Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Đọc “Đạo quân Trung Quốc thầm lặng”, ngẫm về nghề viết phóng sự

Vĩnh Quyền

imageTôi là kẻ kiệm lời khen. Thế nhưng, suốt gần hai tháng đọc đối chiếu Anh Việt bản dịch trường thiên phóng sự China’s Silent Army (Đạo quân Trung Quốc thầm lặng)(*) trước khi xuất bản theo yêu cầu của NXB Hội Nhà văn khu vực phía Nam, trong đầu tôi thường xuyên bật lên câu tán thưởng ‘kỳ vỹ, kỳ vỹ… ’. Nôm na là lớn lao-mới mẻ-thú vị làm sao! Tôi cũng đã ngợi khen dịch giả – tiến sĩ Nguyễn Đình Huỳnh – ‘có mắt xanh’ lẩy ra một cuốn độc đáo giữa biển sách viết về Trung Quốc thời không còn giấu mình. Nhân dịp China’s Silent Army tái bản vào đầu năm 2017 tôi chia sẻ cùng bạn đọc Văn Việt những suy nghiệm về nghề viết phóng sự nhặt được từ tác phẩm báo chí bậc thầy này.

Phẩm chất và tư cách nhà báo

Tác giả China’s Silent Army là hai nhà báo người Tây Ban Nha chuyên về Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo. Năm 2003 Juan Pablo Cardenal thường trú tại Thượng Hải cho báo El Mundo, sau đó tại Singapore rồi Bắc Kinh cho báo El Economista. Heriberto Araújo thường trú tại Bắc Kinh từ năm 2007 cho AFP trang tiếng Tây Ban Nha. Sau khi xuất bản China’s Silent Army, Juan tác nghiệp ở Hồng Kông còn Heriberto trở thành phóng viên tự do cho các báo tiếng Pháp và Tây Ban Nha.

Juan và Heriberto có điểm chung về lý tưởng nghề nghiệp. Thường trú tại Bắc Kinh, trái tim và đầu não của Trung Quốc, hàng ngày họ được tiếp xúc khối lượng lớn thông tin về đất nước đang trỗi dậy thành gã khổng lồ châu Á, chứng kiến sức chuyển động âm thầm đồng thời mãnh liệt của thời kỳ đầu vươn mình khai cuộc chinh phục thế giới bằng cách riêng của Trung Quốc. Và cả hai thấy không thỏa đáng với công việc ở văn phòng thường trú: “Trong khi đó, ngày nào chúng tôi cũng chỉ viết về GDP và các biến số kinh tế vĩ mô khác của Trung Quốc. Không thể chịu đựng nổi điều này khi chúng tôi có thể nhìn thấy lịch sử đang đổi dòng ngay trước mắt mình, ở các giếng dầu Angola, các mỏ sắt Peru và những khu chợ Trung Á ngập hàng Made in China... Hãy trở lại với nghề báo thực sự, một tác phẩm báo chí chỉ có ý nghĩa và giá trị khi được thực hiện tại chỗ. Nói cách khác, chúng tôi phải đi đến tận những nơi nhìn được rõ nhất dấu chân của gã khổng lồ Trung Quốc. Đã đến lúc rời bỏ văn phòng với điều hòa không khí và các phương tiện truyền số liệu kinh tế để đi châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, tự mình nhìn thấy, va chạm và nếm trải cách thức Trung Quốc trở thành một thế lực toàn cầu”.

