Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Một cuộc đổi đời (hồi ký về trại cải tạo)

Tôi có đọc không ít hồi ức về nhà tù Cộng sản các loại (“trại cải tạo” là nhà tù chính thức sau thời kỳ “tạm giam”). Với kinh nghiệm bản thân từng qua 3 loại nhà tù CS khác nhau, tôi thấy hồi ức của Kale khá trung thực, khách quan. Không phải “nhà văn” nhưng quan sát và miêu tả, kể chuyện của tác giả khá thu hút, trước nhất vì… trung thực. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Văn Việt như một tư liệu lịch sử và văn học nên biết.

Hoàng Hưng

clip_image002

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN

Hồi Ký Kale

clip_image004


Giới Thiệu Về Tác Giả KALE:

· Tên thật là Lê Anh Kiệt

· Sinh năm 1945, đã trải qua gần như cả tuổi trẻ trong chiến tranh và tù đày.

· Không có tham vọng viết văn chỉ viết để diển tả những suy nghĩ, những quan sát về thân phận mình và vận mạng đất nước sau những biến đổi thăng trầm của lịch sử.

· Tốt nghiệp trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, từng làm giáo sư Toán Lý Hoá đệ nhị cấp tại các trường trung học tư thục như Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn và Gia Định), Hoàng Gia Huệ (Trung Chánh), Khiết Tâm (Biên Hoà), Trần Hưng Đạo (Tổng Tham Mưu).

· Phục vụ tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH.

· Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đi tù cải tạo của VC cho đến năm 1992.

· Sang Mỹ năm 1993 và hiện định cư ở tiểu bang Indiana.

Về hưu từ năm 2012.

***

Lời Mở Đầu

Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn. Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường! Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy. Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.

Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” – cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -. Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ. Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy! Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước. Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ. Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ. Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.

Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau. Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ.

“Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!

Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng. Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được! Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa. Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.

Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản. Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được. Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.

Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn. Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường. Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta. Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước.

Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh

và những người đã chết trong các trại Cải Tạo.

Gửi tất cả tình thương về mẹ!

KALE

(Trích đoạn hồi ký)

Chương 25

Cuộc Tuyệt Thực

Hai ngày đầu tiên ở trại Tân Lập là hai ngày nghỉ ngơi! Chúng tôi tụ tập nhau để hát nhạc vàng, ăn trưa và tối, tắm giặt và đi rong trong khu A. Chúng tôi không thể ra khỏi khu được vì họ đóng cửa, nhưng chúng tôi có thể đi qua các nhà trong khu để gặp nhau. Cơm nước thì được những phạm nhân hình sự làm trong nhà bếp mang đến nơi. Có vài phạm nhân hình sự làm trong Ban Thi Đua, nhưng họ chỉ đứng ngoài quan sát chúng tôi mà thôi.

Ngày chúa nhật 24 tháng 7 năm 1977, những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi diễn tiến như thường lệ sau khi cửa phòng giam được hai cán bộ đến mở ra, một cán bộ vũ trang và cán bộ trực trại. Trong lúc tôi cùng Tuân, Hạnh và Lộc đang ngồi uống trà tại chổ nằm thì nghe tiếng ồn ào ở ngoài sân. Một nhóm trại viên la hò cổ võ cho việc đánh nhau. Vài thanh niên trong nhóm “Phục Quốc” đánh Thượng, một trại viên thuộc nhóm “tình báo”. Chúng bảo rằng Thượng có thái độ rất là hèn hạ khi nói chuyện với cán bộ trực trại mà lại khoanh tay lại. Kết quả của trận đánh ấy là tay của Thượng bị gãy! Tôi thì không thấy thái độ của Thượng sáng nay ra thế nào, và cũng không biết Thượng có phải là ăn ten hay không dù anh ấy đã ở cùng trại với tôi ngay từ lúc đầu. Thượng không phải là bạn thân của tôi, và anh ta chỉ là một trại viên bình thường như nhiều trại viên khác chọn thái độ “nín thở qua sông” để sống trong trại. Nếu quả thật anh ta có khoanh tay khi nói chuyện với cán bộ trực trại thì tôi nghĩ đó cũng chỉ là một thói quen khi thời tiết miền bắc đang lạnh mà thôi. Những thanh niên “Phục Quốc” là những người yêu nước, tôi không phủ nhận điều này, nhưng họ còn quá trẻ để hiểu biết mọi việc. Sự chống đối VC lại đổ lên đầu của Thượng, đó là một điều rất bất công.

Các cán bộ và ban thi đua vào mang Thượng đi bệnh xá và đóng cửa ở các bức tường ngăn cách các nhà với nhau trong khu A. Trại viên bắt đầu tập họp trong các phòng giam, và tôi nghe giọng đồng ca bản nhạc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” vang lên từ nhà số 2, đó là bài ca tâm lý chiến thường được hát trong những dịp tranh đấu. Vài trại viên từ phòng 2 sang yêu cầu Uyển và Bình tham gia vào. Trong phòng 1 nơi tôi đang ở có khoảng một trăm trại viên chia làm hai đội: đội một và đội hai. Uyển, trại viên từ khu D của trại Thủ Đức làm đội trưởng đội 1 và Bình từ khu C của trại Thủ Đức là đội trưởng đội 2. Ngoại trừ những trại viên đang tắm giặt ở hồ nước, các trại viên còn lại trong phong đều tụ họp nhau và bắt đầu ca nhạc vàng và nhạc tranh đấu.

Khoảng mười giờ, bốn cán bộ vũ trang đi cùng cán bộ trực trại vào khu A để dẫn vài trại viên lên hội trường. Đó là những người đã đánh Thượng vào sáng nay như Tri, Long, Bình, Dũng, và vài người khác mà tôi không nhớ tên. Sau một lúc thì họ thả Long và Dũng về, số còn lại thì đưa đi K1 để biệt giam. Vài người sau này đã chết ở đó, số còn sống thì cũng rất tang thương.

