Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Thriller Bờ Bên Kia (kỳ 17)

Lưu Thủy Hương

Chương 17: Qua nửa dòng sông

Tiệm Đũa Tre của chú Minh vào đầu giờ chiều chỉ có vài ba người khách Đức. Tôi đi thẳng vào chiếc bàn nhỏ cạnh quầy sushi. Chú Minh ngừng rót nước niềm nở nhìn ra:

"Ôi, sao đến đây giờ này, hả cháu?"

Thường tôi chỉ đến đây ăn trưa, với Max hay một mình. Tôi nói như hết hơi:

"Cháu vừa đi ăn bên Đồng Xuân. Nhưng lại nhớ món gỏi quán chú."

Chú Minh mang nước ra cho khách, tự động pha cho tôi ly trà gừng chanh tươi.

"Chú bảo bọn nó làm cho cháu đĩa gỏi đu đủ. Cháu sang bên đấy ăn gì nào?"

"À, phở, bánh cuốn."

Chú Minh kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, nhỏ giọng:

"Nhìn cháu tiều tụy thế. Có việc gì à?"

Giọng chú ấm và thân mật làm tôi muốn rưng rưng nước mắt. Tôi chần chừ một lúc rồi tuôn ra:

"Mẹ cháu vừa tự tử."

"Ôi, có sao không?" Chú Minh hốt hoảng nhổm cả người dậy.

"Tạm thời mẹ cháu đã qua khỏi, nhưng tinh thần rất suy sụp. Cháu vừa sang bên Đồng Xuân tìm ba cháu, nhưng bên đó đông đúc xô bồ ghê quá, không biết cách nào mà tìm. Hơn nữa, ba cháu đã bỏ mẹ cháu đi từ ba năm nay, không biết có còn ở Berlin hay không."

"Mẹ cháu sao lại làm thế. Đàn ông bỏ đi thì cho họ đi. Tự tử làm gì."

"Cháu cũng không rõ, có phải vì chuyện đó mà mẹ cháu tự tử hay không. Dạo sau này mẹ cháu đã vượt qua cú sốc và vui vẻ trở lại. Đột nhiên rồi lại tự tử." Tôi nói tới đây thì phân vân. Chuyện gì đã xảy ra với mạ?

Hình ảnh người đàn ông trọc đầu trong quán ăn lại hiện ra cùng nụ cười giễu cợt kỳ dị. Những kẻ giết người mang nụ cười giễu cợt kỳ dị cũng có trong phim, Batman hay Skyfall, nhưng tôi không rõ loại này có trong cộng đồng người Việt hay không. Chẳng lẽ họ ráo riết đuổi theo tôi hàng trăm cây số, để đến khi đối diện nhau lại chỉ cười như ngáo ộp. Tôi ôm đầu không sao thoát được vùng sương mù, tiếng rè rè của mũi khoan lại vang lên bên tai. Những kẻ sát thủ đó thực sự muốn gì?

"Này cháu nhức đầu à? Hay là ốm? Ba cháu bỏ mẹ cháu theo đứa khác à?"

Tôi ngơ ngác nhìn chú Minh, khó khăn tập trung vào câu chuyện:

"Đi theo một cô trẻ tuổi người Nghệ An bên chợ Đồng Xuân."

"À, lại là bọn gái Nghệ An, gái Đồng Xuân. Bọn tìm chồng sang đây không biết cơ man nào mà kể. Cứ như cả làng xã, cả thành phố đổ xô sang Đức, đông như đàn kiến. Đứa nào đứa nấy be bé thế này, không đẩy xe nôi thì cũng vác cái bụng bầu lùm lùm. Mấy cái Bến Không Chồng cứ dần dà phát triển lên. Hôm nào chú dắt cháu đến đấy thăm, một gian nhà có hơn hai mươi chiếc xe nôi mà chẳng có thằng đàn ông nào trong nhà. Toàn là đàn bà trẻ. Đứa có giấy tờ vừa ôm con đi, đứa khác ở Việt Nam vừa sang lại vào thế chỗ."

"Nhưng không chồng mà có con để làm gì, hả chú?"

"Để xin ở lại. Cứ tìm được một thằng Tây hay thằng Việt Nam có quốc tịch Đức chịu nhận đứa nhỏ là con, thì đứa con đương nhiên được ở lại Đức. Khi đấy mẹ nó cũng được ở lại để chăm sóc nó."

"Lỡ không tìm được người nhận con thì sao?"

"Thì phải chài được một thằng rồi có bầu với nó. Nhưng dễ nhất là ngủ bừa với một thằng Tây, đẻ ra đứa con lai."

