Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Che Guevara: Xung quanh vụ hành quyết 8-10-1967

Nicolas Casey

Hiếu Tân dịch

LA HIGUERA, Bolivia

Bà Irma Rosales, mệt mỏi sau nhiều thập niên trông coi tiệm hàng nhỏ của bà, một buổi sáng ngồi với một chiếc hộp đầy ảnh và nhớ đến người đàn ông lạ mặt bị bắn trong ngôi trường địa phương 50 năm trước.
Bà nói, tóc ông ấy dài và mượt, quần áo bẩn như quần áo thợ máy. Bà nhớ lại, trước khi loạt súng vang lên, khi bà bưng đến cho ông bát xúp ông không nói gì cả. Che Guevara đã chết.

Hôm nay đánh dấu nửa thế kỉ hành hình Guevara, chàng bác sĩ Argentine, tên khai sinh là Ernesto, người lãnh dạo các chiến sĩ du kích từ Cuba đến Congo. Ông đưa Mỹ vào thế kẹt trong cuộc xâm lăng ở Vịnh Con Lợn, ông thuyết giảng trên bục của Liên Hợp Quốc, và ca tụng trật tự thế giới mới trong đó ưu thế thuộc về những nước trước đây bị các siêu cường gạt ra bên rìa.

Cuộc đời lừng lẫy của ông chỉ bị che mờ bởi cái huyền thoại sinh ra với cái chết của ông. Hình ảnh bộ râu bụi bặm và chiếc mũ bêrê gắn ngôi sao đã trở thành danh thiếp của các nhà cách mạng lãng mạn trên toàn thế giới và xuyên các thế hệ, được thấy ở khắp nơi từ những trại lính trong rừng già đến buồng ngủ kí túc của các trường đại học.

Thế nhưng dân làng La Higuera, Bolivia, những người sống qua thời ấy, kể một câu chuyện ít chất huyền thoại hơn nhiều, mô tả một thời kì ngắn ngủi đẫm máu, trong đó cái góc nhỏ miền quê sơn cước này trở thành bãi chiến trường của Chiến Tranh Lạnh.

Bà Rosales nhớ lại, không lâu sau khi Guevara và những người lạ mặt khác đi cùng với ông xuất hiện lần đầu trong vùng này, hứa hẹn bình đẳng, thì những người du kích ấy bị kéo lê xác trong những vũng máu của chính họ.
“Đó là sự tra tấn đối với chúng tôi,” bà nói. “Đối với chúng tôi đấy là một thời đau khổ.”

Khi châu Mỹ Latin nhớ đến cái chết của Che Guevara, thì nó cũng phải nhắc đến những phong trào cánh tả mà nhiệt tình của ông lôi cuốn.
Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, toán du kích vẫn còn là lớn nhất trong vùng, năm nay đã ra khỏi rừng và từ bỏ vũ khí trong một cuộc chiến không ai thắng nhưng Colombia mất đi hơn 220.000 nhân mạng.
Phong trào nổi hứng Xã hội chủ nghĩa của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez dẫn đến một vài thành tựu trong giáo dục và y tế, nhưng đất nước chìm vào nạn đói, náo loạn và nạn độc tài.
Ngay cả Cuba, nhiều năm sống hãnh diện dưới ngọn cờ cách mạng mà Guevara phất lên, giờ đây đang đối mặt với một tương lai vô định khi cuộc hoà hoãn với Hoa Kỳ đang bị chính quyền Trump tháo bỏ.
Bolivia là một trong những nền dân chủ cuối cùng của châu Mỹ Latin trong đó phái tả vẫn còn nắm quyền kiểm soát; một trong các lãnh đạo của đất nước này cho rằng những phong trào chính trị khó mà phát triển trong một khoảng chân không như thế. “Bạn không thể thành công hay tự duy trì lâu dài nếu bạn không có những thắng lợi và những cuộc chiến đấu ở những nơi khác,” Álvaro García Linera, phó tổng thống Bolivia nói.
Jon Lee Anderson, người đã viết một tiểu sử Guevara và là người chủ chốt tìm ra những di vật của ông – bị lính giấu đi cho đến những năm 1990 — nói cả Guevara lẫn phái tả trước đó đã đạt điểm rất thấp.
“Nhưng Che vẫn thuộc loại thuần khiết,” ông nói. “Một cột mốc vĩnh cửu, một thần tượng. Trong tương lai nó đi về đâu? Tôi có ý niệm rằng Che đến rồi đi.”

