Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Saxophone giữa chiều không (kỳ 10)

Tiểu thuyết của Phong Linh

12.

Dự án mới chỉ bắt đầu, nhưng Phong không có cách nào tập trung cho công việc được. Anh cảm thấy có nhiều chuyện vẫn đầy ắp, khó chịu xung quanh mình. Sài Gòn xa lạ dù anh luôn tự nhủ “mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu thôi. Tất cả đều quá khó khăn”. Nhưng rồi anh cũng không thể nào phủ nhận rằng, “với những khó khăn trong cuộc sống ngoài kia, mình không sợ hãi. Mình đang sợ hãi những điều tồn tại trong chính tâm hồn mình. Những cảm xúc xa lạ. Những phần kí ức quá mạnh. Và nỗi chông chênh ngột ngạt. Mọi thứ kéo tuột mình khỏi nơi này. Chính bản thân mình đang kìm giữ mình. Không có nổi một lần chạm đất thật sự để cảm nhận về Sài Gòn thật sự. Không có một tâm thế đón nhận những điều mới đang diễn ra. Mình cứ mải mê ôm khư khư lấy phần kí ức về Hà Nội. Mảnh đất ấy đã tồn tại quá sâu trong mình. Mình đã cố phủ nhận, nhưng không có một khoảnh khắc nào mình thôi nghĩ về Hà Nội. Nỗi nhớ…. Chỉ có nỗi nhớ gần gụi và thật thà. Đã cố không nghĩ về nó quá nhiều. Nhưng cổ họng nghẹn lại”. Hà Nội, và tất cả những khoảng thời gian đã ở đó đã giữ anh ở lại. Anh cảm nhận thấy một điều rằng, cuộc chạy trốn của mình bây giờ là sự ngu ngốc nhất mà anh từng làm, bởi anh không thể thay đổi được điều gì ngoài việc khoét sâu thêm nỗi đau của chính mình.

Phong không thể tìm ra Dũng cũng như không thể nào nguôi nhớ về Thụy Anh, cô gái đã dày vò anh suốt khoảng thời gian dài trước đó. Sau tất cả những bộn bề công việc thiết kế, sắp đặt và nhà cửa, anh lại ngồi một mình bên dòng sông Sài Gòn còn nhiều xa lạ, để tưởng nhớ về hình ảnh của một dòng sông Hông hoang dại, mãnh liệt và cuồng say. Anh không thể ngừng nghỉ những suy nghĩ ấy, dù nghĩ lại tất cả những điều đó khiến trái tim anh đau buốt. Bao nhiêu lần giữa cái nắng trong veo vàng đượm của Sài Gòn anh đã muốn gọi cho Thụy Anh chỉ vì muốn nghe một chút hơi thở của Hà Nội, nhưng anh dùng dằng, anh từ bỏ, và anh lại vùi đầu vào một giấc ngủ nào đó, không cảm nhận được sự dừng lại.

Nhưng rồi ngày tháng không thể kéo dài như vậy được nữa. Chưa đầy hai tháng trời anh đã cảm thấy khao khát phải làm điều gì đó, và rồi chính Thụy Anh là người châm lửa cuối cùng buộc anh phải quyết định.

Anh rời Sài Gòn để trở về Hà Nội bằng một chuyến bay chớp nhoáng. Chỉ trong một khoảnh khắc nào đó, anh đã bắt đầu cảm thấy hơi thở gần gũi của mảnh đất ấy. Chao ôi là nhớ, càng gần kề bên cạnh anh càng cảm nhận rõ rệt nỗi nhớ ấy đến mức nào.

Thụy Anh đến tìm anh ngay khi anh trở về. Cô chạy ùa vào lòng anh, ôm anh thật chặt khiến cho chính bản thân anh ngỡ ngàng. Anh không cắt nghĩa được hành động của người con gái này. Chưa bao giờ anh nhìn thấy Thụy Anh thể hiện tình cảm một cách nồng nhiệt như vậy.

- Thụy Anh?

- Tôi đã rất nhớ cậu.

- …….

Phong hạnh phúc khi nghe chính điều đó từ Thụy Anh nhưng rồi nó lại khiến anh lo sợ. Tại sao Thụy Anh lại cư xử như vậy? Tại sao?

- Thật may vì cậu đã trở về? – Thụy Anh thì thầm vào tai Phong, cùng với một giọt nước mắt lăn dài trên má.

- Thụy Anh?, tại sao chị lại như thế? Chị đang khác đi?

- Đừng nói gì cả. Hãy để cho tôi cảm nhận thật sự giây phút này thôi. Đừng nói gì nữa vì tôi sẽ không biết mình phải làm thế nào đâu. Tôi đã lo sợ rằng rồi cậu cũng sẽ bỏ ra đi như mẹ tôi, như Phương, như anh Dũng…. Tôi không muốn phải mất đi một ai khác nữa. Tôi không muốn mất cậu. Những người xưa cũ, những người thân thiết cứ lần lượt ra đi, để lại một Hà Nội quá mới, quá xa lạ với chính tôi. Tôi không còn biết trông cậy vào điều gì nữa.

- Thụy Anh….

