Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Như chiếc rìu đập vỡ mặt băng

(Tựa cho tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại)

Bùi Vĩnh Phúc

Xin vui mừng thông báo với bạn đọc Văn Việt: sách Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại đã phát hành. Cuốn sách quý tập hợp các bài viết của nhà thơ-nhà phê bình thơ Nguyễn Đức Tùng, nhà nghiên cứu phê bình Bùi Vĩnh Phúc, các tác phẩm thơ của 53 tác giả, là công trình xây dựng từ chuyên đề cùng tên do Văn Việt chủ trương, đã được trao tặng Giải Văn Việt lần thứ hai (2017). Sách do nhà thơ-nhà phê bình thơ Nguyễn Đức Tùng chủ biên, Văn Việt phối hợp với Người Việt Books xuất bản. Có thể đặt mua qua đường link: https://www.nguoivietshop.com/products/2843-40-năm-thơ-việt-hải-ngoại/.

Nhân dịp này, Văn Việt trân trọng giới thiệu bài viết mở đầu sách của nhà nghiên cứu phê bình Bùi Vĩnh Phúc.

Văn Việt

NGUYEN-DUC-TUNG-COVER-2-1_thumb1

Để mượn một ẩn dụ bạo liệt hơn của Franz Kafka về văn học nói chung, thơ là ‘chiếc rìu đập vỡ cái đại dương đóng băng bên trong chúng ta.’

(To borrow Franz Kafka’s more violent metaphor about literature in general, poetry is ‘the axe to break the frozen sea within us.’ – Dana Gioia, trong tiểu luận “Poetry as Enchantment”)

1.

Đời sống là một cuộc chơi sinh động, bùng bốc. Đôi khi, trong một mắt nhìn nào đó, như cách nói của Shakespeare trong vở kịch Macbeth, cuộc chơi ấy lại chỉ đầy những âm thanh và cuồng nộ mà con người khó tìm ra được ý nghĩa của tất cả những điều náo loạn ấy. Trong một ẩn dụ hướng đến cái luôn sinh sôi nảy nở đó của cuộc đời, có kẻ còn cho rằng đời sống con người là một vũ hội. Thậm chí, một vũ hội hóa trang. Trong đó, cái thật và cái ảo luôn quấn quít bồng bế lẫn nhau. Và con người, đứng giữa cuộc hóa trang ấy, nó không tìm thấy được nội dung hoặc ý nghĩa của cuộc sống mình.

Con người nhìn vào cuộc sống, nó không tìm ra ý nghĩa. Nó lần dò tìm vào bên trong, tìm vào tâm hồn mình. Nhưng tâm hồn nhiều khi cũng bị chết cứng. Nó như một đại dương đóng băng vì những trơ lì của cảm xúc khi đối diện với những cái nhàm chán (những nhàm chán nhiều khi mang bộ mặt của vũ hội), hay thậm chí với những nỗi khổ đau, cứ va đập liên tục vào trái tim người. Tâm hồn con người đóng băng. Giống như Kafka đã nói, ở một nghĩa nào đó.

Cuộc sống của những con người lưu vong, những kẻ bật rễ, những di dân, có điều gì khác?

Nhìn một cách nào đó, những con người ấy vẫn phải tiếp tục cuộc đời của họ. Vẫn phải ăn, phải thở, phải sống, phải làm việc để vươn lên. Những con người ấy, trước một môi trường sống mới, trước những thử thách mới, những rào cản của văn hóa, xã hội, trong đó có vấn đề ngôn ngữ và lối sống, thói quen, cung cách hiện hữu ở đời, thậm chí, còn phải tự có những nỗ lực nhiều hơn so với người bản xứ, để tiếp tục cuộc hiện sinh, hiện tồn của mình. Và, như thế, họ cũng phải đâm đầu vào “vũ hội”, với những nghi lễ riêng và phải có của nó. Những con người ấy, những cái cây bật rễ, cũng đã phải đứng lên, nhảy múa và cười khóc với dòng đời. Với cái “mainstream”. Với cái dòng chính. Những con người ấy, nhiều khi, họ phải sống một cuộc phân thân. Những lúc đó, ở một số khía cạnh, họ có thể giống như những “schizo”, những kẻ sống với một tâm thần phân lập. Hay, ít nhất, họ là những con người trầm cảm, với những rối loạn lo âu. Hoặc sống như những con người đa nhân cách. Họ sống, như thế, ít nhất với hai cuộc đời trong con người mình. Cuộc đời ở ngoài kia. Với những công việc và những sinh hoạt hằng ngày để tiếp tục tồn sinh, tiến bước. Và một cuộc đời bên trong, thường khi, âm thầm, lẻ loi, với rất nhiều dằn vặt, trăn trở.

Họ sống. Với ký ức. Với rất nhiều hình ảnh xưa cũ tiếp tục hiển hiện trong đầu. Cái máy chiếu phim kia, mà mỗi con người lưu vong, bật rễ, mà mỗi di dân, tự mang kè kè trong hành-lý-trái-tim của mình, ít khi được ngơi nghỉ. Nó ít được bật lên trong cuộc bon chen với đời sống mỗi ngày. Cho dù, có những khi, trong chính cuộc bon chen ấy, cái máy chiếu phim bỗng tự động bật lên, khi nó bất chợt bắt gặp một hình ảnh, một âm thanh, màu sắc, hay một điều gì đó làm bằng chất liệu của thế giới hiện tượng bên ngoài kia. Những điều ấy kích thích nó. Nhận bắt tín hiệu bên ngoài, nó tự lục tìm trong kho tài liệu, trong kho lưu trữ riêng của mình, những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, liên hội theo một cách thế nào đó với tín hiệu kích thích vừa bắt được. Và thế là cái máy lại rè rè quay. Nó chiếu lại trong lòng ta những hình ảnh cũ. Với những âm thanh và màu sắc sống động vốn có của nó. Và ta, cái con người bật rễ kia, trở nên như bị thôi miên. Ta sống trở lại cái sống cũ. Ta sống trở lại cuộc đời cũ. Với bao nhiêu hạnh phúc, yêu thương, khổ đau, tiếng cười, nước mắt. Và ta tìm lại được mình.

tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè Gia Định
ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi

em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon

tôi một bữa đợi em mòn con mắt
từ Suối Máu em về xanh như lá cây

những kẻ đã sống chết cho Độc Lập Tự Do bị xử tội phản quốc
anh bỏ đi rồi em ở với ai

phần hoa cúc dại nở trên ngọn gió
buổi chiều dưới thung lũng héo hon
tôi kể tôi đã chết mấy mươi năm về trước
bây giờ là thằng bù nhìn tơi tả thê lương

em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ
để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi

như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn
lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao

em hãy kể tôi đã tới hồi mạt vận
tuyết phủ đầy đóng đá tay chân

hồn hải điểu bay ngày đêm qua biển
bay mãi có ngày rụng cánh bơ vơ

em rớt thăm thẳm xuống vực sâu thời cuộc
sương Saigon thấm lạnh áo mồ hôi

mưa lất phất ngoài ngã năm ngã bảy
gió lọt vào em từ ngã bảy ngã ba

em ở cư xá Thanh Đa em ở chung cư Minh Mạng
em ở khắp đất trời trong thế giới tôi

em ở với Việt Nam ở với ly cà phê đá
ở với chỗ em ngồi ấm uyên ủy tôi


tôi ngủ mấy ngày đêm vẫn chưa mộng mị
thử tưởng tượng một ngày cho đỡ thê lương

em với nắng với Saigon với tôi tập họp
nắng trên Saigon, Saigon trên nắng lô nhô

em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
bỏ phế trong nhà cũng mấy năm qua

tôi sống, cảm giác ngọn dáo đâm trước ngực.

