Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 12)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Chế độ bao cấp đang được xoá bỏ. Chuyện dân thủ đô Hà Nội xô nhau đi thành phố Hồ Chí Minh chạy ăn, dội vào bệnh viện Hồng Phúc từ bao giờ, vợ chồng Ngân Hà đều không rõ. Khi thấy khoa nào cũng xì xào bàn tán, thành phố "Hòn ngọc Viễn Đông" còn ảnh hưởng tư tưởng và lề thói làm ăn cũ, kiếm tiền dễ lắm! Mang hàng từ Bắc vào, lãi khá đậm đấy! Khi quay ra, thì chở theo sản phẩm của đồng bằng Cửu Long Giang ta ơi. Thóc gạo thừa mứa, ê hề. Và ối thứ, người Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội lâu nay vẫn còn rất thiếu. Cũng lại được lời không kém. Lãi đơn dồn lãi kép. Lãi mẹ đẻ lãi con. Mỗi chuyến đi về, tiền nong dư dả đấy. Thật sự là không xoàng đâu.

Ngân Hà nghe, quá háo hức. Như thế, lợi nhuận của mỗi chuyến vào ra là rất đáng kể, xứng với công sức và chi phí. Mình đâm sấp dập ngửa Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lao Cai, Hà Nội - Móng Cái cũng không gần gặn, nhàn hạ gì. Chui lủi vùng biên ải phía Bắc và Đông Bắc mấy lần, khổ sở, mà cóp nhặt không được là bao. Cảnh sát, thuế vụ cũng như kẻ mua, người bán ở những xứ sở ấy đều sành sỏi, ghê gớm, phần nhiều kinh khủng. Đã có lần họ tịch thu sạch, còn định bắt mình tống giam, vì quy vào tội có hàng quốc cấm. Biết mình không phải con buôn chuyên nghiệp lại là bác sĩ họ mới tha cho. Cũng không ít chuyến quá gian truân, vất vả, mà chỉ hoà vốn. Công cốc. Còn có bận lỗ to. Đau hơn dao cắt!

Thế thì Sài Gòn hấp dẫn đấy nhỉ? Nhưng nàng lại nghĩ, sau khi ta cải tạo tư sản và công thương nghiệp tư doanh, hàng hoá trong đó tưởng đã bão hoà với Hà Nội? Biên giới phía Bắc, giá cả chênh lệch với thủ đô ta, vì hàng Tầu rởm họ tung sang nhiều. Bên kia khuyến khích dân chúng xuất lậu vô tội vạ nhiều mặt hàng giá rẻ. Chúng còn tuồn vào nước mình được cả tiền Việt Nam giả cơ mà! Hàng hóa ở thành phố Hồ Chí Minh, tưởng chỉ có các loại xe máy Honda, Suzuki, máy thu hình, quạt điện Nhật, Mỹ cũ nát; xe cá xanh cá ươn Pháp đời xưa cậm cạch; khung xe đạp cà tàng gá lắp thủ công? Đến búp bê có hai con mắt biết chớp, biết kêu e é, oai oái, bộ đội mình cũng đã khuân hết về Bắc, ngay từ ngày giải phóng. Thế thì đến nay còn lại những gì? Cả nhà đều bảo Hà, thì cứ đi thăm thú cho thật cụ thể xem sao. Đã gọi là hàng hoá, thì bao giờ mà chẳng có nơi thiếu, nơi thừa, nơi nhiều, nơi ít. Và dĩ nhiên, giá cả nhất định là có chênh lệch... Phi thương bất phú.

Khi gặp được nhiều người đã từng vào Nam ra Bắc, ai cũng thắng đậm, nàng lại băn khoăn, con Kim Thoa còn nhỏ. Sài Gòn xa quá. Đã đi là phải mất nhiều ngày. Thân cau mày gắt, con bé đã đi đứng rắn rỏi. Ở nhà lại có những ba người lớn. Ông bà nội cũng nói thêm vào. Ngân Hà thấy rõ ràng là mình phải dấn thân, nhao đi thành phố Hồ Chí Minh một chuyến. Để kiếm cái tết. Lương tháng và hàng hoá phân phối ở thủ đô Hà Nội chưa bao giờ đủ cho một cái tết Nguyên Đán cổ truyền.

Hôm nay, đã qua ngày ông Công ông Táo chầu Trời.

Ngân Hà và Bảo Hiên góp vốn buôn chung. Một sĩ quan cảnh sát thành phố vào tận ga Hàng Cỏ nhờ người giúp đỡ cho hai bác sĩ. Trưởng tầu Thống Nhất nhà riêng ở Ngõ Trạm, gần chợ Hàng Da. Ông gầy, khuôn mặt đen cháy, như đã nhiều năm chạy tầu, thâm nhiễm khói bụi than lửa và rượu "quốc lủi". Ông xếp cho hai nữ bác sĩ trẻ tuổi, xinh đẹp vào một phòng máy lạnh kín đáo ở toa số 1. Hàng của hai người quá nhiều. Một tạ mỳ chính, một tạ đường kính, một nghìn mét lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Chưa hết, một trăm vòng bi 201, 202 và 203. Lại mấy bao lớn pin con thỏ, đường hoá học... Trời ơi! Nặng thấy ông bà, ông vải! Số hàng ấy, nhét đầy cả mấy cái giường.

Cả phòng chỉ có ba hành khách.

- Tao với mày nằm cùng giường cho ấm! - Khi xếp bao mỳ chính cuối cùng, Ngân Hà nói với Bảo Hiên.

- Ừ! Phụ nữ trèo leo, lên xuống không tiện.

Bảo Hiên miệng trả lời bạn, mắt liếc về phía người khách đàn ông còn trẻ, lên tàu từ trước. Nhìn từ cửa vào, anh ta nằm ở cái giường tầng trên, góc trong bên tay phải. Anh ta không có hành lý, ngoài cái vali khoá số thanh lịch, nhẹ nhàng, sang trọng.

Hai người thu xếp hàng, rất khẩn trương, cũng mất cả nửa giờ đồng hồ. Thằng cha kia... thấy phụ nữ quần quật ra ra, vào vào, lên lên, xuống xuống vã mồ hôi, bởi bao nhiêu là hàng nặng, mà không buồn nhảy xuống giúp cho một tay! Hắn cứ ngồi ngây như phỗng, trố mắt nhìn không. Người trông tư thế đĩnh đạc, như cán bộ, mà không biết ba cùng là gì?

Hai nữ bác sĩ ngồi thở. Mệt! Đã lâu họ không phải làm "cửu vạn", mang vác quá ư nặng nhọc như hôm nay. Những lần lên biên giới phía Bắc, Ngân Hà đều được bệnh nhân cũ giúp đỡ. Hơn nữa, chỉ có hàng nhẹ, và cũng không khi nào nàng mua quá nhiều.

- Dạ, xin lỗi! Cả hai chị đều là bác sĩ? - Người đàn ông hỏi, giọng Sài Gòn.

- Vâng! - Thật đáng ghét! Nó còn biết mình là bác sĩ, mà cứ ngồi trơ mắt ếch ra như thế? - Tại sao anh biết chúng tôi? - Ngân Hà trả lời và gặng hỏi lại.

- Ông trưởng tàu giới thiệu, trước khi hai bác sĩ tới. - Sau câu trả lời, người đàn ông lại xin lỗi, vì mình đã ngồi ở tầng trên, nói chõ xuống dưới.