Tôi thở dài, tìm cách nói sang chuyện khác:

"Trưa nay vừa vô quán, cũng có ngay một anh trẻ tuổi lân la làm quen với cháu."

"À. Mấy thằng đĩ đực nhởn nhơ đầy trong các quán ăn. Không tìm được phụ nữ lo giấy tờ ở lại, thì chúng lại bày ra dịch vụ cưới Đan Mạch, cưới Hoà Lan. Kinh lắm."

"Cưới gì hả chú?"

"Cưới đồng tính ấy mà." Chú Minh lắc đầu cười gượng. "Dịch vụ móc nối đường dây sang Đan Mạch, Hoà Lan cho bọn thanh niên Việt lấy chồng đồng tính, hợp thức hoá giấy tờ bên đấy. Ở Đức vẫn chưa cho cưới đồng tính, nên phải tìm kế sang nước khác lấy chồng. Phụ nữ Việt sang đây dễ tìm chồng, dễ có con, chứ bọn đàn ông lại khó xoay xở. Nhưng cái khó... ló cái khôn. Đàn ông Việt thì đi làm vợ hờ cho đàn ông Tây."

Tôi lại thắc mắc:

"Vợ hờ là gì?"

"Là chỉ cưới thằng Tây để được ở lại Đức. Chỉ trả tiền mua giấy hôn thú thôi, không phải ăn ở với nhau. Nhưng thằng nào không có tiền mua hôn thú thì phải cam phận làm vợ đồng tính cho Tây thật đấy. Vất vả khổ nhục lắm."

Chú Minh lắc đầu chán ngán, ánh mắt lại buồn thiu. Tôi ngại ngùng hỏi:

"Tại sao đàn ông khó tìm vợ? Có cung thì có cầu chứ."

"Là vì đàn ông bán thân thì nhiều, còn đàn bà bán thân lại ít."

Tôi lắc đầu, không hiểu nổi:

"Bán thân là gì?"

"Là bán cái thân phận quốc tịch Đức cho người ta. Là chịu làm chồng hờ với người ta. Nếu hai vợ chồng cần tiền, thường chỉ người chồng bán thân chứ người vợ thì ít làm thế. Dĩ nhiên chỉ cưới trên giấy tờ, nhưng bà già lấy trai trẻ dễ bị nhân viên phòng hộ tịch nghi ngờ. Còn đàn ông sáu mươi vẫn cưới đứa mười tám được. Bán thân cũng có giá. Như chú đây, giấy un hẳn hoi, chú bán thân thì được khoảng ba mươi nghìn eu. Nếu ba cháu bán thân thì được bốn mươi nghìn eu, vì ba cháu quốc tịch Đức."

"Ba cháu chắc là không... bán thân. Vì cô kia đã giở... giọng Nghệ ra."

Chú Minh bật cười:

"Con bé này biết cả từ giở giọng Nghệ. Ừ, chữ Nghệ bây giờ mang nghĩa chung là lưu manh, lường gạt, côn đồ. Bọn trẻ từ quê nghèo kéo sang hàng đàn hàng lũ, làm gì có tiền mà mua chồng. Đám mua chồng mua vợ là đám buôn bán có tiền, hay con cái bọn cán bộ tham ô trong nước cần cái quốc tịch Đức để tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Bán thân cho bọn quan lại này đôi khi được giá cao không tưởng nổi. Còn đám dân nghèo sang đây để đổi đời, nợ nần chồng chất, không có lấy một xu trong túi. Đứa nào dám ngủ bừa với Đức để có bầu thì đã làm rồi. Đứa nào không đẻ nổi thì chài mấy thằng già có giấy tờ tử tế rồi hăm dọa bắt phải cưới. Ngủ với nó hai lần là nó giở giọng Nghệ ra, kề dao vào cổ. Thằng trâu già nào ham ăn cỏ non nuốt phải búa liềm xứ Nghệ là xong đời."

Tôi bần thần nghe chú Minh nói, hóa ra đó là cái mà thanh tra Brandt gọi là "hoàn thiện khâu định cư". Chính quyền Đức biết cả, nhưng họ không kiểm soát được vấn đề này. Hình ảnh thằng trẻ tuổi trong quán phở lại hiện ra nhả nhớt. Tôi nói:

"Thằng nhỏ cháu gặp hôm nay cứ ra vẻ chải chuốt, đồng bóng. Có vẻ như nó cũng muốn chài."

"Ừ, không chài được đàn bà thì chúng phải đổi hệ."

"Hệ gì, hả chú?"

