Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Đêm núm sen – Trần Dần

FB Nguyễn Hoàng Diệu Thúy

Nếu chọn một trong những "bom tấn" của văn học Việt Nam trong năm nay, thì tôi nhất định chọn Đêm núm sen của Trần Dần. Tôi nói vậy không phải vì đó là cuốn sách do Nhã Nam xuất bản, không phải vì tôi là một người trong ê kíp biên tập, mà bởi vì giá trị của cuốn sách, bởi vì nó được viết ra bởi người khổng lồ Trần Dần, và bởi vì số phận long đong của nó trước khi nó được bước ra ánh sáng.

Đêm núm sen, viết xong năm 1961, nhưng vì những éo le của hoàn cảnh, nó được cất kỹ vào ngăn kéo. Gần ba mươi năm sau Trần Dần ngồi soạn lại và thấy mất một số chương. Ông không khỏi xót xa:

"Người ta có thể trách tôi đủ thứ! Kém trách nhiệm? Vô ý thức bảo quản tác phẩm? Cẩu thả? Buông lung? Không dạy được vợ con ý thức bảo tàng? Những điều kể ra cũng có cơ sở? Cũng đáng trách đấy? Lại những người khác có thể nghĩ tới những văn cảnh xã-sử? Những biểu hiện ăn - ở - ngủ - đụ - ỉa Việtnamit? Tư Mã ắt cũng không thoát những vòng cảm nghĩ xót xa ý? Song chậc? Tư Mã thở dài... "Mất rồi thì thôi…".

May thay, gia đình tác giả đã tìm lại được trong đống di cảo, có thể không phải tất cả, nhưng cũng đủ để câu chuyện liền mạch và hợp lý. Như vậy cho đến nay, tiểu thuyết của Trần Dần đã xuất bản Những ngã tư những cột đèn (2010) và Đêm núm sen (2017), chỉ còn Một ngày Cẩm Phả là chưa.

Đêm núm sen được viết năm 1961 trước Những ngã tư và những cột đèn năm năm. Quãng thời gian ấy không rõ có phải để Trần Dần trưởng thành về kỹ thuật tiểu thuyết hay không, bởi có thể thấy trong Những ngã tư và những cột đèn… tất cả các thủ pháp đồng hiện, dòng ý thức, truyện lồng truyện, trần thuật từ nhiều điểm nhìn, các kỹ thuật truyện trinh thám… Tôi không chắc, nhưng với cuốn này, tôi có cảm giác rất mạnh mẽ rằng Trần Dần muốn đánh một ván bài ngửa, muốn chọn lối viết thẳng, không nhiều kỹ xảo cấu trúc, không nhân vật đa chiều, không ú tim lắt léo, không gây bất ngờ, dường như dùng sự tối giản, chỉ dùng ngôn ngữ để viết về tình yêu. Ngay cả việc Trần Dần lạ hóa bối cảnh và nhân vật sang thế giới một loài kiến-người cũng là để có thể phiêu lưu xa hơn trên địa hạt ngôn ngữ.

Người khổng lồ Trần Dần dường như muốn khẳng định một xác tín: chỉ ngôn ngữ, cho tất cả.

Trần Dần xây dựng một xã hội lý tưởng với những kiến-người chăm chỉ lao động, trung thực, không tư hữu, yêu thương nhau, quần tụ trong một không gian cổ tích - tựa như bản giao hưởng tha thiết của những phố, quảng trường, rặng đèn lồng, hàng cây và ngàn sắc màu huyền ảo. Phố lúc nào cũng là một mỹ cảm đinh ninh trong sáng tác của Trần Dần nhưng ở đây được chắp thêm đôi cánh tưởng tượng để mang vẻ man mác thần tiên. Mỗi góc được tả, Trần Dần đều có dụng ý hội họa rõ rệt:

"Ban tối, Cổng Bắc càng đẹp. Hàng ngàn hạt đèn tím lắc rắc trong lòng phố dài những tia nhỏ như mứt tím non, tím đặc, tím than, tím hoa cà… Cả một sự man mác thần tiên của tím đậm nhạt, màu chồng màu. Chúng tôi tìm tới nhà cụ kiến Mây. Chúng tôi nghe chuyện cổ tích. Gió lá lào xào ngoài phố, với các tia sao."

"Trăng sáng một nghìn bạch lạp: hai cái bóng của chúng tôi ngả dài mặt đường… Tôi đi thoai thoải. Tôi xích cái bóng của tôi lại. Cô ta nhìn thấy. Cô né ra… Chúng tôi ngồi ở một ghế đá, dưới cây xà cừ. Vầng trăng bị mắc trong vòm lá đen. Cả một vầng trăng, nõn như thịt sò. Quanh tôi là mông-mênh-quảng-trường. Một thứ mông mênh bù dục. Chúng tôi thành một bộ phận của im lặng đêm trăng."

Một điều nữa ở cuốn sách này mà Những ngã tư và những cột đèn và những sáng tác khác ít có hoặc không có, ấy là tính hoạt kê. Những màn đối thoại có duyên, những nhân vật thú vị, những xen đánh đấm, tán phét, "cò cưa", làm trò, hiểu lầm… khiến người ta đôi khi cười phá, đôi khi mủm mỉm, và đâu đó giữa những dòng chữ là cái nháy mắt hóm hỉnh của tác giả. Dùng chất khôi hài để viết về một thế giới kiến người là một lựa chọn rất phù hợp, và Trần Dần thực sự đã tạo ra được một cái "không khí kiến người" cho cuốn tiểu thuyết của mình.