(“Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ”, khoảng 1980, Cao Đông Khánh, trích nguyên bài)

Những lần bất ngờ “trở về” như thế khi đang “trong cuộc” là có thật. Khi ta đang đi giữa cuộc đời, quá khứ đến dắt tay đưa ta về với ký ức. Những ký ức máu me và rực rỡ. Những ký ức xanh màu lục diệp, thơm vàng mùi/màu nắng quê cũ, hay những ký ức đen xám, lả tả rơi bay như những tàn tro. Rơi bay lả tả tưởng rằng đã mất dấu. Thế nhưng, những gì đã qua không bao giờ bị xóa bỏ, ngay cả những điều khốn khổ, đau thương, hay mờ mịt nhất. Chúng chỉ nằm vất vưởng ở đâu đó, chờ được đánh thức. Đem về. Và chúng sống với một dòng máu mới. Chúng hồi sinh.

Nhưng, có lẽ, những cuộc “trở về” như thế không thường xuyên xảy ra khi những con người bật rễ kia đang trong cuộc “vũ hội”. Có thể có đấy, nhưng người ta đè nén chúng lại. Người ta thường chờ đợi, một cách có ý thức hơn, đến một lúc nào đó. Đến một lúc nào đó mà người ta có thể tháo bỏ cái mặt nạ mà người ta đã đeo khi dấn thân vào cuộc vũ (hay cuộc lữ?) này. Khi ấy, tâm thế người ta thay đổi. Người ta sống với một tâm thế khác.

Lưu vong. Cái cuộc sống xa lìa ấy. Nó giống như là cái chết. Nó là sự cắt đứt. Một sự bật tung gốc rễ. Đất ở dưới chân anh trở thành toang hoác. Anh như rơi vào chân không. Cái cuộc sống ấy anh không thể hiểu được nó. Anh chỉ có thể hiểu được nó là thế nào khi nó bất chợt tóm lấy anh.

Anh trở nên một kẻ thất tán. Tất cả những gì thuộc về anh cũng sẽ thất tán, thất tung như thế.

Nhưng, như Ariel Dorfman nói, “Tôi nghĩ rằng cuộc sống lưu vong là một lời nguyền rủa, một lời chúc dữ, và bạn cần phải biến nó thành một ân sủng. Bạn bị ném vào cuộc lưu vong để chết, thật sự như thế, để làm bạn câm lặng đến nỗi bạn không còn tìm được tiếng nói của mình. Tiếng nói của bạn trở nên thất lạc. Và, bởi thế, cả cuộc đời tôi đã dồn tất cả cho việc lên tiếng rằng, ‘Tôi sẽ không để mình bị bắt trở nên câm lặng.’” (1)

Và, như vậy, những con người bật rễ kia phải sống ra sao? Làm thế nào để tìm lại tiếng nói của mình. Để không bị ném vào sự chết. Không bị ném vào cuộc thất tung. Câu trả lời đã được một nhà thơ miền Nam Việt Nam trước 1975 thể hiện rõ qua phát biểu, bằng thơ, “Tôi đi tìm tiếng nói / Cho cổ họng của tôi” (Thanh Tâm Tuyền). (2) Để tìm được tiếng nói, hoặc để tìm lại tiếng nói của mình, người ta phải nhờ vào ký ức. Ký ức là quá khứ. Quá khứ là những gì đến trước hiện tại, nhưng nó lại khuôn nắn hiện tại. Nó “cấu trúc” hiện tại. Con người là tổng hợp của tất cả những sự cấu trúc và tái cấu trúc của đời mình. Qua quá khứ và qua ký ức. Trong cuộc lưu vong, xa nhà biệt xứ kia, nếu anh chọn lựa lãng quên như một phương thuốc chữa trị cho những đau khổ, dằn vặt của mình, anh sẽ, một cách nào đó, tự làm mất chính anh. Chỉ có một sự cứu chuộc duy nhất: anh phải nhớ lại. (3) Nhớ lại, nhìn tận mặt những vết thương, những đau đớn cũ. Từ đó, anh sẽ có cơ hội hồi phục. Con người bình thường sẽ chọn cuộc nhớ lại của mình theo một cách thế bình thường, bằng bất cứ một con đường nào khả hữu. Kẻ cầm bút, hắn sẽ vịn vào văn chương mà đứng dậy. (4)

Với người làm thơ, Thơ (viết hoa) sẽ trả lại tiếng nói cho họ. Thơ là một liệu pháp tốt. Và cần thiết.

2.

Tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại là một thứ liệu pháp tốt đẹp và cần thiết mà chúng ta đã vừa nhắc đến. Được gợi ý và cổ vũ bởi hai nhà thơ Hoàng Hưng và Ý Nhi ở trong nước (những người đã suốt một đời “ăn nằm” và chung thủy với Thơ, cho dù cuộc đời những nhà thơ này còn gắn bó với những công cuộc xây dựng và bồi đắp thiết tha khác), nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, cũng là một người viết tiểu luận văn học, hiện sống ở ngoài nước, đã bắt tay vào việc tìm kiếm, thu thập những bài thơ mà anh (và, có thể, cả hai nhà thơ Hoàng Hưng và Ý Nhi), trong việc nghiên cứu và theo dõi nền văn học Việt ngoài nước, thấy là đã thể hiện tâm trạng, tâm tình, tâm thái, tâm thế và tâm cảnh của những người Việt sống ngoài quê hương. Trong việc chuẩn bị cho tuyển tập, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cũng đã liên lạc và kêu gọi sự cộng tác của các nhà thơ ngoài nước trong việc gửi cho anh những tác phẩm của mình.

Kết quả là tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại mà chúng ta hiện có.

Là một tuyển tập, chắc chắn nó có sự đánh giá và lựa lọc. Cho dù, trong trường hợp đặc biệt của cuộc sống lưu vong, xa lạc bên ngoài đất nước này, sự thu góp và lựa lọc có lẽ chỉ có thể thực hiện ở một mức độ giới hạn. Một phần nó nằm trong sự đóng góp bài vở, tài liệu từ những tác giả qua lời kêu gọi của người thực hiện; phần khác, vì nhiều lý do riêng biệt, có những tác giả, đáng lẽ nên hoặc cần phải có mặt trong tuyển tập, đã không có mặt. Điều đó là một sự đáng tiếc. Nhưng biết làm thế nào được. Phương thức thực hiện, phương pháp luận chọn lựa cho bất kỳ một công trình nào, dù hay và/hoặc thiết thực đến đâu, cũng sẽ giới hạn công trình ấy ở một, hay một số, mặt nào đó.

