Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (347): Túy Hồng (7)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 4)

Trời Saigon lúc này thật nóng và người tứ xứ vào Saigon lúc này thật chật. Đi Cấp, chỉ thấy người và người, người đông nhô nhố, vạch người ra mới thấy nước, nhưng hai ngày nay tôi lai mặc áo ấm như những ngày mùa đông tôi ở Huế, như những ngày mùa lạnh tôi đi Đà Lạt. Tôi cảm thấy lạnh ngai ngái, lạnh từ trong ra, lạnh suốt chân tay, lạnh dọc xương sống. Cơm không ăn quà không thèm. Nghiễm bảo tôi chiều nay đi bác sĩ.

Buổi cơm tối đang ăn thì giấc ngủ kéo đến, tôi nuốt vội mấy miếng rồi vào giường đắp chăn lên quá bụng, ngủ thật mùi, thật say đến khi Nghiễm về lay dậy:

– Chưa đầy chín giờ đã ngủ, hồi chiều đã ngủ đến năm giờ mới dậy rồi mà.

Tôi dụi mắt:

– Không hiểu sao mấy ngày nay em ngủ lu bù, ngồi đâu ngủ đó, thấy giường là thèm nằm lăn.

– Hay em bị con ruồi Phi châu đốt?

– Không, em bị muỗi Tàu cắn.

Nghiễm nhìn ra cửa rồi nói nhỏ:

– Anh mua cho em con lươn xối mỡ, dậy ăn.

Tôi nghe từ chiếc bụng cồn cào chất chua trào lên đến cổ thì biến thành cái ợ dài.

– Anh cho em ăn ngon mà em lại nghe như một lời tuyên án.

– Bệnh gì mà kỳ vậy, chiều đã đi khám chưa?

Tôi cười:

– Bệnh lạnh, lạnh lùng và lạnh lẽo.

– Thôi dậy đi, lươn xối mỡ ngon lắm.

Ăn vụng, ăn vụng một mình, ăn vụng hai mình, đóng cửa lại. Nghiễm thường mua món ăn về ép buộc tôi ăn một mình trong phòng ngủ. Anh mua cho em trái xoài cát ngon như trong mộng, ăn đi, ăn một mình thôi nhé. Xoài cát bây giờ một chục gần hai nghìn bạc đấy. Này, giữ hộp bánh mà ăn dần đần đấy, đừng cho ai nghe! Kem đây, kem mua ở Tòa Đô Chính; cua rang muối, chim quay ngon vô số kể, đóng cửa lại mà ăn. Nho này, táo này, ổi này, ô mai, đu đủ, khóm…, anh mua cho em ăn một mình, mà chỉ một mình em thôi.

– Anh bực mình em hết sức vậy đó! Mua cái gì cho em, em cũng phân phát loạn cả lên.

Tôi ngồi dậy ôm bụng lắc đầu:

– Thèm ăn bánh canh Nam Phổ quá.

Nghiễm thay áo quần ra ngồi uống bia ở chiếc ghế dựa góc phòng.

– Anh Nghiễm này, con Khanh để rẻ cho em một chiếc nhẫn hột xoàn có hai chục ngàn mà thôi à. Anh cho em mua nhé!

Nghiễm không lắc đầu mà vẫn từ chối:

– Thôi, làm việc cực khổ bỏ cha, tay nào còn đeo hột xoàn nổi nữa!

– Không, đáng lẽ chiếc nhẫn bốn chục nghìn nhưng con Bích Khuê chỉ lấy có hai chục nghìn thôi. Con Thảo con Trâm đều muốn em mua.

– Thôi, bỏ đi.

– Em mê mà.

– Không cho mua.

– Em cứ.

Nghiễm sẵng giọng:

– Đeo để làm gì? Em là chúa hay để mất đồ. Mua nhẫn giả ngoài chợ mà đeo.

