Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Tư liệu về báo Phong Hoá, báo Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn (kỳ 10)

Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Tự Lực Văn Đoàn

image

Nhà thơ Trần Mộng Tú

(Trình bày vào ngày 7 tháng 7, 2013 trong cuộc hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon, Nam California)

Trần Mộng Tú

Chương chỉ cảm thấy trơ trọi, lạnh lùng, vì từ nay, có lẽ mỗi tết nguyên đán lại sẽ nhắc

Tình Yêu và thơ rất giống nhau vì đó là hai “chủ đề” khó định nghĩa nhất. Nó là hai thế giới không có lằn ranh, không ai biết bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào.

Cả Tình Yêu và Thơ luôn luôn biến chuyển theo thời gian và không gian.

Tôi không có tham vọng đào sâu về tình yêu của tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) vì đề tài này rộng quá.

Tôi chỉ muốn nói đến cuộc cách mạng ái tình trong văn chương TLVĐ nói chung.

Dù yêu bằng cách nào và dưới ngòi bút của tác giả nào thì tình yêu trong tiểu thuyết TLVĐ vẫn chuyên chở cái sứ mạng: “Đổi mới trong tình yêu và trong cách nhìn về tình yêu”. Giúp cho sự thay đổi một xã hội đã bị dìm sâu vào văn hóa Khổng Mạnh.

Những tác giả của nhóm TLVĐ theo Tây học. Họ muốn xây dựng một thế hệ phụ nữ Việt cấp tiến hơn, biết yêu chính bản thân mình mà không qua một gò bó, ép buộc nào. TLVĐ muốn vẽ một bức tranh xã hội Việt Nam không phải chỉ bằng mực Tầu, một thứ bồ hóng pha nước rồi cho một cái tên rất đẹp là “Tranh Thủy Mặc”. Họ muốn vẽ ra một xã hội mới bằng hộp mầu có đủ mười hai sắc của một cái cầu vồng.

Yêu và ôm ấp một lý tưởng nào đó, hoặc chỉ giản dị: Yêu là yêu.

Chúng ta cùng lùi lại cách đây 80 năm, đọc một đoạn văn của một chuyện tình thơ mộng, như có, như không.

Bóng chiều sẫm dần dần; không khí mỗi lúc một trong hơn lên, trong như không có nữa, mong manh như sắp tan đi để biến thành bóng tối. Một mùi thơm nhẹ thoảng đưa, hương thơm của tóc Loan hay hương thơm của buổi chiều? Mắt Loan lặng nhìn Dũng, nàng nói:

- Em nghe thấy tiếng sáo diều ở đâu.

Dũng đặt tay vào rá đậu ván tìm mấy chiếc lá lẫn trong quả đậu.

- Tôi thích trước cửa buồng có một giàn đậu ván vì hoa đậu ván đẹp.

Loan đáp:

- Hoa đậu ván màu tim tím…

Nàng nói câu ấy, tiếng khẽ quá như sợ hãi điều gì.Một bàn tay Loan rời cạnh rá, đặt gần tay Dũng. Mấy ngón tay thong thả cời những quả đậu lên lại bỏ xuống. Dũng nghĩ nếu lúc này đặt tay mình lên tay Loan và nắm lấy, Loan sẽ yên lặng: Loan, cũng như chàng, chắc sẽ phải cho thế là một sự tự nhiên. Một giây phút đợi chờ.

Đôi Bạn, tác phẩm viết sau Đoạn Tuyệt của Nhất Linh nhưng lại là tác phẩm mở đầu cho một chí hướng cách mạng và mở đầu cho mối tình của Loan và Dũng. Nói cho rõ hơn, Nhất Linh đã viết Đoạn Tuyệt, một tác phẩm tiểu thuyết vị nhân sinh trước; sau đó, có lẽ, ông thấy cần viết một tiểu thuyết vị nghệ thuật nên Đôi Bạn được ra đời.

Tình yêu của Loan và Dũng là tình yêu mong manh không rõ rệt, nó như một hương thơm đọng lại trong không gian, lúc có, lúc không, nhưng họ cảm thấy được sự tồn tại của nó. Thơm và đẹp.