- Câu nệ gì! Khách tàu xe đường chợ ấy mà. Thế nào mà chẳng được. Anh người Sài Gòn, phải không? - Nghỉ được một lúc, Ngân Hà đỡ mệt. Nàng trở lại vui vẻ, vì có thêm người góp chuyện. Trông mặt mũi hắn cũng sáng sủa, dễ nhìn.

- Dạ! Hai bác sĩ là người thủ đô?

- Chúng tôi đều là người Hà Nội gốc. - Ngân Hà trả lời.

- Anh sinh sống bằng nghề gì ở thành phố Hồ Chí Minh? - Bảo Hiên hỏi.

- Tôi tốt nghiệp trường canh nông.

- Kỹ sư nông nghiệp. Vậy anh cày cuốc, canh tác lúa má, khoai sắn thế nào giữa cái thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông? - Ngân Hà lại hỏi.

- Tôi chuyên về các giống cây trồng và hoa.

- Thì ra thế. Cái nghề "hoa lá cành" cũng thú vị đấy - Ngân Hà nói - Đây là lần đầu tiên chúng tôi vào Sài Gòn. Chưa biết người Sài Gòn tiếp nhận thế nào các sản phẩm hoa lá cành của anh? Chứ dân Hà Nội chúng tôi, bây giờ, không có hoa hoét gì hết! Hoa tươi là chuyện xa hoa, phù phiếm. Thứ cần nhất của dân thủ đô chúng tôi mấy chục năm nay, là gạo. Gạo! Gạo và gạo! Và những thứ thiết yếu đi kèm theo nó, ấy là rau cỏ mắm muối tương cà!

- Thịt cá... dầu mỡ, đậu phụ và chất đốt nữa chứ! - Bảo Hiên nói liền tù tì, bổ sung.

- Ủa! Người thủ đô, mà chỉ cần mỗi gạo, thịt, mắm, muối thôi sao?

Bảo Hiên hiểu người đàn ông này có ý mỉa mai. Nhưng Ngân Hà vào chuyện đã bốc, nàng không nhận ra:

- Tính qua, thì ta rõ ngay. Chúng tôi, trừ số người được xếp vào loại lao động nặng, sổ lương thực mỗi người tiêu chuẩn chỉ 13 ki lô mỗi tháng. Đã ít thế, lại luôn bị trừ một cân "tiết kiệm". Khi đến cửa hàng, còn bị bớt gạo, bán thay bằng mỳ bột, mỳ sợi hoặc ngô, khoai, sắn hay hạt bo bo... theo một tỷ lệ do họ đưa ra rất thất thường. Gạo châu củi quế, vẫn phải khách khứa và nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, chó mèo vân vân. Nhà nào bán gạo sổ mục, hôi xì, mua gạo quê mới thơm ngon, thì mười ki lô chỉ còn bảy, tám. Bữa ăn, chỉ có bát cơm là chính. Như thế, anh bảo đủ làm sao được? Mà người thủ đô hay người ở chốn bồng lai tiên cảnh, với tiêu chuẩn sống ấy, cũng không thể phong lưu!

- Gạo sổ đã hôi xì, lại quá nhiều sỏi. Mà không hiểu thế nào, toàn sỏi trắng, giống mầu gạo cả! - Bảo Hiên nói thêm.

Ngân Hà tiếp:

- Mấy chục năm nay, chúng tôi chỉ quan tâm đến gạo. Ai cũng coi trọng gạo trên mọi thứ hàng hoá khác. Vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu long của anh giá trị lắm đấy. Đúng như tôi nói khi nãy, dân Hà Nội không mấy ai còn tơ vương, mơ màng đến chuyện hoa hoét lá cành nữa. Chơi hoa tươi, tất nhiên, người thành phố ai chẳng thích. Nhưng cái nghèo làm họ phải nhắm mắt quên đi một nét văn hóa hào hoa, thanh lịch của đất Hà thành ngàn năm văn vật. Bây giờ có chăng chỉ các gia đình quan chức to, các cơ quan cục, vụ, viện, bộ trở lên mới có điều kiện. Cái đáng lưu tâm hàng đầu của dân chúng tôi, từ lâu cho đến thời điểm này, vẫn là gạo và thịt. Chỉ gạo, cá, thịt! Nói chung là lương thực, thực phẩm và rau quả, mắm muối. Tất cả mọi thứ đều bán theo tem phiếu. Phiếu thực phẩm có đến tám hạng. Tôi là bác sĩ sản khoa. Vì phải mổ xẻ, nên được mỗi tháng một kilô rưỡi thịt. Nhà nước xếp loại lao động nặng mà. Bạn tôi đây, bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch, được đánh giá là công việc nhẹ nhàng, nên chỉ có ba trăm gam thôi. Dân thường thành phố thì được một phần ba trọng lượng đó. Đậu phụ, thì cán bộ và dân đều như nhau, bình đẳng. Người thôn quê không cần! - Câu này, Ngân Hà nhấn mạnh: - Người dân nông thôn, mà không phải chỉ dân quê xa xôi, ngay các làng Thành Công, Giảng Võ, Trung Hoà, Láng, Mọc, Yên Hòa, Cót... ở giữa Thủ Đô, dân thành phố đấy, cũng không được mua gạo sổ và không có phiếu thực phẩm. Vì họ là xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Họ chỉ được cấp phiếu vải loại bốn mét. Cán bộ chúng tôi thì được hơn, năm mét mỗi người.

Hiện nay, một số loại sổ mua hàng và tem phiếu đang rục rịch bỏ rồi.

Vui chuyện nên chúng tôi quên, đất nước thống nhất nhiều năm rồi, làm gì mà anh chẳng biết?

- Dạ! Tôi ra Hà Nội mấy ngày. Đi tản bộ phố xá, quả gặp không nhiều cửa hàng hoa tươi. Cửa hàng đã thưa, lại ít hoa đẹp, mà cũng vắng khách. Tôi đã đứng cả giờ để coi mấy cửa hàng hoa.

- Coi cửa hàng hoa, hay ngắm cô bán hoa? - Bảo Hiên nói, và cười khanh khách. Nàng mừng, vì chuyển hướng được câu chuyện vạch áo cho người xem lưng của bạn mình. Người đàn ông cũng cười.

- Dạ!

- Thế Sài Gòn của anh các cửa hàng hoa thế nào? - Ngân Hà vẫn tiếp mạch chuyện.

- Các cửa hàng hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng ít khách dần. Vùng chuyên hoa Đà Lạt đầu tư nhiều vốn liếng, công sức. Vậy mà hoa lại không bán được! Một số người chuyển qua trồng khoai, trồng sắn.

Tiếng tàu chạy xình xịch, đều đều và cuộc vật lộn với quá nhiều hàng hóa, làm cả hai người đàn bà trẻ thấm mệt, buồn ngủ. Chuyện trò tràn cung mây, không ai chú ý tới cảnh vật của nhiều vùng quê, mùa cây khô lá vàng, đang vùn vụt chạy về phía sau, bên ngoài cửa sổ con tầu, cùng với trời đất quay quay vòng tròn cuối kỳ đông lạnh giá. Bảo Hiên và Ngân Hà nằm trùm chung một cái chăn mỏng ở cái giường tầng dưới còn lại. Ngân Hà chốt cửa cẩn thận, nhưng vẫn nói:

- Nhờ anh để mắt giúp. Chúng tôi ngủ nhé.

- Dạ! Hai bác sĩ khỏi lo.

