Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Dừng ngay việc xây dựng Bãi đỗ xe bên lăng Khải Định[i]

Nguyễn Đắc Xuân

Để có thể xây dựng bãi đỗ xe ở lăng Khải Định Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã dùng những mưu mẹo gì để lách luật, lách sự giám sát của các nhà văn hóa và người yêu Huế ?

Cho đến nay, thế hệ các nhà nghiên cứu sau năm 1975 gắn bó với TTBTDT Cố đô Huế không còn mấy người. Tôi là một trong những người còn lại ít ỏi ấy. Trong nhiều cuộc họp tại TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (viết tắt TT) tôi đã rất hân hạnh được phát biểu “Tôi xem những thành tích to lớn của TT đã đạt được như thành tích của chính bản thân tôi, của chính người dân Huế tôi”. Nhưng trong quản lý bảo tồn di sản văn hóa dân tộc chỉ cần một sai lầm không khắc phục được thì bao nhiêu công cũng không chuộc lại được tội, sẽ bị đời đời nguyền rũa. Do đó tôi đã góp phần phản biện quyết liệt chống lại việc TT xây dựng Bđx trên nền cũ Phủ Tôn Nhơn (phía trước cửa Hiển Nhơn), chống lại Quyết định của tỉnh TTH nhượng đồi Vọng Cảnh cho tư bản Hà Lan xây Resort, chống lại Quyết định của tỉnh TTH bán Phòng tài chính Thành phố Huế và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế (số 7 Lê Lợi) cho Công Ty Luksvaxi – Trung Quốc làm nhà nghỉ.v.v. cho nên khi phát hiện TT sử dụng 5000m2 của khu đất bên trái trước lăng Khải Định làm Bãi đỗ xe (viết tắt Bđx) tôi rất lo lắng. (Xem H.1. ở cuối bài)

Khu đất đó là đất của di tích, các thầy phong thủy còn cho đó là đất “lưu đức”- một yếu tố quan trọng trong phong thủy lăng Khải Định, và nó cũng là một mảng cảnh quan thiên nhiên hài hòa không thể tách rời trong tổng thể cảnh quan lăng Khải Định. Là một nhà nghiên cứu Huế, một trong những thành viên của Hội đồng tham vấn của TT, tôi đã gởi riêng cho Tiến sĩ Phan Thanh Hải-Giám đốc TT một lá thư nói rõ những sai phạm khi sử dụng khu đất “lưu đức” làm Bđx và khuyên TT nên di chuyển mặt bằng xây dựng Bđx lăng Khải Định qua khu ruộng lúa thuộc làng Châu Chữ ở cạnh đó, nếu không thì TT khó tránh được một cuộc phản đối gay gắt, có lẽ còn nặng hơn cả vụ Bđx ở lăng Tự Đức hiện nay nữa. TT viết thư hồi âm cho tôi nói rõ TT không chấp nhận những ý kiến của tôi. TS Phan Thanh Hải gặp tôi, tôi lại đề nghị TT nên tính toán lại để vừa có Bđx tốt vừa không vi phạm bất cứ một việc lớn nhỏ nào. Tôi chờ TT tính toán lại và trả lời cho tôi trong vòng một tháng. Nếu sau một tháng mà việc xây dựng Bđx trên đất di tích lăng Khải Định vẫn tiến hành thì tôi sẽ công khai ý kiến phản biện của tôi. Đúng sau một tháng tôi đã công khai thư tôi gởi cho TS Phan Thanh Hải, bài nhận xét về những thông tin TT đã giải trình trong thư đã gởi cho tôi. Rồi từ đó TT không liên lạc gì với tôi về vấn đề Bđx lăng Khải Định nữa. TT họp báo, trả lời báo chí với nội dung như trong thư TT đã gởi cho tôi. Công trình xây dựng Bđx trên đất di tích vẫn tiến hành ngày càng gấp rút mạnh mẽ hơn và nếu cường độ xây dựng sốt như hiện nay thì công trình có thể sẽ được khánh thành trước tháng 5 năm 2018 như kế hoạch TT đã dự định. Vì thế tôi nghĩ chờ đợi thêm nữa cũng vô ích nên mới có bài phản biện tiếp theo nầy.