"Hệ xăng pha nhớt. Lúc trước ngành công nghệ đĩ đực ở xứ này do bọn Thái Lan nắm giữ bây giờ chiến sĩ ta đang từng bước nhả nhớt đẩy lui quân thù, chiếm giữ trận địa. Nhưng nói cho ngay ra, bọn đĩ đực Việt kém xa bọn đĩ Thái. Da dẻ thì đen đúa mốc meo, ngồi đâu là khạc nhổ hỉ mũi vung vãi. Lại còn mang cái thói nông dân gia trưởng hung hăng, có mà biết mềm mỏng chìu chuộng là gì."

Tôi phì cười, suýt nữa thì quên mất tình trạng bi đát hiện tại của mình. Quả thật là Việt Nam còn thua xa Thái Lan về mặt chuyên nghiệp hóa ngành công nghệ tình dục. Chẳng biết như vậy là vui hay buồn.

"Chú Minh nè, còn tình trạng tội phạm hình sự trong cộng đồng người Việt ra sao?" Tôi hỏi lảng sang chuyện khác.

"Tội phạm thì búa xua. Bao nhiêu thói hư tật xấu trong nước chúng đem cả sang đây. Cháu muốn biết loại nào?"

Tôi nghĩ đến ca giải phẫu cuối cùng, không biết Max đã điều tra được đến đâu. Có lẽ gã đang mắc kẹt trong mớ màng nhện lùng bùng của cái gọi là cộng đồng người Việt mới nhập cư.

"Loại giết nhau vì tình."

"Này, mày có đọc báo trong nước không đấy?"

"Không, tiếng Việt cháu dở lắm, mà cũng không có thời gian."

"Thảo nào, cứ hỏi ngô nghê. Chuyện giết vợ, giết người yêu xảy ra như cơm bữa. Ghen giết, giận giết, chán giết, cần tiền giết, không lấy được nhau cũng giết... Hôm nào không giết thì báo chí giết để mà có chuyện câu khách."

Tôi nghe chú Minh tuôn ra một tràng mà ù tai.

"Nhưng đó là báo trong nước đăng tin, đúng không? Còn đám tị nạn ở Đức thì sao? Có phạm tội bừa bãi như thanh niên trong nước không?"

Chú Minh đảo mắt, đổi giọng cười lấp liếm.

"Ơ, làm sao tao biết được. Chẳng lẽ, chúng nó giết rồi đi kể cho tao nghe."

Tôi chựng lại như vấp trúng cục đá, không biết nên tin chú bao nhiêu phần trăm. Tôi ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi:

"Chú bán sushi vậy chú phải biết một thằng tên Vinh có tiệm sushi ở Charlottenburg?"

"Tao bán sushi chứ có bán người đâu mà biết tất cả bọn chúng. Bọn trẻ sang đây hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn đứa, biết sao hết được." Mắt chú Minh lại đảo quanh rồi dừng lại trên ly nước. "Này, uống nước đi. Cháu đến đây ăn uống hay đến hỏi lung tung."

Chú Minh xua tay ra hiệu chấm dứt màn tra khảo. Nhưng tôi vẫn còn nhiều điều thắc mắc, không hỏi chú thì thật không biết hỏi ai.

"Thằng nhỏ cháu gặp lúc trưa bên Đồng Xuân có nói, ba cháu sẽ không về nữa, ờ, đã bị... múc rồi thì không về nữa."

"Con bé này học tiếng Việt nhanh thế. Đúng là múc đấy. Bây giờ thấy được là chúng múc ngay, chẳng tán tỉnh, chẳng cưa cẩm gì nữa. Múc một phát thôi."

"Múc rồi không nhả ra nữa?"

"Khi mà giấy tờ xong xuôi thì chúng cũng nhả, nhả cái xác ve ra đường."

Tôi ngẩn ngơ, nghĩ đến chuyện giấy tờ. Nếu đúng vậy thì ba phải ly dị mạ. Đám tị nạn bây giờ múc người không vì tiền mà vì giấy tờ xin ở lại.

Ngoài kia có khách vừa vào. Chú Minh đứng dậy, tất tả chạy đi. Tôi lấy di động gọi cho cô Diễm.

Vừa nghe giọng tôi, cô Diễm đã bù lu bà la khóc. Tôi thẳng thừng cắt ngang kiểu kể con cà con kê của cô:

"Mấy hôm trước khi tự tử, mạ con có kể với cô chuyện gì không? Có nói gì về ba con không?"

