Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

LONG LANH QUÁ KHỨ (kỳ 3)

Truyện của Đào Như

Chiều hôm ấy, ngồi trong hiên quán, ngoài trời mưa rả rích, phố xá tiêu điều, bây giờ mới có sáu giờ chiều đời sống như ngưng đọng lại. Một vài con ruồi đậu phía ngòai cửa kính nhọc mệt kéo lê đôi cánh ướt át, để lại những vết nhớp nhúa trên mặt kính. Chỉ còn hai mươi mấy ngày nữa là Cách mạng về với Cần Thơ đúng bốn năm tròn. Trong suốt bốn năm dai dẳng ấy biết bao nhiêu đổi thay tang thưong đi qua thi trấn miền Tây này. Cần Thơ ngày càng co lại, ngày càng khốn khó hơn. Những hân hoan chào mừng Cách mạng ngày 30/4/75 phụt tắt rất nhanh. Những vết hằn ngày càng sâu hơn, càng quằn quại hơn cày nát trên những gương mặt buồn thảm của những người vợ trẻ, những bà mẹ già có chồng có con đi tù học tập cải tạo không ngày về. Ngay cả cán bộ tập kết về họ cũng ngậm ngùi cho thân nhân họ bị vùi dập đày ải trong các trại cải tạo. Ngoài trời, hoàng hôn một màu xám xịt đang phủ xuống mặt đường. Trọng nhớ lại chỉ còn mấy ngày nữa anh đưa gia đình ra khỏi nơi này, và đi về một nơi vô định. Cần Thơ! Nơi anh phục vụ gần cả đời người, mười năm anh hành nghề bác sĩ phẫu thuật tại đây, và cũng là nơi vợ anh đã hạ sinh ba đứa con của anh. Nghe tiếng mưa rơi trên hiên quán, như tiếng điểm thời khắc qua nhanh, tiếng gọi của vùng trời xa xăm nào, ở đó có sự rủi may đang chờ đợi anh. Vớ được mảnh giấy xi măng trên bàn bên cạnh, anh liền viết bài thơ ngắn trong lúc thật sự xúc động. Sau bữa ăn, lúc tiễn vợ chồng Ngọc Tới về, anh nhét vội bài thơ trong túi áo mưa của Hoàng, chồng của Ngọc Tới. Hôm nay gặp lại bài thơ, những sóng gió đổi thay cuộc sống của anh ở đây gần hai mươi năm về trước hiện về đậm đặc từng nét…Trọng đọc lớn bài thơ ấy cho cả nhà nghe…Chị Xuân Tường muốn biết bài thơ ấy của ai? Trọng kể lại sự tích bài thơ. Xuân Tường la lớn:

- Ồ! Lạc điệu và cũ quá rồi! Phải không bà con?

Cả nhà cùng cười. Ngọc Tới nhắc lại bài thơ nguyên bổn và mảnh giấy xi măng anh Hoàng vẫn còn giữ, đây chỉ là bản chép tay của Ngọc Tới.

Sau bài thơ, các bà ngồi chùm nhum lại, chuyện thầm thì, hết chuyện này sang chuyện khác, chuyện của các bà dài hơn hai mươi năm… Riêng anh, đói meo cả ruột. Thấy tám giờ tối rồi mà chẳng thấy ai đếm xỉa gì đến ăn uống cả, Trọng giơ tay định bốc đại một con tôm. Chị Xuân Tường la lớn:

- Ơ! Hay thật! Anh có biết đợi chờ là gì không?

