Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’

Inrasara

 

Trong cuốn Le deuxième Sexe xuất bản đầu tiên vào năm 1949 , phát biểu của Simone de Beauvoir: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ / On ne nait pas femme, on le devient” vang lên như một thách đố. Dẫu câu văn được những kẻ đấu tranh và không đấu tranh cho nữ quyền trích đi dẫn lại đến sáo nhàm, nhưng đến hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Từ xuất phát điểm đó, gần hai thập kỉ sau, Robert Stoller dấn thêm một bước mới: phân định rạch ròi hai khái niệm giống và giới tính (Sex and Gender: On the Development of Masculinity and Femininity, 1968); hay nói như Dr. Harry Benjamin: Giống (sexe) là điều ta thấy, giới tính (genre) là điều ta cảm thấy (Le sexe, c'est ce que l'on voit, le genre, c'est ce que l'on ressent). Giống là của trời cho: mông to/ nhỏ, vú nở/ lép, của quý lõm vào/ thò ra, trên người ít/ nhiều lông gắn liền với các đặc điểm sinh lí. Còn giới tính, nó bị quy định triền phược bởi truyền thống văn hóa, tập tục, giáo dục, tôn giáo, chính trị. Nghĩa là toàn bộ những gì ta cảm thấy qua cách nhìn nhận của một cá nhân hay tập thể về tính cách nữ/ nam. Giống không thể thay đổi, còn giới tính thì có thể. Cái gì có thể thay đổi được thì sẽ thay đổi được. Dĩ nhiên cái không thể này cũng cần trừ ra trường hợp cá biệt như siêu sao nhạc Pop Michael Jackson tẩy trắng da hay những kẻ giải phẫu quyết thay đổi giới tính. Chính tại điểm nhấn này, các nhà đấu tranh cho nữ quyền thế hệ thứ hai lập thuyết và đấu tranh.

Sang thập niên tám mươi, ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại, thế hệ nữ quyền thứ ba đẩy tư tưởng nữ quyền tiến thêm một bước quan trọng: vấn đề giới tính thực chất là vấn đề thể hiện, “một hệ thống biểu trưng hay hệ thống ý nghĩa nối liền các giống với những nội dung văn hoá tương ứng với những giá trị và đẳng cấp xã hội tương ứng” (Nguyễn Hưng Quốc). Và cả vấn đề ngôn ngữ nữa; bởi ngôn ngữ hôm nay chỉ là thứ ngôn ngữ do nam giới áp đặt trong đó hầu hết những gì liên quan đến nữ giới đành phải nhận phận hậu tố tòng thuộc hay như một phái sinh đầy thứ yếu.

Các nhà đấu tranh cho sự bình đẳng giới không chấp nhận đóng vai tòng thuộc đó. Không phải đảo ngược hay nổi dậy hô hào lật đổ: phụ nữ quan trọng hơn đàn ông, nữ quyền thay thế nam quyền, mẫu hệ đảo chính phụ hệ mà là, đạp đổ bức vách ngăn vô hình phi lí đầy tệ hại tồn tại suốt mấy ngàn năm lịch sử nhân loại. Bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó sáng tác và phê bình văn chương có vai trò nhất định.

Trên thế giới, nhất là trong các nước phương Tây không chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Mạnh, giới nữ đã khẳng định vai trò và tư thế mình trong xã hội dân chủ: từ nguyên thủ quốc gia cho đến nhà hoạt động hòa bình, từ nhà khoa học cho đến tác gia văn chương. Đâu đâu cũng có những khuôn mặt nổi bật. Không phải do cơ cấu mà ở ý thức tự do, bình đẳng và nỗ lực vận động tự thân: Bà Mahatma Gandhi, Marie Curie hay Szymborska… Họ có đó, không như vài hiện tượng hiếm hoi nữa mà là một cái gì đã trở thành phổ quát.

Trong trào lưu mang tính toàn cầu đó, các nhà văn nữ Việt Nam đứng ở đâu?

Ngược dòng lịch sử, chúng ta có được tấm gương sáng: Hồ Xuân Hương. Trong xã hội bị thống ngự bởi giống đực, viết thơ thôi cũng bị coi là hành vi xúc xiểm rồi, nói chi dùng văn chương để kêu ca về thân phận hèn kém của phụ nữ, hơn nữa để phản kháng sự chèn ép đầy bất công mà chế độ phụ hệ áp đặt lên phía giới chân yếu tay mềm.

 

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết đường nào nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong
.

Phản kháng ngang tàng oanh liệt thế, Hồ Xuân Hương chịu nhận cái nhìn dè bỉu hay bị phê phán gay gắt của dư luận là khó tránh khỏi; thế nhưng đó là tư duy mang ở tự thân khả tính cách mạng. Nên, với thế giới hôm nay, thơ của nữ sĩ họ Hồ được đánh giá cao hơn cả Nguyễn Du – nhất là về mặt tư tưởng cách mạng – không phải không lí do của nó. Nó chuẩn bị tinh thần, bên cạnh như báo hiệu một trào lưu nữ quyền trong văn chương Việt một ngày không xa.

