Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 15)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Khi phong trào Nhân Bản ở miền bắc dẫn tới những quan niệm mới trong Ki-tô giáo, phong trào ở Ý không quan tâm chi nhiều đến tôn giáo. Thời đó, cũng như bây giờ, Công giáo chiếm một phần của đời sống thường nhật và không luôn tác động lên ý thức con người. Trong một chừng mực, tôn giáo chỉ là phần nhỏ so với những điều khác. Ngoài ra, vì Rome là trung tâm quyền lực, Công giáo Roman không thể gây phiền hà cho tinh thần quốc gia người Ý. Đây chẳng qua là một hình thức lưu lại của niềm tin quốc gia đã hiện hữu từ thời hoàng kim xa xưa. Ảnh hưởng đáng kể này trong phương cách quản trị Giáo hội Roman còn tồn tại cho đến ngày nay.

Một trong những đóng góp của phong trào Nhân Bản ở Ý là đặt lại trọng tâm trên truyền thống Toán học của Pythagoras và Plato. Cơ cấu số học của thế giới lại được nhấn mạnh, thay thế tư tưởng của Aristotle đã một thời trùm phủ tư duy triết học. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến khoa học lại được phát huy trong thế kỷ 16 và 17. Và điều này quá rõ với sự phục hưng của nền kiến trúc Ý. Ở mặt này, liên hệ thiết thân với truyền thống cổ điển được ghi nhận trong công trình của Vitruvius, kiến trúc sư Roman thời thế kỷ thứ 1. Điều cực quan trọng là tỉ lệ hài hòa giữa những phần khác biệt của một kiến trúc, theo đó người ta khai triển một lý thuyết Toán về cái Đẹp. Dựa trên nguồn Hy Lạp, Vitrivius cho rằng Đẹp là những tỉ lệ hài hoà của cơ cấu một vật thể. Quan niệm này rõ là phát xuất từ trường phái Pythagoras, một thế cách mà Lý thuyết Ý thể cũng chấp nhận. Với mắt trần, không thể định lượng được những tỉ lệ của những phần cấu tạo một công trình kiến trúc. Nhưng khi những tỉ lệ chính xác đó được tuân thủ trong một công trình, ai cũng nhận ra tính mỹ thuật của nó. Sự tồn tại của những tỉ lệ hài hòa đó, như lý tưởng, bảo kê cho tính toàn hảo.

clip_image002

Loyola vẽ bởi Rubens

Trong số những tư tưởng gia Nhân Bản, Alberti (1404-1472) là người quan trọng. Ông người Venetian, đóng góp rất đa diện. Ảnh hưởng lâu dài của ông là trong ngành kiến trúc, nhưng ông đồng thời là triết gia, thi sĩ, họa và nhạc sĩ. Nếu một vài khái niệm về hài hoà cần hiểu để ghi nhận ảnh hưởng của Pythagoras trong triết lý Hy Lạp, thì trong xây dựng và kiến trúc, tri thức về những tỉ lệ cũng vậy.

Nói ngắn gọn, lý thuyết Pythagoras về âm đoạn là những tiêu chuẩn về tỉ lệ hài hòa nhìn được trong kiến trúc. Khi Goeth nói rằng kiến trúc là hình thái đậm đặc của âm nhạc, điều này hiển nhiên cho một kiến trúc sư thời Phục Hưng. Lý thuyết về sự hài hòa dựa trên việc lên dây đàn cung ứng những tiêu chuẩn nghệ thuật hoàn hảo cho những người như Giorgio và Leonardo[i]. Nguyên tắc những tỉ lệ hài hòa còn được tìm thấy trong quan niệm về hình thể con người với cơ cấu đạo hạnh thích nghi.

clip_image004

Alberti

Tất cả, đến thẳng từ Pythagoras. Và Toán học ở đây giữ một vai trò đã ảnh hưởng sâu xa đến sự phục hồi của khoa học trong những thế kỷ sau đó. Nghệ thuật trong đó những con số có tham dự hẳn đưa chúng lên một mức độ xiển dương lớn hơn, với âm nhạc cũng như những ngành nghệ thuật khác. Điều này góp phần giải thích tính uyển chuyển đa dạng của những tư tưởng gia thời đó, đa số vừa là nghệ sĩ vừa là kiến trúc sư. Toán học về những tỉ lệ hài hòa với họ là chìa khóa mở ra sự bí ẩn của cấu trúc vũ trụ. Có hay không một nền Mỹ học phổ quát, dĩ nhiên, ắt còn phải tranh cãi. Nhưng trong mọi trường hợp, điều ta lưu tâm là những tiêu chuẩn về sự hoàn hảo không chỉ là những gì liên quan đến ý chí và cảm xúc.