Diễm Khánh thấy ông anh rể mình bị quê, cô liền nói đùa:

- Chắc trước kia lúc chưa cưới, chị cho anh ấy đợi dài dài…

- Cưới hay chưa cưới gì cũng vậy, lúc cần thì cho ông ấy ngóng dài cả cổ ra. Nói xong câu ấy chị Xuân Tường thích thú, cười rũ rượi…

Chợt có tiếng động ở cửa trước. Một bà cụ bước vào, mái tóc bạc như bạch kim, bà chống gậy, đi vững và chậm. Bên cạnh bà là một thanh niên chừng 18, 19 tuổi. Thọat nhìn, Trọng biết ngay đó là dì Quới, mẹ của Ngọc Tới và Diễm Khánh. Tất cả mọi người đều chạy đến và đưa tay nắm lấy tay bà, để dìu bà đi cho vững hơn. Tất cả đều bị bà từ chối và gạt ra. Bà nói lớn:

- Để tôi được độc lập. Không có gì quý hơn độc lập, phải không bác sĩ Trọng?

- Thưa dì đúng vậy, Trọng liền đáp.

Bà đi chậm nhưng rất vững. Trọng thấy Ngọc Tới, Diễm Khánh, Xuân Tường và cả Bích Hằng đi sát bên cạnh bà, nhưng không ai dám đưa tay cầm lấy tay bà. Trọng tiến đến, đưa tay cầm lấy tay bà và đưa bà vào ngồi chỗ đầu bàn. Anh xin lỗi bà là vợ chồng anh chưa kịp đến hầu thăm bà, và anh cũng xin chuyển đến bà lời chào hỏi của nhạc mẫu của anh, chị ruột của bà, và lời cầu chúc sức khoẻ của bà.

Bà dì Quới đáp:

- Tôi cám ơn bác sĩ, chị tôi có phúc lớn có rể quý là bác sĩ, tận tình phục vụ và chăm sóc cho chị tôi khi bà lưu vong ở đất nước người. Còn bác sĩ lúc nào cũng ngon lành cả. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa anh là bác sĩ; Việt cộng vào anh cũng là bác sĩ; qua Mỹ qua miết tít mù, anh cũng là bác sĩ! Cách đây mươi hôm, một bà trung tá của mình Sài Gòn xưa đến thăm tôi, cho tôi biết là chồng bà bị bịnh tâm thần gọi là ‘Hội chứng hậu chiến’gì đó, nghĩa là khi đi tù cải tạo bị mấy ông Cách mạng Cộng sản hành hạ vùi dập dữ quá, gọi là rữa não mà! Nghe bà ta nói chồng bà và một số sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng ở trong trình trạng tâm thần như vậy hiện đang được bác sĩ Trọng điều trị và tư vấn tại Chicago. Bà đâu có ngờ ngờ bác sĩ Trọng là con rể nhà này. Nhưng ngon lành nhất, là lúc nào bác sĩ cũng có cô vợ trẻ đẹp ở bên cạnh.

- Thưa dì, về đời, con thật là may mắn. Với Xuân Tường con thật là tốt số. Nhưng thưa dì ngày xưa dì đâu có đồng ý cho Xuân Tường lấy con...

- Ah! C’est vrai! Đúng vậy! Thôi bỏ chuyện cơm cũ. Chacun a son sort. Bây giờ đến lượt tôi phải xin lỗi quý vị là tôi đến trễ, ai cũng đói cả rồi. Thôi mời tất cả ăn đi thôi. À, bác sĩ Trọng, cậu con trai ngồi bên tay phải của anh đó là Tự, con của Ngọc Tới. Anh biết và ai cũng biết, Tự là tên của ba Xuân Tường, tên của anh Hai, anh rể của tôi. Vì kính mến anh Hai, cho nên vợ chồng Ngọc Tới lấy tên anh Hai đặt cho con. Họ là Cách mạng mà! Mình thì kị húy, kị tên, không dám gọi tên ông bà ông vải; còn họ thì càng thương càng yêu, càng gọi to, càng réo lớn. Nhiều lúc tung hô: muôn năm, muôn năm… nghe mà phát sợ!