"Có." Cô Diễm nhanh nhảu đổi giọng, tràn đầy phấn khích. "Ba mi về một ngày trước đó, đòi ký giấy ly dị. Nhưng cô an ủi mạ như ri: chú Đặng chồng cô đi theo con mô bên Đông cũng về li dị cô. Được một năm con nớ có giấy tờ là đuổi cổ chú mi ra khỏi nhà. Bây giờ chú về lại với cô, cái chi cũng vâng dạ, cái chi cũng ngoan ngoãn gật đầu. Từ vua xuống làm lính. Hơi đâu mà mạ mi buồn. Mà mạ mi cứ lạnh tanh, có thấy buồn khổ chi mô. Răng mà đột ngột..."

Mạ không là cô Diễm, không như những người đàn bà khác bị chồng bỏ theo gái. Mạ còn có một quá khứ không thể một mình vượt qua, không thể một mình ngẩng đầu đi tiếp. Chuyện ba đòi ly dị sau chừng đó năm cùng nhau chôn vùi quá khứ là chuyện quá tàn nhẫn đối với mạ.

Tiếng cô Diễm nỉ non bên tai này, tiếng mạ văng vẳng bên tai kia: "Con mẹ Diễm nhiều chuyện ghê lắm, đừng ai tin hắn. Mạ vừa cãi nhau với hắn xong." Mạ với cô Diễm cãi nhau suốt, nhưng cãi rồi lại làm hòa. Đám đàn bà trong thành phố này là vậy, ngày hôm nay cãi nhau "ba mặt một lời", ngày hôm sau đã phải làm hòa vì sợ không còn bạn chơi. "Con mẹ Diễm hay đơm chuyện, bị chửi liền liền mà cũng không chừa."

"Còn chuyện cô nói Chấn bị bỏ tù?" Tôi chậm rãi cắt ngang lời cô Diễm.

"Răng? Thằng mô bị tù? Mi đừng đơm chuyện hại cô nghe. Cô xưa nay ngay thẳng, có nói có, không nói không. Cô có nói thằng mô bị bỏ tù đâu... À, à, hôm trước khi tự tử, mạ mi có tâm sự với cô. Thằng Chấn có gọi điện cho mạ, báo tin nó về Việt Nam lấy vợ. Mạ mi buồn vì mi từng tuổi này vẫn còn lông bông, không chịu lấy chồng."

Tôi bực mình cắt ngang:

"Chẳng lẽ mạ tử tử vì con không chịu lấy chồng?"

Giọng cô Diễm chưng hửng:

"Con ni nói chuyện lạ đời chưa. Mạ mi bị ba mi bỏ rồi tự tử, không có cô kêu xe cứu thương là chết thẳng cẳng rồi. Mi chưa cảm ơn cô mà còn đơm chuyện hại cô nữa..."

Tôi chân thành cảm ơn cô Diễm rồi cúp máy.

Chú Minh bưng dĩa gỏi ra bàn tôi. Max thường khen gỏi tiệm Đũa Tre hương vị rất thanh, rau thơm với đậu phọng rang vàng chan chút nước mắm chua ngọt. Gỏi chỉ có thể ăn bằng đũa. Max cầm đũa rất cao, nhẹ nhàng xới rau như người sành điệu.

"Thằng Tây hay đi cùng cháu đâu? Bao giờ cưới?" Chú Minh như đoán được suy nghĩ của tôi, niềm nở hỏi.

"Bạn đồng nghiệp thôi mà. Tụi cháu lại quen nhau từ thời trung học."

"Dạo này nhìn cháu tiều tụy quá nên chú cứ tưởng..."

"Cháu mới đi xa về, phải chạy ngay sang bên Đồng Xuân tìm ba. Lẽ ra còn để tìm một người nữa."

"Ai?"

"Một người tên Chấn. Chấn râu."

"A. Thằng Chấn râu." Chú Minh thoáng giật mình. "Thằng đấy đánh tennis với chú trong câu lạc bộ VTB."

"VTB?"

"Ừ, tên gọi tắt của der vietnamesische Tennisclub in Berlin, câu lạc bộ quần vợt người Việt ở Berlin."

Tôi lắc đầu hồ nghi:

"Không có chuyện ngẫu nhiên như vậy. Tự nhiên anh Chấn cũng là người quen của chú."

"Con bé này, trong hàng trăm ngàn người Việt sống ở đây chỉ có vài trăm đứa kỳ cựu từ thời chưa phá bức tường. Người cũ biết nhau cả. Chú ruột thằng Chấn là Trung Trọc Đầu, bạn của chú ngày xưa ở đại học Bách Khoa."

