Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 15)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học Thăng Hoa (tiếp theo)

Phong trào Phục Hưng phát triển rộng ờ Ý trong thế kỷ 15, và sau một thời gian mới tràn vào phương bắc sau rặng Alps. Sức mạnh phong trào này ở đó có những đổi thay. Một điều nổi bật, cung cách mới được giới học thuật quan tâm. Vì vậy, không thể gọi là Phục Hưng ở đó, vì chưa có gì trước để nói về sự hồi sinh. Ở miền nam, truyền thống cũ còn có chút ý nghĩa dẫu đôi khi lờ mờ với cư dân nói chung. Trong khi đó, ở miền bắc, ảnh hưởng của Rome hoặc tạm thời, hoặc hoàn toàn không có gì. Phong trào Phục Hưng vì thế khoanh vùng trong giới học giả và không đánh động đám đông. Nhưng trong địa hạt nghệ thuật, phong trào Nhân Bản miền bắc lại có tác động sâu sắc, chia tay với quyền lực Trung Cổ một cách ngoạn mục và quyết liệt hơn là ở Ý. Cho dẫu nhiều học giả Nhân Bản không tán thành rạn nứt về tôn giáo gây ra do phong trào Cải Cách, nhưng nhiều người cũng ước đoán rằng điều này khó tránh trong làn sóng hồi phục của miền bắc.

Từ thời Phục Hưng, vai trò của tôn giáo trong quần chúng rất khác nhau ở hai triền rặng Alps. Bên Ý, Giáo hội được coi như là tương quan mật thiết với Đế quyền thuở trước. Trong thực hành giáo tín, phong cách quen thuộc từ xưa trong đời sống thường ngày tiếp nối, với dăm thay đổi về cách thức ăn uống. Ngay thời này, tôn giáo ở Ý ít lễ hội tưng bừng chứ không như những nơi khác. Sự cắt đứt hoàn toàn trong truyền thống tôn giáo luôn luôn rất khó. Có hai lý do, trước tiên là Giáo hội là một phần của cơ chế chính thống ngay cả khi Machiavelli chỉ ra rằng Giáo hội là chướng ngại cho một quốc gia Ý thống nhất. Thứ hai, niềm tin là cái người ta khó giữ khi có những thay đổi căn bản có tính thuyết phục cao. Những học giả Nhân Bản miền bắc quan tâm đến tôn giáo đã chịu đựng nhiều gièm pha lăng nhục. Trong những văn bản gây tranh cãi, họ chống đối những hành xử làm giảm phẩm giá của Giáo hội. Cộng vào phê phán những Giáo hoàng Ý vì họ không quan tâm đủ đến tinh thần quốc gia, ảnh hưởng của Giáo hội nhạt dần. Và chẳng chỉ có vấn đề quyên góp tiền tài để sửa sang Rome mà cả những phản cảm trước sự hạ cố trịch thượng của các hàng giáo phẩm khiến nhiều kẻ mẫn cảm hướng về mẫu mực của những người Teutons phương bắc.

Nhân vật vượt trội phương bắc là Erasmus (1466-1536) ở Rotterdam. Cha mẹ đều chết từ lúc 20 tuổi khiến ông không thể học thẳng lên đại học. Người bảo lãnh gửi ông đến trường nhà dòng, ông vào tu viện Augustinian ở Steyn. Kinh nghiệm này khiến ông thậm ghét những giáo trình nghiêm khắc của phái Kinh Viện mà ông buộc phải học. Năm 1494, Giám Mục Cambrai bổ nhiệm ông làm thư ký, kéo ông ra khỏi chốn ẩn dật tu hành ở Steyn. Thăm Paris nhiều lần, nhưng không khí học thuật ở Sorbonne không mang lại những gì mới mẻ cho ông. Thời đó, phái Thomist, tức những người theo Triết lý Thomas Aquinas, và phái theo Occam đã giảng hòa và cùng nhau liên minh chống phong trào Nhân Bản.