Quan trọng hơn, Juan và Heriberto quyết định nghỉ việc tại nơi họ đang làm việc: báo El Economista và hãng tin AFP. Họ cũng quyết định không tìm nhà tài trợ mà dùng tiền tích lũy “đầu tư” vào hai năm di chuyển khắp thế giới và viết China’s Silent Army. Ứng xử nghề nghiệp này thường làm nóng các cuộc họp báo sau đó. Juan ngắn gọn giải thích, “chúng tôi cần độc lập tài chính để thiên điều tra được độc lập”.

image

Juan Pablo Cardenal (phải) và Heriberto Araújo (trái) - Ảnh TL

Bức tranh toàn cầu về khát vọng toàn cầu hóa

Juan và Heriberto cũng chia sẻ tâm trạng háo hức trước “đề tài thế kỷ” đầy thách thức. Vào thời điểm đó, tháng 12. 2009, Công ty phân tích truyền thông Mỹ Global Language Monitor công bố "trỗi dậy của Trung Quốc" là câu chuyện được theo dõi nhiều nhất trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình và internet, thậm chí hơn cả sự kiện 9/11 hay ứng cử viên tổng thống da đen Obama thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Heriberto cho biết “đối với nghề báo không gì hạnh phúc hơn được theo đuổi câu chuyện liên quan đến an ninh toàn cầu dẫu biết rất nhiều thách thức và rào cản chờ đợi phía trước”.

Thách thức đầu tiên là việc xử lý thông tin khi hai nhà báo Tây Ban Nha đứng trước thực tế: không chân trời góc biển nào trên hành tinh này chưa có dấu chân Trung Quốc. Để lên một kế hoạch tác nghiệp hợp lý và hiệu quả như đi đến những đâu, manh mối nào tiếp cận nguồn tin, phỏng vấn những ai... họ phải làm việc bất kể ngày đêm, tham khảo hàng trăm ý kiến các chuyên gia.

Cuối cùng Juan và Heriberto đã lên đường với tiền túi của họ và với triết lý bất biến của nghề báo: “tận mắt chứng kiến ​​điều đang xảy ra, tránh bẫy giai thoại, bày tỏ ý kiến với các diễn viên chính của vở kịch, và sử dụng kinh nghiệm nhiều năm làm báo ở Trung Quốc để giải thích hiện thực mới mẻ của thế giới”. Họ đã bay 80 chuyến qua 235.000 km. Đã vượt qua 11 biên giới đường bộ. Đã thực hiện hơn 500 cuộc phỏng vấn. Và đã dự đoán gần như chính xác: thường xuyên đối mặt thái độ ngờ vực, né tránh hoặc từ chối thẳng thừng yêu cầu cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn của các công ty Trung Quốc. Cũng không ít lần họ mạo hiểm sinh mạng trên những cung đường nguy hiểm bậc nhất thế giới ở Himalaya, Vân Nam hay nơi góc tối xã hội đen ở Congo hoặc chịu đựng kiểu ứng xử côn đồ tại các công trình xây dựng xa xôi…

Juan và Heriberto đã từ Bắc Kinh đi tàu lửa ngược lên phương Bắc, vào những cánh rừng Siberia để chứng kiến sức tàn phá môi trường của nhu cầu khai thác gỗ. Họ phỏng vấn Lebedev Vladimir Bojarnichov, chuyên gia môi trường tại Viện Địa lý Thái Bình Dương, người cho rằng “Trung Quốc và Nga cùng phải chịu trách nhiệm 50-50 cho những gì đang xảy ra trong các khu rừng Siberia”. Họ đi về phía nam, khảo sát cái chết của những mỏ ngọc bích và những cánh rừng gỗ quý của Myanmar. Lên thuyền xuôi dòng Mê Kông xuống Lào, Thái, Việt Nam để thấu hiểu hệ thống đập thủy điện Trung Quốc tác động thế nào đến môi trường khu vực. Họ lần lượt đi qua các nước dầu hỏa Turkmenistan, Sudan, Iran, Angola, Venezuela… để mô tả cuộc chinh phục “vàng đen” của Trung Quốc trên thế giới. Đến châu Phi, châu Mỹ Latinh quan sát cách Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng đổi tài nguyên giá rẻ. Họ gặp chủ tịch công đoàn Boyd Chibale ở Mozambique, người phản đối các công ty Trung Quốc đối xử phân biệt với lao động địa phương, gặp “Hổ mang chúa” Michael Sata ở Zambia, người tố cáo các công ty Trung Quốc hưởng lợi đầu tư bằng cách tạo điều kiện cho chính quyền địa phương tham nhũng. Và gặp hàng trăm nhân vật khác, từ anh thợ mỏ, viện sĩ đến ngài thủ tướng…