Ở miền Nam trước 1975, những Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng đã khẳng định được mình với tư cách nhà văn đồng thời qua quan điểm về tính dục phi-truyền thống, họ đã nói lên được sự bất mãn tính dục của chị em trong xã hội bị áp chế bởi thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism). Sau đó, một Lê Thị Huệ viết để chống lại cơ chế xã hội được tạo dựng bởi chế độ đực tính qua hàng loạt kí sự hoặc, một Phạm Thị Hoài phê phán kịch liệt "tư cách trí thức [đàn ông] Việt Nam" trong suốt quá trình lịch sử. Là những vùng vẫy đáng trân trọng. Ở một chân trời khác, Trịnh T. Minh-hà được công nhận là một nhà nữ quyền hậu hiện đại sáng giá. Trong nghệ thuật,

không chỉ lấy “tính Việt Nam” làm đề tài, mà còn lấy cả “tính phụ nữ”. Làm thế, dường như chị nhân gấp đôi cái vị thế ngoại biên của mình. Nhưng chẳng hề gì: chị được cộng đồng mỹ thuật quốc tế công nhận như một nghệ sĩ thay vì như một “người Việt Nam” hay “một phụ nữ”. Làm thế nào chị Minh-hà đạt được sự công nhận ấy? Chị đạt được nó vì những ý tưởng “là người Việt Nam” và “là đàn bà”, dù được chị trình bày thẳng thắn và thường xuyên, đã chỉ tồn tại như những đề tài trong nghệ thuật của chị và đã không che khuất cái độc đáo của nghệ thuật của chị(1).

Còn hôm nay thì sao? Nhà thơ nữ Việt giai đoạn qua đứng ở đâu trong hành lịch văn chương và xã hội đầy biến động?

 

Từ khủng hoảng…

Các bạn thơ nữ thời đại toàn cầu hóa quyết tháo tung cương ngựa non mà kỉ cương cũ [toan] buộc ràng chúng, cho chúng mặc sức tung vó, hí vang. Không còn kiêng nể gì nữa, sex hay không sex, bản năng hay không bản năng, truyền thống với định kiến xã hội: bất chấp tất! Họ thể hiện mình, phơi mở và phô bày cái Tôi chủ quan, không che giấu. Không cần qua trung gian ẩn dụ hay nhờ cậy sự đánh tráo của ngôn ngữ để gợi mà, trực tiếp, đẩy tới, nâng cao, phóng đại. Từ tâm tình, thái độ hay cả hành cử của thân xác trong sinh hoạt dục tính. Tất cả đều được phép, giấy phép họ tự ban cho mình. Ngay cách xuất hiện của họ cũng đúng a-la-mốt của cư dân mạng: họ chọn Evan hay Tienve.org và các trang mạng để đăng thơ.

Mươi, mười năm trước thôi, đàn chị Phạm Thị Ngọc Liên dẫu có “giang tay giữa trời mà hét” cũng biết dừng lại ở đường biên tự vạch: “Tôi đi giữa sóng như loài ngư nữ / Lời thở than trôi về phía sau / Mặt trời trên tóc tôi là nụ hôn của chàng / Lời chúc ngủ ngon mỗi tối / Tôi bồng bềnh trong mơ”.

Vẫn còn lành quá, hôm nay Trần Lê Sơn Ý:

… Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi

Hèn nhát

Trước khi băng qua bờ vực

Chỉ cơn điên mới vượt khỏi nỗi đau…

Thức dậy, dẫm chân và lắc đầu kiêu hãnh

Trước những yên cương rực rỡ sắc màu

Thức dậy để đón sương mai(11)

Cả vài giọng thơ nữ ở phía Bắc, Vi Thùy Linh chẳng hạn, được/ bị cho là táo bạo.

Bởi vì trong đêm
Em bùng lên nỗi nhớ, khát khao và cả những điều thầm kín nhất
Bởi vì trong đêm, em là em toàn vẹn nhất
Anh hiểu không?
Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm em
Em tự xát thương vết thương đau đang rỉ ra
nơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòng
và lần cởi từng chiếc cúc
(2)

Vi Thùy Linh mới “Khỏa thân trong chăn / Thèm chồng” thôi mà đã bị dè bỉu; còn những “lần cởi từng chiếc cúc” nữa, bạo gì đâu. Phương Lan đã khác, khác lắm:

Rướn    cong mùa chín       mọng trong đêm

Chờ một linh tín để hân    hoan giờ khai      mở,

Dưới em là    rầm rì cỏ           mềm

Và những phôi     mầm phập           phồng cố nén cơn phấn      khích

                                               trong viễn tượng đồng           loạt đội lên

 

Và rồi êm       lịm

                            hơi thở phủ        xuống em

Giấc mơ khoan               thai bay đến

khe      rãnh róc rách  khơi   chảy

Cơn gió hoang    phiêu mát lạnh trườn       ngược lên đỉnh        đồi…(3)

Cả lối đặt tên bài thơ cũng khác. Không còn vụ “Giấc mơ của lưỡi”, “Thất vọng tạm thời”, “Hè lỗi hẹn”, “Lãng mạn giải lao” (Phan Huyền Thư) hay “Anh còn cho em”, “Em – bí mật”, “Nói với anh”, “Mùa anh”, “Thung lũng anh và em” (Vi Thùy Linh) nữa. Phương Lan bộc trực hơn, nếu không nói là đanh đá đầy khiêu khích: “Lỗ rỗng”, “Mùa căng”, “Đào thoát”, “Nẻ”, “Lên cao”, “Chờ mưa”, “Vọng kinh”.

Cùng thế hệ Ngô Thị Hạnh, Nhật Quỳnh nhưng Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Khương Hà Bùi hết còn nền nếp khép mình trong khuôn phép, họ “quậy” hơn, phá phách táo tợn hơn. Để có mặt.

Nếu lãng mạn-trữ tình của thế hệ Hậu-đổi mới còn muốn giữ lại cọng hành an toàn, những buông thả mang tính bản năng còn cuộn mình trong kén ý định:

Em sẵn sàng chết vì anh nhưng không phải là cái chết đau đớn
Nếu anh không của em
Em sẽ vắt mình đến giọt sống cuối cùng
làm nghiêng ngã mọi ổn định
.(2)

Thì lãng mạn của cư dân mạng đã khác hẳn. Nó tung hê tất, dám nói tất. Đây là thế hệ say đắm yêu, nhưng say đắm với con mắt mở lớn đầy ý thức, từ/ qua thức nhận đòi hỏi bình đẳng giới tuyệt đối.