* * *

Khoảng nửa giờ sau, Ngân Hà đã tỉnh giấc. Bảo Hiên vẫn còn ngủ say. Hà khát khô họng. Nàng trở dậy uống nước. Người đàn ông hỏi:

- Bác sĩ ngủ vậy thôi ư?

- Vâng! Thế anh không ngủ à?

- Lâu nay, tôi ngủ rất ít. - Ngừng giây lâu, anh tiếp: - Mà tôi phải thức, để thực thi nhiệm vụ. Bác sĩ đã giao trách nhiệm rồi mà.

- Cảm ơn nhiều! - Nàng cười - Như anh... thì cần ngủ bảy giờ mỗi ngày. Mà anh bao nhiêu rồi nhỉ?

- Thưa bác sĩ, tôi đã ba bảy, ba tám tuổi rồi.

- Anh hơn tuổi chúng tôi đấy. Vợ con anh thế nào?

- Dạ! Tôi sống độc thân.

- Thế mất ngủ cũng phải. - Nàng cười và liếc nhìn lại người đàn ông.

- Không hẳn như vậy. Mời bác sĩ lên tầng trên, ta nói chuyện. - Người đàn ông nói và chỉ vào cái giường còn trống, đối diện với giường của mình.

Bây giờ, Ngân Hà thấy rõ hơn, người khách đồng hành không những khỏe mạnh, trẻ trung mà còn rất điển trai nữa:

- Anh tên gì?

- Tôi, Hùng. Ngô Quang Hùng. Còn bác sĩ?

- Tôi là Ngân Hà, bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà. Bạn tôi là bác sĩ Phan Thị Bảo Hiên.

- Hai cái tên đều rất đẹp. Rất văn chương.

- Anh vừa nói, lâu nay mất ngủ? Có chuyện gì liên quan đến cuộc sống tinh thần không?

- Tôi sắp phải rời khỏi đất nước mình!

- Vì sao thế?

- Tôi xin định cư ở Mỹ.

Im lặng một lúc, Hùng tiếp:

- Nói thật với bác sĩ, tôi hoàn toàn không muốn rời xa tổ quốc chút nào. Năm 1975, ba má và cô em gái di tản, tôi vừa xong cái tiến sĩ sinh học bên Anh quốc về. Không bằng lòng với gia đình về việc cả nhà rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mồ hôi nước mắt ông bà... tôi đã ở lại một mình. Mà cũng bởi người thương không chịu đi cùng. Ba má tôi là những người buôn bán thuần túy. Họ không dính líu gì với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và không chống Cộng, nên không lo có chuyện tắm máu với các ông Giải phóng, như phía ông Thiệu tuyên truyền. Họ chỉ lo công việc, khi đất nước thống nhất, có thể rồi sẽ khó khăn, vì chuyện cải tạo và tập thể hóa nền kinh tế như ở miền Bắc ngày trước. Một lý do không di tản, là tôi nghĩ mình có kiến thức và có khả năng phụng sự quê hương... Chắc mình sẽ được trọng dụng. Bởi người miền Bắc, ai chẳng thuộc lòng lời dạy của Lê Nin, "... không có tri thức, thì không có chủ nghĩa cộng sản". Hơn nữa, tôi thích được sống trong mảnh đất của ông bà nội mình. Từ ngày thơ bé, tôi đã thấy các cụ rất yêu quý ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ ấy.

Từ khi trở lại Sài Gòn, tôi hăm hở với công việc nghiên cứu, nhằm tạo ra các giống hoa mới, những giống cây trồng năng suất cao và chất lượng tốt. Vừa lúc chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

Sau khi thống nhất đất nước không lâu, cái biệt thự của tôi bị một tốp thanh niên tới "chốt" mất. Không buôn bán gì, tôi vẫn phải chịu cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh, "tội lỗi" của cha mẹ mình đã di tản, bỏ lại!

Dù có làn sóng vượt biên đủ kiểu, tôi vẫn ở lại Sài Gòn trong cảnh sống thuê nhà... cho tới gần đây, người vợ bỏ đi biệt tích. Có lẽ vì chúng tôi đã sống với nhau nhiều năm mà chưa có con... Thêm nữa, cô ấy thấy tôi thất nghiệp!

- Anh phải ân hận nhiều không? - Ngân Hà hỏi cho có chuyện. Chắc anh ta có rất nhiều tâm sự cần giữ kín cho mình.

- Không! Tôi không ân hận gì, bởi cuộc đời dâu bể là thường tình. Mà có thế, tôi mới hiểu được đất nước quê hương, người thân và cả đồng bào mình nữa.

- Anh không phải ân hận là tốt rồi.

Ngân Hà không biết an ủi, động viên người bạn đường xa lạ thế nào. Con người này học hành và sống dưới chế độ Mỹ nguỵ, gặp nhiều mất mát, mà cũng đứng đắn đấy chứ? Học vị cao, ngôn ngữ phổ thông chuẩn. Vẫn giọng nói phương Nam, nhưng không có từ ngữ địa phương khó nghe, khó hiểu.

- Một là, tôi vô duyên; hai là, giống cây trồng... ngoài những gì đã có từ trước, là quyền lợi riêng của các giáo sư, tiến sĩ từ Bắc vào. Cái biệt thự của gia đình không còn. Cơ sở thí nghiệm, khu vườn đất thực nghiệm giống cũng mất. Bác sĩ nghĩ xem, kỹ sư canh nông mà không có một tấc đất, tiến sĩ di truyền mà không có phòng thí nghiệm, thì còn làm được trò gì! Hiểu biết của tôi không có ích gì cho ai. Xin đi làm thì giá trị của mình không bằng một thứ "cây kiểng" trong cơ quan. Vì thế, sau rất nhiều trăn trở, tôi quyết định ra đi. Suy nghĩ mãi, đoàn tụ với những người ruột thịt là hay hơn cả. Dù đó là một cuộc sống tha hương, chân trời góc bể...

- Bao giờ thì anh Hùng đi? - Thấy anh ta ngừng lời, Ngân Hà hỏi.

- Thủ tục đang được hoàn tất.

* * *

Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngân Hà và Bảo Hiên bán đống hàng hóa mang vào khá thuận lợi, nhanh chóng và lãi nhiều. Chỉ có các vòng bi là ế ẩm, bế tắc. Không ai ở Sài Gòn trả bằng giá hai người đã mua buôn ở Hà Nội. Đó là những vòng bi được sản xuất từ Cộng hòa dân chủ Đức. Người Sài Gòn không quen dùng, không chuộng. Thật khó khăn. Ngân Hà xách nặng, lễ mễ, rã rời hai tay, vẹo cả cột sống... Không có ai trả bằng giá gốc. Đi mãi, Ngân Hà quá mệt mỏi. Muốn bán đổ bán tháo đi, mà cũng không xong.

Nàng một mình tìm đến nhà người đàn ông quen trên tàu hoả. Ngô Quang Hùng đã nói tên và địa chỉ thật. Đúng là nhà chỉ có một mình anh ta.

Nghe chuyện món hàng khó bán, anh ta lộ vẻ thông cảm, như một người bạn thân đã rất lâu ngày:

- Bác sĩ chờ ít ngày, Hùng tìm khách cho.

- Em cần bán ngay!

- Bán cho anh vậy. - Hắn cười.

- Thật nhé! - Đôi mắt Hà mở to, miệng đáp vội vàng. Nhưng chợt nhận ra sai lầm, nàng cười ngượng nghịu:

- Anh Hùng cứ đùa?