Bửa ăn trưa được các phạm nhân hình sự mang đến phòng ăn như thường lệ, nhưng tôi nghe ai đó ra lệnh không được ăn. Tôi không biết ai đã ra lệnh này, và chẳng trại viên nào dám đi vào phòng ăn vì ai cũng sợ bị đánh như Thượng sáng này! Có lẽ đó là lần đầu tiên mà VC chứng kiến cảnh ấy trong trại. Những cán bộ vũ trang đi chung quanh khu A nhưng không vào trong. Cán bộ trực trại thì vào hỏi Uyển về tình hình đang diễn biến. Vài người lên tiếng yêu cầu thả những người bạn của họ trước khi họ ăn cơm. Cuộc tuyệt thực bắt đầu!

Bài ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” được lập đi lập lại nhiều lần và bắt nhịp bởi những tiếng vỗ tay tạo nên một nhịp điệu kích động.“Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người…Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!” Cái không khí quen thuộc này tôi đã từng nhìn thấy trong những buổi xuống đường của sinh viên được giật dây bởi VC trước kia nay lại đang diễn ra trong một trại cải tạo của VC. Quả là gậy ông đập lưng ông! Ngay cả những bài như “Dậy Mà Đi” hoặc “Tự Nguyện” của VC cũng đã trở thành một vũ khí tranh đấu chống lại chúng. “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà không khốn một lần”, hoặc “Nếu là người, tôi xin chết cho quê hương”. Những lời ca này lại trở thành đúng lúc hơn lúc nào hết.

Tuân, Hạnh, Lộc và tôi ngồi tại chỗ của chúng tôi để uống trà tham gia cuộc tuyệt thực! Bữa ăn chiều không được mang vào và phần ăn trưa thì vẫn nằm nguyên trong nhà ăn. Vào khoảng 6 giờ chiều, cán bộ trực trại và cán bộ vũ trang vào điểm buồng giam như thường lệ. Chúng tôi không đứng ngoài sân để điểm mà ngồi tại chỗ để đếm số thứ tự. Nhạc vàng và nhạc tranh đấu lại được cất lên cho đến nửa đêm mặc dù đèn điện đã tắt sớm hơn mọi ngày. Chúng tôi thay phiên nhau hát. Tôi không thuộc nhiều nhạc, do đó tôi đã ca một bản nhạc tiền chiến tên là “Ghen”. Đó chỉ là bản tình ca. Khoảng nửa đêm, chúng tôi chui vào mùng ngủ vì muỗi quá nhiều. Tôi chìm vào giấc ngủ mệt mỏi với cái dạ dày trống rỗng.

Cuộc tuyệt thực bắt đầu một cách ồn ào và rồi chấm dứt trong lặng lẽ.

Cộng Sản đã cô lập chúng tôi mà không cần cấm đoán những gì mà chúng tôi muốn làm trong vòng rào khu A. Không có một hậu thuẫn nào để làm chổ dựa, không có một tổ chức nào để hướng dẩn, cuộc tranh đấu trông giống như một ngọn lửa nhỏ, bạo phát bạo tàn! Họ chẳng cần đàn áp cuộc chống đối; nó tự tàn lụi lấy. Tôi đã biết trước như vậy và đang chờ đợi những hành động trả đũa của VC tiếp theo sau.

Sáng hôm sau, cán bộ đến để điểm buồng, trại viên ra khỏi phòng giam, nhưng có thêm vài cán bộ vũ trang đi kèm với cán bộ trực trại. Không ai nhắc nhở gì đến cuộc tuyệt thực hôm trước có tiếp tục hay không. Một ngày không ăn và một đêm thức khuya đã khiến mọi người đều đói và mệt. Khi bữa ăn trưa được mang vào nhà ăn, mọi người đều đặt đồ đựng chung

quanh và trại viên trực chia phần cho mỗi người như thường lệ. Cuộc tuyệt thực đã chấm dứt một cách dễ dàng giống như khi nó bắt đầu! Vài người cũng còn tụ tập để hát nhạc vàng, nhưng không còn quy tụ được đông như trước đó. Sau một đêm, tôi nghĩ chắc ai cũng nhận ra được tình trạng nguy hiểm của mình ở trong trại khi không có được một sự hậu thuẫn nào. VC chưa làm gì cả, nhưng tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau này đây. Tôi nghĩ chắc là họ không dễ dàng bỏ qua đâu. Có lẽ họ đã học được bài học diễn ra khi đưa những trại viên đánh Thượng đi, và họ đợi sự kiện lắng dịu lại.

Những trại viên nổi tiếng trong cuộc tuyệt thực đều bị trừng phạt về sau bằng cách này hay cách khác. Một số đã chết trong những phân trại khác và một số lại trở thành ăn- ten còn tồi tệ hơn những người khác !

Trại Viên Nữ.

Đầu năm 1985, sau khi trại vừa hoàn tất cơ bản việc xây dựng bên trong khu trại giam thì chúng tôi được lệnh phải dồn lại nhường hai căn nhà để đón các trại viên mới; đó là những trại viên nữ. Họ gồm khoảng hai trăm người và chia làm ba thành phần. Thứ nhất là các trại viên thuộc dạng “chính trị” gồm nhân viên chế độ cũ và những người bị bắt tham gia các tổ chức chống Cộng sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Thứ hai là các người bị bắt vì vượt biên thất bại hay tổ chức vượt biên và những người không có tội trạng rõ ràng nên bị xử án “tập trung cải tạo”. Thứ ba là những tội phạm hình sự mang trọng tội như cướp của, giết người và mang án tù từ mười năm trở lên.

Hôm ấy tôi đang vẽ bức tranh nền trong hội trường thì các trại viên này được chuyển vào đó để khám xét trước khi cho về phòng giam. Trông họ cũng chẳng khác gì các trại viên khác, cũng dơ dáy luộm thuộm; đặc biệt là đồ đạc của họ rất nhiều và cồng kềnh hơn các nam trại viên. Tôi không thể phân biệt được ai cho đến khi nghe có người gọi nhỏ tên mình, và tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra đó là bà thiếu tá Thủy, nguyên trưởng toán “Thiên Nga” thuộc Cảnh Sát nữ trước đây. Có lẽ Thủy là người nữ trại viên duy nhất thuộc “chế độ cũ” bị giữ lại sau gần mười năm cải tạo!

