Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Bằng hữu

Hồ Đình Nghiêm

“À tout le monde

À tous mes amis

Je vous aime

Je dois partir

These are the last words I’ll ever speak

And they’ll set me free”.

Đây là điệp khúc có trong bài hát “A Tout Le Monde” của ban nhạc heavy metal mang tên “Megadeth”. Lời bản nhạc từng bị ngộ nhận nó ẩn chứa một thông điệp, rao giảng về sự lên đường tìm tới một cuộc tự tử. Ban nhạc Megadeth (người Mỹ) đã phải lên tiếng xin lỗi và biện minh về chuyện không hay do một tác phẩm hình thành bởi tưởng tượng gây ngộ nhận ngoài ý muốn. Đó là một ngày ảm đạm của tháng 9 năm 2006 bao trùm trong khuôn viên Dawson College ở Montreal, một tay sinh viên đã dùng súng bước vào cafeteria bắn tuỳ tiện không suy tính làm chết lắm học trò vô tội. Kẻ giết người là đứa yêu chuộng ban nhạc Megadeth và trước khi gây tội ác hắn đã đề cập tới bản nhạc “À tout le monde”.

Đoạn dẫn nhập này xem chừng đi lạc so với dự tính những gì sẽ viết ra, chỉ dính líu chút xíu về chuyện sử dụng ngoại ngữ và có nhắc tới từ “mes amis”. Những người bạn của tôi. Thực ra “hoàn cảnh” tôi giống như câu văn của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn viết vào năm 1972: “Sao cuộc đời không bạn không bè của ta nó vui chi lạ. Như một con ma”. Vui vì cô đơn? Cái này cần phải xét lại. Không có “mes amis” thì cầm bằng như “bonjour tristesse” mới đúng chứ!

Thời gian gần đây, chỉ non tuần trên trang Văn Việt có đăng 4 kỳ “Tản Mạn Văn Hoá Văn Nghệ Và… Văn Gừng” của tác giả Nguyễn Thanh Văn. Riêng bài phân tích đánh số (3) và (4) là đáng đọc nhất, gộp chung dưới tiểu tựa: Nạn “Cuồng dịch” hay phương pháp dịch “hậu google”. Bài (3) phân tích khá chính xác và khá tốn công khi trưng ra vô số lầm lỗi, sai trật “không khoan nhượng” khi chuyển dịch từ tiếng Anh ra Việt ngữ có trong cuốn “Tư Tưởng Triết Học” của tác giả Võ Công Liêm (nxb Hội Nhà văn 2015). Bài (4) thì đề cập tới những hoang tưởng lạc lối, rối mù; về cách dịch ẩu tả, tuỳ tiện với thứ tiếng Việt tù mù và kiến thức Anh ngữ kém cỏi nằm đầy trong phần “Lịch Sử Nghệ Thuật” của tập sách mỏng Tranh Vẽ Võ Công Liêm (nxb Hội Nhà Văn 2013).

Tác giả bài “Tản Mạn Văn Hoá Văn Nghệ Và… Văn Gừng” đã không dằn được lòng khi trích dẫn lời của Paustovsky ở cuối bài viết: “Có một chuyện quái lạ ở nước ta lâu nay là có những cuốn sách dành cho người sáng mắt đọc lại do những gã mù viết!”. Chưa hết, còn đưa ra một dấu than to khủng, ngầm trách những kẻ chịu trách nhiệm trong ban biên tập đã “nhắm mắt” không nhìn thấy những vàng thau khó dung thứ khi xuất bản sách. “Cái chén bể thì quăng vào sọt rác, cuốn sách hỏng chất lượng, ngoài tầm sửa chữa, đã mắc kẹt trong đầu bạn đọc thì tính -xin lỗi- sao đây!”.

