Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Tản mạn văn hóa, văn nghệ và… văn gừng (2)

Phê và bình kiểu An Nam ta (2)

Nguyễn Thanh Văn

Mở đầu thưa rõ, xin gói gọn vào những ca bệnh cụ thể, không dám đụng vào thứ bệnh dành riêng cho các bậc danh y, nhưng vẫn lỡ đụng tí ti chỉ vì bệnh lan khắp nước mất rồi – Việt Nam thống nhất kia mà – và nói tới hôm qua chỉ để ngầm rằng cái hôm nay đâu phải tự dưng mà có. Bài viết có thể bàn và lẽ ra nên bàn và liên hệ không khí và các sự kiện trong làng Lý luận phê bình văn học trước 1945 và riêng miền Nam trước 1975 – vì cũng trong phạm trù An Nam kia mà! – với đủ ưu điểm và cả những phức tạp của nó, nhưng xin hẹn lại. Còn vì sao ngành Phê bình văn học non 50 năm qua – tính từ 1975 – lại dính tới tình hình Phê bình văn học miền Bắc trước 1975 thì lý do rõ quá rồi. Và giờ thì xin quay lại vài hiện tượng trực tiếp làm nản lòng người đọc của một số người thích mô tả mình là người cầm cương và cầm roi trên trường văn trận bút – thứ trách nhiệm gợi hình ảnh các bác cai quản phu phen thời xửa thời xưa mà ông Trường Chinh công khai giao cho các phê bình gia xã hội chủ nghĩa[1].

Trên có đề cập tạp chí Văn học, chính là tờ báo cho tôi hai thông tin đáng xem là việc giáo sư Nguyễn Văn Hạnh bị đánh tới tấp vì công bố luận điểm thơ Tố Hữu là sự kết hợp giữa thi pháp Thơ Mới và nội dung xã hội chủ nghĩa (thông tin thứ hai tôi dẫn sau). Các bài viết còn đó, tên tuổi các nhà phê bình còn đó. Tôi còn nhớ có vị tỏ ra hậm hực kiểu cỡ ngọn cờ đầu thi ca xã hội chủ nghĩa như Tố Hữu mà lại là đàn em của loại thi pháp của một đám tiểu tư sản, học trò trường Tây bế tắc, khi Đảng đang lãnh đạo toàn dân quyết chiến với thực dân Pháp vẫn còn mộng mị trên “giường chiếu hẹp”[2] thì chịu sao nổi. Thế là đánh. Đánh hội đồng. Chỗ bi hài là “trên” vẫn để cho hai phe giao chiến mà lợi thế người và mồm không thuận lợi cho Nguyễn Văn Hạnh, người hẳn phải mỏi cổ chờ văn hữu tiếp viện trong tuyệt vọng. Và vào phút cao trào, Tố Hữu hiện ra và lên tiếng “phủ dụ” rằng Nguyễn Văn Hạnh có lý. Tác giả Từ ấy bất ngờ công khai thừa nhận ảnh hưởng của Thơ Mới. “Bản lĩnh” của một số nhà phê bình đất Tràng An là ở chỗ nhắm mắt bỏ qua chứng minh, lý luận của đồng nghiệp và sát phạt không thương tiếc, nhưng sau phát biểu của tướng quân văn nghệ là đồng loạt im re.

Nguyễn Văn Hạnh thoát nạn nhưng không khỏi chịu ơn trên, phần các nhà phê bình cảm tử bảo vệ lãnh đạo bị hớ nhưng chắc sẽ không thiệt thòi chi. Phẩm chất liều mình cứu chúa Đảng thường không quên. Còn chuyện có một thứ nghề cầm roi cầm vọt trông đằng đằng sát khí thật, nhưng hóa ra chỉ nhằm đánh bạn bè bằng chiến thuật biển người hoặc dằn mặt kẻ thế cô thì đã rõ. Có dịp tôi sẽ có một bài viết về ông Nguyễn Văn Hạnh dưới cảm quan cá nhân và những thông tin có được. Ông là một trí thức xã hội chủ nghĩa hiếm hoi có cá tính độc lập, thường công khai châm biếm chủ trương “hồng trước, chuyên sau” (có khi là “vừa hồng vừa chuyên”) trong quản lý – khách quan mà nói, với cách suy nghĩ không giống ai trong guồng máy xã hội chủ nghĩa kiểu này, ông đã cứu khối thầy cô ở Đại học Huế, và Đại học Sư phạm Huế nói riêng, khỏi thất nghiệp sau tháng 4. 1975 – và từng là Phó ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (ông Trần Độ là Trưởng ban), thời kỳ có Đại hội Nhà văn lần thứ ba, đại hội duy nhất “rửa mặt” cho uy tín người cầm bút của Hội vẫn tiếp tục “dưới quyền lãnh đạo của Đảng” cho đến tận ngày nay, khi so với các đại hội trước và sau nó. Tất nhiên tôi không có ý cho Nguyễn Văn Hạnh thuộc mẫu không hề có thực: mẫu người không có nhược điểm. Một ví dụ, Nguyễn Văn Hạnh từng có bài ngợi ca Tố Hữu tận mây xanh vào khoảng 75-76 sau khi thở dài với người quen ở Huế “để tớ viết bài nịnh Tố Hữu cái đã!” (bài viết còn lưu trên báo Sông Hương, chưa nói còn có nguyên một tập sách khá dày có đúng nội dung khi ông “thở dài”[3] – còn việc trên trang viết Nguyễn Văn Hạnh thể hiện cái gì và thế nào, tưởng khoan có ý kiến vội vã vậy!) như món quà tặng ân nhân năm xưa, trước khi mở đường trở lại Tràng An, mở đầu cho giai đoạn hóa ra sóng gió nhất trong đời ông; còn vì sao biết là “nịnh” mà lại thu xếp để “nịnh” lại là một …chuyện dài khác, có lẽ nên lấy tên “bi kịch trí thức xã hội chủ nghĩa”. Người xưa hiểu điều này hơn người đời nay khi xếp tài hoa của kẻ sĩ như nhan sắc mỹ nhân – dẫu mỹ nhân từng qua tay Mã Giám Sinh, vấp cỡ Bạc Hạnh, Sở Khanh … Đêm đêm cắn răng nằm sát phòng Thúy Vân, Kim Trọng thao thức không ngủ được, vẫn quyết không từ biệt những giấc mơ. Cá nhân tôi tin rằng ngay cả khi còn gượng giữ ý với Thúy Vân, Thúy Kiều không thể không mơ mơ màng màng một ngày gặp gỡ khách viễn phương complet, cravate, nói theo từ thời đại là gặp Việt Kiều về thăm quê hương – điều chúng ta không ai không cảm thông. Kẻ sĩ khư khư ôm tài riêng như người đẹp tỉa tót nhan sắc chờ tri kỷ, cũng không hẳn đáng trách. Người Trung Quốc quá rành chuyện Hàn Phi ôm bí kíp phù Hàn, hòa Tần, nhưng sau khi yết kiến vua Tần thì chuyển thành phù Tần, diệt thiên hạ – tất nhiên là diệt luôn Hàn, cố quốc của mình –, cốt áp dụng cho được bí kíp của mình, hòng lưu danh thiên cổ. So với chủ nghĩa cá nhân thơm mùi cơ hội chủ nghĩa của kẻ sĩ họ Hàn thì hành trạng cuối đời sau quyết tâm “nịnh” đại quan Tố Hữu của Nguyễn Văn Hạnh đáng nể hơn nhiều. Chỉ đoán được Tố Hữu ắt từng than mình rước nhầm hổ con mà tưởng là thú cưng! Và Nguyễn Văn Hạnh cũng là tác giả câu “Các đồng chí nhà văn đừng quên rằng trên thế giới duy nhất chế độ ta trả lương cho văn nghệ sĩ” bị các nhà văn phản ứng tại chỗ (người đăng đàn góp ý thẳng thừng theo tôi biết là nhà thơ Trần Ninh Hồ). Ông Nguyễn Văn Hạnh phát ra câu nói kì cục này thật ra sau khi bị Tố Hữu rủa cho một trận vì một phát ngôn tử tế trước đó “Các đồng chí phải chọn một chỗ đứng để vừa chỉ ra được cả ưu điểm lẫn tồn tại [từ này không hiểu sao lại có nghĩa là khuyết điểm trong cách dùng lâu nay] của chế độ xã hội chủ nghĩa của ta”. Trong các phát biểu “dựng” nên ưu điểm và nhược điểm của bản thân, đại khái Nguyễn Văn Hạnh đều rõ ràng, dứt khoát, không ương ương dở dở như những người ham an toàn khác.