Cũng vào đêm hôm trước đó, trong một trò chơi “bói Kiều” với các bạn trong phòng giam, tôi đã bắt trúng một câu là: “Ở đây âm khí nặng nề, bóng chiều đã ngã, dặm về còn xa! “ Ở trong trại giam mà lại bắt trúng câu ấy thì quả thật là “bất hạnh!” “Bóng chiều đã ngã”; thời gian ở tù đã chín muồi rồi, đã dài đăng đẳng rồi, thế mà “dặm về còn xa”; đường về còn quá xa xôi, vẫn còn phải ở tù tiếp! Riêng hai chử “âm khí” thì chúng tôi chỉ đoán là nó ám chỉ đến những oan hồn uổng tử đã chết trong trại vẫn còn vất vưởng đâu đây chứ không hề nghĩ đến những người nữ tù sắp chuyển đến trại!

Trong số các trại viên nữ này tôi muốn nói một ít đến một thành phần được lãnh một cái án rất “kỳ khôi” của Cộng Sản, đó là án “tập trung cải tạo”. Cũng như những nam trại viên, ngoài những thành phần của “chế độ cũ” thì còn có những người không có một tội danh rõ ràng và không thể có bằng chứng xác thực để kết án, VC đã ban cho họ một cái án “tập trung cải tạo” và chỉ được tha ra khỏi trại khi đạt được “tiến bộ”. Có những người được ghép những tội danh rất lạ lùng như “âm mưu lật đổ chính quyền”, như “tình nghi vượt biên”, cũng có những người không có tội danh gì mà chỉ là những gái mãi dâm bị bắt trong những vụ càn quét và rồi bị tù thật lâu với cái án “tập trung cải tạo”. Một thí dụ điển hình là trường hợp của Thoáng, một cô gái bị bắt vào năm mới mười sáu tuổi. Anh rể cô ấy ăn cướp trên tàu hỏa bị bắt và bị kết án mười năm, được thả ra sau bảy năm tù. Người chị bị kết án ba năm vì lưu trử tang vật. Thoáng thì không có tội danh gì mà chỉ là người ở chung nhà với cô chị nên bị kết án “tập trung cải tạo” và được thả ra năm 1986 sau mười năm tù! Quả là sự “ưu việt” của chế độ Cộng Sản!

Hai dãy nhà 1 và 2 ở khu B, phía bên phải hội trường nhìn từ cổng vào được rào riêng ra dành cho các trại viên nữ. Đầu tiên thì họ cũng được biên chế vào các đội đi làm nông nghiệp như đa số các trại viên ở trong trại. Lúc ấy thì trại đang trồng hai loại nông sản chính là mía để cung cấp cho lò đường và ớt để xuất khẩu.

Sau khoảng hai tháng thì Nhu cho thành lập xưởng may để may đồng phục tù cung cấp cho các trại cải tạo trong cả nước và xử dụng hai đội nữ để may. Nhu tách riêng một phần của khu cơ quan nơi từng là nhà ở của các cán bộ độc thân ra để làm xưởng may. Tường bao quanh khu xưởng may được xây sau đó và trại viên lại phải đào ao xây hồ, làm nhà nổi, xây cầu bắc ngang để đi vào xưởng may. Cứ mỗi lần có những công việc như vậy thì toàn thể trại viên trong trại lại phải đi lao động thêm vào ban đêm và làm cả những ngày chúa nhật. Các đội mộc và xây dựng thì làm và sửa sang nhà cửa; các đội khác thì đào ao, lát đá quanh bờ ao, làm các công viên.

Xây dựng đập thủy điện cho trại là một công trình tốn nhiều công sức của trại viên nhất trong thời gian này.

Dòng suối chảy ngang qua khu vực trại rất nhỏ. Mùa mưa thì bề ngang khoảng hai mươi thước, nước chảy rất siết. Mùa nắng thì nó trông giống như một cái mương nhỏ, nhiều chỗ có thể đi ngang qua được vì nước chỉ tới mắt cá chân. Chỉ có một vài chỗ là có thể tắm được nhưng lại giống như một vũng nước bùn vì mọi trại viên đều được dẫn đến đó để tắm sau giờ lao động.

Khi Nhu ra lệnh làm đập thủy điện thì chúng tôi rất lo sợ vì ở trại không có một công cụ nào để đào đất ngoài mấy cây cuốc hay xà-beng và sức lực của trại viên! Thêm vào đó không có một ai hay một chuyên viên nào biết về việc xây đập thủy điện.

Công việc trước tiên mà trại viên phải làm là nới rộng lòng suối từ chiếc cầu trở lên. Hai người một chiếc ky đan bằng tre để di chuyển đất đá đắp vào bờ, dự kiến là sẽ cách bờ suối cũ khoảng một trăm thước. Số trại viên trẻ và tương đối khỏe hơn thì dùng cuốc, xẻng, hay xà-beng để đào đất. “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm.” Câu “châm ngôn” này của VC đã được áp dụng một cách triệt để. Trại viên còn thêm vào: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, nếu thấy chẳng êm, làm thêm ngày nghỉ!” Thế là tất cả trại viên chúng tôi đều phải thực hiện cho được chỉ tiêu ấy và làm cả ngày lẫn đêm và không có ngày Chúa Nhật hay ngày lễ nào cả!

Đây là lúc mà toàn thể trại viên đều lao động rất vất vã. Người nào cũng thiếu ngủ, thiếu ăn. Chúng tôi có thể ngủ bất cứ lúc nào ở bất kỳ nơi đâu. Một trại viên nào đó đã diễn tả tình trạng ấy trong một bài ca được đổi lời từ một bài hát được nghe gần như hàng ngày trên các đài phát thanh của VC lúc bấy giờ. Bài hát mang tên “Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” đã được đổi thành “Mùa Xuân trên trại Z30D”:

“Mùa Xuân này mẹ đi thăm con.