Như chúng ta đều biết chức năng chính của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế và giá trị Nhã nhạc (đã được UNESCO công nhận là Di sản vật thể và Phi vật thể) và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích. Mọi động chạm quan hệ đến di tích, đến cảnh quan môi trường gắn liền với di tích đều phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản Văn hóa, phải được ý kiến chấp thuận của Bộ VHTT& DL, phải được sự đồng tình của đại diện UNESCO tại VN.

Ta thử xem khi sử dụng khu đất 5000m2 bên trái phía trước lăng Khải Định làm Bđx, TT đã chuẩn bị dự án và thực hiện những quy định trên như thế nào.

1. Ba không.

Thứ nhất là dự án không được TT đưa ra cho Hội đồng tham vấn khoa học của TT góp ý kiến như đã từng thực hiện đối với các dự án Trùng tu Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế, sử dụng vườn Cung An Định làm Nhà hàng cao cấp, mở Quán cà-phê trong vườn nhà lưu niệm của Đức Từ Cung.v.v.

Bđx gắn liền với Di sản thế giới có giá trị quốc gia quốc tế thế nhưng TT không công khai dự án, để các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý, không tổ chức thi thiết kế để có một công trình xây dựng Bđx xứng đáng với lăng Khải Định - di sản thế giới. TT đã âm thầm tự tiện thuê Công ty Cố phần Tư vấn và Xây dựng TVART thiết kế. Khi xây dựng như tôi đã viết trong bài phản biện trước đây “Tấm pa-nô dựng ở công trường xây dựng chỉ vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe với chú thích 6 hạng mục chính, ngoài ra không hề có một chữ một dòng nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình (Xem H.2 ở cuối bài). Đây là một sự vi phạm trong qui chế xây dựng một công trình mới. Như có báo đã hỏi: “Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có phải đang cố tình né tránh báo chí, dư luận và không cho mọi người tìm hiểu việc xây dựng ở đây?” Điều 341, c - Luật Di sản Văn hóa (viết tắt Luật DSVH) ghi rõ phải “Công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích”. Như thế TT đã vi phạm luật Điều 341, c -Di sản văn hóa.

2. Bốn vi phạm.

2.1. Phá hoại cảnh quan. Thành phố Huế nói chung và chùa chiền, lăng tẩm ở Huế nói riêng được đồng bào trong nước và nước ngoài mến mộ vì cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, không thành phố nào của nước VN còn có được. Cho nên UNESCO đánh giá Huế là một thành phố phong cảnh xanh đẹp, một bài thơ đô thị tuyệt tác. TT vạc đi 5.000m2 cảnh quan ngay bên trái trước lăng Khải Định làm Bđx là sự phá hoại Huế, dù có trồng cây xanh 25% trên diện tích Bđx cũng không thể chấp nhận được. Hãy xem hai ảnh Flycam chụp cảnh quan xanh đẹp vốn có của lăng Khải Định và cảnh quan lăng Khải Định sau khi bị chính TT cho san ủi 5.000m2 để làm Bđx (Xem H.3 và H.4 ở cuối bài).

2.2. Phá hoại nơi tôn nghiêm linh thiêng. Các vua nhà Nguyễn nhờ thầy địa giỏi nhất trong nước tìm các địa yên tĩnh thực sự để xây dựng nơi an nghỉ nghìn thu cho các Ngài. Đọc Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh ta biết từ đầu Thế kỷ XX muốn đến chiêm bái các tôn lăng ở Huế thủ tục giấy phép khó khăn đến như thế nào. Các tôn lăng là nơi yên nghỉ nghìn thu của các Ngài, các Ngàu đang nằm ở đó chứ không phải một nơi lưu niệm, một nơi vui chơi hội hè đình đám. Ngày nay chúng ta khai thác du lịch, hằng ngày đưa hàng ngàn người trong và ngoài nước đến tham qua các lăng đã khuấy động sự yên tĩnh thiêng liêng của các Ngài. Chúng ta chưa tìm được phương cách khắc phục, một việc còn đang phải chờ một phép mầu. Trong lúc chờ phép mầu thì TT làm ngược lại. Lấy 5000m2 đất ngay bên trái trước lăng làm Bđx. Ở đời có hai nơi phức tạp ồn ào nhất là chợ và đò. Bđx 5.000m2 gồm có đủ hai thứ đó: Chợ (các ki-ốt bán hàng lưu niệm, quán giải khát và hàng chục người buôn bán xách tay.v.v.) và đò (xe du lịch, xe hai bánh cũng là một loại xe đò). Hằng ngày sẽ có nhiều trăm người lui tới bán buôn, hàng trăm xe lớn nhỏ đến đi đỗ rước khách, tiếng máy, khói bụi hòa lẫn với tiếng người kêu gọi, cười giỡn náo động cả chốn thâm nghiêm. Bđx sẽ phá hoại nơi tôn nghiêm linh thiêng của lăng vua