Phong choàng tay ôm Thụy Anh thật chặt, vì anh biết anh cần phải giữ chặt khoảnh khắc này, bởi nó chỉ là khoảnh khắc rất ngắn ngủi khi anh được ở gần người con gái mà anh vẫn nhớ đến day dứt trong suốt những ngày qua.

- Chúng ta sẽ phải làm gì để vượt qua được cảm giác này đây. – Thụy Anh đột nhiên lau nước mắt rồi quay ra nói với Phong.

- Tôi quay trở lại vì tôi muốn sống tiếp ở thành phố này, và đối diện với những gì tôi cần phải đối diện.

- Tôi thấy mình đang dần tan ra. Tôi cảm thấy cái chết đang ở xung quanh mình. Có lẽ, tôi cũng sắp cảm nhận được rằng, mình đã sống đủ như Phương đã nói. Đủ để dừng lại.

Bất chợt Phong níu lấy tay Thụy Anh:

- Đừng…….

- Đừng, phải, đừng nói đến chuyện này nữa. Đi ra phố chứ, đi thăm lại thành phố của cậu khi cậu đã nhẫn tâm bỏ rơi nó gần hai tháng trời. Dạo này phố bắt đầu tím sẫm bởi màu bằng lăng rồi.

Thụy Anh nói và chực đứng dậy bước ra khỏi cửa để thoát khỏi cảm giác quá gần gũi với Phong, nhưng Phong kéo tay cô lại. Lần đầu tiên đôi môi anh dịu dàng tìm đôi môi cô. Anh cảm nhận được sự lạnh lẽo từ đôi môi của cô, nhưng anh cũng nhận biết được sự nồng cháy đang dâng lên trong tâm hồn cô đối với anh. Họ lặng lẽ đối diện nhau, lặng lẽ tìm kiếm một thứ tình cảm nào đó sau biết bao ngày xa cách và nhung nhớ. Lần đầu tiên Thụy Anh không nghĩ gì nữa. Không hề có một suy nghĩ gì.

Hai người cùng nhau bước ra phố khi trời đã tối hẳn. Không khí đã bắt đầu mát mẻ, và còn có một thoáng lành lạnh. Phố đông đúc, ào ạt. Nhưng vẫn có những khoảng nhỏ nào đó yên bình đến lạ lùng. Họ lại im lặng đi bên nhau như biết bao nhiêu lần trước đây. Cùng băng qua những con phố nhỏ, chậm chạp, bỏ lại sau lưng những con người đang vội vã bon chen nhau kia. Bước chân cứ lần hồi với những con phố, để rồi không ai nói với ai, nhưng họ cũng cùng nhau tìm đến một nơi, mà cả hai người đều biết rằng, họ cần phải ở đó, để tìm lại một điều gì đó đã mất.

Quán “Phố” đã trở nên im lìm và có thêm nhiều những vết loang lổ, mục nát. Cánh cửa mà Phong và Dũng đã dày công lắm mới thiết kế được bây giờ cứ đứng yên như một bức tường thành, câm lặng và u ám. Nhiều người qua đường có lẽ vẫn còn thỉnh thoảng ngước lên tầng ba của ngôi nhà này để tìm kiếm người chủ nhân cách đây mấy tháng vẫn còn đứng trên balcon nhìn xuống, và đôi khi còn giơ chiếc máy ảnh chụp vội vã những khoảnh khắc nào đó. Nhưng lúc này, mọi thứ đã không còn nữa. Chỉ còn lại một ngôi nhà nhỏ bé, cũ kĩ, im lìm. Những người khách quen vẫn thỉnh thoảng qua lại “Phố” không phải để xem chủ nhân đã về chưa, không phải vì thèm café, mà chỉ đơn giản là muốn tìm lại cảm giác gì đó, đã rất xưa cũ rồi. Cũng như Phong, và Thụy Anh lúc này.

Phong ngồi xuống bên cạnh chiếc cửa đã cũ, rồi kéo Thụy Anh ngồi xuống bên cạnh mình.

- Tôi đã rất nhớ, nhưng rồi cũng sợ khi trở lại đây. – Phong ngồi im lặng một lúc rồi thở dài rất lâu, và nói với Thụy Anh.

Trong lúc đó, Thụy Anh lại ngồi bó gối, và nhặt một chiếc que khô bên dưới gạch những vạch ngang, dọc, lẫn lộn xuồng nền đất ngay trước mặt mình ngồi. Cô không nhìn Phong , chỉ nói một mình:

- Tôi lại thấy yên ổn. Lúc này này, tôi không cần biết mình đang thế nào nữa.

- Phải, bây giờ có thể nghĩ được gì khi chúng ta đang đi lệch lạc mọi thứ rồi. Không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra, sẽ như thế nào. Tôi đã tưởng mình không bao giờ phải chạy trốn nữa, bởi vì mình đã biết cách phải đối diện với nỗi đau như thế nào rồi. Vậy mà tôi lại chạy trốn, vì Dũng. – Phong ngắt quãng một lúc quay ra nhìn Thụy Anh và nói tiếp – mà không, có lẽ chẳng phải tại anh ấy, chỉ tại tôi đã quá tự tin ở bản thân mình, tôi đã tưởng mình trưởng thành lắm, đã tưởng mình can đảm lắm. Nhưng suy cho cùng tôi cũng chỉ hèn nhác như tất cả những con người khác trong cuộc sống này. Tôi cũng hèn nhát và yếu đuối. Tôi cũng chới với, mỏi mệt và tuyệt vọng. Tại sao chứ?