“Mới biết đường lên Ba Mươi Đê (Z30D)

“30D cuốc đất đào ao, cho con tôi thân xác tiêu điều!

“Mờ sương, năm giờ sáng mẹ xuống xe vô thăm,

“Lúc này con ốm nhom, xanh xao gầy còm.

“Còn cần chi con nói me tường.

“Đường đen trong lon guigoz,

“Lon ruốc xào với bao cơm khô.

“Đây bánh chưng hai cái mẹ mua

“Cho con ăn cho đở đói lòng.

“Và đây hai ngàn rưởi mẹ chắt chiu cho con,

“Cần thì con cứ lấy ra xài.

“Ngày mai me không lên thăm,

“Có ít tiền con lo thân con.

“Bao nhiêu năm trong chốn khổ sai,

“Mong con tôi được sống qua ngày!

“Mùa Xuân trên rừng lá Hàm Tâm xa xôi

“Là mùa Xuân khổ nhất trên đời!”

Việc đào hồ để làm đập thủy điện là một công việc tốn rất nhiều công sức và thời gian, do đó Nhu lựa một số trại viên trẻ và khỏe mạnh để làm thường xuyên, số còn lại thì phải làm những công việc lao động hàng ngày ở trại và chỉ đào hồ vào ban đêm hay ngày nghỉ. Nhân dịp có số nữ trại viên chuyển về trại, Nhu cho thành lập nhóm đào hồ hỗn hợp nam nữ và Nhu thường gọi đó là toán “mũi nhọn xung kích”. Đây là nhóm lao động hỗn hợp nam nữ đầu tiên ở trại. Cũng từ đó, việc “quan hệ nam nữ” bắt đầu diễn ra một cách phức tạp trong trại.

Trong những đêm lao động trên công trình “đập thủy điện”, Nhu thường cho dựng một chiếc lều ở phía trên khu đất tương đối cao và đặt bàn ghế ngồi nghe nhạc, uống trà. Trại viên lao động bên dưới, Nhu và một số cán bộ ngồi bên trên cao để quan sát trông giống như những phim La Mã diễn lại thời đại vua chúa đang trông coi các nô lệ làm các đền đài lăng tẩm. Cũng từ đó, nhạc vàng bắt đầu được nghe một cách công khai trong trại vì Nhu luôn mở băng cát sét nhạc vàng để nghe trong những buổi làm lao động ban đêm.

Một thay đổi khác kể từ khi có các trại viên nữ chuyển đến là đội văn nghệ. Từ trước thì các vai trò nữ trong những vở diễn là do các trại viên nam giả gái, do đó tuồng tích, nhất là cải lương, rất khó tập vì phải chọn những vở có ít nhân vật nữ. Kể từ khi có đội văn nghệ hỗn hợp thì đội văn nghệ càng trở nên có nhiều sắc thái hơn, nhưng cũng trở thành phức tạp hơn. Có vài nữ trại viên đóng tuồng cải lương rất xuất sắc như Sương, mặc dù không có nhan sắc nhưng lại rất dễ bắt đèn sân khấu và ca diễn cũng rất khá. Vài người khác có khả năng ca hát cả tân và cổ nhạc như Ngọc, Thương, Chuyên vân vân. Nhiều vở cải lương rất khó tập như “Thái Hậu Dương Vân Nga”, “Tấm Cám” đã được đội văn nghệ hỗn hợp này trình diễn rất thành công.

Khi thành lập đội văn nghệ hỗn hợp thì ngoài công việc vẽ tranh để trang trí trại, Nhu giao cho tôi thêm nhiệm vụ phụ đội văn nghệ để làm các công việc về y trang, đạo cụ, và phong màn. Thật quả là một việc làm rất phức tạp! Vật liệu trong trại luôn luôn rất hiếm hoi. Để thực hiện các y trang cho các vở tuồng xưa, tôi đã phải dùng các loại quần áo tù và dùng cả mùng mền rồi nhờ đội may may theo sự tưởng tượng của tôi vì cũng không có một tài liệu nào trong trại để nghiên cứu cả. Sau đó dùng bột màu và giấy bạc của các bao thuốc lá để trang trí cho các quần áo ấy. Gươm giáo và các thứ khác thì dùng tre gỗ hay giấy để làm. Khi hóa trang thì tùy theo tình trạng của từng trại viên mà thực hiện. Thường thì vài trại viên nữ có sẵn các son phấn riêng của họ, họ giữ để dùng riêng khi hóa trang ra sân khấu. Ai không có thì tôi đành phải dùng bột màu ở phòng vẽ để bôi lên mặt! Đây là một việc làm có hại cho làn da, nhưng ai cũng phải chấp nhận vì dù sao thì việc tập để diễn văn nghệ vẫn khỏe hơn là đi lao động. Có lần Nhu đã cho phép tôi đi cùng với một nhóm trại viên đặc biệt về chợ Bến Thành để mua sắm các son phấn cho đội văn nghệ, nhưng không thể nào đủ vì không có ngân khoản nào cho việc này mà chỉ là tiền riêng của các trại viên nữ đưa nhờ tôi mua dùm.

Đội văn nghệ thường chỉ tập trình diễn mỗi năm hai hay ba lần, mỗi lần khoảng hai hay ba tháng, nhất là trong các ngày lễ Tết hay ngày lễ Độc Lập của VC. Thời gian còn lại thì bổ sung nhân lực cho những công việc lao động cần thiết trong trại.