KyYeuHoiThaoTLVD_FINAL (1)-page-135

Tranh vẽ của Đông Sơn (Nhất Linh): Loan, “Đôi Bạn”.

Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa.Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một quãng thời khắc qua trong đời: Dũng thấy trước độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến phút chàng đang đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy, chàng thấy nó sẽ ghi mãi trong lòng chàng cũng như hương thơm hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ.(Trang -22)

Tình yêu trong Đôi Bạn được coi như là một tình yêu gương mẫu, lý tưởng cho tuổi thanh niên thiếu nữ trong thập niên 1950 ở miền Nam. Ai cũng ước ao có một tình yêu trong sáng, không một vẩn đục về vật chất, về giai cấp giầu nghèo trong xã hội như vậy. Họ chấp nhận cả chuyện yêu mà không lấy được nhau để giữ mãi trong lòng một mối tình đẹp.

Trong Đẹp của Khái Hưng. Nội dung của truyện này là một tình yêu đẹp giữa một họa sĩ lớn tuổi (Bạn của bố) và cô cháu gái mới lớn (Con của bạn). Hai nhân vật chính là Nam và Lan.

Lan yêu chú Nam, bạn của bố từ khi chú Nam đến chơi ở nhà Lan, lúc cô mới 9 tuổi. Khi chú Nam chào từ giã gia đình cô, cô bé 9 tuổi, đôi mắt xanh và to đã nước mắt đầm đìa và Lan phải nén lòng mới không khóc òa lên trước mặt mọi người. Trong một giây yên lặng với tất cả buồn rầu của một cuộc biệt ly, Lan đã rụt rè hỏi mẹ: “Thế mà me bảo me cho con về chơi Hà Nội với chú”.

Có ai biết được đấy là một câu tỏ tình của cô bé lên chín.

Khái Hưng mở đầu cho “tự do luyến ái” bằng một cô gái được đi học, có kiến thức để tiếp tục YÊU tình yêu từ thời thơ dại của mình. Cô đọc tiểu thuyết Pháp, áp dụng tình yêu tiểu thuyết vào tình yêu của chính mình. Cô tự động tìm đến xưởng vẽ của người đàn ông cô yêu và bắt đầu một cuộc chinh phục, bằng sự hiểu biết của một cô thiếu nữ có học ở tuổi 17.

image

Tranh vẽ của Đông Sơn (Nhất Linh) cho “Nửa Chừng Xuân”.

Trong những dịp trò chuyện, Lan tìm đủ mọi cách để chinh phục Nam, nói cho Nam hiểu Nam cần có một người vợ.

Lan đã thắng và kết cục của mối tình Đẹp đó là Nam hỏi cưới Lan làm vợ.

Lan trở thành cái người đàn bà mà Lan cho là cần thiết trong xưởng vẽ của Nam. Thật ra người đàn bà đó chẳng qua chỉ là cái bình để Lan rót vào trong đó cái tình yêu từ thời lên chín của mình.( Một tình yêu rất TLVĐ)

Với Trống Mái của Khái Hưng: Đây là một cuộc cách mạng ái tình và tình yêu đẳng cấp.

Hiền, một cô gái tân học có cái nhìn bình đẳng về tình yêu rất mới. Mới đến nỗi chính cô cũng luôn luôn tự hỏi mình, tự cười mình.

Hiền luôn đem Vọi ra để so sánh với Lưu, một người đang theo đuổi Hiền, một trạng sư tương lai để thấy cái khác biệt giữa hai người. Đã có lúc Hiền mơ mộng lãng mạn, tự hỏi:

“Ừ, họ cứ nói, cứ bàn suông rằng không nên phân biệt đẳng cấp. Vậy sao ta không thể làm vợ anh Vọi được? Anh Vọi và ta đều không thuộc đẳng cấp nào cả, vì đã không chia đẳng cấp thì làm gì có đẳng cấp.”

Hiền băn khoan giữa cái trí thức đầu óc và cái tâm hồn mộc mạc. Hiền dư biết cái đẹp hình thức khó lòng mà cảm được trái tim của người trí thức. Nàng bị giằng co giữ hai đầu sợi chỉ vô hình:

“Biết thế nào là tương đương? Tâm hồn không phải là trí thức. Có trí thức mà gian trá, lừa dối, tàn ác, không bằng có một tâm hồn ngây thơ thô lỗ mà thành thực. Nàng nhận thấy Vọi đứng riêng ra một xã hội khác hẳn với cái xã hội nàng đang sống, cái xã hội chỉ nghĩ đến dùng trí thức để che đậy một tâm hồn xấu xa, đê hèn”.

