Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

NHỚ VỀ “MỘT CÁI TẾT Ở HÀ NỘI”

Đào Như

Sau hơn bốn mươi năm dừng chân ở đất tạm dung, phần nhiều chúng ta đã hơn hai màu tóc trên đầu nhưng vẫn còn nhớ sao ‘Chợ Tết’! Cây tre nêu và tràng pháo chuột nổ lép bép ngoài sân hiện ra trong tâm hồn của mỗi chúng ta đậm đặc từng nét trong những ngày cuối tháng Chạp. Nhớ khói hương ngày Tết như nhớ mùi sữa mẹ thuở còn nằm nôi. Dù cho có hay không ăn Tết nữa, không ai chối cãi được ‘chợ Tết’ ‘sắm Tết’ ‘ăn Tết’ ‘chúc Tết’…đã là một gốc văn hóa dân tộc, một phần quá khứ thân thiết của đời mình nhất là những ai vừa ngoài bảy mươi, tám mươi như chúng tôi.

Nhớ Vũ Bằng, sau khi di cư vào Saigòn 1954 chỉ cách HàNội không đầy hai ngàn cây số, cùng trên quê hương đất nước, đến những năm sáu mươi trong tập “Thương Nhớ Mười Hai” của ông, Vũ Bằng đã ra riết nhớ Tết ngoài Bắc, nhất là chợ Tết trong làng quê. Vũ Bằng minh họa nỗi nhớ Tết bằng những câu thơ “Chợ Tết’ của Đoàn văn Cừ, một nhà thơ mộc mạc chân quê của đất Bắc:

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đâu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau/…Anh hàng tranh kẽo kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/ Mấy thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoái viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng lẩm nhẩm đọc vài câu đối đỏ/…Những mẹt cam đỏ chói tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục huyết/ Môt người mua cầm cẳng dốc lên xem/…Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm/…

Đó là hương sắc Tết, bức tranh Tết, bức tranh Chợ Tết tại các vùng quê miền Bắc hay của Thăng Long, Hà nội tại các chợ Mơ, chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân, chợ Ngầm, chợ Đệp, đã thành những ‘hoài niệm Tết’ khôn nguôi của Vũ Bằng

Những gì khiến Vũ Bằng nhớ Tết, những gì nhà thơ chân quê Đoàn Văn Cừ miêu tả Tết, chỉ là những hương sắc, những bức tranh tuy mộc mạc nhưng rất ấn tượng về ngày Tết. Nhưng chính Nhà Thơ Thê Húc-Phạm văn Hạnh trong một đoan phiếm du: ‘MÔT CÁI TẾT Ở HÀ NÔI’ lại là người chỉ cho chúng ta thấy cái phần hồn của bức tranh Tết của Đoàn văn Cừ, những thầm kín tiềm ẩn phía sau hoài niệm Tết của Vũ Bằng:

“… Tết năm nay tôi ở Hà Nội. Và cũng như phần nhiều năm kể từ hồi nhỏ. Vì Hà Nội là ”quê” tôi, tuy ông bà tôi là người ở mãi xa kia, bên bờ sông Bassac, cuồn cuộn ánh sáng quanh năm...

“Ăn Tết” đối với tôi là “sắm Tết”. Trong con mắt tôi, Tết chỉ có ở mấy ngày trước. Đến, là hết rồi. Xuân qua cho tôi cái cảm giác là lúc nở với lúc tàn cùng trong một phút mà tiếng pháo đầu năm như khua động trong lòng tôi những đường tơ đau đớn, lạ lùng…

Nên mấy ngày trước Tết, tôi sống mãnh liệt, sống trong chờ đợi…cái phút đương qua.