- Anh mua thật mà. Anh mua với điều kiện...

- Điều kiện gì?

- Cả vòng bi và em.

Ngân Hà cúi đầu, không nói. Dáng điệu nàng rất buồn.

- Chịu các bác sĩ Bắc Việt! Anh chưa từng thấy ở Anh, Mỹ, và ngay cả Sài Gòn, một bác sĩ nào làm giỏi nhiều việc như em. y tá, họ cũng không làm thêm gì khác, ngoài việc chích thuốc.

Anh xin lỗi! Anh xin lỗi!

Chủ nhà rối rít, tỏ vẻ hối hận, khi thấy nước mắt chảy hai bên sống mũi Ngân Hà. Sau ít phút, như đã nhận ra điều gì... Hắn thì thầm: "Thôi nào! Thôi nào! Anh mua, anh mua." Rồi hắn kéo Ngân Hà vào lòng mình và ôm nàng rất chặt.

- Em vất vả quá! Đi cùng anh sang Mỹ nhé? Anh rất thích có vợ là bác sĩ.

Ngân Hà lúc lắc cái đầu. Không rõ nàng đồng ý hay phản đối. Hắn ôm xốc Ngân Hà lên khỏi divan. Ngân Hà trườn xuống. Người đàn ông này cũng không thể bế Ngân Hà lâu được. Hắn vừa hôn, vừa kéo nàng đi về phía giường ngủ. Và vừa sờ mó, nắn bóp nàng, hắn vừa cởi bỏ quần áo, vứt bừa phứa ra sàn...

Ngân Hà trở về Hà Nội, đã là ngày 28 tết Nguyên Đán. Người bố chồng đột ngột qua đời, từ sau khi Hà đi Sài Gòn chỉ có một ngày. Thân cũng không biết nơi Ngân Hà ở trọ, để gửi điện báo. Đám tang đã xong. Những ngày trước khi đi Sài Gòn, Ngân Hà thấy ông vẫn còn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Và tối nào cụ chẳng vừa đi dò dẫm trong nhà vừa hát: "Một mùa thu năm qua... Tuổi xanh như lúa mai / Đời thanh niên sáng tươi / Đường ta ta cứ đi / Nhà ta ta cứ xây / ruộng ta ta cứ cày / Đợi ngày..."

Người con dâu thắp ba nén nhang, cắm vào bát hương trên bàn thờ bố chồng. Và nàng vừa lầm bầm khấn vái ông, vừa khóc.

Người già như cái lá khô vàng, trước ngọn gió thu phũ phàng!

Nhờ chuyến đi, Ngân Hà mang về được một tạ gạo, trăm quả trứng. Và quan trọng hơn, có tiền trang trải, mà chồng ở nhà đã vay mượn hoàn toàn, lo cho việc hiếu.

Bác sĩ Nguyễn Quý Thân từ châu Phi trở về.

Đã sáu năm nay, ông đến lục địa Đen, làm việc cho một bệnh viện của người bản xứ để lấy tiền công. Thực chất là đi làm thuê. Thâm tâm biết vậy. Nhưng ông vẫn bực khi nghe một số người hỏi thăm, bác sĩ vừa đi làm thuê về đấy à? Làm thuê tận Phi Châu xa xôi, môi trường và khí hậu khắc nghiệt thế, chắc khấm khá lắm nhỉ?

Thân khó chịu và buồn. Họ cố tình phỉ báng, mỉa mai và coi thường mình? Càng nghĩ ông càng bứt rứt. Hai từ "làm thuê" nghe cu li, hèn kém, mà họ gắn vào tên tuổi của một đốc tờ! Làm thuê, làm mướn. Làm thuê! Làm mướn! Ơ hay! Đốc tờ mà nghèo khổ, mà phải đi làm thuê làm mướn? Về tính chất, "làm thuê" gần nghĩa với "phục dịch". Phục dịch người, là ông phải đi làm tôi tớ kẻ khác? Đúng thế. Thân càng nghĩ càng uất!

Ông đã phải tốn kém cho việc đi chuyên gia... nên muốn ở lại Angola "cày" thêm vài ba lần ký nữa. Cho bõ. So với những bác sĩ thạo buôn bán, thì tiền ông chưa có bao nhiêu. Nhưng người phụ trách chuyên gia của lãnh sự quán Việt Nam gặp gỡ, nhắc nhở ông về tuổi tác và sức khỏe. Cái thằng... mặt lạnh như tiền. Vừa gặp, nó đã chốt ngay vấn đề, không để ông kịp trình bày, đề đạt gì. Đã đến lúc ông cần phải về nước.

Thực ra, lý do không phải ở đó. Cán bộ lãnh sự Việt Nam có biệt tài theo dõi người mình. Dù không có đơn từ phát giác, tố cáo, hay kiện tụng, họ vẫn biết ông Thân vừa có đứa con gái với một người đàn bà bản xứ.

Khác với Việt Nam, vấn đề quan hệ tình dục ở đây, người ta không cần che đậy, giấu giếm. Họ coi như cơm ăn, nước uống. Sinh đẻ, ốm đau hay chết chóc đều là những chuyện nhẹ nhàng. Trong một thị trấn nhỏ bé, người ta dễ dàng tìm ra bố đứa bé là ông bác sĩ da vàng. Người đàn bà Angola không chồng, chửa đẻ và tự nuôi con. Đã không bắt vạ, cô ta còn hãnh diện, tự hào, hớn hở đi khoe khắp nơi. Tôi đã được ngủ với ông bác sĩ chuyên gia! Con của bác sĩ Thân, người Việt Nam đấy. Không phải con của người thường đâu nhé! Dân thị trấn nghe chuyện, ai cũng chúc mừng cô. Ông Thân không phải chịu những gì phiền phức. Dù được thế, những người đồng hương vẫn giục giã ông Thân, rời khỏi Angola càng nhanh càng tốt. Hơn nữa, ngài giám đốc bệnh viện cũng đã nói, như kiểu người Việt bắn tin, sẽ không ký hợp đồng với ông thêm nữa. Ông Thân căm hận, nhưng vẫn phải báo nghỉ việc, thanh toán lương lậu, thu xếp... trước khi giám đốc bệnh viện gọi đến văn phòng. Tiên sư cái thằng...!

Ngày Thân mới sang, Angola còn đang nội chiến. Ông phải nằm chơi ở thủ đô Luanda khá lâu. Mấy tháng sau, người ta mới đưa ông về một bệnh viện huyện, thuộc tỉnh Moxico, tận biên giới phía Đông Nam nước này. Lương họ trả thấp so với các bác sĩ được làm việc ở thủ đô và chuyên gia nước khác. Đã thế lại không bao giờ ông được nhận đúng ngày.

Giữa hai kỳ hợp đồng, ông Thân muốn về phép. Nhưng thấy vé máy bay khứ hồi mất nhiều tiền, lại nghĩ quà cáp tốn kém. Đành thôi. Phải tiết kiệm. Nếu chỉ vì nỗi nhớ nhung Ngân Hà mà về, thì đắt quá! Thể xác và tinh thần đều không thúc bách gì. Thường khi, dân thị trấn vẫn thấy ông đốc tờ da vàng gầy guộc, nhỏ thó này, đi tìm những niềm vui bản xứ.