Chính tôi, người viết bài Tựa cho tuyển tập này, khoảng hơn 30 năm trước, cũng đã thử thực hiện một công trình nhỏ, giới thiệu Thơ Việt Ngoài Nước trong khoảng mười năm, từ 1975 đến 1985 (5) , trong một tâm thế và một phong thái khác, cũng đã phải đối diện với sự giới hạn của mình. Tôi đã tự mình tìm tòi, tra lục tài liệu riêng cũng như tìm mượn các tài liệu từ các nguồn khác, từ thân hữu, từ thư viện, v.v. (dạo đó chúng ta chưa có Interrnet, mà nếu đã manh nha có thì việc dùng Interrnet chưa phổ biến, và các nguồn tài liệu hẳn còn rất hạn chế). Rồi tự mình suy nghĩ, đánh giá, lựa lọc những tài liệu từ những nguyệt san, tập san, tuần san, chuyên san, v.v., mà mình có được. Việc tuyển chọn những tác giả, những bài thơ, để đưa vào công trình của mình, tôi cũng tự làm lấy, không có sự chia sẻ, đóng góp của một ai, một tác giả hay nhà thơ nào. Đó là một phương pháp, ở một số khía cạnh, khác với cách làm việc của những người thực hiện tuyển tập này. Và nó cũng có những giới hạn bắt buộc của chính nó. Tôi nghĩ, bất cứ một tuyển tập nào, trong một ý nghĩa và một khía cạnh nào đó, cũng sẽ liên hệ đến sự chọn lựa, liệt kê. Những tác giả có mặt. Những đóng góp của từng tác giả. Vân vân. Và chính vì thế, có thể là tuyển tập này vẫn chưa đạt được sự toàn vẹn mà những người thực hiện tuyển tập mong muốn.

Nhưng đây vẫn là một tuyển tập đáng quý. Đây là một đóng góp tốt đẹp, ở một mức độ nào đó, trong việc tìm hiểu tâm tình và tiếng nói của tập thể người Việt sống lưu vong, xa xứ. Nó giúp cho việc nhìn rõ khuôn mặt, vóc dáng và tâm hồn của cái dòng sống lưu lãng pha với rất nhiều khổ đau, chua xót, cùng với chút hồi quang của hạnh phúc mà những con người xa quê hương kia có thể tìm thấy trong cuộc sống lưu xứ của mình. Thậm chí, chút hồi quang của hạnh phúc kia có lẽ đã tìm lại được chính trong những cuộc trở về trong tâm tưởng những con người ấy. Trở về, như một cách thế thả neo vào hạnh phúc. Cho dù chút hạnh phúc ấy cũng đã mang một màu sắc của tả tơi cũ mục thời gian. Dù sao, tôi vẫn nghĩ mình có quyền tin rằng những hạnh phúc ấy, qua ánh sáng thiết tha của nỗi hoài nhớ, vẫn đem lại cho họ những giây phút mừng mừng tủi tủi của kẻ lưu lãng (hay lưu đầy?) tìm lại được cho mình một chút tình thân. Và, có lẽ, chính cái hoàn cảnh lưu lạc của chúng ta đã cho phép mình hiểu thấu đáo những hiện thực cuộc đời. Cái hiện thực, cái thực tại muôn màu làm nên giá trị nền tảng của cuộc sống con người.

Như Stefan Zweig đã nói, “Chỉ có sự bất hạnh của lưu vong mới có thể cung cấp một sự hiểu biết cặn kẽ và một cái nhìn tổng quát vào những thực tại của thế giới.” (6)

Trong luận văn “Con Đường Thơ Bốn Mươi Năm”, giới thiệu tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại này, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã dắt tay chúng ta đi qua một hành trình dài, cho thấy sự hình thành của dòng thơ Việt hải ngoại. Dòng thơ ấy, dù đâm chồi nẩy lộc, dù đơm hoa kết trái trên những cương vực bên ngoài đất nước, đã hút dưỡng chất từ nguồn cội quê hương, từ những hình ảnh, ký ức quê nhà để làm nên một nguồn mật mới. Chính cái năng lực mới này, cộng với sức vươn dậy mãnh liệt để không những tồn tại mà còn ghi lại được những dấu ấn của đời sống mình trên những vùng đất mới, đã làm nên tiếng nói của những nhà thơ Việt sống bên ngoài quê hương. Quê hương như là một ngôn ngữ, cho dù là một ngôn ngữ bao hàm trong mình những chấn thương mà lịch sử, thời đại và sự bất dung của định mệnh đã ghi hằn trong tiếng nói nó, đã được tìm lại. Nó được tìm thấy lại như thời gian. Như một thứ thời gian của văn chương. Le Temps Retrouvé. Như thời gian tìm thấy lại của Proust.

Nhưng ở đây, cái thời gian tìm lại được của kẻ xa xứ là một thứ thời gian thấm đẫm khổ đau. Thời gian tìm lại được của con người lưu vong, xa xứ là một thứ thời gian trộn lẫn mật đắng. Của khổ hạnh. Xót cay. Của tân toan và sầu héo. Cho dù đôi lúc cũng thoảng vị ngọt mát của một chút hạnh phúc cũ, xa.

Dù sao, chính từ cái ngôn ngữ của quê hương này mà những kẻ lưu lãng kia tìm được đất xưa. Quê hương chính là một ngôn ngữ trong ý hướng đó. Nó làm cho con người, dù bị lưu lạc, đầy ải đến đâu, vẫn luôn nhớ và cất lên được giọng nói của mình. Cho dù, sau đó, nó có tìm được cho mình một tiếng nói mới, kẻ xa quê kia vẫn chẳng bao giờ quên tiếng nói của nguồn cội. Và quên làm sao được cái nguồn cội của tiếng nói mà hắn, kẻ lưu vong, xa lạc đến mấy, vẫn mãi luôn ghi nhớ và cất giữ trong lòng.

Trong “Lời Nói Đầu” của tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, những người thực hiện quyển sách cho biết:

Thơ ca, như được thấy trong tuyển tập, mô tả ký ức của cộng đồng về đất nước nguồn cội, ghi lại bầu khí quyển của xã hội ngoài biên giới tổ quốc, tự do nhưng cũng trộn lẫn hạnh phúc và bất hạnh. Nền thơ ấy bảo vệ sự hy vọng vào những giá trị của con người và của dân tộc. Bốn mươi năm thơ hải ngoại là lời phản kháng và lời ca ngợi, là sự thật được mang đi qua những lằn ranh cương thổ.