Tôi trợn mắt:

"Hình như cháu vừa gặp ông ta bên Đồng Xuân."

Chú Minh cũng trợn mắt nhìn lại:

"Mày làm cái quái gì mà gặp được thằng đấy?"

"Cháu đang ngồi trong tiệm phở thì ông ta đi vào với hai thằng King Kong."

"Hai thằng vệ sĩ." Chú Minh nghiêm nghị sửa lại. "Mẹ người Việt, bố người Nga."

"Hèn gì mà tụi nó nói được tiếng Việt."

"Thằng trọc đầu từ khi mướn hai thằng đấy làm vệ sĩ, uy tín nổi lên như phim hành động Hollywood."

"Nhưng tại sao lại phải có vệ sĩ?"

Chú Minh chồm người ra phía trước, trịnh trọng rót từng chữ vào tai tôi:

"Là vì thằng đấy là trùm mafia."

Tôi lắc đầu, thấy nghẹn thở. Miếng gỏi vừa nuốt xuống mắc ngang cổ. Đối với Max, cái này quả là chuyện động trời. Gã đến đây ăn cơm mỗi tuần hai buổi, mà không biết mình gần mafia trong gang tấc. Nhưng tôi mặc kệ Max đang loay hoay trong đống rau muống xào, tôi chỉ hỏi riêng cho mình:

"Mà cụ thể là mafia gì?"

"Rửa tiền, buôn vũ khí, buôn thuốc tây, buôn sừng tê giác, buôn chị em..."

Tôi trợn mắt cố đẩy miếng gỏi đắng nghét xuống bao tử, nghẹn ngào hỏi:

"Chừng đó tội mà không sa lưới?"

"Sa lưới thế nào được. Con rồng cháu tiên khôn lắm cơ."

Chú Minh mở iPhone, bấm lia lịa, rồi chỉ cho tôi xem tấm hình:

"Đây, cháu gặp thằng này, đúng không?"

Tôi nhìn người đàn ông trong iPhone, gật đầu xác nhận.

Chú Minh lại bấm.

"Thằng này nữa. Đúng không?"

Tôi nhìn sững tấm hình. Đúng là hình của Chấn, tay cầm vợt tennis, miệng ngoác ra cười. Chú Minh quan sát tôi một lúc rồi thở dài:

"Hoá ra con bé ấy là con bé này."

Tim tôi đông cứng lại.

"Chú nói gì? Con bé nào?"

"Thì là chỗ quen biết. Thế mà thằng ấy không nói rõ, để cơ sự xảy ra thế này."

Cơn giận bùng nổ như có ai châm thuốc pháo trong lòng ngực. Tôi thấy khói đắng ào ào trào qua lỗ mũi. Tôi nghĩ tới mạ, tới ông Amberg, tới lần tôi suýt chết vì thằng Câm. Hai bàn tay tôi bỗng co quắp lại.

"Chú biết tất cả chuyện này sao?"

"Chuyện gì?" Chú Minh giả bộ ngơ ngác rất tệ.

"Người ta nói Chấn bị bắt bỏ tù."

Chú Minh trố mắt nhìn tôi rồi đổi bộ mặt cười cười rất kỳ dị:

"Thì tù chung thân đấy."

Vẫn là câu nói của Trung Trọc Đầu.

"Vậy ai ra tay tàn nhẫn với cháu như vậy?" Tôi vụt lớn tiếng.

Chú Minh đưa ngón tay lên miệng:

"Ấy đừng nóng nhé. Khách của chú chạy mất cả. Nó lừa cháu à? Vậy mà cứ bảo là yêu cô bác sĩ hoa hậu nào bên Tây, không chịu về Việt Nam cưới vợ."

Tôi lắc đầu không hiểu chú nói gì, cô Diễm cũng vừa bảo Chấn về Việt Nam cưới vợ.

"Vậy là sao? Có chuyện yêu cô bác sĩ bên Tây nữa à?"

"Thì thằng Trung bảo thế. Nó yêu con ranh bác sĩ nào, nghe bảo là rất xinh, hai đứa đã định sang năm cưới nhau. Nhưng cuối cùng nó phải chia tay con bé ấy vì chuyện tuổi tác tứ hành xung gì đấy, rồi nó về Việt Nam lấy vợ."

Tôi bắt đầu bực mình với thói thêu dệt của người đời. Hết cô Diễm, bây giờ là chú Minh. Cô bác sĩ đó chắc là tôi, ở Tây Berlin này không có nhiều nữ bác sĩ người Việt. Nhưng mớ thông tin nhảm kèm theo thì không biết của ai.

