Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Trăng nguyên sơ (Kỳ 2)

Tiểu thuyết

Nam Dao

2. Vật quí hiếm

Vào quán cà phê tôi vẫn đến ngồi đợi tin Thụy, lại thấy con bé quanh quẩn. Nó bảo ‘‘xe cứu thương đến đưa bà cụ đi rồi, nhưng chắc chẳng sống được!”. Tôi làm như không nghe thấy, mở Palm ra tìm email .

23-02

… Đã tưởng chết. Cuộc hồi sinh nào chắc cũng chỉ ngỡ ngàng đến thế, hệt như khi mở mắt sau một cơn mê. Hiện thực là những móc nối của trí nhớ. Nhớ mầu xanh cây rừng, mầu bạc những đám mây xa. Nhớ vị chát của trái sung chưa chín. Nhớ hương thiên lý thoang thoảng. Nhưng nhớ nhất, là tiếng người, thứ âm thanh mà không còn thì chắc chẳng còn gì lưu luyến.

Trùm B ( mắt quắc lên, tròng sâu hoắm, răng chìa ra khi nói): Này anh bạn, anh không vào đây đào vàng thì anh tìm gì?

“Tôi …tôi nói chắc chẳng ai tin.”

“Anh cứ nói, nhưng đừng lươn lẹo!”

“Tôi đi tìm cái vật quí hiếm có khả năng Bảo Quốc Hộ Dân…”

“Cái vật đó là cái gì?”

“Tôi chưa biết. Nhưng bạn tôi kể, trong giấc mơ, cái vật đó sáng lên. Nâng nó và khấn một trăm vị Bồ Tát, khi nghe có tiếng gọi từ không trung thì chính là nó…”

Trùm B chẳng nói chẳng rằng, đến bên cạnh, thình lình giang tay tát, miệng quát:

“Tổ cha mi, nói láo!”

Tôi không thấy bóng dáng trăm vị Bồ Tát, nhưng rõ ràng có ít ra cũng vài chục con đom đóm bay lượn trước mắt. Tai lùng bùng, tôi nghe Trùm B ra lệnh nhốt tôi vào ngục A Tì. Quay nhìn một tay vác súng AK đứng xớ rớ, Trùm B bảo:

“Mày thông báo và gọi họp để Trung Ương xử lý nghe chưa!”

Ngục là một cái lỗ rộng đường kính nửa thước, sâu một thước, nước ứa lên từ mặt đất ngập đến mắt cá chân. Tôi bị trói cánh khuỷu, ngồi thu lu thì một tên đến đậy lên cái lỗ một phiến gỗ. Trong bóng đen, trí óc tôi hầu như tê liệt. Mất thị giác, hầu như tôi không còn ý thức về không gian. Có lẽ từ đó, thời gian cũng không còn. May, tôi vẫn giữ được thính giác. Tai tôi vẫn nghe thấy tiếng lũ khỉ chí choé đâu đó. Mãi sau, có tiếng côn trùng rỉ rả. Thế là đã đêm rồi. Cái lạnh đâm vào tứ phía, ngấm dần, thấu xương. Răng tôi đánh lập cập. Co người, tôi thu mình, chỉ mong sao quên được giá buốt của rừng. Chắc mai này bọn Trùm sẽ hỏi cung. Cái vật quí hiếm ấy là gì, tôi không biết. Trả lời chúng thế nào? Hay giả điên, có thể chúng sẽ tin mà thả tôi chăng?

Ôi chao, vẫn lạnh! Ý thức run lên theo nhịp răng đánh báo cái tồn tại đang có vẻ gặp vấn đề! Hãy tưởng tượng. Tôi, một con người tiền sử. Làm sao thổi cho lửa lên? Lấy hai hòn đá, đập vào nhau mong cho lửa bén vào đống lá cây khô. Nào, ta đập. Hãy nhắm mắt hình dung ra nhoáng lửa, tai nghe tiếng chan chát của đá cứu rỗi. Ở giây phút này, đá là vật quí hiếm. Lửa nhoáng lên, nhưng đống lá vẫn cứ trơ trơ lãnh cảm. Ừ thì thế, thôi làm cách khác. Chẳng sách vở văn chương bảo tình có lửa à ? Thế thì tôi sẽ đốt đống lá khô này bằng lửa tình. Tôi sẽ nghĩ đến những Ánh, những Liên, những Thanh, những Nguyệt… đã từng làm tôi choáng váng, đau khổ, thương nhớ, hận thù… Tôi tưởng ra những đôi chân thon quặp vào lưng, những cặp vú bồng bềnh căng nứt áp vào miệng , những làn môi hé mở đợi chờ, những cái oằn mình nưng nẩy hất ngược lên… Rồi những lời oán trách giận hờn, những câu chia tay bạc bẽo. Vô vọng. Vẫn cứ lạnh. Lửa tình thế giỏi lắm thì cũng chỉ gầy được khói. Nhà văn nào tôi quên mất tên ví von nó đốt cháy cả một cánh rừng là nói sằng.

Có tiếng gà rừng. Gà rừng gáy không như gà chuồng, vừa gáy vừa bay nên lẫn vào tiếng gáy là tiếng đập cánh. Ờ, tự do nên có khác thật. Còn tôi, tù nhưng sáng ra, sẽ đỡ lạnh. Vả lại, tôi sẽ được biện bạch trước đám Trùm. À, còn cái phương án giả điên tôi nghĩ tới nhưng chưa đào sâu, nay phải bới lên mọi hậu quả…

Quẳng xuống cho tôi một mẩu bánh mì, tên khoác AK nói trống không:

“Ăn đi, rồi sửa soạn “làm việc” nghe chưa!”

Khổ là nó quên cởi trói cho tôi, không có tay thì ăn thế nào được. Nhưng nào tôi có đói đâu. Tôi ngửng mặt nhìn trời xanh. Và tự nhủ, dẫu gì thì cũng phải tìm cho bằng được cái vật quí hiếm kia. Đầu tiên là thuyết phục bọn Trùm cái vật đó có thực. Phương án này, về mặt nổi, chẳng khác mấy phương án giả điên. Hiện tượng là một, nhưng bản chất, khác. Nhất định khác. Vâng, vì tôi tin nó có thật. Và chúng ta trên mảnh đất này sẽ được cứu rỗi.

