Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Ngày tàn của ông A

FRIEDRICH DÜRRENMATT

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

clip_image001

A

B                     C

D                     E

F                     G

H                      I

K                      L

M                     N

O                     P

Cái hung bạo trong phản ứng của A trước sự việc nặng nề và lố bịch vừa xảy ra ít làm N ngạc nhiên vì những kiểu tấn công nóng nảy của thủ trưởng vĩ đại A hơn là khía cạnh tuyệt nhiên không suy nghĩ trong tấn công, tựa như A không muốn tấn công chính xác một người nào, mà là bất cứ ai, tấn công vì thích tấn công thôi. Những mũi nhọn dữ dội của ông có chỗ khó hiểu là chúng không nhắm vào F, G hay K, mà nhắm vào C, lại là người có công với ông nhiều nhất, bởi lẽ làm thế nào A có thể sử dụng quyền lực nếu không có sự tiếp tay của Trưởng ngành Mật vụ? Thế mà giờ đây ông đột ngột trách cứ ông này đã bắt O không có sự đồng ý của ông, và ra lệnh ông này phải phục hồi cho ông Bộ trưởng Bộ Nguyên tử nếu còn kịp, bởi vì chắc hẳn ông ta đã bị bắn đúng theo cách hành động của C. Hơn thế: A đòi ông Trưởng ngành Mật vụ viết đơn từ chức gửi cho ông. Một cuộc điều tra tường trình về những khuynh hướng lệch lạc của ông này dù sao cũng đã khởi sự từ lâu. «Ta sẽ cho bắt anh ngay bây giờ», A đột ngột gào lên, rồi ông bắt đầu hét trong điện thoại nội bộ để gọi viên đại tá vào. Im lặng như tờ. C tỉnh bơ. Cả phòng họp chờ đợi. Những giây phút trôi qua. Chẳng có đại tá nào vào. «Tại sao tên đại tá không vào?» A gầm lên và hướng về phía C. «Bởi vì chúng ta đã cấm ông ta xuất hiện vì bất cứ lý do gì», Trưởng ngành Mật vụ trầm tĩnh vặn lại. «Cứt ỉa!», A đáp lại, cũng trầm tĩnh như thế. «Anh tự làm mình bị kẹt rồi», ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nghĩ cần phải nói thêm, vừa vén tay chiếc áo vét may đúng kích thước lên, «chính anh đã ra lệnh cho ông đại tá», – «Cứt ỉa», A lại lẩm bẩm lần nữa, rồi ông vỗ vỗ cái ống vố để dốc hết thuốc ra, mặc dù thuốc còn đầy, móc trong túi ra một cái ống vố khác, một cái Dunhill uốn cong và cẩn thận nhét đầy thuốc vào trước khi châm lửa. «Tôi xin lỗi anh, anh C», rốt cuộc ông nói. «Coi kìa, đâu có gì», cái bàn đạp của Nhà nước vừa trả lời vừa cười mỉm, và đến đây thì N biết là A đã thua cuộc. Tựa như một con cọp quen đánh nhau trong rừng rậm đột nhiên thấy mình bị một đàn trâu dữ bao vây. A không còn có vũ khí nào nữa. Ông trần trụi. Lần đầu tiên N không còn nhìn thấy nơi ông một con người bí ẩn, một bậc thiên tài, một siêu nhân, mà là một kẻ cầm quyền, đơn giản chỉ là một sản phẩm của môi trường chính trị của mình. Sản phẩm được giấu kín sau hình ảnh một con người khổng lồ nông dân gia trưởng mà chúng ta thấy trưng bày trong mỗi tủ kính, treo cao trong mỗi văn phòng, chiếu lên màn ảnh trong mỗi phim thời sự, đứng dự duyệt binh, thăm viếng các cô nhi viện và các nhà dưỡng lão, khánh thành những nhà máy và những đập nước, vòng tay ôm hôn các chính khách và phân phát những huân chương. Đối với nhân dân, đây chính là một biểu tượng yêu nước, một biểu hiện của độc lập và sự vĩ đại của quốc gia. Ông là hiện thân sức mạnh toàn năng của Đảng, ông là đấng tối cao khôn ngoan và nghiêm minh mà những tác phẩm (ông chưa bao giờ tự mình viết) in ra đều được mọi người đọc và thuộc nằm lòng, những tác phẩm mà ý kiến trong bài diễn văn nào đọc ra, bài viết nào soạn thảo trong nước cũng đều phải dựa theo. Nhưng thật ra, A là một người vô danh. Người ta dồn cho ông tất cả mọi đức độ và do đó, đã tước mất cá tính của ông. Trong khi quy ông thành thần tượng chúng ta đã cho ông trọn hết tự do, và ông đã lấy tất cả mọi thứ tự do. Nhưng những tình huống đã thay đổi. Những người gây dựng nên Cách mạng từng là những người cá nhân chủ nghĩa bởi lẽ họ chiến đấu chính là để chống chủ nghĩa cá nhân. Sự căm phẩn thúc đẩy họ, hi