Nắm bắt cấu trúc số trong vạn vật cho con người quyền năng đối với môi trường xung quanh. Trong một ý nghĩa nào đó, có thể coi như con người tiến gần đến Thượng Đế mà trường phái Pythagoras hình dung như một nhà Toán học tối thượng. Nếu tăng khả năng thấu hiểu cấu trúc số, hẳn con người nâng thân thế lên mức siêu linh, nhưng ta không thể cho rằng vì thế mà con người nhân bản mất niềm tin hay chống báng lại tôn giáo. Điều này chỉ thể hiện rằng thực hành nghi lễ tôn giáo nên chấp thủ như một thói lệ, và cung cách tiền-Socrate lại tác động mạnh trên sức tưởng tượng của nhiều tư tưởng gia. Trong phạm trù triết học, khuynh hướng Tân-Plato quay trở lại. Đặt trọng tâm lên quyền năng của con người, khuynh hướng này nhắc nhở niềm tin tích cực vào thời Athens ở đỉnh điểm tư duy.

Trong bối cảnh nói trên, khoa học tân thời bắt đầu phát triển. Người ta thường nghĩ rằng vào khúc quanh thế kỷ 17 khoa học len vào đời sống giống như Athens thành hình từ trí tuệ của thần Zeus. Điều này sai. Sự hồi sức của khoa học đến một cách có ý thức trực tiếp từ truyền thống Pythagoras trong thời Phục Hưng. Cũng phải nói thêm, truyền thống này không đối nghịch công việc của nghệ sĩ với khoa học gia. Cả hai đều đeo đuổi cái Thật ẩn dưới cấu trúc số, điều chỉ có thể khám phá ra cho những người đeo đuổi kiếm tìm. Cách thế nhìn thế giới này và những vấn đề đặt ra khác hẳn với trường phái dựa trên cơ sở của Aristotle. Nó phản-giáo điều vì không dựa trên kinh sách mà chỉ xây dựng từ khoa học những con số. Điều này cũng khiến chúng ta quá đà. Trong nhiều lãnh vực, sự nguy hiểm của những cách nhìn cường điệu luôn luôn thường trực. Ở trường hợp vừa nói, sự quá đà có thể đến từ thể loại toán huyền nhiệm (mysticism mathematical) dựa trên cơ sở số như chỉ dấu của biểu tượng thần thông (symbols of magic). Chính đây là một trong những lý do mà lý thuyết về tỉ lệ gặp phản biện vào những thế kỷ sau. Ngoài ra, những âm đoạn Pythagoras áp đặt những giới hạn không tự nhiên trên sự sáng tạo. Phản ứng đối với qui luật âm đoạn nói trên, gọi là phong trào lãng mạn sau này, hẳn tất nhiên sẽ có. Sự phê phán những nguyên tắc cơ bản đã thôi thúc thời Phục Hưng là một khả năng trong tương lai.

clip_image006

Leonardo da Vinci, chân dung tự họa, 1515.

Về Triết lý, thế kỷ 15 và 16 không có chi đặc sắc. Mặt khác, sự phổ cập tân học, quảng bá sách vở, và trên hết là sự hưng chấn của truyền thống Pythagoras và Plato đã lót đường cho nền triết học của thế kỷ 17. Từ cái vùng mình hồi sinh của truyền thống cổ xưa, cuộc cách mạng khoa học bắt đầu lên đường. Trên cơ sở lý thuyết ít hay nhiều ảnh hưởng của Pythagoras, nó bác bỏ từng bước những quan niệm của Aristotle về Vật lý và Thiên văn, cuối cùng tìm được những giả thiết vững chãi và tổng quát nằm đàng sau những mặt ngoài của hiện tượng. Trong những nghiên cứu này, những con người truy lùng cái mới đều biết họ dựa trên truyền thống Plato.

Người đầu tiên phục hồi lý thuyết nhật tâm của Aristarchus là Copernicus (1473-1543). Vị tu sĩ người Ba Lan này khi còn trẻ đi Ý và dậy Toán ở Rome năm 1500. Ở đó, ông tiếp cận trường phái Pythagoras và tư tưởng nhân bản. Học trong nhiều đại học Ý, sau ông trở về Ba Lan năm 1505, và vào 1512 ông là giáo sĩ ở Fraunenburg. Công việc của ông phần lớn là quản trị, nhưng đôi khi ông thực hành y khoa, ngành ông có học ở Ý. Trong thời gian nhàn rỗi, ông đeo đuổi nghiên cứu Thiên văn học. Giả thiết nhật tâm ông đã biết bên Ý, và nay ông tìm cách chứng thực với những dụng cụ thiên văn thời ấy.

Công việc này được đúc kết trong trước tác “Về vòng quay của tinh tú trong vũ trụ”, chỉ phổ biến khi ông đã qua đời. Lý thuyết ông đề xuất còn nhiều khó khăn, và trong một chừng mực nào đó, là hệ luận những quan điểm đã xác định từ Pythagoras. Tinh tú phải chuyển động đều đặn trên quĩ đạo tròn theo Copernicus là một hệ quả, bởi vòng tròn tượng trưng cho sự toàn hảo, và chuyển động đều đặn là thuộc tính của những tinh thể trên trời. Qua những quan sát có thể có thời ấy, thuyết nhật tâm với quĩ đạo tròn hơn hẳn cách nhìn của Ptolemy[1]. Với Copernicus, cuối cùng một giả thiết đơn giản cứu vãn được bề mặt hiện tượng.

