Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Thảo luận “Vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường“ (1)

Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường – một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam
Đoàn Lê Giang

TÔI SẼ KHIÊU KHÍCH XÃ HỘI BẰNG MỘT ĐỀ NGHỊ MÀ ĐA SỐ SẼ THẤY NÓ VÔ LÝ, NHƯNG NẾU CÓ HIỂU BIẾT VÀ BÌNH TĨNH HƠN THÌ SẼ KHÔNG NGHĨ NHƯ THẾ.
Tôi đưa lại toàn văn tham luận của tôi trong hội thảo "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hồi nhập quốc tế" (ĐHSG, 2010) nhân Vietnamnet đưa phát biều của tôi trong HT "Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại" ở Viện Hàn lâm KHXH vừa rồi (27/8/2016). Bài viết này đã viết từ năm 2010, có rất nhiều người phê phán (mà đa số là không rành lắm về chuyện này), nhưng nhiều người hiểu biết rất chia sẻ. Có du học sinh bên Mỹ viết: ông này đề nghị giống như ở Mỹ và châu Âu cho học tiếng Latin ở những trường tinh hoa (một số giờ nhất định). Tôi sẽ không tranh luận về vấn đề này, vì tâm trạng chống TQ và cái ham muốn thực dụng hiện nay, tôi chỉ muốn nói: tri thức nhân loại là vô cùng, chỉ nên học cái gì là cơ bản thôi, cái gì tạo nên cốt cách con người, tạo ra sự tự tin khi dùng tiếng Việt... Chịu khó đọc cho hết, suy nghĩ trước khi comment. Vì đây không phải là chuyện tầm phào, không phải ai cũng có ý kiến được.

Đoàn Lê Giang

 


1. Tại sao phải học chữ Hán?
Sự sụp đổ của tiếng Việt?
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách báo, tiếng Việt đang bị dùng sai một cách khủng khiếp. Chỉ có mấy từ dùng sai mà sửa mãi mấy chục năm vẫn không hết: yếu điểm được dùng như điểm yếu, cứu cánh được dùng như cứu giúp, thậm chí có nhà văn nọ trên báo Văn nghệ còn dùng từ khiếm nhã như là trang nhã… Ngay cả sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn mà vốn từ hết sức nghèo nàn. Nhiều trong số họ không còn có khả năng hiểu được cả những từ gắn với nhà trường như: học phong, môn phong, đồng song, đồng môn, không phân biệt được nghĩa của những chữ đồng âm như: Minh: thông minh, đồng minh, u minh, Đồng: đồng bào, đồng hồ, hài đồng, v.v. Nếu như có dịp chúng ta thử thống kê một bài luận của một người có bằng thành chung trước 1945 và một người có bằng tú tài hiện nay xem vốn từ của họ chênh lệch với nhau như thế nào? Liệu tiếng Việt trong tương lai có thể sẽ như ngôn ngữ “chat” trên mạng không? Tiếng Việt có thể sẽ trở về như một thổ ngữ chỉ nói được những chuyện đơn giản thường nhật không?
Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán - Việt và tiếng Việt. Vì vậy nếu như 50 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là do lo ngại tình trạng lạm dụng từ gốc Hán, như: thay vì sân bay thì nói phi trường, núi lửa thì nói hỏa diệm sơn, tàu ngầm thì nói tiềm thủy đĩnh…, nhưng với tình hình giáo dục như hiện nay thì lấy đâu ra người hiểu được chữ Diệm là cái sáng, cái nóng trên ngọn lửa, Tiềm thủy là ẩn dưới nước…, thế cho nên bây giờ nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán.