 

Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng tương tự như thái độ của một người đàn ông yêu một phụ nữ học thức cao; anh ta biết rằng anh không thể nói với cô kiểu “anh yêu em mê mệt”, bởi vì anh thừa hiểu là cô ta biết (và cô ấy cũng biết là anh biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có cách khác. Anh có thể nói thế này: “Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em mê mệt.” Như thế, vừa tránh được sự ngây thơ vờ vĩnh vừa có thể nói được rõ ràng những gì vốn không còn có thể được nói một cách ngây thơ, đồng thời, anh lại vừa nói lên được những gì anh muốn nói với người phụ nữ: anh yêu cô, nhưng anh yêu cô trong một thời đại đã mất sự ngây thơ(4)

Nguyệt Phạm cũng yêu, cũng say, nhưng đã khác nhiều. Song hành với “chết cóng vì sự nổi loạn nửa mùa của những cơn mê.(5) là cái tỉnh táo của ý thức để nhận rõ “đôi mắt giấy” của người yêu, nhiều lần(6). Khương Hà Bùi nữa, cũng không chịu thua kém:

Xin anh giữ chặt vai em
cùng quay những vòng xoay chóng mặt
Thảo nguyên rỉ máu từ những hố sâu rền rĩ đòi trở lại là hoang mạc
Quằn quại nỗi đau tìm về khởi thủy
Một vòng xoay
Hai vòng xoay
Vũ trụ sinh sôi từ những vòng xoay đơn giản nhất
Từ xưa và rất xưa…

Hỡi cơn gió mấy ngàn năm vọng tưởng sóng cồn
Xin gài vào đêm những giấc mơ tình yêu nồng nàn môi ngọt
Em và anh
Say đắm tìm, say đắm yêu, say đắm tin
Say đắm điệu múa thảo nguyên mộng mị đường về
(7)

Từ “em thuộc về anh” hay “anh của em” đến “em anh” là cả một vực thẳm ý thức! Và, trong lúc lối quan sát của Phan Huyền Thư – dẫu tinh tế, một tinh tế không thiếu cái cười tinh nghịch – vẫn còn chịu khuôn định bởi suy nghĩ đơn tuyến:

Tôi đi

tiếng còi hú dẹp đường

xe đi họp lao như tia chớp

để lại đàng sau phố xá nườm nượp

người người chẳng hiểu mình sẽ về đâu

 

Tôi đi

những thằng bé lau nhau

chạy long đường bán vé số

đánh giày, tử vi và “kết quả”

thành phố của tôi

mọi người sống và biết kết quả từng ngày…(8)

Cuộc sống đô thị dưới mắt Thanh Xuân đã ngổn ngang, bề bộn với những chuyển động đa chiều khó nắm bắt:

… Ngày tân cảng cuốn hút dòng người vào vòng xoáy trách nhiệm

Con thoi chính mình và mai một những đam mê

Đôi bàn tay chạm vào nhau, ngổn ngang vô số hoài nghi có thật

Bí mật có phanh phui?

Rồi tự phỉ báng vào sự hèn nhát vô nghĩa

 

Trưa tân cảng mang con người vào khói bụi

Vào sự thiếu kiềm chế của hai-mươi-tư giờ nhân bản

Khẽ khàng quay lưng như sợ tâm hồn vỡ tung

Chẳng muộn màng cho những khát khao

Nhưng vẫn thấy kiệt sức nếu bắt đầu lại những đấu tranh thần thánh(9)

Thanh Xuân: “Tôi đi bằng những bức họa ở ELrời khỏi bầy đàn âm thầm như cơn bão” (“Bão cấp”, Evan). Tôi thực sự thích phát biểu này, và chờ cơn bão tới. Thế nhưng, tôi cứ nơm nớp rằng không ít những bước được coi là đột phá dũng cảm của các bạn thơ nữ hôm nay nguy cơ dẫm lên dấu vết người đi trước, không thể nói là không hay, nhưng đã là cái hay hơi cũ rồi!(10)

Về nghệ thuật, phát ngôn chỉ là những phát ngôn, dẫu chúng táo bạo hay táo tợn đến đâu đi nữa. Đầy cảm tính, chúng ta hay nhầm lẫn lối phát ngôn ngổ ngáo hay gân guốc với sự cách tân thơ! Nhầm lẫn kéo dài gần mươi năm qua, từ thuở hiện tượng thơ trẻ xuất hiện và gây ồn ào, nỗi nhầm lẫn mãi hôm nay vẫn còn chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Đây là một khủng hoảng bởi ức chế xã hội hay chỉ thuần bế tắc mang tính thi pháp? Hoặc, tệ hơn: nó chỉ là một cách làm dáng, thời thượng? Bởi không ít người, mượn cớ cách tân, đã sa bước và chìm nghỉm trong cõi hỗn mang của trùng trùng lối viết mà không tự biết, hoặc biết, nhưng tự đánh lừa. Nói cách khác: không nhập cuộc chịu chơi mà bị lôi cuốn vào cuộc chơi, nên chẳng khám phá được gì. Để cuối cùng tự đánh mất mình và đánh mất luôn sự kết nối với thế giới xung quanh.