Cuối chuyện xin nhắc câu nói ông Tố Hữu chỉnh Nguyễn Văn Hạnh ngay sau phát biểu của ông về nhiệm vụ của văn nghệ sĩ tôi dẫn ở trên: “Chế độ xã hội chủ nghĩa của ta không có tồn tại [khuyết điểm]!”. Kết luận đầy ấn tượng của Tố Hữu giải thích được kết luận cũng không kém ấn tượng của đàn em Hồng Chương trước đó. Phàm một thế giới không có khuyết điểm thì ắt không có chỗ cho bi kịch! Chuyện ngỡ như nói đối phó, theo tình huống để nắn gân cấp dưới, nhưng đấy cũng là đường lối, với nhiều người là phương pháp sáng tác chủ đạo. Và tưởng cần nhắc thêm đấy không chỉ là tư duy kiểu sứ quân của các bậc lãnh đạo võ biền hay phép bay bổng của thi ca, vinh quang phát hiện luận điểm vĩ đại “Xã hội xã hội chủ nghĩa không có bi kịch” thuộc về một nhà khoa học xã hội, đại học sĩ Vũ Đức Phúc. Sự phối hợp văn võ quả mang đúng tinh thần quyết liệt và đoàn kết mà văn học dân gian từng ghi nhận một cách chính xác “Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”. Với hình ảnh thứ vú phải tiết sữa hồ hởi lạc quan mỗi lúc bị nắn bóp, ai dám nói văn nghệ sĩ ta không đáng thương.

Sau này tôi từng mục kích sở thị một bài viết – đăng trên báo Công an TP HCM – có đề nghị lãnh đạo “cấm cách viết đa nghĩa trong sáng tác văn chương”. Rất may bài viết không giới thiệu ra với thế giới, dù ra với các nước anh em – hay chủ trương này vốn có sẵn từ các nước anh em rồi. Và cái may thứ hai không có lệnh trên cho áp dụng ngay đề nghị lẽ ra không do một người cầm bút xướng thì đỡ sỉ nhục hơn. Áp dụng thứ “thẩm mỹ” đó hóa ra ông Hồ Chí Minh phải chữa lại truyện “Rồng Tre”, sao cho rồng tre mãi mãi là rồng tre không dính tới vua bù nhìn Khải Định. Thuê người chữa lại bài thơ “Tiến sĩ giấy” của cụ Nguyễn Khuyến. Và phải giảng lại bài “Con Cóc trong hang…” rằng con cóc là con cóc, tốt nhất khẳng định bài này là sáng tác của một con cóc, không ngụ ý chi thâm độc tới loài vạn vật chi linh. Nếu bạn hỏi cho kỳ được ai là tác giả kiến nghị đòi “xử trảm” – cấm ngôn ngữ đa nghĩa trong văn chương nghệ thuật cầm bằng thiến dái người ta rồi, còn đẻ đái khỉ chi nữa, và còn quái văn nghệ mô nữa mà lãnh đạo hở trời! – là ai thì cho tôi hỏi ngược lại đã xuất bản Toàn tập Diệp Minh Tuyền chưa; nếu có, phiền các bạn dò xem trong Toàn tập có hay không cái kiến nghị vô tiền khoáng hậu của một người cầm bút tự nguyện “thiến dái” tập thể này (do còn có cả chị em cầm bút nên phải bổ sung “và tự nguyện cắt buồng trứng tập thể”, nghĩa là còn dã man hơn cả hủ tục cắt âm vật tức “mồng đóc” ở châu Phi – chua thêm từ dân gian kẻo có bạn đọc không quen từ Hán Việt). Nếu không có thì vụ cắt bài ni coi bộ tương đương vụ thi hào Tố Hữu gạt bài thơ khét tiếng ca ngợi Stalin ra khỏi Toàn tập của mình thôi. Tất nhiên Diệp Minh Tuyền không có vinh quang phát minh ra “tư tưởng lớn” này, mà chẳng qua chỉ là tiếng vọng lời răn đe từ khuya lắc khuya lơ của Tổng Bí thư Trường Chinh về vụ cấm tiệt thứ mà ông gọi là “biểu tượng hai mặt” trong nghệ thuật.

Thời đại ngỡ lời Trường Chinh ắt phải là vàng là ngọc và thơ của ông tất nhiên cũng là những áng văn chương để học tập, đã (hiểu ngầm) qua mất rồi. Bằng cớ là thơ Sóng Hồng hay Lê Đức Thọ không còn tràn ngập trên trang nhất các báo Xuân. Thứ nghệ thuật từ Paris mà Trường Chinh dè bỉu là tắc tị và rác rưởi cũng tràn ngập thị trường và cả một vị từng thay ông cầm chịch mặt trận văn hóa văn nghệ – ông Nguyễn Khoa Điềm – công khai ca ngợi hội họa hiện đại, khuyến khích người cầm bút tìm cảm hứng trong những tìm tòi táo bạo của họ. Bên kia biên giới anh em, nơi sự khinh bỉ văn nghệ hiện đại một thời còn cao hơn lãnh đạo cộng sản xứ ta một bậc, cũng xoay chiều. Trong một trang tiểu thuyết ngôn tình Trung Hoa, nữ văn sĩ mô tả chi tiết từ màu nệm, gối, tường phòng, da dẻ nhân vật, đặc biệt da cặp đùi đang dạng hết cỡ và ngay trên đầu gối nàng vài tấc, tất nhiên trên tường căn hộ, là một bức tranh …post-impressionist (hậu ấn tượng) to tướng! Không cần nói thêm đấy là tranh chép, e hỏng ấn tượng văn hóa mà nhà văn nữ đang cật lực tô vẽ cho nữ nhân vật thời mở …tất cả các cửa! Để phù hợp với các bố cục kỷ hà học – tường chữ nhật, trần vuông, vú vòm (dome), chân dạng hình chữ V lớn và cọng cả chữ “v” nho nhỏ vằn vện đi kèm – nhà văn nên trang trí một bức tranh lập thể (cubist) mới phù hợp. Tiếp tục ý chính, nếu không do thanh vọng ông Tổng Bí thư quá lớn, thì chỉ cần trích dẫn chính các chi tiết, hình tượng có tính biểu tượng trong thơ Sóng Hồng là đủ để phê phán lại quan điểm của vị Tổng Bí thư đầy quyền lực một thời. Ví dụ liên quan ông Trường Chinh cũng cho thấy quan điểm nổi tiếng thế giới rằng “không có con đường riêng đi tới Chân Lý dành cho các bậc đế vương” quả có giá trị tương đối. Tùy theo thủy thổ, chân lý của Đức Vua có thể thống trị mà chẳng cần quy luật, phải trái chi cả!

Xin chuyển qua thông tin thứ hai tôi đọc được cũng từ tạp chí Văn học (chú ý bài đăng trước 1975), liên quan một ý bình thi ca của ông Hồ Chí Minh. Để khỏi dài dòng xin nhắc chính xác ý này của tác giả – vả lại cũng không ai có thể diễn tả ngắn gọn hơn được: “Thơ Bác kì diệu lắm chúng ta không hiểu hết đâu!”, “Chúng ta không hiểu hết đâu, thơ Bác kì diệu lắm”. Chao ơi, thơ Bác kì diệu thiệt vì sự kì diệu đã lây lan để câu bình thơ ăn theo cũng thành kì diệu nốt. Chỉ bối rối cho đám đông ngu dốt – vì ngu dốt nên phải cần tới giới phê bình – cứ loay hoay không dám hỏi tại sao chỉ có bậc đại học sĩ là được trời cao kia thiên vị ban cho cái thiên tài phê bình tới mức không hiểu mà vẫn kết luận được là kì diệu và xác định như đinh đóng cột là kì diệu mà không cần phải giải thích gì cả. Hay ở đây ngụ ý không chỉ Tố Hữu mà cả nền phê bình xã hội chủ nghĩa đều mắc nợ Thơ Mới, riêng đối tượng tập thể sau hẳn nợ câu “Ai đem phân chất một mùi hương” (Xuân Diệu), đặc biệt lại là hương bay ra từ Phủ Chủ tịch!