Bích Hằng, Tự và Trọng, ngồi đầu bàn bên này. Bà dì Quới, chị Xuân Tường, Ngọc Tới và Diễm Khánh ngồi đầu bàn đối diện! Nhìn bà Dì Quới chăm sóc chị Xuân Tường trong bửa ăn, Trọng thật sự cảm động. Bà biết từng sở thích nhỏ của chị Xuân Tường, từng cọng hành tép tỏi. Bà nói lớn cho Bích Hằng, Ngọc Tới và Diễm Khánh nghe:

- Xuân Tường không ăn được cua có vỏ. Cô ấy chỉ ăn cua lột thôi. Con gái rượu của ông chánh án mà! Đáng kiếp cô thôi. Bỏ chạy sang Mỹ miết tít mù, làm lụng khổ sở làm sao mà có thể mua được cua lột cho cô ăn. Đáng đời cô, để cô biết đá biết vàng.

Xuân Tường là đứa cháu gái con của anh Hai, chị Hai, mà bà Dì Quớí thương yêu nuông chiều nhất. Hơn hai mươi lăm năm về trước, lúc ấy Ngọc Tới và Diễm Khánh theo cha tập kết còn ở ngòai Bắc, có lần Bà dì Quới xin anh Hai, chị Hai cho Xuân Tường qua “ở hẳn bên bà”. Mặc dầu không được toại nguyện, bà vẫn được Xuân Tường lui tới hôm sớm với Bà. Lúc ấy Xuân Tường hoàn toàn thay thế hình ảnh của Ngọc Tới và Diễm Khánh trong tâm hồn bà dì Quới! Năm 1970, Trọng đi hỏi chị Xuân Tường lảm vợ, bà là người duy nhất trong gia đình không đồng ý gả chị Xuân Tường cho anh. Lập luận cơ hữu nhất của Bà: “con nhỏ mới có 17, 18 đem gả cho tên Trung kỳ già ngắt ”!

Ở đầu bàn bên này, Trọng vừa ăn vừa chuyện vãn với Tự và Bích Hằng. Trọng hỏi hai cháu về dự tính tương lai của họ như thế nào? Bích Hằng bảo tương lai của cô ấy tùy thuộc vào Sở Ngoại vụ. Hy vọng năm 2000 hay 2001 sẽ được học bổng của chính phủ Mỹ sang du học tại Yale hay Hardvard về luật thương mại. Ước mơ của cô ấy là làm giáo viên đại học hay chuyên viên kinh tế và tài chánh. Còn Tự năm nay 19 tuổi, nhỏ hơn Bích Hàng 7 tuổi, cho biết là cháu đang tập trung để luyện thi vào đại học. Cháu mơ ước được đậu vào đại học Công an.

Bà dì Quới nghe Tự nói thế, không hài lòng. Bà nói một mình:

- Rau nào, sâu đó…

Nghe mẹ nói, Ngọc Tới rất buồn, nhưng không dám một lời phật ý mẹ.

Dì Quới nâng cốc rượu vang lên cao và nói:

- Bữa ăn hôm nay là mừng gặp lại Xuân Tường sau hai mươi năm xa cách.

- Thưa cám ơn dì, Xuân Tường đáp lời Bà. Thưa dì cách đây cũng hơn hai mươi năm, năm 1975 gia đình mình cũng tổ chức một buổi tiệc để gặp lại Ngọc Tới và Diễm Khánh trở về, sau hai mươi năm tập kết ra Bắc.

- Đúng vậy, dì Quới nói, đời tôi hết xa con rồi đến xa cháu, đứa này trở về đứa khác phải ra đi! Đó là vận của nước hay số kiếp của tôi?

Trọng thấy bà nước mắt lưng tròng.

Bà dì Quới nói tiếp:

- Thôi ăn đi các con.