Tôi đi lên đi xuống mấy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi vào chợ, rồi đứng tần ngần trước cửa hiệu các chú khách. Người ta đi lại sắm Tết. Tôi cũng vậy. Và cũng nhiều bạn thiếu niên như tôi (kể cả các bạn gái). Chúng tôi nhiệt thành lặn lội trời mưa phùn lấm láp, vui sướng nhìn cả một vườn đào cử đông trên các ngả đường. Hình như được chen lấn trong đám đông vôi vàng hớn hở lòng tôi cũng hớn hở vội vàng?

Mấy bức tranh Tầu xanh đỏ giữ tôi lại hàng giờ. Chú khách Vân nam bán hàng, áo bông trứng sáo dài quét gót, vòng tay dấu trong tay áo như một phép thuật lạ. Tôi ngỡ một Tiên Ông ở phương xa lại để thử khách trần, và bức họa mỹ nhân cặp trên tường nhìn tôi, hữu ý…

Quay lại, những bức họa lòe loẹt con gà, con cóc, như ở các truyện cổ tích chun ra, làm sống lại cả một thời xưa. Tôi thấy tôi đi “khám phá cuộc đời”, cái gì cũng đượm vẻ huyền bí, cái gì cũng nhuộm một màu tươi.

Pháo, câu đối, cam, hoa đào, cho đến môi người thiếu nữ, cảnh vật là một bản nhạc theo điệu hồng.

Nhưng sao lòng tôi chưa lên tiếng họa, hay còn đợi khúc Bạch Tuyết Đương Xuân?

Vì lòng tôi vốn như vậy, ở giữa cảnh xinh tươi còn khát cảnh xinh tươi, và vẻ đẹp bên mình chỉ khêu nỗi nhớ nhung một vẻ xa vời, báu lạ. Tôi nhớ đến một người đàn bà gặp một buổi chiều chợ tết năm kia. “Nàng” mặc tang phục bằng hàng đen, tóc vấn dối, phấn đánh qua loa. Một mùi thơm đầy sắc dục theo nàng như từ trong phòng ra. Lách trong đám muôn hoa, nàng chỉ mua mấy bó violettes còn ở chợ. Rồi đi…Tối hôm ấy, khi về nhà, tôi không còn ngửi thấy mùi đào, mùi cúc nữa, và nằm mơ như một trận mưa tím bay tỏa khắp bên mình…

Tôi lần đi ngược lại những năm về trước, mỗi năm đều để lại cho tôi một hình ảnh đẹp, hình ảnh một người đàn bà. Cũng bận đồ đen, và con mắt còn đen hơn nữa…

“Nàng” ngồi xe điện, nàng vào cửa hàng, nàng mua một cánh hoa. Rồi đi…không bao giờ gặp lại.

Năm nay, tôi lại gặp một hình ảnh đẹp…

Trước cửa một hiệu thuốc Bắc, một chàng Cao ly đứng bán đôi bồn hoa lạ. Trên biển giấy đỏ cấm ngay cạnh đề mấy chữ: “Hợp Thời Mẫu Đơn Hoa Vương”. Hỏi giá không hơn hai chục bạc; còn hoa chơi đến tháng ba chưa tàn. Đành là chưa mua được, nhưng tự nhủ là cũng chưa ai mua, tôi đứng ngấm những buổi bình minh hé trên mấy hoa hồng phớt, và lặng chờ một Giáng Tiên sắp sửa qua, vô ý vương gẫy một cành…

Nàng Giáng Tiên không bao giờ qua…”

Dù cho ‘Nàng Giáng Tiên không bao giờ qua…’, Nàng Giáng Tiên không bao giờ trở lại chùa Phật Tích ở Kinh Bắc để vướng gẫy một cành ‘Mẫu Đơn Hoa Vương’ một lần nữa… Dù cho chúng ta có ăn Tết hay không ăn Tết nữa, văn hóa Tết đã là một phần văn hóa của dân tộc, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca và âm nhạc. Ăn Tết, Hoài Niệm Tết, vẫn là mạch sống rưng rưng khơi động tâm hồn chúng ta trong mỗi độ xuân về…/.

Đào Như

Dec.27-2016