Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Đêm thu – bình trà ngủ quên

Đào Như

clip_image002

Sau hơn 30 năm nghề ‘thầy thuốc’ ông ta về hưu ở tuổi 69. Ông ở nhà lo cơm nước cho vợ. Chiều, vợ đi làm về, có sẵn một bữa cơm sốt canh nóng cho hai vợ chồng là tình nghĩa biết chừng nào. Đó là ước mơ và cũng là triết lý sống cuối đời của ông. Với ông, cái khó không phải là kỹ thuật nấu nướng, mà là ‘chất liệu’. Làm sao tìm cho ra, để nấu cho bà một tô canh khổ qua với tôm rằn, với tí hương vị ngò tươi; hay một tô canh chua cá bông lau, nấu vói ngổ, giá sống và cà chua xanh. Làm sao ông tìm ra cho bà chiều nay một tô cá rô kho tộ ăn với cơm trắng vì bà là người Cần Thơ. Có khi ông thực hiện được những điều ông ước mơ cho bà, nhưng nhiều lúc ông đành chịu, hai vợ chồng đành chấp nhận ăn salade, steak với… cơm. Thấy vợ ăn mà tội…

Chắc có lẽ hiểu được nỗi thầm kín của chồng, bà thường nói an ủi ông:

- Ăn uống em không đòi hỏi lắm đâu. Ăn sao cũng được. Miễn sao cho mặn mòi là được rồi!

Ông liền mau mắn đáp lại lời bà:

- Cuộc sống ở Mỹ về vật chất thật là dễ dãi và đầy đủ.

- Nhưng mình phải sống giống như họ.

- Vâng, anh biết.

Ông nịnh bà:

- Hôm nay mình ăn cơm với steak và salade, mình nên uống một ít vang, cho nó đúng… điệu.

Bà cười nhẹ:

- Salade, steak mà ăn với cơm, uống vang thì quả là đúng điệu... thật!

Ông cũng phải cười theo bà:

- Ôi! Thì ‘tri túc tiện túc’ vậy.

Nói xong hai vợ chồng cười xòa. Đúng vậy, ở tuổi già dễ giảng hòa với nhau thật. Cốc rượu vang vẫn giử nguyên hương vị của nó, nồng, thơm ngon và kích thích vị giác.

Bữa ăn thật là đầm ấm, mặc dầu nó không được rôm rả như khi ông bà còn ở tuổi thanh xuân. Thường những câu chuyện ông bà nói với nhau trong bữa ăn ở tuổi này nghe thật là ‘đời’, phản phất ít nhiều hoài cảm. Ông bà thường bắt đầu câu chuyện bằng: “năm ấy”,“xưa kia”, “hồi đó”, v.v… Hôm nay, vừa uống xong một cốc vang, lời ông có vẻ nhanh hơn, nghe dồn dập hơn, thành ra câu chuyện không đến nỗi tẻ nhạt như mọi khi.

- À! Bà bảo phải sống giống như họ, là sống như thế nào?

- Anh thấy đó, nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Mình cũng phải nhập vào dòng chảy, cuộc sống của xã hội của họ mà sống. Mình không thể đứng bên lề xã hội mà nhìn người ta sống với cặp mắt hờn giỗi, cay cú hay phê phán.

- Gần 30 năm ở Mỹ, tôi có thái độ nhìn xã hội Mỹ như khách bàng quan như vậy đâu? Bà thấy tôi hội nhập vào xã hội Mỹ cũng nhanh và cũng tốt đấy chứ.

- Vâng, anh hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh thật. Vì ở trong nước trước 73, anh có nhiều bạn đồng nghiệp là bác sĩ phẫu thuật người Mỹ. Anh làm việc và sinh hoạt với họ hằng ngày, hằng đêm.

- Ôi! Em nên quên cái đó đi… Đó chỉ là dĩ vãng. Người ta ai cũng vậy, ai cũng không thích nhớ đến những kỷ niệm của một thời chiến tranh. Khi nhắc lại nó ai cũng nghe vị đắng chát trong cổ họng.