- Vì chúng ta cần phải như thế. Cần phải yêu, phải hận, phải hạnh phúc, phải đau khổ. Vì chúng ta buộc phải như thế, không thế nào khác đi được. Tôi không còn khả năng cắt nghĩa điều gì nữa. Chỉ là im lặng trong một sự sống nào đó, không phân biệt được là sống hay chết, thực hay giả…. – Thụy Anh nói rồi cười, nhợt nhạt.

Hai người ngồi đó rất lâu, rất lâu nữa. Im lặng với bóng đêm đổ xuống mặc cho xung quanh càng lúc càng trở nên ồn ào náo nhiệt vì người qua lại. Thụy Anh ngồi dựa lưng vào Phong, lờ mờ nhắm mắt như đang ngủ say, trong khi đó Phong nhìn ra xung quanh. Cả hai đang nghĩ về Dũng. Có vẻ như là vậy. Mỗi người nhớ và nghĩ theo một cách khác nhau, nhưng đều dừng lại ở phía Dũng, bởi ngôi nhà này, khung cửa này chính là linh hồn của Dũng.

Phong suy nghĩ miên man rồi thả rơi một câu nói vào giữa màn đêm tĩnh lặng:

- Anh ấy vẫn hạnh phúc, vì luôn được nhớ.

Anh quay ra Thụy Anh và nói tiếp: - Chúng ta mở cửa đi vào nhé. Tôi muốn vào bên trong.

- Ừ, phải vào chứ.

Cả hai đứng dậy. Thụy Anh đứng nhích ra phía ngoài để Phong cho chìa vào mở cửa. Lâu không đụng đến nên chiếc chìa khóa đã khô dầu và có phần han nên phải loay hoay mãi Phong mới mở được cánh cửa của Phố.

Cánh cửa vừa mở ra, bên trong đã sộc lên mùi ẩm, mốc khó chịu khiến Thụy Anh ho khù khụ. Cả một không gian im lìm chìm trong bóng tối như tưởng mình sẽ không bao giờ có thể tỉnh dậy nổi nữa. Một cảm giác sợ hãi ùa về xâm chiếm lấy cả hai con người đang đứng trong không gian này. Từ ngày Dũng ra đi, cùng với một đám cháy khó hiểu ấy, không ai đến hay lui vào trong căn phòng này nữa.

- Chỉ có Dũng là thuộc về nơi này. – Phong vừa nói vừa đi đến bật công tắc đèn. – Mọi thứ vẫn ngăn nắp, vẫn nguyên vẹn như thế từ ngày anh ấy ra đi. Không có điều gì khác.

Phong chỉ cho Thụy Anh một chiếc ghế, và đi lại quầy, anh mở tủ và lấy ra một chai rượu vẫn còn nguyên nhãn từ rất lâu. Chiếc DVD lâu không đụng đến đã bị bám đầy bụi, nhưng vẫn còn có thể chạy rất ổn. Phong mở ổ đĩa ra và thấy trong đó vẫn còn một CD của Hồng Nhung tuyển chọn những bài hát về Hà Nội. “Vì sao anh lại bỏ Hà Nội?”, Phong trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi đặt chiếc đĩa CD vào ổ. Bài hát “Em ơi Hà Nội phố” vang lên trầm ấm, và du dương.

Phong ngồi xuống bên cạnh Thụy Anh, từ từ rót rượu và uống luôn mà không hề để ý đến phản ứng của cô. Bất chợt anh lên tiếng:

- Hải Hoa thế nào rồi?

- Chúng tôi không gặp nhau?

- Vì sao? – Phong cứ hỏi theo thói quen như của biết bao người, nhưng rồi anh chợt dừng lại. “Mình đâu cần phải hỏi điều đó, bởi giữa những con người chúng ta vốn chỉ có một sợi dây liên kết, Dũng?, hay Phố?, nhưng bây giờ sợi dây ấy vĩnh viễn đứt rồi. Khoảng cách càng ngày càng lớn, những vách ngăn ngày một dày thêm lên. Họ làm sao còn đủ can đảm để mà gặp nhau”.

- Đừng băn khoăn vì điều đó – Thụy Anh lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của Phong. – Tốt nhất là trong lúc này chúng ta chỉ nên uống rượu thôi. Còn mọi thứ hãy để lại đi đã. Tôi chẳng biết phải nghĩ theo hướng nào nữa.

Phong quay về phía Thụy Anh, nhìn chăm chú:

- Thụy Anh…..

- Sao vậy?

- Tôi đã rất nhớ chị. Tôi đã không biết phải làm thế nào để trốn tránh nỗi nhớ ấy nữa.

- Phải, có lẽ vậy. – Thụy Anh đưa mắt nhìn xuống đất, rồi uống thêm một ly rượu nữa. Trong khi đó, Phong đã đứng dậy ra khỏi chỗ của mình, và kéo Thụy Anh đứng lên.

- Tôi muốn chị đến nơi này. – Phong nói rồi dẫn Thụy Anh lên căn phòng để tranh của Dũng trước đây.