Bà nâng ly rượu vang, bà hớp một hớp nhẹ. Anh làm giống như bà. Đúng là rượu vang-Admiral-của Pháp cái hậu của nó thật êm dịu, nồng ấm kích thích vị giác. Càng uống càng đê mê, ăn càng ngon. Nhìn cung cách bà Dì Quới uống rượu vang, từ cách nâng ly, dáng cầm thìa, cầm fourchette, bà chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp một cách sâu sắc. Bà có phong cách nói chuyện thật hấp dẫn, chế ngự người nghe, nhưng luôn luôn vẫn giử vẻ kín đáo, sang trọng trí thức của một mệnh phụ. Sau vài tuần rượu, da mặt bà hồng hào. Bà ngước mặt lên cao, dưới ánh sáng của mười ngọn đèn 100 nến, mái tóc bạc của bà lung linh óng ả lạ thường. Bà nói:

- Bác sĩ Trọng có biết mấy chai rượu vang ấy là rượu của dượng Minh để lại không? Dượng Minh chết để lại một hầm rượu trong xưởng vẽ của ông ta. Mang một tâm hồn lãng mạn đi làm cách mạng thật là nghiệt ngã. Trước khi chết, ông ấy còn thiết tha với Cách mạng lắm đấy bác sĩ Trọng. Những năm sau cùng, ông bị bịnh tâm thần phân liệt. Suốt ngày ngồi nói chuyện một mình hay nói chuyện với ai đâu đâu ở trên trời. Ông sống trong một thế giới xa rời thực tế, thế giới của Don Quichotte mang đao to búa lớn tiến lên chém cối xây; thế giới của những Othello súc xiểm, vung gươm chém bạn mà ngỡ là kẻ thù; thế giới của những kẻ mang tâm hồn thác loạn, tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người! Có nhiều lúc ông gọi các con cháu: “Ngọc Tới, Diễm Khánh, Bích Ngọc và Tự có nghe Bác Hồ gọi tên ông ngoại đến Quảng trường Ba Đình để nhận Huân chương Thống nhất do chính Bác Hồ trao tặng”! Rồi ông ấy hối mấy đứa, cũng như ông ấy, thay đồ lẹ lẹ để đi cho kịp…! Thật là tội nghiệp. Phải không bác sĩ trọng? Biết làm sao bây giờ. Chacun a son sort! Ai cũng có số cả! Rồi bà tiếp tục với giọng hờn dỗi:

- Mặc áo đi theo Cách mạng, mang cả con cái, gia đình đi theo người ta ra tận ngoài Bắc, anh nhất định không chịu vào Đảng để cho con cái nhờ. Là cá mà không chịu có mang làm sao sống lâu dưới nước được! Anh Minh yêu dấu, cũng may cho anh, anh chết già! Anh tốt số hơn Tô Ngọc Vân, người bạn vẽ của anh của thuở xa xưa. Ông ta bị thủ tiêu sau trận Điện biên. Bây giờ người ta cũng quên đi không còn ai nhắc tới tên của ông ấy cũng như bức tranh thời danh “Hà Nội đứng vùng lên” của ông ta nữa. Anh đã sai lầm. Anh và bạn của anh sai lầm. Các anh nghĩ đi làm cách mạng với tinh thần yêu nước, yêu Bác Hồ là đủ. Các anh chưa biết khiếp sợ Chuyên chính vô sản. “Họ” đâu có chấp nhận các anh mãi mãi được. Họ bảo các anh với họ chỉ là những kẻ “đồng sàng dị mộng”! Không là đảng viên mà đứng trong hàng ngũ Cộng sản thì các anh được “họ”sử dụng như những hình nộm. Thật vô cùng đau xót cho anh, khi thấy anh, trong những đêm khuya khoắt, cúi mái đầu ngoài bảy mươi trên những trang sách đầy sám hối, “Viết cho mẹ và Quốc hội”, của ông Bảy Trấn, người bạn già của anh. Khi biết ông ta ở tuổi ngòai bảy mươi còn viết đơn xin ra khỏi Đảng, anh đứng dậy, anh la hét trước tấm voile trắng căn trên giá vẽ: “Thiên lý tại nhân tâm! Vô tận ở trong ta! Trong ta là cõi vô tận”! Và anh mang tất cả sơn màu pha chế anh vụt trên voile trắng. Anh nằm lăn trên sàn nhà xưởng vẽ. Anh la hét. Anh đứng thẳng người, đưa thẳng hai tay lên khỏi đầu như thần chiến thắng, anh ca tụng tác phẩm của anh: “Con người là mâu thuẫn! Chế độ là mâu thuẫn! Xã hội là mâu thuẫn! Tất cả đều sản sinh từ mâu thuẫn, từ đối kháng, âm dương! Đời khi có, khi không! Sắc sắc! Không không! Arthur Koestler! Le Zero Et L’Infini!”…Người ta bảo anh bị bịnh tâm-thần-phân liệt! Riêng em, em rất đau xót vì em biết anh đau khổ chịu đựng triệu chứng hoang tưởng từ thuở đó! Sau năm mươi năm cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước anh vẫn chưa biết mình là ai? Anh vẫn chưa biết mình đã làm gì và cho ai? Anh vẫn quờ quạng trong cỏi nội tâm của chính mình. Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Văn Trấn…họ cay đắng nhận ra “thân phận trí thức sống trong Chuyên chính vô sản như đồng tiền vàng nằm trong cục phân heo…”.