Giầu đầu óc tưởng tượng Hiền còn phác họa ra cảnh “Một túp lều tranh với hai trái tim… có lẽ bằng vàng”. Hiền và Vọi cùng trẻ, đẹp, khỏe mạnh sẽ yêu nhau sống hạnh phúc với nhau và làm việc bằng tay chân như những người dân chài lưới, ít học.

Trong khi đó thì tình yêu của Vọi đến với Hiền không có một chút lý luận nào, nó giống như nước biển từ từ thấm vào cát, giản dị và chan hòa. Tình yêu là một điều gì quá mới mẻ và lạ lùng. Giản dị, Vọi chỉ biết sung sướng được ở bên Hiền càng lâu càng tốt.

Vọi không hề biết đó là tình yêu. Hay có thể, ban đầu không hề nghĩ đến tình yêu vì chàng và Hiền cách xa nhau quá, chàng chỉ cho cô Hiền là một người tốt bụng.

Cô Hiền về Hà Nội, Vọi hụt hẫng buồn bã mất một thời gian, rồi mùa thu qua đông tới hình bóng cô Hiền tưởng đã phai mờ, Vọi đã vui vẻ trở lại với các bạn chài lưới, quên đi cái nhớ thương vô lý của mình.

Nhưng một buổi trưa, Vọi ngồi trên một tảng đá chăn hộ con bò cho em mình.

“Trời giá lạnh, mỗi khi cơn gió bấc thổi tới rung mấy chiếc lá lộc vừng và đưa la đà qua mặt, Vọi lại rùng mình run lập cập tuy chàng ngồi sưởi ở dưới ánh nắng.

Một chiếc lá rơi vào lòng Vọi. Chàng cầm vân vê trong tay, tò mò ngắm nghía. Bỗng Vọi kinh hoảng kêu lên:

- Trời ơi! Cô Hiền.

Màu chiếc lá rụng đỏ xẫm như màu vỏ xó vừa nhắc tới anh màu áo tắm Hiền thường mặc.

Tất cả cái thời kỳ tắm biển lại hiện ra rõ rệt, hiện ra với những cô thiếu nữ trắng trẻo xinh tươi mà trong số đó, cô Hiền xinh tươi, trắng trẻo nhất.”

Câu chuyện kết thúc với cái chết của Vọi. Cái chết rất mơ hồ, không rõ rệt. Vọi chết vì bị cá nhà táng ăn khi lặn sâu xuống gỡ lưới, hay anh quyết định ở lại dưới lòng biển, chết, khi biết tình yêu thật sự là gì?

Những người như Vọi, trước đây ta chẳng bao giờ nghĩ họ biết ái tình là gì. TLVĐ còn cho không những họ biết yêu mà họ còn có thể chết cho tình yêu của mình.

TLVĐ xuất hiện trên văn đàn trên dưới 10 năm (1933-1944) làm xoay đổi cả một trào lưu yêu đương mới. Giúp phụ nữ biết suy nghĩ, cân nhắc giữa những tập quán xã hội và hạnh phúc cá nhân mình.

Trong tác phẩm Lạnh Lùng của Nhất Linh. Một phụ nữ góa chồng rất trẻ, có nhân tình nhưng không dám nghĩ đến chuyện tái giá vì mẹ chồng và mẹ mình mỗi ngày nhắc nhở vào tai nàng bốn chữ: “Tiết Hạnh Khả Phong”.

Nàng tự hỏi: “Nhưng một người đàn bà góa sao lại không được đi lấy chồng như một người con gái? Sao cứ phải ở vậy mới được tiếng thơm cho cha mẹ, cho gia đình?”

Câu hỏi này, trước khi có TLVĐ, không ai nghĩ đến. Họ cho việc “Tam Tòng” là một việc gần như bắt buộc phải như thế, không thể nghĩ khác hay làm khác được.