vọng nung nấu trong người họ từng là những thứ có thật, họ để lộ những cá tính cách mạng thật sự. Người cách mạng là cái ngược lại một người công chức: họ cố gắng làm công chức, nhưng không làm được. Đấy là những linh mục hoàn tục, những nhà kinh tế rơi vào chuyện say sưa, những người ăn chay cuồng tín, những chàng sinh viên thi trượt, những luật sư không có chính nghĩa, những nhà báo bị sa thải. Họ sống trong những hang thú, từng bị truy hại và bị thảy vào các nhà tù, từng tổ chức những cuộc đình công, những cuộc phá hoại, những vụ mưu sát, từng viết những truyền đơn và những tập sách mỏng in lậu, từng ký kết những quan hệ liên minh chiến thuật với kẻ thù của mình và hủy bỏ những quan hệ đó, nhưng vừa đạt thắng lợi thì cùng lúc với một trật tự xã hội mới, Cách mạng bắt đầu xây dựng một Nhà nước mới mà quyền lực tỏ ra vô cùng độc đoán hơn những thứ quyền lực của trật tự cũ và của Nhà nước cũ. Cuộc nổi dậy của họ đã bị nhận chìm bởi một chế độ quan liêu mới, Cách mạng vấp phải những khó khăn về tổ chức mà các người làm cách mạng chỉ có thể thất bại chính vì lý do họ là những người cách mạng. Đối diện với những người bấy giờ họ đang cần, họ bị tước mất vũ khí. Họ không được đào tạo để đối đầu với những kỹ thuật gia chuyên môn, nhưng thất bại của họ cùng lúc lại tạo ra cái may cho A. Nhà nước càng ngập đầu vì những chuyện quản lý hành chính thì việc gìn giữ cái hư cấu cách mạng càng trở nên cần thiết. Không một dân tộc nào có thể cảm thấy phấn khởi đối với một bộ máy hành chính, càng ít hơn nữa một khi chính Đảng rơi vào bệnh quan liêu. Nơi A, guồng máy khách quan của Nhà nước đã tìm thấy bộ mặt của nó, nhưng ông chủ vĩ đại không hài lòng về cái chức năng thuần túy biểu tượng này: nhân danh Cách mạng, ông bắt đầu tiêu diệt những người cách mạng. Chính như thế mà toàn bộ đội ngũ già – trừ L và Thống chế K – đã bị nghiền nát, và sau tất cả những vị anh hùng Cách mạng ấy, những người kế vị, qua một thời gian, đến lượt họ cũng bị tiêu diệt. Những người làm trưởng ngành mật vụ mà A sử dụng vào những cuộc thanh trừng chính họ rốt cuộc cũng bị thay; chính họ cũng không thoát khỏi tay đao phủ. Và đây chính là điều làm cho A nổi tiếng đến thế. Cuộc sống của nhân dân không tươi đẹp, những thứ cần thiết thường là thiếu, áo quần, giày dép chất lượng tồi, những nhà ở cũ sụp đổ, những nhà mới cũng vậy. Người ta nối đuôi nhau chờ đợi ở các cửa hàng thực phẩm. Cuộc sống hàng ngày xám ngắt. Trước tình trạng nghèo đói này, các viên chức nhà nước hưởng những chính sách ưu đãi gây ra những tiếng đồn quá mức. Họ có biệt thự, xe, tài xế; mua đồ trong những cửa hàng dành riêng ở đó họ có thể mua sắm bất cứ món xa xỉ phẩm nào. Họ chỉ thiếu duy nhất có mỗi một thứ: sự an toàn. Có thế mạnh là một điều nguy hiểm. Nếu quần chúng nói chung, vì cam chịu cảnh nghèo đói và sự bất lực, không có lý do gì để lo ngại, bởi vì họ chẳng có gì, không có gì để mất, thì những người được hưởng chính sách ưu đãi lại phải sống thường trực lo sợ phải mất bởi vì họ có mọi thứ. Quần chúng nhìn những người có quyền leo lên nhờ ân sủng của A, rồi sau đó xuống dốc dưới sự giận dữ của A. Như những khán giả họ chứng kiến cái cảnh tượng đẫm máu người của chính trị. Cảnh rơi đài của một tay có quyền lực không bao giờ xảy ra mà không có một vụ án công khai, không đi kèm một vở hài kịch trịnh trọng trong đó chính công lý cũng lên sân khấu với đầy đủ hoa lá và các bị cáo long trọng đứng lên nhận tội. Đối với quần chúng, họ là những tội phạm mà người ta kết án tử hình, những kẻ phá hoại, những kẻ phản bội; nếu nhân dân nghèo khổ, ấy là do lỗi họ, chứ không phải do chế độ; việc họ bị đánh ngã nhen nhúm hi vọng sẽ có một thế giới lúc nào cũng được hứa hẹn là sẽ tốt đẹp hơn, nó cho phép họ tin là Cách mạng tiếp tục dưới sự lãnh đạo sáng suốt của vị Quốc trưởng vĩ đại, tài giỏi, thiên tài (tuy nhiên lúc nào cũng bị lừa) là ông A.

