Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Trắng Trên Đen 20&21

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

ÔNG GIÀ TUYẾT

Mùa xuân. Tôi ngồi với một cậu. Hai thằng học sinh lớp trên, ngồi xe lăn. Cậu ta hút thuốc. Hút không lén lút, không lấy tay che, không lấm lét nhìn các thầy đi ngang. Các thầy cũng chẳng để ý đến cậu ta. Thây kệ, nó muốn hút hoặc muốn làm gì cũng mặc. Gì thì gì, nó đã bị nhiễm xoắn trùng ngựa rồi. Một chứng bệnh có dạng tẩu mã. Chẳng biết nó còn sống được bao lâu. Cậu ta gặp may. Mùa xuân này cậu sẽ được gia đình đón về. Vĩnh viễn.

- Ruben này, năm nay Già Tuyết cóc phải Già Tuyết chính hiệu, cậu ạ.

- Cậu không điên đấy chứ? Già Tuyết nào? Năm nay cậu bao nhiêu tuổi?

- Cậu không hiểu ý tớ.

Cậu ta hút nốt điếu thuốc, mồi điếu khác. Dùng những ngón tay thanh tú, cậu ta nhẹ nhàng bỏ cái đầu mẩu vào hộp diêm. Cử chỉ chính xác, chậm rãi. Tôi có muốn làm thế cũng không làm được.

- Cậu không hiểu ý tớ, Ruben ạ. Tớ ốm nặng lần đầu tiên là vào cuối tháng Chạp, lâu rồi, từ trước khi tớ đi nhà trẻ kìa. Hồi ấy tớ đã biết tớ bị bệnh gì đâu. Bố mẹ tớ mới mời một Già Tuyết đến. Ông ta đến muộn. Tớ vẫn còn thức. Chả bố mẹ tớ bảo: tớ sẽ được gặp Già Tuyết mà. Mẹ tớ rẽ vào phòng tớ, thấy tớ còn chưa ngủ, bà mới bật đèn trang trí trên cây thông đầu năm lên. Già Tuyết không vào bếp mà đến thẳng phòng tớ . Ông ta nhìn thấy thuốc men trên mặt tủ giường của tớ, thấy đôi nạng. Ông bảo : ”Thôi, xuống bếp làm gì? Ta cứ uống ngay dưới cây thông này này. Dù sao thì tớ cũng hết ca trực rồi”. Cái bàn dưới bếp được khiêng lên, cả rượu vodka, cả thức nhắm. Tuyệt vời. Mọi người ngâm thơ ào ào. Tớ cũng có một ly rượu cho tớ, nhưng bên trong là nước chanh. Mọi người cạn ly đầu tiên. Già Tuyết tháo bộ râu ra. Một Già Tuyết rất được, tên là Petia, chú Petia. Nói chung, đã là Già Tuyết thì phải say, không say cóc phải là Già Tuyết.

Tôi hiểu rồi. Tôi nhớ lại những Già Tuyết của tôi. Những Già Tuyết trẻ có, già có, đàn bà có, đàn ông có. Có Già Tuyết là cô giáo dạy văn chúng tôi, có những Già Tuyết trẻ măng là học sinh trường trung cấp sư phạm. Có Già Tuyết là bác sĩ. Thường thì những Già Tuyết là bác sĩ.

Tôi chỉ gặp Già Tuyết thực sự một lần duy nhất trong đời. Già Tuyết bước vào phòng chúng tôi, vui nhộn và say khướt. Già Tuyết này có cái mũi đỏ. Ông ta nói ồm ồm: “Chào các cháu của ta”. Chúng tôi đáp lại theo đúng tục lệ: “Chúng em chào Già Tuyết ạ”. Già Tuyết hát và nhảy. Ông không rời mắt khỏi lũ nhóc vận y phục hoá trang. Khi một điệu nhạc êm dịu được vặn lên, Già Tuyết nhảy với một cô bé không có tay học lớp trên.