Cái xã hội phân chia đẳng cấp còn đáng trách hơn nữa. Đã là con quan hay là quan thì không bao giờ có quyền hạ mình xuống để yêu thương hay lấy một người thuộc giới hạ cấp, nghĩa là nghèo và ít học. Cái phân chia đẳng cấp này đôi khi dắt người ta đến tàn ác mà không biết. Như trong Nửa Chừng Xuân, khi biết mẹ mình đã phá vỡ mối tình của mình và làm khổ lụy đến vợ con mình vì phân chia giai cấp, Lộc tuy đau khổ, phẫn uất vẫn cố bênh mẹ:

“Phải, bao sự lầm lẫn của mẹ ta nguyên do chỉ ở chỗ quá suy tôn cổ tục, quá thiên trọng tập quán. Mẹ ta đuổi Mai cũng chỉ vì thế, chứ khi nào mẹ lại tàn ác được đến thế?"

Ngoài đả phá hủ tục, tình yêu trong TLVĐ còn đi xa hơn nữa: Như Chương trong Đời Mưa Gió, một người học thức có địa vị trong xã hội có thể từ chối những mối tình môn đăng hộ đối vì sau một lần thi trượt đã khám phá ra: phụ nữ chỉ yêu chức vị bằng cấp của mình.

KyYeuHoiThaoTLVD_FINAL (1)-page-140

Tranh vẽ của Đông Sơn (Nhất Linh): Loan, “Đoạn Tuyệt”.

“Chương buồn rầu đến báo tin hỏng thi với người vợ chưa cưới, tưởng sẽ được nàng an ủi khuyến khích, sẽ được nàng đem lời âu yếm vỗ về. Nhưng trời ơi!

Trái hẳn, Chương chỉ gặp vẻ mặt lạnh đạm của ông bố và dáng điệu khinh bỉ của bà mẹ. Nhất, câu nói rất có lý của bà ta, thì luôn luôn, mãi mãi còn văng vẳng bên tai chàng:

“Người lấy con tôi phải là người có nghề nghiệp, căn bản”.

Từ đó, Chương biết mang tấm tình chân của mình ra yêu một cô gái giang hồ và chung thủy với tình yêu của mình.

“Ngày thường, bận về việc dạy học, chấm bài, chàng ít rảnh thì giờ mà mơ màng, hồi tưởng tới quãng đời đã qua. Và có nhớ đến Tuyết thì chàng cũng tìm đủ lẽ phải, đủ lý luận để ghét được, để quên được một cô gái giang hồ nhơ nhuốc.Nhưng trong mấy ngày tết, mọi sự đều biến đổi, cho đến cả tính tình của ta. Người mà ta yêu khi xưa dù là người dơ bẩn vụt hiện hình ra, trong sạch, đứng trong cái khung mộng ảo của hoa đào thắm trên cái nền trắng dịu của cánh thủy tiên ...

Vì thế mà Chương âu yếm nhớ tới Tuyết.”

Ở xã hội mà người ta khinh rẻ gái giang hồ, coi gái giang hồ là những người chỉ kiếm tiền bằng thân xác, không có trái tim rung động với chân tình thì TLVĐ cho chúng ta một cái nhìn khác:

“Tuyết thổn thức ứa hai hàng lệ. Sau hai năm, những quần áo nàng để lại khi ra đi, chàng còn giữ gìn cẩn thận. Nàng nghĩ thầm: “Nếu ta biết chàng yêu ta đến thế thì ta đừng đến nhà chàng có hơn không. Chàng sẽ mãi sống với hình ảnh không già của ta. Nhưng nay chàng đã trông thấy ta rồi, thì từ đây, ta sẽ không còn chiếm được một chỗ cỏn con trong tâm hồn chàng nữa”.

Tuyết đã bỏ đi hẳn, không bao giờ quay về nữa, để giữ mãi trong lòng Chương những mảnh tình còn lại cho nàng.

Trong Hồn Bướm Mơ Tiên, Khái Hưng đã dắt tình yêu vào dưới một mái chùa với Phật, với Sư, với Tiểu với khói nhang lãng đãng. Đã thiền hóa ái tình trần thế bằng một mối tình gần như không có thật nhưng lưu lại trong lòng độc giả mùi hương của những cây nhang và những tiếng chuông thu không.