N vừa rốt cuộc vạch trần cái guồng máy chính trị mà A nắm giữ những tay cần điều khiển. Guồng máy ấy chỉ phức tạp ở vẻ ngoài mà thôi: thực ra, không có cái gì đơn giản hơn. A chỉ có thể giữ nguyên sự chuyên chế của mình nếu các ủy viên Bộ Chính trị gây chiến với nhau. Đối với A, cuộc chiến này chính là điều kiện tạo nên sức mạnh của ông. Chỉ sự sợ hãi mới có thể khích động người này tố cáo những người kia để bảo toàn ân huệ của A. Bởi thế nên trong Bộ Chính trị, chúng ta luôn luôn chứng kiến cảnh đối đầu giữa những bộ phận, như bộ phận chung quanh D, có khuynh hướng bảo tồn quyền lực và những bộ phận khác, như bộ phận chung quanh G, chỉ nghĩ đến việc đẩy Cách mạng đi xa hơn. Quan điểm ý thức hệ của A về mặt này bí hiểm khó hiểu đến nỗi mỗi bên trong hai phe nhóm nói trên cứ nghĩ là mình đang hành động nhân danh ông. Chiến thuật của A là tàn bạo, và đó cũng là cái dần dà theo thời gian làm cho ông trở nên khinh suất. Ông chỉ đóng vai ông cách mạng khi nào ông thấy việc ấy có lợi cho mình: ông chỉ quan tâm đến quyền lực. Ông chỉ thống trị được khi ông sắp đặt cho mọi người chống nhau, nhưng lại cứ tưởng là mình an toàn. Thế có nghĩa là ông quên mất trong Bộ Chính trị ông không còn việc gì phải giải quyết với những người cách mạng có lòng tin vững chắc, là những người trước những vụ án trình diễn vô cùng ngoạn mục thường vẫn tự thú nhận là có tội chỉ vì họ còn nghĩ thà mất mạng mà còn giữ được lòng tin vào tinh thần Cách mạng. Thế có nghĩa là ông quên mất bao vây quanh mình là những con người khao khát quyền lực, đối với họ ý thức hệ của Đảng chỉ còn là một phương tiện gây dựng sự nghiệp. Sau cùng thế cũng có nghĩa là ông quên mất ông đã tự cô lập, bởi sự sợ hãi không chỉ chia rẽ mà thôi: nó cũng biết kết chặt, là định luật giờ đây đang quay trở lại chống A. Ông bỗng thấy ra mình quả là vụng về như một tay tài tử đứng trước mặt những nhà chuyên nghiệp về quyền lực. Trong khi tìm cách gạt bỏ Bộ Chính trị để gia tăng thêm nữa sức mạnh của riêng mình, ông đã thách thức tất cả các ủy viên của nó; trong khi trách cứ ông Bộ trưởng Bộ An ninh đã bắt O, ông lại thêm cho mình một kẻ thù. A đã mất hết bản năng nhờ vào nó mà ông đã thống trị được lâu đến như vậy; guồng máy quyền lực đã quay lại chống ông. Nhưng ông cũng còn trả giá cho sự quá đáng riêng tư của mình, với những hành động từng phải đợi đến bây giờ mới được trả thù, lý do là bởi thời điểm trả thù chưa đến mà thôi. A là một kẻ thất thường. Ông đã dùng hết quyền lực của mình một cách ngu ngốc, ban ra những mệnh lệnh cố tình làm xúc phạm người khác, những ham muốn của ông lố bịch và thô lỗ, phát xuất từ sự