Cả hai cuốn sách đều do Hội Nhà Văn xuất bản, dĩ nhiên người trong nước mới có cơ hội (được/bị) đọc phải. Tác giả Võ Công Liêm vẫn chăm gửi sáng tác thơ, văn tới hai diễn đàn Art2All (hải ngoại) và Văn Chương Việt (trong nước). Là một người có lắm “nhà”: Nhà thơ, nhà hoạ, nhà văn, nhà tư tưởng và nhà triết học. Biệt tài của ông là chẳng muốn dắt người đọc đi trên con đường làng ngắn, thẳng và bình yên. Thay vào đó quý vị hãy chuẩn bị tinh thần để đi lối chữ chi, đi zic-zac, đi lăng ba vi bộ, đi quàng xiên lên bờ xuống ruộng một đỗi mới nhìn ra chữ chung với dấu chấm hụt hơi ghi Calgary ngày tháng năm. Phải can đảm, phải đủ dũng lược mới theo chân người về đích tới để nhìn nhận sự huề vốn. Quý vị có quyền tâm đắc lời của tiền nhân: Văn chương hạ giới rẻ như bèo! Võ Công Liêm là người Huế, nghe nói cựu học sinh Quốc Học, nghe nói nhà ở sát thôn Vỹ Dạ, nghe nói đang ở hạng tuổi cổ lai hy.

Vậy còn Nguyễn Thanh Văn? Ui, mạ ơi! Ôn ni cũng Huế mền(h). Cựu học sinh Hàm Nghi (tiền thân là Quốc Tử Giám). Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn, lưu lạc vào Sài Gòn và hiện dạy Anh ngữ cho các trường đại học ở trong đó. Có thơ đăng rải rác ở báo giấy, báo điện tử và đã xuất bản hai tập truyện ngắn. Đang bỏ công học hỏi, nghiên cứu sự thâm sâu của triết học Phật giáo. Tâm lành, xa lánh các đoàn thể hội đoàn ở trong nước, hạn chế kết bạn, ngại gây mất lòng kẻ khác. Một người như thế tự dưng lại viết ra loạt bài rất dễ “thêm thù bớt bạn” như trên thì ắt phải có nguyên do. Động lực duy nhất là Nguyễn Thanh Văn không thích phải chịu đựng những mặt hàng giả. Sơn son thếp vàng cái Ngọ Môn lầu đến mức như phông màn của hát bội cải lương thì ngó chướng lắm. Kệch cỡm và thiếu văn hoá mà Huế từng gồng mình hứng chịu trong những mùa festival.

Điểm đáng xiển dương là Nguyễn Thanh Văn đã đau khổ ngốn cho hết hai cuốn sách của Võ Công Liêm và đau khổ chẳng kém khi phải “vạch lá tìm sâu” chỉ cho những kẻ ham văn nghệ văn gừng thấy khúc đoạn trường: Chúng ta mãi chịu đựng sống với bọn làm bạc giả. Cứ câm như thóc và rồi mọi thứ sẽ lộng giả thành chân. Rung lên một tiếng chuông, trong mọi trường hợp, trong mọi thời điểm đều là việc làm chính đáng.

Là người có máu văn nghệ văn gừng, kẻ viết những giòng này xin được ngỏ lời cám ơn Nguyễn Thanh Văn xa xăm. Và luôn kỳ vọng (có thể bất khả) là Võ Công Liêm sẽ bình tâm viết hẳn một bài (gắng dùng chữ trong sáng, tạm bỏ quên tư tưởng triết học thâm sâu) để nhằm đối thoại cùng Nguyễn Thanh Văn, người bỏ công phê bình những lỗi lầm mình mắc phải. Muốn tiến bộ, phải học hỏi. Muốn làm người tử tế, phải dẹp bỏ tỵ hiềm, tự đánh thắng sự hằn học mù quáng.

Võ Công Liêm hoặc Nguyễn Thanh Văn đều là “bạn văn” của tôi, nếu được phép gọi thế, “à tous mes amis, je vous aime”. Thương yêu, ghét bỏ mãi còn đó là một thứ “công án”. Nói Nguyễn Thanh Văn mang thành tâm trao cùng Võ Công Liêm e chẳng thuyết phục và bảo rằng Văn ghét Liêm lắm chắc cũng là ngoa ngôn. Nó nằm ngoài cái vấn nạn gai góc mà Nguyễn Đức Sơn từng cảm thán:

“Văn chương

cách mạng

lựu đạn

cầm tay

nện ngay

chủ nghĩa

súng tỉa

từng thằng

nhào lăn

trên giấy”.

Sự thật mích lòng, lỗi lầm tiên khởi mà chúng ta mắc phải là cứ giả ngây chẳng dám làm kẻ khác buồn đau. “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” là vì vậy. Có lửa mới có khói. Cảm ơn đốm lửa nhỏ nhoi mà Nguyễn Thanh Văn vừa thắp. Ngọn khói nào sẽ xông mù vào mùa thu?