Bà nhìn ông. Bà hơi ngẩn ngơ. Chiến tranh đã qua 30 mươi năm mà tâm linh của ông vẫn còn gợn sóng mỗi khi nghe ai nhắc về nó. Bà cố gắng đưa câu chuyện về hướng khác. Bà nói:

- Hôm qua, đi shopping với mấy bà bạn, khi đi vào thang máy, chị Ngọc Tới sơ ý để vạt sau của áo dài kẹt vào cửa của thang máy. Em không hiểu được, ở Mỹ đã 20 năm, từ tuổi 40 đến tuổi 60, chị ấy vẫn còn luộm thụộm như vậy. Tự nhiên em lại liên tưởng về anh. Trong những tháng gần đây, nhất là sau khi về hưu anh thường than vãn: “Ở Mỹ, chỗ nào cũng vậy, đèn điện sáng choang ngày cũng như đêm, nhưng tìm một ngọn đèn làm bầu bạn rất là khó”. Thú thật, em nghe nó làm sao ấy. Nó giống như cái vạt áo sau của chị Ngọc Tới vẫn còn kẹt vào cửa của thang máy. Sự hội nhập vào xã hội Mỹ của anh có gì chưa trọn vẹn? Có gì còn tù động trong anh? Anh vẫn thấy cô đơn?

Ông lặng lẽ rót cốc rượu vang thứ hai. Ông nâng ly rượu lên. Ông không dám nhìn thẳng vào mắt bà. Ông nhìn bà xuyên qua ly rượu vang. Bà vẫn còn xinh đẹp. Những nét thanh tú và phúc hậu vẫn còn nguyên như thuở nào! Năm nay bà mới có 52 tuổi. Ông vụt hỏi bà:

- Em còn nhớ, những năm 80, vợ chồng mình đi xem phim ‘The Joy Luck Club’ không em?

Bà ra chiều suy nghĩ:

- Hình như phim đó được xây dựng theo cuốn tiểu thuyết của của nhà văn Amy Tan, người Mỹ gốc Hoa. Hình như có Kiều Chinh đóng vai người mẹ Trung Hoa, nói đúng ra là người phụ nữ Trung Hoa.

- À! Em có một trí nhớ tuyệt vời.

- Cám ơn! Sao hôm nay anh lại galant với em đến thế.

Được bà khen, ông sung sướng hỏi bà:

- Chắc em còn nhớ chủ đề của truyện phim ấy là gì?

- Hình như họ nói về…‘Woman emancipation’, giải phóng phụ nữ, phải không anh?

- Vâng đó là cái nhìn của các bà khi đi xem phim ấy. Rất thiết thực. Và khi bà Amy Tan viết truyện ấy bà cũng nghĩ như vậy. Thật vậy, trong nền văn học Mỹ người ta coi bà Amy Tan như một nhà văn giải phóng phụ nữ Á châu, cũng như bà Alice Walker trong The Color Purple, bà Charlotte Perkins Giliman trong The Yellow Wallpaper… là những nhà văn có công trong giải phóng phụ nữ Mỹ. Anh đọc truyên ấy anh cũng nghĩ như em nghĩ. Nhưng anh cũng nghĩ về cuốn truyện ấy dưới một khía cạnh khác. Thật sự nó cũng không hẳn là khác. Đọc xong quyển The Joy Luck Club, anh thấy nỗi bật lên một khía cạnh, nói đúng ra một ưu điểm của người phụ nữ khi họ đi ra nước ngoài, họ thích ứng với môi trường chung quanh nhanh hơn người đàn ông. Hai vợ chồng cùng trang lứa, cùng trình độ bằng cấp, từ Việt Nam đến Mỹ hay từ Mỹ đến Việt Nam, người vợ bao giờ cũng trỗi trót trước người chồng. Vì phụ nữ thích ứng với môi trường chung quanh nhanh hơn, học tiếng nước người nhanh hơn và hội nhập vào văn hóa của nước người tốt hơn.

Bà nâng ly rượu vang, hớp một hớp nhẹ. Da mặt bà ửng hồng. Bà biết ông đang nhìn ngắm bà như một niềm kiêu hãnh của riêng ông. Bà thấy yêu ông lạ thường. Chính bà cũng kiêu hãnh là mình niềm kiêu hãnh của riêng chồng mình. Bà vừa châm chú cắt miếng steak nhỏ bỏ vào chén của ông, bà vừa hỏi ông:

- Hơn 20 năm anh làm việc cho cộng đồng, anh có nghiệm thấy điều đó đúng hay sai?

- Với anh, đó là những nhận định rất đúng đắn, dựa vào những thống kê chính xác.