Ý nguyện chân tu Lan đã cảm hóa được tình yêu thế tục của Ngọc:

“…Tôi thú thực với chú rằng không bao giờ trí tôi lại sáng suốt như bây giờ. Những lời tôi nói với chú, tôi nguyện có Phật tổ chứng minh, thật ở tận đáy tâm can mà ra. Tôi vẫn biết lòng chân thành của tôi không thể cảm được linh hồn chú, nên hôm nay tôi chỉ lên từ biệt chú một lần cuối cùng mà thôi. Từ nay kẻ bắc người nam, xin không gặp mặt nhau nữa.”

image

Lan và Ngọc của “Hồn Bướm Mơ Tiên”. Tranh vẽ của Đông Sơn (Nhất Linh).

Xóm Cầu Mới của Nhất Linh với mối tình giữa Siêu và Mùi hai anh em họ, con dì con già là một mối tình rất lạ. Trong đó, vai nữ cô Mùi là cô gái con một cụ Lang, ngoài việc cô xinh đẹp, đảm đang, tốt bụng, dễ tức, hay khóc, biết uống rượu và thích được say nữa, cô còn rất thông minh trong tình yêu, cô luôn luôn đoán trước được ý định của Siêu và gần như dẫn dắt Siêu trong cuộc tình của hai người, Siêu bị cô cuốn đi mà không biết, mặc dù Siêu là người am hiểu về đời sống, có học và lớn tuổi hơn cô. Lồng trong cuộc tình của Siêu-Mùi còn cuộc tình của Bé và Đỗi, chuyện tình của Bác Hòa hàng cơm và Nhỡ. Mỗi nhân vật có một cá tính riêng nhưng rất gần gũi đời thường. Với văn phong tinh tế, dí dỏm, chi tiết và lãng mạn một cách trong sáng. Đọc xong cuốn truyện, gấp sách lại ta có một cảm tưởng nhẹ nhàng, khoan khoái, thấy truyện nó tự nhiên như thế, phải diễn tiến như thế, phải khép lại như thế. Nó tự nhiên đến nỗi cho người đọc cái cảm tưởng là: Nếu mình là Mùi, là Siêu, là Nhỡ, là Bé …là Phạm Xuân Đài hay Đỗ Quý Toàn, Bùi Bích Hà (cái này để thính giả cười) thì mình cũng “Yêu” như thế.

Siêu hơn Mùi năm tuổi, nên khi Siêu bế ẵm Mùi là sự tự nhiên trước mắt mọi người, cho đến khi Mùi khoảng mười hai tuổi, đã hơn cả năm Siêu không còn bế nữa. Một buổi trưa cả nhà đi vắng, Siêu kéo Mùi nằm ngả vào ngực mình, Siêu cúi đầu vào tóc nàng, áp mặt vào má nàng và môi chàng đưa đi đưa lại mấy cái nhẹ trên má. Mới mười hai tuổi nhưng cô Mùi hình như đã biết thế nào là tình yêu, cô giơ hai tay ôm vòng lấy cổ Siêu, kéo đầu chàng xuống và để hai môi chàng đặt lên môi mình.

“Nàng không nhớ rõ lắm, mà nàng nhớ làm sao được rõ vì nàng có biết nàng làm gì lúc đó đâu; nàng bàng hoàng về một thứ khác; lúc đưa môi cho Siêu hôn không phải nàng chỉ cốt được cái thú Siêu hôn mình, có một thứ gì to tát hơn nhiều mà ngay lúc đó nàng chỉ cảm thấy mơ màng, không sao rõ được là thứ gì.”

image

Lan và Ngọc của “Hồn Bướm Mơ Tiên”.

Tranh vẽ của Đông Sơn (Nhất Linh).

Siêu lúc đó mười bẩy tuổi, vốn tính nhút nhát chưa dám một lần nào ngồi nói chuyện với con gái. Mùi là em họ Siêu, nên chàng muốn thử hôn cho biết ra sao, nhưng chàng sợ vì thấy Mùi tự ý ôm lấy cổ chàng, đặt môi chàng lên môi nàng. Từ đó chàng lờ đi như câu chuyện chưa hề xẩy ra.