Cuối năm 1499, Erasmus sang Anh, gặp Colet, và nhất là More. Quay về đại lục, ông học ngôn ngữ Hy Lạp. Khi qua Ý năm 1506, ông lấy bằng Tiến sĩ ở Turin, nhưng không tìm được người trội hơn ông về tiếng Hy. Năm 1516, ông phát hành lần in đầu của Tân Ước bằng tiếng Hy. Trong số sách của ông, người ta ghi nhớ cuốn “Tán tụng sự Điên rồ”, một trước tác châm biếm viết tại nhà More năm 1509 ở Luân Đôn. Bên cạnh những thất bại hài hước của con người, cuốn sách chỉ trích cay chua sự xuống cấp của những định chế tôn giáo và đạo đức của hàng giáo phẩm. Tuy thế, ông không tuyên bố là ông ủng hộ Cải Cách. Ông giữ quan điểm Tin Lành, theo đó con người có quan hệ trực tiếp với Thượng Đế, và cũng cho rằng Thần học chỉ là chuyện thừa giấy vẽ voi. Không bị lôi kéo vào những tranh cãi tôn giáo liên quan đến phong trào Cải Cách, ông nhận định khuynh hướng ly giáo là điều bất hạnh, tập trung sức mình vào công việc viết lách in ấn những công trình học thuật. Tuy ông không sai, nhưng những vấn đề đặt ra thời ấy không thể lờ đi được. Cuối đời, ông tuyên bố theo Công Giáo (catholicism), nhưng thật chẳng có quan trọng gì. Sân khấu đã được những nhân vật nhiều cá tính hơn ông chiếm ngự.

clip_image002

Desiderius Erasmus năm 1523

Trong địa hạt giáo dục, ảnh hưởng của Erasmus có tầm quan trọng lâu dài. Học thuật nhân văn, một phần chính trong giáo dục cấp trung học ở Âu châu phương Tây, thừa hưởng khá nhiều từ sự giảng dạy và những tác phẩm của ông. Trong khâu xuất bản, ông không chú tâm nhiều đến kiểm tra và phê phán văn bản. Mục tiêu ông nhắm là quảng bá rộng rãi chứ không chuyên về học thuật. Và ông không dùng ngôn ngữ thông tục. Ngược lại, ông có ý bồi đắp vị trí tiếng Latinh.

Ở Anh quốc, nhân vật kiệt xuất trong phong trào Nhân Bản là Sir Thomas More (1478-1535). Ở tuổi 14, ông bắt đầu học tiếng Hy ở Oxford. Vì thời đó ông rất lập dị, cha ông nhìn ông với con mắt đầy nghi ngờ. More được hướng đường theo chân cha ông, một luật gia. Năm 1497, ông gặp Erasmus trong chuyến thăm Anh quốc đầu tiên của vị này, More tìm lại niềm hứng khởi trau dồi văn hóa Hy Lạp. Sau đó ít lâu, ông qua một chặng đường tu khổ hạnh trong dòng Carthusian nghiêm ngặt. Cuối cùng, có lẽ bởi Erasmus khuyên răn, ông rời dòng tu và vào 1504, ông tham chính trong Quốc hội, phát ngôn ngăn chặn những đòi hỏi tài chính của Henry VII. Vị vua này mất năm 1509, nhưng More đã bỏ triều chính quay về công việc học thuật. Người kế vị, Henry VIII, vời ông ra. Sau đó, ông đoạt những chức vị cao nhất, trở thành Đại pháp quan thay Wolsey khi vị này mất chức năm 1529. Nhưng More không ở vị trí đó lâu dài. Ông phản đối cuộc ly dị của vua với Catherine và từ nhiệm năm 1532. Ông không tham dự lễ đăng quang của Anne Boleyn, vợ thứ của Henry VIII, khiến vị này bực bội. Khi vào năm 1538, với nghị định tấn phong Hoàng đế là lãnh đạo Giáo hội cách tân, More không tuyên thệ trung thành. Đưa về giam ở tháp Luân Đôn [1], ông bị hành hình với cái án phản bội vì tuyên bố đáng lẽ ra Quốc hội đừng xác nhận Vua đứng đầu Giáo hội. Thỏa nhượng về mặt chính trị không phải là phương châm hành xử thời đó.

More viết nhiều, nhưng phần lớn những tác phẩm của ông không được đọc thời bấy giờ. Danh tiếng của ông dựa trên một tác phẩm đầy viễn tượng lạ lùng có tên là “Không tưởng” (Utopia). Đây là trước tác có nhiều tư biện về xã hội và chính trị, mầm mống có từ “Nền cộng hoà” của Plato. Ông kể chuyện một thủy thủ bị đắm tàu sống 5 năm trong một cộng đồng trên một hòn đảo, đặt trọng tâm lên sở hữu cộng đồng như Plato gợi ý. Nếu mọi sự đều thuộc dạng tư hữu, ông chứng minh, hạnh phúc của cộng đồng là không thể có được. Mỗi con người chiếm hữu cho riêng mình, họ chia rẽ với nhau vì tài sản góp nhặt khác nhau. Mọi người bình đẳng trong điều kiện này là bất khả, và bình đẳng chính là khái niệm xuyên suốt trong “Không tưởng”. Vì thế, tư hữu trong cuốn sách này có những tác động tồi tệ không thể chấp nhận được. Và sau này[2], một số người mang ảo tưởng Ki-tô cũng quan tâm đến bình đẳng và đặt vấn đề duy nhất là quyền sở hữu kiểu Cộng sản.