Căn phòng tối tăm, trống mênh mông. Thụy Anh nhìn xung quanh rồi nói:

- Nó đã trống rỗng từ khi Dũng đi. Cũng đúng thôi, đó là tất cả cuộc sống của anh ấy, vì vậy nó không còn ý nghĩa gì nếu như Dũng không còn tồn tại nữa.

- Đúng. Nhưng Dũng ích kỉ quá. Ích kỉ đến nỗi giữ tất cả cho riêng mình. Những bức tranh của Hà Nội tại sao anh ấy không để lại, tại sao lại nhẫn tâm đốt tất cả chúng đi.

- Bởi vì đó mới là nơi mà chúng thuộc về. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy. Đó là những điều thuộc về máu thịt và tâm hồn của anh ấy. Anh ấy có quyền làm gì mà anh ấy cảm thấy cần phải.

Thụy Anh dừng lại nhìn xung quanh rồi nói tiếp:

- Tôi không thể nghĩ được tại sao cậu lại nói như vậy, trong khi cậu là người gần gũi nhất với Dũng, và cậu thừa hiều Dũng là người thế nào. Cái gì thuộc về anh ấy thì mãi sẽ chỉ là của riêng anh ấy thôi. Không ai có thể xâm phạm vào được. Tôi không biết nhiều về Dũng, nhưng tôi biết chúng ta đều không ai có thể can đảm cũng như đau đớn nhiều như Dũng.

Những câu nói của cô lại chìm vào im lặng như không hề có mặt Phong ở đó. Họ cứ đứng im trong bóng tối mênh mông bao trùm ấy mặc kệ cho thời gian ì ạch trôi đi trong vô vọng và cô độc.

- Tôi làm sao có thể hiểu? Tôi không thể hiểu được điều gì cả. Nếu là chị có lẽ chị sẽ nhận ra được điều gì đó rồi. Anh ấy làm tôi đau lòng, nhưng không thể nào lý giải nổi.

Phong khóc. Sự thật là anh đang sợ hãi. Sợ hãi như đang đối diện với bóng ma của Dũng trong căn phòng này. Anh cảm thấy Dũng không còn tồn tại nữa. Anh đã nghĩ đến điều đó từ rất lâu nhưng rồi anh đã chạy trốn nó. Nhưng Phong cảm thấy một người như Dũng thì chỉ có thể rời bỏ mảnh đất này khi Dũng không còn tồn tại trong cuộc sống này nữa thôi. Đó là điều duy nhất. Là lý do duy nhất. Anh cảm giác mình đang đối diện với Dũng trong cái đêm tháng hai mưa bụi sụt sùi ấy. Trong cảm giác chuếnh choáng say và nhiều mơ hồ nhưng anh vẫn thực sự cảm thấy điều gì đó không ổn. “Vậy mà mình đã không làm gì. Ngay đến lúc anh ấy ra đi, mình cũng đã không thể làm gì, không biết phải làm gì ngoài việc chạy trốn”, Phong thầm nghĩ, và rồi thấy nước mắt mình rơi ngày một nhanh hơn. Chưa bao giờ Phong khóc kể từ ngày chị gái anh mất. chưa bao giờ anh thấy mình yếu đuối như lúc này. Ấy vậy mà giữa căn phòng này, anh lại khóc như muốn trút sạch mệt mỏi, nhung nhớ, uất ức và mơ hồ.

Thụy Anh đến bên anh và ôm chặt anh vào lòng. Cô ngồi im để mặc cho Phong gục đầu vào lòng mà khóc, như biết bao nhiêu lần cô khóc trước mặt anh. Nước mắt khan đi, không thể nào rơi được nữa. Hai con người ấy vẫn như hai cái bóng dựa vào nhau trong hoang hoài nỗi cô đơn giữa mùa hè loang đầy vết tím.

Phong im lặng nhìn thẳng vào đôi mắt của Thuỵ Anh:

- Lần đầu tiên gặp Thụy, tôi đã không thể nào cưỡng lại đôi mắt ấy. Chị và anh Dũng, hai người đã ở bên cạnh cuộc đời tôi như một sự sắp đặt nào đó. Buộc tôi phải như vậy. Đó là số phận. Đúng, là số phận để tôi phải nhớ rằng tôi đang sống từng ngày trong cuộc sống này.

Thụy Anh nhìn Phong rồi lần tiếng:

- Ở đây vẫn còn giữ lại cây saxophone chứ? Cậu có thể thôi cho tôi nghe một bài hát được không?

Phong nhìn Thụy Anh ngạc nhiên, như thể người ngồi trước mặt anh không phải là một Thụy Anh mà anh đã từng quen.

- Hạ trắng nhé. – Phong vừa đứng dậy bước ra khỏi phòng, vừa quay lại nói với Thụy Anh. Anh đi tìm cây kèn đã được Dũng mua tặng cho để giành riêng cho anh thổi ở Phố. Cây kèn tưởng như đã bị lãng quên cùng với sự tan rã của “Phố”. Vậy mà chính trong khoảnh khắc này, nó lại được nhớ đến bởi một Thụy Anh luốn chạy trốn và phủ nhận sự tồn tại của nó.