Lý thuyết của Copernicus bị cả Công giáo và giáo phái theo Luther phản đối dữ dội. Họ đều cảm thấy, và điều này đúng, là sau Copernicus một phong trào chống giáo điều sẽ làm giảm uy thế cũa những nhà lãnh đạo tôn giáo. Còn khoa học được phát triển mạnh trong những quốc gia theo Tin Lành thì là bởi những Giáo hội địa phương không thể kiểm soát được quan điểm của quần chúng giáo hữu.

clip_image008 Copernicus

Nghiên cứu về Thiên văn tiếp tục với Tycho Brahe (1546-1601) mà đóng góp chính là thu thập rất nhiều dữ kiện về chuyển động của những hành tinh. Ông cũng khiến người ta nghi ngờ lý thuyết của Aristotle bằng chứng minh rằng đàng sau mặt trăng cũng có những thay đổi. Một vì sao năm 1572 được quan sát ở một khoảng cách xa hơn, và nhiều sao chổi xuất hiện trên những quĩ đạo khác với quĩ đạo của mặt trăng. Một bước tiến nhẩy vọt được Kepler (1571-1630), học trò của Brahe, thực hiện. Ông nhận thấy quĩ đạo hình tròn của Brahe không đáp ứng được tính cách thực nghiệm và đề xuất những quĩ đạo có hình e-líp lấy một tâm điểm là mặt trời. Ngoài ra, diện tích quét bởi đường nối từ một hành tinh đến mặt trời ở một thời điểm là hằng số bất biến. Cuối cùng, tỉ lệ của bình phương vòng quay và tam thừa khoảng cách với mặt trời hệt nhau cho mọi hành tinh.

Ta vừa trình bày 3 định luật Kepler, những tri thức tách hẳn hiểu biết thiên văn theo đúng truyền thống Pythagoras. Hiển nhiên với những sự kiện này quĩ đạo vòng tròn phải bỏ. Từ thời Ptolemy, mỗi lần một quĩ đạo giản đơn không đáp ứng, người ta ghép vào nó những chuyển động tuần hoàn để tạo ra những quĩ đạo phức hợp. Đây là phương thức nhằm nắm bắt chuyển động của mặt trăng dối với mặt trời. Nhưng tiêu chuẩn thực nghiệm nghiêm túc chứng tỏ phương thức trên không mô tả những quĩ đạo quan sát được. Định luật thứ 1 của Kepler là minh chứng cho cách giải quyết một vấn đề dưới một góc độ khác hẳn những chắp vá. Định luật thứ 2 cho thấy chuyển động trên quĩ đạo của hành tinh không đồng bộ đều đặn. Khi chúng gần mặt trời, chuyển động nhanh hơn là khi chúng ở vị trí xa hơn. Tất cả những điều vừa nói khiến chúng ta thấy rõ hiểm nguy của loại tư biện không có cơ sở chứng nghiệm mà chỉ dựa trên những gì là thẫm mỹ hoặc bí nhiệm. Mặt khác, nguyên tắc Toán học của lý thuyết Pythagoras được củng cố một cách tuyệt vời với những định luật Kepler. Chính cấu trúc số là chìa khóa cho phép ta hiểu được bề ngoài (appearances) của hiện tượng nắm bắt qua quan sát. Và hiểu ra được những cấu trúc này, ta cần tìm tòi những liên hệ thường là không hiển nhiên. Qui luật vận hành của vũ trụ vốn được che giấu như Heraclitus từng phát biểu, và nhiệm vụ của những học giả nghiên cứu là tìm ra chúng. Thật vô cùng quan trọng là đừng vì những nguyên tắc ngoại lai nào đó mà đi bào chữa cho những gì đi ngược lại tính thực nghiệm dựa trên cơ sở của nguyên tắc cứu vãn hiện tượng.