Bà âu yếm nhìn ông, bà cười. Ông có vẻ bối rối, ông chống chế:

- Không, không phải là anh nịnh em mà anh nói thế. Đó chỉ là sự thật. Theo thống kê của sở anh

làm trong hơn 20 năm qua, trong cộng đồng Việt Nam ta cũng đúng như vậy.

Thật sự, bà cũng có một nhận thức như vậy, sau hơn 20 năm là một người giúp đồng bào Việt Nam tìm công ăn việc làm, bà thấy đàn ông thường chậm hơn đàn bà khi hai người cùng làm một công việc gống nhau. Ngừng một chập, bà nói với ông:

- Nhưng ở anh thì khác. Anh hội nhập vào văn hóa Mỹ nhanh hơn em.

- Đúng như vậy. Như em đã nhận định. Là nhờ anh có tiếp xúc với người Mỹ nhiều năm trước khi anh đến Mỹ. Nhưng em thấy đó, sự hội nhập của anh vào văn hóa Mỹ, về lâu về dài không tốt bằng em, không trọn vẹn như em.

Bà nhìn ông, bà đặt bàn tay bà trong lòng bàn tay ông, bà hỏi ông:

- Có điều gì hòan toàn không thỏa mãn trong anh khi anh sống tại Mỹ, phải không anh? Mặc dầu cuộc sống chúng ta tại Mỹ không hẳn là thành công, nhưng chắc chắn không phải là thất bại. Anh thường nói với em: “Có em và các con bên cạnh anh, là đầy đủ cho anh rồi!”có thật vậy không anh?

Nghe bà hỏi, ông ngửa mặt lên trần, cười phá lên… Không hiểu, tại vì ông thích thú câu hỏi đó, hay tại vì ông muốn khỏa lấp đi một nổi niềm tù động trong tâm hồn ông, hay ông đang cố gắng ngưng động những dòng nước mắt như cơn thủy triều đang dâng sắp tràn bờ…

Ông hỏi bà:

- Em có biết chị Ngọc Tới đến Mỹ lúc 40 tuổi và bây giờ chị Ngọc Tới 60 tuổi?

- Em biết điều đó. Chính em vừa nói với anh kia mà.

- Nhưng em có biết 20 mươi năm của chị Ngọc Tới ở Mỹ khác với 20 năm của một cháu đến Mỹ khi cháu 5 tuổi? Và nó cũng khác với 20 năm của em ở Mỹ vì em đến Mỹ lúc em 26 tuổi. Ngừng một chập. Ông âu yếm nhìn sâu vào mắt vợ, ông tiếp tục nói:

- Thời gian 20 năm có chiều dài giống nhau, nhưng nó có giá trị khác nhau tùy theo nó ở giai đoạn nào, thời điểm nào, trong cuộc sống chúng ta, trong đời người. Một năm có 365 ngày. Nhưng với một thanh niên 18 tuổi, đó là 365 ngày chứa chan hy vọng, 365 ngày khám phá hiện tại, hội nhập với đời, ném mình về tương lai. Nhưng với một người già… như anh… ở tuổi 70, anh làm được những gì trong 365 ngày vừa qua, sau khi anh về hưu, như em đã thấy. Anh viết hồi ký, có phải chăng anh đang tìm về quá khứ, anh đang đi ngược chiều với người thanh niên 18 tuổi. Dĩ nhiên anh cũng cố gắng bồi dưỡng sức khỏe để theo chân thế hệ trè, làm một hành trình mới. Nhưng em cũng dư hiểu anh đâu còn phong độ như xưa. Làm sao có thể chống lại sự già nua của tế bào, của cơ thể, lôi theo sự suy thóai của tinh thần. Có ai đó đã nhuộm màu cho thời gian. Màu xanh cho thời gian tuổi trẻ. Tuổi già màu thời gian tím ngát. Tím như hoàng hôn tím… Một cháu đến Mỹ khi cháu mới 5 tuổi, hay dưới 12 tuổi, sau khi ở Mỹ 5 năm, cháu hoàn toàn là một người Mỹ, từ giọng nói đến cách xử thế… Chị Ngọc Tới, đến Mỹ lúc 40 tuổi, chị ấy có ở Mỹ đến 100 năm đi nữa chị ấy vẫn giử 95 % Việt Nam. Mỹ 5%. Vạt áo dài sau của chị Ngọc Tới khó thoát khỏi cửa của thang máy, chừng nào chị vẫn còn mặc áo dài tại Mỹ. Nhưng em cũng hiểu không ai có quyền cũng như không ai có đủ can đảm cấm chị Ngọc Tới mặc áo dài tại Mỹ đâu em. Đó là quá khứ của chị. Đó là di sản, là dáng hình quê hương xứ sở của chị. Đó là Việt Nam của chị... Em còn nhớ có lần em ôm con vào lòng em khóc không em?