2.3. Vi phạm không gian thuộc phong thủy lăng Khải Định. Phong thủy của một ngôi lăng vua nó có ảnh hưởng không những đối với vua, họ hàng gia đình con cháu của nhà vua mà còn ảnh hưởng đến quốc gia. “Tức vị trị quan”, sau khi lên ngôi (1916), vua Khải Định cũng như các vua tiền triều nghĩ ngay đến việc xây dựng lăng mộ cho mình. Nhà vua đã mời nhiều thầy địa giỏi trong nước về Huế tìm các địa cho Ngài. Trong số các thầy địa ấy có Phó bảng Nguyễn Đình Hiến – người Quảng Nam, chồng một bà cháu ngoại của Đại thần Trần Tiễn Thành ở làng Minh Hương. Sau nhiều tháng tìm kiếm, Phó bảng Nguyễn Đình Hiến đã tìm được các địa trên sườn núi Châu Chữ. Các địa nằm giữa quang cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng suối Châu Ê từ trái chảy qua phải uốn mình dưới chân núi. Xa xa nhấp nhô mấy dãy đồi thấp bạt ngàn cây cỏ xanh tươi.

Một quả đồi thấp ở phía trước được chọn làm “Tiền án”, suối Châu Ê chảy từ trái qua làm nơi “Thủy tụ”, bên trái có núi Chóp Vung và bên phải có núi Kim Sơn làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ (Rồng, Cọp chầu Ứng Lăng). Nhà vua đã cho đổi tên núi Châu Chữ - nơi khu lăng tọa lạc, thành Ứng Sơn và khu lăng được gọi là Ứng Lăng. Tìm được các địa nầy vua Khải Định rất vừa lòng. Phó bảng Nguyễn Đình Hiến được nhà vua thưởng cho làm Phủ Doãn Thừa Thiên. Gần đây ngành giao thông xẻ con đường tránh Huế chạy qua vùng gò đồi giữa lăng Minh Mạng và lăng Khải Định. Nhiều nhà phong thủy ở Hà Nội vào Huế nghiên cứu cho biết con đường tránh Huế đã gây tác động xấu đến Kim Sơn của lăng Khải Định, tính thiêng của lăng khó tránh được điềm gỡ.

Sau một trăm năm xây dựng lăng vua Khải Định (1920-2017), sự kiện quan trọng đầu tiên liên quan đến vấn đề phong thủy lăng Khải Định là việc xây dựng Bđx bên trái trước lăng. Vì thế khi lập đề án xây dựng Bđx trên đất di tích lăng Khải Định, TT phải lập một bản đồ phương vị về phong thủy của lăng Khải Định. Qua đó mới biết được địa điểm xây dựng Bđx có vi phạm không gian thuộc phong thủy lăng Khải Định hay không. Căn cứ trên bản đồ phương vị nầy TT trình bày xin phép tỉnh TTH, xin phép Bộ VHTT&DL cấp phép xây dựng. Tôi không ngờ TT không thực hiện những việc cần thiết vừa nêu mà chỉ hỏi cán bộ của TT như thư TS Phan Thanh Hải đã trả lời cho tôi: “…qua tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan”. Tôi không thể tưởng tượng TT lại xem thường vấn đề phong thủy của lăng Khải Định đến như thế. Nếu TT không thiết lập được bản đồ phương vị của lăng Khải Định và bản đồ phương vị đó được các nhà nghiên cứu phong thủy khác công nhận - chứng tỏ Bđx không vi phạm không gian phong thủy lăng Khải Định thì tôi vẫn giữ ý kiến là “công trình Bđx đã vi phạm không gian thuộc phong thủy của lăng Khải Định”.