Nếu như lơ đi tính thực nghiệm là một nguy hiểm thì sự ghi nhận mù quáng của chúng cũng sẽ khiến khoa học lao vào con đường tư biện ức đoán có thể gây lầm lẫn. Aristotle là một điển hình. Lấy thí dụ, đúng là khi chúng ta ngừng không đẩy thì một vật sẽ đứng yên. Nhưng sai đối với những vì sao mà chúng ta không đẩy được, và vì chúng chuyển động nên hẳn phải có một lý do gì khác lực đẩy. Không thể chỉ dựa trên bề ngoài của hiện tượng để tạo ra một lý thuyết về động lực. Cái ẩn tàng đàng sau là những sức cản chuyển động. Một khi chúng không có, hay yếu, vật thể có thể vận hành. Trong thực tế, chúng ta có thể làm giảm những sức cản và quan sát chuyển động. Đến giới hạn triệt tiêu hoàn toàn những sức cản, vật thể chuyển động tự do. Giả thiết vừa trình bày được Galileo (1564-1642), một trong những nhà thiết lập khoa học hiện đại, đưa ra. Phương thức mới này trong Động lực học tách khỏi cách nhìn của Aristotle trên 2 phương diện. Thứ nhất, trạng thái tĩnh của sự vật không phải là có ưu thế hơn trạng thái động. Thứ nhì, chuyển động theo đường thẳng “tự nhiên” hơn chuyển động vòng. Một vật thể không bị lực cản sẽ rơi theo chiều thẳng đứng với vận tốc bất biến. Trong không khí, một vật rắn rơi nhanh hơn một vật cùng khối lượng nhưng mềm hơn. Ở đây, sức cản của môi trường chung quanh vật thể đó phải được cứu xét. Nếu không khí loãng dần, vận tốc rơi của vật thể mềm rắn khác nhau càng ngày càng ít khác biệt và trở thành bất biến khi ta thể hiện điều kiện chân không. Quan sát cho thấy vận tốc rơi tăng 32 bộ (đơn vị đo lường Anh) mỗi giây. Vì vận tốc rơi không đồng bộ mà tăng lên, tức phải có gì can dự vào chuyển động tự nhiên của vật thể. Đây là cách tiếp cận hấp lực của trái đất.

Những đề xuất trên đều quan trọng trong nghiên cứu của Galileo về đạn đạo do Quận công đất Tuscana, người bảo trợ ông, đặt hàng. Một nguyên tắc động học quan trọng lần đầu được phát hiện. Mọi chuyển động vòng đều có thể coi như kết hợp của hai chuyển động thẳng độc lập, một theo trục hoành, và một theo trục tung, chi phối bởi hấp lực của trái đất. Chuyển động tổng hợp biểu diễn bằng hình cong parabôn, tuân thủ qui luật phép cộng bình hành. Vận tốc, gia tốc và lực chuyển động là những định lượng đều có thể suy ra từ qui luật này.

Trong Thiên văn học, Galileo chấp nhận lý thuyết Nhật tâm, và làm một số phát hiện cơ bản. Nâng cấp một viễn kính phát minh ở Hòa Lan, ông quan sát một số sự kiện bác bỏ những nhận định sai lầm của Aristotle về vũ trụ.

clip_image010

Galileo

Ngân Hà chẳng qua là một tập hợp những vì sao. Điều này Copernicus đã phát biểu, nay được kiểm nghiệm qua quan sát bằng viễn kính của Galileo. Tương tự, viễn kính cũng cho phép nhìn thấy những vệ tinh của Jupiter quay quanh hành tinh mẹ một cách tương hợp với những qui luật của Kepler. Tất cả những khám phá mới mẻ này khiến những học giả phái Kinh Viện bực bội và bảo vệ cách nhìn chính thống bằng sự bác bỏ và kết tội cả những dụng cụ thiên văn viễn kính. Xin nói ngay là phản ứng tương tự cũng được ghi nhận cả thế kỷ sau đó. A. Comte kết án kính hiển vi vì nó đi ngược lại định luật về chất khí. Ở nghĩa này, một số khoa học gia theo thuyết Duy Nghiệm cũng có điểm chung với Aristotle về những quan sát khá hời hợt trong khoa Vật lý.

Sớm muộn Galileo sẽ phải đối đầu với quyền lực chính thống. Năm 1616, ông bị tòa Dị giáo kết tội và giam lỏng. Galileo không tỏ vẻ vâng phục nên vào năm 1633, ông bị mang ra xử trước công chúng. Để có chút an bình, ông công khai rút ý và hứa sẽ từ bỏ tất cả những điều về trái đất quay quanh mặt trời như ông đã bảo vệ. Theo truyền thuyết, ông công bố nhưng lẫm bẩm “tuy thế nó vẫn quay” cho người khác nghe thấy. Chuyện kể như thế, nhưng tòa Dị giáo cũng đã thành công trong việc dập tắt nghiên cứu khoa học ở Ý trong nhiều thế kỷ.

Giai đoạn cuối cùng tiến đến một lý thuyết tổng quan về Động lực học được Isac Newton (1642-1727) hoàn thành. Rất nhiều, có thể nói hầu hết, những khái niệm chính đã được hoàn tất nhưng có vẻ như biệt lập. Newton là người đầu làm một cuộc tổng hợp những khai phá của những người đi trước.

Trong “Principia Mathematica Philosophia Naturalis” (Nguyên tắc Toán học trong Triết lý Tự nhiên) in năm 1687, Newton trình bày 3 qui luật chuyển động và khai triển Động lực học theo phép diễn dịch. Qui luật thứ nhất khái quát nguyên tắc của Galileo. Mọi vật thể, nếu không bị ngăn cản, chuyển động với vận tốc bất biến trên trục hoành. Định luật thứ hai định nghĩa lực là nguyên do của chuyển động thay đổi, và tỉ lệ thuận với tích số của khối lượng với gia tốc. Định luật thứ ba là nguyên tắc theo đó đối lại với lực luôn có phản lực tương đương.