Ở Nhật Bản từ mấy chục năm trước những trí thức có tâm huyết đã báo động về nguy cơ suy thoái của tiếng Nhật qua một loạt sách bán rất chạy với tựa đề gây “sốc”: Sự sụp đổ của tiếng Nhật (崩(くず)れゆく日本語), Tại sao người ta phá hoại tiếng Nhật? (なぜ日本語を破壊するのか) của Fukuda Tsuneari 福田恒存; Tiếng Nhật hấp hối (死に掛けた日本語) của Tsuchiya Michio 土屋道雄(1). Trong đó cuốn Sự sụp đổ của tiếng Nhật với phụ chú “Tiếng Nhật của bạn đang hỗn loạn như thế nào!” (あなたの日本語はこんなに乱(みだ)れている) trở thành một loại sách bestseller – trong vòng 3 năm nó được tái bản đến 10 lần với số lượng hàng trăm ngàn bản. Trong tất cả các sách ấy, người ta đều quy nguyên nhân cho sự suy thoái của tiếng Nhật là ở chỗ dùng từ gốc Hán sai, kiến thức về chữ Hán nghèo nàn, lạm dụng từ gốc tiếng Anh... Tiếng Nhật với một chương trình giáo dục chú ý giảng dạy gần 2000 chữ Hán mà còn như vậy, huống chi tiếng Việt. Trước tình hình giáo dục và sử dụng tiếng Việt như hiện nay, chúng ta cảnh báo về sự sụp đổ của tiếng Việt có còn sớm quá không? Số từ gốc Hán chiếm đến 70% số từ vựng tiếng Việt, mà người Việt không học chữ Hán, không hiểu chữ Hán, thế thì làm sao mà chẳng dùng từ sai và vốn từ nghèo nàn. Nếu tình hình không được cải thiện thì viễn cảnh về sự sụp đổ của tiếng Việt sẽ còn không xa.


Vong bản ngay trên đất nước mình
Có lần một sinh viên Nhật Bản khoe với tôi: Em đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm thấy đề là chùa thuộc phái Lâm Tế, em thấy rất thân thuộc vì giống như ngôi chùa ở gần nhà bà ngoại em. Thế nhưng đối với một thanh niên Việt Nam thì khi họ đến chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp…, nhìn lên bảng hiệu, hoành phi, câu đối hay bài vị, họ sẽ cảm thấy xa lạ như bất kỳ một ngôi chùa nào ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Thanh niên Việt Nam không còn thấy có một mối dây liên hệ nào giữa mình với quá khứ của ông cha: đình chùa, miếu mạo, thư tịch. Họ không có xúc cảm nào trước một tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, một quyển Kiều bằng chữ Nôm, một ngôi mộ của Nguyễn Du, của Nguyễn Đình Chiểu…Có thể nói thanh niên Việt Nam đang vong bản ngay chính trên đất nước mình. Thế nên ai cũng thấy, so với các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…thanh niên Việt Nam hiện đại hóa yếu nhất, nhưng đồng thời cũng giữ bản sắc dân tộc kém nhất. Vì vậy nếu như vào thời Lê, Nguyễn Trãi yêu cầu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tức là không lạm dụng văn hóa, ngôn ngữ, trang phục Hán, bây giờ giữ gìn bản sắc dân tộc thì lại phải học chữ Hán và có hiểu biết về văn hóa phương Đông(2).
Các trí thức, nghiên cứu sinh Việt Nam với các trí thức, nghiên cứu sinh Đông Á
Khi một nhà văn Nga, Mỹ đến thăm Y.Kawabata, nhà văn Nhật Bản được giải Nobel năm 1968, thì thường được Kawabata viết tặng cho một bức thư pháp chữ Hán theo phong cách Nhật Bản. Một giáo sư Trung Quốc, Đài Loan đến thăm một giáo sư Việt Nam, các ông cũng thường tặng một bức thư pháp. Cái thú tao nhã ấy đối với các nhà văn Việt Nam đã lùi xa lắm rồi - thời Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương thì còn, chứ như bây giờ thì hoàn toàn không. Trong giao tiếp còn như vậy huống chi trong sáng tác. Vì vậy sẽ không lấy làm lạ khi trong tác phẩm của các nhà văn Đông Á chiều sâu của văn hóa truyền thống sâu sắc hơn hẳn các nhà văn Việt Nam hiện nay.
