể hiện tâm tư, một sáng tạo mà con người đáng tự hào. Trong khi thơ, là một loại ân huệ khác, mà con người đã tặng cho nhau.

Bước sang thế kỷ 21, chủ nghĩa Hậu Nhân bản (Posthumanism) có cơ hội thay đổi hình thức của truyện ngắn và tiểu thuyết. Có khả năng đưa nội dung thưởng ngoạn đến độc giả một cách "ít tốn kém thời giờ". Thời giờ là quan điểm chính mà người tương lai phải đối phó. Văn chương sẽ không có vị trí quan trọng cao trong cấp bậc sử dụng thời giờ.

Trong dòng văn chương Việt, đa số người viết hiểu biết ít nhiều về học thuyết của truyện và tư tưởng thời chủ nghĩa Hiện Đại, tức là khoảng giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Về phần kiến thức học thuật của giai đoạn này, đối với văn học Việt, không được rõ ràng và chi tiết. Lý thuyết không có mấy lợi ích cho sáng tác nếu không áp dụng được học thuật. Chức năng và hiệu quả văn chương thể hiện cụ thể qua học thuật, bao gồm thủ pháp và kỹ thuật. Đa số truyện trước 1975 và truyện của hải ngoại quanh quẩn trong phạm vi sáng tác của chủ nghĩa Hiện Đại và chưa thực sự khai phá hết tinh hoa của thời đại vàng son về nguyên tắc phổ quát và kỹ thuật chung về sáng tác truyện.

Đọc truyện sáng tác ở hải ngoại, tôi có một nhận xét nghi vấn: Đã viết lách, ai chẳng muốn chứng tỏ tài năng? Không thấy tài năng, sáng tác chỉ là hình nộm. Mặt khác, nếu tác giả nỗ lực chứng minh hoặc phô diễn tài năng trên bề mặt chữ nghĩa, trong sôi nổi tứ văn, nhưng tài năng vắng mặt ở bên trong, ở chiều sâu, khiến cho tác phẩm càng đọc, càng nhạt, càng nghĩ, càng không thấy gì, liệu tác phẩm như vậy, được đánh giá ra sao?

Anh Vũ có nhắc đến Hậu Hiện Đại và sự tương phản giữa ý kiến của tôi và nhà phê bình Thụy Khuê. Theo tôi, không có gì đối nghịch. Tôi nói về nhịp sống và những ưu điểm của Hậu Hiện Đại. Nhà phê bình Thụy Khuê nói về những khuyết điểm và cái chết của Hậu Hiện Đại. Tôi nói về Hậu Hiện Đại trong môi trường Hoa Kỳ, nơi có thừa can đảm phiêu lưu, dư hân hoan đón nhận mới lạ và sẵn sàng cải thiện những sai lầm. Nhà phê bình Thụy Khuê nói đến Hậu Hiện Đại trong môi trường Pháp quốc, già dặn, thận trọng, phê phán. Tranh luận về văn học là truyền thống văn hóa Pháp. Nếu ráp lại, không chừng như anh nói, một bức tranh toàn thể. Để chia sẻ rõ hơn về vai trò và chức năng của Hậu Hiện Đại, dù là tổng quát, tôi xin gửi kèm bài viết: "Cuối Thế Kỷ 20 và Ý Nghĩ Kết Thúc", bài mở đầu cho tập "Văn Học Truyện Đương Đại, Thế Kỷ 21." Nói về cái chết của Hậu Hiện Đại và di sản của nó. Sau cùng, tôi vẫn lặp lại, hiểu biết sẽ không có ích lợi gì nếu không áp dụng được hiểu biết vào đời sống hàng ngày. Nhịp sống Hậu Hiện Đại và nhịp sống đương đại là gì? Đó là những điều sáng tác muốn biết và muốn được kinh nghiệm.

Tóm lại, tôi chuẩn bị công việc viết lách này khá lâu, nay có dịp thuận tiện để phát hành, dù biết rằng, đây là một việc làm tưởng chừng rất phi lý: Viết hầu như ít ai đọc. Sách hầu như ít ai mua. Tiếng Việt hải ngoại đang đi vào quên lãng. Tôi còn khoảng mười đề sách chưa sửa chữa, đa số về giới thiệu văn học thế giới, như Thi ca Nam Phi, Văn chương Châu Mỹ La-tinh, Ký Hiệu Học, Lý thuyết Phê bình Văn học Trong Thế Kỷ 21, Đi về đâu?, Tuyển tập thơ Allen Ginsberg và Hú, ...và sau cùng, tôi có ý định viết 50 năm Thơ văn Hải ngoại, hoặc ít nhất là 50 năm Thơ Hải ngoại. Nhưng tôi sẽ viết vào cuối đời, nếu sức khỏe cho phép vì hiện giờ, tôi vẫn cần bằng hữu để vui chơi!