Trong Thiên văn, Newton xác lập một cách dứt khoát những bước đầu hoàn thành bởi Copernicus và Kepler. Định luật tổng quát về hấp lực xác quyết rằng giữa hai vật thể có một sức hút tỉ lệ thuận với tích số của khối lượng vật thể và tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa hai vật thể. Từ đó, chuyển động của mọi hành tinh, vệ tinh… đều có thể được xác định.

clip_image012

Johannes Kepler

Vì mọi vật tác động lên mọi vật khác, lý thuyết vừa nói cho phép tính toán được mọi xáo trộn của quĩ đạo gây ra bởi một tinh tú khác. Điều này trước đây không ai làm được, và định luật Kepler nay chỉ là một trường hợp đặc biệt của lý thuyết Newton. Chìa khóa Toán học đã mở cửa những bí mật của vũ trụ. Hình thức chúng ta dùng để mô tả vận hành là những phương trình vi phân của chuyển động. Chúng không còn dấu vết những sự kiện không thiết thân và có tính ngoại lai của những trường hợp hiện thực đơn biệt. Điều này sau được áp dụng với lý thuyết của Einstein ở mức độ tổng quát hơn. Tuy thế, lý thuyết tương đối vẫn còn gây tranh cãi và có những khó khăn nội tại. Quay lại Newton, toán học mô tả động lực học được ông gọi là lý thuyết dòng chảy (theory of fluxuons) để nghiên cứu những biến đổi liên tục, một thể loại toán vi phân. Thể loại này cũng được khám phá một cách độc lập bởi Leibniz. Từ thời đó trở đi, tay trong tay, toán và vật lý cùng tiến qua những bước nhẩy ngoạn mục.

clip_image014

Isaac Newton

Những khám phá quan trọng khác cũng được thực hiện trong thế kỷ 17. Công trình của Gilbert về Từ-tính (magnetism) công bố năm 1600. Vào giữa thế kỷ 17, Huygens đề xuất lý thuyết sóng của ánh sáng. Harvey tìm ra sự luân lưu của máu trong cơ thể năm 1628. Trong “The Sceptical Chemist” (Nhà hóa học hoài nghi) năm 1661, R. Boyle quay về lý thuyết nguyên tử của Democritus và dứt khóa từ bỏ sự huyền bí của truyền thống giả kim (alchemist). Kỹ thuật nhằm tạo tác những dụng cụ khoa học có tiến bộ lớn, cho phép quan sát rạch ròi và tạo ra những thực nghiệm giúp xây dựng những lý thuyết khoa học tin cậy được. Toàn bộ những hoạt động khoa học sôi nổi này được tiếp nối bởi một cuộc triển khai kỹ thuật khiến Tây phương thống trị thế giới trong ba thế kỷ liền. Với cuộc cách mạng khoa học, truyền thống trí tuệ Hy Lạp thêm một lần được hồi sinh. Và những điều này cũng sẽ thể hiện trong Triết học.

Với nguyên tắc cứu vãn hiện tượng trong khoa học, triết gia tập trung trên đề xuất “cứu vãn” và rất ít khi thảo luận thế nào là “hiện tượng”. Để giải thích chuyện này, có nhiều lý do. Nhưng như phản ứng về sự quan tâm quá đáng trên phương diện diễn dịch thuần lý, có lẽ ta nên đề cập đến đối tượng của quan sát mà nếu không có ta không thể tiếp cận được những chứng nghiệm để làm cơ sở cho khoa học. Dụng cụ tư duy của Aristotle, gọi là organon, của phép tam đoạn luận không giúp khoa học tiến bộ, và một organon mới hẳn là cần thiết.

Người đầu tiên đặt vấn đề này ra là Francis Bacon (1561-1621). Là con một Thượng nghị viên và được học luật, Bacon hẳn sẽ gia nhập quyền chính. Năm 23 tuổi, ông vào Quốc hội và sau trở thành Cố vấn của Bá tước Essex. Khi vị này bị trị tội làm phản, Bacon đứng về phe ủng hộ Vương quyền nhưng không chiếm được lòng tin của nữ hoàng Elizabeth. Vào 1603, James I kế vị khiến tình thế sáng sủa hơn, và năm 1617 Bacon nắm giữ trở lại vị thế Thượng nghị viên, rồi năm sau được phong làm Đại pháp quan. Ba năm sau, những kẻ thù của ông buộc ông tội tham nhũng. Bacon không chống, ông buộc phải nộp 40,000 bảng tiền phạt và bị câu lưu. Ông hoàn toàn mất chỗ đứng chính trị, bị loại khỏi chính quyền, nộp phạt nhưng chỉ bị giam giữ bốn ngày. Từ đó, ông lui về ở ẩn.