Tên người đáng gọi là sáng lập viên ra môn phái phê bình “kỳ diệu”, trong giới võ lâm gọi là vô chiêu này, xin để những ai tò mò tự tìm lấy. Có thể đoán ra hoạn lộ khá thênh thang của nhà phê bình sau khi ra mắt môn phái độc đáo của mình.

Nhân nói chuyện đăng thơ, nhớ việc lâu nay vắng thơ lãnh tụ trên báo Xuân. Thơ lãnh tụ là lập trường. Đăng thơ lãnh tụ là chứng minh lập trường kiên định của lãnh đạo báo. Quy định dù không hẳn thành văn ai chả biết. Điều nực cười là khi cũng lãnh tụ đó về hưu hay bị mất chức thì báo ngưng đăng lập tức. Có những người vờ không biết là nếu thơ hay thì có về hưu thơ vẫn phải hay. Một ví dụ “kinh điển” cũng liên quan tới văn nghệ là chuyện khi ông Võ Nguyên Giáp ra khỏi Bộ Chính trị thì trong lần tái bản tập sách gồm các bài phát biểu về văn nghệ thì tên và bài cũ ông bị gạt ra. Xin nhớ lúc đó Võ Đại Tướng vẫn là một ủy viên Trung Ương Đảng, nghĩa là không thuộc danh sách chống đảng, phản đảng. Hậu quả là quý thầy cô dạy văn ngơ ngác: Vậy nội dung phát biểu của ngài cựu ủy viên Bộ Chính trị mà họ lỡ trích dẫn, tán tụng cho học trò trên lớp đúng hay sai, còn hợp ý Đảng không đây? Điểm tích cực là lối giới thiệu sáng tác theo chuẩn tạm gọi là NỊNH PHÁP này đã dần biến mất, dù không giải thích. Tiếc là hiện tượng trên tiếp tục sống sót dưới dạng mới và thế chỗ các lãnh tụ là quý tổng biên tập.

Dạo mới vào miền Nam tôi hay có dịp kháo chuyện với một đồng nghiệp thông minh và khá láu lĩnh người Hà Nội. Một chuyện nhớ mãi là anh ta nhận xét phước đức cho đất nước vì không phải tất cả ủy viên Bộ Chính trị đều làm thơ, không thì còn đếch cột báo nào cho đám sính thơ phú nhà ông đăng bài. Ham chuyện, anh ta lại bịa nghe nói một nhóm nhạc sĩ được giao nhiệm vụ đặc biệt than vãn bị thất nghiệp gần mười năm nay. Tôi hỏi nhiệm vụ đặc biệt mà thất nghiệp là làm sao thì đồng nghiệp Hà Nội cười ha hả giải thích đó là nhóm nhạc sĩ được Hội Âm nhạc Việt Nam phân công nằm trường kỳ mai phục đợi có hiện tượng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn bỗng làm thơ, là ngay lập tức phổ nhạc, dựng nhạc kịch, công diễn trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Thiệt may cho dân tộc, mười năm liền nhóm này vẫn tiếp tục thất nghiệp! – người Tràng An bình tiếp.

Mượn chuyện đùa ác của dân Hà Nội để nói một cái phúc thứ hai cho xã hội là không phải ông bà tổng biên tập nào cũng sính sáng tác, không thì nhiều văn thi sĩ chỉ còn nước đăng trên báo tường …nhà. Hiện tượng thơ nhạc của ông Hữu Ước chỉ xuất hiện trên báo Công An cả nước đã biết. Ở Sài Gòn, bạn đọc hâm mộ thơ ông Dương Trọng Dật buồn hẳn từ khi ông thôi Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng vì đỏ cả mắt tìm thơ ông không thấy. Ông Nguyễn Vũ Tiềm thì gây chấn động vì lập kỉ lục Guinness là nhà thơ Việt Nam có số lượng thơ xuân đăng trên một số báo cao nhất nước. Chỗ chưa thật thà cho lắm là ông quên ghi sau từ “báo” chữ “nhà” (tạp chí Tài Hoa Trẻ).

Nhân đây tôi kể một lần nhận điện thoại một giọng lạ xưng tên là Hồ Đăng Thanh Ngọc, tân Tổng Biên tập báo Sông Hương, muốn ghé qua nhà bàn việc mời cộng tác với báo quê mềnh. Tôi đề nghị ông lên thẳng Café 27, chỗ tôi cà kê 1/4 thế kỷ nay, tiện giới thiệu số văn hữu châu Ô, châu Rí một thể. Việc ông Tổng Biên tập trẻ cất công tìm thi hữu đồng hương ở chốn xa đáng gọi là khiêm cung và dễ thương. Hôm đó tôi có góp ý – theo yêu cầu của Hồ Đăng Thanh Ngọc – rằng về nghệ thuật nghe nói ba miền có ba giọng chính. Chữ nghĩa miền Bắc súc tích, ít thừa lời, giọng thâm mà sắc – những đặc điểm cổ điển của văn chương. Ngay trong lời ăn tiếng nói, dù có tiếng nhiều lời, ham lý sự, cách nhả chữ của người Bắc cho thấy trọng lượng của một chữ nặng tới chừng nào – “Hãi!”, “Kinh!”, “Khổ!” – thích hợp kỹ thuật kiệm lời được lưu ý từ thời Tư Mã Thiên đến Hemingway. Không ngạc nhiên đất Bắc đẻ nhiều văn tài. Chỉ ngại non tay từ sắc sảo hóa ra ác khẩu, vướng cái tội tâm phật, khẩu xà.

Anh chị em miền Nam nổi tiếng lối văn thoát khỏi bệnh ham màu mè thuật ngữ, có mùi dân chủ hóa văn chương. Đừng quên những trang văn giản dị, tuồng như không làm văn mà thấm thía chỉ có bậc cao thủ văn chương làm nổi. Nhưng có khi không ít anh chị nhân danh chủ nghĩa “có sao nói dzậy người ơi”, lại lạm dụng hơi hảo hán, sông hồ nên đọc đôi lần thì thú vị, riết thấy nhạt. Thì ra giản dị như một bản lĩnh văn chương khác với thói quen giản dị nhiễm tự nhiên từ ngôn ngữ cộng đồng. Xin lưu ý đây chẳng qua là ý kiến cá nhân cầm chắc chủ quan và thuộc dạng “nói chung”, vì chỉ cần đơn cử giọng Trang Thế Hy và Nguyễn Ngọc Tư – riêng Nguyễn Ngọc Tư chỉ liên quan tư cách tác giả Cánh đồng bất tận, những truyện khác của chị không hạp nhãn người viết lắm – là phần lập thuyết dài dòng của tôi về văn chương phương Nam bị đánh đổ ngay. Chưa nhắc ông Sơn Nam làm nên tên tuổi chỉ nhờ vốn sông hồ phong vị phương Nam thì sao.

Về văn chương xứ Huế quê mềnh – tôi có lời thưa tương đối dài dòng với ông Hồ Đắc Thanh Ngọc – những đặc điểm làm nên thương hiệu Huế đã rõ. Tinh tế, giàu tình tự nên truyền cảm và xu hướng triết luận rất quý và hiếm trong văn chương – tiếc xu hướng sau từ lâu đã tắt đài, khi vận dụng vào tác phẩm kém bản lĩnh nên thường thất bại. Người vận dụng được mặt mạnh này khá nhất có khi là những người thuở xưa như Ngô Kha, Lê Văn Ngăn (Lê Văn Ngăn có cả tìm tòi và đóng góp thành công về mặt cách tân thi pháp rất đáng ghi nhận, dù ông đã lặp lại chính mình khá nhạt nhẽo nhiều năm trước khi qua đời) và lạ nữa là ca từ của Trịnh Công Sơn lại góp phần quảng bá “ngôn ngữ nghệ thuật Huế” tốt vào bậc nhất ở khía cạnh lãng mạn, tinh tế và xin lỗi cả chút hương vị làm dáng, nếu không nói là tí màu mè của người cố đô. Tôi thường tiếc thời thế đã lấy mất quá nhiều thời gian của Thái Ngọc San, nếu không chúng ta sẽ có thêm những bài thơ có giá trị của cố thi sĩ. Theo tôi, dù ít ồn ào, Phạm Tấn Hầu có không ít tứ thơ đầy gợi ý, bắt mắt tri âm. Sau 1975, Trần Thuỳ Mai và nếu xem "nhà văn Phố Hoài" Hoàng Thị Thương cũng là Huế mềnh thì quả họ giữ được một giọng riêng (nhỏ nhẻ, tinh tế và sâu lắng) rất đáng trân trọng, nét văn đang lùi dần, mất dần trong chốn văn trường sính chửi thề và thật không may, đến giới phê bình cũng có xu hướng ái mộ sắc giọng the thé, đanh đá một tí, vốn là mặt yếu của con gái nhà lành. Người Huế cần tự hào đã có một lớp nhà văn nữ một thời quậy tung văn đàn miền Nam với Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng …và tự hào vì một nửa lượng tạp chí văn chương ở miền Nam trước 1975 được tiêu thụ ở đất cố đô. Tôi gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu vài lần và nhà văn Hoàng Ngọc Biên ở Mỹ về chơi đúng một lần, hai anh đều nhắc tới vụ tirage này với vẻ hứng khởi và cảm động, làm cho tôi không đắm đuối chi ca từ “có nơi nào hơn được” cũng đâm hài lòng về hộ tịch Huế của bản thân.