Chúng tôi nhớ. Chúng tôi nhớ năm ngoái có một Già Tuyết trẻ măng cầm tờ giấy đọc tên lũ trẻ chúng tôi, thế rồi chẳng hiểu sao anh ta đọc lộn, đỏ bừng mặt lên và nấc cụt, còn đến lúc phát quà cho trẻ con thì Già Tuyết phát bệnh, mà bệnh nặng thật sự. Mọi người phải dìu Già Tuyết vào phòng giáo vụ, cho uống thuốc an thần.

Cái ông Già Tuyết ấy mới chính cống Già Tuyết. Ông ta để cây gậy thần ngay ở ngoài cửa khi bước vào. Túi quà đầu năm thì đặt xuống trước mặt lũ trẻ. Chúng tôi ngượng, không dám lấy gì trong đó. Già Tuyết liền rũ tuột cả túi quà xuống gốc thông đầu năm.

Cuối buổi dạ hội, Già Tuyết chuồn vào bên trong những cánh gà câu lạc bộ. Quay trở lại,thì không còn cả râu lẫn áo choàng, mà lên bộ quân phục ngày lễ. Anh giương mục kỉnh lên, lấy trong túi ra một tờ giấy gập tư. Rồi lắp bắp đọc về Đảng và chính phủ, về chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản và tuổi thơ hạnh phúc của chúng tôi. Sau đó, cất tờ giấy quan trọng ấy vào túi, anh lớn tiếng tuyên bố: “Bây giờ đến lượt các nàng Bạch Tuyết của tôi phát quà cho mọi người “. Đợi cho những tràng pháo tay lắng xuống, anh mới rời khỏi bục sân khấu để đi đến bàn ông hiệu trưởng. Những học sinh sĩ quan trẻ măng đeo quân hàm chẳng giống các nàng Bạch Tuyết tẹo nào, vác những thùng quà lớn vào phòng. Rất nhanh chóng và chững chạc họ phát hết số quà cho mọi người. Cả trẻ con lẫn người lớn, tất tật. Năm Mới ấy thật là vui, một Năm Mới đẹp nhất trong đời tôi.

Cậu bạn tôi hút thuốc. Tôi kể cho bạn tôi nghe về Già Tuyết của tôi, một Già Tuyết chính cống. Chúng tôi hiểu nhau.

- Cậu đúng. – tôi bảo – Già Tuyết không say xỉn cóc phải là Già Tuyết. Già Tuyết tỉnh như sáo là Già Tuyết rởm.

CON CHÓ

Con chó tự đến nhà trẻ. Nó rẽ vào cổng, khó nhọc mãi mới nhảy được lên cái ghế dài. Nó nằm đấy, ve vẩy đuôi. Lúc bấy giờ là buổi tối. Gần là đêm. Một anh lớn bước ra sân hút thuốc, nhìn thấy con chó. Anh ấy người lớn, học lớp trên. Cất điếu thuốc đi, anh mang một bơ nước cho nó uống.

Không biết bằng cách nào mà tin về con chó được truyền từ người này qua người khác. Trật tự hàng ngày bị đảo lộn, lũ trẻ túa ra sân, xúm đông xúm đỏ quanh cái ghế dài. Đứa nào cũng muốn vuốt ve con chó một cái, muốn ngó nó một cái.

Theo quy tắc vệ sinh phòng dịch, cấm ngặt không được nuôi chó trong nhà trẻ. Chó phát tán bệnh truyền nhiễm, chó có giun. Thỉnh thoảng cũng có một con lạc đến nhà trẻ, vào phòng ăn. Lũ trẻ lén lút cho nó ăn, người lớn cầm gậy đuổi nó đi. Chuyện như vậy là bình thường, mọi sự diễn ra như nó phải thế, không thể khác. Sáng ngày ra không thấy con chó đâu nữa. Xe bắt chó đã đưa nó đi hồi đêm rồi. Đồn rằng người ta bắt chó để làm xà phòng. Sáng ngày ra các cô bé đến lớp với cặp mắt đỏ hoe. Lũ con trai không khóc. Là con trai thì không được khóc. Chỉ những học sinh lớp trên là hút thuốc trắng trợn trước mặt các thầy, có ý gây sự. Các thầy vờ tỏ ra không có phản ứng với chuyện ấy. Đối với trẻ con, chỉ cần cho chúng thời gian, rồi ra chúng sẽ quên hết, người lớn tin chắc như vậy. Họ thật sáng dạ.

