Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Mượn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” để lạm bàn về thất bại mang tính hệ thống

Nguyễn Phương Mạnh

book-hunter-thành-nhà-Hồ

  1. Giới thiệu về tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”

Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh làm sống lại thời kì nhà Trần suy tàn – một thời kì sóng gió, đầy bi thương của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách có nhiều điểm đặc sắc như hình ảnh danh lam thắng cảnh Đại Việt, chân dung trai tài gái sắc của đất nước, chất thơ trong ngôn từ… Trong những điểm trên, một điểm đã đưa tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” vượt ra khỏi lối viết “cuộc chiến giữa người tốt – kẻ xấu” thông thường và vươn lên trở thành tác phẩm truyện lịch sử xuất sắc là sự thất bại mang tính hệ thống của vương triều Trần.

  1. Định nghĩa thất bại mang tính hệ thống

Để hiểu được vì sao sự thất bại của triều Trần trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” lại là sự thất bại mang tính hệ thống, trước hết chúng ta phải hiểu được thất bại mang tính hệ thống (systemic failure) là gì. Thất bại là biểu hiện không quá hiếm gặp ở các thiết bị, cơ quan xung quanh ta, ví dụ như máy tính bị treo, điện thoại bị hỏng, dạ dày bị đau, mô bên trong mũi tiết dịch gây sổ mũi… Chúng ta thường không coi đây là thất bại mang tính hệ thống, mà chỉ là thất bại của một đơn vị. Thất bại mang tính hệ thống là một dạng thất bại đặc biệt: từng phần tử của một hệ thống vẫn hoạt động như theo thiết kế hoặc như theo kiểu mẫu trong quá khứ, nhưng sự tương tác giữa chúng lại khiến cho toàn bộ hệ thống thất bại. Dạng thất bại này hiếm gặp hơn, khó khắc phục hơn, và khi xảy ra lại tạo nên hậu quả khó lường hơn.

Thất bại mang tính hệ thống được thấy trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” thuộc dạng thất bại do tích tụ áp lực ngầm lên hệ thống trong thời gian dài, làm yếu đi các mắt xích, tha hóa các phần tử, làm căng thẳng các mối liên kết. Khi áp lực ngầm được tích tụ đủ, chỉ cần một biến cố nhỏ cũng làm nên ảnh hưởng lớn, chấn động các quá trình diễn ra trong hệ thống đó, từ đó tạo nên thất bại mang tính hệ thống. Chi tiết về quá trình thất bại này có thể xem ở phần phụ lục.

  1. Vì sao câu chuyện được đề cập trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” lại về thất bại mang tính hệ thống?

Trong “Hồ Quý Ly” có nhiều điểm cho thấy nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cố gắng xây dựng tình huống thất bại mang tính hệ thống, chứ không phê phán một số “kẻ xấu” đã tạo nên thất bại của Việt Nam cuối thời Trần và thời nhà Hồ. Thứ nhất, các nhân vật trong triều đình nhà Trần, hay các phần tử trong hệ thống đều không tồi, thậm chí tài giỏi. Trần Nghệ Tông là một ông “vua hiền”, yêu thương dân chúng, tôn trọng lễ nghĩa, chủ trương trị vì một cách khoan thai, nhân ái, mềm dẻo, “lấy nhu thắng cương”. Thái sư Lê Quý Ly (sau đổi về họ gốc là Hồ Quý Ly) làm việc năng nổ trong vai trò thái sư, không ngừng nghỉ tìm phương thuốc lớn chữa cho dân tộc. Thái sư có châm ngôn “Vô dật, nãi dật” nghĩa là làm người không được tìm đến vui thú khoái lạc, mà phải làm việc, “đừng để con người mình nhàn rỗi”, rồi sau này niềm vui sướng chính đáng sẽ đến. Thượng tướng Trần Khát Chân anh dũng và khôn khéo đẩy lui quân xâm lược Chiêm Thành. Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ Quý Ly, làm việc quy củ, mềm dẻo, lại am hiểu cầm kì thi họa, nghiên cứu tường tận đạo Phật, đạo Nho. Cả đến những học sinh áo vải như Phạm Sinh, Nguyễn Trãi cũng là có tài năng đáng ngưỡng mộ. Rõ ràng nước Đại Việt không thiếu nhân tài – hệ thống xã hội thời đó có những phần tử tốt, có thể phát triển đất nước.