Xin cảm ơn nhà văn Trần Vũ và các bạn đã theo đọc bài phỏng vấn cho đến cuối.

(Hết)

TV thực hiện qua điện thư áp Tết Mậu Tuất

Phụ Lục

Cuối Thế Kỷ 20 và Ý Nghĩ Kết Thúc.

clip_image008Nếu triết gia Heraclitus đã nói: “Không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Hậu Hiện Đại sẽ đặt lại vấn đề: “Một lần cũng không được, vì sông không có CÙNG một dòng.” Nghi ngờ và tái xét giá trị truyền thống của những thời đại trước là ưu điểm của Hậu Hiện Đại, cũng là lý do Hậu Hiện Đại bị khai tử.

Sau Hậu Hiện Đại là một khoảng trống chuyển tiếp hỗn loạn, bao gồm tư tưởng, lý thuyết, phong trào văn hóa, văn học, … Những khám phá từ thập niên 1990 cho đến nay, gần 30 năm, vẫn còn mới lạ, vẫn còn mâu thuẫn, tranh cãi, chưa rõ căn cước, vì vậy chưa định danh một tên gọi có nhiều thỏa thuận.

Trong lãnh vực văn chương, bất kỳ là thời đại nào, phong trào, chủ nghĩa hoặc trường phái văn học nào, phải có tác phẩm giá trị để chứng minh, và phải có tác giả tên tuổi để thuyết phục niềm tin. Cho dù lý thuyết và lập luận hay cách mấy, “đúng” cách mấy, không có tác phẩm và tác giả đóng dấu ký tên, cũng chỉ là những lời tranh luận của tư tưởng, thông thường sẽ bị lãng quên một cách mau chóng.

Ngay cả một thuật ngữ dùng làm tên gọi cho một thời kỳ văn hóa, văn chương, xã hội… cũng phải có số đông danh gia đáng tin cậy công nhận, dù luôn luôn có những cá nhân không vừa ý.

Khi một phong trào hoặc chủ nghĩa được thế giới công nhận. Có sán phẩm, tác phẩm giá trị. Có chất xám đáng tin cậy thỏa thuận. Có văn tài lớn hỗ trợ. Phong trào hoặc chủ nghĩa đó phải có giá trị. Cũng như một người thực sự trờ thành bác học, có thể không giỏi bằng Albert Einstein, nhưng chắc chắn là một bác học có giá trị trong lãnh vực của ông.

Trong lập luận trên, Hậu Hiện Đại là một phong trào có giá trị văn hóa, văn chương, xã hội, tâm lý, tư tưởng, đời sống …không thể chối cãi, cho dù thích hay không thích. Nếu không, bao nhiêu tác phẩm và tác giả của phong trào Hậu Hiện Đại trong 30, 40 năm qua nên loại bỏ? Chính vì giá trị này mà chủ nghĩa Metamodernism (1997) dù không hoàn toàn thỏa thuận, cũng phải cưu mang tinh túy của Hậu Hiện Đại, bước vào thế kỷ 21.

Nhưng quan trọng hơn, chính là giá trị của đời sống trong thời gian đó và không gian đặc thù nào đó. Đời sống văn minh, khoa học ở Âu Châu thay đổi gia tốc sau thế chiến thứ hai, đời sống tại Việt Nam không thay đổi mấy. Giá trị nhịp sống tại Âu Châu khác hẳn giá trị nhịp sống tại Việt Nam. Hậu Hiện Đại ở Âu Châu khác với Hậu Hiện Đại ở Việt Nam. Không chia sẻ được nhịp sống của thời đại, khó mà thật sự hiểu tư tưởng, tâm tư, và thực hành tinh thần trong căn cước thời đại. Quan điểm này áp dụng cho bất kỳ ai, kể cả những người tuy sống tại Âu Châu, nhưng mang nhịp sống của thời đại trước. Trong luận văn Postmodernism and Globalization, Omar Lizardo và Michael Strand phân tích và nhận xét những khác biệt của Hậu Hiện Đại tại Pháp, Đức, Anh, và Hoa Kỳ, dẫn đến khái niệm, Hậu Hiện Đại không có một công thức chung, nhưng có bản thể đặc thù. Sự biến hóa của Hậu Hiện Đại đặt trên căn bản: nảy nở theo từng bản sắc của địa phương. Giá trị của sự nẩy nở như thế nào, tùy thuộc vào sức cập nhật của địa phương đối với bản sắc của Hậu Hiện Đại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác.