Đối với nhà văn thì thế, với các nhà nghiên cứu tình trạng cũng buồn không kém. Các nhà nghiên cứu Đông Á - trừ Việt Nam, dù không nghiên cứu chuyên về cổ điển nhưng vẫn hiểu được khá sâu chữ Hán và văn hóa truyền thống của họ. Dù họ làm văn, sử, triết, nhân học, ngôn ngữ học…hiện đại, họ vẫn có thể đọc được thư tịch cổ của nước họ - với nhiều mức độ khác nhau. Ở Việt Nam một nhà nghiên cứu sẽ cảm thấy rất khó khăn khi hiểu về những vấn đề văn, sử, triết, ngôn ngữ cổ của dân tộc mình. Sinh viên, nghiên cứu sinh về KHXH và nhân văn của Việt Nam gần như không hiểu được sách vở của cha ông nếu không được dịch, chú, phiên âm ra chữ quốc ngữ Latin – mà đã đọc bản dịch mà không có khả năng kiểm tra độ chính xác của bản dịch ấy thì mức độ tiếp thu, thấu hiểu rất khiêm tốn. Có một hiện tượng cần lưu ý là hiện nay có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học Trung Quốc đang nghiên cứu rất sâu về văn hóa cổ của Việt Nam – mà Đại học Quảng Tây là một trung tâm được phân công chuyên nghiên cứu về việc ấy. Họ nghiên cứu từ văn bản gốc về Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn…, trong khi đó hầu như các nghiên cứu sinh Việt Nam không thể làm được điều ấy – trừ số tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm(3).
Có thể nói khi ra nước ngoài học tập, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh Việt Nam không thua kém gì so với sinh viên các nước Đông Á khác về khoa học tự nhiên, kỹ thuật, hay kể cả kinh tế, nhưng về KHXH và NV thì còn kém khá xa. Không ít sinh viên Việt Nam than thở không biết biểu diễn bộ môn văn hóa truyền thống gì cho bạn bè các nước xem, trong khi sinh viên Hàn Quốc ai cũng biết biểu diễn trống dân tộc và viết được thư pháp Hàn, sinh viên Nhật thì khỏi phải nói: trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, nhu đạo, thư đạo…Sinh viên Việt Nam ngoài áo dài và nem rán ra thì hết! Tại sao sinh viên Việt Nam đến nông nỗi ấy? Trước hết là vì kinh tế, nhưng quan trọng hơn là: nền giáo dục của chúng ta rất kém trong việc giáo dục văn hóa truyền thống mà việc loại bỏ chữ Hán là biểu hiện đầu tiên và gây ấn tượng nhất. Học tắt, “đi tắt” là não trạng chiến tranh hay là một khiếm khuyết của dân tộc?
Sinh thời nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng nói nhiều về ích lợi của chữ Hán trong sự phát triển của trí tuệ, từng cảnh báo nhiều lần về nguy cơ hiểu biết hời hợt về văn hóa của người Việt khi Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Á bỏ chữ Hán hoàn toàn. Gần đây GS. Nguyễn Đình Chú cũng viết bài nói về sự cần thiết phải khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường(4). Việc dạy chữ Hán không phải được đặt ra gần đây, mà nó đã được đặt ra từ hơn 100 năm trước – từ thời các chí sĩ duy tân mở trường Đông Kinh Nghĩa thục, rồi trở đi trở lại nhiều lần trong lịch sử giáo dục Việt Nam, nhưng rồi do chiến tranh, do những lấn cấn trong quan hệ Việt-Trung và nhất là do nhận thức chưa tới mà chủ trương ấy đành bỏ dở.
2. 100 năm – một chủ trương bỏ dở
Ước mơ của thế hệ trí thức cận đại
Trong luận văn khét tiếng Luận về chính học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế, nhà chí sĩ đã phê phán một cách mạnh mẽ tình trạng học thuật đương thời: “Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”(5). Ông vẫn mơ ước dân tộc ta có một nền Quốc học sâu sắc để làm cơ sở tiếp thu nền văn minh hiện đại từ phương Tây.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các chí sĩ duy tân thành lập năm 1907, cho đến nay vẫn được nhiều chuyên gia về lịch sử, ngữ văn, giáo dục đánh giá là trường học có tư tưởng giáo dục tiên tiến nhất, sâu sắc nhất ở nước ta từ trước đến nay. Trường đề cao thực học, đề cao tự do trình bày tư tưởng, cổ động việc học chữ quốc ngữ Latin thay cho chữ Nôm, nhưng bên cạnh đó Trường vẫn tổ chức học một cách nghiêm túc 2 ngoại ngữ bắt buộc: Pháp văn (do Nguyễn Văn Vĩnh cùng một số nhà giáo nữa phụ trách) và Hán văn (do Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm…phụ trách). Nếu từ đó đến nay tư tưởng giáo dục ấy được thực hiện thì chúng ta đã có một nền giáo dục Việt Nam khác hẳn: hiện đại hơn, nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc hơn.