Dù vậy, nhà Trần vẫn đi vào diệt vong. Chính những phương pháp cai trị đem lại thành công cho nhà Trần lại dần làm nhà Trần suy yếu. Đầu tiên là việc xây dựng và duy trì chùa trên đất nước, với mục đích an dân, duy trì sự đoàn kết, hài hòa trong xã hội. Nhưng xây và chu cấp cho quá nhiều chùa là gánh nặng cho ngân khố quốc gia, đồng thời tạo ra tâm lý trốn vào chùa tu để tránh đóng thuế, tránh phải làm việc, tránh phải vào quân đội. Tiếp theo là việc lấy nhu chế cương, cai trị mềm dẻo giúp cho nhà Trần bên ngoài thì thắng được giặc Nguyên Mông, bên trong thì giúp cho dân tự do làm ăn, sáng tạo. Nhưng việc liên tục né tránh quân Chiêm Thành quấy nhiễu ngay tại Thăng Long lại khiến cho kinh thành loạn lạc, không ổn định; việc quản lý, xử phạt không nghiêm khiến cho giặc cướp nổi lên, tạo điều kiện để dân tự do bỏ đất bỏ làng đi du đãng. Vua hiền, thích nghệ thuật, vui thú, không hà khắc bạo ngược thì không có hại cho xã tắc. Nhưng hưởng lạc đến mức ăn chơi xa xỉ hoang dâm vô độ như Trần Dụ Tông, hay bừa bãi đến mức như vương gia Trần Dục lấy một cô hát chèo đã có mang từ trước, để rồi đứa con Dương Nhật Lệ sinh ra, trở thành ông vua “phường chèo”, cùng mẹ mình gây loạn thì có hại không nhỏ cho nước nhà. Cuối cùng có thể kể tới việc phân chia quyền lực, đất đai cho vương thất nhà Trần giúp phát triển kinh tế, làm cho triều đình lành mạnh và đa dạng, đồng thời không phải chịu nhiều gánh nặng quản lý. Nhưng con cháu quý tộc được hưởng phú quý quá nhiều, lại ở xa vua, dần trở nên tha hóa, hoặc bóc lột hà hiếp dân chúng, hoặc nhu nhược nghiêng theo giặc ngoại xâm chỉ để bảo vệ lợi ích của mình.

Mồi lửa châm ngòi cho sự suy thoái rõ rệt của nhà Trần chính là cuộc xâm lăng Chiêm Thành thất bại của vua Trần Duệ Tông. Duệ Tông lên ngôi, cùng anh ruột là Nghệ Hoàng, anh họ ngoại là Lê Quý Ly chấn chỉnh triều chính, vừa phát triển văn hiến và vừa xây dựng quân đội hùng mạnh, đem lại hi vọng phục hưng Đại Việt. Nhưng ông lại coi quân Chiêm Thành, do vua là Chế Bồng Nga chỉ huy, là đội quân yếu ớt nhược tiểu nên đã xâm lược Chiêm Thành, rơi vào bẫy của Chế Bồng Nga, rồi tử trận. Hơn một nửa lực lượng quân đội Đại Việt, cùng bao của cải, tài vật bỗng chốc tan biến, làm cho ngân khố triều đình suy sụp hẳn, và cũng khiến cho thượng hoàng Nghệ Tông khiếp đảm quân Chiêm, liên tục bỏ chạy khi quân Chiêm đến quấy nhiễu, cướp bóc. Truyện viết: “Lê Quý Ly đang trên đường tải lương vào cho đại quân, nghe tin Duệ Tông tử trận, ông đứng ở đầu thuyền than thở: – Thế là bao công sức ta bỏ ra xây dựng cho quân đội nhà Trần, nay bỗng chốc tan tành. Nhà Trần đã hết vượng khí rồi sao? Văn ư? Võ ư? Văn cũng đã dứt mà võ cũng đã kiệt rồi sao?