Tôi bị điệu đến trước mặt ba tên. Trùm B, tôi đã ăn từ tay hắn một bạt tai hôm qua. Nay thêm hai. Trùm C miệng sặc mùi rượu, mắt nhìn tôi lừ lừ, mép xệch xuống, tay cứ đưa lên vò đầu. Trùm còn lại, tôi gọi là Trùm A vì hắn có vẻ như là bề trên hai Trùm kia, thì rắn chắc, mắt đeo kính cận, môi lúc nào cũng mím lại. Sau, tôi mới biết Trùm này từng là anh hùng diệt Mỹ thời chiến tranh, đi Liên Xô dưới dạng xuất khẩu lao động, buôn lậu thuốc lá qua Ba Lan và “lỡ tay” giết hai tay cảnh sát biên phòng nên phải lưu đào, cuối cùng hồi hương mà vẫn trắng tay.

Trùm C:

“ĐM, chừ mi không nói cho thiệt thì tau cho nếm cái này”, tay đập khẩu súng Colt lên mặt bàn đánh rầm.

Trùm B:

“Hôm qua mi gọi cái chi đó … mà là tiếng Tầu. Nhắc lại coi…”

“Vật quí hiếm Bảo Quốc Hộ Dân”, tôi vội nói.

Trùm C (quay nhìn Trùm A):

“… là cái chi vậy, xếp?”

Trùm A ( nhẩn nha):

“Bảo như bảo vệ, tức là giữ. Hộ… (cau mày, ngẫm nghĩ) thì như bảo hộ, ủng hộ… tức là giúp, là đỡ đần… Cái vật quí hiếm đó là giữ được nước, đỡ cho dân…”

Trùm C:

“ĐM… giữ với đỡ những thứ đó thì được gì (tay đập đập vào túi) mà quí với hiếm, cha nội!”

Trùm A (nghiêm trang, tay đưa ra cái hộ chiếu của tôi bị Trùm B tịch thu hôm qua):

“Anh là Việt Kiều Canada, phải không?”

Nhìn tôi gật đầu, hắn tiếp, giọng vẫn nhẩn nha:

“Người đời đến đây là đi tìm vàng, anh thì không, lại nói rằng đi tìm một thứ quí hiếm mà chính anh cũng chỉ nghe nói và chưa biết nó là cái gì… Anh có thấy thế là kỳ quặc không?”

Tôi lắc đầu, bắt đầu biện bạch. Quí hiếm mà nhan nhản để ai cũng thấy, cũng biết thì quí hiếm ở đâu. Không để cho người nghe phản ứng, tôi cao giọng, con ngựa có cánh biết bay trong tranh Tây Phương kỳ quặc thế mà người đời trân quí cất trong những viện bảo tàng. Con khỉ Tề Thiên rứt lông thổi phù phù trong truyện Tây Du biến thành trăm con khỉ khác để bảo vệ thầy Đường Tăng đi thỉnh kinh Phật kỳ quặc thế mà khối người đọc, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chẳng phải chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nước ta, thì rõ ra là càng kỳ quặc càng quí hiếm, và càng quí hiếm càng không thấy được. Một động lực vô hình thúc tôi đứng dậy. Giọng giõng dạc, tôi nói về đất nước chúng ta đang thời kỳ phấn đấu mở ra hội nhập vào thế giới, với nào là WTO, nào là ASEAN, nào là Qui chế Thương Mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ… thì, tôi đánh tay để nhấn mạnh, ở vị thế nước mới phục hồi sau chiến tranh, ta yếu, và nhiệm vụ giữ nước, tức là Bảo Quốc, tất là trọng yếu. Còn Hộ Dân ư? Có nước nào mạnh mà dân nước đó nghèo khó, khốn khổ, sợ sệt đến nem nép, đàn ông chỉ biết nhậu, đàn bà thì nhấp nhỏm lấy chồng nước ngoài như Đài Loan, Singapore, Malaysia, Nam Hàn… không?Ấy, tôi hạ giọng, hộ dân trước tiên là làm sao giữ được phẩm cách con người, thôi coi mình là một món hàng rao bán, giá lên xuống theo kinh tế thị trường… Đến đây, tôi chưa biết nên tiếp tục thuyết giảng thế nào thì Trùm B ngáp, răng chìa ra:

“Mẹ… thằng cha này chắc chập dây hóa rồ, nói nghe như mấy ổng trên Ủy Ban giảng nghị quyết... Mấy anh tính sao?”

Nhìn qua bên cạnh, Trùm C mặt gục xuống bàn, miệng ngáy, nước giãi chảy ra ướt nhèm. Không đợi Trùm A đáp, Trùm B quày quả bước đi, nói với lại:

“Xếp tính chi thì tính, số đô thu được chia cho đều là nếp sống văn minh, nghe xếp!”

Trùm A gật, đưa tay làm dấu cho tôi đi theo…

*

Con bé đến sát lớp kính ngăn quán nước với con đường đầy bụi, tay đập, miệng há hốc ra nói như gào. Nhưng tôi không nghe được gì. Nó chỉ tay về phía sau. Một người đàn bà trạc trên dưới bốn mươi đứng nhìn, nhoẻn miệng cười, tay ra dấu chỉ vào cái ghế trống trước mặt tôi. Không đợi tôi phản ứng, bà ta đi ngay lại lối ra vào, mở cửa, đủng đỉnh đi tới chỗ tôi ngồi. Đó là một người đàn bà cao ráo, quần xệ hở rốn, môi thoa son đỏ, mắt kẻ viền đen, mi cong, bôi phấn xanh quanh tròng, giày cao đến độ khó đi nhanh nên phải bước từng bước nhỏ. Nàng tươi tắn, giọng điệu đàng:

“Anh cho phép em nhé. Em cám ơn anh cho cháu tiền quà sáng. Nhìn tôi gạt tay ý bảo chẳng có gì, nàng tiếp - người tử tế bây giờ hiếm lắm, cháu kể là em muốn đến chào hỏi làm quen với anh ngay… Tay chỉ về phía con bé lảng vảng bên đường, nàng ngậm ngùi… Ấy con không cha như nhà không nóc anh ạ. Anh ở nước nào về vậy?’’