Thụy Anh cũng không thể nào lý giải được tại sao trong giây phút ấy cô lại nhắc Phong thổi saxophone. Vì cô? Vì cô đã cảm giác bình ổn và can đảm hơn đến đối diện với tất cả mọi điều đã xảy ra trong quá khứ. Hay vì chính Phong? Vì cô thừa hiểu chỉ có saxophone là điều duy nhất có thể kéo Phong trở lại với cuộc sống bình thường. Chỉ có saxophone mới giúp Phong thoát khỏi nhiều nỗi đau ám ảnh từ trong quá khứ. Dù có nghĩ thế nào đi nữa, Thụy Anh cũng không hiểu, không muốn lý giải, không muốn tìm kiếm để làm gì. Chỉ cần biết trong khoảnh khắc này đây, cô đang thực sự nhìn thấy Phong chìm đắm trong bản Hạ trắng day dứt, ngọt ngào chứ không phải là những bản saxphone vọng lại từ đâu đó trong quá khứ cùng với hình ảnh của mẹ mười lăm năm trước. Thụy Anh tự nhủ điều đó, cảm thấy rất chân thật điều đó, nhưng đêm Hà Nội càng ngày càng sâu, và nặng trĩu khiến Thụy Anh cảm thấy ngạt thở. Cô cố ngăn sự khó chịu đang dâng lên trong lồng ngực mình, nhưng không thể nào thoát được. Cô cảm thấy rõ rằng những âm thanh đó đang nhảy múa, khuấy động cả con người cô, khiến cô cảm thấy đầu óc mình bắt đầu quay cuồng. Thụy Anh đưa hai tay lên ôm đầu, và rồi cô ngã vật ra giữa sàn nhà ẩm ướt và chứa đầy máu cũng như nước mắt của Dũng. Thụy Anh nghe mọi thứ xung quanh mình ào ào, lộn xộn. Cô không nhận ra được, không còn gì xung quanh. Cô nhắm mắt lại khi lờ mờ nhìn thấy Phong đánh rơi cây saxophone xuống đất chạy lại ôm lấy cô. Cô cảm giác như mình được nhấc lên. Và tiếp theo đó là điều gì nữa. Hình như đâu đó là tiếng còi vọng từ rất xa. Và trong cô chỉ còn lại là hình ảnh mẹ cười vẫn rất xinh, rất trẻ giữa một cánh đồng hoa trắng. Cô nghĩ “Hình như mình đang chết”.

Phong hốt hoảng khi nhìn thấy Thụy Anh bỗng dưng ngã gục xuống đất. Anh không biết vì ly do gì. Anh chỉ kịp chạy ào lại ôm lấy cô, và vội vã lao ra cửa. Anh bấm số gọi cấp cứu 115. Anh thực sự hoang mang. Anh không thể biết được điều gì đang diễn ra xung quanh anh và Thụy Anh lúc này nữa. “Mình không thể mất cô ấy. Đã quá nhiều điều xảy ra, mình đã mất đi rất nhiều những người yêu thương nhất của mình rôi. Không, mình cần Thụy Anh. Thụy Anh, nhẩt định đừng bỏ tôi mà ra đi. Tôi sẽ không thể nào chịu đựng được đâu. Đừng để mọi thứ trong cuộc đời chúng ta nát vụn ra trong dở dang đến chừng ấy”. Phong ngồi vật xuống ghế, nhìn vào căn phòng cấp cứu. Thụy Anh đang thế nào đằng sau cánh cửa ấy. Cố ấy sẽ vật lộn thế nào trong căn phòng ấy, hay cô gái bé nhỏ ấy đã buông xuôi, chỉ chờ cơ hội này để mà chia lìa tất cả. Trong khi anh đang mải mê với những suy nghĩ của mình thì bác sĩ Huy từ trong phòng cấp cứu đi ra. Khuôn mặt ông mệt mỏi, đôi mắt đã quầng sâu buồn bã đằng sau cặp kính trắng khổ to. Ông ngồi xuống bên cạnh Phong, lặng lẽ. Khung cảnh bệnh viện trông vẫn nhộn nhạo giữa một đêm mùa hè nhưng chỉ có hai con người vốn không hề quen biết nhau này lại lặng lẽ ngồi bên nhau, vì một người con gái bé nhỏ.

- Thụy quá nhỏ bé, quá yếu đuối. Nó không còn đủ sức để chịu đựng bất cứ chuyện gì khác nữa. Có lẽ nhiều đứa trẻ đã vượt qua chuyện này từ rất lâu rồi để mà lớn lên bình thường, biết cách sống bình thường. Nhưng Thụy nó ngốc nghếch quá. Hoặc vì nó nhớ dai quá, nỗi nhớ chồng chất nỗi nhớ, đè nặng lên trái tim nó khiến nó dù có vẫy vùng đến thế nào cũng không thoát ra nổi. Mà hình như càng ngày cái quá khứ xa xôi cứ càng đầy lên, càng đau hơn, lan rộng hơn, khiến nó không biết cách phải trốn đi đâu nữa.

Bác sĩ Huy nói một mạch mà chẳng thèm để ý xem người ngồi bên cạnh mình là người như thế nào. Chỉ biết rằng lại một đêm nữa, ông phải chứng kiến đứa con gái mà mình vô cùng yêu thương phải vật vã trong một cơn đau đớn hoảng loạn như đã bị đánh động rất nhiều vết thương mà nó đã cố dấu kín.