Từ đây xã hội đi xuống do tác động của cả bên ngoài (quân Chiêm Thành liên tục quấy rối) và bên trong (xã hội loạn lạc, triều đình chia phe cánh). Tác động bên ngoài và bên trong thúc đẩy lẫn nhau: vì Đại Việt loạn lạc, vua quan nhu nhược nên quân Chiêm có thể cướp bóc, và quân Chiêm cướp bóc tạo áp lực tài chính và quân sự lên triều đình, đồng thời khiến dân chúng li tán, bất ổn. Trong lúc này, thái sư đưa ra những biện pháp cứu vãn tình thế, chấn chỉnh đất nước. Chính sách tiền giấy nhằm giảm áp lực phải đúc tiền đồng cho triều đình, thu lại kim loại trong dân gian. Chính sách hạn điền, hạn nô nhằm phân phối lại tài sản, phát triển sản xuất, tăng nguồn thu cho triều đình. Chính sách ép người đi tu phải hoàn tục nhằm bắt dân chúng không được trốn tránh trách nhiệm thuế và bảo vệ tổ quốc… Nhưng việc cải cách này gặp trở ngại: “sự phản đối thật vô cùng gay gắt. Hạn điền, người ta bảo cướp ruộng, chính sách tiền giấy, người ta bảo cướp tiền; hạn nô, người ta bảo bẻ nanh vuốt của người quân tử.” Không ai nghĩ rằng nếu không thay đổi, thì đất nước kiệt quệ, dân chúng bị quấy nhiễu, lúc đó có giữ cho nhiều đất, nhiều nô, giữ cho chùa to đẹp cũng không thể cứu vãn được. Tổng quát hơn, chúng ta có thể thấy vấn đề của nhà Trần xuất phát từ chính những phương thức cai trị đem lại thành công trong quá khứ, vì thế cải cách là vô cùng khó khăn. Người ta thà để bị đói, bị ức hiếp bởi Chiêm Thành chứ không chịu cùng nhau thay đổi, nhất là khi thay đổi lại được đề xuất bởi người ngoại tộc.

Rốt cục, chính sách không thực hiện được, lại làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân và quan lại, giữa phe cải cách và phe muốn ổn định. Sự mâu thuẫn này càng làm cho tình hình xấu đi: dân chúng và nô tì du đãng, tụ tập thành cuộc nổi loạn của Phạm Sư Ôn. Trong triều đình, phe họ Trần và Hồ Quý Ly ngày càng xung đột, đẩy Hồ Quý Ly đến con đường giết chóc, đàn áp bên chống đối. Nhận thấy Thăng Long không dễ phòng thủ khỏi quân Minh, lại thấy dân kinh thành ủng hộ nhà Trần, thù ghét Quý Ly, ông quyết định rời đô vào Thanh Hóa (việc này cũng làm tăng gánh nặng lên triều đình và xã hội, tăng mâu thuẫn vốn có). Sự xung đột cũng đẩy thượng tướng Trần Khát Chân, thái bảo Trần Nguyên Hàng đến việc liên kết với nhóm chống đối để hành thích Hồ Quý Ly. Vụ Trần Nguyên Diệu chỉ đường cho quân Chiêm xâm lược, Trần Nguyên Đĩnh, Trần Tôn viết thư ủng hộ Chế Bồng Nga, rồi Trần Thiêm Bình van nài nhà Minh cất quân sang hỏi tội Hồ Quý Ly có thể nói là do lòng tham và sự ngu độn, nhưng cũng một phần xuất phát từ việc quyền lực nhà Trần bị đe dọa bởi Hồ Quý Ly.