Hầu như tất cả chúng tôi đều có mặt ngoài sân. Chúng tôi đứng hoặc ngồi, im lặng.

Bà y tá già từ trạm y tế bước ra. Bà ta đến chỗ con chó, nhìn nó.

- Mang nó đi ngay lập tức. Các em rửa tay xà phòng rồi đi ngủ. Tức khắc. Chuyện gì thế?

Một cậu bé chưa đến tuổi đi học, chống nạng, người Gypsy lò cò nhảy đến trước mặt bà ta.

- Đừng mang nó đi, nó hiền lắm mà. Nó tự đến với chúng cháu đấy.

Bà y tá chiếu cố nhìn thằng bé. Bà chẳng lạ gì những chuyện tương tự. Bà đã quen với những hành vi kiểu này rồi. Bà còn biết nhiều hơn nữa. Bà biết lũ trẻ kia đang cần cái gì.

- Em đi ngủ đi. Em nào trực? Em nào chịu trách nhiệm báo hiệu lệnh đi ngủ?

Trực nhật không có đấy. Trực nhật ý tứ chuồn đi vệ sinh. Trực nhật ngồi trong phòng vệ sinh hút thuốc và đợi.

Cậu bé Gypsy tự tin đứng đấy. Hai tay trên nạng, hai chân dưới đất. Cậu ta không sợ người lớn, sau lưng cậu ta là cả nhà trẻ. Mọi người đều ủng hộ cậu.

- Đừng bắt nó đi, nó không có chân.

Bà y tá ngồi xổm xuống trước mặt cậu bé:

- Không được nói “chân”, mà “cẳng”. Hiểu chưa? Con chó có cẳng, chỉ người mới có chân.

Bất thần, bà sững lại. Thoắt cái, bà đứng dậy, xốc lại xống áo. Mặt bà bất động, căng thẳng. Không một nét lưỡng lự. Một gương mặt vững tin ở lẽ phải của mình ở người đàn bà luống tuổi.

Bà ta quầy quả bỏ đi, rồi nhanh chóng trở lại. Mở cái va li nhỏ đựng đồ nghề.

- Các em giữ chặt nó cho cô.

Các anh lớn giữ con chó cho bà cắt bỏ những túm lông bẩn thỉu dính hai bên sườn nó. Bà đổ iode vào những vết thương. Con chó giãy giụa, các anh lớn giữ chặt, bà y tá bình tĩnh và khéo léo làm công việc của bà. Sau rốt, bà lấy cái kéo sắc cắt nốt mẩu da lủng lẳng ở chân con chó. Băng lại.

- Lông nó đem đi đốt. Mai mời ông thú y sĩ đến tiêm phòng cho nó. Hàng ngày phải thay băng cho cái cẳng bị thương của nó, bông gạc thì đến cô mà lấy. Nếu cô thấy các em làm sai lời cô dặn, con chó sẽ không được ở đây nữa. Hiểu cả rồi chứ?

Bà y tá dọn đồ, về trạm. Bà nghiêm khắc nhìn cô quản giáo.

- Tất cả rửa tay, đi ngủ. Báo hiệu hết ngày.

Báo hiệu thì báo hiệu. Mọi người giải tán. Còn lại một mình cậu Gypsy ngồi bên con chó. Cậu vuốt ve đầu nó, chưa muốn đi. Con chó uể oải ve vẩy đuôi, yên lòng nhìn mẩu xúc xích sấy trước mặt.

Cô quản giáo bước ra sân, ngồi xuống ghế dài bên cạnh cậu ta.

- Em ngủ đi. Khuya rồi.

Cô quản giáo trẻ măng, vừa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp. Cô ấy thì sư phạm nỗi gì? Cô nhích lại gần hơn, định xoa đầu cậu bé, nhưng cậu ta dịch ra, cô bèn vuốt ve con chó.