Ông nhìn Phong nói tiếp: - Tôi không biết cậu là thế nào với Thụy, nhưng có lẽ cậu là một người quan trọng, bởi cậu đã khiến nó ra nông nỗi này. Nhưng cậu yên tâm, tôi không trách cậu, bởi cậu không phải là nguyên nhân, cậu chỉ là cái lý do trực tiếp, là người đã đánh động trái tim nó, khiến nó vật ngã. Là cậu đấy, nó không khóc, nhưng im lìm, không chịu mở mắt ra. Nó chẳng cần chúng ta phải lo lắng cho nó đâu, bởi bản thân nó bây giờ nó cũng chẳng biết nó có tồn tại thực không để mà lo lắng.

Cậu nên trở về nhà đi. Đừng mất thời gian với cô con gái đáng thương của tôi nữa. Hình như nó không muốn gặp cậu. Hoặc là nó không dám gặp cậu nữa đâu. Nó hèn nhát và yếu đuối lắm.

Nghe những lời nói như thì thầm, hụt hơi và có phần xa lạ của bác sĩ Huy, Phong không biết mình nên trả lời thế nào nữa. Im lặng một lát rồi anh quay sang hỏi bác sĩ:

- Bác sĩ có gọi cho bố cô ấy không?

- Không.

- Một ai khác?

- Cũng không.

- Tại sao?

- Bởi vì điều đó là hoàn toàn vô nghĩa.

- Cháu không hiểu, giữa bác và Thụy Anh là gì? Tại sao bác lại nói chuyện cứ y như bác biết rất rõ cô ấy cũng như rất hiểu cô ấy.

- Tôi là bạn. Chỉ là một người bạn thôi. – ông Huy đưa mắt nhìn vào căn phòng hồi sức, rồi nói tiếp: - Là một người bạn của một đứa con gái đáng thương.

- Cháu muốn được ở đây với Thụy Anh. Bác có cho phép cháu không? – Phong đứng lên nhìn thẳng vào mắt bác sĩ Huy và nói.

- Nó đang ngủ. Cậu có thể vào bên trong. Nhưng tôi nghĩ khi nó tỉnh dậy, tốt nhất cậu hãy để nó được yên.

- Bác nghĩ thế nào là được yên? Vỗn dĩ cô ấy không hề được yên, dù là chỉ một mình trong một không gian yên tĩnh vô cùng.

- Đừng tranh cãi. Nó rất yếu. Và nó cần nghỉ ngơi. Tôi chỉ có ý như vậy thôi. – Bác sĩ Huy nói rồi quay lưng bước đi. Ông không quay lại nữa, ông biết cậu con trai đó chính là một người đặc biệt đối với Thụy của ông. Cậu ta sẽ giúp Thụy đối diện với chính mình. Chỉ có như thế thôi. Ông bước đi, để mặc Phong còn đứng yên nhìn theo cho đến khi bóng ông khuất hẳn và lẫn vào trong bóng tối của các hành lang trong bệnh viện.

13.

Sáng ngày mai, Thụy Anh tỉnh lại một mình trong bệnh viện, không có một dấu hiện nào để cô biết rằng Phong đã ở đây. Khi cô đang còn hoang mang chưa biết điều gì đang diễn ra thì đã thấy bác sĩ Huy bước vào.

- Nào con gái, đã đến lúc về nhà rồi đấy.

- Người đã đưa con vào đây đâu vậy bác sĩ?

- Cậu ấy đi rồi. Đi khi trời còn chưa sáng.

- …… (im lặng)…. Con đã làm bác sĩ lo lắng lắm phải không?

- Phải. Rất lo lắng, nhưng ta biết Thụy của ta rất mạnh mẽ, nên ta không cảm thấy lo nữa. Còn bây giờ thì con mau lên. Đã đến lúc con phải về nhà để nhường lại chiếc giường mát mẻ này cho người khác rồi đấy. – bác sĩ Huy vừa nói vừa giúp Thụy Anh đứng dậy. – Ta sẽ đưa con về nhà con gái ạ.

Thụy Anh nhìn ông Huy với đôi măt tròn trịa đầy ngạc nhiên. Chưa có một lần nào ông đến nhà cô, cũng chưa bao giờ cô nghĩ rằng cô sẽ tiếp đón ông trong căn nhà mà cô luôn luôn sợ hãi ấy. Vậy mà lúc này đây cô đang ngồi cùng ông trong chiếc xe taxi thẳng đường về nhà cô. Cô thấy người mình nặng trĩu, mỏi rụng rời cả chân tay. Cô dựa đầu vào vai ông, nhắm mắt lại cố gắng giữ được trạng thái ổn định nhất mà cô có thể. Trong lúc đó bác sĩ Huy nhắc nhỏ với người tài xế chạy nhanh hơn một chút. Ông cũng cảm thấy rất lo lắng cho Thụy Anh, và cũng cảm thấy căng thẳng sau một đêm thức trắng suy nghĩ và quyết định.

Thụy Anh lim dim ngủ mà không hề biết rằng điều gì đang chờ đợi cô trong căn nhà ấy, vào ngày hôm nay, vào giây phút ấy.