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông là người ở giữa phe tôn thất nhà Trần và phe cải cách. Ông vừa muốn cải cách, chấn hưng đất nước, vừa muốn duy trì truyền thống và vị thế của nhà Trần. Ông thực thi những chính sách thay đổi của Hồ Quý Ly, và ông lại cố gắng gắn kết hai họ bằng hôn nhân giữa Hồ Quý Ly – công chúa Huy Ninh và hôn nhân giữa Trần Thuận Tông và Thánh Ngẫu – con gái Hồ Quý Ly. Ông tặng cho Hồ Quý Ly bốn bức tranh về tự phụ: Chu Công Đán, Hoắc Hoa, Khổng Minh, Tô Hiến Thành. Đến lúc sắp chết Nghệ Hoàng nắm tay Hồ Quý Ly, dặn dò hãy khuôn phò ấu chúa… và rằng nếu xét thấy ấu chúa tối tăm ngu dốt, lúc đó cứ việc nắm lấy ngôi vua. Nghệ Tông đau đớn nhìn cháu mình là Trần Nguyên Diệu phản bội tổ quốc, con lớn là Trần Ngạc chạy sang Trung Quốc, và có thể càng đau hơn khi Trần Thuận Tông – Trần Ngung, con thứ của Nghệ Tông – quyết bỏ trách nhiệm với đất nước, dòng tộc để tu hành. Là người bao quát toàn cục, nhưng Nghệ Tông đã không thể hàn gắn rạn nứt trong hệ thống, khắc phục nhược điểm của nhà Trần cũng như quản lý phe Hồ Quý Ly.

  1. Hệ quả của thất bại mang tính hệ thống trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”

Hệ quả thứ nhất của thất bại mang tính hệ thống trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” là việc triều Trần phải ra đi trong máu. Hồ Quý Ly không hề muốn giết Trần Nguyên Uyên và Trần Nguyên Dận, nhưng họ không những công khai nói Hồ Quý Ly làm phản, mà còn cho sứ giả sang liên kết với Trung Quốc, vì thế mắc tội phản quốc. Trong cuộc hành hình, một biến cố xảy đến nhấn mạnh hình ảnh tàn bạo của Hồ Quý Ly: con voi bỗng phát điên, không ngăn cản được, Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly) ứng phó bằng cách cho voi giầy xéo lên hai hoàng thân nhà Trần. Hồ Quý Ly cũng luôn coi trọng thượng tướng Trần Khát Chân, nhưng những hành vi của thái sư lại khiến cho Trần Khát Chân cùng quan thái bảo Trần Nguyên Hàng dẫn quân giang hồ (giặc cướp, quan nổi loạn, giặc làm tiền giả) hành thích Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly phát hiện ra âm mưu, xử tử Trần Khát Chân – vị tướng có công chiến thắng quân Chiêm, giết chết Chế Bồng Nga, đem lại yên bình cho đất nước. Hàng trăm người có liên quan cũng bị chặt đầu, tạo nên hình ảnh bãi cọc đầu người ngay phía ngoài kinh đô mới ở Thanh Hóa. Hồ Quý Ly chắc chắn đã muốn một cuộc soán ngôi yên bình hơn: cháu ngoại ông, Trần Thiếu Đế đã có thể tiếp tục làm vua bù nhìn một vài năm rồi nhường ngôi cho họ Hồ. Thay vào đó, triều đình rơi vào cuộc chém giết, lòng dân chán ghét, tự hại hệ thống và làm lợi cho nhà Minh.

Các triều đại ở phương bắc luôn nhòm ngó vùng đất Việt Nam. Điều khiến các hoàng đế không đưa quân sang xâm lược Việt Nam là vì đất nước chúng ta đoàn kết, vững mạnh, lại có núi non hiểm trở, khí hậu thất thường, có những vị tướng biết dùng thiên thời địa lợi nhân hòa để chống giặc ngoại xâm. Thời gian cho cuộc xâm lăng có thể kéo dài, chi phí tăng cao, tạo nên loạn lạc trong chính Trung Quốc. Triều đình Đại Việt cũng thường cử sứ giả sang Trung Quốc để duy trì hòa bình hai quốc gia. Vì thế những lúc phương bắc và phương nam có sự ổn định ngang nhau thì không có sự giao tranh, mà mở cửa cho giao thương buôn bán. Vào thời điểm cuối nhà Trần ở nước ta, Chu Nguyên Chương mới dựng triều đại nhà Minh, được cái thế đầu con nước, thế chẻ tre. Nhà Hồ được lập nên, nhưng không được lòng dân. Nhiều người họ Trần tình nguyện chỉ dẫn cho quân Minh sang trừ diệt nhà Hồ. Thiên thời, nhân hòa đều không thuộc về nhà Hồ, dẫn đến kháng chiến chống quân Minh thất bại.