- Em đi ngủ đi. Con chó của em chẳng đi đâu mất mà lo. Cô đã gọi điện cho thầy hiệu trưởng rồi, thầy bảo thầy phải xem lại hạnh kiểm các em đã rồi mới quyết định chuyện con chó. Nó sẽ không bị đem đi đâu. Hôm nay thì chưa.

Dần dà, con chó ăn giả bữa. Đứa nào cũng muốn cho nó ăn. Bọn con trai giấu những mẩu bánh bữa sáng vào túi quần. Đám con gái mang cho nó bánh cuốn tráng trong giờ gia chánh. Các anh lớp trên, vẻ khắc khổ và cau có, mang cho nó thức nhắm còn lại sau bữa nhậu. Nhà bếp lúc đầu còn giấu giếm, sau công khai mang cho nó thức ăn thừa.

Qua mùa đông, con chó đã có bộ lông hung tuyệt đẹp. Mọi người đặt cho nó cái tên căn cứ vào màu lông của nó – con Hung. Các cô bé chải lông cho nó hai chục bận mỗi ngày, lại còn tết bím cho nó nữa chứ. Con Hung chịu hết. Nó yêu các cô bé hơn các cậu bé.

Đám con trai chơi đùa với nó. Chúng đọc sách về huấn luyện súc vật. Con chó nhảy xuyên vòng, đưa hết chân trái đến chân phải lên bắt tay. Nó hiểu các hiệu lệnh: “đứng yên”, “ngồi”, “nằm”. Nó thích nhất lệnh: “tha về”. Nó có thể tha về quả bóng được chủ ném đi liền tù tì cả giờ đồng hồ. Người nào phải ngồi xe lăn thì nó mang bóng đến tận tay. Nó chơi với tất cả mọi người, được lòng tất cả mọi người. Ai không ném bóng được thì nó đến bên cạnh, đặt đầu nó lên đùi anh ta. Một con vật thông minh. Cái gì cũng hiểu, cái gì cũng làm được. Nó chỉ không đi được bằng hai chân sau thôi. Mà nó cũng chẳng cần phải nhảy nhót nịnh bợ thiên hạ để kiếm miếng bánh. Chẳng cần phải làm thế nó vẫn được mọi người cho ăn như thường.

Hiệu trưởng nhà trẻ, một hôm ông chủ nhiệm khắc khổ mang cặp đen đến phòng làm việc, cúi xuống vỗ vỗ vào bộ lông màu hung của nó. Ông hỏi nó, giọng nghiêm trang:

- Cuộc sống ra sao? Không có điều gì khiếu nại đấy chứ? Giấy tờ ổn cả chứ?

Giấy tờ thú y của nó ổn cả. Cái gì của nó cũng ổn. Nó nhảy cà cẫng bằng ba chân, vui vẻ sủa người lạ. Người nhà nó nhận ra ngay. Cả những người không ở trong biên chế, cả những người từ lâu không còn học ở trường. Nó phân biệt không lầm người lạ với người nhà.

Thảng hoặc cũng có chó lạ lạc đến nhà trẻ. Giờ thì không phải chỉ có người lớn mới cầm gậy đuổi chúng đi. Chó lạ không được phép xuất hiện trong lãnh thổ khép kín của nhà trẻ. Chó lạ có rận, có giun. Chúng tôi dùng súng cao su đuổi chúng. Mùa xuân, có một người lạ mặt đến chỗ chúng tôi. Ông này tự xưng là chủ cũ của con chó. Chúng tôi không tin. Ông ta bước vào trong, giơ tay vuốt ve con Hung. Chúng tôi tin. Con chó hiền lành nằm lăn ra, rền rĩ. Tiếng sủa giận dữ chuyển thành tiếng rít. Nó nằm bẹp trên mặt đất mà rít. Nó nhảy lên, cụp đuôi chạy vào phòng đốt lò.