Một nhà cách mạng biến mất

Những năm trước khi chết, việc Guevara ở đâu là điều bí ẩn đối với cả thế giới.
Sau khi giám sát những đội xử bắn theo sau thắng lợi Cộng sản mà ông giúp củng cố ở Cuba, và sau khi thôi giữ chức điều hành ngân hàng trung ương, năm 1965 Guevara bỗng nhiên biến mất, hóa ra Fidel Castro cử ông đi tổ chức những cuộc cách mạng ở ngoại quốc. Ông được gửi đi thực hiện một sứ mệnh ở Congo nhưng thất bại, sau đó náu mình giữa những ngôi nhà an toàn ở Dar es Salaam, Tanzania, và Prague.

“Trở lại thời đó, có người nói ông đã bị Fidel thủ tiêu, người khác thì bảo rằng ông đã chết ở Santo Domingo, người thì cho rằng ông ở Vietnam,” Juan Carlos Salazar nói, vào năm1967, 21 tuổi ông là nhà báo Bolivia bắt đầu theo đuổi tác phẩm báo chí lớn đầu tiên của mình. “Họ đặt ông ấy ở chỗ này, ở chỗ kia - nhưng không ai biết ông thực sự ở đâu.”

Loyola Guzmán, một lãnh đạo thanh niên cộng sản ở La Paz, thủ đô Bolivia, có thể là một trong những người đầu tiên biết. Bà nhận một bức thư ngắn gọi bà đến Camiri, một thành phố nhỏ gần biên giới Paraguay. Bà nói bà chẳng biết cuộc gặp ấy có mục đích gì.

Bà Guzmán năm nay 75 tuổi, nhưng một bức ảnh chụp tháng Giêng 1967 thể hiện bà tràn đầy vẻ trẻ trung, đội chiếc mũ lưỡi trai và trông hơi mệt mỏi, ngồi trên một cây gỗ trong một doanh trại ngột ngạt trong rừng – và bên cạnh bà là Guevara.

Bà Guzmán nói, “Ông ấy nói ông muốn tạo ra ‘hai hay ba Việt Nam’,” với Bolivia là căn cứ cho một cuộc cách mạng không chỉ ở đây mà cả trong những nước láng giềng Argentina và Peru nữa. Bà Guzmán nhất trí với tư tưởng ấy, và được cử trở lại thủ đô để cổ động ủng hộ cho các nhà cách mạng và thu xếp tiền bạc cho họ.

Tháng Ba 1967 cuộc chiến khai hỏa.
Ông Salazar, nhà báo, sau đó biết rằng tháng mà cuộc chiến nổ ra giữa quân đội Bolivia và nhóm vũ trang đã để lại bảy người chết. Nhà báo này được cử đến khu vực đó để điều tra, nhưng vẫn chưa rõ những chiến sĩ ấy là ai – tuy đã rõ là họ thường xuyên nện những cú trời giáng xuống các lực lượng quân chính phủ.
Sau đó không lâu, có tin rò rỉ ra ngoài là người cẩm đầu có thể là Guevara.
Quân đội muốn tìm và đánh bại ông. Các nhà báo “ai cũng muốn phỏng vấn ông ta,” Salazar nhớ lại.

Dân làng cảnh giác

Trong khi Guevara nổi tiếng khắp thế giới, danh tiếng của ông không mấy được những người nông dân Bolivia mến mộ.
Và đất nước này đã trải qua một cuộc cách mạng thập niên trước, tiến hành phổ thông đầu phiếu, cải cách ruộng đất và mở rộng giáo dục. Trong thời gian Guevara chiến đấu ở Bolivia, không có tư liệu nào cho thấy có người nông dân nào gia nhập với ông.
“Ông ấy chưa suy xét kỹ điều này,” Carlos Mesa, một cựu tổng thống Bolivia và là nhà sử học, bình luận. Khi Guevara đến đây, ông mới có 13 tuổi. “Ông ấy thất bại vì đáng phải thất bại.”
Không một người dân nào trong vùng hi vọng vào một cuộc viếng thăm như thế, vì các du kích không có tiếng tăm tốt. Toàn bộ đàn ông trong thị trấn đã trốn vào các vùng đồi, vì sợ du kích động viên họ làm chiến binh.
“Người ta kể với chúng tôi bọn du kích đánh đập đàn ông, hiếp vợ họ, và lấy đồ của họ, vì thế không ai mong chờ họ đến,” bà Rosales nói.
Ông thị trưởng báo cho nhà chức trách rằng các du kích đã đến thị trấn, bà Rosales nhớ lại.

