Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Tư liệu về báo Phong Hoá, báo Ngày Nay và Tự Lực Văn đoàn (kỳ 2)

Papa toà báo
Trần Khánh Triệu
clip_image002

G.S. Trần Khánh Triệu.
(Trình bày vào ngày 6 tháng 7, 2013 trong cuộc hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon, Nam California)


Tôi được nhà văn Khái Hưng nhận làm con nuôi từ nhỏ. Cả một thời niên thiếu của tôi, tôi được cha mẹ nuôi của tôi mà tôi thưa là papa và me, cưu mang lo lắng tận tụy còn hơn là con đẻ nữa. Trong buổi hội thảo hôm nay với thời gian hạn hẹp, tôi không thể nào nói hết những kỷ niệm đối với cha nuôi của tôi. Tôi chỉ xin tóm lược đôi nét về nhà văn Khái Hưng cũng như các chú các bác trong TLVĐ đã làm việc tại 80 Quan Thánh Hà Nội, qua con mắt của tôi hồi đó, một chú bé chín mười tuổi, cách đây đã sáu bảy chục năm rồi.
Trước hết tôi xin nói về tòa báo Ngày Nay. Đó là một tòa nhà hai từng chung quanh có vườn hoa bao bọc, cây cối rất tốt tươi. Tờ báo trông ra hai mặt đường, một mặt là 80 đường Quan Thánh, thời Tây gọi là Avenue du Grand Buddha, còn một bên là phố hàng Bún, 55 rue de Vermicelle. Khi đi vào cổng chính bước lên mấy bực thềm sẽ nghe tiếng rầm rầm, đó là giàn máy in, in báo Ngày Nay hoặc sách của nhà xuất bản Đời Nay. Bên cạnh đó là phòng xếp chữ và phòng trị sự. Bước lên gác thì ở giữa hành lang lát gạch men tàu, mát mẻ lắm. Một bên là nhà kho, chứa sách và buồng tắm, còn bên kia là ba phòng chính. Phòng bên trái là nơi ở của cha mẹ nuôi tôi, tất nhiên có cả tôi trong đó nữa, và phòng giữa cũng như phòng bên tay mặt trông ra phố Hàng Bún thì là tòa soạn của báo Ngày Nay và cũng là nhà xuất bản Đời Nay, cái nôi của TLVĐ. Từ các bàn kê trong phòng thì hai đầu đều có khắc dấu hiệu của TLVĐ, giống như còn chim đại bàng cất cánh bay lên, dưới có làn nước lăn tăn. Các tủ trong phòng Tòa soạn có xếp ngay ngắn những sách của nhà xuất bản Đời Nay. Trên tường thì treo mấy bức tranh của họa sĩ Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân hoặc Nguyễn Gia Trí. Cửa sổ nhìn ra phố hàng Bún thì rợp là bàng xanh, mùa hè ve sầu kêu rộn rã. Văng vẳng vang lên tiếng keng keng của đoàn tàu điện chạy tuyến Bạch Mai - Bưởi. Tới ngã tư phố hàng Bún thì tàu dừng lại để đón khách.
Bây giờ tôi xin nói lúc papa tôi, tức nhà văn Khái Hưng viết sách báo. Buổi sáng khi trở dậy thì đã thấy papa tôi đã ngồi chăm chú đọc sách chữ Hán, chữ nhỏ quá nên ông phải cầm kính lúp để thỉnh thoảng nhìn vào. Đôi khi ông cụ với tay lấy tờ báo Volonté Indochinoise của Pháp thời đó để chơi ô chữ, ngồi gật gù, khi kiếm được một chữ nào ăn ý thì ông rất thích chí xoa se sẽ trên đầu tôi và hát nho nhỏ một bài hát quen thuộc của đoàn Ánh Sáng thời đó: Rồi đây anh em chúng ta cùng nhau kết đoàn... theo điệu bài Au Revoir của Pháp. Đến khi ánh nắng chiếu vào phòng, khoảng tám, chín giờ thì papa tôi bước sang phòng bên cạnh là phòng Tòa soạn, để viết văn. Bắt đầu, châm điếu thuốc hút đã. Thuốc lá hồi đó, các vị cao niên hẳn còn nhớ, là thuốc Mélia; có hai loại: Mélia trắng và Mélia vàng, loại vàng mà papa tôi hút mắc tiền hơn, tôi còn nhớ trên bao thuốc vẽ một cái hình của một bà đầm ngồi trong ghế bành phì phèo thuốc lá.