Cái chết là văn chương và tính cách Huế cũng như giọng và ngữ điệu nữ tính của người cố đô thiên hẳn về tình cảm, nhạc cảm mà phàm cái chi thiên lệch đều dễ sinh chuyện. Cũng không có chi mơ hồ ở đây, nghệ thuật là chuyện liều lượng. Thêm một tí hoàng liên hay cam thảo bệnh có khi nhẹ thành nặng, từ nặng đi luôn không trở lại. Nên ý đồ “triết luận” mà nội lực yếu thành lù mù. Cố cho sentimental nên thành oversentimental chăng. Có khi khái niệm “oversentimental” (ủy mị/ ướt át/đa cảm) này nên dịch qua tiếng Việt là “sến” chăng! Chuyện trai gái tán tỉnh nhau cần bao nhiêu ký sến tôi không rõ, nhưng “sên sến” tí ti là đủ đô cho nghệ thuật rồi. Một mặt rất Huế nữa là tỉ lệ người làm thơ rất cao, phần lớn đọc thơ nhau, tự tạo ra nguồn bạn đọc ngay trong thi xã, văn đoàn của mình, nên văn thi sĩ Huế hiếm khi tuyệt vọng về tài năng của mình. “Con người sẽ không bao giờ thật sự trưởng thành nếu chưa từng tuyệt vọng về chính mình”, một khuôn mặt văn hóa Pháp từng nhận xét. Là vùng đất có truyền thống văn chương văn hóa và nhận ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu đậm, lại từng kinh qua dâu bể thăng trầm, cứ ngỡ người Huế còn thấm câu nói sâu sắc và sâu cay này. Cần nói thêm việc bàn một bên là giọng văn chương miền Nam và miền Bắc, một bên là giọng văn chương Huế mềnh là không ổn rồi. Văn chương miền Trung mà thiếu văn chương đất Quảng Trị, Quảng Nam, các tỉnh Nam Trung Phần thì khác chi tự chặt tay chân mình (chưa nói hiện nay xếp [văn chương] đất Quảng Bình ra tận Thanh Hóa là miền Bắc liệu còn ổn hay không!). Chỗ tế nhị của người viết là thiệt ra câu chuyện xảy ra trong một dịp cụ thể và nhằm góp ý cho một tạp chí cụ thể trên đất Huế.

Quay lại ý liên quan nghề tổng biên tập, ý thứ hai tôi nói với Hồ Đăng Thanh Ngọc, rằng “Trước ông là Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Thạch. Ông nhà thơ này nhận không biết bao nhiêu là lời khẳng định, đại khái “đóng góp chủ yếu cho dòng thi ca Việt Nam thế kỷ 20”, “kết hợp nét hiện đại và cổ điển” [chủ yếu như tôi tản mạn ở trên vẫn trên báo nhà và trong những lời giới thiệu các tập thơ của lãnh đạo nhà]. Từ hôm nay [tôi nói cái mốc thời gian lúc có buổi nói chuyện] hãy thử xem dòng bài vở gửi về Sông Hương có còn sôi nổi bình thơ Nguyễn Khắc Thạch nữa không. Và nhân tiện xem các nhà phê bình – ở đất Phú Xuân văn hóa cao, tiêu chuẩn nên là tiến sĩ thì phải – có bắt đầu phát hiện và tập trung ca ngợi thi tài Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập mới, hay không để biết người ta đang khen Tổng Biên tập hay nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch và Hồ Đăng Thanh Ngọc”.

Thú thật, dù không tích cực góp bài và không kiểm tra tình hình làng phê bình Sông Hương sau đó, nhưng các bạn làm chứng cho, nói với nhau, thiện ý với quê mềnh rứa cũng đủ rồi hỉ. Nói thêm – như các bậc phụ huynh đất Châu Ô, Châu Rí vẫn dạy con cháu – “chỉ tổ cho thiên hạ nó oán”. Có thêm một lời thì rằng giới phê bình địa phương đâu chỉ có ích kỉ khen đương kim lãnh đạo báo, mà họ còn khen nhau đầy lòng quảng đại. Một thí dụ cũng “kinh điển” là câu khen của một vị dành cho thơ của một người bạn cũ của tôi thời sinh viên – tiến sĩ Bửu Nam – được đăng nhiều nơi là “kết hợp nét cổ điển và hiện đại” (nghe quen quen!) và câu tiếp đầy cảm khái “phải chăng đây là thi pháp của thế kỷ 21!” (lại “phải chăng”!). Lưu ý câu nhận định táo bạo và nhân hậu này thuộc về thế kỉ 20, tất nhiên rồi. Đọc mà nản cho ông Hữu Thỉnh và Tạp chí Thơ quá, lo việc vặt vãnh gì đến độ để sót cả thi hữu đi trước nhân loại cả thế kỉ.