"Anh Chấn về Việt Nam lấy vợ, sao bảo là tù chung thân?"

Chú Minh lắc đầu ra vẻ thương hại. Chắc chú đang cố rặn ra vài giọt nước mắt cá sấu mà không được.

"Ơ, con cháu này, đúng là gái chưa chồng. Bố mẹ thằng Chấn làm ăn thua lỗ phải đưa gấp lễ cưới sang nhà người ta. Con bé không đến nỗi quá xấu xí, vẫn còn hơn cô Thị Nở một chút. Về khoản ghen tuông thì chỉ kém Hoạn Thư. Thân thế nhà gái lại rất lớn. Bố nó ngồi lù lù trong Trung Ương. Mẹ nó bên Nội Vụ. Thằng Chấn có mà trốn đi đâu được. Không tù chung thân thì là gì?"

Tôi ngẩn ra, chẳng biết Thị Nở, Hoạn Thư là ai, đành hỏi nhảm:

"Vậy là, ảnh bị nhà vợ cầm tù?"

Chú Minh xua tay:

"Nói chuyện với cháu chán thật. Từng này tuổi mà không hiểu chuyện đời gì cả. Thằng Chấn chỉ có mỗi cái mã bề ngoài, chẳng làm nên trò trống gì. Nó được bố mẹ lo lót vào trường Y, học nửa chừng rồi bỏ. Lại được bố mẹ lo cho sang làm viện kiểm sát, cũng đi làm chỉ được vài năm. Sau đấy là đua xe tông chết người phải trốn sang Đức. Qua bên này thì bốc phét như là bộ trưởng y tế. Cả đời nó chưa bao giờ kiếm nổi một hạt cơm."

"Anh Chấn không làm nghề buôn người sao?"

"Ôi giời, buôn người vất vả lắm đấy, lại phải có dũng khí. Thằng chết nhát đấy chỉ giỏi tiêu tiền, tụ tập đàn đúm bạn bè. Này, nó trẻ khoẻ thế mà đánh tennis thua chú 6-2, 6-0. Đấy là, thiếu cái dũng khí, cái quyết tâm, cháu ạ. Chú biết nó từ khi còn trong bụng mẹ. Chỉ mồm mép, chẳng ra tích sự gì. Sau này lại dựa thế thằng Trung Trọc Đầu, tự xem mình là đại gia Thượng Hải, đi đâu cũng kè kè mấy thằng bảo vệ."

Khi đó, một đám thanh niên xôn xao kéo vào quán. Chú Minh hấp tấp đứng dậy:

"Hôm nay quán chú có tiệc sinh nhật. Cháu cứ ngồi đây chơi, chú quay lại ngay. Chẳng việc gì mà buồn. Để chú làm mai cho mối khác. Bọn doanh nghiệp lớn lên ở đây, bây giờ làm ăn khá lắm. Chú quay lại ngay nhé."

Tôi ngồi thẫn thờ nhìn vào hồ cá kiểng. Chú Minh có hồ cá kiểng rất đẹp, nuôi toàn loại discus. Mấy con cá màu sắc rực rỡ, vô tư bơi lội tung tăng. Chúng nhập vào một chỗ rồi lại tản ra, như múa theo tiếng nhạc. Tôi vẫn không sao kết hợp những dữ kiện lại với nhau. Nếu Chấn không là kẻ chủ mưu, không lọt vào căn hộ của tôi để lại lời dọa dẫm, thì ai đứng sau câu chuyện khủng khiếp này. Nếu mạ tự tử chứ không do bị truy bức, bị sát hại thì làm sao người ta biết tôi đi Na Uy. Tôi nghĩ tới ông Amberg. Số máy văn phòng của ông tôi có trong di động.

Đường điện thoại kết nối rất nhanh. Sau hai tiếng reng reng đã có người bắt máy:

"Văn phòng du lịch Amberg - Laksevåg."

Tim tôi chững lại.

"Ông Amberg? Cháu là Nguyen - Berlin đây."

"A. Cô Nguyen." Giọng ông Amberg vang lên mừng rỡ. "Tôi vừa nghĩ đến cô, vì ông Madej có gọi điện thoại sang."

"Ông Madej?"

"Trại chăn nuôi Madej. Bà Madej đổ bệnh nặng phải đưa về Laksevåg, chắc khó qua khỏi, cả nhà đang tập trung dưới này. Hiện giờ chỉ có thằng Câm ở lại trông chừng nông trại. Cô qua đó hỏi đường thì cũng không gặp ai."