Nói đến đây giọng bà dì Quới nghe chừng như uất nghẹn…

Lúc này, Ngọc Tới mới dám lên tiếng, trong giọng nói rất ôn tồn, nhưng không kém phần chua xót. Hướng về chị Xuân Tường, Ngọc Tới nói:

- Cám ơn chị Xuân Tường và anh Trọng. Hôm nay có anh chị về thăm nước sau gần hai mươi năm xa cách, má em gặp lại anh chị, má cảm động, má mới nói lên sự thật, tình yêu của má với ba em vẫn còn sống động. Quay lại bà dì Quới, Ngọc Tới tiếp tục:

- Thưa má, lâu lắm rồi, từ ngày thống nhất đất nước, lầu đầu tiên, hôm nay, tụi con nghe má gọi ba “Anh Minh yêu dấu” Diễm Khánh và con lâu lắm rồi, các con mong muốn má gọi lên câu đó trước khi ba con chết!

Nói đến đây Phượng khóc, Diễm Khánh, Chị Xuân Tường cũng khóc! Hai cháu Tự và Bích Hằng ngồi ngẩn ngơ! Phượng nói tiếp:

- Anh Trọng và chị Xuân Tường, như hai anh chị đã biết, sau ngày thống nhất đất nước, Ba em có nhiều lần tìm về má em. Má vẫn dửng dưng. Đôi lúc mà còn giận dữ nữa là khác!

Dì Quới đặt cốc rượu xưống bàn, bà ngước mặt cao lên nhìn các con cháu. Bà nói, dằng từng tiếng:

- Tôi giận anh Minh, cha của các chị à? Tôi giận thôi sao? Phải nói tôi thù anh ấy nữa là khác. Năm 1954 anh “bắt cóc”các con của tôi đi tập kết ra ngoài Bắc lúc các con còn quá trẻ. Ngọc Tới mới có 11, Diễm Khánh lúc đó mới có 9 tuổi, mà anh không hỏi ý kiến của tôi gì cả. Sao anh ác với mẹ con tôi quá vậy? Anh đâu có quyền làm như thế. Vẫn biết tôi với anh lúc đó đã ly dị. Anh được quyền nuôi con. Nhưng anh cũng phải biết các con là con của tôi. Tôi mang nặng. Tôi đẻ đau. Là mẹ, tôi thưong con tôi hơn ai hết. Tôi có bổn phận bảo vệ tụi nó. Anh cổng con ra ngòai Bắc, “người ta” gả vợ cho anh. Anh đâu có được gần gũi, giúp đỡ con cái. Các con phải đi ở tập thể. Họ nuôi các trẻ Miền Nam còn thua nuôi heo! “Trường Miền Nam”, một loại “Trại tù cải tạo” cho thiếu nhi Miền Nam theo cha mẹ tập kết ra Bắc vào thời đó. Rốt cuộc rồi Ngọc Tới cũng phải vào Đảng, đi B. Năm 1972, Cách mạng nhờ người móc nối đưa tôi vào gặp Ngọc Tới ở trong bưng. Đầu con đôi nón tai bèo, chân mang dép râu, bị sốt rét rừng bần huyết đến độ thê thảm, da mặt tái xanh cắt không được một hột máu. Tôi bưng mặt khóc khi gặp lại con. Anh có hay không anh? Thiên đường Cộng sản sụp đổ ngay dưới chân của con chúng ta. Anh ơi! Anh nghĩ thế nào mà anh dẫn các con sống cơ cực đến như vậy? Dẫu tôi còn yêu anh cách mấy đi nữa, anh bảo tôi đừng trách anh sao được. Năm 1975, họ trả cha con anh về, hoàn toàn vô sản, không có một cơ sở để được ăn no. Tôi ôm con vào lòng, xây dựng lại đời tụi nó từ chiếc đũa con… Thôi, các con, Xuân Tường và bác sĩ Trọng tiếp tục ăn đi các con. Tôi xin lỗi, tôi đâu muốn nói những điều như vậy, cũng chỉ vì thương yêu anh ấy quá đó thôi. Biết làm sao bây giờ. Chuyện đã rồi. Ai cũng có phần số cả. Xin cứ nghĩ như vậy đi để tự an ủi mình. Phải không? Phải không bác sĩ Trọng?