Tôi chưa trả lời thì nàng thân mật vỗ tay tôi, nhí nhảnh:

“Để em đoán nhá, anh nhá. Nhìn tôi như định giá, nàng trề môi - Singapore này, đúng chưa?”

Tôi lắc. Và nàng đưa ra một chùm địa danh, từ Đông Âu cho đến Bắc Mỹ. Tôi ngắt lời bằng cách thả thõng – Canada. Nàng phá lên cười, giọng càng hồn nhiên :

“Biết ngay mà, trắng trẻo thế này là phải tới từ Bắc Cực… Em nghe nói ở đó có gấu lông trắng vừa đẹp vừa hiền, anh nhỉ… Vừa nói nàng vừa vô tình đặt tay lên đùi tôi, khúc khích - … có nuôi được gấu như chó bên mình để coi nhà không anh?”

Tôi gật, thừa biết lắc hay gật cũng vậy. Thản nhiên, nàng vẫy nhân viên phục vụ quán nước, gọi một ly trà Lipton. Rồi nàng hỏi tên tôi. Và cứ thế, nàng kể gia cảnh mình. Chồng nàng đi xuất khẩu lao động sang Đức, hai năm nay không có tin, nghe đâu đã kết duyên mới với một chị người làng cùng cái cảnh “trơ trọi xứ người “, một lý do tất nhiên không chính đáng để hắn phụ rẫy mẹ con nàng, hai sinh vật trung thành vẫn tha thiết đợi hắn cho đến lúc không có cách nào khác là phải, theo nguyên văn lời nàng, “quên mẹ nó đi, anh ạ!”. Nhìn sâu vào mắt tôi, nàng ngọt ngào:

“Thế anh đã có gia đình chưa?”

Tôi gật, và chép miệng. Nàng cười:

“Mới có ba ngày mà đã nhớ vợ rồi ư? Chính chuyên đến thế cơ à! Giọng thương hại, nàng tiếp - Anh ơi, chớ buồn, cuộc đời ngắn ngủi lắm đấy, vù một cái là xong… Anh về đây mà phải ở khách sạn, thật là tội, lại tốn tiền!”

Ngạc nhiên, tôi hỏi, đi xa ở khách sạn là bình thường chứ ở đâu bây giờ. Nàng mím môi :

“Khách sạn toàn là của bọn tư bản “người bóc lột người” đấy. Nơi anh ở là của một Soái lớn từ Liên Xô về xây. Nó cắt cổ anh mà anh không biết… Em tìm cho anh chỗ hay hơn, máy lạnh có, ăn uống những món dân tộc, giá chỉ chưa đến một nửa… Anh “bao” đi, em lo hết!”

Tôi ngần ngừ. Nàng ngồi sát vào tôi, tay lại để lên đùi tôi, nhỏ nhẹ:

“Bao em, thì em sẽ là “của” anh thời gian anh ở Hà Nội này…”

“Của là của thế nào?”, tôi hỏi, chắc ngớ ngẩn đến độ nàng phì cười.

“Còn thế nào nữa. Tất tần tật. Em thay chị nhà anh một trăm phần trăm. Cơm bưng nước rót, muốn gì được nấy, phục dịch ngày đêm, bảo đảm vệ sinh an toàn… Nàng vuốt ngược đùi tôi, chau mỏ - em có giấy bác sĩ mới tuần trước, chẳng bệnh tật gì sất… Còn chỗ ở, khu Nghĩa Đô, nhà xịn mới xây, một tầng lầu hai phòng là thuộc về “chúng mình’’, máy lạnh, nước nóng, giường chăn đủ cả… Ngày, mười đô thôi, chuyên chở có một chú taxi, thêm năm đô, ngày ngày đưa mình vào nội thành, đi chơi xa thì hợp đồng thêm…”

“Thế sau đó thì…”

“Phần em, vì anh tử tế với con cháu nhà em, em cảm động lắm… Xem nào. Nàng nghĩ ngợi, rồi nắm tay tôi - anh lại “hợp tạng” em, nên thế này nhé, anh cho bao nhiêu em xin, chẳng dám vòi gì…”

Máu thực dụng của kẻ sống nước ngoài khiến tôi cẩn thận:

“Nhưng không thế được… Em thấy bao nhiêu thì đủ?”

Nàng nghiêm trang, ngồi thẳng lên, giọng trầm xuống:

“Tháng này em có nhiều việc phải tiêu… Nàng thở dài – thôi thì em xin anh tám chục mỗi ngày! Vị chi anh cứ cho là trăm đô, kể cả tiền em đi chợ nấu cho anh ăn. OK chứ?”

Tôi chột dạ. Mặc cả thế là đẩy câu chuyện đi quá xa. Thấy tôi ngần ngừ, nàng đứng lên :

“Chẳng dám ép anh, trăm đô cho một ngày thiên đàng ở Hà Nội này là rẻ đấy! Bên Cali, chỉ ăn hai bữa xoàng xoàng cũng hết trăm đô…”

Nói dứt lời, nàng nguýt dài rồi yểu điệu bước đi, nhìn khinh bỉ, mặt không thèm dấu nét xưng xỉa. Con bé con nàng đứng chờ ở cửa. Nó giơ tay, làm cái tác động như để nói ‘”thế là hỏng ăn rồi, hở mẹ?”

Chiếc Palm lại bần bật rung trong túi quần. Tôi mở chiếc điện thoại di động: Tin nhắn của Thụy, hẹn 6 giờ chiều lên một hàng ăn ở Tây hồ.

*

Thằng anh chết tiệt, thế ra là mi lộ hàng, lỡ khai báo cái vật quí hiếm của chúng ta. Đây, mi viết đây:

23-02

… Luồn lách cây rừng chi chít được đâu nửa giờ, chúng tôi đến trước một căn nhà mái lợp gianh. Trùm A bấy giờ mới cất tiếng:

“Khu này tôi trông nom an ninh, bảo đảm với anh an toàn tối đa. Sau này, chỉ yêu cầu anh một điều: đừng bao giờ, tôi nhấn mạnh, đừng bao giờ nhắc đến nó khi anh quay về sống với thế giới bên kia…”

Nghe bốn chữ thế giới bên kia, tôi rùng mình. Có phải hắn có ý bảo là thế giới người chết, cái cõi âm vất vưởng những linh hồn không siêu thoát? Tôi gặng hỏi:

“Thế giới bên kia là thế giới nào?”