2.4. Lấy đất di tích làm bãi đỗ xe. Trong thư TT gởi cho tôi, TT viết rõ “Vị trí bãi đỗ xe nằm tại khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Khải Định có diện tích 4.975m2, thuộc loại công trình dịch vụ góp phần phát huy giá trị di tích nên chủ đầu tư có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTT&DL và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên”. Tôi xin vạch những sai trái của TT trong đoạn trích nầy:

2.4.1. Di tích lăng Khải Định xưa nay được quản lý gồm có khu xây dựng lăng và khu đất trước mặt lăng khởi đi từ chân dốc bên phải chạy qua bãi đỗ xe tạm trước lăng nối với khu đất xây Bđx hiện nay và kết thúc ở con đường men theo bãi ruộng lúa làng Châu Chữ cho đến cầu Khe Châu Ê. Công trường Bđx hiện nay là đất của di tích, vẫn còn cái giếng cổ. Bản thân nó là di tích chứ không phải đất được khoanh vùng bảo vệ di tích. Theo Luật DSVH nó là "yếu tố gốc cấu thành di tích". TT giải thích sai để “Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi” (Điều 13, khoản 5 Luật DSVH).

2.4.2. Giả như chấp nhận cách giải thích của TT “khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Khải Định” thì theo Điều 15, PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH: “Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I được phép xây dựng những công trình nhằm mục đích tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh”. Bđx có thuộc loại để tôn tạo di tích không? Bđx thuộc về ngành giao thông chứ không phải của TT BTDT. Như vậy TT đã vi phạm Pháp lệnh.

Điều 32 khoản 3 Luật DSVH nêu rõ: “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.” Bđx không thể giữ được “yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên”, sinh hoạt đưa đón khách, mua bán, khói bụi, tiếng máy các loại xe phá hủy hoàn toàn “môi trường - sinh thái của di tích”. Công trình Bđx lăng Khải Định vi phạm nghiêm trọng khoản 3 Điều 32 Luật DSVH.

2.4.3. TT cho biết việc xây dựng Bđx lăng Khải Định trên Khu vực II “chủ đầu tư có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTT&DL và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên” (4165/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2014). Một thông tin quá lạ. Những dự án, những chương trình gì liên quan đến địa điểm di sản văn hóa nếu có đầy đủ chứng từ, hồ sơ đúng pháp luật thì Bộ VHTTDL đồng ý cho phép bằng văn bản, nếu chưa đầy đủ thì không đồng ý chứ tại sao ở đây lại có chuyện cho phép bằng sự “thỏa thuận”? Thỏa thuận là đồng ý với nhau về những điều kiện nào đó có quan hệ đến hai bên. Ở đây hai bên thỏa thuận với nhau những vấn đề gì? Có liên quan đến tiền bạc hối lộ không? Là một nhà nghiên cứu, một nhà báo tôi chưa hề biết có chuyện Bộ VHTT&DL đi “thỏa thuận” với cấp dưới để vi phạm di tích như thế. Trong lúc đó Luật Di sản Văn hóa ghi rõ: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II [….] đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”. Bđx trên đất di tích lăng Khải Định - di sản thế giới, đáng ra phải có sự đồng ý của Thủ tướng nữa kia. Ở đây TT với Bộ VHTTDL lại đi “thỏa thuận” với nhau là phạm luật. Không những TT sai mà Bộ VHTTDL cũng sai, cũng phạm luật. Đề nghị thanh tra Bộ VHTTDL nên làm rõ nội dung vụ “thỏa thuận” nầy.

3. Ba hậu quả xấu nhất.

3.1. Với tính toán của TT “Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô” cho đến năm 2025. Lăng Khải Định nếu không bị động đất chôn vùi thì cũng tồn tại ít nhất thêm vài trăm năm nữa (đến năm 2217 chẳng hạn). Sau năm 2025 đến năm 2217 lượng khách du lịch đến tham quan lăng Khải Định theo đà tăng trưởng như hiện nay thì lượng khách đông gấp năm bảy lần so với năm 2025. Thế thì Huế lấy đất ở đâu trước lăng Khải Định để mở rộng bến xe lớn hơn gấp năm bảy lần so với Bđx đang xây dựng hiện nay? Các thế hệ sau chắc sẽ phải dời Bđx đi nơi khác. Thế thì vì sao ngay bây giờ không chuyển Bđx qua một nơi nào đó theo quy hoạch của ngành giao thông? Có phải vì TT muốn sử dụng đất di tích dưới quyền quản lý của mình để trục lợi?