Cả một quá khứ xa xôi gần như mất hút vào quên lãng đang cuồn cuộn quay về trong trí tưởng của Trọng. Anh hoàn toàn bị chìm ngập trong hồi ức dài đăng đẳng trong suốt hơn 20 năm, đầy dẫy những hồi tình tự và bi tráng của cuộc đời. Vào khoảng tháng giêng 76, sau hơn nửa năm thống nhất đất nước, họa sĩ Nguyễn Minh mới đến thăm nhạc phụ của anh, nguyên chánh án Trương Tự, mặc dù hai người trước năm 1954 đã là bạn chí thân. Họ thân nhau, cho đến nỗi hai người trở thành anh em bạn cột chèo. Ấy thế mà, đợi mãi sau khi thống nhất hơn nửa năm, hai anh em mới chịu nhìn nhau, mới chịu bắt tay nhau. Như vậy, phải biết họ thủ thế với nhau đến mực nào. Trong buổi tái ngộ này, lúc đầu hai người còn e dè, chỉ nói về quá khư xa xâm, thời trước 45, thời ‘tiền cách mạng’,thời còn học ở Collège Louis Le Grand ở Paris, Ecoles des Droits, Ecoles Des Beaux Arts ở đâu đó bên Pháp, Sài Gòn hay Hà Nội… Sau vài tuần rượu Cognac, tình nghĩa có vẻ đậm đà tình tự hơn.

- Như anh biết đấy, họa sĩ Nguyễn Minh mở đầu tình tự, tôi và bà Quới ly dị hồi năm 52, anh là anh rể của bà, anh biết, vì tánh lang chạ của bà ấy. Có điều đau khổ cho tôi là bà ngoại tình với những thằng bạn giàu có của tôi, luật sư, bác sĩ, những thằng Quan, thằng Tế…Tôi không để con tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của bà mẹ xấu xa và vô luân như vậy, tôi nhất quyết cổng con tập kết ra Bắc năm 1954. Ra đến ngòai Bắc rồi… nói đến đây, ông ngó trước ngó sau, nói thật nhỏ: “mình mới vỡ mộng”!

- Vì ‘ngoài đó’ nghèo quá phải không?