  1. Lời giải của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và bình luận:

Nếu cuộc xâm lăng của Trần Duệ Tông không thất bại, chúng ta có thể đẩy lui mối đe dọa từ Chiêm Thành, đồng thời đem một số chiến lợi phẩm về nước. Điều này sẽ giúp Đại Việt tạm thời phục hồi kinh tế, tạo dựng niềm tin của dân chúng, quan lại vào triều đình. Đây là điều kiện giúp tiếp tục phục hưng đất nước mà không phải đổi tiền giấy, hạn điền, hạn nô, bóp nghẹt các chùa…. Quá trình sửa chữa đất nước không dễ dàng, nhưng cũng không gặp những trở ngại như thực tế. Có thể tất cả mọi thứ sẽ khác đi. Từ điều này chúng ta có thể thấy xâm lược, cướp bóc, đem thêm tài nguyên vào quốc gia là cách hữu hiệu để duy trì quyền lực phong kiến. Có thể hoàng đế nhà Tống thời suy thoái đã từng nghĩ vậy, và đem quân sang Việt Nam, cuối cùng bị nhà Lý đánh bại. Vài trăm năm sau, đến lượt Trần Duệ Tông nóng lòng đi đánh Chiêm Thành, rồi rơi vào bẫy của Chế Bồng Nga.

Trong “Hồ Quý Ly”, Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mượn lời quan chép sử Sử Văn Hoa để đưa ra một giải pháp cho vấn đề mang tính hệ thống, hay đúng hơn là một lời thở dài: “Hồn nước là giấc mơ của người dân. Dân ta mơ như thế nào, ai đi quá giấc mơ ấy cũng không được, chậm hơn cũng chẳng xong. Đi chệch, đi chậm, đi nhanh đều phải thất bại… Hồn nước có cách đi của nó.” Sử Văn Hoa như muốn thức tỉnh cả phe thay đổi và phe ổn định, vì phe thay đổi đang đi quá nhanh so với hồn nước, dân chúng không theo kịp; phe ổn định thì quá bảo thủ, không chịu nhìn nhận mong muốn thay đổi của nhân dân. Sử Văn Hoa không bênh phe nào, ông không phê phán mong muốn duy tân của Hồ Quý Ly, nhưng cũng kịch liệt phản đối chính sách rời đô, làm phật ý thái sư và suýt mất mạng vì điều này. Nói đến hồn nước, ông viết: “Hồn của núi sông tức là hồn Đại Việt. Hồn của núi sông tức là quyền tự chủ của nước non. Tức là sự an vui no ấm của người dân. Tức là rạng rỡ văn hiến. Tức là đem ánh sáng đến tận từng nhà, đem tự chủ đến tận từng người… Minh Đạo phải có âm dương điều hoà. Đạo Khổng là phần dương của hồn nước, đạo Phật chính là phần âm. Dân có được thuần phong mỹ tục, có được văn hiến sáng ngời, phần nào nhở vào đạo Phật.” (Minh Đạo là cuốn sách về đường hướng duy tân do Hồ Quý Ly viết, nay đã thất truyền). Đoạn này cho thấy Sử Văn Hoa luôn coi trọng sự tự chủ của dân tộc, hạnh phúc của muôn dân… Ông còn cho rằng việc thay đổi tốt nhất là vừa phải có phần Dương, phần Âm, vừa theo đạo Khổng, vừa theo đạo Phật, vừa cương quyết, vừa mềm dẻo.

Tiếc rằng người ngoài cuộc như Sử Văn Hoa thì tìm được cách hài hòa các phe trong triều đình, nhưng người trong cuộc như Hồ Quý Ly, Nguyễn Cẩn, Trần Nguyên Hàng, Trần Khát Chân… thì không nhận ra được con đường mình chọn dần rời xa nhu cầu và khả năng chịu đựng của nhân dân. Sự đối chọi không cho họ dừng lại, suy ngẫm, tìm hiểu dân gian, thỏa hiệp với nhau để đưa ra giải pháp chung. Người trung lập như vợ chồng Sử Văn Hoa lại bị một trong hai phe ám sát một cách dã man.