Bước qua cửa nhà, nhìn thấy mẹ và vợ con, Thân mới thực sự yên tâm. Thế là mình đã về đến nhà. Ông đốt ba nén nhang, cầm bằng hai tay cắm lên bàn thờ người cha. Những năm tháng phiêu bạt nhọc nhằn, những đêm ngày canh cánh tai họa, bệnh tật, rủi ro ở xứ người đã vĩnh viễn chấm dứt. Cái họa súng đạn, tai biến nghề nghiệp, tai nạn giao thông, những tráo trở và lường gạt... có khi ngay của những đồng nghiệp, đồng hương. Rồi bệnh tật lây nhiễm từ cái xứ sở nhiệt đới Châu Phi này nhiều vô thiên lủng. Chỉ con ruồi đốt cũng làm chết người! Nhưng đổi lại, ông mang về một số tiền. Tính ra, có sống đến vài ba cuộc đời đi làm công ăn lương bác sĩ ở nước mình cũng không có được! Tiền lương làm ở bệnh viện Hồng Phúc, chi cho các khoản sinh hoạt hằng ngày chưa đủ, làm gì có thừa, mà tích lũy cho những việc to tát? Nếu không xuất ngoại, việc xây dựng nhà cửa, mua sắm nội thất... không bao giờ ông dám nghĩ tới! Mà cuộc đời con người ta đâu có dài? Như ông cụ thân sinh, có mơ ước đấy, thương vợ yêu con đấy, mà chưa làm được gì để lại, đã sập đến ngày nhắm mắt xuôi tay, từ bỏ tất cả!

Đôi lúc, Thân nhớ lại chuyện tản cư ra vùng tự do, ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Không hoạt động gì cho Việt Minh, nhưng bố mẹ Thân hoảng hồn; ta và bọn lính ngoại xâm săn đuổi nhau trong từng căn nhà, từng ngõ hẻm, từng đường phố Hà Nội. Súng nổ liên tục suốt hai tháng trời. Cả Hà Nội thành chiến lũy, thành pháo đài chống quân xâm lược. Dân ta quăng hết giường, ghế, bàn, tủ, ra mặt đường; để chặn xe giặc... Tổ quốc trên hết, tiêu hủy kháng chiến cơ mà! Không có gì để tiếc, bố mẹ Thân bỏ công việc quét chợ và nơi trú ngụ là cái vòm trống dưới gầm cầu Long Biên, dắt díu các con theo mọi người lên tận Đại Từ, Thái Nguyên. Không có vốn liếng, ông bà bán bánh đúc chấm muối ớt kiếm ăn cho cả nhà. Mấy tháng sau, người chị gái của Thân chết vì sốt rét. Cả nhà sợ hãi, lếch thếch dinh tê. Không đâu sống hơn là về với cái gầm cầu duyên nợ. Người cha xin lại được cái chân quét chợ, mà ông làm từ khi còn trẻ. Người mẹ tiếp tục bánh đúc, mắm tôm, chanh, ớt, bán rong suốt ngày trên khắp các vỉa hè đường phố, ngõ phố.

Nguyễn Quý Thân từ nhỏ đã giấu kín gia cảnh mình với bạn học và những người quen biết. Sau ngày giải phóng thủ đô ít lâu, người tốt nghiệp phổ thông còn hiếm, Thân vào được đại học y khoa, và đã trở thành bác sĩ. Rất ít, nhưng ai đã biết hoàn cảnh, đều cảm phục Thân, một người thông minh, giầu ý chí và nghị lực. Họ khen Thân, nhưng cũng biết thành công ấy nhờ chủ trương của nhà nước, đào tạo đội ngũ trí thức mới từ những tầng lớp lao động giản đơn. Cũng là may mắn nhờ chế độ bao cấp. Sinh viên đại học và học sinh trung học chuyên nghiệp đã không phải nộp học phí, mà còn được cấp học bổng.

Mấy chục năm cán bộ sống trong bao cấp quá nhiều khó khăn. Từ khi nhà nước ta quyết định cho đi làm chuyên gia nước ngoài, nhiều bác sĩ mong được đi Châu Phi ít năm. Họ hy vọng, và thực sự nhờ đó mà đổi đời. Không ít lần khi trò chuyện, ông Thân vẫn gật gù, đúng là như thế.

Mang tiếng "nhảy dù", nhưng gia đình ông Thân vẫn phải ký hợp đồng thuê nhà với thành phố. Căn hộ có hơn bốn chục mét vuông. Thêm khoảng đất phía sau, dựng được một cái chòi làm bếp đun nấu và nhà vệ sinh. Vậy mà, ngày ông nội còn sống, nó phải chứa tới bốn người lớn, một trẻ con. Lợn gà ngan vịt ở phía sau, chó mèo ở lẫn với người. Ngân Hà chăm lau rửa, mùi phân gia súc vẫn bốc lên nồng nặc, khi nàng vắng nhà. Khổ nhất là những ngày hè nắng lửa. Mà cả nhà chỉ có hai cái quạt con cóc. Thân thấy vẫn hơn rất nhiều cái khoảng trống dưới gầm cầu Long Biên, được bố ông che chắn lại, làm nơi ở cho gia đình mình.

Hòa bình, nhất là từ khi đất nước đổi mới, ngày càng có nhiều cán bộ và nhân viên nhà nước phát phì. Riêng ông Thân, qua tuổi hưu trí đã lâu, vẫn cứ gầy đét. Cái tạng ông, ăn gì cũng không thể béo tốt lên được. Thân nghĩ mãi, không tìm được nguyên nhân ở đâu?

Cơ địa mình như thế? Mà đã là "cơ địa", thì chịu!

Kiến thức y học mang lại cho ông Thân nhiều lý lẽ giải thích và tự động viên mình. Tuy gầy, nhưng xét nghiệm sinh hóa và nội tiết sinh dục của ông vẫn cứ còn được. Đàn ông tuổi cao mà đẫy ra, bụng phệ như chúng nó, là triệu chứng xấu. Vòng bụng to ra thì vòng đời ngắn lại. Đó là dấu hiệu nội tiết tố nam giảm sút, hàm lượng vitamin E trong máu thấp, kèm theo rối loạn chuyển hóa mỡ và cholesteron. Khả năng hoạt động tình dục của bọn họ đều sa sút nặng. Cái bụng to ra, thằng cu bé lại, còn ăn nhằm gì? Rồi bọn trọc phú ấy sẽ đến lúc biết mặt! Bệnh tật từ miệng đi vào. Huyết áp tăng cao, tai biến mạch não, xơ vữa và tắc nghẽn mạch vành, nhồi máu cơ tim, rồi gout, tiểu đường... Đột quỵ, đột tử lúc nào cũng không biết đâu.

Ông Thân quên? Không, chắc chắn cho đến chết, ông không thể quên; gia đình mình sống chui rúc dưới gầm cầu Long Biên. Làm sao sinh hoạt sạch sẽ, khi nước dùng hàng ngày, phải đi xếp hàng hứng ở vòi công cộng, gánh về từng thùng? Tiếng bánh sắt rít trên đường ray, như nghiến vào ngực, như xiết vào óc ngày đêm. Và những hồi còi tàu hỏa hú dài đinh tai nhức óc. Chưa hết, bọn cảnh binh, lính thực dân và sau này cả lính ngụy gác ở hai đầu cầu cũng luôn lùng sục, bắt bớ, quấy nhiễu... Thân suy nhược thần kinh từ rất sớm. Có thể, ông đã nhiễm nhiều chủng vi khuẩn độc hại, trong những năm chịu kỷ luật làm hộ lý, bưng bô đổ vịt. Ông ngại đi ủng, không cả đi găng và cũng không đeo khẩu trang bảo hộ khi phải tiếp xúc với đủ loại chất thải của bệnh nhân? Thời gian đi thanh niên xung phong, vệ sinh ẩm thực ở đơn vị có ai để ý? Thiếu đói thường ngày và cái chết bom đạn bất thình lình làm người ta quên đi, không còn mấy ai để ý đến vệ sinh thực phẩm...