khinh bỉ của ông đối với người, mà cũng từ cái kiểu khôi hài quá lố của ông, ông thích những kiểu pha trò ác độc, nhưng không ai thưởng thức nổi, ai cũng ghê sợ và chỉ thấy ở đó những lối tấn công nham hiểm. N không sao không nghĩ lại một giai đoạn hẳn là đã xúc phạm nặng nề D, là ông Bí thư Đảng đầy quyền lực. N cứ tưởng tượng thế nào cũng có ngày D trả đũa. D chưa bao giờ quên một sự làm nhục nào, và ông biết chờ đợi. Dịp trả thù hẳn là đã đến với ông. Đấy là một câu chuyện hài hước và ngông cuồng. Ngày hôm ấy, con lợn lòi nhận được mệnh lệnh làm ông ngơ ngác là tập họp các nữ nhạc công để trình diễn trần truồng nhạc khúc dành cho tám nhạc công của Schubert***, trước mặt A. D lúc bấy giờ, giận điên lên trước cái lệnh ngu ngốc ấy nhưng lại quá hèn nhát không dám từ chối, chỉ còn cách đem bàn với bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, đến lượt bà này, cũng nhục nhã và hèn nhát không kém, đã phải nhờ cậy đến các trường cao đẳng âm nhạc và các nhạc viện. Tất nhiên thỏa hiệp đưa ra là thân hình các cô phải ngon lành ngang với trình độ chuyên môn về nhạc. Hậu quả là những cơn suy sụp và thảm họa, những cuộc khủng hoảng đầm đìa nước mắt, những cơn điên. Một nhạc sĩ trung hồ cầm có tài hơn cả đã tự tử; những cô khác trái lại tranh nhau để giành chỗ thì bị đánh giá là xấu quá; người ta rốt cuộc vẫn cứ tập trung được một ban nhạc, chỉ có mỗi nhạc sĩ thổi basson là vẫn chưa tìm ra được. Con lợn lòi và nàng thơ của Đảng đã cầu cứu đến ông Bàn đạp của Nhà nước. C chỉ cần ngoáy một cái là lôi ra được một cô rực rỡ có cặp mông hoành tráng trong một nhà trừng giới và đã đưa cô về huấn luyện ở nhạc viện Quốc gia, ở đây con người lộng lẫy hoàn toàn không có chút ý thức gì về âm nhạc đã được người ta dùng một cách luyện phi nhân để nhét vô đầu cái phần bè viết cho basson của nhạc khúc dành cho tám nhạc công tội nghiệp kia, trong khi những cô khác vẫn diễn tập đến cùng. Và cái ngày quan trọng ấy đến, các cô gái ngồi trần truồng bên trong thính phòng lạnh buốt của Nhà hát Philharmonie, chịu rét ôm chặt nhạc cụ vào thân thể mình. Ở hàng ghế đầu của dàn nhạc, khoác áo choàng lông thú, gương mặt bất động: D và M đang đợi A. Nhưng ông này sẽ không đến. Thay vào đó cả trăm con người vừa câm vừa điếc đột nhiên tràn vào cái không gian muốn sụp đổ vì mấy thứ đồ trang trí kiểu baroque, họ ngấp nghé nhìn với cái vẻ sửng sốt và dâm dục các cô gái bấy giờ đang tuyệt vọng kéo cò cưa và chu miệng thổi. A hẳn là thích thú như điên về buổi hòa nhạc ấy trong buổi họp sau đó của Bộ Chính trị, khi ông mắng D và M là đồ ngu vì đã tuân theo một thứ mệnh lệnh ngốc nghếch như thế.