Bacon là người tiêu biểu cho thời đại Phục Hưng với rất nhiều quan tâm trên mọi mặt. Ông viết về Luật pháp, Lịch sử và nổi tiếng với thể loại Luận đề (essays), một hình thức văn chương do Montaigne (1533-1592) sáng tạo ra ở Pháp. Trong triết học, trước tác xuất sắc của ông là “Tiến bộ của Học hỏi” (The Avancement of Learning) viết bằng tiếng Anh và in năm 1605. Ở đây, Bacon phác thảo những giai đoạn cho những nghiên cứu sau này. Như tên cuốn sách, ông chú trọng đến sự mở rộng của kiến thức và phương cách kiểm soát của con người với môi trường xung quanh. Về tôn giáo, ông chấp nhận những quan điểm của Occam, để niềm tin và lý tính tách biệt và đừng lấn chân nhau. Từ những định đề về niềm tin tôn giáo, lý tính chỉ có vai trò suy diễn ra những hệ quả.

clip_image016

Bản in Principia của Newton.

Về phương diện khoa học, Bacon nhấn mạnh trên nhu cầu những phương pháp mới và dụng cụ đo đạc để thay thế lý thuyết tam đoạn luận bị thải trừ. Mặt này, ông đưa ra lý thuyết về qui nạp (induction). Tự thân, khái niệm qui nạp từng được Aristotle xử dụng. Trước đây, hình thức của loại hình qui nạp thường là nêu lên tất cả mọi đặc thù. Bacon tin mình đã phát kiến được gì đó có nhiều tiềm năng qua liệt kê những sự vật chia chung một phẩm chất ta truy tìm, cũng như những sự vật không có phẩm chất đó, hoặc có nhưng ở một mức độ nào đấy. Bằng cách này, Bacon hy vọng ta có khả năng tìm ra tập hợp đặc thù của một phẩm chất (quality). Một khi thiết lập được tất cả những bản liệt kê vừa nói một cách đầy đủ và toàn diện, dĩ nhiên ta đến đoạn kết thúc của cuộc truy tìm khoa học. Nhưng trong thực tế, nói ngay, ta chỉ có thể có những bản liệt kê cục bộ và từ đó chúng ta ức đoán những khía cạnh toàn diện mà thôi.

Điều vừa nói trên là đóng góp của Bacon về cái ông gọi là dụng cụ tư duy để khám phá. Đề tựa của sách ông , “Novum organon” in năm 1620, nhằm thay thế organon của Aristotle. Thực tế, chuyện ông làm không được khoa học gia cổ võ. Và trên mặt lý thuyết, cách nhìn của Bacon sai, mặc dù thế cách ông đề cao quan sát là điều đáng hoan nghênh khi xã hội còn đang bị tác động quá đáng của nền tư duy truyền thống dựa trên quan điểm Duy lý. Thật mà nói, dụng cụ tư duy mới dựa trên những bản liệt kê của Bacon chẳng vượt được phương pháp của Aristotle. Liệt kê tinh tế hơn, chúng ta tìm được vị trí, chọn đúng tên chỉ nó, và với phẫm chất chi tiết chúng ta tưởng như kiểm soát được. Đây có thể nói là kiểu tìm tòi dựa trên thống kê (statistics), nhưng Bacon lầm khi coi chúng là cơ sở của phép qui nạp mà chúng ta buộc phải can qua phương pháp có tên gọi là kiểm định giả thiết (hypothesis testing). Nhưng trước khi quan sát gì, chúng ta đã phải đặt ra giả thiết để kiểm nghiệm. Tìm ra một giả thiết không cho phép xác quyết gì đó có tính tổng quát. Và Bacon sai khi cho rằng phương pháp ông đề nghị là dụng cụ của những phát kiến khoa học mà thật ra thì xử dụng máy móc phương pháp này chỉ có thể mang lại những cái huyền nhiệm mới của một vũ trụ không thể giải mã cho đến cùng. Lập một giả thiết, không theo qui trình vừa nói. Khi Bacon đả phá tam đoạn luận, ông giảm giá trị của phương pháp diễn dịch Duy lý một cách thái quá. Đặc biệt, ông không đánh giá cho đúng vai trò của Toán học. Về kiểm định giả thiết, ông chỉ cho đó là một mặt nhỏ của phép qui nạp. Phải nói, nếu không có phương pháp diễn dịch của Toán học để dẫn tới những giả thiết cụ thể, ổn định và kiểm nghiệm được thì chúng ta chẳng thể biết cái gì khả thể và cần thẩm tra qua chứng nghiệm.