Tình yêu be bé của anh kiến Gầy và cô gái núm sen được đặt vào bức tranh phố, và chiến tranh xảy đến như một chất xúc tác khiến nhân vật bùng nổ cảm xúc. Ai có thể cực tả những phấp phỏng, thẹn thùng, nhớ nhung, đau khổ, đắm say hay như Trần Dần? Ai có thể khiến người đọc chếnh choáng trước một đêm núm sen, với sự trinh nguyên của trinh nguyên, run rẩy của run rẩy, chúm chím của chúm chím, với những vuốt, miết, riết, ghì, mút, áp, cuốn, thấm, những run run, rùng rùng, rờn rợn, rơm rớm, thon thót, bồng bềnh…, như Trần Dần?

"Tôi kéo tay Sứa… Sứa quay lại. Ngực Sứa bềnh lên hai cái đọt non. Tôi giơ tay lên. Sứa thẹn. Thân thể áp ghì. Sự lủng củng rờn rợn của đùi, vế, bắp thịt, núm thịt, búp thịt. Sứa thẹn. Hai cái đọt non đâm thon thót ngực tôi… Ngọn lửa ú ớ lùi xa… Thế là bắt đầu từ sự bắt đầu. Tôi ù ù ở tai. Tôi lóng ngóng. Sứa càng thẹn. Căn buồng nhòe đỏ… Sự không ăn khớp, sự không-ăn-khớp, những cái hẫng mênh mông… Tôi bối rối giữa những hé, mở, khép nép… Sứa thẹn..."

Tả ái ân bao giờ cũng là một thách thức kinh khủng. Để sao cho chân thực mà không sượng, đẹp và sexy mà không thô tục. Trần Dần dành riêng một chương để viết về đêm ái ân đầu tiên của anh Gầy và cô Sứa, và tôi nghĩ đây là một trong những chương hay nhất, đầy cảm xúc, đầy chất thơ, và trong văn vắt. Đến ngày hôm nay, với tất cả những phương tiện nghe nhìn hiện đại, phim ảnh tràn lan, thì những con chữ của Trần Dần vẫn đẹp, vẫn tràn đầy sức rung động như thế. Tôi bỗng cảm thấy những câu chuyện tình yêu nghe xung quanh mình trở nên nhạt hoét. Tôi hình dung cách đây nhiều chục năm, nếu Đêm núm sen được in ra, thì hẳn nó gây chấn động đến thế nào.

Sau khi làm việc trên những trang bản thảo Đêm núm sen, tôi tin mối tình đơn sơ này sẽ là một trong những tình yêu đẹp nhất trong văn học Việt Nam.

Đọc Đêm núm sen của Trần Dần, là đọc một cuộc trình diễn ngôn ngữ. Trần Dần sở hữu một thứ tiếng Việt đẹp, ngon, mạnh mẽ, tràn trề năng lượng. Tiểu thuyết cho ông nhiều đất diễn. Có thể bắt gặp rất nhiều câu văn hay trong cuốn tiểu thuyết này.

"Đồng cỏ rồi lại đồng cỏ… Chúng tôi đi như trong cái nồi rang. Mặt trời thả xuống những tia lửa quả rọi. Chúng tôi ngốn những tích tắc bỏng cháy. những dặm đường xém thui…"

Nhưng, còn có thể đọc ở đây những âm vang của thời cuộc và đối thoại của Trần Dần với thời cuộc, những triết lý về xã hội, nhân sinh, và những điều này nữa (chứ không chỉ riêng độ sexy của tác phẩm), cũng sẽ gây tranh luận nếu tác phẩm được in thời bấy giờ. Rốt cuộc chuyện kiến thì cũng là chuyện người mà thôi.

"Chỉ cần nhân danh một số phận bình thường, đúng thế, người ta đã rất có đủ lý do để mà đòi: tiêu diệt hẳn chiến tranh! Đúng thế! Bất cứ một số phận bình thường nào! Ai cải tử cho bác thợ Ngoã ở khu nhà lá kia? Thời gian ư? Thời gian cũng không thể san sửa cho những cái án mạng của chiến tranh ấy! Ai cải tử cho những tích tắc be bé? Những hạnh phúc be bé? Những chương trình be bé?..."

Trần Dần ra đi khỏi "ván chiêm bao" này vào năm 1997. Đúng 20 năm sau ngày ông mất, cuốn Tiểu thuyết Đêm núm sen lần đầu tiên bước ra ánh sáng từ kho di cảo bụi bặm nhưng ẩn chứa đầy tâm sự và tâm huyết của nhà văn. Sự viết của Trần Dần qua Đêm núm sen, cũng như nhiều tác phẩm khác, khiến cho người ta nhận ra tiếng Việt đẹp thế nào, và khả năng của nó vô tận đến đâu. Ở khía cạnh này, cho đến nay Trần Dần vẫn là một thành lũy vời vợi khó ai vượt qua.

https://www.facebook.com/nguyen.h.thuy.77/posts/10154708025212903