Như vậy, sáng tác Hậu Hiện Đại ở Việt Nam khác với sáng tác Hậu Hiện Đại ở Mỹ, khác với ở Nam Phi, khác với ở Irag… không chỉ vì trình độ hiểu biết về Hậu Hiện Đại khác nhau, mà vì môi trường nuôi dưỡng hoặc phát tác sắc thái của Hậu Hiện Đại khác nhau. Sáng tác của thời đại đến từ vô thức của thời đại. Vô thức của thời đại thành hình từ ý thức và cảm thụ của nhà văn về thời đại đó. Nói một cách kỹ thuật, thời nào sáng tác đó. Có còn ai muốn viết tuyệt tác Odyssey, Cung Oán Ngâm Khúc, The Divine Comedy, Đoạn Trường Tân Thanh, vào năm 2017? Dù có, chắc cũng không còn hay nữa.

Ngay tên gọi PostmodernPostmodernism cũng khó bác bỏ, thay thế một tên khác. Khi đa số chất xám văn hóa và văn minh trên thế giới đồng thuận dùng post cho postmodernpostmodernism, tất đã có lý do rõ ràng, tiêu biểu cho bản sắc của thời kỳ, bao gồm bản thể, đặc điểm, nội dung và hình thái của thời đó. Những tên gọi khác cho thời kỳ này thuộc về sở thích và lập luận riêng của từng nhóm. Ví dụ như After modernism. Hầu hết trong mọi trường hợp, afterpost đồng nghĩa. Có thể dùng thay thế nhau, nhưng có một số trường hợp sẽ dễ bị hiểu lầm. After Christmas, nghĩa là sau lễ Giáng Sinh. Post-Christmas, là những lễ Giáng Sinh về sau.

Ngày 14-16 tháng 11 năm 1997, một hội nghị do Đại học Chicago (Unversity of Chicago) tổ chức, lấy tên là Conference on After Postmodernism. Từ “After” ở đây chỉ thời gian sau khi Hậu Hiện Đại được cáo phó và những di sản của nó, trong khi chờ tương lai.

Sở dĩ cho đến nay, sau khi đa số lập luận cho rằng Hậu Hiện Đại đã cáo chung, vẫn chưa có tên gọi nào “hướng dẫn” cho thời kỳ tiếp theo, vì:

1- Căn bản để đặt tên cho thời kỳ dựa trên bản thể học của phong thái sống, văn hoá, xã hội, và tư tưởng hỗ trợ, chưa được rõ ràng từ khi bước vào thế kỷ 21.

2- Những khuynh hướng, phong trào văn hóa văn học mới còn đang dọ dẫm. Nhiều thuật ngữ dùng định danh chưa đủ chứng minh bằng sản phẩm, tác phẩm, những tác giả cũ, lúng túng, những tác giả mới, chưa thuyết phục. Do đó, nhiều tên gọi còn đang “ứng tuyển”:

- Hậu Hậu Hiện Đại (Post-postmodernism.)

- Chuyển Đổi Hậu Hiện Đại (Trans-postmodernism.)

- Sau Hậu Hiện Đại (After-posmodernism.)

- Chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại (Metamodernism.)

- Chủ nghĩa Hậu Thiên Kỷ (Post-millennialism, Hậu Hoàng Kim. Millenia cũng có nghĩa thời đại hoàng kim.)

- Chủ nghĩa Điện Tử Hiện Đại (Digimodernism.)

- Chủ nghĩa Giả Mạo Hiện Đại (Pseudo-modernism.)

- v.v.

Hai trong một số định danh đang được ủng hộ nhiều nhất là: 1- chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại (Metamodernism) và 2- chủ nghĩa Hậu Nhân Bản (Poshumanism).