Tổ chức một nhà nước lý tưởng trong tác phẩm của More được trình bày chi tiết. Mỗi quốc gia có một thủ phủ và 53 thành phố, xây theo cùng một mô hình, có cùng một hệ thống đường xá giao thông. Không có tư hữu, nên chẳng có trộm cắp. Nông thôn gồm nhiều trang trại giống nhau, quần áo cũng hệt cho mọi người, trừ những biểu hiện để có thể phân biệt đàn bà có chồng và chưa chồng. Công dân làm việc 6 giờ một ngày, sắp xếp đặt trong thời gian từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối. Kẻ được học hành làm công việc lao động trí tuệ. Với lao động tay chân, có sự tuyển chọn theo khả năng. Hệ thống luật pháp theo chính thể dân chủ đại diện qua bầu cử gián tiếp. Lãnh đạo quốc gia được bầu cho đến mãn đời nếu xứng đáng, còn không thì có thể bị bãi nhiệm. Đời sống công cộng cũng rập theo những khuôn khổ nghiêm ngặt. Liên hệ với người nước ngoài được giữ ở mức cần thiết tối thiểu. Sắt thép không được làm trong xứ sở “Không tưởng”, cần thì nhập từ ngoại quốc. Tập luyện quân sự bắt buộc cho cả đàn ông lẫn đàn bà, chỉ có chiến tranh khi cần tự vệ hoặc khi phải trợ giúp những quốc gia liên minh bị tấn công. Nếu có thể, lính trong chiến tranh là lính đánh thuê, tiền chi trả trích từ một ngân quĩ thu góp từ ngoại thương. Quốc gia “Không tưởng” không dùng tiền, mê tín dị đoan bị bài bác, và đời sống cư dân không buộc phải khổ hạnh. Nhưng có một cấm đoán nhỏ: người vô thần được phép, nhưng không có toàn quyền công dân, và không được tham gia chính phủ. Về dịch vụ hầu hạ, thu dụng những kẻ tội phạm, hoặc những người bôn đào để tránh bị xử tội ở nước ngoài.

Chẳng cần nói nhiều, đời sống trong quốc gia “Không tưởng” của More hẳn nhạt nhẽo buồn tẻ. Tuy nhiên, một điều đáng bàn là đề xuất tiến bộ của ông trên vấn đề tôn giáo. Phong trào Cải Cách đã khiến những cộng đồng Ki-tô lung lay vì không còn dễ dàng tự mãn với thái độ quyền năng áp đặt. Khi phong trào này dẫn đến cuộc ly giáo ở Âu châu, khái niệm khoan thứ tôn giáo được tôn trọng. Hủy diệt, đàn áp vì niềm tin từng được thử nghiệm, nhưng chẳng bao giờ mang đến kết quả dự trù. Vào thế kỷ 16, khái niệm tôn trọng tự do tôn giáo cho mọi người là một khái niệm dị dạng và rất phản cảm.

Một kết quả của phong trào Cải Cách là tôn giáo trở thành một vấn đề chính trị mang tính quốc gia như bên Anh quốc. Điều này khó xảy ra nếu như tôn giáo được coi là phổ quát cho mọi nơi. Chính tính cách chính trị này khiến More ủng hộ Cải Cách, và ủng hộ những điều gì thì chúng ta đã lược qua với Erasmus. Phong trào gây ra bạo động phát xuất từ sự xuất hiện những tín điều mới. Ở Anh, tính quốc gia của cuộc ly giáo rất rõ rệt. Giáo hội Cải Cách hội nhập với guồng máy chính quyền, nhưng xáo trộn không quá đà như những nơi khác vì từ lâu tôn giáo đã có truyền thống cách ly với Rome. Cách đó đã lâu, hoàng đế Conqueror[3] từng đòi xen vào việc bổ nhiệm của Giáo hội.

clip_image004

Tượng T. More mặt tiền Nhà Thờ cổ Chelsea

Cuộc diện chống quyền lực của Rome dựa vào Giáo hội Anh quốc với giáo phái Tin Lành có từ thời William và Mary[4], và truyền thống này là luật bất thành văn ở Mỹ sau này khiến Giáo hội Roman chưa bao giờ thành công đưa lên được một Tổng thống trong chính quyền thế tục.