Giờ của D rốt cuộc đã đến. Cái rớt đài của ông A có một khía cạnh nhẹ nhàng, khách quan, dễ dàng, hầu như mang một vẻ quan liêu. Con lợn lòi ra lệnh khóa cửa phòng. Ông tượng đài đứng lên một cách khó nhọc, trước tiên ông khóa cánh cửa sau lưng ông đánh giày và ông trẻ hơn trong hai ông Gin-fizz Khan, rồi đến cánh cửa sau lưng ông sùng uống trà và ông Nữ diễn viên ba-lê. Tiếp đó ông ném chìa khóa lên bàn, giữa con lợn lòi và ngài Thanh xuân. Ông tượng đài ngồi xuống lại. Một vài ủy viên Bộ Chính trị trước đó đã đứng bật dậy khỏi ghế như là để giữ ông tượng đài lại nhưng không có đủ can đảm làm, đến lượt họ cũng ngồi xuống trở lại. Mọi người đều nhìn chăm chăm vào cái cặp của mình, mắt cúi xuống mặt bàn. A nhìn hết người này đến người kia, rồi ngửa người ra ghế và rít một hơi trên ống vố. Ông đã bỏ cuộc. Con lợn lòi tuyên bố là buổi họp tiếp tục. Ông này có vẻ như thích thú muốn biết, rốt cuộc, ai đã ra lệnh bắt O. Cái bàn đạp của Nhà nước trả lời chuyện này chỉ có thể là do ông A bởi vì O không có tên trong danh sách của chính ông. Vả chăng ở cương vị là Trưởng ngành Mật vụ, ông không thấy có lý do gì phải bắt một nhà bác học đãng trí đáng thương như ông O. O là một nhà chuyên môn, vậy có nghĩa là một con người không thể thay thế được; một Nhà nước hiện đại cần những nhà khoa học nhiều hơn là một nhà tư tưởng, ngay cả ông sùng uống trà cuối cùng cũng hiểu điều này. Cái người duy nhất có thể dứt khoát không bao giờ hiểu điều này, đó là A. Trưởng ban Tư tưởng không chút dao động. «Danh sách!», ông nói bằng một giọng lạnh lùng, «chúng tôi sẽ xét rõ hơn». Cái bàn đạp của Nhà nước mở cặp của mình, đưa một tờ giấy cho Ngài Thanh xuân, ông này sau khi xem xét nhanh, đẩy nó về phía ông sùng uống trà. Ông sùng uống trà xanh mặt. «Tôi có tên trong danh sách», ông thì thầm nhỏ nhẹ, «tôi có tên trong danh sách, thế mà tôi lại là một người cách mạng luôn đi theo đường lối của Đảng. Tôi có tên trong danh sách», và đến đây, thì đột nhiên, ông sùng uống trà bắt đầu hét to: «Tôi từng là người trung thành nhất với đường lối của mọi người ở đây, và bây giờ người ta đang muốn bắn tôi. Như một tên phản bội!» D vặn lại cụt ngủn rằng đường lối thực ra là đã bẻ cong rồi. Ông sùng uống trà đưa danh sách qua cho ông Nữ diễn viên ba-lê, ông này rõ ràng không thấy có tên mình, bèn lập tức chuyển qua cho ông tượng đài. Ông này nhìn danh sách với một vẻ sửng sốt, đọc đi đọc lại nhiều lần để rồi rốt cuộc kêu lên: «Tên tôi không có ở đây, tên tôi không có ở đây. Hắn còn không thèm thanh toán tôi nữa, thằng đểu, tôi, một tay Cách mạng kỳ cựu!» N lướt qua danh sách: tên ông không có ở đấy. Ông đưa qua cho Trưởng ban Tổ chức Thanh niên. Anh chàng mờ nhạt nhiệt tình của Đảng đứng lên vẻ nhớn nhác như học trò đi thi, đưa tay lau cặp kính cận và ấp úng nói : «Tôi được cử làm Tổng Kiểm sát.» Mọi người phá ra cười. «Ngồi xuống đi cậu», con lợn lòi dịu dàng nói, trong khi tên đánh giày thì nói chêm vào