3.2. Lăng Tự Đức và lăng Khải Định đang làm Bđx, rồi tình hình đó sẽ trở thành một cái dịch làm Bđx cho lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, Điện Huệ Nam và cả lăng Dục Đức Thành Thái Duy Tân nữa cũng làm Bđx bất chấp quy hoạch can Thành phố. Khi ấy Bđx không chỉ phục vụ cho khách tham quan các lăng mà miễn ai có xe có tiền là có thể đỗ xe được. Huế dày đặc di tích rồi sẽ nổi tiếng là thành phố dày đặc Bđx. Có bãi đỗ xe thì sẽ xây lên những ky-ốt, những nhà nhỏ, nhà lớn, nhà dù, quán xép phục vụ khách, mua qua bán lại. Dần dần các Bđx sẽ trở thành những cái chợ nhỏ. Lúc đó TS Phan Thanh Hải có còn làm Giám đốc để ngăn chặn tình hình đó không? Không! Chính các vị lãnh đạo TT ngày nay là những thủ phạm đặt nền móng cho sự bừa bãi đó!

3.3. Hậu quả xấu nhất và tức thời. Di sản được Unesco công nhận và nếu di sản bị xâm hại, bị vi phạm thì Unesco cũng sẽ rút lại Quyết định đã công nhận. Liên hệ thường xuyên với Unesco có lẽ TT đã biết ở thành phố Dresden (CHLB Đức) có thung lũng Elbe cực đẹp. Năm 2004 nó được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Năm năm sau (2009), Unesco rút lại Quyết định đó với lý do một cây cầu được xây dựng ngang qua con sông ở thung lũng, gây tác động nghiêm trọng tới sự toàn vẹn của di sản. Thung lũng Elbe không còn xứng đáng với danh hiệu Di sản thế giới nữa. Theo tôi Bđx trên đất di tích bên trái trước lăng Khải Định cũng tác động nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về cảnh quan môi trường của lăng (Đó là chưa tính đến vấn đề phong thủy bị xâm phạm). Khi Unesco biết sự thực về Bđx nầy, khó tránh được chuyện Unesco rút lại quyết định công nhận lăng Khải Định là di sản văn hóa thế giới. Nếu hậu quả đó xảy ra thì trách nhiệm không những thuộc về TT mà còn cả Bộ VHTTDL, lãnh đạo địa phương mà người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh TTH Nguyễn Văn Cao, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế và nhân dân Thừa Thiên Huế nữa. Đây là một cảnh báo không thể không quan tâm ngay.

4. Nguyên do.

4.1.Việc phải làm TT không làm. TT không thực hiện việc cắm cọc khoanh vùng bảo vệ di tích theo chuẩn quy định của Unesco, không vẽ bản đồ bảo vệ di tích treo tại các di tích. Không khoanh vùng, không có bản đồ làm sao chống lại sự xâm phạm di tích của bá tánh? Nhân viên bảo vệ di tích làm sao biết được phạm vi mình quản lý đến đâu. Trong một báo cáo thành tích của TT đăng trên Fb của TT, TT cho biết “Đến năm 2008, Trung tâm đã cơ bản hoàn tất công tác dựng pano quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích”, nhưng cho đến nay tại các lăng Tự Đức, lăng Khải Định hoàn toàn không có “pano quy hoạch khoanh vùng bảo vệ”như báo cáo nêu trên của TT. Nếu đã lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích tại sao không treo tai khu vực bảo vệ di tích lăng Khải Định? Nếu đã có mà không treo khi sử dụng đất di tích lăng Khải Định làm Bđx là cố tình giấu nhẹm để làm điều phi pháp. Dân không rõ vô tình vi phạm ranh giới bảo vệ di tích, TT biết là hủy bỏ ngay. Nhưng chính TT vi phạm thì có ai biết ranh giới bảo vệ di tích ở đâu mà phản đối? TT không công bố ranh giới bảo vệ di tích để TT khai thác kinh tế được dễ dàng. Xây dựng Bđx trên đất di tích bên trái trước lăng Khải Định là một minh chứng cụ thể cho hành động giấu hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích để phạm pháp;