Trong khi chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại gần gũi với phong trào Hậu Hiện Đại và chủ nghĩa Hiện Đại. Chủ nghĩa Hậu Nhân Bản rẽ sang con đường mới. Thuật ngữ Posthumanism không liên quan gì đến "modern", nói lên sự từ bỏ vương triều của “Hiện Đại”, dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác, “Hậu Nhân Loại” (Posthumanity,) với những suy đoán từ những dữ liệu khoa học, sinh học, điện tử học, kỹ thuật học, đã được chứng minh trong thực tế.

Nhìn lui một cách chết

Alan Kirby tuyên bố, chủ nghĩa Hậu Hiện Đại đã chết và bị chôn vùi. Thay vào đó một mô hình mới về quyền lực và kiến thức, thành hình dưới áp lực của công kỹ nghệ tân kỳ và các động lực xã hội đương đại.

Trong phiên bản thứ hai của The Politics of Postmodernism, (2002), học giả Linda Hutcheon tuyên bố “it’s over”, Hậu Hiện Đại quá vãng.

Hậu Hiện Đại phát xuất từ học thuyết của triết gia Jean Francois Lyotard nhưng ít thịnh hành ở Pháp. Cũng như đạo Thiên Chúa phát xuất từ Do Thái nhưng không thịnh ở Do Thái. Đạo Phật phát xuất từ Ấn Độ nhưng không thịnh ở Ấn Độ. Phải chăng vì lòng người còn say mê cái cũ, khước từ cái mới. Hoặc vì sách có câu, Bụt nhà không thiêng? Người Pháp thường tự hào truyền thống cầm giữ chiếc nôi văn hóa, văn học. Nhưng đứa trẻ đó đã lớn lên, đã bước ra khỏi nôi và đi xa. Ngay cả học thuyết Hiện Sinh cũng không được yêu chuộng ở Pháp như ở Hoa Kỳ.

Hậu Hiện Đại cũng vậy, Hoa Kỳ là nơi Hậu Hiện Đại lớn mạnh và phát triển, vì tinh thần phù hợp với sự phóng khoáng, yêu chuộng mới lạ, chấp nhận hậu quả của phiêu lưu, có kinh nghiệm về động lực phản kháng mang lại sáng tạo… Cá tính bảo thủ, yêu chuộng nguyên tắc, cực đoan về đạo lý khó tiếp cận với bản thể của Hậu Hiện Đại.

Về diện nghệ thuật, Hậu Hiện Đại đến với âm nhạc John Adam, vui nghịch và giải cấu trúc. Với văn chương, có Michael Nyman, Takashi Murakami, Tracy Emin, Jonathan Safran Foer… với tư tưởng, có Ihab Hassan, Lyotard, Beaudrillard… Ngay cả kiến trúc, tòa lầu AT&T tại New York, 1984, là một ví dụ phản ngược lại tất cả mọi thứ tích cực và tiến bộ đã đạt được từ khi sau thế chiến. Phong trào kiến trúc Memphis-Milano xây dựng nhiều công trình tiêu biểu cho Hậu Hiện Đại. Trong nghệ thuật đồ gốm, có Betty Woodman. Trong nghệ thuật vũ, có Karole Armitage với tác phẩm Drastic Classicism, 1981. Trong âm nhạc trình diễn có Neneh Cherry trong ca khúc Buffalo Stance, 1988. Rồi tiêu biểu là Madona, Lady Gaga … (Edward Docx. Tạp chí Prospect, số Tháng Tám, 2011.)

Hai quan điểm xung kích chính của Hậu Hiện Đại

1. Hậu Hiện Đại không chỉ tấn công vào những lãnh vực văn chương và nghệ thuật, nhưng quan trọng hơn là xung kích vào xã hội. Tạo ra khẩu hiệu: Tất cả nghệ thuật là triết học. Tất cả triết học là chính trị. Ảnh hưởng của Hậu Hiện Đại giúp cho Tây Phương nhận rõ sự khác biệt trong con người và xã hội, vượt qua một số bất công khốn khổ mà trước đây đã không quan tâm, nhất là giới tính và chủng tộc.