Hoa văn trên khẩu thần công

Là cách tôi nói về chất văn trong thể phóng sự báo chí. Chính là yếu tố khiến tôi không thấy mệt chán khi dõi theo bước chân hai nhà báo điều tra qua 400 trang khổ lớn 15x24cm. Thực ra, hiện có cả ngàn đầu sách cùng các vấn đề mà China’s Silent Army đặt ra, trong đó có những cuốn được giới nghiên cứu về Trung Quốc đánh giá rất cao, “không thể không đọc”. Nhưng tôi thuộc tạng người không đủ kiên nhẫn đọc trích dẫn nội dung văn kiện, lý thuyết kinh tế vĩ mô vi mô, biểu đồ, thống kê, dự báo… Trong khi đó, với China’s Silent Army, ngay câu mưỡu trước mỗi chương, trích từ các phát biểu sinh động, đã “vồ” lấy tôi, mang lại nụ cười dí dỏm. Như: "Không thể nhìn thấy người Trung Quốc... nhưng đâu cũng có." (Một nhân viên bán hàng người Ai Cập ở Cairo nói về người nhập cư Trung Quốc trong thành phố); "Nếu một người Trung Quốc tham gia một cuộc đua xe đạp như Tour de France, anh ta sẽ về đích sau chót. Bạn biết vì sao không? Vì suốt cả đường đua anh ta chỉ nhìn vào làng mạc và thị trấn chung quanh, tự nghĩ: đâu là đất lành để cắm mốc lập nghiệp?" (Một doanh nhân Trung Quốc ở San Jose, Costa Rica nói về đồng hương)…

Giữa những trang đậm chất điều tra kinh tế, Juan và Heriberto thỉnh thoảng nghiêng ngó chung quanh, ghi lại cảnh quan và cảm xúc trên đường đi, làm cho China’s Silent Army có chất của một bút ký du lịch: Mặt trời vừa ló dạng trên đỉnh dãy Himalaya khi những con đại bàng bắt đầu vũ điệu hàng ngày độc đáo của chúng. Điều này luôn diễn ra vào lúc bình minh, khi ánh sáng vừa bắt đầu ùa vào ngôi làng Ấn Độ McLeod Ganj cạnh thị trấn Dharamsala. Chúng dang rộng đôi cánh và lượn tròn như đang tiến hành một nghi lễ, in bóng lên nền trời trong vắt một màu xanh tinh khiết nhất, như hiện ra từ tranh vẽ của trẻ thơ. Thỉnh thoảng, một con trong đàn hướng về mặt đất và đột ngột buông mình rồi lại bay vút lên rộn ràng, một lần nữa cắt đôi bầu trời trên mái nhà thế giới.

Nhưng theo tôi, China’s Silent Army thấm đẫm chất văn học vì trước hết nó là câu chuyện lớn về con người. Bên cạnh “đạo quân thầm lặng” là các công ty xây dựng, các ngân hàng đầu tư Trung Quốc, Juan và Heriberto quan tâm đến hàng triệu con người Trung Quốc bình thường dấn thân ra “bốn bể năm châu” tìm kiếm sự sống cho bản thân và gia đình, trở thành một “đạo quân thầm lặng” khác, góp phần không nhỏ vào cuộc chuyển động lịch sử của kinh tế Trung Quốc hiện nay.