Và một lời tự nhận xét đầy khiêm tốn:

Thật khó có thể biết tuyển tập hơn năm mươi nhà thơ là tiêu biểu đến đâu cho toàn bộ nền thơ hải ngoại, cũng thật khó để so sánh nền thơ ấy với thơ ca trong nước và hai miền Nam và Bắc trước 1975, dựa trên mẫu của tuyển tập.

Ước muốn khiêm tốn của chúng tôi là cung cấp một dữ liệu văn học cần thiết tối thiểu cho những nhà nghiên cứu văn học về sau đối với các vấn đề vừa nêu.

Qua sự trình bày và với ước muốn ấy, người đọc nhìn thấy được sự đóng góp thiết tha và sự “tự tri”, tự biết về mình của những người thực hiện tuyển tập. Cái biết ấy đáng quý. Nó cho thấy con đường phía trước là một con đường còn cần dấn bước. Nó là một con đường mở. Và người đọc, trong tương lai, vẫn còn có thể nhìn thấy những hoa trái khác, những cánh chim khác. Để vườn hoa kia mang nhiều sắc hương hơn nữa. Và những cánh chim, mang gió thơm từ khắp các hướng mặt trời, từ các nẻo đời khác biệt, sẽ cùng bay về hội ngộ.

Sự hội tụ đông đảo ấy cũng sẽ là những hạnh ngộ của đời.

3.

Hành trình bốn mươi năm thơ của người Việt ngoài nước đã được nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, trong luận văn giới thiệu dòng thơ này, phân tích khá cặn kẽ. Luận văn được chia thành 5 phần: 1/ Thơ Ở Ngoài Đất Nước; 2/ Quê Hương Như Một Ngôn Ngữ; 3/ Bi Kịch Chiến Tranh; 4/ Thi Pháp Chấn Thương; và 5/ Đi Tìm Tiếng Nói Mới.

Trong mỗi tiểu luận nhỏ, tác giả đã sử dụng con mắt của một nhà văn, một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, thậm chí một nhà bệnh lý học, để phân tích và đánh giá tiến trình lưu lạc của người Việt hải ngoại. Nỗi hoài nhớ đất nước, quê hương. Khung cảnh chiến tranh trong một cái nhìn có thoáng nét lịch sử và nhiều tính nhân loại. Sự chấn thương mà chiến tranh đã để lại trong trái tim, trong tâm hồn con người, được phản ánh qua thơ. Tiến trình phục hồi, tìm lại thăng bằng qua mắt nhìn cuộc sống, qua hồi ức, và qua việc phát triển một tiếng nói, một ngôn ngữ mới. Trong thơ.

Tâm thức lưu vong, phần nhiều trong giai đoạn đầu, và tâm thế di dân trong những năm về sau, để đi đến tinh thần hội nhập, đi vào thế giới, phản ánh trong thơ của người Việt bên ngoài đất nước, được phân tích khá kỹ. Tất cả những đánh giá, phân tích ấy được thực hiện với một cái nhìn khá tỉnh táo, trong suốt, duy lý, ít độ mờ, nhưng có những chỗ vẫn không thiếu chất thơ. Nó dung chứa trong mình một ngọn lửa của tình cảm quê hương, nhưng được nuôi dưỡng và cùng lúc kìm nén bằng tiếng nói của lý trí. Tuy nhiên, sự phân chia, tương đối cân bằng, đều đặn của năm tiểu luận nhỏ, để đạt được mục tiêu cân bằng về mặt lý thuyết/lý giải, có lẽ chưa hoàn toàn phản ánh thật sự được thực tại thơ ca của người Việt ngoài nước. Về mặt tỷ lệ của những bài thơ trong những dòng, những nhánh khác nhau. Về việc không ôm được đủ hoặc bỏ sót những tiếng thơ ngoài luồng, ngoài khung, không tiện đặt định vào một khung phân tích có sẵn. Điều này có lẽ là một phần do giới hạn của việc chọn một phương pháp luận để tiến hành việc khảo sát.

Dù sao, luận văn “Con Đường Thơ Bốn Mươi Năm” của Nguyễn Đức Tùng để giới thiệu dòng thơ Việt ngoài nước, cùng các nhà thơ Việt góp mặt trong tuyển tập, đã là một nỗ lực thật đáng quý. Nó có cái cố gắng từ một nhà lập bản đồ hải hành, chỉ ra những con sóng lớn, những vũng nước yên, và những hải đảo lơ thơ, với một số kỳ hoa dị thảo trên đó. Nó cho ta thấy được trời, mây, nắng mưa, gió bão, những chớp giật và sấm động, những cánh chim, hoa lá, và đất đai thổ nhưỡng, những nơi tạm trú cho những trái tim lưu vong.

Trong công phu phân tích và lý giải, tác giả của nó cũng có thể cho người đọc thoáng nhận thấy, ở một mức độ và trong một mắt nhìn nào đó, là luận văn cũng có dáng dấp của một sự trình bày ít nhiều mang tính xã hội học văn học của người tỵ nạn/kẻ di dân, pha với đôi nét chấm phá của một thứ liệu pháp tâm lý, đặc biệt trong một số phân tích về khía cạnh chấn thương của cộng đồng người Việt sống ngoài đất nước. Tất cả những điều này, như tôi thấy, nằm trong vùng phủ sóng của Thơ.

Nói chung, tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, với luận văn “Con Đường Thơ Bốn Mươi Năm” của Nguyễn Đức Tùng, cùng sự góp mặt và thơ tuyển chọn của hơn 50 nhà thơ Việt ngoài nước, cho thấy được tấm lòng hoài hương, son sắt của những người con xa xứ. Một tâm tình mà thơ ca thế giới cũng đã từng phản ánh. Có những bài mang màu sắc, phong vị nguyên sơ, như tinh thần bài “My Heart’s in the Highlands” của Robert Burns:

(…) Farewell to the mountains, high-cover'd with snow,
Farewell to the straths and green valleys below;
Farewell to the forests and wild-hanging woods,
Farewell to the torrents and loud-pouring floods.

My heart's in the Highlands, my heart is not here,
My heart's in the Highlands, a-chasing the deer;
Chasing the wild-deer, and following the roe,
My heart's in the Highlands, wherever I go.


(…) Giã từ những ngọn núi, những đỉnh cao tuyết phủ,
Giã từ những dải thung bát ngát và những lũng xanh bên dưới;
Giã từ những khu rừng rậm và rừng treo hoang dã,

Giã từ những dòng nước cuốn và những cơn lũ cuộn ầm ào.


Trái tim tôi ở trên Vùng Cao, trái tim tôi không có ở đây,

Trái tim tôi ở trên Vùng Cao, đang chạy đuổi theo con nai;
Đang đuổi theo con nai hoang, và đang chạy theo con mang,
Trái tim tôi ở trên Vùng Cao, dù tôi đang dấn bước lang thang.

Trái tim người Việt lữ thứ ở đâu? Có lẽ chúng ta ai cũng biết.

