Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Thơ thẩn Paris

Châu Diên

Tôi phục anh Lê Kim qua bài anh viết đầu năm 1948 về đêm chiếu phim ở Bắc Cạn sau chiến thắng Thu Đông 1947. Anh “tường thuật” bằng con mắt của người đau mắt, chỉ còn đôi tai để ghi những âm vang trong khán giả. Tôi sẽ học cách viết đó và bắt đầu với việc kể chuyện đi Paris của ba con người thực sự yêu Paris… nhưng chưa bao giờ đến Paris.

Bảo tàng Rodin

Người thứ nhất là thầy Trần Văn Khang, người đã làm cho tôi như đang đứng trước bức tượng Người suy tưởng của Rodin. “Chú phải đứng trước tượng, nhìn cho rõ những múi thịt hằn lên ở lưng con người đó khi đang suy tưởng. Tư duy là thế đó. Rodin là thế đó”.

Người thứ hai, bạn vong niên 87 tuổi mới qua đời, từng làm công cho nhà in Xuân Thu và mắc hạn Xuân Thu. Vì hạn mà anh chỉ có thể tưởng tượng những chuyến đi. Có đi Pháp, rồi quay về với Rodin, hai chúng tôi trước sau cùng là học trò thầy Khang mà!

Người thứ ba từng đến Paris với Rodin là nhà thơ Quang Dũng. Hôm đó, trong thư viện quốc gia, anh gọi tôi ra một góc, thì thào ông nhìn theo tay tôi chỉ… Nóc tủ, cạnh lọ mực tôi để đó, có hai củ khoai luộc… Buổi trưa ông lấy mà ăn… - Anh ăn bằng gì? - Trưa nay có thằng mời đi ăn thịt chó.

Tôi nhìn anh, thân hình hộ pháp, mắt tròn xoe, tóc thả vắt xuống, và bỗng dưng tôi bảo anh rất giống Balzac, anh có thể làm mẫu để tạc tượng Balzac. Quang Dũng nhìn lên trời, lắc đầu:

- Ồ, không, ví mình với Balzac sao được? Mình thô tục. Balzac khác… Ông phải sang Paris xem Balzac của Rodin. Phải thắp nến soi vào tượng! Phải rón rén khi đến với tượng Balzac! ánh sáng thường, ánh sáng điện đều hỏng, chỉ ánh sáng nến thôi…

Thế rồi tôi đã đến Paris, việc đầu tiên là thăm bảo tàng Rodin. Bức tượng Người suy tưởng đúng như mô tả bằng tưởng tượng của các nhà du lịch bằng mồm. Còn Balzac… Tôi nhờ cô tiếp tân vui lòng chỉ cho tôi tượng Balzac đặt ở đâu? Cô tiếp tân lắc đầu không nhớ. Tôi hỏi một khách tham quan Bà có thấy tượng Balzac không, nó ở chỗ nào? Bà khách chỉ nói tiếng Anh hình như nó ở trên gác. Nghĩ rằng mình cứ tuần tự đi hết từ vườn, vào các phòng, sớm muộn cũng gặp Balzac, lo gì. Nhưng vẫn sốt ruột. Lại quay về cô tiếp tân ai có thể giúp tôi tìm tượng Balzac bây giờ thưa cô? Cô tiếp tân chỉ một nhân viên mặc áo xanh da trời. Anh bạn dẫn tôi lên gác.

Đây rồi, tầng hai. Tội thân anh quá, Quang Dũng ơi, chốn đây không hang động gì, chẳng có ngọn nến nào. Có hai tượng Balzac giữa nhà. Tượng thứ nhất là một ông tóc chải lật bên trái, bụng phưỡn ra, hệt như Paustovski viết trong Bông hồng vàng: Balzac thường làm việc đêm, uống trà đặc, ngồi viết thở phì phò như con lợn thiến… Bức tượng thứ hai đặt bên cạnh. Bức này là một Balzac mặc áo thầy tu, chả biết là ca ngợi hay giễu, dù có làm mình nghĩ tới vô vàn nhân vật trong Tấn trò đời hình như có đến xưng tội cùng nhà văn vĩ đại.

Rồi tôi tha thẩn xem hết lượt. Những tượng mang tên mọi tình cảm người Vui, Buồn, Nhớ, Đẹp … cực kỳ gây ấn tượng là bức Thánh đường hai bàn tay trắng muốt vươn cao nâng niu và lam lũ… Sau Cổng địa ngục, tôi đã không dứt nổi cụm tượng Thị dân thành Calais. Nhà thơ Đức Rainer Maria Rilke giới thiệu đó như một mẫu mực Rodin, làm cho khoảnh khắc trở thành bất diệt.