dù sao thì ta cũng sẽ không thịt một thằng bé trung hậu như thế này. P ngồi xuống lại và lấy bàn tay run chìa tờ giấy qua bàn đưa cho nàng thơ của Đảng. «Tên tôi có ở đây», bà này vừa nói vừa đẩy tờ giấy về phía ông già hơn trong hai ông Gin-fizz Khan, nhưng vì ông này đang ngủ gà ngủ gật, ông đàn em cầm thay cho ông. «Thống chế H không có tên trong đây», ông ta nói, «nhưng tôi thì có», và đưa tờ giấy qua cho tên đánh giày. «Tôi cũng thế», cả tên đánh giày và con lợn lòi gần như đồng thanh thêm vào. Tiếp đó quan hoạn là người sau cùng nhìn tờ giấy. Ông chỉ nói «không có» và trả danh sách lại cho ông bàn đạp của Nhà nước. Trưởng ngành Mật vụ xếp tờ giấy lại cẩn thận và cất nó vào cái cặp của mình. Ngài Thanh xuân xác nhận là O quả thật không có tên trong danh sách. «Thế thì tại sao A lại bắt giam ông ấy?» ông Nữ diễn viên ba-lê ngạc nhiên đưa mắt nhìn chăm chăm vào ông bàn đạp của Nhà nước với một vẻ ngờ vực. C, nói thật, chẳng biết chút gì về chuyện này. Vụ O bị ốm đơn giản chỉ là một giả thiết ông đưa ra mà thôi; dù sao A là người không phải báo cáo với ai. «Tôi không hề cho bắt O», ông nói. «Thôi khỏi có bày chuyện nữa», ông trẻ hơn trong hai ông Gin-fizz Khan tàn nhẫn nói tạt vào mặt ông, «ông ấy sẽ đến đây». Mọi người đều im lặng: A, vẻ điềm tĩnh, rít một hơi trên ống vố của mình. «Chúng ta không thể lùi được nữa», nàng thơ của Đảng lạnh lùng lưu ý bằng cách nhắc lại bản danh sách. Ông A, tuy không tìm cách chống chế, nhưng cũng bẻ lại là danh sách kia đã được thảo ra chỉ để dùng trong trường hợp bất khả kháng. Vừa trầm tĩnh hút thuốc y như mạng sống của mình không có gì đáng phải lo, ông nói thêm rằng danh sách ấy được thiết lập đích xác là để phòng trường hợp Bộ Chính trị chống lại việc nó bị giải thể. – «Thì đây đúng là trường hợp ấy», ông sùng uống trà kết luận ngắn gọn, và nói đến đấy, quan hoạn phá ra cười. Tên đánh giày xổ ra một câu tục ngữ muôn thuở của mình, đại loại như sét cũng đánh vào nhà anh nông dân giàu có nhất; con lợn lòi hỏi có ai đứng ra xung phong hay không. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông tượng đài. Ông tượng đài đứng dậy. «Các người muốn tôi thủ tiêu ông ta», ông nói. «Anh chỉ việc treo ông ta ngoài cửa sổ», con lợn lòi trả lời. «Tôi không phải là một tên đao phủ như các người», ông tượng đài trả lời, «tôi là một anh thợ rèn lương thiện và sẽ giải quyết công việc theo cách tôi». Ông tượng đài lấy cái ghế của mình và đem đến đặt ngay giữa chỗ còn trống ở cuối bàn và cửa sổ. «A, anh lại đây!» ông ra lệnh bằng một giọng trầm tĩnh. A đứng lên. Ông vẫn có vẻ thoải mái và vững vàng như mọi khi. Khi đi xuống phía cuối bàn, ông vấp phải ông sùng uống trà vì ông này dựa cái ghế của mình vào cánh cửa sau lưng. «Xin lỗi», A nói, «tôi nghĩ là tôi phải đi ngang qua đây». Ông sùng uống trà đẩy cái ghế tới trước để A đi qua, và ông này đến chỗ ông tượng đài. «Anh ngồi xuống», ông tượng đài ra lệnh. A nghe theo. «Anh đưa cho