Luận văn của tác giả cũng vẽ ra được nỗi hoài nhớ quê nhà của các nhà thơ Việt trong một ngôn ngữ mới, với thi pháp lạ, ôm giữ trong mình những phức tạp của thế giới ngoài kia, của các dòng thơ, thể thơ đương đại, với những ẩn dụ, những thủ pháp, đem lại cho con người sự hạnh phúc thẩm mỹ khi tiếp cận. Đôi khi, hạnh phúc đi cùng với nỗi hoang mang. Trong cảm thức và ý thức của người đọc.

Tất cả làm tôi nhớ đến bài thơ “Confusion” của Kenneth Rexroth:

Confusion

I pass your home in a slow vermilion dawn,
The blinds are drawn, and the windows are open.
The soft breeze from the lake
Is like your breath upon my cheek.
All day long I walk in the intermittent rainfall.
I pick a vermilion tulip in the deserted park,
Bright raindrops cling to its petals.
At five o'clock it is a lonely color in the city.
I pass your home in a rainy evening,
I can see you faintly, moving between lighted walls.
Late at night I sit before a white sheet of paper,
Until a fallen vermilion petal quivers before me.

Hoang Mang Lẫn Lộn

Tôi đi qua nhà em trong buổi bình minh màu chu sa

   đang lên chậm rãi

Mành mành kéo và những cửa sổ mở toang

Một làn gió nhẹ thổi lên từ bờ hồ

Giống như hơi thở của em vờn trên má tôi

Cả ngày dài tôi đi bộ trong mưa lúc giăng lúc tạnh

Tôi ngắt một bông uất-kim-hương màu chu sa

   trong công viên quạnh quẽ

Những hạt mưa sáng còn bám trên những cánh hoa

Vào lúc năm giờ đó là cái màu sắc cô đơn trong thành phố

Tôi đi qua nhà em trong buổi tối giăng mắc một màn mưa

Tôi có thể nhìn thoáng thấy em, mờ mờ, di chuyển giữa những

    bức tường sáng

Tối khuya tôi ngồi trước một trang giấy trắng

Cho đến khi một cánh hoa màu chu sa rụng rơi

    run rẩy trước mặt mình.

(BVP dịch xuôi)

Bài thơ này của Rexroth cũng được dịch rất hay sang tiếng Tây-ban-nha, một ngôn ngữ có những âm điệu du dương, đặc biệt khi ta đọc lên:

Confusión

Paso por tu casa en un lento amanecer bermejo,
Las persianas están bajas, y las ventanas abiertas.

La suave brisa del lago...
Es como tu aliento en mis mejillas.
Todo el día camino en la lluvia intermitente.
Recojo un tulipán bermejo en el parque desierto,

Gotas brillantes se aferran a sus pétalos.
A las cinco es un color solitario en la ciudad.
Paso por tu casa en un atardecer lluvioso,
Puedo verte vagamente, moviéndote entre paredes iluminadas.
De noche tarde me siento ante una hoja en blanco,
Hasta que un pétalo bermejo tiembla ante mí.
(7)

Trong nỗi hoài nhớ, trái tim kẻ lữ thứ mang dòng máu Việt có thể bắt gặp “em” ở đây trong hình ảnh quê nhà đã khuất xa ngàn dặm của mình. Và hồ nước trong bài thơ có thể làm hắn nhìn ra cái màu nước xanh lục thủy của một bờ hồ nào đó của quê hương, đất nước. Như mặt hồ Gươm chẳng hạn. Cái hơi thở kia, trên má hắn, là hơi thở của một người yêu dấu xa vắng cũ. Bên một dòng sông. Hay dưới một ánh trăng. Và những đóa hoa li ti, lấp lánh trong tối, cùng mùi thơm nhẹ của một không gian gần gũi bao quanh. Quê hương, có lẽ chính là người yêu dấu xa vắng đó. Trái tim kẻ lữ thứ chuyển những hình ảnh, tâm tình ẩn chứa trong bài thơ, của một tác giả thế hệ Beat (8) của Mỹ, sang hình thức lục bát của quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận. Quê hương của chính hắn.

Hoang Mang Lẫn Lộn

Qua nhà em lúc bình minh
Mặt trời lên đỏ một hình máu loang

Mành che, cửa sổ mở toang

Từ hồ gió mát một làn thổi qua

Như hơi thở nhẹ thiết tha

Của em trên má la đà lòng tôi

Cả ngày đi mãi, mưa rơi

Lúc đầy, lúc tạnh quạnh lời công viên

Ngắt bông tulip hồn nhiên

Màu chu sa, hạt mưa mềm còn vương

Cô đơn màu cánh hoa buồn

Là màu thành phố đáng thương lúc này

Nhà em, buổi tối, mưa bay

Hình em mờ tỏ dáng gầy tường xưa

Khuya, trang giấy trắng, tôi vừa

Gặp tôi ngồi trước đóa mưa một mình

Cánh hoa màu đỏ lặng thinh

Rụng rơi run rẩy, một hình dáng quen.

(BVP phóng dịch sang lục bát)

Trong cái dịch, hình như có sự đong đưa của những dòng thơ, những thể thơ khác biệt, có cái “hoang mang lẫn lộn” của những hình ảnh, nhịp điệu. Và hình như cũng có cái choáng váng của kẻ say sóng, đang từ trên thuyền bước chân xuống lòng hải đảo với bao nhiêu cây hoang trái lạ chung quanh.

Nếu tiếp tục đi tới nữa, kẻ lữ thứ kia có thể đặt chân lên những đất nước xa lạ, tiếp cận những phong thổ mới, gặp gỡ những nhân dáng không quen thuộc. Và hắn hòa nhập với những phong cách trước đó tưởng như lạ lẫm, với những ngôn ngữ trước đó tưởng như bùa chú yêu ma, với màu sắc và nhịp điệu trước đó tưởng như là trong mộng mị. Hắn đi vào văn hóa hậu-hiện đại. Hay có khi đi vào thơ Tân Hình Thức, một phản ứng với phong cách buông thả và tinh thần phân tán của hậu-hiện đại (9) . Hắn có thể chuyển bài thơ sang dạng Tân Hình Thức vừa nói. Như trong một trạng thái mơ mộng của dòng ý thức, một trạng thái độc thoại, chứ không như một phản ứng chống lại bất cứ một luận điệu, một phong trào nào:


Lẫn Lộn Hoang Mang


Qua nhà em lúc bình

minh mặt trời lên đỏ

một hình máu loang. Mành

che, cửa sổ mở toang

 

Từ hồ gió mát một

làn thổi qua, như hơi

thở nhẹ thiết tha của

em trên má la đà

 

Lòng tôi. Cả ngày đi

mãi, mưa rơi lúc đầy,

lúc tạnh quạnh lời công

viên. Ngắt bông tulip

 

Hồn nhiên màu chu sa,

hạt mưa mềm còn vương

 

Cô đơn màu cánh hoa

buồn là màu thành phố

đáng thương lúc này. Nhà

em, buổi tối, mưa bay.