Nói đến đây, ông dừng lại, để cho bà soát lại quá khứ… Chắc chắn trong quá khứ là một người mẹ có nhiều băn khoăn về tương lai của các con, bà đã nhiều lần ôm các con vào lòng bà khóc. Nhưng ôm con vào lòng mà khóc vì những sư kiện như trên thì bà không nhớ rõ là lúc nào. Nhưng khi ông hỏi bà như vậy thì chắc phải là có.

Ông có vẻ hối vì ông nhắc đến chuyện mà ông nghĩ bà đã vùi sâu vào quên lãng. Ông xin lỗi bà. Ông nói:

- Em còn nhớ, sau khi mình đến Mỹ được 5 năm, 1985, Xuân Hảo lúc đó đúng 10 tuổi, học lớp 3 hay lớp 4 ở tiểu học, anh không nhớ rõ. Trong một buổi ăn tối cuối tuần, vui vẻ và đầm ấm, Xuân Hảo ôm em hôn, và nói với em: “Thưa Mẹ, con thương mẹ, con mơ ước lớn lên con được 18 tuổi, xong High School, con vào Đại học, con sẽ dọn vào trong ‘dorm’ con ở, con sẽ không ở nhà với ba mẹ nữa. Đến hè con đi làm summer job, con sẽ mướn một cái apartment con ở. Cứ mỗi weekend con mời mẹ đến nấu ăn với con, sau đó mẹ và con đi shopping cho vui... Nghe xong em vội ôm con vào lòng. Xuân Hảo sung sướng ngã vào lòng mẹ. Lúc đó em lại khóc. Xuân Hảo ngạc nhiên, thảng thốt:“ Oh! Mom! You cry! ” Em tiếp tục ôm con siết mạnh vào lòng như sợ mất con. Em bảo với các con: mẹ cám ơn các con. Ôi các con của mẹ… Đứa nào cũng có hiếu, cũng thương cha thương mẹ. Rồi em ôm cả ba đứa con vào lòng, em khóc. Các con vừa sung sướng vừa ngạc nhiên. Các con ngơ ngác nhìn nhau. Em quay lại nói với anh: “Mình mất con rồi sao anh? Sớm quá đi anh! Mới có 10 tuổi mà con đã nuôi mộng xa gia đình, rời bỏ cha mẹ, sống đời độc lập. Cư xử với cha mẹ như bạn bè. Tội nghiệp con quá vậy. Luân lý của xã hội này là như vậy sao anh?”

Nghe đến đây bà dừng ông lại, bà nói:

- Em nhớ ra rồi. Năm đó Xuân Hảo học lớp 4. Nhưng lúc ấy anh nhiệt tình bênh vực các con. Anh khen các con sớm hội nhập vào văn hóa Mỹ, có tinh thần độc lập. Anh ca ngợi xã hội Tây phương và Mỹ là thiên đường của tuổi trẻ và cá nhân. Cá nhân được tôn trọng tuyệt đối. Nền tảng của xã hội là cá nhân. Mọi người đến 18 tuổi coi như cá nhân độc lập, thoát khỏi những ràng buộc của gia đình. Có thế xã hội của họ mới tiến bộ. Trong khi xã hội Việt Nam ta, con cái trai cũng như gái lớn ngoài hai mươi ba mươi, cứ du dú tháng ngày sống chung với cha mẹ. Thậm chí có người con cái có vợ có chồng vẫn bắt con ở chung với mình, bắt dâu bắt rể hầu hạ minh. Rồi anh quát tháo: Cha mẹ Việt Nam cứ làm như vậy thì làm sao con cái ngóc đầu lên nổi, xã hội Việt nam làm sao tiến bộ được. Mở miệng ra là cứ ‘gia đình mình thế này’, ‘gia đình mình thế nọ’, ‘chứ không phải như ‘gia đình người ta’ đâu nghe con!’. Nghe rõ là thối! ”. Lúc anh còn trẻ, anh nói hăng lắm, nhưng bây giờ anh già, anh thấy đó!...