Tôi và các bạn có thể đưa ra những giải pháp riêng cho vấn đề của nước Đại Việt trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”. Nhưng chúng ta có thể đồng ý rằng giải pháp không thể chỉ tập trung vào một phần tử của hệ thống: Không thể chỉ thay đổi Hồ Quý Ly, Trần Nghệ Tông, Trần Khát Chân… là giải quyết được suy thoái. Ảnh hưởng không có được trong ngày một ngày hai, mà yêu cầu người thực thi phải cẩn thận, kiên nhẫn, quan tâm tới lòng dân. Đây chính là đặc điểm của thất bại mang tính hệ thống: không có giải pháp cục bộ, nhanh gọn nào có thể giải quyết được vấn đề.

Liệu tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” có nói lên sự thật? Liệu Hồ Quý Ly có phải là con người có trách nhiệm với dân tộc, hay chỉ là nhân vật gian hùng muốn có quyền lực tối thượng? Liệu sai lầm của nhà Trần có phải là tin dùng Hồ Quý Ly?… Đây là những câu hỏi không có lời giải chính xác. Nhưng dù lịch sử đã diễn ra như thế nào, thì chúng ta cũng thấy rằng tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” đem tới một khung cảnh đáng suy ngẫm: một trường hợp thất bại mang tính hệ thống – khi mà sự tương tác giữa các phần tử lại gây ra sụp đổ.

Phụ lục: Đôi nét về thất bại mang tính hệ thống

Thất bại mang tính hệ thống là một dạng thất bại đặc biệt: từng phần tử của một hệ thống vẫn hoạt động như theo thiết kế hoặc như theo kiểu mẫu trong quá khứ, nhưng sự tương tác giữa chúng lại khiến cho toàn bộ hệ thống thất bại. Dạng thất bại này hiếm gặp hơn, khó khắc phục hơn, và khi xảy ra lại tạo nên hậu quả khó lường hơn. Ví dụ về thất bại mang tính hệ thống: cơ thể con người bị suy kiệt, ốm nặng, không thể tự phục hồi; hệ thống tài chính Mỹ rơi vào khủng hoảng, cần phải có sự tài trợ mạnh tay từ chính phủ; một công ty lớn liên tục bị thua lỗ, không thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và dẫn đến phá sản; đế chế Roman sụp đổ do không đủ tài nguyên duy trì bộ máy cồng kềnh của mình.

Rất nhiều thất bại mang tính hệ thống được tạo nên từ sự tích tụ áp lực và một biến cố châm ngòi. Áp lực ngầm lên hệ thống được tích tụ dần trong thời gian dài trước biến cố sụp đổ; đẩy từng phần tử, từng con người, tổ chức trong hệ thống đến giới hạn; đưa những bánh răng lệch dần ra khỏi vị trí ban đầu; dẫn từng con người tới tư duy cơ hội, vụ lợi; tích lũy dần những độc tố trong cơ thể, những ức chế trong tâm lý con người… Tệ hại hơn, những áp lực ngầm này lại được sinh ra từ chính những hành vi, công nghệ, cơ chế đã từng đem lại thành công cho hệ thống trong quá khứ. Chính điều này đã khiến cho hệ thống tích lũy áp lực lên chính mình, đồng thời lờ đi tất cả dấu hiệu cho thấy mình cần thay đổi. Việc dừng tích lũy những áp lực này thực sự khó khăn: nhiều hệ thống đã coi hành vi, công nghệ, cơ chế này chính là bản sắc, danh tính của mình, vì thế thay đổi chúng cũng là thay đổi bản sắc, danh tính, tương tự như việc chết đi sống lại.

Ví dụ cho sự tích lũy áp lực ngầm có thể kể tới việc sử dụng cơ chế cho vay dưới chuẩn và cơ chế đòn bẩy – hai cơ chế đã đem nhiều lợi nhuận cho các công ty tài chính Mỹ, nhưng cũng tạo nên những khoản đầu tư có rủi ro lớn, liên kết với nhau, thổi căng bong bóng kinh tế, tạo điều kiện cho khủng hoảng tài chính 2008; hoặc việc đế chế Roman tăng cường xây dựng công trình lớn và đội quân hùng mạnh – hai phương pháp đem lại sự thành công của Roman, nhưng cũng làm cho ngân khố đế chế kiệt quệ.