Siêu theo gia đình đi làm ăn xa, rồi trở về chốn cũ gặp lại Mùi năm năm sau, từ cô bé em họ mười hai, thành thiếu nữ mười bẩy tuổi mới tinh, Siêu không ngờ Mùi lớn lên lại đẹp như vậy. Mùi đã lôi Siêu vào cuộc tình bằng những cá tính rất đặc biệt của cô. Vì Siêu đem bà mẹ điên và em về ở trọ nhà Mùi, lại đưa cả vốn liếng của gia đình cho Mùi buôn gạo nên mối tình đó không sao tránh được, nhất là Mùi luôn luôn đánh động Siêu bằng cách này hay cách khác. Vừa lãng mạn yêu Siêu vừa đảm đang buôn bán. Đôi khi Mùi vừa yêu vừa tính toán, làm hai việc cùng một lúc rất sáng suốt.

Nàng vừa đếm tiền vừa tưởng tượng đến hơi nóng trong tấm chăn của Siêu, mùi tóc của chàng trên áo gối và nhất là khi Siêu kéo tay nàng, Siêu ôm lấy cổ vai nàng và kéo nàng ngồi dậy và nàng cưỡng lại…”

Mùi hay dỗi, hay khóc nên trái ý một chút là khóc để thử xem Siêu yêu mình đến thế nào. Đôi khi Mùi làm nũng, đòi uống rượu, rồi say, để cho Siêu phải hầu hạ mình. Mùi có cái thú khám phá ra Siêu cũng yêu nàng như nàng yêu Siêu.

Sau một thời gian ở chung, Siêu cũng lây cái tính giả vờ tức, rồi thành tức thật; giả vờ buồn, rồi thành buồn thật, nếu người kia không nhìn ra là mình đang tức, đang buồn.

Tình yêu của Bé và Đỗi thì lại rất đơn sơ. Cả hai không cần phải giả vờ như Mùi và Siêu hay giả vờ với nhau. Bé hay đến mua tôm từ thuyền của Đỗi về làm nhân bánh cuốn cho quán cô Mùi nên có dịp gặp Đỗi và hai người phải lòng nhau. Bé đau mắt thường xuyên nên Đỗi tự làm thầy thuốc chữa mắt cho Bé, để lấy cớ được nhìn vào mắt Bé và Bé cũng nhân đó tự nhiên được nhìn lại Đỗi mà không ngượng lắm.

Mỗi lần Bé bước xuống thuyền mua tôm, Đỗi nói một câu gần như ra lệnh:

- Đưa mắt đây cho tôi xem nào.

Bé ngoan ngoãn ngồi sát vào Đỗi, lật miếng vải che mắt lên cho Đỗi xem, nhưng thật ra là nhìn. Hai người được dịp tự do nhìn nhau, đến nỗi chân giẫm lên nhau mà không biết. Sau đôi lần như vậy cả hai cùng thấy việc xem mắt và việc giẫm chân lên nhau phải đi đôi với nhau. Bé thì cho là một cái thú, bỏ sẽ tiếc lắm.

Nhất Linh cho tình yêu của từng giai cấp xã hội khác nhau và người nào hợp với cảnh ấy rất tinh tế, khéo và tự nhiên.

Tình yêu của bác Hòa và Nhỡ lại mở ra một không gian lãng mạn khác.

Bác Hòa, một góa phụ chưa đến ba mươi tuổi, mở quán cơm ở Bến Cháy, Nhỡ qua đó vài lần, và lần này chàng phải ngủ trọ lại. Bác Hòa phải lòng Nhỡ từ bao lâu rồi, làm sao biết được. Nhất Linh tả cảnh người đàn bà góa lâu năm thèm muốn một tình yêu, một người chồng, trong đêm tối đã làm đủ mọi cách để vào nằm chung một giường với người khách trọ. Nhưng cảnh tình tứ trong đêm lạ lắm. Hòa chủ động trước, nằm sát vào Nhỡ, nắm tay Nhỡ và cả hai thấy như đã thân nhau lắm rồi. Khi Nhỡ đặt bàn tay lên đùi nàng thì Hòa bẻ gập tay chàng lên và có vẻ giận, nhưng chính nàng thì lại đặt đầu lên ngực chàng, cựa quạy đầu mấy cái như đứa bé nằm trong lòng mẹ, rồi Hòa bắt Nhỡ thề:

“Thế này nhé, đằng ấy phải thề làm theo thế nhé. Thề đi đã.