4.2. Thông thường khách du lịch thường đụng chạm đến di tích, cơ quan quản lý di tích là người thổi còi, vi phạm nhẹ thì phê bình, vi phạm nặng thì bắt bồi thường, vi phạm nặng hơn nữa thì đưa Công-ty du lịch dẫn khách đến ra tòa. Ở đây TT làm du lịch, thì TT có thổi còi chính mình không? Chuyện lạ ấy không thể xảy ra. TT bảo tồn di tích cùng là chủ thể làm du lịch trong khu di tích thì di sản sẽ ngày càng xuống cấp là chuyện không thể tránh được. Thông thường cơ quan Quản lý Di tích hạn chế khách tham quan để bảo vệ di tích nhưng tổ chức làm du lịch của TT thì du lịch của TT thu hút được càng nhiều khách vào tham quan lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Chắc chắn lợi nhuận sẽ đánh gục người bảo vệ di tích. Nói cách khác người bảo vệ làm du lích thì làm gì còn quản lý bảo vệ di tích nữa! Chuyện mở quán cà-phê trên Lầu Tứ Phương Vô Sự, chuyện làm nhà phục vụ kinh doanh Thuyền Rồng bên Nghinh Lương Đình, chuyện nhà Đức Từ Cung thành Nhà hàng ăn.v.v. Báo chí đã nói đến nhiều tôi không nhắc lại ở đây. Lãnh đạo cần phải nhanh chóng giải quyết chuyện TT vừa đá bóng vừa thổi còi ở TT. Nếu để chậm thì hậu quả xấu sẽ khôn lường;

Để có thể xây dựng Bđx xe trên khu đất thuộc di tích bên trái trước lăng Khải Định, TT đã không tham khảo ý kiến của Hội đồng tham vấn khoa học của TT, không mở cuộc thi thiết kế và không công khai dự án, xem nhẹ vấn đề phong thủy, giải thích việc xây dựng trên khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích theo ý mình, vi phạm pháp lệnh và Luật Di sản Văn hóa, lấy ý kiến của Bộ VHTTDL không đúng luật. Nếu xây dựng Bđx nầy sẽ để lại hậu quả vô cùng xấu: phá vỡ cảnh quan cấu thành di tích, phá vỡ sự yên tĩnh của khu lăng mộ, vi phạm di tích, tác động xấu đến phong thủy của khu lăng, vừa bảo vệ vừa khai thác du lịch trái pháp luật, làm xấu mặt xứ Huế và khó tránh được hậu quả Unesco hủy bỏ Quyết định công nhận Di sản lịch sử Huế là Di sản văn hóa nhân loại. Nếu TT thấy việc xây dựng Bđx trên đất di tích bên trái trước lăng Khải Định là sai và chuyển qua một địa điểm khác nằm ngoài vành đai bảo vệ di tích (theo thông lệ quốc tế vành đai nầy rộng đến bốn năm trăm m).

Nhưng nếu TT vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm của mình và gấp rút hoàn thành Bđx như hiện nay thì tôi kính cẩn đề nghị Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức một cuộc hội thảo ngay trên khu đất đang xây dựng làm Bđx để TT đối thoại với các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng, báo chí ở địa phương và Trung ương về tính hợp thức và hợp pháp của công trình. Nếu TT bảo vệ được thì Tỉnh cho tiến hành và nếu không bảo vệ được thì để tránh cho Huế một sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng tôi đề nghị Lãnh đạo tỉnh TTH cho dừng ngay công trình xây dựng Bđx trên đất di tích lăng Khải Định hiện nay và giao cho ngành giao thông xã hội hóa xây dựng một Bđx khác đúng quy cách trong một địa phương có nhiều Di sản văn hóa của nhân loại.

Tôi hy vọng lãnh đạo địa phương giải quyết xong việc chuyển đổi Bđx lăng Khải Định qua một địa điểm khác thích ứng để khỏi phiền đến Bộ VHTTDL đến Chính phủ và cao hơn nữa. Mong thay.