Bacon ghi nhận nhiều thể loại sai lạc của con người, và đây là phần đậm sắc thái nhất trong triết lý của ông. Chúng ta dễ gặp 4 thể loại mà ông gọi chúng là “idols”. Thứ nhất là “idols của bộ lạc” gốc gác con người. Tư duy thể theo ước vọng (wishful thinking) là một thí dụ, nhất là khi con người hy vọng vào một trật tự thiên nhiên lớn hơn là trật tự hiện hữu. Loại sai lạc sau là “idols trong hầm tối”, sai lạc của mọi cá nhân, nhiều đếm không hết. Rồi “idols của chốn chợ búa”, thứ sai lạc vì con người quáng mắt trước chữ nghĩa, sai lạc thường gặp trong triết học. Cuối cùng là sai lạc thuộc thể loại “idols của sân khấu”, thường đến từ những hệ thống giáo điểu trong những trường phái tư duy. Trường phái Aristotle là một trường hợp mà Bacon nêu đầy thí dụ điển hình.

clip_image018

Francis Bacon

Mặc dù quan tâm đến khoa học, Bacon đã đứng bên lề những phát triển quan trọng trong thời ông. Ông không biết những khám phá của Kepler, và dẫu có là bệnh nhân của Harvey, ông mù tịt về chuyện tuần hoàn của máu trong cơ thể.

Triết gia quan trọng hơn trong triết học nói chung, và trong trường phái Duy Nghiệm Anh ( British Empiricism) nói riêng, là Thomas Hobbes (1588-1679). Dẫu ông theo truyền thống duy nghiệm, Hobbes đánh giá phương pháp Toán học rất cao, vì thế gần gũi Galileo và Descartes. Hiểu vai trò của diễn dịch trong nghiên cứu khoa học, ông nghiêm túc trong phương pháp luận ở mức Bacon không thể đạt được.

Đời sống gia đình của Hobbes không mấy hứa hẹn. Cha ông là một thừa sai đầu óc mập mờ đã chết từ thuở ông còn là trẻ con ở Luân Đôn. Người anh của vị thừa sai này có trách nhiệm, không con nên đã nuôi nấng cháu. Ở tuổi 14, Hobbes vào học văn hóa cổ điển ở Oxford. Lôgíc theo phái Kinh viện và Siêu hình học của Aristotle trong chương trình đào tạo là hai bộ môn mà suốt đời Hobbes vẫn không thể tìm ra được sự tương thích hấp dẫn nào. Năm 1608, ông trở thành sư gia của William Cavendish, con của bá tước vùng Devonshire, và hai năm sau cùng học trò làm một cuộc viễn du trên lục địa châu Âu. Thừa kế chức vị cha, vị quí phái trẻ tuổi này thành chủ nhân, và qua đó Hobbes quen biết nhiều người nổi tiếng thời đó. Khi vị này qua đời năm 1628, Hobbes ở Paris trở về nhận làm sư gia cho con của chủ cũ. Với vị bá tước còn thơ này, Hobbes hộ tống năm 1634 trong cuộc du hành ở Pháp và Ý. Ở Paris, Hobbes giao du với Mersene, và ở Florence với Galileo. Ông quay về Anh năm 1637 và bắt đầu làm việc trên bản thảo đầu về lý thuyết chính trị. Quan niệm của ông trên vấn đề độc lập và tự chủ không làm cho cả hai phe Bảo hoàng lẫn Cộng hòa đang xung đột hài lòng, và vốn cẩn thận, Hobbes sang Pháp từ 1640 đến 1651.

Thời ở Paris, Hobbes tiếp tục liên hệ với Mersenne và gặp Descartes. Ban đầu thân tình với nhóm Bảo hoàng từ Luân Đôn phải lưu vong, kể cả với vị vua tương lai Charles II, nhưng ông bị mọi người xa lánh sau khi xuất bản tác phẩm “Levianthan” năm 1651. Đám Bảo hoàng không ưa cách giải thích khoa học và khách quan về vấn đề trung thành, và lớp tăng lữ Pháp bài bác thái độ chống Công giáo của ông. Thêm một lần, Hobbes phải quay trở lại Anh, thần phục Cromwell[2] và rút lui khỏi chính trường. Thời gian sau đó, Hobbes tham gia vào một cuộc tranh cãi với Wallis và đồng sự ở Oxford. Ông chiêm ngưỡng Toán học nhưng không đủ khả năng trong ngành này nên gây ra nhiều ngộ nhận. Hobbes tiếp tục gây tranh cãi với những nhà Toán học cho đến cuối đời.

Sau thời phục hồi chế độ quân chủ ở Anh, Hobbes lại được vua trọng đãi, nhận một khoản tiền 100 bảng Anh một năm nhưng chi trả thất thường không mấy tin cậy được. Sau Trận Dịch và Đại Hoả hoạn[3], dân chúng làm áp lực trên Quốc hội về vấn đề vô thần, “Leviantan” của Hobbes trở thành đối tượng của nhiều phê phán nghiệt ngã. Vì vậy ông chẳng thể phát hành những tác phẩm gây tranh cãi ngoại trừ ở ngoài nước Anh mà ông nổi tiếng hơn là tại quê nhà.

Trên phương diện Triết học, Hobbes xây dựng nền tảng cho trường phái sau này gọi là phái Duy Nghiệm ở Anh. Trong “Leviathan”, Hobbes áp dụng hệ thống triết học của mình để bàn về độc lập tự chủ, nhưng trước đó, ông giành phần Nhập để trình bày một cách tất yếu triết lý ông đề nghị.