Cuối bài tôi điểm qua chút cung cách và từ ngữ trong các bài đại khái là phê bình văn học lâu nay. Xem nhẹ các bài giới thiệu dạng book review trên báo chí là không hợp thời. So sánh với dạng viết bác học vài thập kỉ sau khi tác phẩm ra đời mới công bố mới thấy chỗ đóng góp kịp thời của báo chí. Trầm tư hàng thập kỉ chuyện giao lưu với thế giới, đến khi quyết xong thì thấy đầu sách gồm Sống như Anh, Thơ Hồ Chủ tịch, Hòn Đất …! Ngay nếu các tác phẩm vừa liệt kê thực sự có giá trị văn học cao thì không khỏi tẽn tò cho văn chương Việt, vì sao chúng được xuất bản cách đây hàng thập kỷ, có khi trên dưới nửa thế kỷ, mà tiếng tăm chưa tới bên ngoài hay địch có âm mưu ngăn chặn chi đây? Và hiệu quả quảng bá văn hóa ở đâu? Vẫn Sống như Anh, vẫn Thơ Hồ Chủ tịch, vẫn Hòn Đất …sau bao biến thiên trên tất cả lĩnh vực, có cả mở cửa giao lưu với thế giới tiến bộ không ngừng bên ngoài, thì hóa ra công việc lãnh đạo văn nghệ đã thất bại hay sao? Thực tế văn chương Việt từng có khí vị mới, có cả tác phẩm thành công, điều mỉa mai là các tác giả vượt lên cái mặt bằng …vĩnh cửu xã hội chủ nghĩa, được bạn đọc trong và ngoài nước công nhận thì lại bị giới học sĩ chính thống đánh cho không vuốt mặt kịp. Có những vị tích cực tới độ ra sức ép –nghe đồn có cả sức ép của món nhuận bút cao bất thường – những ai từng “lỡ” khẳng định các ông Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh phải thề “từ sau xin chừa”. Có kiểu hưng phấn văn chương mô vừa lạ vừa kỳ như rứa không! Bỏ khuôn mặt của Thiệp và Bảo Ninh thì văn chương Việt sau 1975 cũng sẽ có bộ mặt kiểu của nó, nhưng bớt sang trọng đi nhiều, nếu không nói đã khá dị dạng sẽ dị dạng thêm. Truyền thống nhà văn An Nam – thành thật xin lỗi Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh – khổ như chó là rứa đó! Ở phía khác, phía chẳng đặng đừng, phải nặng lời với văn hữu có sướng chi hơn – thần kinh nhà văn, dù dạng hèn hay dũng cảm, nhạy lắm. Tôi có bụng quý văn ông Nguyễn Khải, hồi ông “gác kiếm” về quận 4, ít ra tôi có ghé vài lần, có khi mới ông ra quán cóc nói chuyện khá rôm rả, không cần giữ ý. Một lần tôi nói văn ông Nguyễn Huy Thiệp là đỉnh của văn chương Việt Nam từ 1975. Ngỡ ông phật ý, nhưng ông đồng ý và có vẻ hoạt bát hẳn lên khi khen ngợi Thiệp. Tính ông khi khen hay quá lời, cứ ngờ ngợ – ai quen ông chắc hiểu nhận xét của tôi. Nhưng không hồ nghi gì nữa, văn của đàn em đã gây effet mạnh mẽ với đàn anh. Rồi tôi có ý trách ông sao lại “xét lại” đánh giá đối với Nguyễn Huy Thiệp. Ông lúng búng chi đó; nói hơi hỗn, khi thấy mặt ông đỏ ửng lên, thương ông, tôi lảng qua chuyện khác. Nếu giận và tự ái với thằng em vô danh đa sự, hẳn ông đã không dặn: “Mình gác kiếm rồi, nhưng ông Văn [lớn nhỏ gì ông Nguyễn Khải cũng gọi bằng “ông” tuốt] thì cứ về chơi, nói chuyện thích đó”. Tôi không lạ chuyện người nghi ngờ những trang viết “ông tôi”, “toi, moi” hỗn xược của nhiều người về quan hệ với các bậc danh sĩ – điều kiện ắt có và đủ phải là các vị danh sĩ đã khuất núi, vô bằng vô chứng –nhưng cứ “chép” hết ra thế, ai nghĩ chi cũng OK, chẳng trách. Chuyện Nguyễn Khải đã suy nghĩ gì trước khi nhắm mắt đã rõ. Khẩu khí mạnh tới nổi tôi có mạn phép nói vui với nhà văn Nguyên Ngọc: “Có cảm tưởng di chúc của Nguyễn Khải do ông Nguyên Ngọc chấp bút và tác giả Gặp gỡ cuối năm ký tên”. Vấn đề không phải là đồng ý với người đã mất hay không, mà ở chỗ đa phần các nhà văn của ta không hề được sống đơn giản, trung thực như họ thực muốn.

Sống trong một xã hội từng được gợi ý công khai là không có bi kịch, tác phẩm của họ – nói riêng của các ông Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Khải – vẫn xoáy sâu từng khía cạnh bi kịch của đồng bào mình, của những người lỡ vận trôi giữa dòng chảy của đôi bờ vô cảm, vậy họ không quên thiên chức nhà văn. Nhưng riêng chuyện khắc khoải riêng tư cũng chỉ dám nhét vội vàng vào gói hành lý dôi ra, ném lại cho người ở lại công bố trước chuyến đi vào vĩnh cửu hay hư vô (?), nghĩa là tới bi kịch của mình cũng có phần lén lút và lấp liếm, thì một mặt liệu họ có dám nói hết sự thực hay chưa và mặt khác, tính tragic của xã hội ta đã đạt quy mô nặng nề và ngậm ngùi tới dường nào! Trong thực trạng như vậy – một thực trạng mà bọn bồi bút quyết chỉ thấy cuộc sống đang đi lên về mọi mặt mà chỉ bọn bị ô nhiễm chính trị là bất lực không thấy và không nhất trí – nhà phê bình văn chương là ai nếu đồng thời với màn diễn hươi chiếc roi đã vô dụng từ lâu với dáng dấp của gã cai đầy hãnh tiến đối với phu phen, mà không thấy rõ bi kịch của người cầm bút, bi kịch của ông chủ ngỡ mình là đấng Tạo Hóa trong khu vực Ngài chưa từng hiểu rõ và đặc biệt bi-hài-kịch đã đạt mức đáng thương hại của chính mình, của giới lý luận phê bình chuyên nghiệp (và giới phê bình tài tử …ăn theo).

Một căn bệnh trầm kha của giới chuyên nghiệp là bề mặt điều động từng sư đoàn chữ nghĩa với hàng nghìn thuật ngữ để khẳng định cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan rồi Nam Cao, Thạch Lam, rồi Nguyễn Minh Châu …mà không đưa được cái gì mới mẻ hơn người khám phá trước mình – tiêu chuẩn số một của học thuật. Giọng hùng hồn sang trọng nhưng xem xét kĩ chỉ chọn kỳ được đề tài an toàn, tác giả ít nhất cũng phải tương đối an toàn. “Lỡ” khẳng định văn chương các ông Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh thì vội đính chính, xin rút lời công khai trên báo …Công An khi “Ở TRÊN” có đánh giá mới. Khi đích thân ngành công an – ở đây là sáng kiến của lãnh đạo báo công an – dấn thân thì các nhà văn, mượn cách nói xuất sắc của nhà thơ không còn trẻ Phan Hoàng là “có máu mặt”, cũng phải “teo bu-gi” thì có chi lạ. Con người ta mấy ai có nổi hai bu-gi mà dám liều với ngành an ninh kia chứ. Còn hiện nay báo công an trăm công nghìn việc nên báo văn nghệ TP HCM đứng ra lo phong trào đấu tố, xin lỗi, đấu tranh, đại khái chứng minh ông Nguyên Ngọc là phản động, gọi ông Ngô Bảo Châu là phản bội, nghe đồn cố giữ phong vị bảo vệ trận địa văn hóa gần bằng khí thế thời cải cách ruộng đất chắc gây cảm khái cho nhiều câu lạc bộ hưu trí!

Một cái bệnh nữa, đối với người thì phê nặng lời, với phe ta thì thiên về mơn trớn. Chỗ này đáng cho các nhà phê bình là giáo sư có học vị, học hàm ngẫm nghĩ thêm, chưa bao giờ thấy một cuộc tranh luận thẳng thắn, công khai, thú vị, lành mạnh nào giữa các thầy cô, giữa các trường phái học thuật các trường, chưa nói trong cùng một trường, vốn là sinh hoạt bình thường của bậc trí thức. Lịch sử các trường phái văn chương và các trung tâm phê bình văn học thế giới không hiếm trường hợp gắn với tên tuổi của một trường đại học. Thái độ hiếu hỉ, nhất trí cao – xin lỗi – trên mức thường xuyên giữa người làm nghề phê bình nên xem là hiện tượng bất thường cho học thuật nước nhà. Có vẻ các thầy thường có dịp gặp gỡ nên dễ tim ra điểm chung trước, y như việc trao đổi trước các chỗ cần phản biện trong báo cáo luận án của các đệ tử …chung. Những “Đôi điều về…”, “Mấy vấn đề phương pháp luận về”, “Minh oan cho…”, “Về nghi án…”… không một phát hiện, dấu ấn trí tuệ của các thạc sĩ, tiến sĩ đã nản lòng thiên hạ từ lâu lắm rồi. Thực tế, chỗ “vơ đũa cả nắm”, cười cợt giới có học vị đã bị đẩy xa quá giới hạn, trên thế giới và nói riêng ở những trung tâm văn hóa của nhân loại như Paris, Berlin hay New York, giới đại học vẫn đảm nhiệm vai trò tiền phong trong ngành nghiên cứu và lý luận văn học, nếu không nói ở tỉ lệ nào đó trong cả lĩnh vực sáng tác. Chê đám tiến sĩ giấy – do đó – còn có mục đích bảo vệ người có tài, có lực thật sự trong giới có học vị, học hàm vậy. Có lẽ chỗ khác biệt mà thế giới chưa chịu hiểu cho trí thức ta là ở xứ người lấy bằng cấp để xác định trình độ căn bản hầu đi vào con đường nghiên cứu gian nan. Riêng xứ ta có trong tay tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ là ngưng nghiên cứu ngay – thực tế đại bộ phận ngoài cái luận án “đôi điều…”, “phải chăng…” và “mấy vấn đề liên quan…” tầm thường, đôi khi trớt hớt là vội lao vào tranh đấu một suất trưởng khoa, hiệu trưởng – tầm chiến lược thì vụ trưởng và… và… – thì làm chi có chuyện nghiên cứu mà nói ngưng với bỏ cho sang. Chỗ “đôi điều minh oan” cho các thầy là lịch sử chứng minh cái sự hèn lúc đã phổ biến thành dịch bệnh luôn là con đẻ và phó phẩm của một chính thể toàn trị toàn quyền mà bên án thư của người độc thư và trước tác ngỡ có không khí thanh bình thịnh trị, vẫn lơ lửng lưỡi gươm Damocles. Đã loáng thoáng bóng gươm đao – có vũ khí thiệt hay do hãi quá mà trông nhầm chưa rõ – thì đòi hỏi những bậc trí thức tay không, ít chuộng thể thao từ ngày đi học phải viết và làm điều gì đó can trường hơn, hảo hán hơn, e “khí không phải” và không có chi ngạc nhiên khi có chút sự cố, các vị bèn chọn con đường tồn tại (nhại Shakespeare thì đó là tinh thần “To be, NOT not to be”), một chọn lựa có một ưu điểm là giúp vợ con, cha mẹ thường không cùng bộ môn với mình, hoàn toàn yên tâm và vào vai anh hùng thấm mệt trước mắt đồng nghiệp và học trò còn sang trọng chán!