Xin nói về cảnh papa viết văn. Ông viết trên những trang giấy trắng tinh, không kẻ ô hay dòng, chữ viết rất ngay ngắn gọn gàng, bằng cây bút máy Waterman ngòi bằng vàng. Khi viết văn, papa đôi khi tay gõ gõ trên bàn, nhăn mặt ngó lên trần, chắc đang có gì khó khăn lắm. Sau đó tôi thấy trên trang giấy trắng ngoằn nghoèo nhiều nét, chắc là cụ suy nghĩ lung lắm, có điều tôi không biết suy nghĩ cái gì.
Buổi chiều buổi tối phòng tòa soạn nhộn nhịp hẳn lên, khói thuốc tỏa lan khắp nơi, chú Hoàng Đạo, tức chú Nguyễn Tường Long và nhà văn Nhất Linh tức là cha đẻ của tôi, hai người làm việc trong phòng khách phía trông ra phố Hàng Bún, nhiều khi tới khuya cũng chưa về. Khi rảnh rỗi, hai cụ lại vác bàn cờ tướng ra đánh. Mỗi lần chiếu tướng thì chú Hoàng Đạo lại cầm quân cờ đập mạnh vào bàn cờ đánh "chát" một cái. Papa tôi, tức nhà văn Khái Hưng hay tới để mách nước cho hai người. Có khi papa mở cây đàn thập lục đánh một bản trong trẻo nhẹ nhàng.
Ngoài ra, trong lúc tòa soạn làm việc tôi thích nhất là chú Nguyễn Gia Trí, người vẽ tranh Lý Toét Xã Xệ rất nhanh, rất gọn. Cái tóc xoắn như lò xo của Xã Xệ bao giờ chú cũng vẽ cuối cùng. Nhưng có điều đặc biệt quan trọng hơn cả là mỗi lần chú tới chú đều mang cho tôi một bịch kẹo Tây, kẹo Toffee, ngon lắm! Còn bác Tô Ngọc Vân, về sau có bút hiệu là Tô Tử cũng vẽ Lý Toét, Xã Xệ khi chú Trí vắng mặt, chú vừa vẽ vừa kể cho tôi những chuyện bên Xiêm (Thái Lan) nhiều chuyện vui lắm nhưng bây giờ nhiều tuổi rồi tôi chẳng còn nhớ gì. Tôi còn nhớ ngón tay của bác Tô Ngọc Vân có đeo một chiếc nhẫn ngọc đen, tôi thích lắm, thầm mơ sau lớn lên được đeo một chiếc nhẫn như vậy thì oai biết bao! Bác Tô Ngọc Vân khi vẽ xong rồi thế nào cũng cho tôi kẹo, loại kẹo gôm tẩm đường của Hà Nội hồi đó, ngon thì ngon nhưng làm sao mà so sánh được với kẹo Toffee của chú Trí! Cho nên theo ý của tôi hồi đó, tôi thấy nét vẽ của chú Trí đẹp hơn là nét vẽ của bác Tô Ngọc Vân.
Rồi đến chú Huy Cận, chú thương tôi lắm. Chú người hiền hậu, rất dễ thương. Có lần ở Trung ra chú cho tôi một củ khoai, tôi thích quá để dưới gầm giường, để dành không dám ăn vội. Có lần papa lấy cuốn sách Lửa Thiêng thơ của chú, mở trang có bài Tựu Trường, tặng em Triệu, papa nói chú Huy Cận yêu con lắm mới tặng con như thế, cũng giống như papa tặng con cuốn sách hồng Ông Đồ Bể, như thế thì con phải ngoan nhé!
Còn bác Tú Mỡ, lâu lâu từ Láng cưỡi bình bịch ra để mà thăm. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa rồi nói về Tú Mỡ cũng nhắc đến chiếc xe bình bịch, đó là chiếc mô tô, thời bấy giờ gọi là xe bình bịch. Mỗi khi bác tới tôi mừng rơn. Tại sao? Tại vì sau khi làm việc với tòa soạn thì bác bao giờ cũng rủ các anh em đến hiệu Phúc Hưng Lâu gần nhà báo Ngày Nay để ăn phở. Ở đó có món phở áp chảo nước và phở xào dòn ngon tuyệt. Hoặc ít ra thì cũng ghé tiệm Hạp Ký ngay trước cửa để uống bia, ăn bánh. Những trường hợp hãn hữu đó, nhất là có kèm theo những vụ ăn uống như vậy, thì nhất định tôi phải xin phép me tôi đi theo... hầu papa cho phải đạo.