Bây giờ, tóc ông đã bạc tới nửa. Mắt đục nhân và tăng số kính viễn. Những nếp nhăn xuất hiện ngày một nhiều, khiến khuôn mặt không râu nhàu nát, lại càng thêm nhàu nát!.

Ngân Hà chú ý đến đôi môi chồng, ngay từ cái hôn đầu của Thân. Cái môi mỏng, nay càng mỏng hơn, và lại thâm xì thâm xịt. Vì khói thuốc lá, vì...? Nàng không bao giờ ngắm khuôn mặt chồng, nhưng cảm nhận rất rõ khi ông ta hôn mình. Đôi môi ram ráp, khô khốc, vô cảm. Ngân Hà chỉ thấy khó chịu, khi cái vành môi cứng quèo và nhạt thếch ấy cứa vào miệng mình. Sợ hơn, nó phả ra cái mùi thuốc lá hôi nồng nặc, trộn lẫn mùi hở tâm vị thối hoắc! Sau ngày cưới, không nhớ từ khi nào, Ngân Hà không bao giờ muốn nhận những cái hôn ấy. Nàng thường tránh. Từ châu Phi về, đôi mắt Thân càng bé híp lại, hai bờ mi như dính tịt vào nhau, ti hí. Chỉ liếc qua chồng, Ngân Hà cũng thấy cuộc sống của những kẻ làm thuê ở Châu Phi chẳng sung sướng gì!

Tuy thế, ông Thân đi lại vẫn nhanh nhẹn, suy nghĩ còn minh mẫn, mạch lạc. Chỉ vài ngày sau khi về nước, ông đã đi karaoke ngay được. Đã quá cái tuổi xưa nay hiếm, mà vẫn sống ga lăng như thế, kể cũng hiếm thật. Ông đinh ninh mình đã lao tâm khổ tứ, nằm gai nếm mật gần hết đời rồi. Mà mỗi người, làm gì có hai cuộc đời! Phải tìm cách, và tìm nơi hưởng thụ...

Thân gọi thợ xây nhà.

Đã về hưu nhiều năm rồi, mà ngôi nhà của ông bác sĩ chuyên gia y tế nước ngoài vẫn tồi tàn nhất trong tổ dân phố. Nó đã tồn tại với vách đất lá gồi quá lâu.

Căn hộ tồi tàn. Thỉnh thoảng cái vách đất phía sau lại tụt lở từng mảng. Mái lá cọ lâu ngày, mủn mục, dột nát... Đàn bà vắng chồng, không thể chỉ để mắt vào mỗi cái bếp mà xong thôi đâu. Thi thoảng Ngân Hà lại phải nhờ, phải thuê người trát vá tường vách, bằng rơm trộn đất; dọi lại mái, với những miếng giấy dầu cũ nát, những mảnh fibrociment xin được hay phải mua sỉ.

Nhà của hai bác sĩ, mà lụp sụp, thảm hại quá nhà chị Dậu, anh Pha? Thân nửa đùa nửa thật với những người quen biết, không làm cái nhà cho đàng hoàng, đảng bộ và chính quyền dân phố, cũng như bạn bè lại đánh giá xấu về hai nhà trí thức y khoa lâu năm. Bọn tiểu tư sản cố tình bôi xấu? Bác sĩ của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa gì mà nghèo nàn, khốn khổ thế a! Xin lỗi chư vị, xin lỗi bà con dân phố nhé! Vợ chồng sớm tối phục vụ đồng bào, chưa có khi nào rảnh rỗi, đôi hồi. Bây giờ, thì xin cố gắng. Một công đôi việc, cho đẹp mặt hàng phố và cũng là củng cố cái tổ ấm gia đình!

Tiền! Tiền đúng là tiên là phật, là sức bật của lớp trẻ, là sức khỏe của người già... Từ khi Thân cho phá cái nhà lều, khởi công xây lên trên mảnh đất ấy một ngôi nhà bốn tầng hiện đại chỉ mất đúng có sáu tháng. Đi lại, ăn ngủ trong ngôi nhà kiểu tây sực mùi sơn mới, Thân sướng âm ỷ. Ông không nói với ai, đây là ngôi nhà rửa hận cho vong linh người cha, cho hương hồn người chị gái xấu số chết vì chạy giặc, tản cư trong một túp lều, muỗi nhiều như trấu vãi ở vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Nó cũng an ủi người mẹ già và chính cái thân mình.

Ngôi nhà đáng để Thân tự hào. Tiền một mình ông làm ra. Cái khoảng trống gầm cầu Long Biên được che lại làm nhà, và căn nhà tạm vách đất lá gồi, đều mang lại cho ông những tủi nhục nặng nề. Hàng ngũ bác sĩ, hầu hết sống đàng hoàng. Có lẽ khắp mặt đất này, chỉ một mình ông, chỉ có bác sĩ Nguyễn Quý Thân nghèo khổ như thế!

* * *

Suốt nửa năm trời vất vả về chuyện nhà cửa, Thân không ân ái với vợ mình. Không phải ông đã mất khả năng hoạt động tình dục. Nhưng với một cái lều bạt dựng tạm trên mảnh đất công lưu không trước cửa, bề bộn, chật trội và cũng bẩn quá. Nhà ba người lớn, một trẻ con, không biết xoay sở thế nào. Lại vừa thêm cô Tư giúp việc. Thật ra, không hoàn toàn vì không có chỗ. Thân nhớ ngày xưa... bờ sông, sườn đồi, bãi ngô, trong hầm kèo chữ A, dưới hầm sâu, hầm nông... đều làm nên chuyện. Bây giờ, tuổi già cũng là một lẽ. Lại nhiều năm đã quen đàng hoàng. Mà Ngân Hà cũng thay đổi nhiều? Bà ấy thân thể ngày một rắn chắc như con nhà võ và đêm đêm cứ trơ ra như một pho tượng gỗ vô cảm!

Đêm trước ngày ông lên máy bay về nước con nhỏ người da nâu chưa đầy mười bảy tuổi quá cuồng nhiệt. Chỉ mất có hai mươi đô. Cái người nhà mình... Sự hấp dẫn của Ngân Hà, với ông, gần như không còn!

Thân lại nghĩ, Ngân Hà kém mình nhiều tuổi, những sáu năm xa chồng, mà nàng thờ ơ với chuyện ân ái? Không thấy bà ấy chủ động đòi hỏi như những năm trước. Hay ở nhà mụ cũng đã có một con đực nào rồi?

Hôm nay, đêm đầu tiên ngủ trong ngôi nhà Tây của mình. Cũng nên có chuyện "tươi mát", để kỷ niệm một đời chồng vợ. Không có gì sướng bằng ân ái. Thân quay sang trái, ôm ngang ngực Ngân Hà. Thân nhớ đến con bé da nâu bên Angola, rồi cô bé Vĩnh Phúc, người chạy bàn trên quán cà phê Hương thầm.