Đến lượt lối viết phê bình kịp thời của báo chí tự phô bày một số nhược điểm của mình. Đến các chuyên mục phê bình, bình thơ hẳn hoi của các báo có nhãn văn nghệ vẫn thường vấp các lỗi đã bàn trên, nói chi những bài viết xuân thu nhị kì, ai cũng ký tên được thì lỗi rõ nhất là thiếu sở học chuyên nghiệp, chữ nghĩa tùy tiện. Không ai muốn đọc tiếp một bài viết mà tác giả không phân biệt được “yếu điểm” và “điểm yếu” hay L. Tolstoi và A. Tolstoi. Một cây viết với những bài ngắn, chữ nghĩa phân minh đại khái như ông Lam Điền (Tuổi trẻ) hiện nay đã là của hiếm. Tôi từng trải nghiệm sự chiếu cố của nhà báo – có vị có lòng nhắn lên tòa soạn nhận báo – đọc thấy một ông ngoài việc kê đủ 16 tên truyện là hai ý đều của hai nhà văn cao niên viết trong mục “Tựa” và “Bạt” đăng sẵn trong tập truyện, mà không ghi ý của ai, nghĩa là bạn đọc đương nhiên tưởng là ý của nhà báo ta. Bênh anh ta thì không khó – thử hỏi ghi rõ cụ thể tên ai, ý ai thì phần đóng góp của “ảnh” ở đâu để nhận chút nhuận bút còm kia chứ. Còn một vị ghi luôn một loạt ý kiến ngắn vốn “phê” cho tập truyện in trước đó, thành lời “bình” cho tập truyện mới. Được quan tâm không thể không chịu ơn nhau, nhưng thương nhau như thế khác gì hại nhau.

Điều an ủi cho các nhà báo, chủ yếu có khi là những cử nhân văn mới ra lò bị ép giữ mục book review, là báo chuyên văn chương không phải lúc nào cũng hơn hẳn cánh amateur. Một số báo văn nghệ địa phương sớm biến thành một loại gia phả văn chương của các ngài Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội và Tổng Biên tập đã rõ, ngay trên mục bình thơ của tờ văn nghệ lớn nhất nước – khách quan mà nói cũng khá nhất nước – không thiếu chi bài có đóng góp duy nhất là minh họa cho việc người ta có thể bình một bài thơ dở bằng một bài (phê) bình còn dở hơn nữa như thế nào.

Vì sao mà lĩnh vực phức tạp, khó nuốt vào hạng nhất – phê bình văn học – lại được ứng xử tội nghiệp đến thế? Vì nó được chính trị hóa từ cái đài quyền lực cao nhất nước từ lâu mất rồi. Đem cái phương pháp luận và tiêu chí ngành này áp dụng cho ngành khác và áp dụng cho mọi ngành khác thì đứa học trò cuối cấp một, đầu cấp hai nó cũng rõ có mà đi ăn mày, nói chi học thuật với đỉnh cao. Những gì còn lại là những bước chi tiết minh họa thêm mà thôi.

Bảo các văn sĩ và phê bình gia ta hiện nay không học lý luận Đông Tây là không đúng. Lấy lại cái tên lớn mà các tiến sĩ khen không tiếc lời ở trên, ông Nguyễn Khắc Thạch, làm ví dụ. Trong một lần xuất quân làm …phê bình, lần này đối tượng mổ xẻ là cuốn Hồi ký của chị Trương Thị Cúc, ông Nguyễn Khắc Thạch chứng minh ngay sự độc đáo của mình. Do chỗ đồng hương quen biết, tôi được tác giả tặng một bản và có đọc khá cẩn thận. Có thể nói người viết đã kể chuyện quanh đời mình, gia đình, hành trạng, sự cố …một cách chân phương, khá cảm động, không có ý định làm văn chương hay đề cao mình gì cả. Bố cục hợp với dạng hồi ký, sự việc được kể theo trật tự thời gian: đời ông bà, tiếp là đời ba mạ, rồi chuyện đời mình, thế hệ mình. Lối viết này được nhà phê bình Nguyễn Khắc Thạch thốt lên đầy kinh ngạc, y như Belinski khi xem xong bản thảo của Dostoyepski, rằng “Phải chăng đây là phương pháp hiện thực huyền ảo!”. (Lại “phải chăng”, “hay là”, đúng là …chỉ thiếu “thế ru mà” nữa thôi). Phương pháp hiện thực huyền ảo được dùng chỉ một lối viết hư cấu (fiction) sao lại áp dụng cho văn người thực việc thực (non-fiction) được? Phương pháp hiện thực huyền ảo khuyến khích việc khuếch đại sự kiện, chi tiết không giới hạn, trộn quá khứ với hiện tại, chuyện thực với giả, người với ma, ma với mị… mà lại đem vào hồi ký khác chi bảo tác giả bịa chuyện, cà rỡn, bày trò tiểu sử dối trá kiểu cựu Bí thư Hồ Xuân Mãn! Đúng là thương nhau như thế bằng mười hại nhau. Tất nhiên trừ khi tôi do văn hóa non kém không hiểu hết ý một người mà chỉ có các tiến sĩ mới hiểu nổi thì xin có lời xin lỗi.

Trước khi chuyển qua chuyện một nhân vật có địa vị bề thế hơn Nguyễn Khắc Thạch xa, tôi có lời giải thích bên lề rằng việc dành cho Huế nhiều trang và nhiều ví dụ hơn là có chủ ý. Quả người viết có thiên vị quê mềnh – ai chẳng thiên vị với quê hương! – vì quen gia vị đậm đà và …cay có nơi nào hơn được, vả lại đối với người nhà có xót bụng hơn nên sự thẳng thắn là tất nhiên. Cuối cùng, theo phép lịch sự trong nhà mà dở ngón “tốt khoe, xấu che” thì còn mở miệng góp ý, phê bình ai nữa. Xét cho cùng, làm chi có một nền văn chương và nền lý luận phê bình riêng cho văn hóa Phú Xuân kia chứ!

Xin tiếp tục bài viết. Câu chuyện sau liên quan một đoạn đối thoại trong cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Hai nhân vật nam nữ giận nhau vì một hiểu nhầm gì đó. Một người nói: “Anh [hay Em tôi không nhớ rõ] ngộ nhận rồi!”. Kể ra tác giả để một cô gái Hà Thành – vào những năm 80, 90 (?) – dùng từ Hán Việt có âm hưởng hiện sinh này có khi hơi gượng chăng, nhưng ngôn ngữ thích cứ dùng, chưa nói đang lúc giận dỗi nhớ chữ gì dùng tạm chữ nấy. Ai làm gì được ai nào! Tất nhiên, nếu bối cảnh Sài Gòn và thập kỷ 60 thì cô gái Việt Nam Cộng Hòa có khả năng đọc Le malentendu của Camus rồi hoặc bét lắm cũng học lỏm đâu đó.