Một vấn đề phức tạp xảy ra sau khi các trại viên nữ chuyển đến trại là vấn đề “quan hệ nam nữ”. Sở dĩ nói rằng đây là một vấn đề phức tạp vì có việc khác xảy ra từ sự quan hệ này. Trước hết, theo nội quy của trại cải tạo thì luôn luôn nghiêm cấm việc quan hệ giữa các trại viên với nhau cho dù đồng phái hay khác phái. Trại trưởng Nhu thì ra lệnh phạt rất nặng việc quan hệ nam nữ này, nhưng hắn ta lại khuyến khích nam nữ làm việc chung với nhau. Hắn ta bảo rằng làm như thế thì kích thích họ hăng say lao động. Mỗi khi lao động đêm trên công trình làm hồ thủy điện, hắn ta bảo hai trại viên khác phái phải khiêng chung một ky đất, nhưng rồi khi không thích thì hắn ta lại bắt họ nhốt vào nhà biệt giam. Một điều nữa là mỗi người có một cái nhìn về việc này, người thì kết án hay chê bai, kẻ thì thờ ơ hoặc không có ý kiến.

Sự quan hệ nam nữ này lúc đầu thường xảy ra một cách bí mật qua những bức thư xếp nhỏ lại dấu một nơi nào đó gọi là “kẹo”, hay những cái nhìn, cái liếc mắt từ xa gọi là “chích”. Rất khó đánh giá được đây là một sự liên hệ tình cảm thật sự hay chỉ là sự lợi dụng để tìm cách thỏa mãn những nhu cầu về vật chất hoặc tình cảm! Đa số trại viên nữ, nhất là những người thuộc dạng hình sự thường rất thiếu thốn vì không có sự tiếp tế của gia đình. Họ thường là những người đã bị gia đình từ bỏ hay vô gia cư.

Các trại viên nam thì dù ít dù nhiều cũng có gia đình tiếp tế, tuy nhiên lại sống xa gia đình quá lâu nên thường thiếu thốn tình cảm hoặc chưa có vợ hoặc vợ đã sang ngang(!) Hai thành phần như thế rất dể gặp nhau nhất là trong hoàn cảnh hạn hẹp của trại cải tạo. Sự đổi trao một ít vật chất để lấy một ánh mắt, một nụ cười cho dù có giả dối thì cũng là một điều tự nhiên, có tính chất con người. Nhiều người trong số trại viên cũng đã phê bình gay gắt hay tỏ vẻ chê bai việc quan hệ này, nhưng rồi cũng không thể tránh được sự việc phải xảy ra.

Riêng Nhu thì lợi dụng việc này khi cần thiết và lại xử phạt khi thấy hết cần. Trong lúc ấy thì chính Nhu lại lập một “cấm phòng” cho riêng hắn ta. Năm nữ tù được hắn ta chọn riêng ra để ở riêng một giang sơn mà chỉ có Nhu mới được quyền tới lui, trại viên và cả cán bộ đều không dám bén mảng. Các trại viên đặt tên cho năm người này là “ngũ long công chúa”. Đó là: Loan, Mai, Châu, Anh, và Phi (sau khi Phi được thả ra thì Tú vào thế). Bốn người làm trong tiệm may để may và sửa quần áo cho các cán bộ còn Phi thì phụ trách căn-tin. Trong số này thì Loan là người mà Nhu canh chừng chặt chẽ nhất. Mọi người trong trại không ai bảo ai đều biết rằng cô ta chính là “người của Nhu”. Liên lạc với một trong số “ngũ long công chúa” là một điều mà các trại viên ít ai dám. Lộc một trại viên trong đội văn nghệ chỉ vì sự liên hệ với Loan mà bị cùm ở nhà biệt giam nhiều lần. Nam , trại viên phụ trách kỷ thuật lò đường và âm thanh cho đội văn nghệ, người được Nhu rất tin cẩn đã tự tử bằng thuốc rầy chết vì sự quan hệ với Tú.

Trong thời gian này thì tôi thường đi vẽ các bức tranh tường chung quanh trại và khu cơ quan, cũng như ở những nơi vừa xây dựng xong. Những viên “kẹo” thường xuyên được bỏ vào thùng sơn với những lời lẽ rất buồn cười. Tuy nhiên tôi chỉ cảm thấy tội nghiệp cho họ mà thôi, nhất là khi nghĩ lại hoàn cảnh của chính bản thân mình trong thời gian khổ sở nhất ở trại Tân Lập. Tôi thấy cho dù họ có muốn lợi dụng sự quan hệ để kiếm ăn thì cũng là một điều tự nhiên của bản năng sinh tồn, giống như chính tôi đã phải kiếm cái ăn bằng cách này hay cách khác những khi có dịp.

Riêng có một cô gái mà tôi cảm thấy rất tội nghiệp, đó là Phi, một trong “ngũ long công chúa”. Tôi biết cô ấy có nhiều tình cảm đối với tôi nhưng lại sợ Nhu nên không dám biểu lộ. Cô ta vẫn thường để một ca nước sữa đậu nành phía trước phòng vẽ cho tôi mỗi lần có dịp đi ngang qua. Sau khi được thả ra khỏi trại lại còn viết thư vào cho tôi, tuy nhiên tôi không thể trả lời vì không muốn gieo vào lòng cô ấy một hy vọng. Lúc ấy thì quả thật nỗi đau vì sự chia tay với vợ tôi vẫn còn cho nên tôi chưa thấy có được một tình cảm nào với ai cả!

Một việc khác rất phức tạp xãy ra trong số các trại viên nữ là việc quan hệ “đồng phái!” Tôi không biết lý do gì mà trong số nam trại viên lại ít khi thấy có hiện tượng này mà nó lại xãy ra rất phổ biến trong số những trại viên nữ. Họ giành giật nhau, ghen tuông nhau, thậm chí đánh đập nhau đổ máu vì những “người tình đồng phái”. Xá, cô gái giử nhiệm vụ đánh trống trong đội văn nghệ có lẽ là một người được nhiều các nữ trại viên “yêu thương” nhất mặc dù trông diện mạo bên ngoài thì rất là luộm thuộm.

Lần lần về sau thì sự liên lạc nam nữ trong trại càng lúc càng trở nên công khai hơn khi trại cho phép các trại viên được ra “khu vui chơi” vào buổi tối. Đến khi một số trại viên nữ được cho đi làm “diện rộng”, tức làm những việc trong khu vực quanh trại mà không có quản chế, thì có vài trại viên nữ đã có mang và sanh con ngay trong trại. Lúc ấy thì số nam trại viên thuộc “chế độ cũ” đã được thả ra, chỉ còn lại một số ít, và các nam phạm nhân hình sự được đưa vào chiếm đa số trong trại.