Trước 1945 ở nước ta, sau khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán thì chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1-2 tiết. Tuy số tiết học rất ít ỏi, nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai tiếng Việt và để cái tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người. Nhiều gia đình có gia phong tốt vẫn mời thầy về hoặc tự gia đình mình dạy chữ Hán cho con cháu. Nhờ cách làm ấy mà các trí thức được đào tạo thời Pháp nhìn chung đều có một kiến thức Hán học khá vững chắc bên cạnh kiến thức Tây học căn bản. Chính họ chứ không phải ai khác đã làm rường cột trí thức cho quốc gia và mãi mãi là niềm tự hào của đất nước: Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu…
Chương trình Hán văn khóa bản ở miền Nam trước 1975
Nhận thức được tầm quan trọng của chữ Hán nên Bộ Quốc gia Giáo dục miền Nam trước 1975 từng tổ chức một chương trình Hán văn dạy cho học sinh từ trung học đệ nhất cấp với bộ sách giáo khoa khá tốt: Hán văn khóa bản, học 1 giờ/ tuần bên cạnh hai sinh ngữ bắt buộc: Anh văn và Pháp văn. Lên đến trung học đệ nhị cấp, các chuyên ban được chia ra như sau:
- Ban A: chuyên sâu về Vạn vật
- Ban B: chuyên sâu về Toán
- Ban C: chuyên về Sinh ngữ (Anh, Pháp)
- Ban D: chuyên về cổ ngữ (chọn Anh hoặc Pháp và một cổ ngữ: Hán văn hoặc Latin) (6)
Một chương trình như thế là rất căn bản, rất đáng tham khảo, học tập. Các nhà làm giáo dục ở miền Nam cũng hiểu cái tế toái của việc dạy - học chữ Hán, cái khổ công của việc học một hai ngoại ngữ, nhưng họ sẵn sàng bỏ bớt nhiều môn học khác để dành thời gian học ngôn ngữ và cổ ngữ (học cả tiếng Latin như các trường phổ thông ở châu Âu), vì chỉ qua ngôn ngữ người ta mới hiểu sâu được văn hóa và mới có thể phát triển tư duy. Học ngôn ngữ là cái học căn bản, từ đó tạo điều kiện cho người ta tự học, tự học suốt đời. Ngày nay để giải quyết tận gốc cái tệ “trần ngôn sáo ngữ” trong việc học và thi môn ngữ văn ở trường phổ thông, tôi thấy cần phải tham khảo nghiêm túc chương trình giáo dục, trước hết là quốc văn và sinh ngữ của miền Nam trước 1975 cùng với chương trình các nước Đông Á và phương Tây khác để làm ra một chương trình mới căn bản hơn, hiện đại hơn, có tác dụng bồi bổ nguyên khí của quốc gia.
“Thoát Hán học”?
Ở miền Bắc chữ Hán bị loại hẳn ra khỏi trường phổ thông từ khá sớm. Trong chương trình giáo dục phổ thông không thấy học Hán văn mà chỉ có môn Trung văn với tính cách là môn ngoại ngữ hàng đầu cùng với môn Nga văn. Nguyên nhân của sự ghẻ lạnh với chữ Hán có lẽ xuất phát từ không khí “phản đế phản phong” bao trùm xã hội bấy giờ. Tất cả những gì thuộc về cổ học và Hán học đều dễ bị đánh đồng với chế độ phong kiến tàn ác, bảo thủ, lạc hậu. Phải chăng lúc bấy giờ chúng ta muốn xây dựng nền giáo dục mới, con người mới, xã hội mới, một nền độc lập tự chủ trên cơ sở một nước Việt Nam mới phủ định quá khứ phong kiến, có xu hướng “thoát Hán học”?