Thế là họ lên ­đường “đi tìm mình”. Cuộc lên đường tấp nập, nhộn nhịp. Như một tập thể lớn, vừa cố tạo lối đi riêng đồng thời rất sợ cô độc trong cái mới của thế hệ. Không phải cái mới hôm nay không dẫm đạp lên nhau, nhiều nữa là khác. Do lười lao động nghệ thuật, cái mới rất dễ “lừa mị” người đọc rằng nó độc đáo, khi nó chỉ lo “khác cái cũ” thôi mà bỏ qua không tính tới công đoạn “khác chính nó”. Đó là sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] hôm nay. Các tác giả trang bị thứ tâm lí rất kì lạ: vừa khao khát, đồng lúc vừa sợ khác các bạn đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay hữu thức. Rõ hơn cả, không chỉ ở ngôn ngữ thơ mà, ở chính hình ảnh và ý tưởng thơ. Hình ảnh “ngựa” hay cái nỗi “tìm mình” chẳng hạn. Ngựa từ Xuân Diệu sang Hoàng Hưng đến Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý… cứ thế mà ngựa!

Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ

Thức dậy và tung bờm cất vó

Phóng như điên…

Thức dậy đi ơi chú ngựa

đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng(11).

Mãi tận Đinh Thị Như Thúy nữa, ngựa chưa bao giờ làm vắng mặt.

Trái tim tôi là con ngựa bất kham

Sải vó dài trên đồng cỏ

Gió ngùn ngụt gió(12)

Rồi khi Ngựa Trời xuất hiện, ngựa đã thành một cuộc [mốt] chơi không biết đâu là cùng tận:

Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh(13)

Nếu ngựa Xuân Diệu (“Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương / Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn”) biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn; hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy (“Em là con ngựa non thon vó / Lạc giữa rừng người hoang vu”) thì ngựa của các bạn thơ nữ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả – một giuộc!

Ừ, thì vậy. Đó là tâm thế chung của phụ nữ thời đại. Nó đã vậy và phải vậy. Cả chuyện “đi tìm mình”, “dám là mình”, “là chính mình” cũng không khác nhau phân tấc.

lọt qua kẽ tay

tôi muốn nhoài người ra biển lớn

tìm mình(14).

Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình vỏ quế(15)

Em là ai mà chưa chính mình?(16)

Thời đại hôm nay không chấp nhận sự đồng bộ trong lối nghĩ/ lối sống, không chịu vong thân giữa cộng đồng bầy đàn như đã. Là ý hướng tốt, nhưng đó là nói chuyện đời; còn trong thơ thì khác. Khác hay là chết! Anh/ chị phải nỗ lực khai phá tìm tòi thi ảnh lạ, tứ thơ mới. Hoặc, ví có xài hàng cũ, thì thái độ ứng xử với chúng phải khác, trên tinh thần khác: đùa xíu chẳng hạn; chứ tôi thấy các bạn vẫn còn nghiêm nghị căng thẳng bật máu quá xá. Nếu không, vô hình trung các bạn rập khuôn người đi trước và, rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình.

Vẫn còn cả khoảng trắng phía trước cho kẻ sáng tác và, cho cả các thẩm định.

Làn sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn, tách ra từng người viết, chưa đủ định hình. Chưa tạo phong cách rõ nét, chưa báo hiệu cuộc đổi mới thơ, như chúng ta mong đợi. Không vấn đề gì cả. Bù lại, nó có đó, như một hiện tượng: nó là cuộc khủng hoảng. Chúng ta chấp nhận nó hay không, hoàn toàn không quan trọng.

 

… tới nỗ lực cắt đuôi hậu tố “nữ”

            Thật nguy hiểm cho nhà văn nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình”.

 Virginia Woolf.

 

Qua click chuột xem thơ, ta thấy lối nhìn, nghĩ, cảm và cả việc chọn cách xuất hiện của các cây viết nữ Sài Gòn đợt sóng mới thế hệ hậu hiện đại (2002-2006) đã khác, rất khác. Nhục cảm trần trụi đến bất chấp của Phương Lan, ở cấp độ khác: Lynh Barcadi, hoặc sôi nổi hồn nhiên nhưng không kém buông thả ở Khương Hà Bùi, cảm nhận cuộc yêu tinh tế mà lạnh lùng của Nguyệt Phạm hay cái nhìn sắc lạnh ném vào cuộc sống đương đại ảo/ thực chồng chéo đầy bất trắc như Thanh Xuân. Là những gì chúng ta ghi nhận từ sáng tác của các cây viết này, từ vài năm qua.

Dẫu sao, mọi phô bày chỉ mới dừng lại ở phát ngôn về/ cho cái Tôi chủ quan, chưa vươn ra ngoài, ngoại trừ Thanh Xuân, Lynh Barcadi có vươn ra nhưng chưa thoát hẳn. Nỗ lực phát ngôn mới ở “thời kì quá độ”, còn gồng mình phá vòng vây phân cách giới. Có cảm tưởng như các bạn đang mặc tấm áo chật, ướt nữa, mãi loay hoay tìm cách cởi bỏ. Vẫn còn lúng túng trong tìm lối, chưa đáo bỉ ngạn để làm cuộc tương thoại thích đáng với giới kia. Do đó, vẫn chưa thể đối thoại sòng phẳng với xã hội, như là một thực thể tự do và tự tại. Chỉ khi nào chúng ta để cho giới tính như là thế, giới tính mới hết còn là vấn đề.