 

Hình em mờ tỏ dáng

gầy tường xưa. Khuya, trang

giấy trắng, tôi vừa gặp

tôi ngồi trước đóa mưa

 

Một mình. Cánh hoa màu

đỏ lặng thinh rụng rơi.

 

Run rẩy.

Một hình dáng.

Quen

(BVP phóng dịch, theo thể điệu Tân Hình Thức pha cocktail lục bát, điệu phóng túng)


Có vẻ như kẻ lữ thứ đã đi được một vòng dài. Từ một bài thơ xứ lạ. Hay từ bất cứ một tín hiệu trùng (hay căng) nào mà hắn bắt được trong cái thế giới hiện tượng bên ngoài kia. Cái thế giới mở ra cho hắn bao nhiêu chân trời mới, nhưng, cùng lúc, kéo hắn xa khỏi những hình ảnh, âm thanh, mùi vị và những điệu ru cũ. Cái bản năng sinh vật trong hắn, cái bản năng bám víu, níu giữ, ôm lấy một ụ đất, bấu tay vào một bờ mương, vào một chân rễ cây lớn, dù đã già cỗi, dù đã bị bào mòn, bị làm trốc lở vì gió mưa vùi dập, phăng cuốn, vẫn còn trồi lên những chân rễ quăn queo trong lòng hắn, khiến hắn tiếp tục bám víu vào chúng để tồn sinh. Cái bản năng ấy là một đối trọng để giữ hắn lại giữa đời. Để trì kéo hắn lại giữa những cơn cuồng lốc trong đời sống một kẻ lưu cư. Thế nên, tất cả mọi thứ mà hắn va đập vào giữa cuộc tồn-tại-người này đều kéo hắn trở về tâm điểm cũ. Về một điểm gốc. Của Quê Nhà. Ngay cả khi hắn đang cảm nhận ra những mất mát của mình. Chính cái ý thức về sự mất mát ấy, một cách đáng ngạc nhiên, lại đem về cho hắn những ký ức đậm đà và hạnh phúc nhất. Ký ức vẫn tiếp tục tạo ra những bông hoa mới. Và làm những mùi hương cũ hồi sinh.

khi những cành cây gió đổi chiều
tôi về nghe nặng bước xiêu xiêu

hỡi ơi mưa gió là phong vũ
mà suốt đời em tôi đã yêu

tôi có gì đâu ngoài trái tim
một đời sôi nổi đã im lìm
vai áo đã sờn. tay nguội lạnh
khi mùa mưa bụi vướng chân em

tôi nhớ em từ sông mắt trong
từ dáng em trôi tóc mượt bồng
xa nhau nước dỗi hai mùa lá

em chờ bến cũ. muộn màng rong

đời đẩy tôi đi những phố câm
em biết nơi mô tội nghiệp giùm
ôi chút phong tình thơ ấu cũ
là bão tan dần đôi cánh chim

tôi nhớ hơn là chim nhớ mây
nhớ mùa thu. nguyệt xuống heo may
nhớ ơi. xa quá ơi là nhớ
mưa giọt vô tình trong đêm nay

mùa đông xứ huế chao ơi nhớ
những đứa con đau thắt nỗi nhà

hỡi ơi cố lý là quê cũ
áo trắng qua cầu em có qua?

(“huế, từ phong vũ”, 1985, trích nguyên bài, Hoàng Xuân Sơn)


Những cơn mưa cũ, vậy đó, cũng cất giấu trong chúng nhiều kỷ niệm. Nhiều hình ảnh. Và nhiều tiếng động. Thơ là một hộp hình ảnh mang đầy những âm thanh cũ. Thơ bắt những tín hiệu từ quá khứ. Như một thứ vĩ-cầm-Morse. Và đánh qua thời gian. Đến tận trái tim kẻ lữ thứ bây giờ.


mưa mù sa. mưa tháng tám. hay mưa tháng năm

tôi đi. hồn cây. mưa hạ hay mưa mùa đông

em vẫn bên bờ kia. biển. mây. vàng nắng đậm

tôi nhìn trời. gọi một vầng trăng trổ bông


mưa từ đất rộng. áo em phai. mưa qua sông

mưa sài gòn. mưa ở đây. mùa new orleans

tiếng đàn trầm rụng. quán âm. cõi blues nức nở

khuya rồi. có tiếng sóng. và rừng xưa nước

   mắt xanh

em có nhớ. mai kia. sẽ mưa trên hồ sen. trên

   rặng nhãn

tôi làm cánh chim cổ tích bay ngược thời gian

em chơi nhảy dây. nhớ cột giùm đôi vạt áo thơ.

   con chuồn chuồn. đỏ

vết đau ấu thời. chiếc kẹp tóc. quên trên ổ rơm

(…)

(Trích “Mưa”, 2000, Nguyễn Xuân Thiệp)


Ta đã thử đi một vòng quanh thơ ca và thể điệu. Tất cả những điệu, những thể, những đường vòng quanh hay những thử nghiệm ấy đều có thể được bắt gặp hay tìm thấy trong thơ của những nhà thơ hải ngoại. Người ta thấy được sự dịch chuyển giữa ký ức và những giấc mơ. Giữa ký ức và đời sống. Một giấc mơ mở mắt. Sự dịch chuyển giữa các ngôn ngữ. Giữa các địa tầng ngôn ngữ. Và văn hóa. Kẻ lưu xứ kia đang ở giữa những dòng chảy. Của những tiếng nói. Của tiếng nói cũ mà hắn đã ôm giữ, mang theo từ quê nhà, và những tiếng nói mới mà hắn đang bắt gặp trên đường đi tới của mình. Hắn ở giữa âm điệu của những nốt nhạc và những hình ảnh, những rung động. Những mùi hương. Trong thơ. Và trong chính trái tim kẻ lữ thứ. Thơ nuôi sống. Thơ gìn giữ. Và Thơ làm hồi sinh những mảnh vườn đã bị gió bấc thổi tan tác, tiêu sơ. Tôi nhớ, trong tiểu luận của mình, Nguyễn Đức Tùng đã viết, sắc sảo và chính xác:

() Trong khi ngôn ngữ thơ có thể chuyển hóa những kinh nghiệm đời thường thành một ngôn ngữ giàu có, đặc biệt, nén chặt, có tính mặc khải, thì nó được giao một nhiệm vụ lớn hơn là truyền đi những tang chứng của lịch sử, là mở những cánh cửa đã khép chặt từ lâu

Tôi chia sẻ nhận định của anh.

4.