Câu chuyện được ghi lại sơ sài bởi một người chép sử nghiệp dư tên là Froissart. Năm 1347, vua Edouard III nước Anh bao vây thành Calais, tức tối không hiểu sao dân không sợ chết đói, dám chống cự đến cùng. Rồi ông quyết định khoan hồng cho Calais, nhưng với điều kiện sáu người quyền quý nhất phải tự nộp mạng để nhà vua muốn làm gì thì làm. Sáu người này phải ra khỏi thành, đầu để trần, mặc áo sơ mi, cổ quấn một vòng dây, tay mang chìa khoá thành Calais… Người chép sử nghiệp dư kể có sáu người đã tự nguyện nhận trách nhiệm đi vào cõi chết. Người chép sử run tay ghi lại những tiếng la thét, những giọt nước mắt. Rồi ông trấn tĩnh ghi tên mấy đại biểu kia. Nhưng chỉ ghi được tên bốn người, còn hai người lại quên mất. Và cũng ghi sơ sài, người thứ nhất giầu nhất Calais, người thứ hai gia sản đồ sộ và hai con gái xinh đẹp, người thứ ba gia tài bố mẹ để lại rất lớn, người thứ tư là em trai của người thứ ba… Nhà chép sử nói họ cởi bỏ hết chỉ mặc một áo sơ mi, cổ quấn dây, tay mang chìa khoá… Họ đến chỗ vua Anh, vị vua này đối đãi cực kỳ tàn bạo, nhưng cuối cùng vợ vua sắp đến kỳ sinh nở đã xin gia ân cho họ

Bản ghi của nhà chép sử nghiệp dư dừng lại ở đó. Nhưng nó đã gợi hứng sáng tác cho Rodin, vì nhà tạc tượng vĩ đại đã nhận thấy trong câu chuyện kia một khoảnh khắc bất tử… Tôi dâng nén hương này tới ba người thân yêu hình như đã đến Paris trước tôi một thoáng.

Ký ức bất tử

Đi một bước trên đất Paris là một bước được học lịch Sử. Tôi cho rằng cảm nhận đó không sai lắm.

Tôi lần đến nơi xưa vẫn gọi bằng Khu Latinh gần quảng trường Đại học Sorbonne, đi theo đại lộ Saint-Michel có thể thấy trên tường những dòng chữ này:

Jean Montvallier Boulogne, 24 tuổi, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã ngã xuống ở chỗ này ngày 25 tháng 8 năm 1944.

Một quãng nữa, lại có:

Spatti Pierre Bounin, thuộc Trung đoàn Leclerc đã ngã xuống ở chỗ này để giải phóng Paris.

Trên tường trước cửa trường Đại học Mỏ thì có hẳn một trang khắc chữ vàng lịch sử ngôi nhà:

Nhà được J-B le Blond xây dựng năm 1701 cho giáo xứ La Porte, sau trở thành nhà khách và cho nữ hầu tước Vendôme thuê, nó được sửa lại năm 1715-1716. Cách Mạng đã tịch thu ngôi nhà và đến năm 1815 thì cho mở trường Mỏ ở đây (trường có từ năm 1783). Sau đó nó được Nhà nước mua lại. Đến những năm 1840-1852, trường được xây dựng lại bởi kiến trúc sư Duquesnay, hoạ sĩ Hugard trang trí lại năm 1854 và hoạ sĩ Pajel năm 1856. Từ 1861 đến 1866, trường lại được kiến trúc sư Vallez mở rộng thêm, bổ sung hẳn một Bảo tàng Khoáng vật học…

Không riêng trường Mỏ có đặc ân này. Cách đó vài bước lại có một bài học lịch sử khác. Người đầu tiên tìm ra thuốc quinine chữa sốt rét được tạc tượng với dòng chữ đã đóng góp cho hạnh phúc của loài người. Thấp thó trong lùm cây gần cầu Alma nhìn về tháp Eiffel có tượng người Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Canada… Một ga xe điện ngầm vẫn giữ nguyên tên Stalingrad nước chủ nhà muốn đổi tên đổi họ ra sao cũng mặc.