Tôi không nói sáng tác của nhóm Ngựa Trời chủ yếu mang tư tưởng nữ quyền. Không thể gắn cái thiên hạ không [muốn] mang vác để nhận định về cái không có đó. Nhưng một nghệ sĩ sáng tạo phải vượt qua nỗi “chấp” (ngã chấp và xã hội-chấp) và vượt qua chính sự vượt qua đó, để LÀ một sinh thể tự do và tự tại. Ở đây, nhóm Ngựa Trời và cả vài khuôn mặt thơ nữ ở Hà Nội trước đó, đã không đi tới tận cùng tinh thần nữ quyền (feminism) trong sáng tác văn chương. Trong lúc thời hiện đại dành cho họ cơ hội lớn. Nhưng tại sao cuộc cách tân [mạng] của phong trào thơ nữ bất thành, và đã chịu dừng lại ở một dang dở đáng tiếc? Không phải họ thiếu tài năng mà, đơn giản: họ không lập ngôn, không biết tuyên ngôn cho phong trào, thậm chí không hình thành một nhóm cố kết [dẫu ngắn hạn] – là một trong bốn yếu tố tạo nên cuộc cách mạng văn nghệ –, như nhóm Sáng Tạo nửa thế kỉ trước hay nhóm Mở Miệng cùng thời. Còn quá đậm đặc ở đó khí hậu thơ hậu-lãng mạn, thiếu một khai phá thi pháp mới.

Đó là những khuôn mặt đang nỗ lực “phá giới”.

Còn thì đại bộ phận các bạn thơ nữ chưa vượt thoát khỏi mặc cảm “nữ nhi thường tình” trong sáng tác thơ, chấp nhận và an phận. Có lẽ bởi thói quen thơ của chúng ta, thói quen bắt nguồn từ truyền thống nam quyền thống ngự lâu đời, nỗi mặc cảm thân phận mình là phái yếu, tam tòng đầy lệ thuộc. Dù thế giới hiện đại bày ra trước mắt chị em bao nhiêu ý tưởng, sự kiện lồ lộ về/ của sự bình đẳng giới, và dù họ cũng nhiều lần thử vươn ra, vượt lên. Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, luôn chịu khép mình sắm vai phụ, rất phụ:

Người đàn bà làm thơ

Người đàn bà ngồi khóc

Người đàn bà muốn làm trẻ nhỏ

Dù sao đi nữa

bàn tay ấy trong chiêm bao

đã tan vào

nghìn điều không có thật!(17)

 

Em lặng lẽ yêu

để hồi sinh người đàn bà trong em bấy lâu yên ngủ

thắp giấc mơ tìm kiếm chính mình

hát ru thầm một kiếp vùi quên(18)

Mặc cảm liễu yếu, tòng thuộc thì rõ rồi. Nhưng theo tôi, với nhà thơ nữ Việt, điều bất khả vượt này còn cắm rễ vào miền tối sâu thẳm hơn và có thể nói, nguy hiểm hơn: tiếng Việt. Tiếng Việt với các chủ ngữ thiếu trung tính. Vừa mở miệng xưng hô, cán cân thiên lệch nghiêng ngay về phái mạnh.

Phạm Thị Hoài đùa đại ý rằng các nhà văn viết tiếng Việt khó viết truyện trinh thám hay. Lí do đơn giản là các chủ từ tiếng Việt thiếu tính khách quan. Mới vào trang đầu, “hắn” xuất hiện thì người đọc đã biết ngay kết cục truyện thế nào rồi. “Hắn” chắc chắn phải là đồ phản diện, thứ kẻ xấu xa, đáng lên án. Chứ không lương thiện, anh hùng như nhân vật “anh”, “ông ấy” được! Thì còn kịch tính với nút thắt đâu để mà trinh với thám?

 

Trở lại với thơ, thói quen “em” từ thời Thơ Mới vẫn bám dai dẳng không dứt ra được. Chị em làm thơ đặt bút xuống là EM có mặt, to tướng, không thể bôi xóa. Hơn thế, nó lại đầy... chất thơ, mới phiền! Quan hệ máu mủ, em so bì với anh, chịu lép vế là cái chắc; quan hệ gái/ trai, vợ/ chồng thì càng. Núp bóng “anh”, người nữ lúc nào cũng phải “dựa vào nam giới mới có thể định nghĩa chính mình”. Các nhà thơ nữ rõ sự vụ ấy quá chứ! Xưa, đã có tấm gương sáng Hồ Xuân Hương [cứ cho tác giả này là nữ] xưng “chị” gọi em ngang tàng ngang dọc. Thời gian qua, vài nhà thơ thử làm cuộc đảo chánh nhỏ, họ sử dụng chủ từ “tôi” cách sòng phẳng trong các sáng tác của mình. Thu Nguyệt nhuần nhị “tôi” hay “ta”. Trước đó, Nhã Ca còn đẩy chủ từ tới cùng hơn nữa – “tui”. Hi vọng thoát khỏi kiếp tòng thuộc. Nhưng đại đa số nhà thơ nữ ta mặc cảm vẫn hoàn mặc cảm. Nói như Lê Khánh Mai, “oan nghiệt ngày thường” trở thành “oan nghiệt phận thơ”. Có nỗ lực “tìm mình” thì cứ lại thấy một mình-phụ tùng. Có gắng gượng làm cuộc bứt phá tới đâu, sáng tác phẩm của mình vẫn rơi tõm vào cõi giới tính thứ hai tệ hại:

lọt qua kẽ tay

tôi muốn nhoài người ra biển lớn

tìm mình(19).

 

bạn cùng ta “bứt phá”

lang thang quên mình là đàn bà

 

… bao đền đài thơ sừng sững

ta gieo xác chữ ích gì

 

… ta ru oan nghiệt ngày thường

oan nghiệt phận thơ – tiếng kêu máu vỡ(20)

Vậy, làm sao thoát khỏi hạn chế của sự trói buộc của ngôn ngữ?

Không cần thiết phải chống lại thói quen thơ hay qui ước ngôn ngữ, vài nhà thơ nữ đã có cách khác, trực diện hơn và hiệu quả hơn, có lẽ. Và họ tin thế. Tự do tính dục là tâm điểm của các lí thuyết nữ quyền. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng vũ khí sẵn có ấy vào cuộc?