"Ông cho cháu gửi lời thăm họ. Mong bà Madej mọi chuyện tốt lành."

"Bao giờ thì cô về? Mấy hôm bão tuyết vừa rồi ra sao?"

Tôi giả bộ không nghe rõ câu hỏi của ông già, nói vu vơ:

"Dạ. Ông nói sao? Cái cần câu màu vàng của cháu bị gãy rồi?"

"Cần câu màu xanh cán đỏ chứ."

"À, dạ. Cần câu màu xanh cán đỏ."

Tôi thở ra. Chỉ có ông Amberg biết rõ tôi có chiếc cần câu mà xanh cán đỏ.

"Bao giờ cô chịu rời khỏi vùng bão tuyết đó cho tôi bớt lo lắng?"

"Cháu đã về tới Berlin."

Dường như người đàn ông thở phào mừng rỡ.

"May quá. Xe cô đậu lại phi trường?"

"Dạ. Xe đậu ở... phi trường. À, mà cổng..." Tôi cố tình nói thật nhỏ.

"Bãi Flyplassvegen. Cổng Fylkesveg 176. Chìa khoá nhà và khoá xe cô chưa gửi bưu điện cho tôi? Sáng nay mở thùng thư tôi không thấy."

Đó là những giao ước bí mật giữa tôi và ông Amberg trước đây. Bao giờ tôi cũng phải đậu xe vào đúng chỗ quy định để ông Amberg đến lấy vào ngày hôm sau. Người đàn ông bên kia đầu dây chắc chắn phải là ông Amberg.

"Cháu vội quá không kịp gửi ở phi trường. Để ngày mai cháu bỏ bao thư gửi sang cho ông." Tôi nói nhanh. "Chiếc xe bị móp cửa bên phải, bể đèn xi nhan."

Giọng ông Amberg vang lên lo lắng:

"Nhưng cô có sao không?"

"Cháu không sao. Xe trượt vì đường trơn, tông vào mép đá." Tôi nói dối trơn tru. Cũng may cú chém của thằng Câm khi trượt chân không trúng ngay cốp xe mà trúng một vật cứng nào đó bên ngoài. Có thể là cái thùng rác, bởi vậy mà tiếng "xoảng" mới to khủng khiếp như vậy.

"Được rồi. Tôi sẽ lo chuyện đó với bảo hiểm rồi liên lạc với cô. Địa chỉ vẫn như cũ, đúng không?"

"Địa chỉ vẫn như cũ." Tôi ngập ngừng một chút. "Hôm qua văn phòng ông đóng cửa? Cháu có ghé qua mà không gặp ai."

"Mùa này ít khách tôi chỉ mở cửa hai ngày trong tuần."

"Ông không ngồi trong văn phòng sao?" Tôi gặng hỏi mà thấy mình vô phép.

"Cô bé này. Hôm qua tôi đi qua trại ông Norton phụ muối cá."

Tôi nói như sắp khóc.

"Nhưng cháu thấy ông ngồi trên ghế trong bộ dạng rất khủng khiếp."

Tiếng ông Amberg cười rổn rảng trong máy.

"Làm gì mà ngồi đó. Hôm qua là halloween đúng không? Tụi nhỏ mượn văn phòng của tôi tổ chức party, còn tôi đi muối cá."

Tôi cảm ơn ông Amberg và cúp máy. Một màn sương bao bọc chung quanh, làm tôi hoa mắt, ở đó là khuôn mặt chết chóc bị xẻ làm đôi của ông Amberg. Halloween ma quỷ. Sự thật như là ma quỷ, khi ẩn khi hiện và tôi đuổi theo lầm lạc. Đầu tôi lại căng cứng. Tôi mệt đến độ không còn đủ sức cầm ly nước lên. Những ngón tay tôi bám trên mép bàn xanh lè run rẩy.

Mấy đứa trẻ tuổi kéo vô quán càng lúc càng đông. Con Yến Oanh bồ cũ của thằng Cường cũng vừa õng ẹo bước vô. Một thằng mặc áo vest ca rô đỏ khoác tay ngang eo nó. Con nhỏ nhận ra tôi, hơi sững lại một giây rồi toét miệng ra cười.

"Chị khoẻ không? Cường khoẻ không?" Nó chẳng thèm tới bàn tôi chào hỏi tử tế, cứ đứng đầu bên kia hét rống lên.