Vẫn ngôi nhà ba tẫng cũ kĩ ấy, vẫn là những con người ấy. Nhưng cô cảm thấy có điều gì đó rất khác. Căn nhà hình như sáng hơn và tươi hơn, cộng thêm tiếng cười nói trong veo của cu Bi khiến cô bớt chợt có cảm giác lạ lẫm hơn rất nhiều. Dì hai ra mở cổng, từ tốn cười chào bác sĩ, mỉm cười với Thụy Anh và đỡ cô vào trong nhà. – Con còn đau nữa không? – Thụy Anh có phần ngỡ ngàng, và thấy dịu lòng lại khi nghe lời hỏi thăm đó của dì. Dù cô biết, cô biết dì rất hận cô. Bởi chính cô đã làm cho dì không có được một hạnh phúc yên ổn cùng với bố cô. Dù cô thừa hiểu dì tốt, thậm chí quá tốt với cha. Và họ chẳng có lý do gì phải chịu đau khổ. Vậy mà họ đã phải đau khổ suốt mười lăm năm qua cùng cô. Cả ba người đang còn sống trong căn nhà này có ai thoát khỏi sự đau khổ này đâu. Vì đâu? Vì mẹ. Tất cả là vì mẹ. Thụy Anh thấy mắt mình cay xè, nóng rát khi nghĩ đến điều này. “Nếu mẹ thật sự đã chết, có lẽ sẽ không có ai phải đau khổ. Hoặc nỗi đau sẽ giản đơn và mau quên hơn rất nhiều”.

Thụy Anh chào bố, hôn cu Bi rồi định xin phép lên nhà, nhưng bác sĩ Huy đã kịp giữ cô lại:

- Bố con có chuyện cần phải nói với con. Con hãy cố gắng ngồi lại một chút đi.

Thụy Anh quay sang nhìn bố cô bằng ánh nhìn căng thẳng và mệt mỏi như muốn hỏi “sau những chuyện bố đã nói với con, bây giờ bố vẫn còn muốn nói điều gì nữa sao? Con nghĩ đã hết rồi”. Ông Minh hiểu điều đó, nhưng ông vẫn chỉ vào chiếc ghế bên cạnh mình cho ThụyAnh ngồi xuống. Trong lúc dì hai đưa cu Bi ra xe đi học và vào trong bếp pha nước. Chỉ còn lại ba con người ngồi nhìn nhau, im lặng trong căng thẳng.

- Đã đến lúc cần phải nói ra tất cả sự thật rồi. – bác sĩ Huy nhìn hai bố con Thụy Anh và nói.

- Thụy Anh – ông Minh khó khăn lên tiếng – Bố biết đã đến lúc bố cần nói tất cả cho con biết. Không, con đừng nhìn bố như thế - Ông Minh nhìn Thụy Anh và nói như muốn cầu xin. – bố không phải nói chuyện này để thanh minh cho suốt mười lăm năm im lặng và đau khổ của mình. Đã mười lăm năm, tất cả chúng ta đã phải sống trong một không khí dối trá, nhưng bố không muốn con hiểu lầm. Thụy Anh, sự dối trá đó không phải do bố cố tình tạo ra để tìm cuộc sống hạnh phúc khác cho mình. Bố chỉ giữ lời hứa với người phụ nữ mà bố yêu nhất và cũng hận nhất trong cuộc đời này.

Ông Minh ngừng một lát, nhìn bác sĩ Huy rồi quay sang nhìn khuôn mặt căng thẳng có phẩn đang tái đi của Thụy Anh: - Thụy Anh, con vẫn còn chịu đựng được chứ?

- Con khỏe, và con đang cần nghe bố nói tiếp. Thụy Anh nói mà không biểu lộ một chút cảm xúc nào.