Nếu không kể các nữ thi sĩ ở hải ngoại như Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa thì ở tiết mục này, Vi Thùy Linh và… đáng mặt đại biểu lá cờ đầu. Say mê yêu, tự do biểu lộ và mạnh dạn viết. Mạnh bạo, quyết liệt và, sẵn sàng dung tục nếu cần. Để chống lại sự vụ lâu nay bị đè nén, áp bức, để phản kháng định kiến cũ lỗi thời, để giải tỏa những uẩn ức ngàn năm bị nhìn một chiều từ phía bên kia nơi nền “văn hóa dương vật” thống ngự. Đây là thân xác của tôi, tôi có toàn quyền trên nó, phô bày nó ra trong trang viết của tôi.

“Thì đã sao nào”? Thanh Xuân nói thế. Và, Thanh Xuân cùng các nhà thơ trẻ thuộc làn sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn đã đẩy nó tới đầu mút bên kia của tự do phơi bày.

Nhưng dù gì thì gì, sự cách tân thơ cần được xem xét từ góc độ quan hệ của thơ với người đọc. Trong bầu khí quyển văn hóa Việt Nam hiện đại, mưu toan giải phóng kia đã tạo cú sốc. Cho cả người đọc nam lẫn nữ giới. Người ta vội vã chụp cho nó cái mũ văn chương khiêu dâm rẻ tiền hoặc ngược lại, cũng không ít người – không phải không trí thức, trong nỗi hào hứng cổ vũ cái mới – đã hối hả kêu đích thị nó biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học.

 

Thật sai lầm tai hại, khi đồng hóa thơ Vi Thùy Linh với nhóm Ngựa Trời. Làn sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn khác hẳn KhátLinh(21). Vi Thùy Linh có được hơi thơ khá lạ so với không khí thơ miền Bắc; và nhờ sự tiếp sức của thông tin đại chúng, ít nhiều nó đã thổi được làn gió hiu hắt vào khí hậu thơ đang tù đọng của thơ Việt. Nhưng đòi hỏi nó gồng gánh “tinh thần nữ quyền” (feminism)(22), hay là “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học”(23) là yêu cầu quá tải. Ở đó còn quá đậm đặc khí hậu thơ hậu-lãng mạn, tính chất nghiêm cẩn (seriousness) đến nghiêm trọng của giọng thơ, chiều hướng coi “đực tính” là trung tâm nơi miền sâu tiềm thức của ngôn ngữ thơ. Ngăn cách cả một vực thẳm với tinh thần hậu hiện đại.

Có thể nói thơ Vi Thùy Linh như thể tiếng kêu gào khản cổ đòi được yêu, được âu yếm chứ không thăng hoa tình yêu; khao khát tình dục chứ không giải phóng tình dục: “Về đi anh! / Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”, “Khi em tựa cửa / Là khi em cần anh”. Ở đó lộ thiên tinh thần “nữ tính” yếu đuối đầy tòng thuộc đồng thời phơi bày một trái tim dễ tổn thương, trầy xước khi bị bỏ rơi, ruồng rẫy: “Em khóc sập trời, anh vẫn cứ đi”, “Bị đánh mất khỏi anh / Em sẽ mất em / Khi thuộc về người đàn ông khác”, “Em có thể chết vì anh”. Khác với “Căn phòng 2.2-âm thanh sóng” của Lê Thị Thấm Vân: “mới mẻ hơn trong cách viết, dữ dội mấy lần trong diễn tả, đồng thời nó sòng phẳng trong quan hệ hai giới: tinh nghịch, lành mạnh và sạch sẽ. Còn “khỏa mình trong chăn”, “thèm chồng”, “em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước(24). Tất cả không gì hơn phơi bày cái thê thảm của một hiện tượng bị “choáng ngợp trước nghệ thuật, tự do bùng mở để đi lùi hay bị rơi vào… lãng mạn, trữ tình, hơi lỗi thời”(25). Nơi “Căn phòng…” của Lê Thị Thấm Vân, người đọc tìm thấy sức mạnh nội tại có khả năng lay chuyển truyền thống, đánh đổ thành trì định kiến về giới tính cũ kĩ.

Từ đó, để cho giới tính như là thế.

Như vậy, câu hỏi cốt tủy đặt ra là cô/ chị đã xử lí nghệ thuật như thế nào, chứ không phải cô/ chị đã mạnh bạo dùng đề tài nào hay, hô to cỡ nào.

Cùng thế hệ, chúng ta bắt gặp vài khuôn mặt “khôn ngoan” và tỉnh táo hơn. Phạm Tường Vân, Đỗ Khánh Phương hay Nguyễn Thị Thúy Hằng chẳng hạn. Bỏ rơi đề tài “nóng” sau lưng [cần thiết họ vẫn cứ dùng tới], không gồng mình dùng các hạn từ bạo phổi (mãnh liệt, tuyệt đích, trầm trọng, dữ dội, miên viễn, vĩ đại, hệ lụy, bão tố, nồng cháy… là các từ Vi Thùy Linh khoái dùng), họ đường hoàng đi tới. Chuyển hóa tư duy thơ, từ đó, rất lặng lẽ – cắt đuôi hậu tố [hay tiền tố] “nữ” (trong cụm từ nhà thơ-nữ hay nữ-thi sĩ) đầy tai ương, bất trắc. Với sự nhậy cảm nghệ thuật, các nhà thơ này dũng mãnh bước ra ngoài, ngụp lặn sâu vào dòng sống hiện đại và bằng lao động thơ, họ bắt gặp giọng điệu của mình.