Huế, 10 tháng 9 năm 2017

N.Đ.X.

Ý kiến của một số người con xứ Huế:

Nguyễn Hồng Trân nghongtran38@

Trân đã nhân được bài phản biện của anh, Trân cũng đồng tình với ý kiến chính của anh.

Chúc anh và gđình các cháu SK.NHT

Trần Nguyên Vấn trannguyenvan37@

Cảm ơn anh Nguyễn Đắc Xuân cho những thông tin cụ thể về vụ việc mới ở lăng Vua Khải Định. Bài viết này tôi cũng đã đọc trên FB và hoan nghênh ý kiến của anh.Chúc anh có nhiều đóng góp cho Huế.

Thái Kim Lan thaikimlanhue@

Ung ho NDX trong vu nay!

Nguyễn Văn Dũng nguyenvandung41@

Đã đọc. Cám ơn anh Xuân.

Rất tâm huyết. Rất thuyết phục. Chỉ mong sao, cũng như Dự án Vọng Cảnh trước đây, TT dừng Dự án, lắng nghe ý kiến của công luận, nhất là những bậc thức giả và tâm huyết như anh Xuân, để vấn đề được sáng rõ hơn, được chín hơn...

Trong chuyện này, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của anh Xuân.

Đặng Nhật Minh Đạo diễn dangnhatminh93@

Tôi đã theo dõi trên báo mạng vụ này. Rất đồng tình với sự phản biện của anh. Cám ơn anh rất nhiều.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh vinhhoviet@

Gám đốc Trung tâm nghiên cứu-Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tồn và Thích ứng là phương thức chúng ta sẽ áp dụng trong trường hợp này. Việc bổ sung chức năng khu đón trả khách & bãi đậu xe là cần thiết cho việc tham quan của du khách. Tuy nhiên, vị trí đặt và hình thức công trình tuyệt đối không làm biến đổi đến tính toàn thể (uniqueness) của di sản. Khuôn viên Lăng Khải Định và không gian xung quanh trong tầm nhìn thị giác là một cấu trúc tương hỗ, do vậy việc tạo nên một bãi đỗ trống phía trước Lăng với màu sắc và tiếng động sẽ ảnh hưởng đến vẻ trầm mặc, trang nghiêm là nơi yên nghỉ nghìn thu của vị Hoàng đế. Chính vì vậy việc chọn lựa vị trí xây dựng và hình thức công trình nên được tham vấn của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thực tiễn để tránh những tác động xấu không đáng có cho Di sản Quốc gia và Thế giới.

Ngan Le Ho (Đại học Hoa Sen) nganleho@ cùng với Bửu Nam Nguyễn Phước và 3 người khác

Trả lời báo chí, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến của thầy phong thủy Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp”. Đó là một cách lý giải hoàn toàn mang tính cá nhân, thiếu trách nhiệm khi chưa lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng tham vấn và phớt lờ những cảnh bảo về di sản

Đặng Nhật Minh Đạo diễn dangnhatminh93@

Hết chuyện Lăng Tự Đức bị xâm hại nay đến lăng Khải Định. Tôi ở xa nghe mà buồn quá. May còn có anh ở trong đó để theo dõi và lên tiếng. Tôi cho nguyên do đều xuất phát từ đồng tiền cả. Có lần tôi phát biểu trong một bài trả lời phỏng vấn : Ở đâu đồng tiền ngự trị , ở đó tan nát. Có tiền người ta có thể điều khiển được mọi chuyện và chấp nhận mọi chuyện. Mong anh giữ gìn sưc khỏe để còn tiếp tục bảo vệ Huế.