“Hừ..là cái thế giới từ đó anh đến khu đào vàng này. Nhưng đừng quên, tôi bảo khi anh về sống với thế giới bên kia… Chắc gì anh về. Và biết có sống được hay không!”

Tôi lại rùng mình, da nổi gai. Chừng như thấy tôi sợ, hắn trấn an:

“Tôi thì tôi mong anh sống, anh biết tại sao không ?Vì cái anh tìm! Kẻ đến đây đãi vàng thì có được bao nhiêu. Giỏi cũng chỉ 1,2 lạng sau khi phân kim, lại chia cho dịch vụ an ninh chúng tôi 30%...”

“Dịch vụ an ninh?”

Trùm A giảng giải:

“Thì cũng bắt chước như thế giới bên kia thôi, nhưng khác một điều là chúng tôi hợp đồng minh bạch chứ không chơi cái cách tham nhũng đâu nhé. Và chúng tôi nghiêm chỉnh áp dụng rốt ráo tiêu chí xã hội văn minh công bằng…”

Chép miệng, hắn tiếp:

“Nhưng quay lại cái vật quí hiếm nhé. Anh tìm, lại chưa biết nó là cái gì, thì còn quá đáy biển mò kim, nhưng bảo không thể tìm được thì không đúng, phải không nào! Thế có chi khác chuyện tin vào ông Thượng Đế thì được cứu rỗi, dẫu là chỉ trong muôn một… Cũng có thể vì thế nên anh rửng mỡ đi tìm, dẫu anh đang sống bình an trong một xã hội đi trước đất nước này hàng trăm năm, đúng chưa?”

Tôi nghĩ đến kiểu đặt cược của Pascal, im lặng gật đầu, thầm cảm phục một người không lý giải quằn quại mà cũng vẫn tìm ra được cách khu xử hợp lý của một triết gia hạng nhất trên thế giới này ba trăm năm có lẻ. Trùm A mỉm cười, thân mật vỗ vào vai tôi. Lúc đó tôi mới dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Xương xẩu, lưỡng quyền nhô lên, má trái có một vết thẹo chạy từ màng tai xuống đến cổ, tròng mắt sâu hoắm lấp loé sau cặp kính trắng khiến hắn mang dáng dấp trí thức tỉnh lẻ hơn là một tên lục lâm thảo khấu bao che chuyện đào vàng. Thình lình, hắn nghiêm giọng:

“Giả như tìm thấy, đề nghị mình chia đôi nhé, chỉ anh với tôi thôi. Đám Trùm kia thu được tiền đô của anh là chúng hài lòng rồi. Còn như có cái vật quí hiếm Bảo Quốc Hộ Dân ấy thì bán cho ai? Bán thế nào?”

Lặng người đi, tôi , một kẻ mơ mộng, nào có nghĩ đến chuyện rao bán cái giữ được nước, cứu được dân. Thấy tôi im, hắn lẩm nhẩm:

‘’ Cái phần Bảo Quốc có thể chuồn cho các vị lèo lái thế giới bên kia, nhưng họ chắc không mua cái Hộ Dân đâu… Hộ dân thì họ còn ăn uống thế nào được nữa! Món này khó tiêu thụ… Hừm, để xem.”

Bóp trán, mắt lim dim, vết thẹo trên má hắn phập phồng như thở. Lát sau, phá lên cười, hắn reo:

“… tớ biết chỗ bán rồi, tớ là thiên tài. Vồ vai tôi, hắn nắm chặt, lắc lắc - đoán thử xem!”

Không để ý đến tôi nhăn mặt vì đau, hắn nói như hét:

“Này, tớ bán cho ban lãnh đạo Trung Quốc nhé. Chúng nó mua rồi quẳng đi, thế là ăn đứt được nước mình mà chẳng tốn quân, tốn của, và mang tiếng “bá quyền”! Đấy, thần tình chưa - hắn vỗ ngực, giọng phấn khích - một sáng kiến kết hợp nhuần nhuyễn kinh tế và chính trị toàn cầu!”

Gỡ tay hắn ra, tôi nhẹ giọng đến như van vỉ:

“Phải tìm đã chứ, tay trắng thì bán gì?”

“Đúng! Lấy lại bình tĩnh, hắn thở ra – Nhưng tìm phải có kế hoạch. Và tổ chức. Hắn lẩm bẩm như nói một mình - phải cho đi kiếm Ensara… về trợ lực.”

Quay nhìn tôi, hắn nói như ra lệnh:

“Mai chúng ta khởi công! Hôm nay nghỉ lấy sức… Chỗ tìm ra vật quí hiếm ấy, tôi biết!”

*

Vừa bước chân vào nhà hàng ăn uống nằm ven hồ, một cô tiếp viên tươi như hoa đã ra đón, hỏi tên tôi, trịnh trọng nói ‘’ xin quí khách theo tôi ‘’. Men lối đi trên bờ nước, tôi được đưa đến trước một căn phòng, cửa đề chữ VIP đỏ, đằng sau có tiếng cười đùa rôm rả. Cô tiếp viên nghiêng mình, giọng văn minh có định hướng kinh tế thị trường, ngượng ngập ‘’xin mời’’ rồi đẩy cửa. Không khí mát rượi trong phòng ùa ra. Chưa nhìn thấy gì thì một vị chạy lại, và mặc dầu tôi chẳng biết là ai, anh ta thân tình quàng vai, miệng nói, chà chà, đợi anh mãi đấy. Một thiếu nữ rất xinh đưa tay vẫy tôi khi được giới thiệu, tên là Nhất Phương. Một vị, chừng thất thập, tóc dài nhuộm đen, miệng lún phún râu, gầy gò trong bộ áo choàng vàng kẻ dọc xanh đứng lên đến bắt tay tôi, nói bằng tiếng Pháp “vous êtes bienvenu, cher ami” rồi vẫy Nhất Phương, đẩy cho ngồi cạnh tôi. Và sáu bẩy vị khác, tuổi từ ba đến năm mươi, đều là những nhà văn nhà thơ, tự kể tên nhưng than ôi, tôi chỉ là một kẻ thực dụng chẳng để ý đến chữ nghĩa, đành chỉ cười cười cúi đầu chào thật lễ độ. Sau đó, ai cũng nói một câu thế nào cho tôi hiểu là họ đều quen biết hắn, thằng anh hờ trời đánh thánh vật tôi phải cất công về đây tìm. Tôi nhìn quanh nhưng không thấy Thụy, quay sang hỏi Nhất Phương thì nàng đáp không biết là Thụy cũng hẹn đến đây. Vị đứng tuổi, nhà thơ cách tân đầu đàn ghé vào tai tôi, mủm mỉm cười:

Toa cứ gọi moa là anh, như mọi người chứ đừng theo tuổi tác mà gọi moa bằng chú nhé. Anh em ở đây ai cũng gọi moa bằng anh. Cứ kể cái tính chứ đừng đếm tuổi, dễ moa còn trẻ hơn họ đấy. Moa có tiếng là “lão ngoan đồng” Châu Bá Thông của nền văn hóa bản địa…”

Nhà thơ lảo đảo đứng lên, tay nâng ly, nói lớn:

“Nào, cụng ly uống mừng buổi hội ngộ hôm nay nhé!”

Thế là tiếng thủy tinh loại vừa rẻ vừa bền lạch tạch như pháo chuột vang lên. Rượu là rượu trắng, gọi là Vodka-ta, khá đầm. Uống đệm, có mấy thùng bia Hennekein, tiếng mở nắp chai lốp bốp. Còn món nhậu, thì ếch, nhái, và đặc biệt là bò tùng xẻo. Nhất Phương ríu rít:

“Em xẻo thịt, anh nhé!”

Nghe xẻo thịt anh, tức là mất cái dấu phẩy trong một câu thoại, tôi giật mình ôm lấy cánh tay như một phản ứng tự vệ. Phương tưởng tôi đùa, cười:

“Xẻo thịt bò cho anh ăn, đừng lầm mà ăn phải thịt em nhé…”

Nhà thơ cách tân chồm qua, nói bô bô:

“Thịt em thì phải ăn tươi chứ. Cười hô hố, ông ta tiếp - Nhất Phương là thiên nhất phương trong thơ Tô Đông Pha đấy, toa người Tây học có biết là ai không?”

Thấy tôi lắc đầu, nhà thơ cách tân hạ giọng:

Moa biết, mấy toa giỏi thơ Tây thơ Mỹ chứ mấy cái món cổ thì nào có để ý. Còn moa, nói thật nhé, ông cụ đẻ ra moa là thầu khoán, gia đình gốc tư sản nên đi học trường của Pháp từ thời trước 45, may có chút chữ Hán ông nội moa bắt học thuở bé nên mới giữ được chút truyền thống. Mười bốn tuổi, moa mê Lamartine, mê Chateaubriand…rồi khi đọc Baudelaire thì moa lập chí làm thơ!”

Tôi gật gù. Kể thật lạ, kỳ trước tôi về nước cách đây đâu mười năm, người đâu đâu cũng bảo mình gia đình vốn ba đời là nhà nông cấy thuê không ruộng không đất. Bây giờ, chỉ mới ba ngày qua, nghe ai cũng khoe gốc họ nếu không tư sản thì đều là con cháu quan lại thời nhà Nguyễn. Tôi nốc vội ly rượu để quên thắc mắc. Nhà thơ cách tân ghé vào tai, rù rì:

“Ngôn ngữ là một điều kỳ lạ. Bất cứ thứ tiếng nào moa học cũng nhanh, và moa cảm ngay cái hồn của nó. Đọc thử toa nghe một vài câu moa làm nhé… La tendre folie … dans cette vie… Ce rêve fantasmagorique… d’une fraicheur frigorifique…”

Tôi chưa dám nói gì, Nhất Phương đã xuýt xoa:

“Em nghe có vần như thơ Đường. Nhìn tôi, nàng nói - chả là em đang du học ở Thượng Hải về điện ảnh nên tiếng Trung Quốc bây giờ em cũng tàm tạm, nghe thơ có vần là em biết ngay… Này nhé, em nói sai thì anh sửa… phôli vần với vi. Còn cái vần sau là ích… phải không?”

Không dám gật đầu, tôi nhìn sang nhà thơ cách tân, tảng lờ bằng cách nâng ly uống mừng. Mừng gì đây? Nhà thơ cách tân vừa cười vừa hỏi. Nhất Phương đáp hộ ngay:

“Thì mừng cho sự hội nhập Đông-Tây chứ còn gì nữa! Nàng khúc khích, nâng ly, tay kia giơ lên, miệng hò – Nào….zô nhé!”

Thế là zô, zô… Tôi uống, và cứ thế, uống mừng cái này, mừng cái kia như thể cuộc đời đang cũng mừng vui nhộn nhạo.

Trời về chiều, hoàng hôn lướt trên mặt hồ như một tà áo đỏ vờn bay trên mặt nước óng ánh. Ô hay, sao không thấy Thụy. Tôi lại hỏi Nhất Phương. Nàng béo má tôi, cười, có em đây thì cần gì đến ai. Và nàng lại rót, tôi lại uống, cứ thế…

Khi tôi tỉnh dậy thì không còn một ai trong căn phòng VIP. Giụi mắt, tôi ngơ ngác nhìn một nhân viên nhà hàng vỗ khẽ vào vai, đánh thức tôi dậy để tôi thanh toán cái hóa đơn ăn mừng vừa rồi. Tôi bấm máy gọi cho Thụy. Tiếng anh ta ngạc nhiên:

“Tôi nào có hẹn anh đâu!”

Một lát sau, Thụy phóng xe đến đón tôi về. Nhìn tôi, Thụy nói:

“Anh xem cái tin nhắn gửi đến anh là ai gửi!”

Quả thực không phải Thụy gửi mà là địa chỉ mail lạ hoắc. Gửi ngược về địa chỉ đó, chúng tôi mới biết đó là một trạm Internet trên phố Trần Hưng Đạo. Thụy bực bội:

“Tôi hỏi đám bạn quen tin về ông anh của anh, đưa số email của anh cho một vài đứa để có gì chúng nó thông báo thẳng với anh… Nhưng thằng nào chơi cái trò “ăn chạy” này?”

Vỗ vai Thụy, tôi bảo chẳng có gì đáng để quan tâm.