Lòng tự ái bị cắn một cái nhẹ, một khe khẽ rùng mình căm phẫn nhẹ trèo lên tới cổ. Người đàn bà này chỉ đáng đeo nhẫn sắt. Người đàn bà này chỉ đáng đeo nhẫn đồng, đeo nhẫn chì, nhẫn thiếc và nhẫn giả mua ở chợ Bến Thành, mỗi chiếc chỉ mấy chục bạc. Mỗi chiếc nhẫn chỉ là một con số, và tự nó chiếc nhẫn có muôn vàn giá trị, muôn vàn kỷ niệm, muôn vàn hạnh phúc. Không một con số nào trên bàn tay tôi cả, bàn tay móng cụt và bàn tay nắm lại giữ khư khư những đường chỉ rối rắm giới tuyến cuộc đời tẻ lạnh. Tôi cười gằn, diện tích của cơn giận là cái cười gằn.

– Ta đã đi làm nuôi mình chưa đủ sao còn bắt ta phải cung kính dâng mình lễ vật lớn nữa sao?

Có những cơn khóc gầy, những cơn khóc không đủ số nước mắt, những cơn khóc không hoe hoe đôi mắt đỏ, những cơn khóc không phát tiết ra ngoài mà lạm vào gan phổi. Cơn giận đã bắt đầu sưng sưng và cơn giận cương lớn. Anh Nghiễm, chiếc nhẫn hột xoàn không phải là tham vọng của em, không phải là đam mê, không phải sở thích cao siêu một đời. Tôi bình tĩnh nói:

– Sự đòi hỏi tối cao này em tình cờ mà nói ra, không chuẩn bị mơ ước, không sắp đặt tham vọng, chỉ là một sự xin xỏ rất tình cờ… Thật là vạ miệng. Bây giờ, em hiểu thêm. Lấy anh, em mỗi ngày một hiểu biết thêm về anh. Khó cạy miệng anh cho em một lời an ủi mà chỉ toàn…

– Em luôn luôn chơi chua chồng.

Một cơn khóc không ra gì cho nước mắt vừa đủ ướt, một cuộc tủi hờn không có nghĩa cho miệng môi mím nhẹ, tôi trở cái cổ về bên phải, chiếc cổ ngắn không đủ sức nhìn sự đời, tôi chớp mắt, đôi mắt thu hình loạng choạng những hạnh phúc dập vỡ, tôi cắn tóc, tôi gãi đầu, chiếc đầu méo, chiếc đầu to tôi dại.

– Anh đi làm cực khổ thế này mà tay Khanh nỡ đeo nhẫn hột xoàn sao? Anh nhìn chiếc nhẫn óng ánh, anh thấy có sự không chia sẻ… Em đừng bắt chước ai hết… Chia buồn với chồng em nên để một bàn tay trơn, một bàn tay đeo nhẫn gá nghĩa trăm năm.

Ôi hạnh phúc, hạnh phúc là sớm nắng, chiều mưa, trưa mây, tối gió, hạnh phúc là sự thay đổi tiết mục màn ảnh nhỏ ti-vi, hạnh phúc là chuyện thời sự, là tin vắn trong ngày.

– Anh Nghiễm này, anh giã em như giã cua, anh bằm em như bằm thịt, anh nhồi em như nhồi bột, anh đánh em như đánh trứng, anh đuổi em như đuổi ruồi, em vẫn không đau buồn tủi khổ. Nhưng những lời anh vừa nói đã khiến em gục xuống dễ dàng như con gà con bị gió.

Tôi ngầm tưởng tượng ra vô số phụ nữ sắp theo ba hàng dọc bảy hàng dài trong xã hội đứng chờ phiên mua sữa cho con ngồi, đợt lượt thăm thai ở nhà thương Từ Dũ, đi lướt thướt đầy mặt đường phố hoa hòe rực rỡ điểm trang những ngón tay hột xoàn, những chiếc cổ hột xoàn, những đôi tay hột xoàn. Tôi đừng cùng hàng với họ như cá mè sinh sôi trong một lứa để nhận ra rằng không ai không tham lam, không ai không tham vọng. Và, đối với phụ nữ, thế giới chỉ có một kỳ quan độc nhất là viên kim cương Culiman của Hoàng gia Anh, viên kim cương lớn tướng quý giá nhất thế giới.

Tôi cảm nghe một nỗi ớn lạnh từ bên trong xuyên nhẹ ra ngoài, tôi cảm nghe một nỗi mệt mỏi ngây ngất choáng váng len lỏi choàng lên vừng trán một chút gì chua chua vọt lên cổ rồi nằm lại đó. Tôi rên lên một tiếng ư ử bí mật lặng lẽ dựa lưng vào vách nghĩ rằng mình đang nhuốm một cơn đau với ít nhiều tưởng tượng.

Thức muộn sáng hôm sau, nằm trong chăn trông ra một mảng da trời trắng như mỡ béo, tôi cảm thấy đôi mắt nhức nhối như có những sợi lông mi rụng vào. Hắt hơi liên tiếp, ngáp liên tiếp, tôi nói cho cả nhà biết mình đau và bỏ ăn điểm tâm. Giấc ngủ sáng thật nhẹ, thật ngon. Tôi bỏ bữa cơm trưa và bỏ cả bữa cơm chiều, bụng đói như ăn mày nhưng cổ họng cứ lờm lợm nuốt vào không được. Tôi nghe mấy con em nói chuyện loạn xạ ở phòng ngoài:

– Chết… Mình ăn ba bữa rồi mà bà Khanh chưa có bữa nào trong bụng hết. Một ngày không cơm.

Thảo, Trâm đi vào ngồi lên giường dồn dập khuyên tôi ăn cháo nghe, uống sữa nghe, ăn phở nghe, ăn bò vò viên nghe. Tôi đáp:

– Tụi bay đi mua cho tau hai cái trứng vịt lộn. Tôi mở tủ ra lấy tờ giấy hai trăm – Thôi mua cả chục cái cho cả nhà ăn luôn.

Thảo, Trâm xách trứng lộn vào phòng trải tờ báo lên giường bày ra.

– Anh Nghiễm có biết chị đau chưa?

– Anh đi làm thì tau chưa dậy. Đêm nay chắc mười hai giờ anh mới về, anh đi ăn đám cưới.

Trâm vừa nhai vừa nói:

– Ê, người ta nói là cứ mỗi ngày ăn ba cái trứng lộn thì cuối tháng người phì nộn ra như một khu trù mật.

Veo một cái, mười cái trứng lộn biến thành mười con số không. Thảo chép miệng:

– Ăn hai cái chọc miệng chọc mồm, em phải ăn ba cái mới đủ.

Trâm nói:

– Mà anh Nghiễm đi đám cưới ai rứa ta?

Tôi cười:

– Biết mô…

Tôi nằm xem hết nửa cuộn tiểu thuyết thì Nghiễm về quăng hai phong bánh khảo ra giường.

– Bánh này ngon lắm, em ăn đi.

– Anh cất vào tủ lạnh cho em, ăn hai cái trứng lộn hồi nãy phát ách lên rồi.

Ngày hôm sau, cơn đau có vẻ kịch liệt, hình hài nóng lên ba mươi chín độ, rồi rét run liên hồi. Càng về chiều nỗi nóng càng tăng… Trong cơn mê, có những ly nước mía, ly rau má, nước sinh tố lướt tròn và tôi khát uống, thèm uống một ít mật ong nguyên chất. Trí óc tôi loáng thoáng phác họa hình vẽ một câu hát, câu hát: “…Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy, nhớ bà quê mẹ năm ấy. Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà. Nắng chiều, nắng chiều thì phơi lúa ra…”. Rồi viên kim cương lớn nhất vũ trụ hiện ra gắn vào chiếc nhẫn tròn nhất thế giới trên ngón tay đẹp nhất trần đời, viên kim cương Culiman vô giá quý phái của Hoàng gia Anh, viên kim cương khổng lồ trùm trọn tất cả tham lam, cùng tham vọng đàn bà, viên kim cương trắng hơn nắng, sáng hơn đèn chiếu lập lòe trên toàn cõi đam mê sôi bỏng. Tôi ôm lấy tóc, cơn nhức nhối như đam bê sôi bỏng. Tôi ôm lấy tóc, cơn nhức nhối như rạn nứt da đầu cùng vừng trán và chiếc đầu tôi hình như to ra chịu châm chích khắp nơi bởi vô số đầu ngọn đam mê nhọn hoắt. Rồi trong cơn sốt đang đưa vèo vèo tôi muốn rủ tất cả bạn trai cùng đi tắm hơi với tôi, những bạn trai đã cùng tôi mê mệt chơi trò tình ái qua ba hồi bảy hiệp đời con gái thăng trầm. Đến tối, cơn sốt tan như sương, người tôi nhẹ bâng bâng trong một thứ khí hậu ôn hòa dễ chịu. Mấy con em đi mua hai cái trứng lộn về cho tôi ăn.

Hôm sau, triều sốt tái dâng, tôi nóng đến toét mắt và tôi lạnh run răng. Ba bữa cơm không có bữa nào chui vào trong bụng. Mẹ và các em xông vào đoán bệnh. Thảo nói:

– Để con đem chị Khanh đi bác sĩ.

Tôi xua xua:

– Đem tau vô Chợ Lớn chữa ở ông thầy Tàu.

Thảo nhìn Trâm:

– Đau cái bệnh gì mà tối đến là ăn hai cái trứng vịt lộn.

Mẹ nói:

– Thôi, tụi mi đừng ăn trứng vịt lộn nữa, trứng vịt lộn có cục chì cứng hại bao tử.

Tôi rên lên:

– Rau muống luộc chưa, cho tôi một tô nước rau tôi uống.

– Thôi ra kêu xe đi bác sĩ cho rồi.

Trâm nói:

– Thôi đừng đi bác sĩ tốn tiền, để chị ở nhà mua đồ về cúng, vừa lành bệnh vừa được ăn ngon.

Tôi chau mày:

– Người ta đau bắt chết mà còn giỡn.

Đầu óc lại ngọ nguậy cơn đau nhức, cơn sốt giáng xuống một đòn nữa rồi hàn lạnh lại xâm chiếm hình hài. Hai hàm răng yếu đuối lập cập run với nhau trước tiên. Tôi đắp hai chiếc mền lính và còn đắp thêm cái mền dùng để ủi áo quần. Nghiễm đoán tôi mắc bệnh sốt rừng, bảo tôi cấp cấp đi bác sĩ. Tôi nói:

– Anh đem em đi nhé!

– Thôi ngại lắm! Bảo con Thảo đem đi.

Đôi mắt đong đầy hình hài giọt lệ, tôi nghĩ rằng tôi đang nếm một hạnh phúc nhạt. Đường đi nước bước của tôi lấy cứ điểm từ phòng ngủ tiến vào nhà bếp để gặp mẹ gặp em, đường đi nước bước của tôi không lấy cứ điểm từ phòng khách ra ngoài đường sánh nhịp đôi cùng chồng thung thăng thả bộ. Tôi bây giờ đi xa chi mấy cũng đến chợ là cùng. Đi chợ về chợ nước cá nước tôm ăn mòn mấy ngón chân. Ban ngày đi chợ ban đêm nhìn thằn lằn bò quanh ống đèn trên tường. Tôi nói:

– Tôi thấy trong người yếu lắm, có lẽ tôi sẽ nằm nhà thương.

Tôi nhớ lại một câu nói của Nghiễm trong thời kỳ tiền hôn: “Em buồn, anh sẽ đi mua ô mai cho em ngậm, em đau, anh sẽ cạo gió cho em”. Và tôi đã ngắt lời: Thế em đẻ, anh có băng bụng cho em không? Tận cùng của mỏi mệt tôi mới đi thăm bệnh, bà bác sĩ đường Bùi Thị Xuân bảo:

– Cô có thai!

Cô có thai, tôi có thai. Khanh có thai… Nút chai champange nào bật mở với tiếng kêu chờ đợi, cơn vui nào phóng cao từ một cải nhảy vọt lấy đà từng đêm từng ngày, bao nhiêu hạt lúa Thần nông cùng vỡ vỏ hé cười, bao nhiêu trái bắp cùng run rẩy chòm râu cả đời không vuốt, tôi không đi bằng cả bàn chân nữa, tôi phải chúm mười đầu ngón chân lại chạy băng băng lướt qua vô số xe cộ dọc đường, tôi phải xoay năm mươi cái vòng tròn, tôi phải lắc lư như tàu thủy, phải ngây ngất hơi thuốc, phải chếnh choáng hơi men. Tôi lấy chồng, tôi đám cưới, tôi động phòng hoa chúc, tôi ăn nằm, tôi ngủ giấc sinh lý, tôi ơi, tôi ơi. Kết quả của lấy chồng và đám cưới, kết quả của động phòng hoa chúc và ăn nằm sinh lý. Khanh ơi, Khanh ơi. Cơn sốt ơi, cơn sốt ơi, hai cái trứng vịt lộn ơi. Mai mốt tôi sẽ ói mửa sẽ ọe ọe, sẽ khạc, sẽ nhổ, và bắt đầu tối nay tôi sẽ ăn đồ chua, sẽ tẩy trừ đồ ngọt. Tôi sẽ ăn một rổ khế, một trăm trái cóc, một trăm trái xoài, rồi ổi, rồi me, rồi sẽ uống giấm cho đến trên bốn tháng thì con mọc tóc, tôi sẽ ho liên hồi, ho khan, ho sặc đến khô hơi mất tiếng. Chín tháng mười ngày đẻ con, đẻ cũng sung sướng như nuôi vậy. Đẻ con rồi tôi sẽ hư vài chiếc răng, tôi sẽ rụng tóc, đẻ mỗi đứa con rụng một mớ tóc. Tôi đâm bổ vào nhà trước bỏ mặc Thảo trả tiền xe.

Mẹ hỏi:

– Khám bệnh răng?

– Con có thai.

– Ui cha ơi!

Tôi nói dồn dập:

– Rứa mà con cứ tưởng mô đau thương hàn nhập lý, nhức phổi, sốt rét tim cật… ai ngờ…

– Tau cũng không ngờ.

– Triệu chứng úng nghén kinh khủng quá mẹ hí?

– Sao trường hợp mi lạ vậy, chứ người ta thì sau hai tháng nó mới hành.

– Con thì mất kinh ngày nào chết ngày đó với nó.

Nó! Tôi đã gọi là nó rồi đấy. Chỉ mới là một sự mất kinh tôi đã gọi là nó. Con. Sự sống.

– Mẹ, con đói bụng ghê!

– Uống sữa nhé!

– Ăn trứng vịt lộn được không mẹ?

– Được, bổ ghê gớm lắm. Mi rứa là ba mươi tuổi ngoài mới đẻ con so, phải vận động cho nhiều, đừng có nằm lắm sau này đẻ không ai vào mà chịu với cho.

– Trời! Anh Nghiễm mừng chết đi được.

– Ú… có con rồi liệu mà tém dẹp tiêu pha, bỏ rượu bỏ chè.

Tôi cười:

– Phải ăn mừng… đãi cả nhà đi ăn tiệm…

Mẹ đi lên gác tìm chùm chìa khóa để quên. Tôi vào mở tủ lạnh khui một hộp nước ngọt uống vào tới đâu mát tới đó. Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn nhẹ lên lưng chừng rằng: “… Này em đã khóc, chiều mưa đỉnh cao. Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu. Em đi về cầu mưa ướt áo. Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau. Người ngồi xuống mây ngang đầu…”.

– Ngủ hả?

– Anh về sớm vậy? Ăn cơm chưa?

– Ăn lăng nhăng thôi. Trông em khoẻ ra đấy nhé!

– Em có thai đó anh à?

Nghiễm đâm sầm tới bên giường nghếch mặt tới trước, lõ mắt hỏi:

– Sao?

– Em có thai?

Hai tay Nghiễm cuống cuồng quơ quét trên người tôi:

– Thế à? Thật không? Sao em biết?

– Em đi khám bệnh bác sĩ bảo.

Thân thể chàng đổ trên tôi, chàng lăn xuống giường rồi lăn thêm một vòng:

– Ly kỳ quá! Ly kỳ quá! Thế mà anh tưởng em đau nặng… Ly kỳ thiệt… không ngờ… không ngờ…

Nghiễm thay áo quần xong khui hộp bia đếm đến giường kéo tôi ngồi lên ấn hộp bia vào miệng:

– Thưởng một hớp bia, uống mừng, uống mừng…

– Vâng mừng nhau, anh mừng em, em mừng anh…

– Ly kỳ thật, không ngờ, không ngờ.

Nghiễm không viết bài, chàng ngồi bên giường uống vài ngụm bia nhỏ rồi nằm xuống duỗi thẳng cánh tay ra cho tôi gối:

– Em à, mình chờ đợi giờ phút này bao nhiêu, áp dụng phương pháp này nọ… đến khi không còn kiên nhẫn nữa, ì ra thì nó lại đến… Thế mới biết con người sinh ra đời một cách tình cơ.

– Tình cờ và bất ngờ. Con người sinh ra tình cờ và bất ngờ, con người chết xuống cũng tình cờ và bất ngờ.

– Trong hạnh phúc có một sự hiện diện thiêng liêng.

Nghiễm đặt tay lên bụng tôi: Bây giờ nó bằng chừng nào hả em?

– Chắc chỉ bằng hạt mít.

– Con tôi đẻ ra ba tháng là bắt uống bia liền.

– Ba tháng bế đi chơi đêm, ba tháng cho đi “Đêm màu hồng”.

Nghiễm ép sát tôi vào vách để lại sau lưng một khoảng giường rộng:

– Em thèm ăn gì để mai anh mua?

– Mới có mang một tháng, cái thai nó mới bằng hạt mít làm sao ra lệnh, làm sao phát biểu ý kiến bắt buộc mẹ nó phải ăn gì. Nhưng em đói bụng quá, dạ dày nó trống rỗng như một cõi hư vô.

– Để anh pha cho em ly sữa.

Ly sữa vừa trút hết vào miệng, tôi vội vã ôm ngực chạy vào bếp nôn thốc ra hai hồi. Nghiễm theo vào vuốt lưng tôi:

– Mửa ra hết rồi còn chó gì trong bụng nữa. Uống ly khác nhé!

Tôi xua tay lắc đầu, cơn mửa kéo dài từng chút nhỏ. Ban đầu mửa ngọt, mửa chua rồi mửa đắng. Mửa đến hồi chót, mửa tới mật xanh mật vàng thì thôi, kéo theo những giọt nước mắt vô nghĩa.

Buổi sáng trời Sài-gòn cũng mát như trời Huế. Mây từng núi hạ thấp xuống nên nắng lên muộn. Bây giờ hàng ăn bán đầy đường, bây giờ mình bước ra đường là chết tươi vì nôn mửa, chứng nôn mửa thường trực ám hại. Tôi nhủ thầm thế.

Nghiễm vẫn cứ vội vã tìm thuê một căn nhà. Saigon bây giờ cái ăn không quan trọng bằng cái ở, Saigon bây giờ đã chật ních người. Saigon bây giờ là nơi an nghỉ cuối cùng. Saigon bây giờ là hạt cơm, Saigon là chiếc bụng lúc nào cũng ưỡn lên no đủ.

Đất dung thân đã hết chỗ trống rồi và chiến tranh không bao giờ kết liễu nên người ta sẽ vào Saigon nữa để đứng mà ăn, đứng mà ngủ, đứng mà làm tất cả mọi chuyện đời. Những kẻ ở nhà thuê là những kẻ khóc không bao giờ hết nước mắt. Phải tu bao nhiêu kiếp, cuối cùng mới thuê được một căn nhà ở Saigon. Ngang bốn thước, dài sáu thước mười nghìn một căn phòng độc thân. Ba thước nhân mười tám thước tiền sang một triệu mốt. Lầu đúc rộng rãi, tiện nghi, xe hơi ra vào, gần chợ, gần trường, giá nhất định năm triệu. Nghiễm quăng tờ báo “Chính luận” trước mặt tôi dí ngón tay vào mục quảng cáo:

– Em xem căn nhà này có bằng lòng không?

– Trời ơi, tốt quá, anh lại xem thử đi, nhanh nhanh đi anh.

Nghiễm về, cười lúc thay quần áo:

– Người ta thuê cha nó trước rồi, mười lăm ngàn một tháng.

– Người ta đã lanh chân mà còn lắm tiền.

– Mình hãy thuê nhà xa Saigon một tí.

Nghiễm chép miệng:

– Mọi sự đều do “tiền” định, không có tiền là chịu chết.

Tôi nghĩ đến Bích Khuê: đời tau là cái bụm hột xoàn này đây! Tôi nghĩ đến chuyện một cô gái dám đổi cả trăm phần trăm trinh tiết để lấy một chiếc áo Montagut. Tôi nghĩ đến một nữ sinh dưới tỉnh lên Saigon ăn học, mỗi kỳ hè mang về cho cha mẹ ba trăm nghìn dồng. Tôi nghĩ đến những cô gái mê man mua bán đồ Mỹ. Cuộc đời đã lọ lem. Đêm tân hôn xin bồi thường cho anh chồng đồng tiền danh dự. Tôi nói:

– Huế bao nhiêu nhà để không, Saigon nhà chật chội quá nên dân Saigon thích đổ ra đường. Đem em về Mỹ Tho ở đi, anh Nghiễm.

– Saigon hắt hủi, xua đuổi mình thật nhưng anh chưa muốn đi.

Tôi hót cổ Nghiễm:

– Em mang thai rồi, em xứng đáng làm vợ anh quá, tối nay anh thưởng em đi “Đêm màu hồng” nhé. Em chưa biết “Đêm màu hồng” ra làm sao cả!

– Ừa ừa… chiều nay cho cô đi ăn Hải Biên cho biết mặt “Cái bang” rồi đi “Đêm màu Hồng”.

– Có phải trong “Cái bang” có một ông mê ca sĩ lắm phải không? Xấp lịch có bao nhiêu tờ thì ông ấy đi “Đêm màu hồng” bấy nhiêu lần phải không?

Nghiễm đi làm sớm, điểm tâm ở ngoài đường. Tôi ăn một trái cam rồi soạn quần áo Nghiễm ra ủi. Cơn vui kêu lên như một tiếng xé, nỗi nghịch ngợm quay tròn như một quả bi ve, cái lí lắc láu táu hiếu động của thời đi học chợt mở choàng trong tôi. Tôi bỏ hai bữa ăn trưa và chiều ăn thêm một trái cam để tối đi “Đêm màu hồng”. Những cái chào của mấy ông “Cái bang” lạnh như thịt heo ướp đá, họ để tôi ngồi nguyên một thế trong góc ghế. Những ca sĩ hạt nhạc chủ đề, những bài tình ca của một đời người, những người hát quen thuộc của ti-vi. Tôi bị thu hút mạnh bởi người hát áo tím hát bài ca tím: “…Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím…”. Tôi bảo Nghiễm:

– Em mê cô ta rồi!

– Anh cũng mê.

– Thế thì em không mê nữa!

Ông “Cái bang” dáng dài như cây sào bỏ chỗ bước đi để trở lại vói người hát bài nhạc tím. Nghiễm vụt đứng lên bắt tay nàng:

– Cô Phi Vân, tôi là Thiện Nghiễm đây!

Tiếng nói cũng ngọt ngào như lời ca:

– Em thì em quá biết anh.

Bàn tay tôi cầm bóp bàn tay Nghiễm, chàng giật mình thối người lui:

– Sao tay Khanh lạnh thế này?

– Em hết máu trong người rồi.

Người đẹp được kéo qua nơi khác, Nghiễm vẫn giữ chặt tay tôi:

– Sao em khác lạ thế này?

– Em vừa trải qua một cơn băng huyết khô.

Sự im lặng trở nên có thể tích, có trọng lượng, ông bạn ngồi cách tôi qua Nghiễm với mặt sang:

– Chị hình như không được khoẻ.

– Cả ngày hôm nay tôi chỉ ăn có trái cam.

– Chị đừng uống sâm với thuốc Bắc mà đen đứa con.

Ý nghĩ buồn thoáng qua một lời quảng cáo các mỹ phẩm nội hóa đăng trên báo: cô đen hãy dùng đen cô, Vergénol làm tan lớp mỡ béo trên bụng, tôi cười cầm chừng trong tiếng dạ.

Mỗi ngày một cơn sốt, tôi ói mửa luôn luôn, mửa tới mật xanh mật vàng, tôi không ngửi được mùi hành, không nghe được tiếng động đũa bát, thậm chí cam cũng ăn một cách khó khăn khổ cực. Đôi mắt cứ trào lệ như trong một cơn khóc triền miên.

Mẹ nói:

– Lạ kỳ! Đàn bà nào chẳng có mang… nhưng cái thai nó hành vừa phải thôi, đâu có hành hung như thế này …

Nghiễm nghi ngờ:

– Hay không phải có thai, thử thở xem sao!

Da tôi vàng như nghệ, môi nứt nẻ mắt lờ đờ con nước đọng, sáu kilô thịt biến đi trong một tháng. Tôi nằm liệt trên giường dưới để sẵn một cái thau ói mửa. Nghiễm mua ô mai mỗi thứ một gói, mua ổi, mua xoài, trái cóc, xá lỵ… Ngày nào tôi cũng dặn mẹ:

– Mẹ mua đưa chua cho con ăn. Mẹ mua thứ dưa cải để nguyên cả cây, muối thật chua, thật chua, thật chua đến co rúm lưỡi.

Tôi cầm cả cây cải chua ăn ngon ngọt trước khóe nhìn lơ láo của gia đình. Cơn khóc bây giờ là sinh lý. Qua màng lệ, tôi hình dung một đĩa bánh bèo đổ bằng bột La khê trắng ngồn ngộn chầy một lớp mỡ béo ngậy với vài cái tép rán phồng rắc kín tôm chấy vàng ngàu. Những chiếc bánh ướt dèm dẹp chấm với thứ nước mắm đặc biệt dầm chanh tỏi. Tô bánh canh Nam Phổ đặc quánh nấu với tôm rêu đỏ ối ớt màu, bánh nậm, bánh bột lọc chấm với nước mắm Nam Ổ cay xè: bánh ram, bánh ít cặp vào nhau mà nhai. Bún chan nước thịt bò với giò heo hầm rục lất phất vài cọng kim châm. Tôi rên:

– Thèm ăn món Huế quá!