- Thôi đi! - Ngân Hà gạt tay Thân ra khỏi người mình.

- Sao?

- Tôi mệt!

- Đã làm gì đâu, mà mệt?

- Tôi mổ cả ngày.

- Cô không thích sao?

- Không! Tôi không cần! - Ngân Hà tức giận. Lão lại gọi mình là "cô" đấy!

- Cô đã bồ bịch, phải không?

- Ông lên tầng trên mà ngủ. Đừng giở ra cái giọng ấy. Không hay ho gì đâu!

Ngân Hà nhích người ra xa và nằm quay mặt vào tường. Lão Thân cũng trở mình. Chỉ mấy phút sau, nàng đã nghe thằng đàn ông hôi rình ngáy rồ lên khùng khục.

* * *

Nửa đêm.

Trời rét đậm, rét hại.

Ngôi nhà mới của Nguyễn Quý Thân, các phòng đều đóng kín cửa. Không một ngọn đèn được bật sáng.

Đã mấy tháng nay, từ cái đêm bị vợ từ chối, Thân ngủ trên tầng ba một mình. Hai mẹ con Ngân Hà ở tầng hai. Khép cửa, người đi bên ngoài hành lang và người trong các phòng đều không thấy nhau. Bà nội và con Tư giúp việc ngủ chung giường, ở tầng dưới cùng. Ngân Hà sắp xếp như thế, cho cụ già không phải leo trèo và tiện việc nâng giấc của con Tư Ô sin. Đêm hôm cụ vẫn phải trở dậy, nước nôi, thuốc men hoặc đại, tiểu tiện. Tầng một, cái chân cầu thang chia đôi căn phòng. Phía trong là bếp và bàn ăn. Phía ngoài kê cái tủ, một giường đôi, bộ bàn ghế nhỏ. Còn lại là lối ra cửa chính.

Đêm nay, Ngân Hà lại nghĩ tới chồng, với những lần thoả mãn hiếm hoi. Từ khi sống chung, trong trái tim Ngân Hà không hề có người đàn ông tên là Nguyễn Quý Thân. Nhưng Ngân Hà kết hôn với Thân đàng hoàng, có với nhau một đứa con, và thêm mấy bận sa sẩy, nạo bỏ. Từ sâu thẳm tâm hồn, sau quá nhiều cuộc tình thất bại, Ngân Hà cũng muốn có một người chồng, và nàng chỉ yêu một người đó thôi. Nhưng con đường nhân duyên gập ghềnh, mệt mỏi và bẽ bàng quá! Nó tạo ra một mối hận cho nàng. Cuộc sống vật chất và tinh thần đều khó khăn. Thân đã không có gì hấp dẫn, lại không biết chung lưng đấu cật... Thân phó mặc nàng lăn lộn mưu sinh. Trong vật lộn đêm ngày vì chuyện sinh nhai, mối quan hệ với những người đàn ông khác, đều mang lại cho Ngân Hà cảm xúc vừa ý và những lợi ích cụ thể, thiết thực. Nếu chỉ có đồng lương của hai vợ chồng, Ngân Hà không thể chèo chống, lo toan được cả những việc đơn giản, mà thiết yếu của cuộc sống gia đình. Nhiều đêm nghĩ ngợi về đời sống gia đình, nàng khóc, vì thấy mình hoàn toàn bất hạnh.

Thế thì nàng sống không đoan trang, không chung thủy với chồng là một tất yếu.

Không yêu, Ngân Hà thấy cái gì ở Thân cũng làm cho nàng khó chịu. Đã thế, Thân lên mặt ngay, khi túi có tiền. Nàng càng thêm ghét! Kim Thoa là con của Thân. Cái thằng Chu Nhạc lại cứ vơ vào. Hắn bảo đó là con mình và muốn có thêm một đứa em nó nữa. Hắn đang thèm con trai. Vì chính sách dân số, vợ chồng chỉ có hai cô con gái. Ngân Hà vừa phát hiện, Chu Nhạc có những bốn đứa con gái ngoài giá thú nữa!

Làm xong nhà, Thân rất vui. Nhưng rồi ông như một kẻ ngẩn ngơ khi nghĩ đến thái độ lạnh nhạt của cô bé Vĩnh Phúc ở quán cà phê Hương thầm. Ông không còn tiền... Tất cả công sức sáu bẩy năm trời đổ vào ngôi nhà hết sạch. Lúc đầu, tưởng cũng đơn giản. Từ khi xin giấy phép tới lúc khánh thành, phát sinh biết bao khoản chi vô lý!

Ông bạn cờ cười bảo, nông dân họ còn biết làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn. Vui vẻ đi. Nhà ông, vợ chồng bác sĩ cả... Họ còn nể đấy. Nào, để mắt vào bàn cờ đi. Ông mất béng quân xe rồi đây này!

Thân nhớ mấy năm cuối đời, người cha hay kể lại chuyện những ngày tản cư ở Đại Từ, Thái Nguyên. Ông cụ đã yếu, mái tóc thưa bạc, đôi mắt đã lòa... nhưng vẫn còn nhớ và hát lại được những bài ca kháng chiến xưa, với một giọng rè rè, khê đặc: "Một mùa thu đi qua ... Tuổi xanh như lúa mai / Đời thanh niên sáng tươi / ... Đài vinh quang đắp xây / Miệng hô câu hát vang trời mây / ... Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây / Ruộng ta, ta cứ cày đợi ngày / Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia / Cười vang ta hát câu tự do..."

Ông cụ có trí nhớ tốt. Thân biết, phải có trí tuệ, cha mình mới chớp nhanh thời cơ, nhờ gió bẻ măng sau trận Điện Biên Phủ trên không, nhập vào đoàn người mất gia cư "nhảy dù" chiếm đất, làm được gian nhà lá, chấm dứt cuộc sống nơi gầm cầu đầy tủi nhục mấy mươi năm của gia đình mình. Lúc đầu, Thân ngạc nhiên về trí nhớ của cha, sau rồi tối nào cụ cũng hát, làm ông khó chịu. Ngay cụ bà cũng phải gắt lên, gia cảnh khó khăn đủ bề, ăn ở trong cái nhà cấp bốn tồi tàn, sập xệ, mà hôm nào ông cũng cứ lải nhải, rặn mãi ra cái giọng ống bơ rỉ thế! Già trơ sọ, sắp xuống lỗ mà ngày nào cũng rên rỉ "Tuổi xanh như lúa mai ... Đời thanh niên sáng tươi... Nhà ta ta cứ xây..." làm ai cũng phải sốt ruột. Giời ạ, còn sức đâu mà cứ muốn rống mãi lên "Tuổi xanh như lúa mai" với "đời thanh niên sáng tươi"! Nhà! Nhà! Nhà! Tiền đâu, mà nhà với cửa? Ai cho phép mà "nhà ta ta cứ xây"? Ngày xưa, người ta nói thế thôi. Ông cứ mơ ước hão! Nhà ta, ta cứ xây mà được? Bực, nhưng rồi mọi người nghĩ đến cuộc đời ông mà thương. Đời lão khổ quá. Ngân Hà nói với Thân và mẹ chồng, não bộ ông nội tổn thương rồi; tâm thần kinh không còn được bình thường như xưa; đừng ai gắt gỏng với ông cụ nữa, tội nghiệp. Khi bố đã chết, Thân mới hiểu, một ngôi nhà đàng hoàng là mơ ước cả đời của người cha ít học, nghèo khó, khốn khổ ấy! Suốt đời bố ông nghĩ đến việc làm nhà cho vợ con, cho cả nhà mở mày mở mặt, mà chỉ tiền công của người quét chợ, nên đành thúc thủ.