Cách mạng văn hóa của Trung Quốc nổ ra, ít nhiều ảnh hưởng đến nước ta với khẩu hiệu “phê Lâm phê Khổng” (phê tên phản động Lâm Bưu, phê Khổng Tử) làm cho xu hướng bài xích Hán học càng mạnh. Đỉnh điểm của xu hướng bài xích Hán học ấy là việc Trung văn, Hán học bị lẳng lặng đưa ra khỏi nhà trường sau khi tiếng súng của người đàn anh khổng lồ nổ ra ở biên giới phía Bắc năm 1979.
Thoát Hán học có phải là con đường đúng đắn để xây dựng nền giáo dục mới không? Hán học có mặt ở nước ta hàng nghìn năm nay, gắn bó với dân tộc này, nên nó đã trở thành một phần của Quốc học. Vì thế “thoát Hán học” cũng mở đường cho thoát Quốc học. Các nước Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc không cần thoát Hán học, thậm chí đưa cả một phần tinh thần Hán học vào hoạt động kinh tế, xã hội, thế mà vẫn xây dựng được đất nước hùng cường với một nền kinh tế phát triển, một nền công nghiệp hiện đại.
3. Dạy chữ Hán trong nhà trường như thế nào?
Người Việt cô đơn ở khu vực Đông Á
Hiện nay cùng với sự tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ của các nước Đông Á, số lượng học viên học các tiếng Hoa, Nhật, Hàn tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê gần đây: số lượng người học tiếng Nhật toàn quốc lên đến 20.000 người, số lượng người học tiếng Hoa nhiều hơn một chút. Việc học các ngôn ngữ phương Đông có sử dụng chữ Hán như trên, khiến cho sinh viên Việt Nam càng thấy trong vốn ngôn ngữ của mình thiếu hụt trầm trọng chữ Hán và vốn văn hóa truyền thống quá nghèo nàn.
Sau giấc mơ hiện đại hóa bằng cách làm bạn với các nước XHCN Đông Âu bất thành, Việt Nam trở về với khu vực của mình: Đông Nam Á và Đông Á. Văn hóa Đông Nam Á là cơ tầng thứ nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta đã xa cách vùng văn hoá này từ hàng nghìn năm nay, ngày nay chúng ta càng cảm thấy xa hơn nữa do tôn giáo Đông Nam Á chủ yếu là Hồi giáo và Phật giáo tiểu thừa. Việt Nam trở về với khu vực Đông Á, còn được mệnh danh là Khu vực văn hóa chữ Hán (Hán tự văn hóa quyển), phát triển mạnh mẽ hơn, mà gần gũi với mình hơn. Trở về với Đông Á mới thấy việc loại bỏ hoàn toàn chữ Hán ra khỏi chương trình giáo dục khiến người Việt Nam hiện tại đứt đoạn với truyền thống dân tộc, và người Việt trở nên lạc lõng, cô đơn với các nước trong khu vực. Dân tộc Việt Nam vốn không phải là một dân tộc cực đoan, nhưng do những trớ trêu của lịch sử và cả sai lầm trong nhận thức khiến cho chúng ta đoạn tuyệt với chữ viết, văn hóa ông cha mạnh mẽ hơn tất cả các quốc gia khu vực văn hóa chữ Hán còn lại.
Nhìn ra các nước Đông Á, không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán:
• Người Trung Quốc trước kia trong cơn sùng bái phương Tây và đổ lỗi sự lạc hậu của dân tộc mình cho chữ Hán, đã từng mơ Latin hóa chữ viết của mình, nhưng giấc mơ ấy bất khả. Họ đành bằng lòng quay về với việc dùng chữ Hán giản thể, và dạy cho học sinh phổ thông biết tối thiểu khoảng 3.000 chữ Hán để có thể đọc được tiếng phổ thông.