*

Chia tay Thụy, tôi lên sân thượng của khách sạn, tìm nơi sáng sủa và vội vã mở email của thằng anh chết tiệc ra đọc tiếp:

23-03

… Buổi trưa hôm đó, tôi được phép đi quanh quẩn trong khu vực Trùm A phụ trách an ninh dưới sự giám sát của một bảo vệ, hệt như là ở thế giới bên kia. Nắng gay gắt, trời lại không gió, nóng đến mờ mắt, nhưng đám người đãi vàng vẫn say sưa, kẻ xúc, người sàng, đổ nước rửa cát, rửa đá ven một con suối cạn, giơ lên ngắm nghía, lắc đầu hoặc gật gù tùy cái may mắn trời cho. Họ đi từng ê-quíp ba, bốn người, lúc nào cũng có một lãnh nhiệm vụ canh chừng. Anh bảo vệ giảng giải:

“… Ở đây rất dễ bị cướp, lắm khi bảo vệ tụi tôi không can thiệp kịp. Nghèo nên tham mà anh! Bắt được cướp, tụi tui bắn bỏ liền. Mấy xếp trong Trung Ương dặn, mình kiếm ăn được là vì giữ an ninh trật tự nghiêm minh!”, rồi cười hề hề.

Tôi nhìn anh, hỏi: “kiếm khá không?”. Thì thào, anh hạ giọng:

“Bí mật nghe! Mình lấy từ 30 tới 40% lượng đá có quặng vàng. Nếu người đào vàng khoán cho mình phân kim thì mình lấy 20% lượng kim. Ngoài ra, khi phân chia lô để đào, mỗi lô mình “thuế” từ một tới hai trăm ngàn đồng mỗi ngày, tùy lô tốt xấu… Bảo vệ tụi tui đứa được triệu hai cho tới triệu rưởi một tháng, mà là tiền Việt Nam mình nghe…”

Không thấy phụ nữ đi đào vàng, tôi thắc mắc. Anh bảo vệ chém tay vào không khí, quả quyết:

“Có mấy bả, chắc tụi tui lại phải lo luôn chuyện ghen tuông lang chạ. Hồi ban đầu, có mấy bả, xảy ra lắm vụ mấy bả kêu là hãm hiếp, phức tạp lắm. Ông xếp khu này họp. Ổng nói - xưa nay người ta lấy vàng thử bụng đàn bà, lấy đàn bà thử bụng đàn ông. Không để phụ nữ ở đây, nhưng bề nào vàng cũng đến tay họ, thế là vẫn đúng qui luật chớ không phải kỳ thị phân biệt nam-nữ chi cả… Anh nghe hay không? Ổng xưa học tới cấp ba, trí thức thứ thiệt chớ không như tụi tui đâu…”

Bước lại ven suối gần nhóm người cắm cúi sàng xẩy, tôi thóp bụng lùi lại. Một anh lông mày xếch ngược thò tay nắm cán một con dao rừng sáng quắc, ánh mắt chỉ dịu đi khi anh bảo vệ xô đến, miệng kêu “khách của ông Trùm đó!”. Quay sang tôi, anh dặn “đi lang bang là mất đầu đấy nghen!” . Bất giác, tôi đưa tay lên sờ cổ, gật đầu, biết nó còn đấy.

Về nằm trong một cái lán để tránh nắng, tôi tự hỏi, Trùm A khẳng định chỗ tìm được cái vật Bảo Quốc Hộ Dân. Nhưng là chỗ nào? Và trên cơ sở gì hắn khẳng định như vậy? Ngược lại, nếu hắn không nói thế, tôi cũng chẳng biết tìm chi, và tìm ở đâu, chỉ đoan chắc là khi tìm thấy thì vật đó phát sáng, đồng thời nghe được một tiếng nói từ thinh không. Tóm lại, tất cả mù mờ như làn hơi nước bốc lên dưới ánh nắng đổ lửa trên thế gian đang lục bục sôi như một nồi nước trong đầu tôi. Lơ mơ quẩn quanh như thế, đến lúc xế chiều thì có người đến gọi tôi đi.

Lên căn nhà mái lợp gianh tôi đã đến ban sáng, tôi vừa thò đầu vào thời Trùm A vẫy tay, chỉ một người đàn ông, giới thiệu:

“Đây là thầy Ensara. Thầy sẽ trợ lực cho chúng ta!”

Người đàn ông cao lêu nghêu, áo choàng từ đầu xuống chân trắng toát, đầu quấn khăn cũng trắng, ngước mắt nhìn tôi vô cảm. Thật khó đoán ra tuổi tác. Khẳng khiu nhưng lổ chỗ những vết sứt sẹo có lẽ di lại từ một trận đậu mùa thuở niên thiếu, khuôn mặt Ensara dài ngoẳng, da sạm một thứ mầu mun han rỉ. Ensara nói lơ lớ, nhưng Trùm A hiểu, đáp:

“Khởi công càng sớm càng hay. Ngay đêm nay cũng được!”

Ensara gật đầu, chẳng nói chẳng rằng xách bị đi ra ngoài. Nhìn Trùm A, tôi hỏi:

“Ông ta là ai ? Và trợ lực thế nào?”

“Ông ấy là thầy pháp, người Chàm...”

Chỉ chiếc trõng tre bảo tôi ngồi, Trùm A giảng giải. Khu này đãi cát tìm vàng là chuyện phụ, kiếm chẳng được mấy. Nhưng sát chân núi là khu cổ mộ của dân tộc Chàm từ mấy trăm năm nay. Họ chôn cả của cải với người chết, trong những cái chum sành. Người chết càng giầu thì của cải châu báu càng nhiều, chẳng chỉ có vàng mà còn cổ vật, ngọc ngà… Đào mả, phải đề phòng rắn và ma Hời. Rắn, có thuốc. Nhưng ma Hời, phải nhờ tới thầy pháp. Người đi đào mả kể hễ cứ chạm vào chum là nghe tiếng khóc lóc, tiếng chửi rủa. Có kẻ hoa mắt thấy giáo mác sáng loáng vung lên. Có kẻ tối mặt tối mũi, xây xẩm gục xuống, sau hóa rồ hóa dại. Từ ngày vời được Ensara, những hiện tượng kia bớt dần, nhưng cách đây hai tháng, người thò tay vào một cái chum rất lớn bỗng nhiên bị hút tuột vào, và biến mất, không để lại chút hình tích nào, chẳng được như là cát, là bụi. Từ đó, Ensara xin thôi. Hiện còn bảy cái chum chưa ai dám động tới. Trùm A hạ giọng:

“Tôi đích thân đến nói mãi Ensara mới nghe, đòi đến 20 lạng vàng thù lao…”

Chỉ nghe Trùm A kể, tôi đã ớn lạnh, lưng đổ mồ hôi. Rùng mình, tôi gặng:

“Nhưng sao mà biết vật quí hiếm ở trong bảy cái chum đó?”