Ngay từ buổi sáng đầu tiên trong đời ở nhà trẻ của nó, chúng tôi đã làm cho nó một cái nhà nhỏ trong giờ học lao động. Chúng tôi làm cái chuồng ấy theo một thiết kế đặc biệt. Tường kép, sàn gỗ ấm. Các cô bé trải những tấm chăn cũ lên sàn. Các cô cho nó một cái gối, loại khâu ở nhà, không đóng dấu nhà nước. Các cậu mang đến cho nó quần áo ấm, cũng là đồ gia đình, đồ chơi các loại. Các chị lớn thường mắng các cậu bé về chuyện ấy, các chị giảng giải cho các cậu bé hiểu rằng làm thế là không được, là vô ích. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn cứ có đứa làm quà cho con chó bằng những đồ ấm của người. Con Hung nằm trong chuồng, nó thích cái chuồng ấy. Mùa đông, khi trời lạnh lắm nó mới ngủ trong phòng đốt lò. Ông thợ lò rất tốt bụng trước kia là học sinh của nhà trẻ. Ông ta có đủ cả tay lẫn chân. Một người đàn ông khoẻ mạnh, đẹp trai. Có điều ông ta không được thông minh cho lắm. Hầu như câm. Mười năm học trong trường ông vẫn không biết đọc biết viết. Ai cần đến một con người như thế trong cái thế giới lạnh lẽo bên ngoài hai cánh cổng nhà trẻ? Buồn tình, ông mua rượu uống. Rượu và kem. Rượu ông uống một mình, còn kem thì san sẻ với con chó. Thường khi ông ta say rượu ngồi bên lò, u ơ nói điều gì đó rất quan trọng, còn con chó thì cứ sực hết cái kem này đến cái khác. Người và chó quấn quýt nhau trong cuộc sống chung. Không ai quở trách ông thợ lò chuyện ông uống rượu. Mọi người đều biết: ông có uống bao nhiêu đi chăng nữa lò của ông vẫn chạy. Thậm chí những khi say khướt ông vẫn cần mẫn xúc than vào lò. Một ông thợ lò tốt.

Người lạ hoa chân múa tay, ra sức chứng minh, đòi hỏi. Người lớn chẳng để ý đến những lý cớ của ông ta, họ doạ gọi công an. Người lạ ra ngoài cổng đứng đợi.

Một cậu bé mắt đen, đầu trọc lốc, một Gypsy nhanh như chuột, chống nạng, với chiếc giày tàng duy nhất thủng lỗ chỗ, lọc cọc nhảy đến. Cậu chăm chú ngó người lạ mặt rồi giật giật tay áo ông ta:

- Bác ơi, bác này, bác mua cho cháu con dao đi.

Cậu phẩy tay, một con dao con cán bóng láng hiện ra trong lòng bàn tay. Phất tay lên, con dao biến mất. Hạ xuống, con dao lại nằm trong lòng bàn tay chìa ra. Một trò ảo thuật sơ đẳng.

Người đàn ông cúi xuống nhìn cậu bé:

- Đưa đây tao. Mày chưa đến tuổi chơi đồ chơi loại này.

- Được thôi. Nhưng bác trả tiền cháu đã. Dao này là của cháu.

Cậu bé ném con dao qua vai, chìa hai tay không cho ông ta xem. Vớ lấy nạng, cậu ta định chuồn.

- Gượm đã. Mày gọi một anh lớn ra đây.

Một học sinh lớp trên bước ra. Học sinh lớp tốt nghiệp. Một chàng trai cao lớn. Một riềm tóc hung bướng bỉnh xoà xuống tận mắt. Tóc phủ cợp tai. Hai vạt áo nhét nghiêm chỉnh trong thắt lưng.

Hai người ngồi xuống ghế dài bên cổng nhà trẻ. Chàng trai búng bao thuốc cho một điếu trồi lên rồi dùng môi cặp lấy. Cất bao thuốc vào túi. Lấy bao diêm. Ngón út đè bao diêm vào lòng bàn tay, ngón cái và ngón trỏ thành thạo nhón một que, đánh diêm, hút. Anh làm những động tác ấy nhanh, nhanh lắm.

- Bác cần gì đấy hở bác?

- Các cậu giả lại tôi con chó. Tôi không phải trẻ con, tôi hiểu đời mà. Ở nhà trẻ nó được các cậu cho ăn đẫy tễ, lông mọc dãi dài rồi. Tôi xin biếu các cậu một chai vodka.