• Người Nhật Bản cũng từng thử nghiệm dùng chữ Romaji (Chữ Latin) nhưng những văn bản Latin tiếng Nhật hồi đầu thế kỷ XX trở thành những bản mật mã. Họ đành sử dụng hệ thống chữ Kana (chữ phiên âm) mà dân tộc họ đã sáng tạo ra từ hơn 10 thế kỷ trước với hai dạng Hiragana và Katakana(7), bên cạnh đó vẫn phải bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết thuần thục 1.945 chữ Hán
• Người Hàn Quốc chính thức sử dụng chữ Hangul mà dân tộc họ đã sáng tạo ra từ TK.XV(8), trong văn bản tiếng Hàn thông thường hiện nay hầu như không còn chữ Hán nữa, nhưng những văn bản cổ hơn hay tài liệu khoa học thì dùng khá nhiều. Vì vậy chương trình giáo dục của Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán cho học sinh: cấp 2 dạy 900 chữ, cấp 3 dạy 900 chữ, tổng cộng là 1800 chữ. Lên đại học, sinh viên muốn đi sâu vào KHXH thì phải học chữ Hán nhiều hơn nữa.
Chỉ riêng có Việt Nam là hoàn toàn không dạy chữ Hán trong chương trình phổ thông. Điều ấy có liên quan gì không với tình trạng kinh tế Việt Nam phát triển kém nhất, tiếng Việt dùng sai, nghèo nàn và bản sắc văn hóa dân tộc mờ nhạt nhất so với các nước trong khu vực?
Làm thế nào để dạy chữ Hán trong nhà trường?
Hiện nay chữ Hán đã “tuyệt chủng” ở Việt Nam chưa? Mặc dù tình hình học tập chữ Hán khó khăn như thế, nhưng chữ Hán vẫn còn sống. Những người biết chữ Hán bao gồm:
- Những nhà nghiên cứu, giảng viên chuyên nghiên cứu về Hán Nôm. Hiện có 3 trung tâm lớn nghiên cứu và giảng dạy lâu đời về chữ Hán là: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bộ môn Hán Nôm thuộc Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH và NV – ĐHQG HN và Bộ môn Hán Nôm thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM
- Một số học giả từng được đào tạo về Hán Nôm đang làm việc ở các ngành khác: văn, sử, triết, văn hóa…
- Một số người tự học Hán Nôm hay được đào tạo Hán Nôm từ những chương trình khác nhau: từ gia đình cho đến trường học.
Chủ trương đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông chắc chắn sẽ gây phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Chúng tôi đã hình dung ra những câu hỏi cơ bản và cách trả lời sau:
(1) Hỏi: Sao không nghĩ học cái gì khác hiện đại, kiếm ra tiền, lại bày ra trò học Hán Nôm – một thứ chữ “cổ lỗ, lạc hậu” đã chết từ lâu rồi?
Trả lời: Việc giáo dục không phải chỉ học cái hiện đại, dễ kiếm tiền, việc giáo dục con người có sứ mệnh lớn hơn thế nhiều. Lợi ích của việc học chữ Hán như đã nói ở trên là để cứu lấy tiếng Việt, để bảo vệ văn hóa dân tộc, để góp phần xây dựng người Việt Nam trở thành những con người có học vấn, có căn bản, biết tiếp thu cái mới, nhưng cũng biết kế thừa tinh hoa truyền thống…Việc làm này không có gì mới mà chỉ là kế thừa tư tưởng giáo dục của ông cha từ trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho đến chương trình giáo dục của miền Nam trước 1975, cũng tương tự như người Nhật, người Hàn dạy chữ Hán, người phương Tây dạy chữ Latin cho con em họ.
(2) Hỏi: Học sinh hiện nay học đã quá tải rồi, học thêm chữ Hán nữa thì còn thì giờ đâu nữa?