Như thế, Thơ đã dắt tay ta đi qua những chấn thương lịch sử, những rào cản văn hóa, những đớn đau của cuộc đời, những gai xước của khổ lụy. Thơ đem lại cho con người, nhất là những con người lưu vong, lưu xứ, lưu lãng, lưu lạc, lưu đầy, bật gốc, tha hương, vô sở trú, một niềm tin để tiếp tục ngẩng cao đầu nhìn mặt trời tỏa sáng mỗi ngày. Thơ là một chiếc neo. Và ta, những kẻ biệt xứ, xa quê kia, là những con tàu chìm nổi. Thơ neo giữ ta lại nơi những bến bờ hạnh ngộ. Thơ dẫn ta đi trên những con đường mới đầy tiếng chim kêu ánh ỏi và những màu sắc rực tươi; nhưng Thơ cũng đưa ta tìm về những vườn xưa, ngõ cũ. Tìm về những cánh cửa tưởng đã khép chặt. Thơ biến những vết cắt, những vết rạch nát trong hồn ta thành những vết thương của một con trai. Khiến những vết thương kia làm ngọc. Ở đây, người viết xin phép được tự mở trái tim mình.

(…)

Tôi (…) đi lang thang về những con đường,

những thành phố khác

Ở Czechoslovakia,

mùa Xuân vẫn còn đang nở tại Praha

Kafka và những giấc mơ

Và những con đường ngoằn ngoèo nguệch ngoạc vẫn chạy mãi vào những trang lịch sử

Cầu Charles trên dòng Vltava

và nhà thờ Saint George ở Xóm Cũ

Tại Budapest, lịch sử Hung Gia Lợi vẫn trôi

trên dòng Danube

Con người vẫn sống vẫn thở vẫn yêu thương trên hai bờ Buda và Pest

Ở Yugoslavia,

tôi nằm nghe gió thổi miên man trên cái kapia

Cầu trên sông Drina

Ivo Andric

Những cuộc đời lại quày quả trở về

xôn xao trong tim trong mộng

Và chiếc cầu đá cổ ở Mostar

trên dòng Neretva

Bao thế kỷ rồi vẫn nhìn đời sống lướt trôi lướt trôi về vô tận

Tôi đứng trên cầu nhìn những xóm nhà heo hút

dần dần khuất bóng vào sương núi lam chiều

Ở Sarajevo, ở Dubrovnik, và ở biển Adriatic cô liêu

Những con người vẫn bay đi bay về trên dòng thời gian quạnh quẽ

Đó là một dòng chảy xanh lơ

Bây giờ máu đang chảy ra ở những nơi chốn đó

Mầu máu đỏ loang thấm vào mầu xanh lơ của thời gian

Những mộng mơ tôi nơi ấy chắc cũng hoảng hốt đập cánh tung

   bay

Tôi lại nhớ đến quê nhà

Những con đường và những bóng cây

Những làn khói xanh lơ và những dòng sông thuở nhỏ...

 

Tôi vẫn đi trên những con đường của cuộc đời

Gió mưa nắng quái và những sáng bạch chiều rơi

Những ánh sáng và những hương hoa tôi thầm ôm ấp

Có khi là những con chim dịu dàng mềm mại

Chúng thổi tiếng vi vu của cuộc đời vào lòng tôi sâu thẳm

Có khi, ừ có khi, chúng biến thành những vệt gai đâm

Hay có khi chúng thành những mảnh kính sắc

Đâm cắt vào lòng rạch nát vào tim

Tại sao những mảnh kính tại sao những mẩu gai?

Tại sao tiếng cười tại sao dòng lệ?

Thế nhưng tôi vẫn yêu mãi cuộc đời

Tôi vẫn chẳng thôi yêu thương những con chim, những dấu gai, và

    những mảnh kính sắc kia

Chúng dạy cho tôi biết thế nào là cuộc sống

Thế nào là dòng máu thế nào là trái tim

Thế nào là khổ đau thế nào là hạnh phúc

Và bảo rằng tôi vẫn ở giữa muôn thuở con người

Và thế nào là một niềm tin. (…)

(“Rồi một buổi nào thì tôi cũng sẽ bay đi”, Bùi Vĩnh Phúc, trích, 1993)

Tôi nhớ nhà thơ Lawrence Ferlinghetti có nói, “Thơ là một con chim hoàng yến thật trong một mỏ than, và chúng ta biết vì sao con chim trong lồng lại hót.” (It is a real canary in a coal mine, and we know why the caged bird sings.) Cũng Ferlinghetti, nói về từ. Dĩ nhiên là về từ được dùng trong thơ, “Từ, là những hóa thạch sống; nhà thơ có nhiệm vụ hồi sinh lại con vật và bảo nó cất tiếng hát. (Words are living fossils; the poet must piece the skeleton together and make it sing.).

Tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, do nhóm thực hiện gồm các nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Hưng và Ý Nhi, trong nỗ lực của mình, đã tìm được nhiều con chim hoàng yến của văn học Việt ngoài nước. Với sự góp mặt của trên 50 nhà thơ hải ngoại, ở một mức độ nào đó, nó cho thấy tâm tình, tâm thế, tâm cảnh và tâm thức của những người làm thơ bên ngoài đất nước. Với những tiếng nói, những thể nghiệm và thử nghiệm của họ trên những vùng đất mới.

Trong phần cuối của tiểu luận giới thiệu tuyển tập, nhóm chủ trương thực hiện đã xác quyết:

(…) Thơ ca là một nghệ thuật có khả năng nhắc nhở chúng ta về sự tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời của số phận con người, của một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm, nhưng vĩnh viễn của dân tộc, của những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc ấy. Mặc dù người làm thơ hình như ngày càng cô độc, việc tái xây dựng hình ảnh một đất nước tự do, vinh danh những hy sinh của người đi trước, ghi nhớ những đổ vỡ mất mát, giải thích những thất bại và đau khổ, lên tiếng về nỗi bi phẫn và hóa giải hận thù, kêu gọi sự hiểu biết và tin cậy, cùng nhau đi tới: những điều ấy chúng tôi tin rằng, thơ ca phần nào có thể làm được.

Trong hơn bốn mươi năm qua, thơ Việt ngoài nước đã đi qua một chặng đường dài. Với khổ đau trong đắng cay, mất mát, và với hạnh phúc trong việc tìm lại, tìm về. Thơ ở với con người. Thơ ở với chúng ta. Và Thơ là “căn nhà của hữu thể”, nói như Martin Heidegger. Thơ chở che và gìn giữ. Thơ chính là hơi thở, và Thơ đem lại cho chúng ta niềm tin. Thơ làm cho con người đứng dậy.

Cuộc sống của nhân loại ngày hôm nay được đánh giá là thời của những kẻ tỵ nạn, thời của những con người lưu vong, của những kẻ xa biệt mái nhà xưa. Người Việt ở ngoài nước có thể thấy mình không phải là những con người lẻ loi giữa cái quần thể của những con người “vô sở trú” kia. Chúng ta kinh nghiệm sự sống ấy. Chúng ta trân trọng cái kinh nghiệm làm người lưu lạc, vì chính nó, để lập lại phát biểu của Stefan Zweig mà tôi đã có dịp dẫn ở phần đầu bài, chính nó, “Chỉ có sự bất hạnh của lưu vong mới có thể cung cấp một sự hiểu biết cặn kẽ và một cái nhìn tổng quát vào những thực tại của thế giới.”