Không chỉ chuyện xưa, những chuyện gần đây nhất cũng được ghi chép thành lịch sử sống. Ngay sau vụ khủng bố toà Tháp đôi bên Mỹ, có sự chứng kiến của đại sứ Hoa Kỳ, chủ tịch Thượng Viện Pháp đã bầy tỏ cảm thông của dân Pháp bằng cách trồng một cây dẻ cạnh tượng Thần Tự do trong vườn Luxembourg; cạnh tác phẩm gốc mà món quà phiên bản to gấp hàng chục lần vẫn đang đứng trên bờ biển nước Mỹ nhìn về phía trời Tây. Trận bão 1999 làm đổ cây trong vườn Luxembourg nay cũng thành lịch sử sống: có ngay bảng chữ vàng ghi lại việc những cây dẻ của trường tồn trồng thay thế.

Ngày quốc khánh 14 tháng 7 thực sự là ngày nhắc nhớ lịch sử. Lâu lắm tôi mới lại gặp cách treo cờ như ngày xưa ở Hà Nội với từng cụm ba lá cờ tam tài nho nhỏ khắp các bức tường, khắp các công sở. Hàng triệu lá cờ ba màu của ba đẳng cấp cùng làm cách mạng suốt dọc các phố quy về lá cờ có lẽ là to nhất nằm ở Khải hoàn môn.

Những chiếc xe thiết giáp trong đoàn duyệt binh cũng có cách ghi lịch sử thú vị. Chiếc nào cũng có tên, tên người (nhà văn Vercors chẳng hạn) hoặc tên đất. Mảnh đất đặt tên thú vị nhất với tôi là chiếc xe tăng Bắc Ninh bé như con chanh chách. Hẳn là chú này đầu năm 1947 đã nống lên Bắc Ninh đây. Hồi ấy, bọn mình rút từ Hà Nội ra, lên tập trên Sơn Tây, nghe kể có đoàn xe tăng như thế đã chần chừ trước những… nồi đất úp đầy đường. Hồi ấy, quân mình đâu đã sẵn mìn? Paris năm 2003 này không nhắc chuyện cũ cỡ đó. Mà nhắc nhiều đến tướng quân Leclerc nhân kỷ niệm ông trăm tuổi, và ngợi ca năng lực nhìn xa thấy rộng phi thường của ông trong việc chủ trương nói chuyện với cụ Hồ Chí Minh. Nhưng có người đã cản Leclerc. Một người cao lớn chỉ thích riêng mình là người anh hùng kháng chiến, người ấy lại nói nhịu gọi người Việt đang đòi độc lập là giặc. Rồi mươi năm sau lại cũng người cao lớn ấy dạy dỗ dân Campuchia giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.

Nghĩ cũng hay, cả đoàn quân viễn chinh hùng hổ bây giờ đi đâu về đâu? Chỉ còn lại mãi mãi bài thơ Bên kia sông Đuống. Tôi nghĩ đùa: hôm nào về phải nhắc Hoàng Cầm ngỏ lời biết ơn quân viễn chinh, vì họ có chiếm mất nam phần Bắc Ninh thì mới có người đứng bên này sông sao nhớ tiếc, sao xót xa như rụng bàn tay… Dẫu sao, cái đêm pháo hoa, bầu trời Paris tím như mực Cửu Long, tháp Eiffel nhấp nhánh như đồ chơi con nít, và cả một giờ liền những hoa cà hoa cải đã làm cho người lớn trẻ em rung lên trên các cây cầu, các rẻo sông… Máu đỏ của người xưa đã đem lại tiếng vui reo. Nếu Hoàng Cầm ngồi đây, chắc anh cũng thích chia sẻ…

Lại chuyện ký ức

Vườn Luxembourg nhiều người biết, nhưng nó còn nổi tiếng đối với riêng tôi. Đó là khu vườn Anatole France của nhiều đời học trò. Có lần tôi cùng Nguyên Ngọc đọc chơi với nhau những đoạn văn xuôi du dương như thơ của cái con người xứng đáng mang tên là Nước Pháp. Vườn Luxembourg cây cao bóng cả. Có hàng nghìn chiếc ghế sắt sơn màu ghi, từng đôi chiếc to chiếc nhỏ, ai muốn ngồi đâu tự tha ghế đến đó. Tôi đã ngồi đó một ngày đọc xong cuốn tiểu thuyết mới ra lò của Milan Kundera Nhớ nhớ quên quên. Tôi ngồi đó để mơ mộng, và cũng để nhớ nhớ quên quên.