Biến cố châm ngòi cho sự sụp đổ mang tính hệ thống không nhất thiết phải là một biến cố quá lớn. Khi áp lực ngầm đã tích tụ đủ, các “quả bom nhỏ” đã được đặt ở mọi nơi trên hệ thống, khi từng con người chỉ chờ một dấu hiệu nhỏ để thay đổi hành vi của mình, hay khi tài nguyên của hệ thống đã cạn kiệt, chỉ cần một tổn thương nhẹ lên hệ thống cũng đưa nó vào diệt vong.

Quá trình diệt vọng có thể diễn ra theo các cách dưới đây.

Cách thứ nhất: tổn thương nhẹ lên một hệ thống được hệ thống đó giải quyết theo cách truyền thống: tăng cường những hành vi, công nghệ, cơ chế cũ. Nhưng những cách này quá cũ, không còn giải quyết hiệu quả vấn đề mà lại tạo thêm áp lực cho hệ thống. Điều này đã xảy ra với đế chế Roman: khi tài chính cạn kiệt, đế chế lại cố thực hiện những cuộc xâm lược, chiếm đất tốn kém. Nhưng họ đã chiếm hết những vùng đất giàu có từ trước rồi, nên những cuộc chiến này chỉ đem về các miền đất khô cằn, chiến lợi phẩm ít ỏi không đủ bù đắp đầu tư chiến tranh.

Cách thứ hai: tổn thương nhẹ khiến một số phần tử thay đổi hành vi, dẫn đến thay đổi hành vi của rất nhiều phần tử khác. Ví dụ điển hình cho việc này là sự đi xuống của thị trường nhà đất Mỹ, điểm khởi đầu cho khủng hoảng trên toàn thế giới năm 2008. Quá trình này diễn ra như sau: Khi một số chủ bất động sản không trả được nợ, tài sản của họ bị đem bán. Nhưng nếu quá nhiều tài sản bị bán, giá bất động sản sẽ không tăng nữa. Những người vẫn đang trả góp cho ngôi nhà họ đang ở không muốn trả góp nữa, vì những ngôi nhà xung quanh họ đang rẻ hơn nhà của họ rất nhiều. Vì thế họ dừng trả góp, làm tăng thêm nguồn cung bất động sản, và càng làm giảm giá nhà đất.

Ngoài hai cách trên, chúng ta còn thấy được việc các phần tử của hệ thống bắt đầu quay ra cạnh tranh với nhau, cố gắng thay đổi nhau, thậm chí diệt trừ nhau. Các phần tử có thể có hành vi này vì cá nhân, ví dụ như việc cướp bóc xảy ra trên diện rộng khi hệ thống trấn áp xã hội bị vô hiệu hóa. Hoặc các phần tử cạnh tranh vì mục tiêu cải tổ hệ thống, ví dụ như việc phe muốn cải tổ hệ thống đấu tranh với phe muốn duy trì lối hoạt động cũ. Đây là điều mà chúng ta gặp trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”.

Thất bại mang tính hệ thống rất khó phòng ngừa và khắc phục, vì nó không phải là thất bại của từng phần. Ban đầu chúng ta sẽ thấy các bộ phận của hệ thống chỉ đang làm đúng nhiệm vụ của mình, hoặc đang thực hiện mọi việc trong khuôn khổ cho phép. Đến khi nhận ra có chuyện gì đó không ổn, thì chúng ta lại thấy vấn đề ở khắp mọi nơi trong hệ thống, vấn đề này sinh ra vấn đề kia, và vấn đề kia lại củng cố cho vấn đề này. Với hệ thống máy móc, chúng ta có thể tháo tất cả bánh răng, thay thế, sửa chữa các phần bị hỏng rồi lắp lại, nhưng với hệ thống không thể tháo rời được, việc sửa chữa toàn bộ hệ thống cần sự am hiểu tường tận về cấu trúc hệ thống, cũng như lòng quyết tâm, kiên trì sửa đổi, chống lại các lực cản tới từ chính hệ thống.