Chương 47

Phòng Vẽ Của Tôi.

Không có gì ngạc nhiên bằng có được một phòng vẽ riêng ở trong trại cải tạo. Vậy mà điều ấy đã đến với tôi trong trại Z30D. Năm 1985, khi Nhu, tân trại trưởng, sắp hoàn tất việc tái thiết hội trường trong trại, hắn ta bảo các trại viên trong Ban Thường Trực Thi Đua tìm một họa sĩ để vẽ một bức tranh nền cho hội trường. Hắn ta muốn bức tranh phải được vẽ vĩnh viễn lên tường chứ không vẽ lên màn để mọi người khi vào hội trường có thể nhìn thấy ngay.

Một hôm trong khi tập họp để chuẩn bị đi lao động thì Thường Trực Thi Đua gọi tôi ở lại trong trại để gặp Nhu. Tôi rất ngạc nhiên và cũng hơi lo sợ vì tất cả các trại viên đều biết rằng gặp Nhu thường có nghĩa là sắp có tai vạ. Làm việc trong đội mộc, tôi đã cố gắng tránh né hắn ta bằng cách nói với Tứ, đội trưởng, đổi tôi qua nhóm cưa xẻ thay vì làm trong nhóm xây dựng. Vào thời gian ấy, trại đang bắt đầu cho tái thiết. Nhu có mặt hầu như thường trực với nhóm xây dựng, và hắn ta cũng đã đưa rất nhiều trại viên vào các phòng kỷ luật vì hắn ta cho rằng những trại viên ấy “có vẻ” lười biếng.

Tôi đợi Nhu ở hội trường cho đến trưa. Nhóm xây dựng của đội mộc cũng đang làm trong ấy. Nhu vào và chỉ cho tôi tấm pa-nen bằng tôn ở cuối hội trường rồi hỏi tôi:

-“Mày liệu có vẻ được một tấm hình lớn ở đó không?”

-“Có thể được, nhưng tôi chưa biết “ban” muốn vẽ gì.” Tôi trả lời hắn ta với một tiếng thở dài nhẹ nhõm.

-“Chỉ vẽ phong cảnh mà thôi!” Hắn ta nói xong rồi hát nho nhỏ một câu trong bài ca cũ: “Đường quanh co quyện gốc thông già!” -“Tao muốn mọi người vào hội trường nhìn vào bức tranh của mày sẽ có cảm tưởng rằng hội trường trải ra xa xa.” Hắn ta nói thêm.

-“Tôi sẽ cố gắng với khả năng có được của tôi, tôi chỉ xin “ban” cấp cho tôi sơn và cọ vẽ.”

Tôi đi theo hắn ta ra kho của cơ quan để lãnh sơn và cọ rồi bắt đầu vẽ bức tranh.

Đó là bức tranh phong cảnh đầu tiên tôi vẽ trong trại cải tạo. Như tôi đã nói, làm việc vẽ trong trại cải tạo rất nguy hiểm vì mỗi một cán bộ có cách đánh giá khác nhau, và mọi lời phê bình của họ đều không có một ích lợi nào cho người vẽ tranh. Nhiều trại viên đã bị nhốt kỷ luật vì việc này. Nhưng trong hoàn cảnh như thế thì tôi không có điều chọn lựa nào khác hơn là làm những điều mà Nhu bảo tôi làm nếu không muốn bị vào phòng kỷ luật! Để ngăn ngừa, tôi đã vẽ phác mẫu bức tranh và đưa cho Nhu xem trước.

Tôi đã vẽ phong cảnh hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, cao nguyên miền trung Việt Nam làm bối cảnh và vài cây thông để làm tiền cảnh; một con đường mòn chạy vòng từ xa và đổ vào cái bục ở cuối hội trường. Đi vào từ cửa hội trường, người ta có cảm giác dường như đi vào một rừng thông để đến cái hồ ở xa xa. Tôi hoàn tất bức tranh trong bốn tuần lễ. Nhu rất bằng lòng và đưa cho tôi một ít tiền để “bồi dưởng”. Lần đầu tiên trong trại cải tạo tôi đã nhận tiền từ một cán bộ. Tôi chẳng màng nhiều đến số tiền ấy ngoài việc biết rằng kể từ đó tôi có thể tránh được công việc lao động nặng nhọc, thay vào đó là chỉ có việc vẽ tranh mà thôi. Tôi tự nhủ là chỉ nên vẽ tranh phong cảnh vì ít nhất thì chúng có vẻ chung chung, và không ai có thể phê bình gì ngoài việc nó đẹp hay xấu.

Sau đó thì Nhu bảo đội xây dựng xây ba tấm tường ở ngoài trời quanh khu vực tập họp trại viên trong sân trại. Tôi vẽ ba tấm tranh tượng trưng cho ba miền của Việt Nam: Bắc, Trung, và Nam . Tôi vẽ phong cảnh chùa một cột ở Hà Nội trên bức tường ở gần cổng vào khu B, tháp chuông Thiên Mụ trên bức tường xây gần bệnh xá, và quang cảnh chợ Bến Thành ở bức tường vào cổng khu A. Mỗi bức tranh ấy cao khoảng hai thước rưỡi, dài khoảng ba thước, và tôi đã phải bỏ ra hàng tháng trường để hoàn tất ba bức tranh ấy. Sau đó tôi lại phải vẽ lại nhiều lần vì các bức tranh ấy nằm ngoài trời mà lại vẽ bằng loại sơn để sơn trong nhà nên rất dể bị phai dưới mưa nắng.