Chàng trai hút thuốc, vẻ suy nghĩ.

- Được thôi, tôi không phải đứa tham lam. Tôi xin biếu các cậu hẳn hai chai. Hai chai vodka hẳn hoi.

- Con chó, nó của bác à?

- Phải, của tôi.

- Được, chúng ta sẽ xem xét việc này. Nó sinh ra đã không có một chân, hay là sau nó mới thọt như thế? Bác coi chừng, chuyện này cháu rành đấy.

- Sau nó mới thọt.

- Thế sao tự dưng bây giờ bác mới lại cần đến nó?

- Tôi tính lột da nó làm cái mũ lông. Xem kìa, các cậu nuôi nó béo hú. Một cái mũ lông tuyệt đấy!

- Hiểu rồi. Bác mang chai vodka đến đây rồi mang chó về.

- Sao lại “mang”? Cậu phải buộc cổ dề cho nó rồi dắt nó ra cho tôi chứ,

- Bác có cổ dề mang theo không?

- Có chứ.

Chàng trai hút hết điếu thuốc, cái nhìn lượng định người lạ. Bác nhà quê này không cao lớn, còn thấp hơn anh một cái đầu.

- Bác này, bác mua cho cháu con dao nhá.

- Mấy cậu ở đây khùng cả rồi sao? Vừa mới có một cậu mời tôi mua xong. Rõ vớ vẩn.

- Bác nói đúng, thằng ấy là thằng vớ vẩn, con dao của nó là đồ vứt đi. Bác mua cho cháu cơ.

Chàng trai giơ con dao nhíp lên tận mặt người lạ, bấm nút cái xoạch. Lưỡi dao bật ra, mỏng và dài. Bằng một động tác gần như không thấy được của bàn tay thuần thục, anh khép dao lại. Bật nút cái nữa. Khép lại cái nữa, anh bỏ nó vào túi.

- Hay bác cần tạ để tập tay? Sẩm tối bác cứ đến cổng nhá. Đừng ngại. Cháu sẽ làm cho bác một đôi thật tốt. Cháu không lấy đắt đâu.

- Tôi không cần dao.

- Tuỳ bác thôi.

Chàng trai đứng lên, đi về phía cổng nhà trẻ. Dừng lại một phút, anh mỉm cười, mặt rạng rỡ niềm hạnh phúc. Như thể chợt nhớ đến một cái gì đó thân quen và tươi sáng.

- Này bác, hay là bác vào ngay bây giờ đi, bắt lấy con chó. Không phải trả tiền.

Ông ta vui vẻ hẳn.

- Nào, ta đi.

- Nhưng bác phải cẩn thận đấy. Con chó đang ở trong phòng đốt lò. Ông thợ lò say khướt cò bợ mấy hôm nay rồi. Hình như hôm qua ông ấy lại vừa tha về một thùng vodka. Ông này khoẻ kinh, một tay nâng cả cỗ máy khỏi giá mà không cần kích kiếc gì hết. Có điều đầu óc ông ta không được… thật như người ta. Lại hơi nặng tai nữa. Bác cứ nói chậm chậm, ông ấy khắc hiểu. Mà bác biết không? Bác cứ nói toạc móng heo về cái mũ lông đi. Cứ nói về cái mũ lông là ông ta hiểu ngay.

Cuối cùng, ông nông dân cũng hiểu ra – chúng nó chọc ghẹo ông. Ông khẽ văng tục một tiếng, lảo đảo đi thẳng. Cái lũ học sinh nhà trẻ này là một lũ mọi rợ, ác độc.

Một ngày nào đó. Một ngày nào đó tôi sẽ mua cho tôi một con chó. Một con chó lài thông minh, thuần chủng, tốt bụng. Nó sẽ mở cửa cho tôi, nó sẽ nhặt đồ tôi đánh rơi về cho tôi. Một ngày nào đó tôi sẽ quên con chó ở nhà trẻ. Con chó hung thọt một chân, tốt bụng.