Trùm A bật cười:

“Này nhé! Khi tôi ở bên Liên Xô, tôi nghe một câu chuyện thế này, kể cho anh nghe. Có một đêm, một người đánh rơi một đồng tiền vàng trên quãng đường từ nhà anh ta ra đến cổng làng. Con đường đó có độc một cái đèn đường, còn lại tối đen như mực. Anh ta cặm cụi bới từng cọng cỏ dưới ngọn đèn tìm đồng tiền. Dân làng cười, bảo đồng tiền đó có thể rơi bất kỳ chỗ nào trên cả con đường dài này, sao cứ loay hoay tìm đúng một chỗ. Anh biết người đó trả lời thế nào không?”

Nhìn Trùm A, tôi lắc đầu. Giọng hể hả, hắn khệnh khạng:

“Tôi tìm chỗ sáng, vì chỉ chỗ ấy may thì tìm thấy. Còn chỗ tối, rõ là vô phương… Đấy, tôi cũng vậy. Bảy cái chum kia là chỗ sáng, còn lại thì khu này tôi nằm lòng, có cái quái gì mà tìm!”

Vẫn sợ, tôi cố vớt vát:

“Cái may này đổi hai mươi lạng vàng, đắt đấy…”

“Hà hà… đưa trước một lạng thôi, tìm ra thì mới chồng tiền chứ! Tìm được cái vật quí hiếm ấy thì hai mươi lạng có nhằm nhò gì”, Trùm A đáp, giọng chắc nịch.

Cơn sợ bị hút vào một cái chum để rồi vô hình vô tướng khiến tôi run lên. Nghiến cho răng thôi đánh vào nhau, tôi cò kè:

“Còn chuyện này, hôm anh nói bán vật quí hiếm cho Trung Quốc thì tôi chưa phát biểu ý kiến. Tôi nghĩ thế là không được! Làm sao quên được một nghìn năm Bắc thuộc. Họ nay vẫn kè kè sát nách ta… Nguy lắm! Tôi không muốn dính dáng vào cái nghiệp này đâu…”

Trùm A nghe tôi nói, nhếch mép cười như muốn bảo thế là chú mày sợ chứ gì, sẵng:

“Thế thì làm thế nào?”

Không biết ăn nói ra sao, tôi sượng sùng:

“Tôi chịu, anh thử động não xem sao. Chuyện buôn bán tôi kém lắm!”

Trùm A nhổ nước bọt, quay lưng bước ra ngoài.

*

24-02

Đến tối, tiếng cú rúc cứ vang lên từng chập. Gió lên, cây rừng xào xạc, trăng non lơ lửng giữa những đám mây rám bạc trên đỉnh đầu . Ngày nóng, nhưng đến đêm, rừng ẩm ướt khiến trời lạnh hẳn đi. Xa xa, tiếng trống bập bùng nhịp cho tiếng kèn ai oán vẳng lại. Trùm A bất ngờ hiện ra. Như một phản ứng, tôi rụt người lại, nói ngay:

“Anh tìm người khác thay tôi… Ở đây thiếu gì người!”

“Hừ… không được! Ensara đã liên hệ được với nữ thần Shiva. Thần phán, đây là karma của anh, chỉ có anh mới có cái duyên nghiệp này… Còn chuyện bán, tôi nghĩ ra để chiều lòng anh rồi. Ta bán nó cho Mỹ. Bọn này đã từng muốn chiếm một nửa nước ta, bây giờ Bảo Quốc là cho nó tất, chắc là OK salem! Còn Hộ Dân thì chúng nó đòi ta tôn trọng nhân quyền, thế là cũng nằm trong chiến lược Hoa Kỳ trên thế giới, chúng nó không thể từ chối được! Chúng nó lại vẫn mạnh nhất, giàu nhất… anh có đồng ý không!” Mà này, Trùm A cười nhạt vỗ tay vào bao súng lục, “anh không đồng ý thì cũng phải hợp đồng với tôi, anh nghe rõ chứ?”

Dứt lời, Trùm A vẫy tay. Một toán bốn người xông vào, kẻ bịt mắt, người xốc vai tôi lôi đi. Quanh co một lát, chúng tôi đến trước một đống lửa cháy có ngọn. Trùm A mở băng bịt mắt, tôi thấy có cả Trùm B và C đứng đợi. Ensara vẫn chân nhẩy tay múa, bước vòng vòng quanh đống lửa, miệng hú dài, tiếng hú hòa vào tiếng chí chóe của những con khỉ khiến nhân giới nay chập chờn hư thực. Ensara đến trước mặt tôi, nói lớn tiếng. Chưa kịp hiểu gì, Trùm C ra lệnh:

“... Cởi hết quần áo ra!’’

Trần như nhộng, tôi khép chân, tay che, thầm nghĩ mình nào khác chi đàn khỉ leo trèo trên cây. Ensara kéo tôi đến trước một bức tượng bằng đồng, trăm tay trăm chân, đứng nghiêng, hông xếch lên, miệng như cười. Hắn rút từ bị đồ nghề cái chổi lông, chấm vào một dung dịch sền sệt bốc mùi khăm khẳm, hoa lên trời rồi rì rầm to nhỏ. Ngửa mặt nhìn trăng, hắn lại hú, ngay sau đó thét lên những từ ngữ lạ hoắc, tiến tới bắt tôi hả mồm, đổ ực vào một loại nước mùi hăng hắc. Làm xong động tác này, Ensara lại nhẩy múa như một con choi choi, giọng hú mỗi lúc một não nùng, tay dùng chổi quệt vào người tôi những nét ngang, nét dọc. Tôi như mê đi, sực tỉnh khi thấy người bị choàng vào hai lượt dây chão bện bằng vỏ cây nhuộm đỏ, một ở ngang ngực, một ở bụng. Xưa nay huyênh hoang là một kẻ vô thần vì thừa hưởng được tinh thần duy lý của Thế kỷ Ánh Sáng, tôi bỗng thấy cần một sự che chở siêu nhiên. Nhưng cầu ai? Jesus, hay Thích Ca, hay Mahomed…? Không biết, tôi lẩm nhẩm… lạy Trời!