Bây giờ là câu phê bình của người sau đó trở thành Viện trưởng Viện Văn học: Sao lại là “ngộ nhận”, phải là “giác ngộ” chứ!”. Chịu! Làm sao trong ngữ cảnh nhắc trên lại dùng “giác ngộ” mới đúng. Trách một người không hiểu hay ngộ nhận thì sai chỗ nào? Nếu là người bình thường thì kết luận lời phê là sai là xong, nhưng đấy là nhà phê bình văn học, là ngài Viện trưởng tương lai mới rắc rối chứ. Vậy tạm cho là nếu có giả thuyết nhân vật của Nguyễn Việt Hà cố khoe với người nghe mình có đọc chút đỉnh hiện sinh thì nhà phê bình của chúng ta cũng đang cố cho bạn đọc báo Văn nghệ – bài đăng trên báo Văn nghệ Trung ương – rõ mình có biết chút đỉnh về Phật pháp chăng. Giá em gái Hà Nội dùng từ đơn giản lại – “không hiểu” hay “không chịu hiểu” hay “có chịu hiểu cho đâu” thay vì “ngộ nhận” – thì đâu có chọc đúng “ổ kiến” (thức) Phật pháp của bậc trí thức.

Không rõ có chính nhà thông thái này lãnh đạo Hội nghị lý luận phê bình ở Sầm Sơn năm trước không? Hội nghị lý luận phê bình thuộc dạng sự kiện ít người Việt Nam theo dõi nhất nên tôi không phải tường thuật, phân tích làm chi. Bản thân người viết có đọc qua loa nội dung thông báo kết quả, nhưng bị sốc ngay đánh giá về thành công thứ nhất của sự nghiệp Phê Bình Đổi Mới, nên không muốn đọc tiếp … Không nhớ nguyên văn từng chữ, nhưng nội dung thành công đẩy lên hàng đầu là công lao chỉ ra được chỗ sai trái, khiếm khuyết của cách Phê Bình Cũ của các nhà phê bình. Thiết tưởng biết sai mà sửa còn phúc đức cho chân lý, cho văn học. Không ai phản đối, không ai không thông cảm. Vấn đề là đưa phần sai trái và khuyết điểm vào mục nào, mức độ trầm trọng và hậu quả nhãn tiền và lâu dài, chỉ ra ai chịu trách nhiệm đầu, tiếp theo và cái nguyên ủy sự ồ ạt ra quân dưới ngọn cờ phê bình kiểu …cũ và nếu không phạm vào chuẩn cấm kị thì ai trao cho ngọn cờ đó.

Chao ơi, ngành phê bình lẽ ra phải là ngành của những người thông minh nhất nước, là nguyên khí quốc gia, do đó phải là nhữngvị nghiêm khắc nhất, tự trọng nhất mới phải. Thế mà các vị lại cùng nhau nâng công lao đánh thành trì Phê Bình Cũ lên nhất hạng, chờ tràng pháo tay của đồng nghiệp và nhân dân? Ai trồng khoai đất này? Xin lỗi, không phải chính các vị thì ai đẻ ra thứ gọi là phê bình cũ mà đại hội của các vị đang dè bỉu, xem là rơm là rác đây! Biến tội thành công, công có tên mà tội không ai nhận, tợ như tội do địch quân lén ném vào Hội Lý luận phê bình, địch nay đã bị các anh hùng trong Hội ta đánh lùi qua bên kia biên giới, chỉ còn phe ta mừng công với nhau. Có nên tự hỏi trong tiệc mừng công đánh Phê Bình Cũ có đủ mặt những người nhờ bám chính cái món Phê Bình Cũ này mà làm nên danh vọng và học hàm học vị hay không. Văn hóa Trung Đông có câu lòng biết ơn là phẩm chất tối thiểu phải biết, mà lòng bội ơn là thói xấu lớn nhất phải ghê sợ. Sao các vị nỡ rẻ rúng người ơn hàng thập kỷ của mình – Phê Bình Cũ – như rứa được. Làm cái nghề công khai là “Phê Bình” nay nghe lời góp ý của một công dân vô danh có con từng thức đêm tụng đọc cái món “phê bình cũ” mà nay chính các vị xác định là độc hại, không rõ các vị có bất bằng không. Hay gần gũi các bậc bề trên đã lâu, đã nhập giai cấp Arya, quen nghĩ phê bình là nghề của riêng tầng lớp Bà la môn ta, và phàm ai đã sinh ra cách hậu môn đấng Phạm Thiên dăm xăng ti mét thì chỉ có quyền ăn thứ chi người ta ném cho. Hay Đại Thánh Chúng phê bình gia cũng do Đấng Phạm Thiên sinh ra nốt nên các vị phải ngậm …miệng tìm trầm, mà có trầm mà tìm không đấy!

Phần cuối xin bàn nhanh vài điểm “vụn vặt” hơn. Các trang phê bình ngày nay tràn đầy những phát ngôn “lười biếng” nhân lúc không có cảm hứng, ý tưởng chi. Đại khái “Đấy là một nhà văn nhân hậu, chí tình với cả đồng nghiệp lẫn xóm giềng”. Nhân dân ta nói chung là tốt, cần chi khoe giới nhà văn không gây gổ, lừa bịp hàng xóm – tiêu chí dành cho thành phần tội phạm mới hoàn thành bản án hình sự. Rồi “Không biết bao nhiêu lần tôi có hân hạnh hầu rượu, trà đạo cùng nhà văn”. Tất nhiên không tiếp xúc không có thông tin, nhưng cái chính là bản thân thông tin người đọc muốn nghe chứ không phải ai ngồi sát ai, mấy lần – có vị đi xa tới độ say sưa chi tiết uống rượu gì, ai đem tới, ai trả tiền, có người đẹp nào. Ôi thôi! Đào tạo giới chuyên môn mần chi, giao bén cho các chủ tiệm rượu theo dõi tình hình văn học có khỏe không!

Lại chuyện vừa lười vừa màu mè, mở miệng là có giọng “kết hợp cổ điển và hiện đại” – theo tôi hiểu trên văn đàn thế giới chỉ có vài tác giả đáng dùng cách khen này. Chỉ có xứ ta, người viết tung hứng bừa bãi góp phần làm hỏng những cây viết hạng trung bình và dưới trung bình. Chưa nói kẻ sính cách nói to tát không rõ đâu phải người cầm bút nào cũng kết hợp vất vả đến thế, thực tế ở Việt Nam một cây viết có chút sắc thái hiện đại đã đốt đuốc tìm không ra rồi. Còn chuyện đáng ngờ là người viết có thực hiểu khái niệm “cổ điển” mình đang dùng không. Nếu cổ điển là viết hao hao hay y hệt người của thế kỷ 15, 18 thì đấy là khuyết điểm mới đúng chứ. Nếu “cổ điển” dùng theo nghĩa đạt đẳng cấp super, chạm tiêu chí của các danh tác tầm thế giới thì hóa ra văn chương xứ ta phải vượt văn chương các nước từ khuya vì chỉ trên một tỉnh, một thành phố ra ngõ là gặp ngay tác giả kết hợp được “cổ điển và hiện đại”. Tội chết đi được!

Cũng chuyện “vặt vãnh” thôi, xin lưu ý các bạn trẻ còn ham đi vào cõi giới “ma đưa lối quỷ đưa đường” – đối với các vị đứng tuổi lại thông thái không dám lưu ý – mỗi khi gặp tên lạ, ý lạ (ít nhất đối với mình) phải check ngay. Đặc biệt chớ nên nghĩ chêm tí tên Nietzsche hay Long Thọ sẽ làm sang cho trang viết của mình. Thực tế, người đọc cần thông tin, dữ liệu cụ thể tại chỗ không thiết tha chi việc biết thêm thánh Thomas hay Merleau-Ponty khi không thực cần thiết. Còn các bậc để tâm nghiên cứu thuở ta chưa ra đời – các bậc này lại bị tật xấu ít nói, ít xuất hiện, ít cướp lời người khác – thì họ cần chi cái kiến thức “overnight”, tạm chỉ thông tin cấp tốc mới “nạp” đêm qua, của mình. Một ví dụ đáng buồn là việc đọc mười vị thì thấy có đến năm vị gọi Heidegger là nhà văn và Albert Camus là triết gia. Cá biệt có vị phát minh ra triết gia F. Sagan, tác giả Bonjour tristess. Chỉ có triết gia Heidegger và nhà văn Camus!