clip_image002
Khái Hưng Trần Khánh Giư
Thời gian trôi qua, báo Ngày Nay bị đóng cửa, sở Liêm Phóng Đông Dương bắt papa tôi, chú Nguyễn Gia Trí, chú Hoàng Đạo, giam ở sở Liêm Phóng, sau đó thì cho đi an trí tại Vụ Bản, Nho Quan ở Hòa Bình. Rồi ngày mồng 9 tháng Ba 1945, Nhật đảo chính Pháp, rồi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Đó là thời gian người chết đói như rạ. Sau đó thì Việt Minh nắm chính quyền, rồi các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội lập trụ sở viết báo để chống đối những chính sách sai lầm của Việt Minh. Rồi tòa soạn Ngày Nay trở thành tòa báo Việt Nam, cơ quan ngôn luận và tranh đấu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Papa say mê viết cho tờ Việt Nam, tờ Thiết Thực, tờ Chính Nghĩa. Rồi Chính phủ Liên hiệp ra đời, và sau đó Tây đổ bộ Hải Phòng, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng. Những cuộc đụng độ giữa Tự Vệ Thành và lính Pháp luôn luôn xảy ra ở các phố Hà Nội. Sau đó đến một buổi, Pháp tung quân ra và càng quét khu phố Hàng Bún gần tòa soạn và bắt đi một số dân chúng ở phố Hàng Bún, cùng xông vào tòa báo để bắt cả gia đình tôi, papa, me và tôi đều bị bắt giam ở trong thành gần hai ngày mới được thả nhờ sự can thiệp của Ủy ban Liên hiệp. Khi trở về thì papa tôi thấy rằng tình hình ở Hà Nội không thể yên được, nên quyết định tản cư về Nam Định là quê của me tôi. Ngày hôm đó là ngày 9 tháng 12 năm 1946.
Trở về làng Dịch Diệp, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, papa lộ vẻ tươi tỉnh, thoát được tay thằng tây rồi, về đây được yên ổn. Nhưng được vài ngày sau, bỗng nhiên có hai thanh niên lạ mặt, tự xưng là công an thành Nam Định tới yêu cầu papa lên huyện Trực Ninh có việc. Mọi người hoang mang lo sợ, papa tôi trấn an, nói không sao đâu, papa chỉ cái huy hiệu bên cạnh ve áo, đó là huy hiệu Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính ông Trần Huy Liệu tặng cho papa tôi cách đây mấy tháng. Ông nói bây giờ đoàn kết kháng Pháp, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ, chắc họ nhầm lẫn. Papa đi theo họ lên huyện Trực Ninh.
Thời gian qua, không có tin tức gì cả. Rồi tàu chiến Pháp theo sông Hồng bắn phá hai bên bờ sông, máy bay bà già là xuống sát ngọn tre lâu lâu lại nhả một tràng súng liên thanh. Mọi người hoảng hốt lo sợ, chuẩn bị tản cư thì bất thình lình, papa tôi trở về nhà cùng với một công an áp giải. Papa nói nhỏ: "May, hôm nay chuyển trại, nó cho về nhà ăn cơm. Hôm trước nó giam tôi ở Lạc Quần và mỗi một lần máy bay Pháp bắn phá thì nó lại nhốt tất cả mọi người vào trong lô cốt để mong mượn tay thằng Pháp giết mình. Hôm trước nó có hỏi thăm về thằng Triệu thế nào thì tôi nói không biết ông Tam là ai cả, tôi nói tôi nuôi nó từ nhỏ." Hồi đó Nguyễn Tường Tam là kẻ thù của Hồ Chí Minh. Papa ngồi ăn xong bữa cơm thì công an giục giã lên đường. Tôi òa lên khóc không biết họ đưa papa đi đâu. Đi một lát thì me tôi nhớ ra, gói mấy quả cam vào một tờ kinh cứu khổ, rồi bảo tôi chạy theo đưa cho papa, lạy Trời lạy Phật cho được tai qua nạn khỏi. Tôi chạy theo papa vừa thở vừa nói: "Cam đường papa nhớ ăn, kinh cứu khổ papa nhớ tụng." Tôi theo papa đến đầu làng, papa đi trước, tên công an vạm vỡ theo sau, đi xa mãi đến tít tận sông Hồng. Tôi trở về nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm không biết papa có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ hay không.
Từ ngày đó tôi không còn gặp papa tôi nữa. Đến bây giờ, sáu bảy chục năm qua, mỗi lần nhớ lại người cha thân yêu của mình lúc bị công an áp giải, tôi cảm thấy bâng khuâng và nghẹn ngào. Nỗi bâng khuâng đó, tôi đã gửi gắm trong hai câu thơ thô thiển như sau:
Mây vần lồng lộng một trời
Dáng xưa hiu hắt... tháng ngày phôi pha.
Trần Khánh Triệu

Ảnh: - Ông Trần Khánh Triệu
- Nhà văn Khái Hưng