Nhỡ mỉm cười hơi thấy là lạ

- Tôi xin thề. Nhưng thề cái gì mới được chứ!

Tay Hòa đưa lên vuốt má Nhỡ:

- Nào thì nói, thế này nhớ. Tôi với đằng ấy bây giờ coi nhau như hai người bạn, ở với nhau cả đời. Nhưng không bao giờ…

- Không bao giờ cái gì?

- Thôi không cần nói, đằng ấy hiểu rồi…

Cái kiểu yêu lạ lùng của Hòa không ngờ lại gây lên sự khích thích cho Nhỡ, chàng thấy nó quá mới mẻ vì Hòa chỉ mong suốt đời được yêu Nhỡ với tình suông như Thúy Kiều với Kim Trọng.

Hòa lăn vào Nhỡ nhưng Nhỡ vừa làm một cử chỉ âu yếm thì Hòa lại bẻ gập tay Nhỡ lên rồi giận, có khác chi cô Thúy Kiều tự mình tìm sang nhà Kim Trọng trước, đàn hát cho chàng nghe, nhưng khi thấy Kim Trọng “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì cô nghiêm mặt lại “Xin rằng đừng lấy làm chơi”.

Đàn bà ở giai cấp nào, thời đại nào khi yêu cũng khó hiểu như nhau.

Khác với cô Kiều, sáng hôm sau khi hai người chia tay thì Nhất Linh đã đặt cả một tình yêu sâu đậm mang nặng tính chất truyền thống của một người phụ nữ thèm khát cái tình gia đình, tình vợ chồng vào trong hành động, Hòa lục hòm lấy tiền cho Nhỡ, khi Nhỡ nhất định không lấy thì Hòa nói:

- “Vợ chồng mà, sao mình cứ ngại. Đằng ấy hai cha mẹ đều nghèo, mình cầm lấy giúp thêm ít nhiều cho em vui lòng. Em không giầu nhưng cũng có vốn để dành. Gọi là có ít tiền của cô nàng dâu mới mà.”

Một phụ nữ trẻ, góa chồng, yêu một người, tìm đủ mọi cách để vào giường người đàn ông đó giữa đêm, ngay trong nhà mình, nhưng nhất định không thất thân và sáng hôm sau đã nghĩ đến chuyện đưa tiền, để giúp đỡ cho gia đình của người mình yêu và coi ngay như là chồng. Tôi không biết có phụ nữ nào ngoài nước Việt Nam yêu lạ lùng, yêu sâu sắc như thế không?

Tình yêu của tất cả những nhân vật trong Xóm Cầu Mới nói hết thì thật vô cùng, cũng như Nhất Linh đã định viết cuốn truyện này cả mười ngàn trang và cho mỗi nhân vật riêng một pho tiểu thuyết. Nhưng đáng tiếc cuốn sách cũng như ông điều có một định mệnh riêng.

Nhất Linh viết Xóm Cầu Mới bắt đầu từ năm 1940 ở Hà Nội. Mãi đến năm 1957 cuốn sách mới coi như là hoàn thành. Một cuốn sách viết đi, viết lại trên quê mình, quê người, từ Hà nội, Quảng Châu, Hương Cảng, Đà Lạt tất cả năm lần. Thời gian ngưng nghỉ gián đoạn là thời gian Nhất Linh còn bận tâm giữa chính trị và văn chương. Độc giả đọc Xóm Cầu Mới phần đông đều có nhận định đây là tác phẩm cuối cùng nhưng hay nhất trong những tác phẩm của Nhất Linh. Một cuốn truyện về cuộc đời, con người, trên mọi khía cạnh.

Nhất Linh, một nhà văn đã sống một đời với cái tâm bão nổi và tự chọn cho mình một cái chết im lặng nhưng đầy bi thảm.

Nếu độc giả đã đọc hết hay gần hết những tác phẩm của TLVĐ sẽ nhận thấy những nhà văn của TLVĐ là những người đã dấn thân và mở đường cho một sứ mạng rất cao đẹp: Dùng văn học để đổi mới xã hội, nâng cao phẩm giá phụ nữ, thi vị hóa ái tình.