Tôi được chuyển sang làm công việc vẽ và trang trí, nhưng cũng vẫn thuộc đội mộc. Hàng ngày, tôi xuất trại cùng với đội ra tới nhà lô rồi xách sơn và cọ vẽ đi vẽ, hầu hết là tranh tường nơi nào mà Nhu bảo tôi vẽ. Tôi chỉ làm theo lệnh của hắn ta mà thôi. Để được dễ dàng hơn trong công việc, một hôm tôi nói với Nhu rằng có nhiều cán bộ phê bình tranh tôi với nhiều ý kiến khác nhau khiến tôi cũng không biết phải làm sao cho đúng. Tôi không biết hắn ta làm gì, nhưng kể từ sau khi ấy chẳng có cán bộ nào đến phê bình tranh của tôi nữa. Tôi thầm biết Nhu đang cần tôi, nhưng tôi vẫn cố giữ một giới hạn để hắn không có lý do để kỷ luật mình.

Ở trong trại lúc ấy thì mọi trại viên đều phải làm lao động cho dù mưa nắng. Có một lần Nhu buộc tôi phải vẽ lúc trời đang mưa lâm râm, tôi pha loãng sơn ra trong dầu hôi rồi vẽ lên tường. Những giọt nước mưa làm sơn chảy nhòe nhoẹt khắp bức tường. Sau đó thì tôi lại phải cạo hết bức tường rồi vẽ lại từ đầu. Kể từ hôm ấy, tôi có lý do để nghỉ lúc trời đang mưa.

Đầu năm 1986, trong khi tôi đang vẽ trong căn-tin thì Nhu bảo tôi tìm thêm một họa sĩ nữa để vẽ chung với tôi. Tôi giới thiệu Điệp, một trại viên vừa chuyển về từ trại Z30C. Điệp cũng là bạn của tôi lúc làm việc ở cơ quan, và anh ta cũng từng có một phòng tranh riêng ở Sài Gòn trong những năm 1970. Điệp không quen vẽ phong cảnh. Khi anh ta mới về trại Z30D thì vài người quen đến nói với tôi tìm cách giới thiệu anh ta ra làm ở phòng vẽ để Điệp không lên làm trong Ban Thi Đua vì ở những trại miền Bắc anh ta đã bị mang nhiều tai tiếng rồi. Tôi chẳng biết gì về Điệp ở các trại khác, nhưng tốt nhất là giới thiệu anh ta để có người quen biết làm việc chung vì lúc đó cũng rất nhiều công việc mà Nhu giao cho.

Với hai người, Nhu giao cho chúng tôi một cái phòng nằm trong căn nhà, nơi từng là phòng cho cán bộ quản giáo của đội mộc, để làm phòng vẽ.

Phòng vẽ của chúng tôi là một cái nhà mái lá dài khoảng sáu thước ngang bốn thước với nền xi măng và tường bằng ván gỗ. Nó nằm dọc theo con đường phía trước của nhà lô đội mộc. Cửa trước phòng vẽ mở ra đường và cửa hông thì nhìn ra miếng đất trống nối liền xưởng mộc với căn-tin kế bên đập thủy điện. Ngồi từ cửa trước của phòng, tôi có thể trông thấy mọi người đi đến nhà lô đội mộc từ mọi phía; đó là địa điểm quan sát lý tưởng để canh chừng Nhu mỗi lần hắn ta đến quan sát công việc của đội mộc.

Trong phòng vẽ, tôi ngăn riêng ra một góc nhỏ theo bề ngang của phòng và rộng khoảng một thước để làm kho chứa sơn và cũng chứa cả những thứ thuộc “tài sản riêng” của tôi. Chúng tôi bắt đầu vẽ tranh trên khung vải, hầu hết là tranh phong cảnh. Khung thì chúng tôi hoặc là tự làm lấy hoặc nhờ đội mộc, vải là loại vải để may quần áo cho trại viên. Các bức tranh này không thể giữ lâu được, nhất là những bức tranh có kích thước lớn, nhưng chẳng ai cần vì dù sao thì cũng là “nước sông, công tù!”

Cũng trong thời gian này thì Linh, anh rể của vợ tôi, được chuyển về trại Z30D và làm “anh nuôi” trong đội của anh ta. Hàng ngày, anh ấy đi gánh nước ở bờ suối gần chổ phòng vẽ để về nấu nước uống cho đội anh ấy, và anh ta cũng mang thức ăn cho chúng tôi. Điệp và tôi thì đưa những thứ mà chúng tôi có như cá tôi câu được ở dưới suối hay những thức ăn mà chúng tôi được “bồi dưởng” từ đội mộc vì đội ấy đang làm cả ngày lẫn đêm để hoàn thành những công trình xây dựng cho trại.

Vào những buổi trưa, tôi thường bỏ đi câu cá ở bờ suối giao cho Điệp ở lại giữ phòng vẽ. Điệp là “ông từ giữ chùa”! Gia đình anh ta thường xuyên đến thăm hoặc gửi quà tiếp tế nên anh ta cũng không cần thiết phải kiếm ăn như tôi. Thời gian này có thể nói là thời gian mà tôi được thoải mái nhất trong cuộc đời cải tạo. Bên cạnh không phải làm việc nặng nhọc, tôi còn có cơ hội để đi câu cá kiếm ăn thêm, có thể nuôi mấy con vịt xiêm và nuôi cả con mèo nữa.

Nhu không cho phép bất cứ cán bộ nào được đến phòng vẽ ngoài hắn ta ra, do đó chúng tôi chỉ cần để ý đến hắn ta mà thôi. Kể từ lúc hắn ta bảo rằng các tấm tranh của chúng tôi vẽ chính là ý kiến của hắn thì tôi không còn nghe một lời phê bình bất lợi nào nữa cả! Một vài cán bộ chỉ lén đến phòng vẽ của chúng tôi là để nhờ chúng tôi làm những việc riêng tư như đóng dùm mấy quyển sổ, vẽ vài bông hoa trong sổ, hoặc giúp các đồ đạc trang trí đám cưới. Điệp thường làm những việc ấy. Tôi thì dùng hầu hết thời giờ rảnh ở dưới suối để câu cá, cá nhỏ hay cá lớn đều bắt hết! Tôi phải tự làm lưỡi câu, và lần lần trở thành một chuyên viên! Da tôi trở nên sậm hơn, nhưng tôi lại cảm thấy khỏe hơn. Kể từ khi dòng suối trở thành cái đập thủy điện, cá càng lúc càng hiếm hoi dần. Đôi khi tôi phải đi xuống phía dưới để câu cá, nhưng tôi vẫn có thể tìm đủ thức ăn. Điều ấy có thể tiết kiệm được cho gia đình tôi vì tôi chỉ cần thêm một ít gia vị, nước mắm, và vài thứ cần thiết cho đời sống mà thôi.