Ông lặng thinh nghe bà nói. Ông hiểu bà. Bà xót cho ông. Tuổi già không con cái bên cạnh. Nhưng đó là cái cung cách yêu chồng của bà. Không ngờ sau hơn 25 năm ở Mỹ, bề ngoài bà có vẻ hội nhập vào xã hội Mỹ, văn hóa Mỹ rất tốt, nhưng đi sâu hơn, bà vẫn là một người vợ thương chồng, một người mẹ thương con theo cung cách hoàn toàn Việt Nam. Ông yêu bà vô hạn. Ông thấy ông có diễm phúc, ông hỏi bà:

- Em bảo“anh thấy đó” là anh thấy làm sao?

Bà bật khóc:

- Giờ này mà anh vẫn chưa thấy nữa sao anh? Tuổi già côi cút, không con cái ở bên cạnh, thui thủi một mình một thân với tháng ngày. Tối ngày cặm cụi viết, không hiểu là viết cái gì, có hỏi thì cứ bảo là viết để lại cho hậu thế, mà hậu thế thì như con cái nhà mình, có biết tiếng Việt đâu mà đọc mà hiểu những gì mình muốn nói với họ.

- Em đừng có quá lo lắng. Em thấy hàng ngàn mạng lưới dạy tiếng Việt trên cùng khắp thế giới. Em thấy chưa? Xuân Hảo vừa điện thư cho anh và cho biết thằng ‘cu tí’ của nó, thằng Gabriel đấy, mới có 29 tháng tuổi mà biết đếm bằng tiếng Việt một cách đường hoàng từ 1 đến 10!

- Cứ cho rằng có hàng triệu mạng lưới dạy tiếng Việt đi nữa; thằng ‘cu tí’ nhà ta có đếm từ 1 đến 1000 bằng tiếng Việt đi nữa, thì vấn đề có đọc được chữ Việt, có viết được chữ Việt được hay không là chuyện khác. Cả đời anh cứ mãi suy nghĩ theo lối “lạc quan chủ nghĩa”, cứ chắc là “ba bó vào một giạ ”.

Ông nâng ly rượu vang lên, ông uống một ngụm. Nghe nó nồng ấm lạ thường. Ông đến ngồi bên cạnh bà. Ông ngồi sát vào bà. Ông se sẽ nói:

- Đời anh có em bên cạnh là đầy đủ lắm rồi.

Bà hơi ngượng. Bà đẩy nhẹ ông ra. Hai người cùng ngửa mặt nhìn ra khung cửa. Ông thảng thốt:

- Hôm nay trăng rằm. Trăng đẹp lạ thường…

- Anh quên sao? Mà em suýt cũng quên đi mất, hôm nay là rằm Trung Thu, em có mua một hộp bánh Trung thu để tối nay cho hai vợ chồng mình… Nhưng mà phải nấu nước pha trà chớ! Không lẽ ăn bánh trung thu uống rượu vang?

Thấy bà đứng dậy, đi vào phòng trong lấy bánh trung thu và sữa soạn pha trà, cầm lòng không đựơc ông phát nhẹ mông bà. Bà liền quay người lại:

- A! Anh hay nhỉ! May mà không có đứa con nào ở bên cạnh…

Nấu được một bình chè Tri kỷ, bà cắt bánh Trung Thu từng miếng nhỏ, bà đem ra mời ông. Lúc đó bà mới hay ông đã ngủ từ lâu, trên ghế sofa gần cửa sổ, mái tóc bạc của ông lung linh phủ ánh trăng… Nhìn ông ngủ, bà thương ông vô hạn. Bà ngồi xuống bên cạnh ông. Bà ngồi hàng giờ. Không sao ngủ được. Hơn một năm rồi ông ít đi xa. Ông miệt mài viết. Cả vũ trụ đã thu vào gian nhà nhỏ này. Bà cúi xuống thật gần, bà thầm gọi tên ông và bà nói với ông rằng bà muốn biết trong giấc mơ đêm nay ông đang thấy những gì? Anh còn thấy chiến tranh không anh?!...