Ông Minh tiếp tục câu chuyện của mình. Kể câu chuyện của một người đàn ông đã câm lặng suốt mười lăm năm qua chỉ vì một lời hứa với một người phụ nữ duy nhất mà cả đời ông yêu. Ông Minh nói với giọng bình tĩnh hơn cái lần mà ông trực tiếp nói chuyện với bác sĩ Huy. Ông không ngờ mình lại có cảm giác thanh thản đến như vậy. Lần đầu tiên ông có thể nhìn vào đôi mắt con gái mà không hề sợ hãi bất kì điều gì. Sự thật đã được bộc lộ vào đúng khi nó buộc phải được bộc lộ. Không có một cách nào khác để trốn chạy nó. Không một tấm mành nào có thể che lấp sự thật đó. Mười lăm năm là đủ để dày vò nhau trong những giả dối và đau khổ. Mười lăm năm cả ba con người trong căn nhà bé nhỏ này phải âm thâm chịu đựng sự oán giận từ nhau, chỉ vì một lời hứa. Một lời hứa. Chao ôi, lời hứa ấy mới độc ác làm sao. Người nào mà nhẫn tâm đưa ra lời hứa độc ác như vậy. Là mẹ của Thụy Anh, là người đàn bà mà suốt đời cha cô yêu, yêu từ tiếng nói, dáng đi, nụ cười, đến những giọt nước mắt. Có lẽ cha cô vẫn còn yêu mẹ cô đến đau đớn trong khi nhận lời hứa ấy. Chỉ có tình yêu mới có thể khiến một người đàn ông câm lặng chịu đựng đến khốn khổ như vậy. Vậy mà Thụy Anh đã hận ông suốt mười lăm năm, đã nghĩ ông ruồng bỏ mẹ để mơ tưởng đến hạnh phúc cho riêng mình. Và rồi, điều gì là thật vào giây phút này đây? Biết làm sao đây? Biết phải thế nào đây? Cô phải hận ai đây? Phải thương ai đây? Ai mới là người nhẫn tâm. Bỗng dưng mọi kí ức chìm khuất, cô nhắm mắt lại, và nước mắt cứ thế rơi xuống, không ai muốn lau nó đi. Thụy Anh cứ mặc kệ cho những giọt nước mắt ấy rơi xuống, “Phải rồi, nước mắt cứ rơi đi cho tan hết tất cả mọi nỗi nhớ, nỗi đau và sự hận thù trong cuộc sống này. Mình chẳng còn cần điều gì nữa. Đủ rồi, tất cả đã đủ rồi”. Thụy Anh không nói gì, không biểu hiện bất kì một thái độ gì khác. Vẫn như mười lăm năm trước khi nghe bố nói về chuyện người mẹ mà cô yêu thương nhất đã chết. Bây giờ cũng vậy. Mọi thứ không cần phải nói lại nữa. Có điều gì khác đâu, có thể thay đổi được gì nữa đâu. Mười lăm năm, tâm hồn đã nặng trĩu quá nhiều điều, con người xơ xác đi nhiều rồi, cạn kiệt sức lực để có thể quẫy đạp rồi. Vậy thì nói những điều này để làm gì, nó có thể thay đổi được cuộc sống của cô và bố cô mười lăm năm qua hay không. Mọi thứ đã qua, đã khuyết thiếu và vỡ vụn. Lời thú nhận này cũng chỉ là một câu chuyện, kể lại cho xong. Vậy là hết. Vu vơ và ngột ngạt.

- Con đi lên phòng đây. – Thụy Anh ngồi im lặng một lúc, rồi nói được một câu như vậy. Không kịp để cho ai phản ứng gì, cô bước những bước khó nhọc lên cầu thang. Chỉ trong một thoáng nào đó, cô quay lại, nhìn mái đầu bạc phơ, khổ sở của bố. Đã bao năm cô không nhìn ông như thế. Thương hại và sợ hãi.

Không khí vẫn nguyên vẹn sự căng thẳng và ngột ngạt khi Thụy Anh bước ra khỏi đó. Ba con người còn lại ngồi nhìn nhau, lặng lẽ. Trong lúc đó, bác sĩ Huy đứng lên và nói:

- Đừng lo lắng gì cả. Chúng ta đã làm đúng. Đã đến lúc phải để Thụy hiểu sự thật. Nó không thể trách ông được nữa. – Bác sĩ quay lại phía dì hai và nói tiếp: - Cô hãy ở bên cạnh họ. Đây là lúc họ cần cô hơn bao giờ hết.

Dì hai khẽ gật đầu. Cũng lúc đó, bác sĩ ra hiệu ông xin phép ra về. Và ông bước vội ra khỏi ngôi nhà đó, một cảm giác khó thở đang lớn dần lên xung quanh ông. Có điều gì đó ngột ngạt, u ám mà ông không thể thoát ra được.

Phố nắng như đổ lửa. Giữa tháng 5 mà Hà Nội đã nắng như gom tất cả những nắng cháy, bỏng rát từ khắp nơi tụ lại. Con người hối hả, chen lấn nhau mà chạy, mà đi, mà nói. Không ai có ý định dừng lại trong cái vòng quay vội vàng ấy cả. Nắng xiên thẳng qua những vòm lá xanh thẵm, nhưng thưa thớt để chiếu thẳng vào mặt những con đường đang nằm dài im lìm chịu đựng nỗi đau và sự dày xéo của biết bao nhiêu con người vô tình chạy đua giữa phố. Biết bao nhiêu những vết thương cứ loang dần thêm, đau đớn, quằn quại. Nhưng những con đường vẫn nằm in, miệt mài, và chờ đợi.

Bác sĩ Huy rảo bước nhanh hơn bên dưới hàng cây sấu trên con phố Trần Hưng Đạo đổ dài mà không một lần quay lại nhìn ngôi nhà im lìm có cánh cổng sắt cũ kĩ ấy nữa. Ông cảm thấy đôi chân mình đang rất mỏi. Lúc này đây, ông thực sự chỉ muốn ngả lưng lên chiếc ghế sopha trong căn phòng khách của riêng mình, nhắm mắt lại để tìm được cảm giác yên tĩnh. Từ ngày ông gắn đời mình vào cuộc đời của Thụy, ông cảm thấy như chính cô bé ấy đã đem lại cho ông nhiều cảm giác khác về cuộc sống này. Trải qua những điều mà ông chưa bao giờ nghĩ rằng một người cả đời chỉ sống vì công việc, và những người bệnh trong một không khí chỉ có mùi thuốc này, … lại có thể trải qua được. Mọi thứ đang diễn ra chậm lại. ông vẫn bước những bước chân rất chắc gọn trên con đường về nhà, mà lâu lắm rồi ông chỉ lao đi vùn vụt cho kịp giờ làm, và kịp giờ về nhà để tranh thủ nghỉ ngơi.

P.L.

(Còn tiếp)