China’s Silent Army dành một dung lượng đáng kể những câu chuyện về người lao động nghèo Trung Quốc và phẩm chất đặc biệt của họ trên con đường mưu sinh xứ người:

Chiếc taxi màu đen đã cũ đưa Lan Xing đến và sẽ quay lại vào lúc nửa đêm về sáng để đón cô về căn hộ ở cùng bốn người đồng hương. Nếu gặp rắc rối, cô sẽ đưa ra mẩu giấy ghi địa chỉ của cô bằng chữ Ả Rập giấu kỹ trong túi như một báu vật. Mẩu giấy đó là phao cứu sinh duy nhất của cô giữa cảnh huyên náo người Ả Rập xung quanh và thế giới quen thuộc của cô, giữa thực tại phô bày trước mắt và thực tại trong tâm trí cô. Với mái tóc dài để trần và đôi mắt hình quả hạnh, Lan hiện rõ là một người nước ngoài ở cái góc phố xưa cũ rộn ràng của Cairo cổ kính. Hành trình đến với đất nước này của cô là một cuộc dấn thân 8000 km vào vùng đất xa lạ, là một cố gắng làm lại cuộc đời khi bước vào tuổi bốn mươi. Với nỗ lực không ngừng để thành công, không có gì mà Lan không thể xoay xở. [...] Len lỏi qua những phụ nữ mặc áo thụng đen che kín mặt, dáng vẻ xanh xao của Lan xuất hiện giữa đám đông như một thứ nổi bật. Quả quyết và đầy nghị lực, cô để lại sau lưng một vệt dài khi kéo giỏ hàng của mình dọc theo con đường cát. Hôm đó là thứ Sáu, ngày lễ và ngày nghỉ. [...] Lan là một trong hàng ngàn đàn ông và phụ nữ Trung Quốc làm thành nhóm người được gọi là “shanta sini” – người bán dạo Trung Quốc – trong tiếng Ả Rập. Đội quân di cư này đến từ các vùng nghèo nhất Trung Quốc, phần lớn sống bất hợp pháp vì thị thực nhập cảnh hết hạn, đã xoay xở chinh phục thị trường hàng dệt may bán lẻ của Ai Cập chỉ với ý chí làm bằng được và quyết tâm thoát nghèo. Cùng nhau, họ là hiện thân của những phẩm chất đã làm cho người di cư Trung Quốc thành những người dám nghĩ dám làm nhất trên hành tinh này.

image

Người nhập cư Trung Quốc bán dạo trên đường phố New York - Ảnh TL

Juan và Heriberto hầu như tiếp xúc đủ hạng “người Trung Hoa lưu lạc”. Sau Lan Xing lang thang bán dạo ở Cairo, họ đưa chúng ta đến Dubai gặp Fei Zhen Xu, bà chủ chuỗi cửa hàng khổng lồ tại Chợ Rồng giữa sa mạc, đến Kinshasa thủ đô Congo nhấm nháp gin pha tonic với doanh nhân Zhang Qi, là đối tác và bạn thân tín của tổng thống nước này, đến thủ đô kinh tế của Ecuador uống trà hầu chuyện với Harry Sun Soria, hậu duệ Đại Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tôn Trung Sơn, cựu thị trưởng Guayaquil, để nghe ông ta nói về ADN Trung Hoa không bao giờ thay đổi trong dòng máu lưu dân qua các thế hệ:

"Tôi cảm nhận được mình là người Trung Quốc," ông nói với chúng tôi tại văn phòng của ông trong một khu thương mại cao cấp Guayaquil. "Tôi yêu mến người Ecuador và tôi tôn trọng họ. Họ cho chúng tôi một bản sắc chúng tôi trước đây chưa có. Nhưng tôi cảm nhận được mình là người Trung Quốc". Chỉ cần nhìn vào ông là đủ để tin những gì ông nói: ông đang mặc một bộ đồ truyền thống Trung Quốc may bằng lụa Quảng Đông màu nâu thêu các họa tiết màu đen nổi bật giữa thành phố nằm bên bờ đông Thái Bình Dương này.

*

China’s Silent Army nên là tài liệu hàng đầu cho sinh viên khoa báo chí.

VQ

_________________

(*) ĐẠO QUÂN TRUNG QUỐC THẦM LẶNG, Ts Nguyễn Đình Huỳnh dịch từ bản Anh ngữ, NXB Hội Nhà văn - 2015, 2017