Vườn Luxembourg có cái hàng rào rất giống hàng rào Vườn Bách Thảo Hà Nội mới chữa lại, chỉ khác là dài rộng hơn nhiều. Và khác nữa là hàng rào vườn Luxembourg được dùng vào việc triển lãm ảnh. Khi tôi ở đó thì có cuộc triển lãm Những số phận đan nhau. Người đứng ra tổ chức triển lãm là chủ tịch Thượng Viện, ngài Poncelet, mới sang Việt Nam tặng huân chương cho những người hùng trong vụ dịch Sars. Ngài Poncelet giới thiệu và ký tên hẳn hoi rằng Đây là cuộc triển lãm ảnh lần thứ 7 sau những lần trước với các chủ đề Trái đất nhìn từ trên cao của Yann Arthur-Bertrand, Một trăm bức ảnh một thế kỷ thể thao của báo L’Equipe, Núi lửa và con người của Philippe Berseiller, Himalaya ngã tư thế giới của Eric Valli, Lãnh thổ nước Pháp của Jean-Pierre Gilson, Bóng đêm bên ngoài của Veronique Durraty và Patrick Guedj.

Tôi tha thẩn trước cả trăm bức ảnh phóng to 2 mét x 1,8 mét, như một lớp học giữa trời rất hấp dẫn.

Nỗi bức ảnh đều có ba lần chú thích. Lần chú thích đầu là một cái tên, đủ 4 thành phần là tên nước, tên địa điểm, tên bức ảnh và năm chụp, để người xem có thể hiểu ngay và không hiểu nhầm. Thí dụ: Thổ Nhĩ kỳ, Gouljuk, Bên bờ biển Marmara, 1999 - Công hoà dân chủ Côngô, thủ đô Zaire xưa, trại tị nạn, 1995 - Trung Hoa, Kharbin, Trên sông Hue chi lưu sông Amour, 1980…

Tiếp theo là chú thích thứ hai, dài chừng 30 chữ, và sau đó là lần chú thích thứ ba dài chừng 500 chữ, cả một câu chuyện cho người đọc thưởng thức. Như ở hình ảnh sau:

Azerbaidjan, Bakou, Giàn khoan dầu, 1997

Tôi như còn nghe thấy tiếng họ cười như con trẻ đuổi theo tôi trong cảnh tuyệt vọng của cánh rừng tháp khoan hoen rỉ

Tôi đang tìm một hình ảnh để ghi lại, dù biết rằng còn những hình ảnh khác rồi sẽ còn làm tôi ngạc nhiên. Sau tiếng ken két của thưa thớt vài ba tháp khoan còn hoạt động, tôi hình dung thấy vũ điệu đều đặn của những con ngựa thép kia hồi đầu thế kỷ đã bơm vàng đen từ lòng đất Azerbaidjan lên, đem lại tài sản cho bao nhiêu đại gia trên thế giới này. Đố là những chuyện xảy ra trước những năm dài Xô viết đã làm tê liệt những hoạt động rất sinh lợi này. Tôi vẫn còn như nghe thấy hai anh em Tabriz và Djeghoum mình bắt gặp khi đi quành một căn lều bỏ hoang. Người anh mặt buồn rượi. Giọng trầm đục anh chìm vào quá khứ và tin cậy tuôn trào như từ một giếng khoan dầu với tôi: “Nhà tôi xưa ở một làng phương bắc, đẹp biết bao và đi ngang ai cũng muốn ghé vào. Chúng tôi sống hạnh phúc, cuộc đời giản dị tưởng như không gì thay đổi nổi, đúng thế không nhỉ?… Thế rồi…”

Tôi không muốn ghi thêm cho đủ 500 chữ, vì thế nào cũng sẽ bị cắt, những anh chị biên tập tốt bụng không thể hình dung những điều được nghe có thể là sự thật. Nhưng cuộc triển lãm lại phơi bầy được mọi số phận đan chéo nhau.

Xem xong triển lãm, tôi lại vào ngồi tĩnh tâm trong vườn. Tới giờ khoá cửa, tôi trở lại hàng rào triển lãm, trời mùa hè vẫn tràn đầy ánh sáng. Tôi còn đủ sức ghi thêm những chú thích thi vị của mấy tấm ảnh khác chụp cảnh bên bờ sông Nin, chụp cảnh Mông Cổ Tân Cương, chụp những người mẹ đón con trai bị kẻ ác khoét mắt, chụp ông giáo du mục dạy học, chụp trẻ em xứ Chùa Tháp lang thang… Chụp ký ức… Nghĩ đùa, chụp lịch sử của ngày mai…

Paris - Hà Nội, 2003