Chẳng biết Trời nghe thấy chưa nhưng tôi bị điệu đến trước một cái chum đường kính độ hai vòng ôm, nắp mở toang hoác, phía trong đen ngòm. Người ta buộc những sợi dây nối người tôi vào gốc một thân cây khá to, ý nhằm nếu như cái chum hút tôi vào thì còn có hai sợi dây giữ dịt tôi ở cái thế giới này. Không tin lắm vào khả năng thô sơ này, tôi cứ chùng chình, tay không dám đưa vào cái lỗ trống đen ngòm trong đó vật chất có khả năng tiêu tan. Thấy vậy, Trùm C quát:

“ĐM…mi đưa tay zô, nếu không ông bắn bỏ!”

Nghe tiếng đạn nạp vào nòng súng, tôi tự nhủ, có chết thì thà là tiêu tan còn hơn bị một viên đạn đồng cắm vào tim, thậm chí có thể lệch sang phổi, không chết ngay mà khắc khoải cả đêm. Tôi nhắm mắt, thọc tay vào chum khoắng lên, mắt chờ bảo vật phát sáng, tai giỏng ra đón từ thinh không những lời huyền diệu đổi mệnh Trời. Chỉ có tiếng lục cục xương cốt hàng trăm năm trước đập vào nhau. Trùm A quát:

“Không có đếch gì à?”

Tôi lắc. Thế là họ điệu tôi qua chiếc chum thứ hai cách đó cả trăm thước. Cũng vậy. Rồi đến chum thứ ba, thứ tư… Ensara vẫn nhẩy múa, nhưng bước chân có chậm lại. Khỉ trên cành chí choé nhiều hơn. Khi tôi mò vào chiếc chum thứ bảy, trời đã tờ mờ sáng. Vẫn chẳng thấy gì. Ô hô, cái vật quí hiếm Bảo Quốc Hộ Dân đâu? Trùm B, kẻ đánh tôi một cái tát, lầu bầu như chửi. Trùm A, mặt đanh lại, gằn:

“Đưa nó tới tìm ở cái chum đã hút người… Mình đâu biết có cái gì trong đó!”

Tôi lạnh người. Ensara lè lưỡi, mặt dài thuỗn ra.

Đi khoảng mươi phút, người ta đẩy tôi chúi xuống chân một cái chum lớn hơn những cái chum khác ít là hai lần. Không hiểu vì cớ gì, tôi cảm thấy bình tĩnh. Có chết, cũng chết cho vinh quang. Chết vì nước. Chết để bảo quốc. Chết vì hộ dân. Và chết như vậy, ai nỡ vừa chết vừa sợ, rên rỉ, khóc lóc. Trong thoáng chốc, tất cả quá khứ hiện lại, rõ ràng từng nét, với từng người tôi yêu thương. Khi thấy lại hình ảnh người đàn bà trên thuyền đêm sông Hương hôm nao cười buồn, tôi đã sẵn sàng. Nhìn Trùm A, tôi nói như trăn trối:

“Nhớ đấy… Đừng bán cho Trung Quốc, nghe không!”

Quay lại nhìn những con người đứng trợn mắt nhìn, tôi mang tâm trạng một Kinh Kha ngày bên bờ sông Dịch. Trùm A hò:

“Buộc dây cho chắc vào gốc cây, rồi hai thằng nắm một dây. Động tịnh bất thường thì kéo khi tao hô! Hiểu chưa?”

Hiểu! Đám tay chân của Trùm A hò lên.

Ensara tiến tới trước mặt tôi, vẽ bùa trong không khí, bảo tôi há miệng ra. Tôi lắc đầu, liên tưởng đến cái dung dịch hăng hăng hắn đã đổ vào miệng tôi. Sống cho sạch, chết cho thơm, tôi nghĩ bụng. Thình lình, trong tranh tối tranh sáng, tôi thấy một vị đầu trọc mặc áo nâu sồng ngồi dưới gốc cây, một tay che mặt, tay kia giơ lên như bắt quyết. Rồi tôi nghe trong thinh không tiếng mõ văng vẳng, và tiếng ai đó thì thào bên tai:

“… trong cõi vô thường sinh ký tử qui, ngộ ra trong một sát na cái biên giới tử sinh thì cũng đáng một kiếp rồi, sân si ái vọng nữa mà chi…”

A, chân lý đây. Và phải sống với nó, chết với nó. Tôi ưỡn ngực bước thẳng đến miệng chum mở toang hoác, đen ngòm ngòm, trong đó chắc chắn chứa cả cái vô hình vô tướng của kẻ đã từng biến vào đó như chưa từng là da là thịt. Tay tôi vừa qua miệng chum, quả có một thứ lực qui tâm hút tôi vào. Chân dậm xuống trì kéo lại, tôi thò tay vào. Trời hỡi, một thứ mùi tanh hôi nhớp nhúa sực lên, và có gì đó như trăm cái vòi bạch tuộc cuốn lấy cánh tay tôi. Trùm A hô kéo, rồi chạy lại nắm dây phụ lực. Ensara rống lên như phát dại. Vật Bảo Quốc Hộ Dân tất phải ở đây thôi. Nghiến răng, tôi thọc sâu tay vào, vai đã quá miệng chum, nhưng tôi cố giữ đầu tôi ở ngoài để thở. Tay tôi gần như đụng đến đáy chum. Phải rồi, vật quí hiếm đây chăng? Đụng vào nó, nó sắc lạnh, nó phát sáng. Có tiếng reo. Tôi giỏng tai cố nghe một tiếng gọi giữa thinh không. Gom hết sức, tôi nắm chặt lấy cái vật vô cùng quí hiếm. Bây giờ, chết tôi chẳng sợ, chỉ sợ nó vuột khỏi tay. Chân tì vào thành chum, tôi cong người vận mười thành công lực, đạp ngược. Có tiếng gió ào ào lướt qua. Tôi hững người, ngã bịch xuống trong tiếng reo, ngất đi.

N.D.