Đặc biệt ba khía cạnh nổi nhất trong cuộc cách mạng văn học về tình yêu trong văn chương của TLVĐ có thể phân tích rõ như sau:

Thứ Nhất: TLVĐ mạnh dạn khẳng định cho ái tình tự do cá nhân, nhất là đối với phụ nữ. Khẳng định đồng nghĩa với tranh đấu để thoát ra khỏi và phá bỏ cái quan niệm cũ, quan niệm “Tam Tòng” của Nho Giáo đã dìm sâu vào bao nhiêu thế hệ bà và mẹ của chúng ta. Ở thế hệ chỉ đàn ông mới có quyền yêu và tình yêu của đàn ông nặng về tình dục.

Trong tiểu thuyết TLVĐ ta đã tìm ra được những người đàn ông biết yêu những mối tình đẹp, biết lý tưởng hóa tình yêu và coi phụ nữ bình đẳng hay đôi khi hơn mình. Người đàn ông trong TLVĐ đã nhìn ra: “Tình Yêu Môn Đăng Hộ Đối” là tình yêu giả tạo, hoàn toàn dựa vào gia thế và bằng cấp. “Phi Cao Đẳng bất thành phu phụ”. Và còn đi xa hơn nữa, họ biết đem cái nồng nàn say đắm của mình ra yêu cả đến những cô gái giang hồ bằng tấm ái tình chân thật của mình.

Thứ Hai: TLVĐ mang ái tình vào trong tôn giáo hay mang ảnh hưởng tôn giáo vào trong ái tình. Nâng cao tình yêu lên, cho người ta thấy ái tình không phải chỉ thuần túy dựa vào những nhu cầu của thể xác đòi hỏi.

TLVĐ còn dấy lên một phong trào văn chương và ái tình Việt Hóa. Trước đây khi ta đọc truyện dịch hay phóng tác thì văn chương ái tình, tâm lý, khung cảnh thấy hoàn toàn mang cái âm hưởng Tây hay Tầu. Ngay cả cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách một thời gây sôi nổi cũng chưa thoát được hẳn ra ngoài cái gò bó đó.

TLVĐ mở đầu Việt Hóa câu chuyện và dĩ nhiên Việt Hóa các mối tình. Đây là điểm nổi bật của TLVĐ cho độc giả gần gũi với câu chuyện, thấy như chính mình là những nhân vật trong truyện, mình có thể là: Mùi, Siêu (Xóm Cầu Mới) Lan và Nam (Đẹp) Loan và Dũng (Đôi bạn). Đặc sắc hơn hết Nhất Linh còn mở ra một cánh cửa ái tình cho ta nhìn vào ở Bé, Đỗi, Nhỡ và bác Hòa hàng cơm là những người bình dân ít học mà trước đây ta không hề tưởng những người này biết yêu là gì, biết ái tình là gì. Họ chỉ sống theo số phận và bổn phận.

Thứ Ba: Tuy Việt Hóa nhưng những mối tình trong TLVĐ vẫn mang một giá trị phổ quát , như Hồn Bướm Mơ Tiên đã bay ra ngoài nước Việt, gây chú ý cho độc giả ngoại quốc. HBMT được dịch ra hai ngôn ngữ Nhật và Nga.

Tiếng Nhật do Takenchi Yonosuke dịch chung với Kawaguchi Kinichi. Xuất bản năm 1984.

Bản tiếng Nga do bà Inna Zimonia (Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn- Đại Học Tổng Hợp Hà Nội- 1956-1961-) dịch và phát hành năm 2012.

Dịch giả Kawaguchi Kenichi hiện đang có mặt trong phòng họp ngày hôm nay.

Hôm nay, tôi đứng đây như một nén hương nhỏ cùng được thắp lên trong bó hương chung tưởng niệm và ghi ơn tất cả những nhà văn trong TLVĐ và kỷ niệm 50 năm, ngày (7/7/1963) con chim đầu đàn Nhất Linh đã vỗ cánh bay xa.

Xin Cám Ơn quý vị.

Trần Mộng Tú