- Nghèo thì đã đành! Mình không thể trách họ. Đồng bào Miền Bắc lạnh nhạt với người Miền Nam tập kết ra Bắc. Nói thẳng ra là họ không ưa. Mà họ không ưa là phải, vì họ tưởng lầm bọn này là bọn bần cố, bọn vô sản bọn vô học, họ phải oằn lưng ra mà nuôi bọn này. Họ cũng sợ mình ăn hết phần ăn của họ. Mặc dầu phần ăn của họ chỉ toàn cơm độn ngô và khoai. Anh biết, tôi phải phấn đấu biết chừng nào! Hai cháu còn nhỏ, nhưng cha con tôi đâu được mấy ngày ở chung. Các con phải đi ở tập thể. Buồn chỉ biết đi ăn thịt chó uống rượu đế. Công tác của tôi lúc đó là dạy hội họa tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Vài năm sau, tôi được giới thiệu với một cô phó tiến sĩ, du học ở Liên sô về. Ban đầu chúng tôi hiểu lầm nhau, nghĩ chỉ lấy nhau tạm bợ. Nhưng sau, đầu ấp tay gối với nhau, mới hiểu được nhau, bà cũng là con nhà quyền quý cũ xưa của đất Thăng Long, bà mới tìm đến tôi. Từ đó bà thật sự là bạn đời của tôi, chia sẻ tất cả sự nhọc nhằn trong cuộc đời của nhau. Bà chuyên dạy Nga văn. Sau 3 năm ăn ở chúng tôi có một cháu trai. Cái khổ là tôi không phải là đảng viên. Theo cách mạng mà không là đảng viên, nhất định họ không tin mình. Họ xem mình như kẻ ‘đồng sàng dị mộng’. Các con tôi theo học Trường Miền Nam.. À! Anh Hai biết không? Thằng Phạm ngọc Thu, luật sư, Thành phần thứ ba. Gia đình dòng họ của nó là dân Tây. Nó là dân Tây tử trong máu! Năm 1970, Phạm ngọc Thu là đại diện cho Thành phần thứ ba, nó cùng một nhóm từ Pháp được mời đến thăm Hà Nội. Nó được chính phủ Hà Nội tiếp đón long trọng. Nghĩ tình bạn cũ xưa, đồng hương người Sài Gòn, và theo chính sách của chính phủ, tôi mời nó về nhà. Mua hoa hồng tiếp đón nó long trọng. Nghe nó nói về tình trạng khó khăn của Miền Nam, mà cảm động. Thành phần thứ ba là thành phần yêu nước chân chính nhất của miền Nam có truyền thống chống Mỹ Diệm. Say mê, cả bọn tôi nghe nó. Hà Nội lúc ấy có bao nhiêu hoa hồng chúng tôi cũng mua cho nó. Nhà có bao nhiêu rượu quý Trung Quốc bạn bè đều đem ra hầu nó. Năm ngoái tôi về, tôi mới hay là nó lấy bà Quới và ăn ở với bà ấy từ năm 1961. Thằng chó đẻ! Mình đi tập kết, nó ở lại, nó ‘lấy’ vợ mình mà lãnh đạo yêu cầu mình phải thiết đãi nó nồng hậu. Đụ mẹ! Bọn làm chánh trị, một phường lưu manh!

Cụ chánh án Trương Tự, ngã ngửa ra cười:

- Sự thật thì không phải hoàn toàn giống như ‘toi’ nói. Thằng Thu với dì Quới chỉ là những kẻ kết hợp làm ăn với nhau. Họ chỉ là những ‘partners’, Quới là con “poule de luxe” của Sài Gòn trong mấy chục năm nay. Dì Quới qua trung gian của Luật sư Phạm ngọc Thu, chỉ giao du với bọn tài phiệt, bọn Tối cao pháp viện, bọn bộ trưởng, bọn nghị sĩ và các tướng tá. Sự thật, dì Quới cần vàng ,vàng và vàng…Luật sư Phạm ngọc Thu, nó có vợ và ba con, nó lui tới với dì Quới như một partner…

- Như vậy, có nghĩa la nó là thằng ‘ma cô’?

- Oh! Đúng vậy!

- Mà nó lại là đứng đầu tổ chức Thành phần thứ ba của Miền Nam?