tôi cái thắt lưng của anh, anh Chủ tịch», ông tượng đài nói. Ông Gin-fizz Khan già thi hành lệnh một cách máy móc mà không hiểu ông tượng đài sẽ làm gì. Những người khác lặng lẽ dán mắt vào khoảng không, không buồn nhìn nữa. N nhớ đến lần sau cùng Bộ Chính trị xuất hiện trước công chúng. Ngay giữa mùa đông. Mọi người đem chôn «con người không thể biến chất», một trong những gương mặt lớn của Cách mạng. Con người không thể biến chất ấy từng đứng đầu trong Đảng sau khi ông tượng đài bị hạ bệ. Rồi sau đó chính ông ta cũng bị thất sủng. Con lợn lòi đã loại ông ta ra ngoài. Thế nhưng A không đưa con người không thể biến chất ra xử như với những người khác. Sự hạ bệ ông ta còn tàn bạo hơn. A đã cho tuyên bố ông ta bị điên và đem nhốt trong một bệnh viện tâm thần nơi các bác sĩ đã để ông sống lây lất trong nhiều năm trước khi cho ông chết. Tang lễ của ông vì thế mà trọng thể hơn bình thường. Toàn bộ Bộ Chính trị trừ mỗi nàng thơ của Đảng đã khiêng chiếc quan tài phủ cờ Đảng qua khắp nghĩa trang quốc gia, giữa những ngôi mộ nhạt nhẽo, những pho tượng đá cẩm thạch phủ đầy tuyết. Mười hai con người quyền lực nhất của Đảng và Nhà nước phải giẫm lên tuyết mà bước. Ngay cả ông sùng uống trà cũng đã mang giày ống. A và quan hoạn vác phía trước quan tài lên vai; N và ông tượng đài thì mang đầu kia, đứng sau mọi người. Tuyết bấy giờ rơi từng nụ bông từ trên bầu trời trắng toát. Giữa những ngôi mộ và chung quanh cái hố để mở, các viên chức mặc áo măng tô và đội mũ lông thú ấm dàn thành hai hàng rào chật ních. Vào giây phút quan tài được đưa xuống hố, giữa tiếng nhạc bài ca ngợi Đảng do một đội kèn đồng bị ướp lạnh ngoài trời biểu diễn, ông tượng đài thì thầm: «Chết mẹ, thằng tới đây là ta rồi.» A không, thằng tới đây là A. N ngước mắt lên. Ông tượng đài đang quàng cái thắt lưng của ông Gin-fizz Khan già quanh cổ ông A. «Sẵn sàng?», ông hỏi. «Rít thêm ba hơi thuốc nữa», A trả lời, và ông rít ba lần trên ống vố của mình, không hấp tấp, đoạn ông đặt cái vố Dunhill uốn cong lên bàn. «Sẵn sàng», ông nói. Ông tượng đài siết cái thắt lưng. A không phát ra một tiếng nào, người ta chỉ thấy thân mình ông chồm lên, hai cánh tay ông hơi đập đập trong không khí, rồi ông ngồi yên bất động, đầu ngã ra sau, miệng há hốc: ông tượng đài đã lấy hết sức mình siết mạnh cái thắt lưng. Hai con mắt A đứng yên. Ông già hơn trong hai ông Gin-fizz Khan bắt đầu đái nhưng lần này không ảnh hưởng đến ai. «Đả đảo những kẻ thù bên trong Đảng, lãnh đạo thiên tài A muôn năm!», ông la lên. Sau năm phút ông tượng đài mới buông dây. Ông đặt cái thắt lưng của ông Gin-fizz Khan già ngay bên cạnh ông vố Dunhill trên bàn và trở về ngồi vào chỗ của mình. A ngồi chết bất động trên ghế ngồi của ông trước cửa sổ, mặt ngửa lên trần nhà, hai cánh tay trơ ra. Mọi người im lặng nhìn ông. Ngài Thanh xuân đốt một điếu thuốc lá Mỹ, rồi một điếu thứ nhì, rồi một điếu thứ ba. Họ yên lặng như thế khoảng mười lăm phút để chờ đợi.