Tôi gật đầu cười, không nói gì thêm. Ngày thằng Cường sang Mỹ du học, con nhỏ này tới nhà tôi khóc tiễn đưa mùi mẫn. Ra tới sân bay hai đứa còn ôm nhau nèo nẹo, sờ mó đủ kiểu. Nhiều lần mạ muốn xông vô dặn dò thằng Cường thêm mấy câu, nhưng lần nào mạ cũng phải đỏ mặt quay đi. Ba tháng sau, con Yến Oanh có bồ mới. Thằng Cường quyết định tự tử, viết thư tuyệt mệnh gửi về nhà làm mạ ngất xỉu ngay bên thùng thư. Tôi phải chạy lo visa mua vé máy bay đưa mạ sang Mỹ nhận xác nó. Khi tôi với mạ lọ mọ sang tới Mỹ, thằng Cường đã có người yêu mới. Một con nhỏ người Hàn Quốc, tóc nhuộm vàng hoe, khuôn mặt qua xử lý dao kéo giống y mấy đứa diễn viên trong phim tập mà mạ hay xem. Mạ trầm trồ khen nó đẹp. Tôi nháy mắt với thằng Cường. Nó hiểu ý. Cái váy ngắn con Yến Oanh hay mặc không thấm thía gì so với cái quần hotpants hở nửa cặp mông của con nhỏ người yêu mới.

Con Yến Oanh đứng ưỡn ẹo cởi áo khoác, bộ dạng lẳng lơ rất dễ ghét. Tôi quay mặt đi, nhìn vào góc tường cạnh chỗ mình ngồi. Một cái bàn thờ thần tài nằm khiêm tốn dưới đất, như những bàn thờ thần tài khác trong các cửa hàng buôn bán của người Việt. Ánh mắt tôi dừng trên dĩa trái cây, bỗng nhiên bao tử lại cuộn lên. Trái bưởi bóng loáng nằm ở đó, giống như cái đầu trọc của gã đàn ông trong quán ăn Đồng Xuân. Hóa ra hình ảnh có liên hệ tới mạ chỉ là trái bưởi. Từ ngày ba đi, mạ hay mua bưởi đặt trên bàn thờ ông bà. Những khi tôi về thăm, mạ lại tẩn mẩn ngồi gọt bưởi bắt tôi ăn.

"Mạ chỉ có một mình, ăn uống chi mô mà mua nhiều. Chắc ông bà cũng hiểu. Bưởi chưng được lâu hơn mấy thứ trái cây khác, để đây cho có chút hương hoa trong nhà. Ông bà đỡ cô đơn mà mạ cũng đỡ cô đơn."

Tim tôi như thắt lại. Mạ cô đơn khủng khiếp. Phía sau những cuộc vui thâu đêm, phía sau ánh đèn màu cuồng loạn, phía sau màn cụng ly rổn rảng là cả một bóng đêm cô đơn phủ lên tuổi xế chiều.

Khoảng không gian chật hẹp trong quán càng lúc càng trở nên ẩm ướt ngột ngạt. Một bầy tóc xanh đỏ vừa kéo vô đã hò reo như cháy nhà. Nhiều bản mặt quen quen khác cũng xuất hiện. Hóa ra là nhóm bạn văn nghệ của thằng Cường. Chú Minh xất bất chạy tới chạy lui. Tôi lảo đảo đứng lên trả tiền ra về. Bên ngoài trời đã bắt đầu tối, mưa cuối thu rả rích. Hình ảnh mạ xanh xao đeo đầy dây nhợ thấp thoáng trong màn mưa bụi. Tôi mang hình ảnh mạ chạy trên những nẻo đường thành phố, chạy loanh quanh mãi không tìm được một điểm dừng. Những chuyện xảy ra cứ như một cuốn phim, tua tới tua lui trong đầu không có kết cuộc làm tôi thêm mệt mỏi. Tôi lắc đầu liên tục cố kéo mình về với thực tại.

Những ngọn đèn hai bên đường toả bóng dịu dàng qua màn mưa mỏng. Tôi chậm rãi lái xe vào bãi đậu ướt sũng lá. Một năm - hai năm xa cách - thời gian chưa đủ dài để mà quên nhau. Ô cửa sổ tầng bốn hắt ra màu tím nhạt nhoà. Tôi nhớ Nils, nhớ căn phòng ngủ yên lành không mộng mị. Một nơi trú ẩn bình an, một nơi để tĩnh tâm.

Tôi mở hộp xe, chùm chìa khóa căn hộ của Nils nằm im lìm trong đó. Tình cờ tôi phát hiện ra nó khi lục tìm đĩa nhạc. Chắc Nils cố ý bỏ vô đây, nhưng không biết là khi nào, gã đâu có bước chân lên chiếc xe cà tàng của tôi bao giờ.