Ở đó, Nguyễn Thị Thúy Hằng là tiếng thơ đáng kể:

Sao không thoát xa căn phòng chật chội, khe cửa hẹp giấy má, mẩu bút chì, vôi vữa và nỗi buồn vứt lung tung

… Bay đi!

Cao. Cao nữa. Trên tầng cao xanh chót vót…

… Bên ngoài tiếng vỗ cánh loài chim lạ sẽ đánh thức bạn

Bay đi!

Bay đi!

Với dáng điệu quen thuộc (những bước đi hoặc bằng tất cả quyến rũ gợi nên sự diêm dúa của loài chim)

Tôi viết thơ cho bạn cũng trong căn phòng chật hẹp

Vì thế nỗi niềm chúng ta có dịp gặp gỡ, chúng rủ nhau chạy trốn

Và vì một điều gì không cưỡng lại được, ta hãy cho chúng bay đi!(26)

Nhà thơ hôm nay đã đánh mất sự ngây thơ – ngây thơ trong tình yêu, trong niềm tin… Nói như một nhà văn Tây phương đương đại, chúng ta đang sống trong một thời đại mà văn chương đã đánh mất sự ngây thơ của mình. Một tin lành chăng?

Tin lành – chắc chắn thế!

Do đó, một lối nhìn ảm đạm như của Nguyễn Hòa về hậu hiện đại mất đất đứng, là chuyện đương nhiên:

Vào lúc các lí thuyết gia đang quảng bá cho một nền văn học "hậu hiện đại", tôi vẫn không tin lúc này văn học của chúng ta đã bước vào giai đoạn "hậu hiện đại", bởi liệu nền tảng là trình độ tư duy đã đi hết con đường "hiện đại" hay chưa. Phân tích kỹ lưỡng, chưa biết chừng trình độ tư duy của chính những người đang say mê quảng bá vẫn còn ở trong giai đoạn "tiền hiện đại" cũng nên! (27)

Từ ý thức-thơ đến hành động-thơ, từ cựa quậy đập phá đến tìm đường, hay nói như Nguyễn Thị Hoàng Bắc: từ “Chúng tôi vì đàn ông” đến nổi loạn cướp ngọn cờ “Tuyên dương”(28) để rốt cục bình tĩnh miệt mài đi tìm và tìm thấy vị thế cùng giọng điệu mình, là một hành trình dài, gian nan và bất trắc. Như thể từ một biện chứng đời chuyển sang biện chứng thơ hay ngược lại. Trên con đường khổ ải đó, không ít chị em đã thất bại, ngã lòng, chiêu hồi làm thứ “Em vẫn thuộc sự sống của anh, trọn vẹn” (Vi Thùy Linh) an phận. Còn nhìn chung, có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Tin lành khắp nơi bay đến.

Thế hệ hậu hiện đại mới (kể từ năm 2007), khi các nhà thơ nữ không còn bận tâm đến phi tâm hóa hậu hiện đại, họ vô ngại thể hiện mình. Xuất hiện trên giấy hay mạng, không quan trọng. Càng không quan trọng, in chính thống hay phi chính thống.

Truyền thống thơ Việt ít khắc khoải siêu hình, trong khi đó, suy tư về thân phận con người trong đời sống hiện tại chảy tràn trong thơ Lưu Mêlan. Chiêu Anh Nguyễn với “Gọng kính oval cầm lên đặt xuống” ở cà phê vỉa hè Sài Gòn không khác gì một nghệ sĩ hiện sinh. Phan Thị Vàng Anh tạo lập mối dây tương liên giữa con người và sự vật được thiết lập thoát khỏi đồng hóa hay làm xa lạ; qua đó chị biến vật dụng là những sự vật thân thuộc - thân thuộc như chúng đang là, đang hiện hữu. Tiểu Anh đưa thơ vượt khỏi quỹ đạo thân thể và cái giường, là chuyện đại đa số thơ nữ không tìm ra lối thoát, thời gian qua. Thi sĩ Chăm Kiều Maily đưa ra câu hỏi vui vẻ, khoái hoạt nhưng đầy thách thức cho cánh đàn ông, qua “Nhảy”:

Giữa anh và em là vực thẳm

mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

 

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm

đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

 

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm

ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

 

anh có muốn nhảy không?(29)

Trong khi ở miền Tây, Vũ Thiên Kiều vừa thổi vào khí hậu thơ đồng bằng Nam Bộ một hơi thơ mới - sống và động, thì ở miền Bắc, Du Nguyên qua nỗi buồn không địa chỉ”, đã mang vào thơ Việt một cảm trạng sâu thẳm hơn: cảm trạng hiện sinh; không phải hiện sinh ở chủ nghĩa hiện sinh của J-P. Sartre của một thời, mà là cảm trạng mang tính con người. Là một hiện tượng cực kì hiếm trong văn học Việt Nam đương đại.

Tất cả đều mang đến tin lành!

 

*

NGỌN CỎ

 

tiếng nước đái

                           nhỏ giọt

trong bồn cầu tí tách

thứ nước ấm sóng sánh vàng

                                       hổ phách

trong người tôi tuôn ra

phải rồi

tôi là đàn bà

hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ

được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ

tương lai không chừng tôi sẽ

to con mập phệ

tí tách như mưa

ngọn cỏ gió đùa(30)

Bài “Ngọn cỏ” xuất hiện ở tạp chí Hợp lưu năm 1997, đã gây sốc lớn cho độc giả thời điểm ấy. Không ít kẻ làm văn chương đã có phản ứng khá tiêu cực. Nhưng nó đã chinh phục được nhiều người, bởi đây là bài thơ thể hiện tinh thần nữ quyền rất độc đáo.

Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [“bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ?