Trong chương đầu Hobbes đưa ra quan điểm về con người và tâm lý dưới dạng máy móc, và một số nhận xét trên ngôn ngữ và nhận thức luận. Giống Galileo và Descartes, ông cho rằng kinh nghiệm chúng ta đến từ vận chuyển cơ học của những vật thể ngoại lai trong khi thị giác, thính giác và vị giác … mới là nội tại con người.

clip_image020

Thomas Hobbes

Trên vấn đề này, Hobbes ghi nhận rằng ở các đại học người ta còn giảng dạy dưới dạng thô lý thuyết “phát nguồn” (emanation) của Aristotle. Tinh quái, ông bảo ông không phủ nhận những đại học nói chung, nhưng vì ông sẽ đề cập đến chỗ đứng của chúng trong xã hội có nền thịnh vượng chung, ông buộc phải nêu lên những sai lầm lớn nhất, trong đó “tần số những diễn ngôn vô nghĩa” là một. Cách thế nhìn của Hobbes nặng ảnh hưởng thuyết liên tưởng trong tâm lý học, và thuyết duy danh trong ngôn ngữ học. Ông cho rằng Hình học cho đến thời ông là khoa học duy nhất. Vai trò của lý luận là đặc tính những luận cứ hình học. Bắt đầu từ những định nghĩa, và cẩn thận tránh những ý niệm mâu thuẫn nhau, lý tính như vậy đến từ thực hành chứ không phải do bẩm sinh như cách nhìn của Descartes. Hobbes cũng giảng giải lòng đam mê dưới dạng những vận hành. Ông cho rằng, thuận tự nhiên, mọi người bình đẳng. Nhưng bởi ai cũng muốn tồn tại như vậy mà không phụ thuộc vào ai khác, tình trạng đấu tranh giữa những con người là không thể tránh được. Để thoát khỏi cơn ác mộng này, con người tụ tập lại và chuyển giao quyền năng cá nhân cho một quyền lực tập trung. Đây là phần 2 của “Leviathan”: con người có lý tính và lại cạnh tranh buộc cùng phải đến một thỏa thuận giả tạo qua đó họ đồng lòng tuân phục một quyền lực họ chọn lựa. Một khi hệ thống này được thể hiện, sẽ không còn bạo loạn bởi vì luật lệ của hệ thống là do đồng thuận của mọi thành viên chứ không là luật lệ áp đặt. Chỉ khi người điều hành luật không bảo vệ những kẻ khác thì lúc ấy họ mới có quyền tuyên bố rằng chính phủ là không còn chính danh và phải bị xóa sổ. Một xã hội điều hành theo công ước này được ông gọi là khối thịnh vượng chung, giống như người khổng lồ Levianthan cấu tạo từ mọi người, có nhiều quyền năng như Thượng Đế nhưng lại chia sẻ đạo lý con người. Quyền lực tập trung này được gọi là chủ quyền tối cao (sovereign) có năng lực tuyệt đối trong mọi lãnh vực. Phần thứ 3 cuốn sách đề xuất một sơ thảo về vấn đề vì sao không có Giáo hội ở mức phổ quát. Về điểm này, Hobbes theo cách nhìn của Erasmus, cho rằng Giáo hội phải là một định chế quốc gia và đặt dưới quyền lực tập trung thuộc bên đời. Trong phần 4, Giáo hội Roma được soi xét dưới quan điểm vừa nói.

Lý thuyết của Hobbes bị ảnh hưởng của những biến động chính trị thời cuộc. Điều ông kinh sợ là những xung đột trong dân chúng. Vì vậy, quan điểm ông đưa ra nhằm tiến tới hòa bình với mọi giá. Khái niệm “kiểm sát và cân bằng” (check and balance) có đề cập nhưng sau được trình bày đầy đủ hơn bởi Locke. Phương pháp tiếp cận của Hobbes tuy không nhiễm tính bí nhiệm và dị đoan nhưng nhiều khi giản đơn một cách quá mức. Quan niệm về Nhà nước lại thiếu xót ngay trong tình thế chính trị thời ông sống.


[1] Theo lý thuyết này (geocentric), mọi hành tinh xoay quanh trái đất, trung tâm của mọi chuyển động.

[2] O. Cromwell (1599-1658) là nhà quân sự và chính trị, rất mộ đạo, theo Thanh giáo và có cách nhìn tương đối khoan nhượng với những giáo phái Tin Lành. Ông đánh bại lực lượng bảo hoàng của Charles I trong cuộc nội chiến thứ nhất ở Anh quốc, nắm quyền lực, nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông bị kết là độc tài bởi nhữngsử gia như D Hume, C. Hill nhưng lại được đánh giá là anh hùng chiến đấu cho tự do theo T.Carlyle và S.R. Gardiner.

[3] Luân Đôn cháy từ 2-09 đến 6-09-1666.