Có người cố mở từ bên ngoài cánh cửa ở giữa F và H. D đứng dậy, ông tiến lại gần A, xem xét ông này cẩn thận, sờ nắn lên mặt ông ta. «Ông ta chết rồi», sau cùng ông nói, «E, anh đưa cái chìa khóa cho tôi». Ông Bộ trưởng Ngoại thương đưa chìa khóa cho ông, không nói một lời; D mở cửa. Người đứng trên ngưỡng cửa là Bộ trưởng Bộ Nguyên tử O: ông xin lỗi đã đến trễ, ông tính nhầm ngày. Nhưng khi bước đến chỗ ngồi của mình, trong lúc vội vã, O đánh rơi cái cặp và chỉ khi cúi xuống nhặt cặp lên ông mới sững sờ khám phá ra cái xác chết bị thắt cổ của A. «Tôi là Chủ tịch mới đây», D nói, và qua cánh cửa để mở ông gọi viên đại tá. Đại tá đứng chào nghiêm kiểu nhà binh, gương mặt thản nhiên. D ra lệnh cho ông này mang cái xác đi. Viên đại tá trở lại với hai người lính, và chỗ ngồi ở phía cửa sổ bây giờ lại trống. D đóng cửa khóa lại. Mọi người đứng dậy. «Buổi họp của Bộ Chính trị tiếp tục», D loan báo, «chúng ta sẽ thiết lập một chương trình nghị sự mới». Rồi ông ngồi vào chỗ của A. B và C ngồi xuống bên cạnh ông. F ngồi xuống bên cạnh B và E thì bên cạnh C. M qua ngồi bên cạnh F. Sau đó D nhìn N, và theo dấu tay chỉ của ông, N run rẩy ngồi xuống bên cạnh E. Ông trở thành nhân vật thứ bảy của Nhà nước. Bên ngoài tuyết bắt đầu rơi.

B Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quan hoạn

C Trưởng ngành Mật vụ Cái bàn đạp

D Bí thư Đảng Con lợn lòi

E Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Ngài Thanh xuân

F Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Tên đánh giày

G Trưởng ban Tư tưởng Lý thuyết gia của Đảng - Ông sùng uống trà

H Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thống chế - Gin-fizz Khan trẻ

I Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cựu Tổng kiểm sát

K Chủ tịch nước Cộng hòa Thống chế - Gin-fizz Khan già

L Bộ trưởng Bộ Giao thông Tượng đài

M Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nàng thơ của Đảng

N Bộ trưởng Bộ Bưu điện

O Bộ trưởng Bộ Nguyên tử

P Trưởng ban Tổ chức Thanh niên

Sơ đồ các ghế ngồi sau cùng :

            D

 

B                      C

 

F                      E

 

M                     N

 

H                     G

 

K                      J

 

O                     L

 

                        P