Khi Thân xây được ngôi nhà bốn tầng này, thì cha không còn. Cả đời ông cụ, không có lấy một ngày sung sướng. Đứng trong ngôi nhà mới, thắp hương cho cha, Thân phủ phục xuống sàn, hai tay ôm lấy mặt, nức nở!

* * *

Hình như lão Thân dở chứng? Ngày nào cũng nhắc, tiết kiệm điện, tiết kiệm điện, phải tiết kiệm điện! Khi mọi người lên giường, tất cả các bóng đèn trong nhà đều phải tắt hết. Lão Thân đi kiểm tra, không kể sớm muộn, từ cửa ra vào đến những cái cửa sổ, hành lang, bếp núc, các phòng vệ sinh... Ngân Hà ngạc nhiên. Lão quá khoái chí; lão sướng; lão thích thú vì ngôi nhà vừa mới xây xong? Lão mất ngủ? Hay lão đã bắt đầu lẩm cẩm tuổi già?

Ngân Hà chợt nhớ, nàng bỏ quên cái đồng hồ đeo tay trên nóc tủ lạnh. Sợ nó chết máy, hoặc ai đó không biết, có thể làm rơi. Ngân Hà xuống lấy, bất ngờ gặp chồng ở chân cầu thang. Thân im thít vượt lên cầu thang. Chẳng lẽ lão kiểm tra điện đóm, cửa rả, vào lúc đã quá nửa đêm? Nếu không có chuyện xằng bậy, thì lão phải đường hoàng chứ? Trái lại, dáng lão len lét. Nhí nhố với con Tư Thị Nở? Nó quá xấu xí. Cái mặt nó, nói theo nhà văn Nam Cao, ma chê quỷ hờn! Nhưng nó là đứa con gái chưa chồng. Chắc chỉ xuống thăm bà cụ? Bà già có chuyện gì, đau khớp hay đau bụng bất thường? Nếu vậy thì lão hay con Tư phải bật đèn lên chứ? Nhưng làm gì mà lão mất liêm sỉ đến mức, đực cái ngay bên cạnh mẹ đẻ của mình!

Đó là cái đêm, cách đây mười ngày, lúc một giờ rưỡi sáng.

Đêm nay, Ngân Hà nghi lắm. Đã mấy tháng rồi, không thấy lão bò vào giường mình. Hà trở dậy, bật máy điện thoại di động, đã mười hai giờ rưỡi đêm. Chập tối, Ngân Hà thoáng nghe được con Tư nói trống không với lão. Một đứa giúp việc, nếu quan hệ bình thường với chủ, nó đâu dám láo thế? Đúng là có chuyện nhăng nhít thật rồi. Chỉ có chuyện lão đã tòm tem, con ranh mới có thể hỗn hào thế chứ? "Những người ti hí mắt lươn..." Hai đứa, thằng già và con ranh đều mắt lươn ti hí. Đúng là lão già thích chơi trống bỏi? Ngân Hà mở nhẹ cánh cửa, đi chân không ra ngoài hành lang. Như một con mèo già tinh khôn, nàng dò từng bước đi xuống, không một tiếng động.

Ngân Hà đã đứng ở bên giường mẹ chồng. Trong nhà tối đen như hũ nút. Người đàn bà chú ý đến những tiếng thở. Hơi thở người già, nhẹ như gió thoảng; đứng ở ngoài giường, không thể nghe được. Có tiếng hổn hển dưới chăn. Một tia sáng nhỏ, từ ngoài ngõ phố lọt qua khe nứt ở cánh cửa, vắt chéo cái màn tuyn trắng. Mắt Ngân Hà đã quen với bóng tối. Bà nội con Kim Thoa nằm ở phía trong, bất động và nép sát vào tường. Người cụ nhỏ, gầy, như dán xuống mặt giường. Phía ngoài, cái chăn tùm hum lên rất cao. Và cái "đống chăn" ấy đang nhô lên hạ xuống nhịp nhàng. Những tiếng thở mạnh, càng lúc lại càng hổn hển, dồn dập. Tiếng thở của Thân. Nàng biết, chỉ sau một vài phút giao hợp, Thân đã thở như một con bò già kéo xe hàng nặng leo dốc. Tuy "ăn vụng", hắn vẫn không thể kiềm chế. Hắn không thể không thở. Và những tiếng rên của con Tư Thị Nở, nãy còn nén lại, bây giờ đã bật ra, ư ử.

Ngân Hà với tay trái về phía đầu giường, bật công tắc đèn; tay phải kéo đứt luôn các dây màn, lật cái chăn, vứt nhanh tất cả ra xa. Bác sĩ Thân đang còn nằm trên người cháu Tư Ô Sin. Cả hai đứa cùng trần truồng. Quần áo lẫn lộn một đống, nhàu nát, ngay ở cuối giường. Hà nắm chặt mớ tóc dài của Tư, kéo xuống. Nàng tát như trời giáng vào mặt và đạp vào bụng, vào ngực cô gái đen trũi, bé nhỏ. Máu mũi, máu mồm Tư chảy ròng ròng.

- Cô đánh người là cô phạm pháp! - Thân nghiến răng, trợn mắt. Nhưng tiếng nói chỉ bậm bục, lí nhí, rồi bước vội lên tầng ba.

- Phạm pháp này! Phạm pháp này! Thì phạm pháp này! - Cùng với mỗi tiếng “này”, Hà lại tát vào mặt và đạp vào chỗ kín của Tư với hết sức mình..

Mỗi cái tát của bà chủ, Tư như thấy mặt bay mất rồi! Mỗi cái đạp làm giập nát... Đầu óc Tư choáng váng, hai mắt đổ hoa cà hoa cải.

Bà nội Kim Thoa rên rỉ:

- Hai đứa nhục chưa! Quen mui... thấy mùi ăn mãi. Thằng Thân, mày làm khốn khổ con bé!

- Thì ra chuyện này bà biết lâu rồi? Sao bà không ngăn chặn lại? - Ngân Hà dừng tay đánh, hỏi mẹ chồng. Người già gần như con trẻ, không biết giấu giếm.

- Mẹ xin con! Con làm phúc, đừng đánh nó nữa. Nhỡ chẳng may phạm vào chỗ hiểm. Ngứa ghẻ đòn ghen. Cái con Tư, nó cũng là đàn bà như mẹ con mình thôi mà. - Cụ đã định nói: "Lỗi là ở thằng chồng con ấy chứ! Và ngay như con... " Cụ chưa quên, hôm ấy hai bà cháu từ công viên Thủ Lệ đi xích lô đột ngột trở về, bắt được cái anh dọi nhà...

May, cụ chỉ nói:

- Con Tư! Mày có biết mở mồm xin lỗi mợ Hà đi không?

- Ngủ cùng giường, bà để xảy ra cái trò súc vật thế này, mà được! Lát nữa, bà phải điểm chỉ vào biên bản đấy.

Ngân Hà hét to vào mặt Tư:

- Mày ngồi tại chỗ. Đứng dậy mặc quần áo, tao đánh gẫy chân!

Tuy quát thế, Ngân Hà vẫn vơ hết quần áo của Tư mang theo. Hà đi mời tổ trưởng dân phố, nhà ở đầu dãy.

V.O.