Thân ái

Đặng Nhật Minh

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh vinhhoviet@

Gám đốc Trung tâm nghiên cứu-Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh

Góp thêm ý kiến về lựa chọn vị trí bãi đậu xe khách tham quan lăng Khải Định:

Lăng tẩm các vị vua đóng vai trò rất quan trọng hình thành giá trị di sản văn hoá Huế, cái đã được Unesco vinh danh Di sản văn hoá Thế giới. Cũng từ đó vai trò và vị thế của Đô thị Huế được nâng tầm trở thành Thành phố Festival văn hoá được thừa nhận trong và ngoài nước. Trong khi một số công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích thì các Lăng tẩm vẫn là nơi "an giấc nghìn thu" của các vị vua nhà Nguyễn. Đây là một điểm khác lạ của quần thể di sản Cố đô. Chính vì lẽ đó mà tất cả những tác động đến sự toàn vẹn của di sản cũng cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là thiết lập một bãi đậu trả khách ngay trước mặt Lăng - vốn không có từ trước. Quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy một số tác động xấu do bãi đỗ xe tạo nên như: tiếng ồn do động cơ; tiếng ồn do cãi vả mua bán và chèo kéo khách; hình ảnh và màu sắc không đồng điệu; Tỉ lệ diện tích bãi đỗ xe trống quá lớn so với các thành phần cấu thành di tích. Tất cả những tác động này đối với chúng ta có thể thấy bình thường nhưng dưới nhãn quan của khách tham quan sẽ trở nên khó chịu, bởi đây là nơi tôn nghiêm trầm mặc. Với những lý do đó tôi xin kiến nghị một số gợi ý sau:

1. Lựa chọn vị trí bãi đậu trả khách trong khoảng cách từ 200m-400m (khoảng cách có thể tiếp cận bằng đi bộ-walkable area): xe khách đón trả khách phía trước cổng Lăng sau đó quay về bãi đỗ để chờ nhận lệnh quay lại rước từ nhân viên điều hành tại cổng. Từ bãi đỗ hình thành đường đi bộ dưới tán cây để du khách có thể thiền đi đến Lăng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan xung quanh. Du khách cũng có thể sử dụng xe đạp, xe điện để đến lăng và khám phá phong cảnh ngôi làng truyền thống xung quanh. Vào những ngày mưa, du khách có thể cầm dù viếng cảnh trên con đường đi bộ đầy hoa: một trải nghiệm thú vị. Thêm vào đó, khôi phục lại bến sông để du khách trải nghiệm "con đường thời gian" trên sông viếng Lăng của các Ông Hoàng, Bà Chúa ngày xưa. Trên con đường đi bộ này cảnh quan sẽ hòa du khách lẫn vào thiên nhiên chuẩn bị tâm thế khi chiêm ngưỡng "cung điện ngàn thu" của vua Khải Định.

2.Vị trí phía trước Lăng sẽ trở thành vườn hoa, bán lưu niệm, chỗ ngồi nghỉ chân chờ xe rước của du khách.

Với cách thức này chúng ta vẫn bảo tồn "di sản đang còn sống" mà vẫn phát huy được giá trị để phục vụ cộng đồng mà không ảnh hưởng đến tính uy nghiêm, trầm mặc của lăng Khải Định.

Hồ Viết Vinh

Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc

Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh

Manh Pham

1:58 AM (12 hours ago)

Kính gửi bác Xuân,

Cháu đã đọc bài của Bác viết, cháu rất tâm đắc và ủng hộ Bác, xây dựng một bãi đỗ xe nằm trong khu vực I (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt- bất khả xâm phạm) sẽ phá vỡ, biến dạng cảnh quan di tích, điều này rất nguy hiểm bởi theo bà Irian Bokava- Tổng GĐ UNESCO thế giới " nếu cảnh quan bị phá vỡ nghiêm trọng thì di sản đó sẽ bị loại khỏi di sản thế giới". Cháu hy vọng bài viết của Bác sẽ làm thức tỉnh các nhà quản lý, các nhà quy hoạch hãy dừng lại ngay các hoạt động phá hoại cảnh quan không gian quanh các di sản.

Cháu Mạnh,

Xem chú thích ảnh bên dưới:

H.1. Khu đất 5000m2 bên trái trước lăng Khải Định bị san ủi xây dựng Bãi đỗ xe do TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện.

H.2. Pa-nô công bố đề án xây dựng Bđx trước lăng Khải Định không hề có một chữ một dòng nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình. Một đề án vô chủ.

H.3.Cảnh quan xanh đẹp vốn có của lăng Khải Định.

H.4.TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho san ủi 5.000m2 bên trái trước lăng Khải Định để làm bãi đỗ xe.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1901007540220154&id=100009327789508

[i] Tựa đề của Văn Việt