Cũng nhắc qua điệp khúc “nhà văn từng đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh” và “thuộc lớp cầm bút vào Hội Nhà văn sớm nhất” – xin thưa đi qua chục cuộc kháng chiến và “bao năm lê gót nơi quê người” không phải là tiêu chuẩn của văn tài, đừng lặp lui lặp tới người ta tưởng không chi để viết. Vào hay ra hay bỏ hay bị đuổi ra khỏi Hội Nhà văn chẳng dính chi tới giá trị tác phẩm. Người ta không vào vì có khi họ không có thời gian, không muốn chơi với tổ chức “đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng” hoặc có khi xem hội hè là chuyện rủ rê tào lao. (Có người nhận xét không tới nỗi thiếu chính xác rằng giới cầm bút ngày nay đã đánh mất từ lâu cái khả năng hơn người là biết cô đơn. Nhìn sự bận bịu lịch nhậu, hai điện thoại cùng reng – một của em, một của chiến hữu – của nhà văn Việt Nam cũng lờ mờ nhận ra cả thực trạng lẫn hậu vận của văn chương Việt). Còn với người khác, họ thích thứ văn chương gì thì cứ biết tính người ta thế mà …tránh xa.

Mặt khác, khối chi hội viên nhà văn chẳng nhớ họ là hội viên và tôi biết có người không muốn gửi đơn ra Hội chỉ vì họ xem sự lưu ý của xã hội là sự xấu hổ, mất thì giờ. Tôi không thấy có quan hệ gì giữa việc sáng tác của mình với Hội Nhà văn, biết rõ cái bi hài kịch của những nhà văn “trẻ”, mới ngoài 50, 60, 70, vẫn không phân biệt nổi chuyện văn tài, danh xưng nhà văn và cái thẻ nhà văn, mỏi mòn chờ cái gật đầu của ông Hữu Thỉnh, nhưng tôi cũng không quên ý định của mình muốn vào Hội Nhà văn khi còn trẻ – và trẻ dại – vốn hồn hậu và lúc đó tuyệt không có suy nghĩ vào Hội Nhà văn là đầu hàng ai cả. Đối với các nhà văn cụ thể thì khác, nhiều ông hội viên là tác giả favorite của tôi. Bạn văn của tôi có người ở trong Hội, và tôi khích bác làm gì khi chính họ nói với với giọng tuyệt vọng thế nào về Hội và ông Chủ tịch già rồi vẫn cố thủ trên chiếc xe tăng đã tuột dây xích của mình. Chưa nói nhiều người không để tâm rằng rút hết những tác phẩm của hội viên cái Hội mà khối người chán chết đi được này thì chỉ làm nghèo văn chương nước nhà mà thôi. Xuân Sách, Nguyễn Tuân, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Thu Bồn …có tên trong Hội nhà văn đó thôi.

Gẫm kỹ, đôi khi người không chơi với cái nghề văn và không đọc sách các nhà phê bình lại có cách ứng xử ngộ hơn. Tôi quen một ông sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa già cải tạo về, nói tỉnh bơ với tôi bài Đồng chí của Chính Hữu là bài thơ ông thích nhất và hỏi tôi mượn Văn nghệ Quân đội đọc chơi, khen “có chất lính tráng”, làm tôi phải hỏi lại là sĩ quan quân đội nào vì sợ nghe nhầm. Ngày còn trẻ dạy gần chỗ đóng quân của một sư đoàn Phòng không, hễ mở mắt là tôi nghe đám bộ đội trẻ măng ư ử: “Con biết bây giờ mẹ chờ em trông, khi thấy mai đào nở vàng bên nương…”, thậm chí: “Mùa hè năm nay …đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào”. Họ không cần nghe giải thích đó là bài hát tâm lý chiến của “phe địch” và “giặc” chỉ những người mặc cùng quân phục với họ. Cảnh “chờ giặc” lộ liễu thiệt, chắc quen miệng hát luôn, nhưng “mẹ”, “em” và “mai vàng” thì không phe phái chi nữa.

Không thể không đồng ý với ông Nguyễn Hưng Quốc chuyện cách nói quen thuộc mấy chục năm “thơ Hồ Chủ tịch”. Chỉ một não trạng giáo điều mới không tiếp thu nhận xét tinh tế và đúng đắn về mặt học thuật này. Đã có thơ Hồ Chủ tịch thì hóa ra phải có thơ Phó Chủ tịch – X Phó Chủ tịch hay Y Phó Chủ tịch thì cũng thế thôi. Theo logic này thì ắt có cách nói thơ Trần kế toán, thơ Cao thủ quỹ, thơ Đặng tiến sĩ, thơ Lê cử nhân, thơ Nguyễn sư đoàn trưởng, thơ Cao trung đoàn phó… loạn cả lên. Trong văn chương không có chức vụ, học vị, cấp trên, cấp dưới, chuyện ai lãnh đạo ai; nhận được sự lãnh đạo sít sao mà thơ dở, xưng là lãnh đạo hay kèm đại danh ngọn cờ này rồi lá cờ nọ mà văn không hay thì ai tâm phục?!

Một thời kỳ nhất định vì vận nước đang lúc nô lệ, vì giấc mơ độc lập và tự do đang rỉ máu trong trái tim công dân mà trí thức và văn nghệ sĩ xếp bút nghiên cầm súng, đặt cả thơ mình dưới ngọn cờ tập thể, dân tộc, dẫu có đốt lên để sưởi ấm một đêm ngon giấc cho đồng đội, thương binh cũng rất vui lòng. Ngày đó xa rồi …chớ ngủ mê với tài thánh “lãnh đạo toàn diện”, không học hành nghiên cứu vẫn ra sắc lệnh cho mọi ngành, chưa nói chuyện rành rành thanh thiên bạch nhật: lãnh đạo toàn diện sao khi thất bại không nhận …toàn diện! Trong lĩnh vực văn nghệ chỉ có chuyện tài năng, tim óc và có tác phẩm chứng minh. Tất nhiên, với sự chứng kiến và kiểm nghiệm của bạn đọc – mà như ai từng nói “bạn đọc là nhân dân” – loại cầm bút dở hơi bất tài vô đức dù có thẻ Đảng Cộng sản, Đảng Đại Việt hay Đảng Việt Tân sao sống sót nổi. Nếu chính trị tư tưởng – mà chính trị của anh không tất yếu là chính trị của tôi, và tư tưởng của tôi buộc phải là tư tưởng của anh thì có còn là “tư tưởng” nữa không – tự nó làm nên sáng tạo có giá trị thì giao luôn cho lãnh đạo và nhân viên Ban Tuyên Giáo mở ngay SATACO (công ty sáng tác – tất nhiên là công ty quốc doanh) và đề nghị phát giải Nobel cho ông Võ Văn Thưởng cho xong.

Quay lại việc gọi thơ ông Hồ Chí Minh là “Thơ Hồ Chủ tịch”. Có thể lúc đầu có cách gọi này không hẳn do xu nịnh mà từ tập quán tôn trọng người bề trên kiểu phương Đông mà sinh chuyện. Chứ theo thiển ý, họ Hồ chắc chắn không thiết tha chi cái danh vị nhà thơ. Ông từng cho biết chỉ sáng tác khi “biết làm chi đây”. Chưa nói thử hỏi có lý do gì cụ Chủ tịch lại ham cái vị trí nhà thơ, nhà văn xã hội chủ nghĩa mà cụ thừa hiểu thân phận bé tí của nó xếp ở đâu rồi. Đến thời tiền xã hội chủ nghĩa – khi đám văn sĩ độc lập còn thanh vọng xã hội hơn nhiều – đã có người mô tả “Nhà văn An Nam khổ như chó” kia mà. Và rút cục, việc bảo vệ cách nói “Thơ Hồ Chủ tịch” để làm đẹp lòng ai kia chứ!

Vậy chỉ nên nói “thơ Hồ Chí Minh”. Dạo sau này việc dùng cách nói “thơ Hồ Chí Minh” phổ biến là rất hợp lẽ và đáng hoan nghênh vậy.


[1]Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”, Trường Chinh 1985. Về văn hóa và nghệ thuật, tập 1. Hà Nội: Văn học, tr.116.

[2] Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con – Chế Lan Viên

[3] Nguyễn Văn Hạnh 1985. Thơ Tố Hữu: tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí. Huế: Thuận Hóa.