Trả lời: Học trò quá tải vì chương trình của chúng ta quá rườm rà và vì cách học nhồi nhét, cách thi theo kiểu “trả bài” của chúng ta. Nên lược bớt chương trình đi, chỉ học những môn căn bản thôi. Chữ Hán là một trong những môn căn bản. Chính việc học chữ Hán sẽ cho chúng ta thấy học ngữ văn mà học thuộc văn mẫu mất rất nhiều thì giờ như hiện nay là không cần thiết. Hơn nữa có lẽ trước mắt chúng ta chỉ cần dạy cho học sinh khoảng 1000 chữ Hán để cho họ biết chữ nghĩa căn bản, biết cách tra từ điển, biết cách tự học, những ai có hứng thú thì có thể học lên chuyên ngành ở đại học. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể dạy khoảng 2000 chữ Hán như người Nhật, người Hàn Quốc đang làm.
(3) Hỏi: Hay để giản tiện, chỉ học âm Hán Việt như trong các sách ngữ văn hiện nay có được không?
Không được. Vì chữ Hán là một thể thống nhất Hình - Âm - Nghĩa, chúng ta lược bỏ Hình đi thì từ gốc Hán sẽ không để lại một dấu ấn nào khả dĩ trong đầu óc học sinh. Hơn nữa mỗi một chữ Hán còn mang theo nó toàn bộ văn hóa truyền thống.
(4) Hỏi: Giả sử Quốc hội cho phép thực hiện chương trình dạy chữ Hán đại trà ở trường phổ thông thì lấy đâu ra giáo viên?
Trả lời: Hiện nay vẫn có nhiều giảng viên ở những đại học lớn biết chữ Hán nhất là ở các khoa ngữ văn, lịch sử của các trường đại học ở Hà Nội, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP.HCM, Cần Thơ…Chúng ta bắt đầu từ việc dạy đại trà cho sinh viên ngữ văn ở các đại học, rồi cho dạy thí điểm ở một số trường phổ thông. Sau đó dạy cho học sinh trung học cơ sở. Dần dần mở rộng ra học sinh chuyên ban KHXH ở trung học phổ thông. Cuối cùng mới tính toán đến việc dạy cho tất cả học sinh các ban khác.
4. Kết luận
Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng việc dạy chữ Hán trong trường phổ thông là một xu hướng không thể đảo ngược được, các cơ quan có trách nhiệm cũng như một bộ phận trong dân chúng chỉ có thể trì hoãn chứ không thể cản trở được xu hướng này. Chừng nào chúng ta còn dùng tiếng Việt, chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đạt được, thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán. Đời nay không làm thì đời sau, con cháu chúng ta có hiểu biết hơn họ nhất định cũng sẽ làm. Chỉ có điều lúc ấy việc giảng dạy sẽ khó khăn hơn, cái giá phải trả về sự mất gốc, khủng hoảng tiếng Việt nặng nề hơn và chúng ta phải chịu sự oán trách của hậu thế.
Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa Hán văn vào chương trình phổ thông thì sẽ đến ngày chúng ta thấy kết quả. Tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn. Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…như người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hàn Quốc. Một thế hệ người Việt Nam mới như mong ước của các sĩ phu Duy tân đầu TK.XX và của cả dân tộc ta sẽ thành sự thật.
TP.HCM, tháng 4 năm 2010
Đ.L.G
CHÚ THÍCH
(1) Fukuda Tsuneari 福田恒存 (1975), Sự sụp đổ của tiếng Nhật 崩(くず)れゆく日本語, Eichosha 英潮社xuất bản,
Fukuda Tsuneari 福田恒存 (1978), Tại sao người ta phá hoại tiếng Nhật? なぜ日本語を破壊するのか , Eichosha 英潮社xuất bản
Tsuchiya Michio 土屋道雄(1976), Tiếng Nhật hấp hối 死に掛けた日本語, Eichosha 英潮社xuất bản.