Trước khi cơn bão Cải Cách nổi lên, chúng ta thấy trong liền vài thế kỷ những thay đổi tiệm tiến từng bước hạ thấp sự tôn kính Giáo hội quá mức. Lý do của cuộc cải cách tư tưởng này đa tạp. Bề mặt, đó là sự phản kháng quyền uy của Giáo hội trong việc trung gian giữa Thượng Đế và Con Người. Nguyên tắc trung gian này lẽ ra không bị phá vỡ nếu sự lạm dụng của hàng Giáo phẩm không khiến người người nhận rõ sự khác biệt giữa những điều họ giảng dạy và thực hành. Giáo hội chiếm cứ đất đai khắp nơi, và sự kiện này bị phản đối vì lời rao giảng của Chúa Jesus về sự thanh bần của những người đại diện Thượng Đế. Còn về vấn đề thế quyền, Occam đã chỉ rõ Ki-tô giáo có thể hoạt động mà không cần đến những Giám mục ở Rome. Mọi yếu tố cho một cuộc cải cách toàn diện đối với những người theo Cơ Đốc giáo đã được xác lập. Cuối cùng, chỉ phải đợi những xung động chính trị cho phép phe Cải Cách phát động ra một cuộc ly giáo.

clip_image006

Luther năm 1533

Những người hô hào Cải Cách không có tầm vóc trí tuệ của những tư tưởng gia trong phong trào Nhân Bản, phong trào đã tạo cơ sở cho những thay đổi. Nhưng họ lại châm ngòi bằng nhiệt tình cách mạng, điều mà những học giả không làm được. Martin Luther (1483-1546) thuộc dòng Augustinian là một giảng sư Thần học. Sự hành đạo không theo tinh thần tha thứ khiến nhiều người như ông rất khổ sở. Năm 1517, ông tuyên bố 55 luận đề, tài liệu ông treo ở cửa nhà Thờ Wittenberg. Làm thế, ông thách thức những người có thẩm quyền tôn giáo, nhưng chưa đi đến chuyện xây dựng một tôn giáo mới. Tuy nhiên, những điều ông phản đối dính líu đến vấn đề đóng góp tài chính của những quốc gia phụ thuộc Giáo hội. Khi Luther đốt lệnh rút phép thông công năm 1520, vấn đề không còn thuần tôn giáo mà trở thành một vấn đề chính trị. Vua nước Đức và những kẻ cầm quyền phải chọn thái độ, cuộc cải cách trở thành sự nổi loạn chống lại quyền hành của Giáo Hoàng.

Sau cuộn Họp ở Worm[5] năm 1521, Luther lánh đi 10 tháng và viết lại Tân Ước với ngôn ngữ thông tục. Như trước tác văn chương, Tân Ước đối với người Đức giống như tác phẩm “Hài kịch thiêng liêng” của Dante với người Ý. Trong mọi tình thế, cuốn sách phổ biến Phúc Âm đến mọi người. Khoảng cách giữa lời Jesus giảng dạy và lề luật xã hội thời đó trở nên rõ rệt với những người biết đọc. Trên cơ sở quan niệm Tin Lành (Protestant) về Thánh Kinh, sách của Luther thành thẩm quyền dẫn giắt cuộc nổi dậy Nông dân năm 1524. Nhưng Luther không có tinh thần dân chủ, thách thức những người không đồng ý với mình. Tư duy chính trị của ông vẫn còn đậm nét Trung Cổ. Cuộc nổi dậy rất tàn bạo, bị khống chế sau một thời gian, khiến triển vọng một cuộc cách mạng xã hội bị hụt hẫng và làm suy yếu khí thế cải cách tôn giáo. Protestant nghĩa tiếng Anh là Phản Kháng (chống lại Đế quyền năm 1529) và tìm cách phục hồi cuộc Họp ở Worm. Trong thời đó, những người theo phong trào Cải Cách bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng thật ra thì điều này đã có từ 1526. Luther bị cấm đoán và không tham dự được cuộc họp ở Ausgbugh năm 1530. Phong trào Tin Lành trở nên quá mạnh để có thể dẹp, và năm 1532, Đại đế buộc phải giảng hòa ở Nuremberg, bảo đảm quyền tự do lựa chọn theo tôn giáo mới này.

clip_image008

John Calvin (1554)