Tấn công, sau những sai lầm trả gíá đắt

Với những thông báo của ông thị trưởng, quân đội bắt đầu chuẩn bị tấn công Guevara và nhóm du kích của ông.
Trong số những người săn đuổi có Gary Prado, lúc đó là một sĩ quan trẻ đã đuổi theo Guevara suốt mùa hè khắp cả vùng núi. Từ phòng làm việc của mình trong thành phố Santa Cruz, Gary Prado, một tướng về hưu năm nay 78 tuổi, thừa nhận rằng quân đội hầu như chưa được chuẩn bị để bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích trên đất này. Những nó sớm nhận được sự giúp đỡ bằng huấn luyện của Mỹ và có các nhân viên CIA đến, họ nóng lòng muốn thấy Guevara chết.
Guevara hoan nghênh về các chiến thuật quân sự của ông trong thắng lợi của Castro ở Cuba, và ông viết một cuốn cẩm nang “Chiến tranh Du kích” hiện vẫn được sử dụng như một hướng dẫn cho những người nổi dậy trên khắp thế giới. Nhưng, Prado nói, ông ấy đã phạm sai lầm ở Bolivia, là xây dựng những căn cứ không thể phòng thủ được, chia nhỏ các lực lượng của ông, và để lại đằng sau những bức ảnh mà quân đội ghép lại làm thành những manh mối.
“Ông ấy là bậc thầy của chiến tranh du kích,” ông Prado nói, “Ông ấy đến đây và làm ngược lại tất cả.”

Trong một đoạn ghi cuối cùng trong nhật kí vào ngày 7 tháng Mười, Guevara viết rằng ông gặp một người chăn dê già, bắt bà ta làm con tin và hỏi bà về những người lính ở quanh đây. “chúng tôi cho bà ấy 50 peso và ra lệnh không được nói một lời, nhưng chúng tôi ít hi vọng là bà ấy sẽ giữ lời hứa,” ông viết.

Tôi là Che Guevara

Ngày 8 tháng Mười, cuộc đọ súng nổ ra giữa binh lính Bolivia và một nhóm chiến sĩ.
Nhưng trận đánh này đã kết thúc khác với những trận đánh khác, ông Prado nhớ lại. Với tư cách một trong những người du kích ra hàng, ông gọi to “Tôi là Che Guevara, và tôi còn sống có giá với các ông hơn là tôi đã chết.”

Julia Cortés, năm nay 69, nhớ lại thời ấy bà còn là một phụ nữ trẻ hôm đó đang đến La Higuera để dạy học trong ngôi trường địa phương thì nghe thấy tiếng súng.
Đó chính là ngôi trường mà quân đội đưa Guevara đến sau khi ông bị bắt, và ngày hôm sau, 9 tháng Mười, khi bà Cortés đi vào trường thì người chiến sĩ du kích này (Che) không còn nói được rõ ràng. Ông ấy lầm rầm mấy từ về cách mạng, cuộc cách mạng mà ông ấy thất bại, bà nói.
“Người ta bảo hôm ấy trông ông ấy xấu xí, nhưng tôi nghĩ ông ấy đẹp đến không thể tin nổi,” bà nhớ lại.
Bà Cortés nói khi bà mới về đến nhà thì tiếng súng vang lên, giết chết ông.

Cuối ngày hôm đó, khi ông Salazar, nhà báo, quay lại La Paz để làm tường thuật về vụ xét xử một du kích khác thì nghe tin về vụ hành hình ở La Higuera. Ông lao trở lại để tường thuật vể cái chết ấy, tiếc rằng ông đã để lỡ điều mà bây giờ ông nói có lẽ là “cuộc phỏng vấn của thế kỉ.”

Ông García Linera, phó tổng thống Bolivia, hồi đó là một cậu bé, nhớ lại đã thấy ảnh của Guevara trên trang nhất tờ Presencia, tờ báo của Bolivia trên giường của ông nội ông. “Tôi như vẫn còn nhìn thấy bức ảnh đó, mắt ông ấy ngước nhìn bầu trời, tất cả chỉ có hai màu đen-trắng,” ông nói. “Mới thoạt nhìn trông ông ấy giống một con người hoàn hảo, thậm chí giống một người đàn ông không nhà.”
Bà Guzmán, đồng đội du kích của Guevara, trong khi ông bị bắt thì bà đã bị giam. Bà không biết về cái chết của ông cho đến khi bà thấy một bản copy tờ Presencia trong phòng tắm nhà tù.

Ở La Higuera sau cuộc tàn sát ấy, bà Rosales nói bà nhớ đã nhìn thấy bà Cortés đến trường và làm sạch vết máu trong lớp học.
“Kể từ đó không còn lớp học nào ở đấy nữa,” Bà Rosales nói về địa điểm ấy, bây giờ là một bảo tàng nhỏ. “Bọn trẻ con không muốn đến đó.”

Nguồn: https://www.nytimes.com/…/w…/americas/che-guevara-death.html

Execution Still Haunts Village, 50 Years After Che Guevara’s Death

Residents of a tiny Bolivian hamlet vividly recall the day the guerrilla leader was shot at their school. “For us, this was a time of suffering,” says a woman who…

NYTIMES.COM