(2) Nguyễn Trãi trong Dư địa chí viết: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp đẻ làm loạn phong tục trong nước” (Phan Duy Tiếp dịch, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 2, NXB.Văn học, 1999, tr.481)
(3) Về vấn đề này tôi đã có dịp trình bày trong bài Báo động đỏ về đào tạo KHXH và NV, Tập san KHXH và NV số 39, Xuân 2010, sau đó có đưa lên trang web: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/Trong đó chúng tôi có viết: “Hiện có hàng trăm học giả, nghiên cứu sinh Trung Quốc và ở Trung Quốc đang nghiên cứu và chú giải về Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn…Họ nghiên cứu văn bản rất kỹ lưỡng, phương pháp rất mới mẻ, chú giải, bình luận rất thuyết phục, …Tôi đoan chắc 100% rằng gần như tuyệt đại đa số các tiến sĩ KHXH & NV của trường ta, những người đủ tư cách ngồi hội đồng, không thể phản biện nổi. Ai không tin tôi, xin chỉ cần đánh máy tên các cụ của chúng ta kể trên (bằng chữ Hán) rồi tìm trên Google, đợi 30 giây thôi sẽ hiểu rằng tôi không ngoa ngôn một chút nào! Tôi nói vậy không nhằm chê ai hết, mà chỉ nhằm đánh động rằng việc đào tạo KHXH và NV của chúng ta đã không đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của đất nước, của dân tộc”.
(4) Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam, tham luận Hội nghị khoa học “Nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn hóa Việt Nam” do Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TPHCM tổ chức năm 2009, xem website: http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
(5) Ngô Đức Kế: Luận về chính học cùng tà thuyết, trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 21, NXB.KHXH, Hà Nội, 1996, tr.710
(6) Tư liệu do giáo sư Nguyễn Khuê, nguyên Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM cung cấp. Nhân đây xin gửi lời cám ơn ông.
(7) Chữ viết tiếng Nhật hiện tại đang sử dụng gồm 3 hệ thống chữ (không kể chữ phiên âm Latin/ Romaji): (1) Chữ Hiragana: chữ phiên âm có nguồn gốc từ cách viết thảo chữ Hán; (2) Chữ Katakana: chữ phiên âm có nguồn gốc từ cách viết một phần của chữ Hán; (3) Kanji/ Hán tự: chữ Hán. Chữ Hiragana và chữ Katakana được gọi chung là chữ Kana – chữ phiên âm. Tương truyền chữ Kana do đại sư Kukai/ Không Hải (người sáng lập Chân Ngôn tông ở Nhật Bản, đồng thời là một học giả tiếng Phạn) đã sáng tạo ra từ TK.IX.
(8) Hệ thống chữ viết Hàn ngữ/ Hangul (gọi đầy đủ là “Huấn dân chính âm/ Hunmin chongum) do vua Lý Thế Tông/ Yi Se-jong và các cộng sự của ông đã sáng tạo ra, ban hành vào năm 1446.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Fukuda Tsuneari 福田恒存 (1975), Sự sụp đổ của tiếng Nhật 崩(くず)れゆく日本語, Eichosha 英潮社xuất bản
2. Fukuda Tsuneari 福田恒存 (1978), Tại sao người ta phá hoại tiếng Nhật? なぜ日本語を破壊するのか , Eichosha 英潮社xuất bản
3. Ngô Đức Kế: Luận về chính học cùng tà thuyết, trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 21, NXB.KHXH, Hà Nội, 1996
4. Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Phan Duy Tiếp dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 2, NXB.Văn học, 1999
5. Tsuchiya Michio 土屋道雄(1976), Tiếng Nhật hấp hối 死に掛けた日本語, Eichosha 英潮社xuất bản
TÓM TẮT BÁO CÁO
Bài viết nêu lên tình trạng báo động về việc tiếng Việt bị dùng sai và nghèo nàn, nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc do tình trạng không biết chữ Hán hiện nay. Bài viết cũng điểm qua quá trình đặt ra vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường trong suốt thế kỷ XX: từ trường Đông Kinh Nghĩa thục đến chương trình trước 1945 và từ 1954 đến 1975 ở miền Nam và miền Bắc. Bài viết cũng điểm qua tình hình dạy chữ Hán ở các nước trong khu vực: Trung Quốc dạy khoảng 3000 chữ Hán giản thể, Nhật Bản và Hàn Quốc dạy gần 2000 chữ Hán, từ đó đặt yêu cầu bức thiết khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường nước ta, coi đó như biện pháp cơ bản để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn: FB Đoàn Lê Giang