Phong trào Cải Cách lan rộng đến Pháp quốc và Thụy Sĩ. Sau Luther, người có ảnh hưởng nhất là John Calvin (1509-1564), một người Pháp sống ở Geneva. Ông theo phong trào khi mới 20 tuổi, sau trở thành người lãnh đạo tinh thần của Tin Lành ở Pháp và Hoà Lan. Hệ phái Calvinist theo truyền thống Augustin, ít thỏa hiệp hơn là Phúc Âm theo Luther, thuộc Thanh giáo (Puritanism) và tin rằng cứu rỗi là do số mệnh tiền định. Đây là một vấn đề đối với Thần học Ki-tô, và Giáo Hội Roman không chấp nhận cách nhìn này. Trong thực tế, nó không tạo ra nguy cơ gì vì mọi người ai cũng đều có thể tự cho mình là kẻ được Chúa chọn cứu rỗi.

Trong hậu bán thế kỷ 16, nước Pháp bị giằng xé trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Công giáo và những tín đồ Tin Lành (Huguenots). Cũng như ở Đức, lý do của cuộc chiến không chỉ vì tôn giáo mà còn kinh tế. Cả hai mặt này cho thấy dấu hiệu thay đổi trong những bước chuyển tiếp từ thời Trung Cổ sang thời hiện đại. Tôn giáo Cải Cách và Thanh giáo đi đôi với sự phát triển của ngoại thương. Ở Pháp, sự cách ly tôn giáo có một thời tuân theo chỉ dụ khoan dung ký ở Nante năm 1598. Khi chỉ dụ này bị bãi năm 1685, nhiều tín đồ Huguenots rời Pháp sang sinh sống ở bên Anh và Đức.

Vì Tin Lành không là một tôn giáo phổ quát nên cần được bảo vệ về mặt chính trị, và do đó người lãnh đạo quốc gia trở thành lãnh đạo Giáo hội. Không như Giáo hội Roman, những giáo sĩ Tin Lành dẫu cũng hẹp hòi khắc nghiệt nhưng không có đủ quyền lực để lộng hành. Cuối cùng, người ta thấy cuộc giáo tranh là phí phạm và không thể đi đến một kết cục thắng bại nào cho bên này hay bên kia. Chính vì nhận định như vậy mà rồi sự khoan dung tôn giáo phát triển.

Trong Giáo Hội Roman, giữa thế kỷ 16 cũng xuất hiện một phong trào cải cách. Đó là dòng Tên (Jesuit), do Ignatius Loyola (1491-1556) thành lập và được công nhận chính thức vào 1540. Dòng này tổ chức theo nguyên tắc nhà binh được đề khởi bởi Loyola, một cựu chiến binh. Về giáo lý, dòng Tên đối nghịch với rao giảng của Augustin mà tín hữu Tin Lành chấp thủ, và đặt trọng tâm lên ý chí tự do. Trong thực hành, dòng tổ chức truyền giáo, giáo dục và giải ảo những mê tín dị giáo. Dòng này sau trở thành cơ chế tổ chức chính của tòa dị giáo Tây Ban Nha.

Khi phong trào Nhân Bản ở miền bắc dẫn tới những quan niệm mới trong Ki-tô giáo, phong trào ở Ý lại không quan tâm chi nhiều đến tín điều. Thời đó, cũng như bây giờ, Công giáo chiếm một phần của đời sống thường nhật và không luôn tác động lên ý thức con người. Trong một chừng mực, tôn giáo chỉ là phần nhỏ so với những điều khác. Ngoài ra, vì Rome là trung tâm quyền lực, Công giáo Roman không thể gây phiền hà cho tinh thần quốc gia người Ý. Đây chẳng qua là một hình thức lưu lại của niềm tin quốc gia đã hiện hữu từ thời hoàng kim xa xưa. Ảnh hưởng đáng kể này trong phương cách quản trị Giáo Hội Roman còn tồn tại cho đến ngày nay.


[1] Tháp được dùng như ngục vào thế kỷ 16 và 17, từng giam Elizabeth I trước khi bà thành Nữ Hoàng.

[2] Có lẽ B, Russell liên tưởng đến K.Marx và phong trào Cộng Sàn ( Ng, dịch).

[3] William I ( 1028 – 1087), được gọi là William the Conqueror, là vị vua người Norman đầu tiên của Anh quốc.

[4] William và Mary là liên ngữ chỉ sự đồng trị vì vào 1689 của vua William II & III và Nữ hoàng Mary II trong Vương quốc gồm cả Anh, Ái nhĩ lan và Ê-cốt.

[5] Diet of Worm chỉ cuộc họp mà Đại đế Charles V chủ trì, trong đó Martin Luther trình bày cuộc Cải Cách Tin Lành.