Jhumpa Lahiri, nhà văn đoạt giải Pulitzer năm 2000, sinh ở Luân Đôn, bố mẹ là người xứ Bengal, cùng với gia đình di cư sang Mỹ năm bà lên ba, đã nói, “Tự buổi bình minh của văn chương, các nhà thơ và nhà văn đã viết về những chuyến vượt biên, về sự lưu lạc, về lưu vong, về những cuộc gặp gỡ vượt ra khỏi sự thường tình. Kẻ xa lạ là cổ mẫu trong hùng thi, trong các tiểu thuyết. Sự giằng co giữa tha hóa và đồng hóa đã luôn là một chủ đề căn bản.” (10)

Dòng thơ Việt ngoài nước, trong suốt hơn bốn mươi năm qua, cũng đã nhìn thấy mình trong tấm gương lưu lạc với “những cuộc gặp gỡ vượt ra khỏi sự thường tình”. Những nhà thơ Việt ngoài nước, khi nhìn vào lòng mình cũng như khi nhìn xa hơn khỏi cõi lòng đó, chắc cũng đã dần thấy mình không phải chỉ là những sinh thể đớn đau, những hiện hữu tuyệt vọng hay mất hướng. Ngược lại, chúng ta thấy được giá trị của sự lìa xa, sự lưu tán. Tất cả những điều ấy chỉ làm cho con người thiết tha hơn nữa trong việc gìn giữ ngọn lửa của mình. Chính ngọn lửa đó sẽ cho ta nhìn rõ hơn vào bản chất “những thực tại của thế giới”.

Xin cám ơn những người trong nhóm chủ trương và thực hiện tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại. Đây là một nỗ lực tốt đẹp để ghi nhớ lại lịch sử tâm hồn của người Việt bên ngoài đất nước. Qua Thơ. Hơn tất cả những gì được ghi lại một cách chính thống, nhưng không đi thẳng từ trái tim những con người lưu xứ mà qua những phân tích, thống kê có vẻ khô cứng hơn, về người Việt ngoài nước, cái lịch sử này trung thực hơn nhiều. Nó chính là tiếng đập từ trái tim, thiết tha, sôi nổi và hạnh phúc, pha với những chấn thương, đau xót và mất mát, riêng và chung, của những con người xa quê.

Xin cám ơn tất cả các nhà thơ.

Và xin hãy tiếp tục dùng chiếc rìu riêng của mỗi người để đập vỡ mặt băng trong lòng mỗi một chúng ta.

Bùi Vĩnh Phúc

27 tháng II, 2017

Tustin Ranch, Calif.

___________________________________

Chú Thích:

(1) Ariel Dorfman: I think to be in exile is a curse, and you need to turn it into a blessing. You've been thrown into exile to die, really, to silence you so that your voice cannot come home. And so my whole life has been dedicated to saying, 'I will not be silenced.'.

(2) Trong bài “Liên-đêm-mặt trời tìm thấy” của Thanh Tâm Tuyền. Tôi đã nhắc và viết về câu thơ này trong một đoạn thơ của Thanh Tâm Tuyền, một kẻ tiên tri. Nhà thơ hẳn là đã cảm thấy xa lạ, lưu vong ngay trên quê hương mình, khi ông còn sống ở đó, nơi tất cả những tiếng nói bình thường của con người bị bóp nghẹt hay bóp méo, nơi những trái tim không còn được tiếp tục nhẩy đập những nhịp yêu thương cũ. Xem, “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, tại http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5336&rb=0101 và “Biệt Khúc cho Thanh Tâm Tuyền”, tại http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6997&rb=0101 , hay tại https://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/biet-khuc-cho-thanh-tam-tuyen.html .

(3) Lấy ý của Richard von Weizsaecker, “Seeking to forget makes exile all the longer; the secret of redemption lies in remembrance.”

(4) Ý thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng / tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.

(5) Bài viết này, viết vào tháng XII, 1985, nguyên thủy được đăng thành hai bài, “Đi Vào Thế Giới Thơ” và “Thơ, Hình Như Trái Tim”, trên nguyệt san Văn Học số 1, tháng 2, năm 1986 (số đặc biệt về Thi Ca). Sau, được đăng lại, giữ nguyên hình thức cũ (hai bài sát nhau, trang 525 - 575) trong Lý Luận và Phê Bình / Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước, 1975 – 1995 của Bùi Vĩnh Phúc, Văn Nghệ xuất bản, California, 1996.

(6) Stefan Zweig, Only the misfortune of exile can provide the in-depth understanding and the overview into the realities of the world.”

(7) Xem http://poemaseningles.blogspot.com/2004/09/kenneth-rexroth-confusion.html

(8) Mặc dù không tự xem mình là một nhà thơ Beat, và không thích việc bị dán nhãn là một nhà thơ thuộc phong trào này, Kenneth Rexroth đã bị/được Time Magazine mệnh danh là “Tổ phụ/Cha già của phong trào Beat”. Ông là một trong những nhà thơ đầu tiên của Mỹ khám phá những thể thơ truyền thống Nhật Bản như haiku. Ông cũng đọc và am hiểu nhiều về văn hóa Trung Hoa.

(9) Xem Rose Mayflower viết về New Formalism trong “Traditional, Modern, and Postmodern: Poetry”: “[…] I did discover that there is a small contemporary movement in poetry called “New Formalism”, advocating for a greater respect for formal poetry. Although the current mainstream culture’s overwhelming disdain for all things traditional and formal is likely to stay in vogue, the fact that a reactionary movement like New Formalism exists at all shows that not every poet buys into the postmodern argument.” (Tôi khám phá ra rằng có một trào lưu đương đại nhỏ trong thi ca được mệnh danh là “Tân Hình Thức”, cổ vũ cho một sự tôn trọng nhiều hơn nữa thể thơ có tính cách nghiêm chuẩn. Cho dù sự xem khinh mang tính cuộn chảy tràn bờ của văn hóa dòng chính đương đại đối với tất cả những gì mang tính truyền thống và hình thức có vẻ như sẽ tiếp tục thắng thế, sự có mặt của một vận động mang tính phản ứng lại như phong trào Tân Hình Thức đã chỉ ra là không phải nhà thơ nào cũng bị luận điệu của hậu-hiện đại thuyết phục.”). Những nhà thơ Tân Hình Thức cho rằng trong việc giữ lại một số hình thức của thơ ca, chí ít như trong việc giữ lại số từ cố định trong mỗi dòng thơ, cùng với một số những thể thái mang tính hình thức khác, như sự vắt dòng, tính kể truyện, v.v., họ vẫn có thể làm mới sáng tạo của họ.

(10) Jhumpa Lahiri: “From the beginnings of literature, poets and writers have based their narratives on crossing borders, on wandering, on exile, on encounters beyond the familiar. The stranger is an archetype in epic poetry, in novels. The tension between alienation and assimilation has always been a basic theme.”