- Thành phần thứ ba, thứ Tư gì đó, là của tụi ‘toi’ và cộng sản nhào nặn nên, trong này có ai nhìn nhận bọn đó đâu. Ai cũng biết luật sư Phạm ngọc Thu hợp tác với Hà Nội làm chuyện nhảm nhí đó, nhưng không ai thèm để ý đến nó, vì chính quyền ai cũng biết nó là thằng ma cô trí thức. Còn chuyện thằng Thu đi Tây, đi Mỹ, đi Tàu, đi Hà Nội …là chuyện thường, nó là thằng Tây, nó có quốc tịch Pháp từ trong bụng mẹ. Ai chi cho nó, thì nó cứ đi và hưởng. ‘Toi’ thấy không, 30 tháng 4 nó nhảy đi Mỹ dễ dàng. Mặc dầu thằng anh nó, thằng Thảo, bị Mỹ giết. Tụi nó là “double, triple agents”! Có nhiều kẻ đã phải muối mặt, đắng cay nhìn nhận tụi nó là phe của họ. Thật sự thì anh em thằng Thu, thằng Thảo, chẳng phải là phe phái của ai cả, tụi nó chỉ có địa vị, danh vọng vàng và vàng…‘Toi’ thấy anh em nó có đứa nào chịu từ bỏ quốc tich Pháp đâu?

Đang mãi mê với ký ức của mình, bác sĩ Trọng chợt nghe Ngọc Tới, lớn tiếng hỏi bà dì Quới:

- Thưa má, trong 20 năm Ba và hai con tập kết ra Bắc, ngày gặp lại má, ba con đến định ôm hôn má cho thỏa lòng mong nhớ. Má xô ba con ra. Má chỉ thẳng vào mặt ba, má nói một câu cay đắng. Má còn nhớ má nói những gì không má?

Bác sĩ Trọng thấy mặt bà dì Quới biến sắc, bà nhìn thẳng vào mặt Ngọc Tới và Diễm Khánh một cách nghiêm nghị, bà nói:

- Tôi không bao giờ quên những gì tôi đã nói, mặc dầu những điều tôi đã nói có thể rất là thô bỉ nhưng rất thật, nhất là những gì tôi đã nói với cha của các chị! Ông ta quên, ông ta và tôi đã dứt khoát ly dị hối 1952. Ông đâu có quyền sàm sỡ với tôi như vậy! Tôi có nói với cha của các chị lúc ấy: “Mặc dầu, trong suốt 20 năm qua tôi là con đĩ Sài Gòn, con poule de luxe của Sài Gòn đây! Nhưng anh phải biết không bao giờ tôi đưa đít cho những thằng cộng sản, những thằng chạy theo cộng sản như anh cả! Anh và đồng bọn của anh đừng có hòng! Người dân miền Nam này đã mở mắt ra rồi ”. Ngừng một chập, bà nhìn Ngọc Tới, Diễm Khánh và chị Xuân Tường, bà dịu giọng, mặc dầu trông bà còn giận dữ, bà nói tiếp:

- Cha của các chị không thể nào chiến thắng được tôi đâu! Mặc dầu ông ta đã nhiều lần quì dưới chân tôi sám hối.!..Các chị nhìn bác sĩ Trọng. Biết bao là thao thức và trăn trở sau 4 năm ở lại làm việc với Cộng sản, rồi cũng bị bọn chuyên chính phản bội. Cuối cùng cũng phải cổng vợ cổng con ra đi. Các chị biết người anh rể của mình và chị Xuân Tường quá mà!.. Tôi xin lỗi các con các cháu, bác sĩ Trọng, tôi đã nói sự thật, mặc dầu đó là sự thật cay đắng, não nùng cho số kiếp của tôi. Dù sao đi nữa, Ngọc Tới, Diễm Khánh là con của tôi và anh Minh, tôi nguyện với anh Minh tôi luôn luôn gìn giữ bảo vệ các con các cháu trong vòng tay của tôi. Mẹ lúc nào cũng yêu thương các con. Tôi xin lỗi bác sĩ Trọng, tôi đã nói chuyện gia đình riêng tư của chúng tôi trước sư hiện diện của bác sĩ và Xuân Tường.