Biên giới giữa nam và nữ đã, đang phải bị/ được xoá bỏ. Nguyễn Thị Hoàng Bắc tuyên như thế trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng tuyên là một chuyện, làm thơ là chuyện hoàn toàn khác. Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc ngỡ sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy sự thể biểu hiện ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ bỗng chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã!

Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Nếu không có “ngọn cỏ gió đùa” đột ngột kia, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền hiện đại: nghiêm trọng và không kém quyết liệt. Nhưng chỉ cần một giễu nhại, tất cả đã lột xác: bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại.

Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ gió đùa” thời Hồ Biểu Chánh đã lui vào hậu trường lịch sử. Nó được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.

Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương giải-khu biệt hoá (de-differentiation) và phi tâm hoá (de-centring), dẫu trung tâm đó đó là Âu Mĩ nay hay Trung Quốc xưa; ở đây là vị thế đàn ông trong văn hóa phụ hệ, đã tạo đà cho nhà văn nữ tự tin dấn tới. Không còn thái độ xốc nổi con nít thuở tiền-hậu hiện đại: phủ định, phản kháng và hô hào nổi loạn (tôi gọi đó là thứ thơ-nói to, thơ-la làng) – cần, nhưng không đủ, mà là: nhắm tới việc cắt đuôi hậu tố “nữ” trong chính sáng tác phẩm của mình.

Từ chối giọng điệu cải lương yểu điệu thục nữ, hết còn căng thẳng bật máu với cánh đàn ông, với truyền thống, cũng không thèm đóng thùng trịnh trọng mô phạm dạy đời (Lê Thị Thấm Vân), biết cười người (Phan Huyền Thư) và nhất là biết cười mình (Nguyễn Thị Hoàng Bắc), nhà thơ nữ hôm nay đang vượt thoát khỏi mặc cảm thân phận, khỏi trở lực nếp nhà đầy quy ước gò bó của ngôn ngữ Việt, sẵn sàng vươn đến nơi chốn sự sự vô ngại trong cõi sáng tạo.

 

Sài Gòn, tháng 12-2005; viết lại 3-2015.

___________________

 

Chú thích

(1) Hoàng Ngọc-Tuấn, Birgit Hussfeld, Bàn tròn Talawas “Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?”, Talawas.org, 25-10-2002.

(2) Vi Thùy Linh, Linh, Nxb Hội Nhà văn, H., 2000.

(3) “Đỉnh hoa”, Evan.vnexpress.net, 2004.

(4) Umberto Eco, Dẫn lại theo: Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, tr. 192.

(5) Các đoạn thơ được trích dẫn từ Website Evan.vnexpress.net, 2004-2005.

(6) Nguyệt Phạm, “Những đàn bà trong thành phố”, Evan.vnexpress.net, 2004.

(7) “Thụy Du”, Evan.vnexpress.net, 2004.

(8) Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr. 16.

(9) Thanh Xuân, “Chưa phải ngày cuối cùng”, Evan.vnexpress.net, 2004.

(10) Ví dụ đọc “Đỉnh hoa” của Phương Lan, chúng ta không thể không nhớ tới Lê Thị Thấm Vân: “Căn phòng 2.2 – âm thanh sóng”, Tạp chí Thơ, số Mùa Đông 1999; hay Trân Sa, “Động tác yêu”, Nhanhnho.org, 2001.

(11) “Bài ca ngựa non”, trong Thơ hôm nay, Nxb Đồng Nai, 2003.

(12) Đinh Thị Như Thúy, “Một ngày tháng sáu”, Vannghesongcuulong.org, 10.06.2006.

(13) Khương Hà, “Bên trái là đêm”,Dự báo phi thời tiết, Nxb Hội Nhà văn, 2006, tr. 32.

(14) Trương Gia Hòa, Sóng sánh mẹ và anh, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005, tr. 88.

 (15) Khương Hà, “Lẩn thẩn”, sđd, tr. 42.

(16) Nguyệt Phạm,“Chữ gọi mùa đam mê”, sđd, tr. 87.

(17) Lê Thị Thanh Tâm, “Gởi một người đàn bà làm thơ”, Thơ trẻ TP Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2002, tr. 106.

(18) Lê Khánh Mai, Đẹp, buồn và trong suốt như sương, Nxb Hội Nhà văn, H., 2005, tr. 56.

(19) Trương Gia Hòa, Sđd, tr. 88.

(20) Lê Khánh Mai, Sđd, Nxb Hội Nhà văn, H., 2005, tr. 61.

(21) Vi Thùy Linh, Khát, Nxb Hội Nhà văn, H., 2002.

(22) Phạm Xuân Nguyên trong: “Phê bình văn học hiện nay, cái thiếu và cái yếu”, Tham luận tại Toạ đàm Phê bình văn học Bản chất và đối tượng do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-5-2004.

(23) Dương Tường, “Mười năm trên giá sách văn chương”, Talawas.org, 2004.

(24) Xem thêm: Trần Wũ Khang, “Nhà phê bình chuyên-nghiệp dư”, Talawas.org, 2005.

(25).Nguyễn Vy Khanh, “Về thơ hôm nay”, Demthu.lonestar.org, 10-2003.

(26) Thúy Hằng, “Viết cho chim sơn ca”, Thơ trẻ TP Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2002, tr. 15.

(27) Nguyễn Hòa, “Văn chương 2004 oằn mình giữa "nhập nhòa" cũ mới”, Evan.vnexpress.net, 21-1-2005.

(28) Tên hai bài thơ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư xuất bản, Hoa Kì, 2002.

(29) Kiều Maily, Giữa hai khoảng trống, Nxb Thanh niên, 2014.

(30) Nguyễn Thị Hoàng Bắc, sđd, tr. 27.