2- Sâu sắc hơn, chủ nghĩa Hậu Hiện Đại không đơn giản kêu gọi sự đánh giá lại cơ cấu thẩm quyền. Hậu Hiện Đại tuyên bố chúng ta là tất cả những gì trong bản thân. Không có gì nhiều hơn bộ phận hô hấp và các cấu trúc. (Khái niệm này quan trọng để xác nhận “human” của Hậu Hiện Đại, khác với định nghĩa “human” theo truyền thống. Rồi bước sang thế kỷ 21, khái niệm posthuman (con người mới tương lai) sẽ tạo ra nhiều tranh luận thú vị.)

“Chúng ta hoàn toàn được xây dựng. Không có gì khác hơn”. Thách thức khái niệm con người trong định nghĩa của Aristotle, là động vật có lý trí. Tiếp tục thách thức qua tư tưởng của nhiều thời đại, kể cả con người Hiện Sinh của J.P. Sartre.

Hậu Hiện Đại cho rằng chúng ta không thể đứng ra ngoài các tiêu chuẩn và căn cước mà cấu trúc và diễn văn đã xác định về một đối tượng. Nói một cách khác, con chó chỉ có thể là con chó với những gì nó sở hữu. Nếu có đôi sừng, thì không phải. Xác định được những gì chính trị sở hữu, sẽ xác định được chính trị là gì và mục đích của nó.

Ngoài ra, vì Hậu Hiện Đại phê phán, xung kích hầu hết mọi lãnh vực, tạo ra tâm trạng bối rối và không có gì chắc chắn. Tạo ra sự nghịch lý, Hậu Hiện Đại không thể an toàn dựa trên những thứ không an toàn.

Một điểm quan trọng khác, ngoại trừ chất vấn về thành quả của văn minh, Hậu Hiện Đại ít quan tâm đến khoa học, bao gồm các bộ môn như sinh học, kỹ thuật học, y khoa …mà đặt trọng tâm nơi xã hội và chính trị, vì vậy khi con người và xã hội chuyển hướng theo khoa học, Hậu Hiện Đại mất hẳn uy thế và không còn bắt kịp thời đại.

Nhưng thất thế lớn nhất là có những niềm tin về tôn giáo, về đạo lý, về những nguyên tắc chính thống đã được thành hình lâu đời, Hậu Hiện Đại không thể đả phá vì sự thay đổi của lòng người cần thời gian và cần can đảm. Điều mà con người dư thừa là lòng sợ hãi. Không đả phá được những lực lượng lớn, HHĐ trờ thành đối thủ và trở thành nạn nhân trước sức mạnh của đối phương.

Từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, khoa học thực nghiệm và nhân văn đều phát triển hùng hỗ, nhanh chóng. Xã hội thay đổi liên tục. Phương tiện vật chất tản mát nhiều khuynh hướng, khiến tư tưởng không theo kịp, tạo ra đời sống có nền tảng lỏng lẻo. Hậu Hiện Đại cũng không theo kịp. Không đủ khả năng tái xét những khám phá mới lạ. Nội dung trở thành lỗi thời. Không còn sức thu hút. Đời sống ngoảnh mặt, tìm kiếm hướng đi khác. Hiện trạng của lực cải thiện đã chấm dứt.

Internet là sản phẩm của thời Hậu Hiện Đại, mang tác dụng kỳ tích, không thể chối cãi trên hành tinh này. Khi những tư tưởng và giải pháp triết học cũng như chính trị của Hậu Hiện Đại không còn hợp thời. Con người và xã hội tiến bộ, bỏ Hậu Hiện Đại lại bên đường. Chính Internet là phương tiện phát tán nhanh nhất, rộng lớn nhất, giúp Hậu Hiện Đại mau an nghỉ.

Gần 20 năm sau, “Lễ tưởng niệm” Hậu Hiện Đại có thể xem như được thực hiện bởi Viện Bảo tàng Victoria và Albert tại London, Anh Quốc. Từ 24 tháng 9 năm 2011 đến 15 tháng 01 năm 2012, họ chưng bày những “kỷ niệm” dưới chủ đề: “Cuộc Hồi Tưởng Toàn Diện Đầu Tiên” trên thế giới: Hậu Hiện Đại – Phong Cách và Tan Vỡ 1970-1990 (The First Comprehensive retrospective: Postmodernism – Style and Subversion.)

Ngu Yên. Feb. 2017, Gaveston, Texas.

(*) Tranh Roland Delcol

Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện. (Chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. (Chưa phát hành.)

9. “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1. Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2. Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank