Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (346): Túy Hồng (6)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 3)

Nghiễm ít khi ăn cơm nhà, chàng kết bạn thật nhiều ở dọc đường dọc sá cuộc sống. Tình chàng gởi chu đáo cho những người bạn. Ba phần tư đời chàng là bạn, một phần tư đời chàng là vợ. Chàng nói:

– Anh nhiều bạn lắm vì anh chơi tốt. Ngoài cơm ra tình bằng hữu là một thứ tình no đủ. Họ hàng hả? Họ hàng chán lắm… Họ hàng, anh muốn đá mỗi thằng một đá. Nghề viết văn hay thất nghiệp lắm em ạ, bạn bè có thể nuôi no anh hai tháng thất nghiệp.

– Họ hàng bên anh chắc anh đá bằng cú đá thường. Họ hàng bên em chắc anh đá bằng cú đá song phi.

Bạn bè của Nghiễm, một tham dự vào sâu tình cảm và tâm trí. Bạn bè của Nghiễm, đó là những cái bình, cái tách, cái chai, cái vò chứa đủ thứ rượu. Những bàn tay bằng hữu góp gạo làm đầy đám cưới của chúng tôi, cũng như những cặp mắt bằng hữu đã thoáng thấy đời tư của tôi suốt cuộc đời mòn đơn thân con gái và những cặp mắt bằng hữu cũng đã thị thực đời tư của Nghiễm. Bạn bè của Nghiễm còn là nơi tri ân dài hạnh phúc hồng của chúng tôi và bạn bè của Nghiễm những đóa hoa hường trong cơn chàng bệnh hoạn.

Chàng đã mời tôi về cao ốc thay thế chàng sống độc thân và bây giờ chàng đã trả tôi về nhận lại dáng dấp cô đơn cuộc đời cũ giữa gia đình xô bồ bầy em gái. Chàng lại có mặt thường xuyên trong những cuộc chơi lớn đi suốt những buổi trưa không về. Có những buổi tối tôi đã bóp nát cơn khóc nói với chồng:

– Anh bây giờ không còn gì để dính vào em nữa sao?

– Bây giờ anh chỉ còn dính với em những buổi điểm tâm thôi!

Có lần Nghiễm đã cười hề hề:

– Anh đã gửi em vào cái ký túc xá đẹp nhất cuộc đời, anh gởi em về với quê hương ruột thịt của em… thì anh yên tâm rong chơi chớ sao! Em vui vẻ với cha mẹ, với em út, là anh yên tâm đi chơi.

Có lần chàng trả lời:

– Em có gia đình, anh không có một gia đình riêng với em… nếu có một tổ ấm riêng tư, anh ở nhà hoài hoài.

– Về đây ở tạm là hoàn toàn tự ý anh.

– Bộ hồi ở building em không nằng nặc đòi nay đi mai đi… nào là mồ mả đẹp, nào là phường bất lương…

– Anh là mèo, em là dưa cải. Em muốn anh tha em đi tới, chớ em không muốn anh tha em đi lui trở lại làm thiếu phụ trong gia đình em.

Một buổi tối Saigon mưa ào ạt như một cuộc tấn công lớn, mưa xiên ngang xẻ dọc đâm xoi xuống mái ngói, mưa đổ ộc, mưa trút nhào những ống cống thành phố uống nước không kịp. Đường ngập lụt nước tràn vào nhà đầy trôi đồ vật lừng thừng. Gia đình đóng cửa, leo hết lên lầu gỗ phiền muộn nghĩ đến việc rửa nhà khi con nước rút.

Cha nói:

– Tối nay ngủ hết trên lầu vậy.

Tiếng mẹ:

– Con Khanh phải ngủ dưới nhà mở cửa cho thằng Nghiễm.

– Nó không về đâu!

Thảo vô chuyện:

– Cơn mưa càng khiến anh không thèm về nhà mình.

Tôi thản nhiên:

– Ảnh không về con ngủ dưới một mình sợ ma lắm!

Thảo nói to và rõ:

– Chứng kiến chuyện chơi bời cũng như chứng kiến cái hạnh phúc của chị mình mà ngộp, mà xốn, mà mờ cả mắt.

Qua mấy hồi hờn giận, cơn mưa tạm nguôi ngoai, tôi định bước ra ban công gỗ nhìn xuống nếu không có tiếng Thảo:

– Đối với anh Nghiễm, chị Khanh phải hơi có một chút thái độ. Đi đi về về không qua một sự kiểm điểm của ai cả.

– Ở giữa gia đình nhà vợ mà không làm dáng được một chút.

Tôi nhìn đằng trước mặt tôi rồi tôi nhìn tôi trên vách. Nỗi cô đơn là một khối lớn bề bề chiều cao chiều rộng, nỗi cô đơn to như ngọn đồi sừng sững, nỗi cô đơn đếm được bằng vô lượng con số. Tôi nuốt tiếng thở dài nhỏ rí như tóc xuống cần cổ khi tiếng Thảo là ngôn ngữ nhẹ, nổi lềnh bềnh trên bình diện ý thức tôi câm nín.

– Chị Khanh phải biết: hạnh phúc là hạnh phúc riêng của chị, đau khổ là đau khổ chung cho cả gia đình.

Con bé Út bước mạnh làm sàn gỗ xôn xao lay nhẹ. Màn ảnh nhỏ trên cỗ ti-vi run giật lập lòe rồi không phát hình được nữa. Có tiếng lay cửa ở nhà dưới rồi có tiếng Khanh ơi, Khanh ơi. Tôi bật đứng lên nhón gót chạy nhẹ xuống lầu nghe tiếng mẹ gởi theo, khéo khéo cầu ướt trợt té. Tôi mở cửa cho Nghiễm và nói, tưởng anh không về. Mặt Nghiễm đỏ gay tóc dính dán vào đầu như đội mũ bê-rê, chiếc áo sơ-mi đắt tiền lấm lem những vết bẩn xệch xạc sút mất hai cái cúc. Tôi nói:

– Phải may cho anh một chiếc áo kaki khắc khổ để anh đi chơi với đám bạn bè trứ danh của anh.

Một hôm Nghiễm ngồi nhà uống bia bên cạnh chúng tôi quây quần xem ti-vi. Những cô gái Chàm mắt ngây ngất hát những bài ca Việt, những bài ca thời thượng rất gần với cải lương, và, cuối chương trình là phần phô diễn nghi lễ cùng phong tục người Chiêm. Màn ảnh nhỏ phơi ra cảnh đám cưới tại nhà chàng rể, người thụ động trong cuộc tình duyên. Kẻ sắp lên xe hoa về nhà vợ, kẻ sẽ đánh mất cuộc đời độc thân quỳ xuống ôm lấy cha mà hôn, ôm lấy mẹ mà hôn, tha thiết chuyện trò với các em. Cả gia đình đều quỳ và ngồi trên đôi chân của mình ngóng đợi những người bằng hữu đến chia vui. Người mang hỉ sự đầu tiên đi vào quàng từ đầu xuống tấm khăn màu rực rỡ thêu hoa lũng, tay không mang đồ mừng nhưng miệng đã dành sẵn bao nhiêu điềm lành để chúc tụng. Người khách tươi cười thứ hai là một cô gái Việt eo thắt lưng ong, đi vào cũng quỳ xuống và ngồi lên chân rồi được gia chủ yêu cầu hát một bài tình ca dành cho đám cưới. Một cô gái Chiêm đứng lên đáp từ bằng một bài hát nặng lòng yêu quê hương xứ sở. Người Chàm theo chế độ mẫu hệ, những thiếu nữ ngẩng mặt lên hãnh diện đi cưới chồng và đám cưới là đưa rể chứ không phải rước dâu. Gần đến giờ bắt rể những người khách vội đứng lên nói thêm lời chúc lành rồi ra về. Đám cưới buồn thiu không ăn không uống, còn lại chàng rể giữa gia đình chàng. Chàng được người ta gắn lên đầu chiếc vòng đẹp với một chiếc khăn dài rộng xấu xí, chàng gạt nước mắt lạy biệt cha mẹ rồi bị điệu lên xe hoa, tháp tùng thân mật có mấy đứa em của chàng. Cha mẹ chàng ở lại không tham dự cuộc đưa rể.

Mẹ xem xong chép miệng:

– Phong tục Việt Nam thì cha mẹ không đi đưa dâu, còn phong tục Chàm thì cha mẹ không đi đưa rể.

Tôi lên tiếng:

– Con gái Chàm ế chồng nhiều hơn con gái Việt nữa. Nạn trai thiếu gái thừa thiệt là trầm trọng. Có nhiều gia đình đẻ mười người con gái còn nguyên cả mười người… dòm cùng cả nước không còn một tên đàn ông để bắt rể.

Thảo nói nhanh như bẻ que:

– Ừa… ừa… con trai Việt Nam có thiếu thì con gái tạm lấy Mỹ, lấy Phi, lấy Đại Hàn, lấy Đồng minh, còn con gái Chiêm thiếu trai Chiêm thì nhất định ở ế chớ người Việt Nam thì không bao giờ họ lấy.

– Tiền nhân của họ đã đặt ra cam kết như vậy vì oán hờn người Việt đã tiêu diệt người Chàm.

Nghiễm đặt ly bia xuống gật gù nhỏ:

– Anh cũng bị người ta bắt rể!

Đôi mắt Thảo là một vòng tròn ngạc nhiên, một vòng tròn tra hỏi, Nghiễm tiếp:

– Ở ngoài Bắc người ta quan niệm rằng thằng đàn ông ở rể là một điều điếm nhục, ở nhà vợ là một thằng rể hèn.

– Người Huế quan niệm đó là một thằng ở rể bất hạnh.

– Ở Bắc chỉ thằng nào tồi lắm mới ở rể.

– Ở Huế thằng nào sang lắm mới ở rể được.

– Anh ở cái nhà này, bao nhiêu thằng nghĩ là anh ở rể, chúng nó chế anh ghê quá.

– Anh ở cái nhà này bao nhiêu người tôn anh làm lãnh chúa.

Nghiễm cười khẽ rồi mang ly bước xuống nhà, tôi cầm mấy vỏ chai theo sau.

Nghiễm nói:

– Đường đường một đấng như thế này mà đi ở rể.

– Mình dẫn mạng lại chứ ai mang Honda lại đón mình đi đâu.

– Anh chiều em hết sức rồi đa.

– Sao anh không thuê nhà lẹ đi!

– Nhà Saigon bộ tưởng dễ kiếm lắm sao?

– Anh nên nhớ là mình đến đây mình xin ở rồi mọi người rút hết lên lầu nhường tầng dưới cho mình.

Có nhiều đêm tôi đã mơ thấy ngôi nhà thềm trắng thân yêu ở Huế hóa thân thành luồng gió bay vào đáp xuống một vị trí trung tâm thành phố gần chợ, gần trường học, gần nhà thương. Có nhiều đêm tôi đã ao ước đánh đổi tất cả hiện tại để trở lại lấy một phút cô đơn con gái, tôi muốn đổi hơi ấm để lây sự hàn lạnh, tôi muốn đổi cả vốc tay vốn liếng để trở lại bàn tay trơn, tôi muốn đổi tất cả những gì mình đang có để lấy một hư vô sương khói. Nghiễm đã bao lần kêu, óc gia đình của em lớn quá, quá trịnh trọng, động một tí là mẹ, là Thảo, là Trâm. Nghiễm đã bao lần kêu em chưa đứng hẳn vào vị trí một người vợ. Nghiễm đã bao lần quát lên, con gái Huế sao quá hiếu thảo với gia đình, kiếp sau không lấy vợ Huế nữa. Gái Huế thương em út hơn thương chồng, gái Huế thương cha thương mẹ hơn con ruột mình đẻ ra, gái Huế lấy chồng để làm vì, làm điệu. Hạnh phúc giả, gia đình giả, ái tình giả. Tôi cười nửa nụ:

– Gái Huế quý như trầm, như quế, nên cha mẹ vừa gả chồng vừa tiếc, nên cha mẹ không an tâm quay lưng khi hết bổn phận mà vừa đi thụt lùi từng bước vừa ngấp nghé nhìn cuộc đời riêng của con, vừa muốn tham dự cuộc đời riêng của con, và người con gái Huế, dù có đứng trong hạnh phúc nào đi nữa cũng luôn luôn mếu máo trông về ngưỡng cửa sanh thành.

Nghiễm muốn liệng đi túi cơm trên vai của một kiếp người, đài hạnh phúc của chàng là bầu rượu. Buổi sáng chàng không dằn lòng với một cái gì cả, buổi trưa chàng ăn lưng bát cơm, buổi tối chàng ăn nửa bát cơm. Lượng số bia ba với ba vào dạ dày chàng có ngày lên tới hai mươi lăm chai. Tôi buông lá cờ trắng trước đầu hàng đạo quân rượu mạnh, Black and White ơi, ta chào thua mi, Jonhie Walker ơi, mi đã thắng, Martell ơi, mi oai hùng quá, Champange, Gin, Bisquit, Vin…, ta đại bại, đại bại trước một lực lượng đồng mình ghê gớm.

Tôi la lớn:

– Bợm ghiền yêu quý, có ngày anh đi đến chỗ tự sát.

– Ngày xưa anh còn hút thuốc phiện nữa, bây giờ là tu tỉnh nhiều lắm đấy.

– Anh Nghiễm ơi, anh có biết là hôm kia anh bị gió vặt, anh nằm thẳng cẳng xẹp ve trên giường, tay anh lạnh, chân anh lạnh, em phải đứng lui thật xa, đặt cái chổi lông gà trước mũi anh xem anh có còn thở không.

– Láo lếu!

Tôi nhìn bức tường rịn nước âm ẩm, nhìn bức tranh đen đỏ về người nghệ sĩ ôm không nổi cây đàn, tôi sực nghĩ đến hộp phấn Aver mới mua hồi chiều chưa mách lại với Nghiễm. Bộ mặt tôi cần trang trí cũng như bức tường cần quét vôi. Tôi ôm cái đầu Nghiễm:

– Anh Nghiễm ơi, em vừa may hai cái áo dài ráp vai ngắn lên gần tới đầu gối như lính thú đời xưa.

– Lại thời trang.

– Thời trang gì, ngày xưa bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Bùi Thị Xuân, Đặng Thị Huệ, bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương đều mặc áo ngắn củn.

– Ừ, thôi em cũng nên may một cái áo ngắn tới rốn mà mặc.

– Anh dám cho em mặc áo tới rốn không? Rốn em đẹp như rốn tài tử, không sâu mà cũng không lồi, không to mà cũng không nhỏ và không bao giờ có ghét bẩn.

– Ngày nào cô không dùng ngón tay nhọn mà moi.

– Ngoài cái rốn đẹp ra, giữa bụng em còn có một cái dấu hồng thập tự.

– Bụng ai có một đường đi xuống là được chồng thương đấy em ạ.

– Bây giờ em mới biết cái rốn là tối đa quan trọng để mặc bikini, ngày xưa em cứ tưởng là để moi moi chơi. Bây giờ các cô thích kéo quần xuống dưới rốn để các ông kéo áo lên thấy cái rốn đẹp. Anh biết, bọn con gái Tây phương đứa nào lỡ có cái rốn xấu là buồn vô hạn.

Tôi nằm lăn ra giường quay mặt vào vách kéo áo cúi xuống nhìn bàn tay đặt lên bụng. Bàn tay tôi nắn nắn, ngón tay trỏ tôi ấn ấn, bỗng tôi kêu rú lên một tiếng vô cùng hãi hùng, vô cùng đau đớn.

– Trời ơi!

Nghiễm vụt chồm tới:

– Cái gì vậy em?

– Em ưng có thai quá!

Mặt Nghiễm đo đỏ và đực ra một lát ngắn rồi tay chàng đưa ra cùng với miệng cười:

– Đưa cái rốn đây!

Tôi hất tay, tôi đạp chân, mắt tôi mờ ngấn lệ:

– Không được, không được, ai mô nằm nấy, ngưng chiến, ngưng chiến da beo.

Tôi nhảy phóc xuống giường, lật đật tra chân vào dép:

– Anh quên rồi sao? Anh quên áp dụng Ôgin ngược để có thai sao?

Tôi chạy vụt ra lật đật leo lên lầu. Trâm đang viết vội ngẩng lên:

– Cái chi rứa, có cái chi mà mặt đỏ lên dữ quá như mấy nhà đạo đức khi đọc văn tôi vậy?

– Mi đang viết đó hả, cho tau gửi vào bài câu này: “Hạnh phúc đôi khi là một tên cướp đuổi nàng chạy như chuột”.

– Nàng là ai?

– Tau.

– Chị xuống nhà ngủ đi rồi mai dậy uống sữa cho mập.

Tôi ôm lấy Nghiễm, tôi ôm lấy chiếc gối dài nồng nàn êm ái, tôi hôn Nghiễm, những gốc râu trên mép chàng hôn trả lại tôi thật nhọn thật tê mê, tôi giữ cánh tay chàng, tôi giữ lấy sự bảo trợ ghê gớm vững vàng nhất. Hạnh phúc có một sự hiện diện không nghe được những lời kêu gọi, một sự hiện diện khi điếc khi đui khi mờ khi sáng. Tôi biết, rằng hạnh phúc không nằm trên những món ăn Huế, không nằm trên những món ăn Bắc, không nằm trong những chai rượu, không nằm trong tủ lạnh. Hạnh phúc có địa chỉ của hạnh phúc. Địa chỉ của một làn khói, địa chỉ của một đám mây, địa chỉ của một hơi gió.

Tôi lột những cái mai để riêng ra rồi cho tất cả số cua đồng vào cối giã nhỏ. Sắp sửa lọc lấy nước lọc thì Thảo đi học về.

– Ô hô ai tai, bà Khanh xuống bếp, trưa nay lại ăn món Bắc nữa rồi.

– Nói nho nhỏ kẻo anh Nghiễm nghe.

– Chị làm món chi rứa?

– Bún riêu.

Thảo trề môi:

– Bún riêu bún riêu cua đồng cua đồng… Ba con rạm giã giã nát bấy bầy ra, thọc tay vào vọc vọc rồi rửa, bẩn ơi là bẩn, rồi bày đặt gọi cho văn vẻ là bún riêu, không có bún riêu, bún rạm, bún rạm phải kêu là bún rạm.

Bữa ăn bày ra quanh chiếc bàn sắt tròn. Nghiễm cúi xuống húp sùm sụp vừa nhai vừa nói mau như máy không ai nghe rõ câu gì. Nghiễm bảo tôi:

– Lấy thêm mắm tôi đi em.

– Lấy ruốc, bún rạm phải ăn với ruốc, người Huế gọi mắm tôm là ruốc. Còn thịt chấy thì người Bắc gọi là ruốc. Hồi còn ở Huế, một hôm tôi hỏi một anh bạn người Bắc: Buổi sáng anh ăn gì? Anh trả lời: Tôi ăn bánh mì với ruốc. Tôi nhăn mặt trợn mắt: Buổi mai mát mẻ mà ăn cái gì tanh tưởi thối tha vậy?

Tiếng Nghiễm cất lên:

– Người Huế thật dốt, cá chép mà không ăn được, món ngon nhất lại đi vứt.

– Người Bắc u mê mới đi ăn cá gáy. Xứ Huế ai cũng thờ Phật… cá gáy là cá sẽ hóa rồng, ai mà dám ăn.

Mẹ nói tiếp:

– Đất Huế là đất vua chúa. Mình vua là mình rồng, cốt vua là cốt rồng, nên người Huế không dám ăn cá gáy sợ phạm tội khi quân.

Thảo ngon lành:

– Huế là chốn kinh kỳ vua chúa nên người Huế nào cũng thông minh.

Nghiễm vỗ vai vợ:

– Người Huế chỉ làm một ngón tay của người Bắc. Người Huế chính là người Bắc bị trục xuất ra khỏi Bắc kỳ. Nguyễn Hoàng đánh không lại Trịnh Kiểm mới đào tẩu…

Thảo, Trâm vụt nhìn nhanh nhau nghi hoặc. Nghiễm tiếp:

– Người Bắc là người khả ái nhất… bởi đó mới có câu: “Gái miền trung thương trai xứ Bắc, trai Cửu Long mê gái sông Hồng”.

Trâm rùn vai:

– Trai Nam kỳ tui còn mê được, chứ trai Bắc kỳ thì lạy tơi cả nón.

Thảo rướn giọng:

– Tui mà lấy phải thằng chồng Bắc kỳ chắc là tui ly dị ngay đêm tân hôn.

Tôi cảm tưởng hình như đôi đũa cũng biết rùn vai, chiếc muỗng ngâm trong chén nước mắm cũng biết phát âm, đĩa hoa chuối thái mỏng cuộn tròn lại ngơ ngác và đĩa đậu phụ rán phồng đã xịu mặt. Miệng tôi ngậm câm, tôi không nhìn ai trong mâm cơm này nữa, tôi quay lại nhìn tôi, nhìn tiếng hát đang se sẽ thành hình trong tâm tưởng: “…Khi trót yêu người rồi, xa cách nhau vì đời, hận tình ư ứ ư ừ ư…”. Bữa ăn kéo dài như một cuộc hội thảo ngắn. Cơn nóng hầm lên đến độ tối đa mỏi mắt không thể tưởng tượng. Giấc trưa không ngủ được lại khiến tôi đưa bàn tay lên thăm dò sức khoẻ của đôi má. Bác sĩ Spock và bao nhiêu người khác cũng bảo phải ngủ trưa mới đẹp, mới không cau có, mới trẻ, mới căng da ra. Một chị bạn sau phút dỗ dành cơn khóc của con đã thuê xích lô đi một vòng Saigon để xóa tan vết hằn âu lo cáu giận trên mặt.

Nghiễm vừa ra đi độ năm phút thì Bích Khuê đến thăm tíu tít cười nói rộn rã trong căn phòng nhỏ. Bích Khuê, hoa hậu Đồng Khánh năm xưa, được một chàng trai Khải Định để hai câu thơ lục bát: “Ai rắc hoa lên chiếc áo hồng Của cô Đồng Khánh ghét mùa đông”. Bích Khuê bây giờ là góa phụ vui tươi với công việc buôn hột xoàn. Bích Khuê đưa khóe nhìn vòng cung quanh phòng:

– Chồng đâu rồi?

– Vừa mới đi.

Áo lụa Huế chở đầy hơi gió, chiếc kính cận gần gũi thân tình, con người Bích Khuê trông thanh thản khô khan, và nhẹ thênh như cánh hạc nội. Tấm thân càng ngày càng hao gầy, càng mỏng ra, đôi mắt mờ đục nhưng chiếc miệng và tâm hồn lúc nào cũng son trẻ, tươi cười, đùa giỡn.

Tháng trước tôi đến nhà chơi, Bích Khuê đưa nắm tay ra khoe: Tau mới mua được một bụm hột xoàn. Người ta bảo rằng buôn kim cương cũng nguy hiểm như ghiền thuốc phiện, nghiện rượu. Cái đam mê gỡ không ra, đôi mắt sẽ chóng mù, con người sẽ chóng chết. Quên ăn, quên uống, quên cuộc đời, suốt ngày Bích Khuê cầm cái kiếng nhà nghề ngồi đến khụm xương sống săm soi, xem xét tỉ mỉ, tường tận từng hạt kim cương. Hột xoàn sáng quá nên mắt nàng mờ đi, hột xoàn sáng đến rợn người nên thân hình nàng héo úa mòn mỏi và trong không gian mù mờ. Từ những chiếc xương khô bắn lên muôn ngàn hạt nhỏ sáng óng ánh rùng rợn, sáng lạnh ngắt làn da, sáng đau đớn như ai cầm quả tim mà bóp, sáng quằn quại đến co rút từng sợi thần kinh. Bích Khuê đưa nắm tay ra nói:

– Tính mạng tau là bụm hột xoàn này.

– Tau không ham rồi đa.

Tôi cầm hai bàn tay Bích Khuê nhìn vào bốn chiếc nhẫn sáng choang hỏi:

– Hạt này 107 ly hả? Hạt này 122 ly hả?

Bích Khuê mở gói bánh bò nướng ra cầm một cái nhai chép chép rồi bảo tôi ăn đi.

– Mấy tay sang bây giờ người ta đeo ngọc chứ ít ai đeo hột xoàn. Ngọc khó mua lắm, lâu lâu mới tìm được một hạt ưng ý, chứ hột xoàn thì cứ có tiền là mua được ngay.

– Rứa hả?

– Chiếc vòng ngọc bẹt bà Liên Nhung ở Tax đó bây giờ lên tới tám trăm năm chục nghìn.

Tôi mở quạt máy cho Bích Khuê mát, ăn những chiếc bánh béo ngọt.

– Khanh này, hột xoàn này nước trong lắm, dài lắm, mi mua không ta để rẻ cho phân nửa tiền thôi.

Viên kim cương thật bỡ ngỡ thật xa lạ lớn bằng nửa hạt bắp không thu phục được cảm tình tôi, tôi lúng túng như tên thợ may vụng với sợi chỉ quá dài.

– Ừa… ừa… để tau hỏi ý kiến Nghiễm đã!

Bích Khuê trợn mắt:

– Kiểm soát gắt gao dữ a! Mất tự do quá nhỉ? Tau chồng chết lâu rồi nên lúc nào cũng như ngựa vía.

– Tau thì may một cái áo dài cũng không qua mắt được Nghiễm.

Trâm mang chồng sách nặng từ ngoài bước vào trông thấy Bích Khuê liền đứng lại nghẹo đầu cười, đưa một ngón tay chỉ thẳng hớn hở:

– A! Góa phụ vui tươi, tỉ phú xinh đẹp!

Bích Khuê reo:

– Trâm! Đi dạy học về đó hả? Mạnh khoẻ chứ? Ngày mai đã có chồng chưa?

–Trâm cười cợt đặt chồng sách xuống bàn ngồi ngay lên đùi Bích Khuê và quàng tay qua vai:

– Chị Bích Khuê dạo này còn đánh tứ sắc với mấy ông tướng nữa không?

– Lu bù, li bì cả đêm.

– Một lệnh năm chục đồng hả?

– Ừa…

Bích Khuê cười mắt nhắm gần hết như ngủ, cười nhiều đến nỗi tôi tưởng mắt kiếng cu ả nàng như mờ đi. Trâm trề môi:

– Ui chà! Được ngồi cùng chiếu đánh tứ sắc với Trung tướng mất lon sướng gần chết nên cười hắc hắc.

Tôi thầm nghỉ: hồi hắn lấy chồng còn nghèo hơn mình, thế mà bây giờ đã đánh tứ sắc với mấy ông tướng một lệnh năm mươi đồng.

Bích Khuê ra về thì Trâm bỏ lên gác vừa đi vừa hát một bài rất dở, một bài không tên mang số hai. Trong mấy chị em chỉ có một mình tôi hát hay và theo dõi rất kỹ các nàng ca sĩ trình diễn ti-vi và nghiên cứu tường tận từng kiểu tóc, tà áo cùng cung cách trình diễn. Nghiễm quen hầu hết các nghệ sĩ. Tôi hỏi chàng sao không cưới một người. Nghiễm bảo xin miễn trả lời.

Tôi leo lên gác hỏi Trâm và Thảo:

– Con Bích Khuê bán rẻ phân nửa cho tao một hột xoàn, có nên mua không?

Hai đứa cùng trả lời rất nên. Thảo còn bảo chị mua đi cho em mượn đeo với. Trâm nói:

– Chị bây giờ thì sắm cái gì còn cái đó. Sắm chiếc Mobylette thì còn chiếc Mobylette, sắm Honda thì còn Honda, sắm nhẫn thì còn nhẫn… Còn không? Các Ngài khéo tiêu tiền quá mà. Anh Nghiễm uống rượu mấy hồi.

Tôi cúi xuống lật mở một cuốn sách đặt gần chỗ ngồi tình cờ đọc hàng chữ: “Chỉ có hai người, vậy thôi. Hai người chung lập một cái xưởng hạnh phúc, yêu nhau, sống cho nhau không còn biết đến ai nữa. Nhưng sống trong cái xưởng đó, mà hai người ước mơ sản xuất một nhi đồng để làm một bằng chứng sống của tình yêu”.

Trâm tiếp:

– Nhẫn đeo xong chuyền lại cho con gái để sau này nó đeo. Ai khen nó, hỏi nó thì nó trả lời của mẹ mình để lại.

Tôi thẫn thờ:

– Ờ… ờ… chiếc nhẫn kim cương… tay mẹ chuyền đến tay con, tay bà ngoại chuyền đến tay cháu gái.