Hàng ba hay bốn tháng thì mẹ tôi thường lên thăm tôi một lần. Đôi khi thì con tôi cũng đi theo; thường là vào dịp nghỉ hè hay Tết. Khi đến sớm nó có thể lẻn vào phòng vẽ để gặp tôi trước khi tôi đi ra nhà thăm gặp. Tôi cũng không biết nhiều về tin tức của vợ tôi kể từ khi cô ấy nói tiếng “từ giã”. Con tôi cũng không đề cập nhiều đến mẹ. Ngoài ra thì tôi cũng không muốn biết nhiều về cuộc sống mới của cô ấy.

Có một lần tôi đi ra nhà thăm gặp để gặp chị vợ tôi khi chị ấy lên thăm chồng là Linh, nhưng chị ấy không muốn gặp tôi và bảo Linh vào nói với tôi rằng tốt hơn thì tôi không nên ra gặp. Tôi cũng tránh luôn từ đó. Tôi biết họ không muốn tôi làm phiền đến cuộc sống mới của vợ tôi nữa. Tôi không rõ cô ấy có làm giấy ly dị hay chưa vì tôi cũng không hỏi. Tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn yêu vợ tôi, nhưng tôi lại thấy nhẹ nhàng hơn vì tôi không còn là một vật cản đường cho cuộc đời của cô ấy nữa! Trong những bức tranh của tôi đôi khi tôi thêm vào bóng hình một người con gái đi từ xa: một chút buồn, nhưng lại là một sự trống vắng bình yên. Nhiều người hỏi tôi về sự tĩnh lặng của những bức tranh mà tôi vẽ; tôi thường bảo với họ rằng đó chỉ là biểu hiện nỗi buồn trong nội tâm tôi khi tôi đang ở trong hoàn cảnh này.

Trong thời gian này thì Điệp và tôi vẽ rất nhiều tranh, ít nhất cũng đến con số năm trăm tấm lớn nhỏ, quả thật là một số lượng khổng lồ! Chúng tôi thường rất phân vân mỗi lần bắt đầu vẽ một tấm tranh mới. Đôi khi chúng tôi phải dời cái cây, đổi bối cảnh, đổi chiều dòng sông hay dòng suối, thay đổi màu sắc vân vân từ một tấm tranh đã vẽ để biến thành một tấm tranh mới. Dần dần chúng tôi làm quen với sự tạo hình của tranh phong cảnh! Chúng tôi có thể vẽ được năm đến mười bức tranh từ một tấm hình mẫu. Những bức tranh của chúng tôi được treo khắp nơi: trong trại, trong cơ quan, trong nhà thăm gặp, trong căn-tin. Đôi lúc Nhu lại dùng chúng như một món quà để tặng khách đến thăm trại. Điều đáng buồn là những tranh này được vẽ bằng sơn để sơn trong nhà và lại vẽ lên loại vải thô rất xấu nên chúng không thể giữ được lâu mà không bị nứt nẻ, phai màu, hay đôi khi bị rách!

Điệp được thả ra vào tháng giêng năm 1988. Phòng vẽ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi Lập, một phạm nhân hình sự với cái án chung thân ra làm với tôi năm 1990. Đến khi ấy thì phòng vẽ được dời vào trong trại, chiếm một phòng nhỏ ở đầu nhà số 1 khu A, gần với văn phòng của “thường trực thi đua”. Họ sợ Lập sẽ trốn trại nếu được làm ở phòng vẽ bên ngoài. Tôi không thích làm bên trong trại vì không còn được đi câu cá, nhưng lại không được một sự chọn lựa nào khác. Lập không biết vẽ tranh, do đó hắn ta chỉ làm công việc trang trí cho ban thi đua. Thời gian này tôi cũng không có nhiều việc để làm vì mọi thứ đều phụ thuộc vào đội mộc. Tôi phải đợi họ đóng khung, đợi sơn, đôi lúc phải đợi lệnh của Nhu vì hắn ta không thường xuyên vào phòng vẽ ở trong trại. Có những ngày tôi không làm gì cả. Tôi chỉ cho Lập làm những công việc xong rồi nằm lắt lư trên chiếc võng treo trong phòng vẽ hoặc đi đấu láo với các bạn, hoặc lên hội trường phụ trang trí cho đội văn nghệ. Quả thật là những ngày buồn tẻ!

Vào tháng Chín năm 1990, tôi bị chuyển qua đội lâm sản sau khi bị nhốt vào nhà kỷ luật. Phòng vẽ cũng đóng cửa từ đó. Căn phòng biến thành phòng “văn hóa” cho ban thi đua. “Vắt chanh bỏ vỏ” là cách mà Nhu đối xử với các trại viên khi hết cần thiết. Tôi thừa biết điều này, nhưng quan niệm sống của tôi trong trại cải tạo là “tránh né lao động” được lúc nào hay lúc ấy. Ít ra thì tôi cũng đã được gần năm năm không phải lao động nặng nhọc!

Bạn đọc có thể nghe và đọc toàn văn hồi ký tại đây:

Mời nghe Hồi Ký với giọng đọc của chính tác giả:

https://www.youtube.com/watch?v=giyD6ho-ljc
Liên lạc tác giả KALE: thongtinlls3@gmail.com

Nguồn: https://tuxtini.com/2013/03/09/17-nam-trong-cac-trai-cai-tao-cua-csvn-chuong-1-4/